Bản tin Cải cách hành chính ngày 07/9/2023

14:40, Thứ Năm, 7-9-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN TỨC – SỰ KIỆN

1.        Dư luận Israel đánh giá tích cực chính sách cải cách thị thực của Việt Nam

2.        Không để phát sinh thủ tục, “giấy phép con” khi ban hành văn bản hướng dẫn

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

3.        Hiệu quả từ mô hình sáng kiến cải cách hành chính của Công an tỉnh Đắk Nông

4.        Đẩy mạnh cấp đổi GPLX trực tuyến, Bình Định nằm top đầu tỷ lệ nộp hồ sơ

5.        An Giang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

6.        Giảm 5 - 10% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, vàng để giảm chi phí cho doanh nghiệp

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

7.        TP.HCM lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

8.        Hà Nội: Ưu đãi, thu hút nhân tài còn hạn chế, vì sao

9.        Đắk Lắk: Cán bộ bị đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức

THẾ GIỚI10.     Trung Quốc: Bàn về việc xóa bỏ tệ quan liêu và các thủ tục rườm rà

 

 

TIN TỨC – SỰ KIỆN

Dư luận Israel đánh giá tích cực chính sách cải cách thị thực của Việt Nam

Việc Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP từ ngày 15/8 áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đồng thời nâng thời hạn của thị thực điện tử lên tới 90 ngày đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân và doanh nghiệp Israel.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, những người được hỏi đều đánh giá cao chính sách mới, cho rằng Việt Nam đang thực hiện những bước cải cách về thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng và kinh doanh. Thay vì phải đến tận nơi đóng dấu thị thực vào hộ chiếu, việc xin thị thực điện tử sẽ tiện lợi hơn, nhanh hơn và giảm bớt chi phí.

Ông Eran Laufman, người dân thành phố Yavne, Israel, cho biết 6 tháng trước, ông đã du lịch tới Việt Nam và vô cùng ấn tượng với các địa danh nổi tiếng như Hạ Long, Sapa. Ông đã từng nghe nói về các địa danh này trong một chuyến du lịch tới Đông Nam Á trước đây, nhưng không thể đăng ký xin thị thực tại thời điểm đó vì không có kế hoạch từ trước.

Các doanh nghiệp lữ hành có lẽ là nhóm hào hứng nhất khi đón nhận thông tin Việt Nam đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh. Ông Buta Doron, người sáng lập và là Giám đốc điều hành công ty Doron -Vietnam Travel, đánh giá cao khi Việt Nam cải tiến thủ tục cấp và nâng thời hạn thị thực cho du khách nước ngoài kể từ ngày 15/8 vừa qua. Theo ông, chắc chắn thị thực điện tử sẽ mang lại trải nghiệm dễ chịu hơn cho du khách Israel khi họ chỉ cần thực hiện đăng ký qua máy tính và mạng Internet.

Áp dụng quy trình thị thực điện tử giúp du khách có thể dễ dàng ra quyết định có nên thực hiện chuyến đi hay không, bởi các thủ tục lúc này giống như việc đặt vé máy bay là có thể lên đường. Bên cạnh đó, thời hạn của thị thực cũng được nâng lên và có giá trị nhập cảnh nhiều lần, đây là điều các du khách Israel rất quan tâm.

Ông Viet Fam - Tổng Giám đốc công ty Vietfood Group – cho hay một số người bạn của ông đã đăng ký thành công và lên đường sang Việt Nam ngay sau khi quy định mới có hiệu lực. Ông nói: “Một số người muốn ở lâu hơn 1 tháng. Với thời hạn thị thực du lịch lên tới 3 tháng, thay vì chỉ 30 ngày như trước đây, họ có cơ hội khám phá hết vẻ đẹp của Việt Nam. Họ muốn đi du lịch tới cả các tỉnh miền Bắc và miền Nam, để thực sự tận dụng được hết cơ hội tới thăm đất nước của các bạn”.

Là giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến từ Việt Nam để xuất đi các nước châu Âu, Trung Đông, ông Viet Fam thường xuyên đi lại giữa Israel và Việt Nam. Ông cho rằng việc cấp thị thực điện tử và nâng giá trị thời hạn lên 3 tháng là một chính sách tuyệt vời của Chính phủ Việt Nam, tạo thuận tiện cho du khách và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp lữ hành và hàng không.

Những cải cách về thị thực càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam và Israel mới đây đã ký Hiệp định Thương mại Tự do song phương (VIFTA) và đang có kế hoạch sớm khai thác đường bay thẳng giữa hai nước. Chuyên gia Doron nhận định những chuyển biến tích cực này sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt là du lịch và thương mại. Từ góc độ của người làm du lịch, ông Doron hy vọng đường bay thẳng sẽ giúp giá vé máy bay hai chiều giữa Israel và Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, qua đó kích thích nhu cầu du lịch và khám phá của người dân Israel tới Việt Nam.

Trong khi đó, công ty Vietfood Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại; nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là thủy hải sản đông lạnh như cá, tôm, mực các loại, để cung cấp cho các siêu thị không chỉ ở Israel mà cả 12 quốc gia khác. Có hơn 10 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, ông Viet Fam cho rằng việc hai nước ký hiệp định VIFTA là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và du lịch. Hiện tổng kim ngạch thương mại hai chiều vào khoảng gần 2,5 tỷ USD/năm, xét về tiềm năng có thể tăng lên 3,5 - 4 tỷ USD trong 2 năm tới.

Những cải cách về thủ tục cấp thị thực đang mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh ngày càng lớn cho cả hai bên. Các doanh nghiệp Israel sở hữu nhiều công nghệ và phát minh mới, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam rất cần các công nghệ này để áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy, một mặt, các doanh nghiệp và du khách Israel rất muốn sang Việt Nam, mặt khác người Việt Nam với tính ham học hỏi cũng rất mong muốn sang Israel tìm hiểu những kiến thức và công nghệ.

Ông Viet Fam khẳng định: “VIFTA mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Israel. Họ sẽ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam nhiều hơn. Kể cả khi họ muốn nhập hàng hóa từ các nước khác trong khu vực, họ cũng sẽ đến Việt Nam do có ưu đãi về thuế và chất lượng sản phẩm tốt. Tôi nghĩ điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cả hai quốc gia, trong đó có công ty của tôi”. (TTXVN/Baotintuc.vn 06/9, Vũ Hội)Về đầu trang

Không để phát sinh thủ tục, “giấy phép con” khi ban hành văn bản hướng dẫn

Chiều 6/9, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương trong công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết.

Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp, làm cơ sở để các Bộ, cơ quan triển khai thực hiện.

Đối với một số luật mới hoặc phức tạp, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch riêng để triển khai thi hành như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Thanh tra; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam… với tiến độ ban hành rất nhanh. Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH cũng còn không ít tồn tại, hạn chế.

Dẫn ra một số trường hợp cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra việc người dân và doanh nghiệp vẫn còn ngóng văn bản hướng dẫn. Cá biệt có một số trường hợp nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm, làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định.

Một số văn bản chưa bảo đảm về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển. Một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng chậm được xử lý. Việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản đã phát hiện nhưng xử lý còn chưa kịp thời, chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực trạng nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng.

Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Chính phủ cũng chưa kịp thời xác định, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật...

Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội cho biết khối lượng công việc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đều rất lớn và còn có thể phát sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý. Để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội liệt kê 9 nhóm nhiệm vụ cần tập trung ưu tiên.

Trong đó, có yêu cầu phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết; đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các văn bản.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 06/9, Hoàng Yến)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Hiệu quả từ mô hình sáng kiến cải cách hành chính của Công an tỉnh Đắk Nông

Sau gần 4 tháng chính triển khai, mô hình sáng kiến cải cách hành chính “Tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của lực lượng Công an Đắk Nông bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Giảm thời gian đi lại, chờ đợi, thủ tục giải quyết nhanh gọn, cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm việc tiếp xúc với Nhân dân luôn niềm nở, nhiệt tình, không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp... là những lời nhận xét của người dân và các cơ quan doanh nghiệp khi đến liên hệ công tác tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Công an tỉnh Đắk Nông.

Anh Nguyễn Văn Thuấn ở thành phố Gia Nghĩa cho biết “Tôi thấy việc lực lượng Công an triển khai mô hình sáng kiến cải cách hành chính là việc làm hết sức thiết thực, tất cả vì Nhân dân phục vụ. Cán bộ, chiến sĩ ở đây làm việc rất nhiệt tình, hướng dẫn tôi thực hiện đăng ký giải quyết thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến rất nhanh. Tôi rất hài lòng”.

“Tôi đến đây làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông và được cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến rất nhanh chóng và thuận tiện. Tôi và người dân đánh giá rất cao cách làm của Công an Đắk Nông trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến liên hệ và giải quyết các thủ tục hành chính”. Anh Trần Minh Quân ở huyện Đắk R’lấp chia sẻ.

Theo Thiếu tá Bùi Thị Phượng – Đội trưởng, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đắk Nông, sau gần 4 tháng triển khai mô hình, đơn vị đã hướng dẫn cho hơn 3000 công dân đến làm các thủ tục cấp, đổi hộ chiếu thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Đối với “Ngày không viết” người dân không phải viết hồ sơ mà chỉ cần kiểm tra lại thông tin và ký xác nhận các nội dung; đối với “ngày không hẹn” đơn vị đã hướng dẫn và rút ngắn thời gian giải quyết và kết quả ngay trong ngày làm việc, không để người dân phải đợi đến ngày hôm sau. Qua khảo sát người dân rất hài lòng với việc triển khai mô hình của Công an tỉnh Đắk Nông và tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, chiến sĩ”.

Không riêng gì tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Công an tỉnh, có mặt tại các Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Công an cấp huyện, cấp xã trên địa tỉnh toàn tỉnh trong những ngày này, chúng tôi mới thấy hết được tinh thần trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ và hiệu quả từ mô hình sáng kiến cải cách hành chính “Tăng cường hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính mang lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân.

Với tinh thần vì Nhân dân phục vụ, hầu hết cán bộ chiến sĩ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Công an các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã không những nêu cao tinh thần tận tụy, thái độ hòa nhã, niềm nở phục vụ nhân dân mà còn nhận thêm việc, làm thêm giờ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

“Từ hiệu quả bước đầu, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện mô hình, đơn vị sẽ tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương có biện pháp, giải pháp tổng thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương và xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an vì Nhân dân phục vụ...”. Thiếu tá Lê Hoàng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh chia sẻ. (Cadn.com.vn 07/9, Hồng Long)Về đầu trang

Đẩy mạnh cấp đổi GPLX trực tuyến, Bình Định nằm top đầu tỷ lệ nộp hồ sơ

Bình Định đang là một trong những địa phương đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình “Đổi giấy phép lái xe (GPLX) do ngành GTVT cấp”.

Vừa qua, anh N.V.T (ngụ TP Quy Nhơn, Bình Định) đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định làm hồ sơ khám sức khỏe để đổi GPLX hạng B2. Tại đây, dữ liệu khám sức khỏe của anh T. được bệnh viện tích hợp lên Cổng giám định Bảo hiểm Y tế và được đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ cho việc cấp đổi giấy phép lái xe.

Tại bệnh viện, một tổ Đoàn thanh niên tỉnh được bố trí hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính công, có mặt hướng dẫn anh T. các bước đăng ký đổi GPLX trực tuyến.

Từ các file ảnh điện tử, mã giấy chứng nhận sức khỏe điện tử, ảnh scan hoặc ảnh chụp màu, 2 mặt của GPLX đang sử dụng…, anh T. được các đoàn viên hướng dẫn truy cập vào một trong những địa chỉ gồm: Cổng dịch vụ công Quốc gia (https://dichvucong.gov.vn); Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Định (https://dichvucong.binhdinh.gov.vn; đăng nhập và chọn Sở “Giao thông vận tải tỉnh Bình Định”, tìm thủ tục hành chính “Đổi Giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp” để thực hiện dịch vụ công) hoặc địa chỉ https://dvc4.gplx.gov.vn/p/home/dvc-trang-chu.html để nộp hồ sơ đổi GPLX trực tuyến.

Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký, anh T. sử dụng dịch vụ Internet banking nộp lệ phí cấp đổi trực tuyến và đăng ký nhận kết quả tại nhà.

“Tôi thấy việc nộp hồ sơ đổi giấy phép lái xe trực tuyến và nhận kết quả tại nhà, không chỉ giúp người dân tiết kiệm được thời gian công sức, mà còn giảm được khá nhiều chi phí do không phải đến tận nơi làm thủ tục”, anh T. chia sẻ.

Được biết, việc triển khai cung cấp dịch vụ công toàn trình (trước dây gọi là mức độ 4), thủ tục “Đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp” thuộc Danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, đã được UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo triển khai quyết liệt từ cuối năm 2021.

Văn phòng UBND tỉnh và Sở Y tế tích cực phối hợp triển khai và đến tháng 11/2022 đã hoàn thành xong việc kết nối, tích hợp hệ thống phần mềm nội bộ của 100% cơ sở y tế khám sức khỏe lái xe trên địa bàn tỉnh với “Cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh” của Bộ Y tế (nay là “Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế” của Bảo hiểm xã hội Việt Nam) để cập nhật, chia sẻ liên thông dữ liệu điện tử kết quả khám sức khỏe lái xe với “phần mềm cấp giấy phép lái xe” của Bộ Giao thông vận tải. Đây được xem là “mắc xích” quan trọng nhất để Bình Định thực hiện toàn bộ quy trình cấp đổi GPLX trực tuyến đảm bảo thực chất và người dân hoàn toàn có thể tự thực hiện ngay tại nhà.

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Định, tính đến tháng 7/2023, đã thực hiện cấp đổi 621 hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình. Theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, tỉnh Bình Định là một trong 10 địa phương có tỷ lệ hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến cao nhất cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến so với tổng hồ sơ cấp đổi trực tiếp vẫn còn thấp.

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có văn bản giao Sở GTVT tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Sở Y tế, Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình “Đổi GPLX do ngành GTVT cấp” trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu hiệu quả, thực chất và bền vững. Trong đó, lưu ý giải pháp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện ngay tại các cơ sở y tế khám sức khỏe lái xe.

Theo đó, Sở Y tế đã triển khai, chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường hướng dẫn, nhắc nhở người dân ưu tiên sử dụng căn cước công dân (nếu có) để khai báo thông tin hồ sơ khám sức khỏe lái xe để đồng nhất dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dễ dàng tra cứu khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đổi GPLX. Đồng thời, các tổ chức Đoàn thanh niên địa phương và các Bưu cục trực thuộc Bưu điện tỉnh cũng tăng cường triển khai hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký, khai báo hồ sơ đổi GPLX trực tuyến toàn trình tại cơ sở y tế.

Gắn với việc thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2022 – 2027” của UBND tỉnh, Ban Thường vụ tỉnh đoàn Bình Định đã bố trí cho Đoàn thanh niên túc trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và tại hầu hết các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn người dân làm các thủ tục nộp hồ sơ đổi GPLX ô tô trực tuyến ngay từ khi người dân đi khám sức khỏe.

Văn phòng UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân thực hiện đăng ký, khai báo thông tin nộp hồ sơ trực tuyến đổi GPLX; phối hợp với Sở GTVT tổng hợp số liệu, theo dõi tình hình triển khai thực hiện để kịp thời góp ý, đề xuất biện pháp xử lý các vướng mắc tồn đọng trong công tác giải quyết hồ sơ đổi GPLX trực tuyến toàn trình.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh triển khai thông tin, tuyên truyền và quán triệt cho 100% cán bộ, nhân viên, lái xe của đơn vị phải sử dụng phương thức trực tuyến khi thực hiện thủ tục “Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp”... (Vietnamnet.vn 06/9, Hồ Giáp)Về đầu trang

An Giang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chương trình, kế hoạch, An Giang đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến môi trường thân thiện, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh An Giang đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC)  trực tuyến mức độ 3 (một phần) và mức độ 4 (toàn trình); thực hiện tốt công tác số hóa hồ sơ theo quy định; thực hiện "4 tại chỗ". Kết quả từ đầu năm đến nay, tổng số hồ sơ đã xử lý đúng hạn đạt 99,9%, số hồ sơ trễ hạn chỉ chiếm 0,1%.

Tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết 04/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình quy định và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chuẩn hóa, được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh, các ngành, các cấp đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo đề án, chủ trương của UBND tỉnh.

Qua đó, đã kết nối, tích hợp đồng bộ 100% danh mục TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp 2.059 dịch vụ hành chính công cho tất cả TTHC của tỉnh. Trong đó, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (một phần) là 604 dịch vụ, tỷ lệ 29,3%; tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (toàn trình) là 982 dịch vụ, tỷ lệ 47,7%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 96,6%. Đồng thời, đã tích hợp 1.487 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trực tuyến đạt 75,6%.

Điểm nhấn là việc triển khai, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh được Trung ương công nhận sáng kiến, giải pháp mới năm 2022, hiện đang vận hành thử nghiệm với 10 lĩnh vực. Đồng thời, có 8/11 huyện, thị xã, thành phố đã ra mắt Trung tâm IOC cấp huyện. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được tỉnh đầu tư khá đồng bộ, bước đầu hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành, phục vụ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ chính quyền điện tử. (Baoangiang.com.vn 07/9, Trọng Tín)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Giảm 5 - 10% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, vàng để giảm chi phí cho doanh nghiệp

Ngành hải quan đang nỗ lực giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng cũng như tăng 20% số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình "Hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan".

Việc cắt giảm tỷ lệ tờ khai luồng đỏ, luồng vàng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần cắt giảm thời gian thông quan, giải phóng hàng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Hải quan, tính toán trên số liệu tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022, nếu giảm được 5% tỷ lệ các lô hàng tờ khai luồng đỏ, sẽ giảm tương ứng khoảng 31.000 tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa, qua đó giảm gần 20.000 giờ công lao động cho công chức hải quan.

Nếu giảm 10% tỷ lệ lô hàng luồng vàng sẽ cắt giảm khoảng 440.000 bộ hồ sơ hải quan phải kiểm tra hải quan và giảm gần 100.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. Điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan quản lý.

Những năm gầy đây, tình hình thế giới có nhiều biến động từ hậu quả của COVID-19, sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn tiếp diễn và xung đột vũ trang Nga - Ukraine đã tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Do vậy, ngành Hải quan xác định công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. (VTV.vn 07/9)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

TP.HCM lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức TP. Ban Chỉ đạo gồm 24 thành viên.

Ban Tổ chức Thành uỷ TP.HCM là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo. Trong đó, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo sẽ có một Phó trưởng ban thường trực là ông Nguyễn Phước Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, làm Phó trưởng ban. PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TP.HCM cũng là thành viên của Ban chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả trong nước và ở nước ngoài, công chức, viên chức TP. (Plo.vn 07/9, Thanh Tuyền)Về đầu trang

Hà Nội: Ưu đãi, thu hút nhân tài còn hạn chế, vì sao?

Hiện nay, Hà Nội rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi đây sẽ là lực lượng có đóng góp cốt lõi, quan trọng vào phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, để thu hút nhân tài, Hà Nội cần có thêm những chính sách ưu đãi, chế độ đãi ngộ phù hợp.

Theo Nghị quyết 14 HĐND thành phố Hà Nội về trọng dụng nhân tài, thủ khoa xuất sắc nếu về công tác tại Hà Nội sẽ được hưởng chính sách ưu đãi. Theo đó, họ được hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu. Sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận. Tuy nhiên, họ cũng phải cam kết làm việc cho thành phố 7 năm nếu hưởng mức hỗ trợ.

Dù có nhiều ưu đãi như vậy, nhưng nhiều thủ khoa không mặn mà về Hà Nội công tác. Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2022, chỉ có 55 thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học về làm việc tại Hà Nội, trong đó, 43 công chức, 12 viên chức. Quá trình công tác, 9 công chức từng là thủ khoa xuất sắc xin chuyển công tác ra ngoài và 5 công chức xin thôi việc.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố chưa đủ sức hấp dẫn cả về môi trường làm việc, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến.

TS Đoàn Trung Kiên (Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng chưa đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài trong và ngoài nước về Thủ đô làm việc. Trong khi đó, việc thực hiện Khoản 2 Điều 13 Luật Thủ đô hiện nay và Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND bộc lộ một số bất cập.

Cụ thể, phạm vi đối tượng được áp dụng chính sách trọng dụng còn hạn chế. Số lượng người được tuyển dụng còn khiêm tốn. Tiêu chí xác định để tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao chủ yếu là thông qua bằng cấp mà chưa quan tâm đến những người có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, thành phố chưa thu hút được các nhóm đối tượng như chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân... trong và ngoài nước.

Theo Đại tá, TS Nguyễn Hữu Phúc (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng), Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa vấn đề thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chính sách đúng đắn, cần thiết đối với Hà Nội. Bởi hiện nay, trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh chủ yếu là “chất xám”, “nhân tài”. Quốc gia nào có được nguồn nhân lực chất lượng cao, với đội ngũ nhân tài hùng mạnh thì sẽ phát triển.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Phúc cũng cho rằng, dự thảo cần phải bổ sung phần giải thích thế nào là nhân tài, đồng thời cần nới rộng phạm vi đánh giá nhân tài.

“Để chính sách thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô có sự đột phá và mang tính khả thi cần bổ sung vào dự thảo một số quy định tường minh, chặt chẽ hơn. Ví như quy định về chính sách đãi ngộ, hệ thống tiền lương, thưởng, phụ cấp”, TS nguyễn Hữu Phúc đề nghị.

Đồng quan điểm, TS Bùi Xuân Phái (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, Thủ đô cần có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, giải quyết các thách thức và những nhiệm vụ cấp bách ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Do vậy, cơ quan tuyển dụng cần tìm mọi cách thu hút, giữ lại những sinh viên tài năng hàng đầu từ các trường cao đẳng, đại học trong nước và quốc tế.

Dự thảo Luật Thủ đô cũng trao quyền cho: “Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ký hợp đồng với người thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực ngoài nhà nước vào làm việc và đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo”. Theo TS Nguyễn Hữu Phúc, quy định này là hợp lý.

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung một số nội dung nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài, tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi. (Tienphong.vn 07/9, Thanh Hiếu)Về đầu trang

Đắk Lắk: Cán bộ bị đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức

Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với 31 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Đắk Lắk (khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026) bầu.

Trong đó, có sáu cán bộ là Chủ tịch và một Phó chủ tịch cùng bốn trưởng ban thuộc HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh cùng ba cấp phó; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; 16 giám đốc các sở; Bí thư Huyện ủy Cư Mgar, Ea Súp và Trưởng ban Dân tộc tỉnh.

Việc lấy phiếu tín nhiệm này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Quá trình thực hiện theo đúng Nghị quyết số 96 của Quốc hội và các quy định có liên quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Trường hợp không xin từ chức thì Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hoặc kỳ họp gần nhất. Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để HĐND tỉnh bầu có trách nhiệm trình HĐND tỉnh tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

Cũng theo kế hoạch của HĐND tỉnh Đắk Lắk, những người được lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện báo cáo đầy đủ, trung thực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành hiến pháp, pháp luật; kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đánh giá hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và Nhân dân có ý kiến hoặc đại biểu HĐND yêu cầu (nếu có).

Gửi báo cáo và bản kê khai tài sản, thu nhập cá nhân đến Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 9-9 này. Kết quả của phiếu tín nhiệm sẽ được đăng tải công khai. (Plo.vn 07/9, Vũ Long)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc: Bàn về việc xóa bỏ tệ quan liêu và các thủ tục rườm rà

Theo China Daily, các cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) và Ủy ban Giám sát Quốc gia (NCS) đã đưa ra những ví dụ cho thấy các thủ tục không cần thiết và tệ quan liêu trong nước.

Bình luận trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, chính quyền cấp cơ sở nên được giải phóng khỏi những cuộc họp triền miên và giấy tờ báo cáo bất tận, để thực hành đổi mới và thực sự giải quyết những mối quan ngại cấp bách của người dân.

Kể từ năm 2012, có những vấn đề nổi bật đã được giải quyết và một số hình thức sai phạm cũng đã được khắc phục. Nhưng vẫn tồn tại các vấn đề, đặc biệt liên quan đến việc làm tăng gánh nặng cho cán bộ cấp cơ sở, tiếp tục dai dẳng và có tỷ lệ vi phạm cao, là đối tượng của các khiếu nại, tố cáo từ cả người dân và cán bộ.

CCDI và NCS kêu gọi cơ quan các cấp xem xét cẩn trọng hành vi làm tăng gánh nặng cho chính quyền cơ sở và thực hiện những biện pháp khắc phục có mục tiêu. Yêu cầu cơ quan giám sát kịp thời ban hành hướng dẫn các vụ việc để đẩy mạnh điều tra, hoàn thiện hệ thống kỷ luật nhằm đáp ứng nhu cầu mới.

Ji Yaping, người đứng đầu Trường Luật Hành chính tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Bắc, cho biết, các cơ quan nhà nước cấp cơ sở và các tổ chức công đang bị sa lầy bởi những thủ tục giấy tờ, cuộc họp, biểu mẫu, những cuộc kiểm tra và đánh giá lặp đi lặp lại, không cần thiết từ cơ quan cấp trên.

Ông cho biết, kết quả là nhiều cán bộ cơ sở dành nhiều thời gian và sức lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách thụ động và có ít thời gian xem xét làm thế nào để giải quyết thực sự các vấn đề của địa phương.

“Giảm gánh nặng cho cấp cơ sở có nghĩa là trong khi hoàn thành các đánh giá cần thiết từ cơ quan cấp cao hơn, chính quyền cấp cơ sở vẫn có thời gian để suy nghĩ về cách giải quyết các vấn đề thực tế của địa phương và thúc đẩy sự phát triển lâu dài, chất lượng cao”, ông Ji Yaping nói.

Trong một trường hợp, vào tháng 5 năm ngoái, Cục Kế hoạch và Tài nguyên Thiên nhiên Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã yêu cầu cấp dưới khắc phục các vấn đề sử dụng đất bất hợp pháp. Quận Shuangliu của Thành Đô yêu cầu các thị trấn trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ trong 2 ngày mà không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể. Kết quả là, một số nơi đã không thể hoàn thành nhiệm vụ một cách có hiệu quả.

Lãnh đạo Trường Luật Hành chính tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Tây Bắc cho rằng, gánh nặng đối với cán bộ cơ sở là do thủ tục rườm rà và sự quan liêu gây ra, và những thủ tục như vậy là cách đánh giá sai lầm về hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá thường do các bộ phận cấp trên đặt ra nhằm nâng cao ảnh hưởng của họ đối với cấp dưới. Một số lãnh đạo cấp trên thường cho rằng, nhiệm vụ của mình quan trọng hơn nên liên tục giao nhiệm vụ cho bộ phận cấp dưới mà không có lý do chính đáng.

Ngoài ra, đổ lỗi là một lý lẽ khác cho chủ nghĩa hình thức. Theo ông Ji, một số lãnh đạo cấp trên sợ phải chịu trách nhiệm về những vấn đề trong công việc nên tổ chức họp và đưa ra các văn bản để chứng minh rằng họ đã thực hiện các chính sách từ cấp cao hơn. Kết quả là cấp dưới của họ bị mắc kẹt trong những cuộc họp và giấy tờ triền miên”.

Vào tháng 3/2019, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành thông tư yêu cầu các cấp ủy Đảng ở tất cả các khu vực và ban, ngành nghiêm túc thực hiện trách nhiệm chính của mình. Đồng thời, chỉ đạo các quan chức lãnh đạo chịu trách nhiệm chung trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa hình thức đang gây khó khăn cho chính quyền cơ sở và giảm bớt gánh nặng cho họ một cách hiệu quả.

Sau đó, cơ quan trung ương của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm chống lại các thủ tục rườm rà và giảm bớt gánh nặng cho những người làm việc ở cấp cơ sở đã được thành lập.

Vào tháng 6 năm ngoái, cơ quan này đã tổ chức họp và ban hành văn bản nhấn mạnh cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề và đảm bảo đạt được nhiều kết quả thiết thực hơn. Cùng với đó, yêu cầu tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề phong cách làm việc thiếu chuẩn mực của các quan chức, chẳng hạn như sự lười biếng và quan liêu.

Khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động một cách phù hợp và đảm bảo rằng các công chức, đảng viên coi việc bảo vệ phúc lợi của người dân là ưu tiên hàng đầu.

Ông Zhuang Deshui, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xây dựng Chính phủ liêm chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết cuộc họp do chính quyền trung ương tổ chức vào tháng 6 này càng làm sâu sắc thêm những nỗ lực đã thực hiện trong năm 2019 nhằm chống lại các thủ tục rườm rà và quan liêu.

Ông Zhuang cũng cho biết, các công chức cấp cơ sở thường không có thời gian để suy nghĩ về vấn đề cải cách và đổi mới do phải tốn nhiều thời gian và sức lực để giải quyết yêu cầu từ các cơ quan cấp cao hơn.

“Người dân thường cho rằng, vấn đề hình thức là ở cấp cơ sở, nhưng thực ra căn nguyên nằm ở các cơ quan cấp trên. Ngoài ra còn có tình trạng một vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tức là cấp dưới giải quyết chính sách và yêu cầu từ các bộ phận cấp trên khác nhau hàng ngày", ông Zhuang nói. (Thanhtra.com.vn 06/9, Hoài Phương)Về đầu trang./.

Các tin khác

09