Bản tin Cải cách hành chính ngày 02/4/2024

16:24, Thứ Ba, 2-4-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Hà Nội thí điểm triển khai cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID

2.        Bạc Liêu: Tăng cường kết nối giữa hệ thống chính trị với doanh nghiệp

3.        Bình Phước: Đẩy mạnh xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

4.        Quảng Trị: Giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính

5.        Bình Thuận: Cải cách hành chính lĩnh vực đất đai, phục vụ người dân, doanh nghiệp

6.        Trà Vinh: Quan tâm chỉ số thành phần Tính năng động, tiên phong

7.        Huế: Tiện ích khi người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến

8.        Đồng Tháp: Tiện ích khi quản lý lưu trú qua phần mềm ASM

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

9.        Đồng Nai: Gương mẫu, thể hiện vai trò lãnh đạo, trách nhiệm người đứng đầu

THẾ GIỚI

10.     Pháp muốn đổi mô hình "Nhà nước phúc lợi"

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội thí điểm triển khai cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID

Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID.

Theo UBND thành phố Hà Nội, bên cạnh phương thức yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, người dân có thể thực hiện thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID.

Theo đó, người dân sử dụng các giấy tờ cá nhân dạng điện tử thay cho bản giấy Căn cước công dân gắn chip để thực hiện giao dịch thủ tục hành chính cấp Phiếu LLTP đăng ký trên VNeID.

UBND thành phố yêu cầu việc thực hiện cấp Phiếu LLTP trên VneID phải đảm bảo theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo UBND thành phố Hà Nội việc triển khai cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VneID nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, tránh sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và nhà nước.

UBND thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến tiện ích trên ứng dụng VNeID. Đồng thời, hướng dẫn việc triển khai thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID. (Tienphong.vn 01/4, Thanh Hiếu)Về đầu trang

Bạc Liêu: Tăng cường kết nối giữa hệ thống chính trị với doanh nghiệp

Ngày 01/4, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi Cà phê - điểm tâm sáng với doanh nghiệp tháng 4/2024 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi gặp mặt, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo tình hình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã phản ánh, kiến nghị tại buổi Cà phê - điểm tâm sáng với doanh nghiệp kỳ trước. Sau đó, các doanh nghiệp và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cùng trao đổi, bàn giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Buổi gặp mặt lần này, các doanh nghiệp quan tâm về mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố Bạc Liêu; lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; quy hoạch nhà ở xã hội; bảng giá đất; tạo điều kiện và ưu tiên sử dụng dịch vụ du lịch của doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi điện thoại cố định có dây truyền thống sang sử dụng trên đường truyền cáp quang để tạo vẻ mỹ quan đô thị…

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp vào sự phát triển của tỉnh và rất hoan nghênh các doanh nghiệp đến tỉnh Bạc Liêu đầu tư. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, chính quyền tỉnh Bạc Liêu luôn đồng hành, chia sẻ cùng với cộng đồng doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển theo quy định của pháp luật.

Về các vấn đề doanh nghiệp đặt ra tại buổi gặp mặt này, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đề nghị các sở, ngành, địa phương theo thẩm quyền của mình khẩn trương tháo gỡ và tiếp tục hỗ trợ tích cực để doanh nghiệp hoạt động. Trong quá trình thực hiện phải công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… đồng thời tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, góp phần thực hiện tốt vai trò cầu nối gắn kết giữa hệ thống chính trị với doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (Dangcongsan.vn 01/4, Kiều Ngân)Về đầu trang

Bình Phước: Đẩy mạnh xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã nỗ lực hướng dẫn công dân tham gia dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, đời sống văn hóa, xã hội ở địa phương, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết, xử lý các thủ tục, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử của tỉnh hiện đạt gần mức tuyệt đối (gần 99%). Trong đó, hơn 80% TTHC ở địa phương được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình (thực hiện toàn bộ trên môi trường mạng) và kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, tất cả các khâu giải quyết TTHC về đầu tư được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định.

Điều này tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đã có dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh ở Bình Phước dễ dàng mở rộng hoạt động, đầu tư thêm dự án mới. Điển hình có thể kể đến Công ty Kuka Home Việt Nam; CP Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Japfa; lốp xe Haohua - Trung Quốc… Ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách, giải quyết TTHC cũng góp phần giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, hỗ trợ tối đa công dân khi tham gia sử dụng dịch vụ.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, trước đây, để giải quyết một TTHC, người dân phải đến nhiều phòng, ban khác nhau, thậm chí đi lại nhiều lần cho đến khi hoàn thành. Tuy nhiên, vấn đề này gần như được xử lý triệt để sau khi địa phương triển khai thực hiện cơ chế liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính công trên môi trường mạng.

Ghi nhận công tác xử lý hồ sơ điện tử đã rút ngắn tối đa 60% thời gian giải quyết thủ tục thông thường. Hiện, tỉnh cũng đã ban hành danh mục hơn 1.000 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy trình khép kín từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số đến trả kết quả ngay trên chính môi trường mạng.

Ngoài ra, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn cho người dân, tổ chức cũng đạt mức cao (hơn 99%) và chỉ số về mức độ hài lòng của người dân trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ luôn duy trì từ 98% trở lên. (Baoxaydung.com.vn 01/4, Huỳnh Kha)Về đầu trang

Quảng Trị: Giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính

Năm 2023, huyện Cam Lộ triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao công tác cải cách hành chính (CCHC) một cách toàn diện và hiệu quả. Chỉ số CCHC của huyện Cam Lộ được công bố là 92,98, đạt loại tốt, tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 6/10 nhóm các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù các cấp chính quyền đã tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh CCHC, tuy nhiên người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dàng khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số; trong khi dịch vụ công trực tuyến toàn trình yêu cầu phải thực hiện qua môi trường mạng khi gửi hồ sơ, giao dịch trực tuyến, trả hồ sơ bằng hình thức trực tuyến.

Một trong những khó khăn trong công tác CCHC ở huyện Cam Lộ hiện nay là hệ thống một cửa điện tử thường xuyên gặp lỗi như không đính kèm được các tệp văn bản điện tử gây ảnh hưởng đến công tác số hóa hồ sơ thủ tục hành chính; thanh toán trực tuyến không thực hiện được số tiền thanh toán của đơn vị này chuyển sang đơn vị khác.

Huyện chưa có nhiều sáng kiến, giải pháp được nhân rộng áp dụng đem lại hiệu quả cao trong công tác CCHC. Công tác thu ngân sách và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước chưa đạt kế hoạch được giao.

Để xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, huyện Cam Lộ tập trung các giải pháp kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế về CCHC trong năm 2023; đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC và cải thiện chỉ số CCHC huyện trong năm 2024.

Trong đó tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác CCHC.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền CCHC, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận xã hội về thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Chỉ đạo mỗi cơ quan, đơn vị đề xuất ít nhất một sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, áp dụng hiệu quả trong toàn huyện.

Tăng cường rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính hiệu quả, thực chất hơn, kiến nghị cắt giảm chi phí, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Tập trung thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân đảm bảo đạt 100%, không có hồ sơ trễ hạn.

Triển khai thực hiện vị trí việc làm và định mức biên chế theo quy định; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã phê duyệt. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đổi mới cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư chiến lược; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. (Baoquangtri.vn 02/4, Khánh Ngọc)Về đầu trang

Bình Thuận: Cải cách hành chính lĩnh vực đất đai, phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tăng cường quản lý nhà nước, cải cách hành chính lĩnh vực đất đai, luôn được tỉnh Bình Thuận quan tâm, chỉ đạo Sở TN&MT, cấp huyện triển khai đồng bộ công tác này góp phần “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”.

Trong buổi làm việc mới đây của Thường trực Tỉnh ủy với ngành TN&MT, UBND các huyện, báo cáo lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh (Văn phòng) cho hay, năm vừa qua, hệ thống Văn phòng nỗ lực giải quyết cơ bản số lượng lớn hồ sơ (HS), nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, tỷ lệ HS trễ hẹn còn cao. Văn phòng đã tiếp nhận 186.486 hồ sơ, giải quyết được 181.347 HS, còn lại 5.139 HS đang giải quyết.Tuy nhiên, trong kết quả giải quyết 181.347 HS vẫn còn một số thủ tục hành chính trễ hẹn còn cao.

Cụ thể, cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, tiếp nhận 11.386 HS, trễ hẹn 1.609 HS chiếm 14,13%. Các quyền của người sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân, tiếp nhận 116.050 HS, trễ hẹn 9.446 HS chiếm 8,13%. Cấp giấy chứng nhận cho tổ chức trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 693 HS, trễ hẹn 210 HS chiếm 30,03%.

Ông Phan Công Thành, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai cho biết: Từ đầu năm nay, Văn phòng chỉ đạo các chi nhánh cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với các thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện Dự án tổng thể, tránh tình trạng tồn đọng hồ sơ như trước đây; tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng đo đạc bản đồ Dự án tổng thể, kể cả việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, phục vụ cấp giấy. Các chi nhánh thực hiện tốt công tác phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đưa ra những giải pháp tốt nhất nhằm đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai…

Năm nay, Bình Thuận lấy chủ đề: “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, cụ thể cải thiện các chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân triển khai hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT, UBND cấp huyện tăng cường cải cách hành chính lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp; hạn chế việc giải quyết trễ hẹn các hồ sơ thủ tục hành chính không có lý do chính đáng.

Trường hợp hồ sơ trễ hẹn cần quy trách nhiệm cho bộ phận nào, tìm hướng khắc phục, tạo quy trình giải quyết phù hợp. Qua đó sẽ tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi làm hồ sơ đất đai tại các cơ quan hành chính nhà nước. Ngành chú trọng nâng cao trách nhiệm, tinh thần thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, viên chức; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp; tạo sự hài lòng của họ khi làm thủ tục hồ sơ đất đai tại bộ phận 1 cửa cấp xã, cấp huyện, trung tâm hành chính công của tỉnh. (Baobinhthuan.com.vn 02/4, T.Khoa)Về đầu trang

Trà Vinh: Quan tâm chỉ số thành phần Tính năng động, tiên phong

Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa công bố. Chỉ số thành phần Tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh do Văn phòng UBND tỉnh Trà Vinh phụ trách; năm 2022, đạt 6,82 điểm, hạng 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 21 hạng và tăng 0,24 điểm so với năm 2021 (từ vị trí 45 lên 24).

Với mục tiêu phấn đấu năm 2023, chỉ số PCI của tỉnh tăng cả về điểm số và thứ hạng theo Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh nâng cao chỉ số PCI tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, với nhiệm vụ được phân công chủ trì chỉ số thành phần Tính năng động, tiên phong, Văn phòng UBND tỉnh đã nỗ lực, phát huy mạnh mẽ vai trò điều phối, điều hành để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao nhằm phấn đấu tăng điểm và tăng hạng.

Để thực hiện chỉ số thành phần Tính năng động, năm 2023 Văn phòng UBND tỉnh tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức 891 hội nghị chuyên đề, với nhiều nội dung đưa ra thảo luận để giải quyết những vấn đề phát sinh trong chỉ đạo, điều hành và tham mưu nhiều văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận tại các cuộc họp liên quan đến những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư…

Song song đó, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp các sở, ngành và địa phương đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, phí, lệ phí, tạo điều kiện để DN và Nhân dân vay vốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh; theo dõi xúc tiến đầu tư, hỗ trợ triển khai các dự án sau cấp chứng nhận, chủ trương đầu tư, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vướng mắc, nắm tình hình để tháo gỡ khó khăn cho các DN, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Nhằm phát huy tính năng động, tiên phong hiệu quả, sau các hội nghị, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, đảm bảo nhất quán từ tỉnh đến cơ sở. Phối hợp các sở, ngành tăng cường giải pháp tuyên truyền khởi nghiệp, động viên các hộ cá thể chuyển lên doanh nghiệp. Tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao trách nhiệm trong xử lý công vụ; chủ động giải quyết các công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong thực thi các chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ DN, phát triển DN.

Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh xác định: cải thiện chỉ số PCI chính là cải thiện hình ảnh của Trà Vinh về môi trường đầu tư, kinh doanh đối với cộng đồng DN, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển DN. Để đạt mục tiêu đề ra của năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, với nhiệm vụ được giao, Văn phòng UBND nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chỉ số thành phần phụ trách; duy trì và phát huy những chỉ tiêu được đánh giá tốt. (Baotravinh.vn 01/4, Trường Nguyên)Về đầu trang

Huế: Tiện ích khi người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến

Thời gian qua, cùng với Công an các địa phương trên toàn quốc, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực giao thông trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính và góp phần giảm bớt phiền hà, giảm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp.

Trước đây, để giải quyết vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) hoặc làm các thủ tục liên quan đến đăng ký phương tiện; cấp, đổi biển số xe, người dân, doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian, công sức để đi đến trụ sở Công an hoặc Trung tâm tiếp công dân Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để được hướng dẫn, giải quyết các thủ tục. Đó là chưa kể đến trường hợp phải xếp hàng lấy số thứ tự chờ đợi, hoặc bị trả lại hồ sơ vì thiếu giấy tờ, dẫn đến quá trình giải quyết TTHC bị kéo dài.

Tuy nhiên gần đây, khi Công an tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai dịch vụ công trực tuyến, thông qua Cổng DVCQG, người dân, doanh nghiệp có thể tự kết nối, tích hợp, tương tác một cách dễ dàng, nhanh chóng trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB hoặc giải quyết các TTHC liên quan.

Là doanh nghiệp có vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ông Nguyễn Văn Hưng, chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP Huế chia sẻ các thủ tục giờ đây đều được thực hiện thông qua Cổng DVCQG, không phải trực tiếp như trước nên doanh nghiệp tiện lợi rất nhiều, nhất là không phải mất thời gian đi lại. "Để nhận lại các giấy tờ bị cơ quan Công an tạm giữ sau khi hoàn thành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tôi chỉ cần đăng ký địa chỉ là xong", ông Hưng cho biết thêm.

Hay như trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện, các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công đều đơn giản, thuận tiện, giao dịch 24/24h trong ngày tại bất cứ đâu có kết nối internet giúp người dân thuận tiện thực hiện kê khai giải quyết thủ tục.

Trung tá Phạm Tài Văn, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến không chỉ mang lại lợi ích cho người dân trong việc giảm bớt hạn chế về rào cản địa lý, thuận lợi hơn về thời gian, tiết kiệm chi phí mà các dịch vụ công trực tuyến còn giúp cho cơ quan Công an tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực. Đồng thời góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai và chống sách nhiễu, tiêu cực. Đây là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính và phục vụ người dân của đơn vị. (Cand.com.vn 02/4, Anh Khoa)Về đầu trang

Đồng Tháp: Tiện ích khi quản lý lưu trú qua phần mềm ASM

Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện mô hình điểm của Đề án 06 về quản lý lưu trú trên địa bàn huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp các cơ sở kinh doanh lưu trú như nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn… đã có những đánh giá tích cực về những tiện ích mà mô hình này mang lại.

Nếu như trước đây, các cơ sở hoạt động ngành nghề, kinh doanh dịch vụ lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ phải đến trực tiếp cơ quan Công an để đăng ký lưu trú, thì từ khi cài đặt, sử dụng phần mềm ASM, chỉ cần vài thao tác đơn giản, các cơ sở này đã hoàn thành thủ tục đăng ký.

Đây cũng là mô hình triển khai nền tảng quản lý lưu trú của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Công an tỉnh Đồng Tháp thực hiện thí điểm tại huyện Tháp Mười kể từ tháng 12/2023 đến nay.

Phần mềm lưu trú ASM được kết nối trực tiếp đến hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, thông tin lưu trú của người dân được cập nhật một cách thường xuyên.

Với phương châm "Tiện lợi, an toàn, bảo mật" và hoạt động 24/24h với nhiều tiện ích, việc tiếp nhận thông tin khách lưu trú đã được tích hợp cùng chức năng quét mã QR trên thẻ căn cước công dân giúp việc tiếp nhận được nhanh chóng, thuận tiện, tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú trong việc quản lý và thực hiện nghĩa vụ thông báo lưu trú trên môi trường điện tử trong cùng một ứng dụng duy nhất.

Mô hình quản lý lưu trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhân hộ khẩu, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, giúp các cơ quan quản lý nhà nước cắt giảm thời gian, chi phí lưu trữ hồ sơ, giấy tờ; công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Dự kiến, mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới. (Truyền hình ANTV – An ninh ngày mới ngày 01/4)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Đồng Nai: Gương mẫu, thể hiện vai trò lãnh đạo, trách nhiệm người đứng đầu

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quán triệt, chấn chỉnh công tác kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tổ chức triển khai, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh thời gian qua liên quan đến trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, tài chính, thuế... và các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và là tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, công vụ gắn với công tác thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân.

Văn bản cũng nêu rõ, người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, thể hiện vai trò lãnh đạo, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý gắn với cá nhân phụ trách tham mưu trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ để bảo đảm sự chuẩn mực, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, đề xuất bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, hoàn thành nhiệm vụ sớm thời gian được giao. Đồng thời, quán triệt thực hiện nghiêm Nghị định số 73/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. (Baodongnai.com.vn 01/4, Hồ Thảo)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Pháp muốn đổi mô hình "Nhà nước phúc lợi"

Vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt trên chính trường Pháp trong những ngày qua là việc chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron muốn thay đổi mô hình “Nhà nước phúc lợi”.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự chuyển đổi này là do thâm hụt ngân sách lên đến 5,5% GDP vào năm 2023. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong giai đoạn Covid-19 hay cuộc khủng hoảng năng lượng trong những năm vừa qua đã khiến cho nợ công của Pháp tăng vọt.

Le Monde cho biết, để giải quyết tình trạng này, việc tăng thuế hay là đánh thêm thuế vào giới siêu giàu đang là chủ đề tranh luận sôi nổi. Một số ý kiến cho rằng, việc xem xét lại các ưu đãi về thuế đối với bảo hiểm nhân thọ đang làm thất thu khoảng 1 tỷ USD trong ngân sách mỗi năm.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal gần đây khẳng định, Chính phủ sẽ không động chạm đến thuế của giới trung lưu, cũng như của những người tạo công ăn việc làm cho người Pháp. Thay vào đó, ông Attal thông báo biện pháp mới: thắt chặt các điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Song, biện pháp này ngay lập tức khiến giới công đoàn bất bình. Tổng thống Macron cũng nhiều lần nhắc lại sẽ không tăng thuế nhưng ngày càng có nhiều người nghi ngờ điều này.

Bài xã luận gần đây của Le Figaro lập luận rằng đó sẽ là chiến lược tồi vì vài tỷ tiền thuế thu được sẽ không đáp ứng đủ các khoản thâm hụt quá lớn, lên đến 150 tỷ euro vào năm 2023. Tăng thuế sẽ chỉ khiến đầu tư giảm đi, làm mất sức hấp dẫn kinh tế vốn đã đánh thuế 58% tổng tài sản được tạo ra. Le Figaro kết luận bằng việc đưa ra hai phương án khả thi để hạn chế thâm hụt ngân sách và giảm nợ công, đó là tạo ra nhiều của cải hơn và nhất là chi tiêu ít đi và hiệu quả hơn.

Trước áp lực đó, Bộ trưởng Kinh tế Le Maire kêu gọi thay đổi mô hình xã hội Pháp từ “Nhà nước phúc lợi” sang “Nhà nước bảo hộ” khi cho rằng Nhà nước đã hỗ trợ quá nhiều nên giờ cần phải giảm bớt đi.

Mô hình là thành quả kể từ khi ông Macron lên nắm quyền lãnh đạo nước Pháp. Người dân Pháp cũng đã quen với giáo dục và y tế miễn phí, nhất là trong giai đoạn Covid-19, trợ cấp thất nghiệp rộng rãi, trợ giá năng lượng... Với mô hình “Nhà nước bảo hộ”, Chính phủ Pháp sẽ không chìa bàn tay phúc lợi ra nữa. Ngay lập tức, người dân phải đối diện với những thách thức lớn trong đời sống thường ngày khi túi tiền vơi đi nhanh chóng và họ khó lòng chấp nhận thực tế phũ phàng như vậy.

Đây chính là nhân tố có nguy cơ xảy ra những bất ổn như nước Pháp đã từng trải qua với sự phẫn nộ của công nhân, nông dân, sinh viên, học sinh đình công, xuống đường biểu tình, hoặc bạo loạn đường phố, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sự chia rẽ trong tầng lớp xã hội một cách sâu sắc. (Baodanang.vn 02/4, Lê Minh Hùng)Về đầu trang./.

Các tin khác

07