Bản tin Cải cách hành chính ngày 21/3/2024

16:11, Thứ Năm, 21-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Cải cách hành chính tại TP.HCM không có điểm dừng

2.        Quận Thanh Xuân triển khai giải pháp khắc phục nội dung về cải cách hành chính

3.        Thanh Hoá tăng cường cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư

4.        Sắp xếp đơn vị hành chính huyện Phúc Thọ: Bảo đảm phù hợp, đúng quy định

5.        HĐND tỉnh Gia Lai giám sát công tác cải cách hành chính tại các địa phương

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

6.        Bộ Y tế bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính lĩnh vực Y, Dược cổ truyền

7.        Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp 

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

8.        Ban hành chỉ thị về xây dựng và thực hiện mô hình 'Chính quyền thân thiện' xã, phường, thị trấn

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

9.        Cải cách nền công vụ TP.HCM: Đừng bỏ lỡ thời cơ vàng!

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Cải cách hành chính tại TP.HCM không có điểm dừng

Năm 2023 TP.HCM đã hoàn thành 88/88 nhiệm vụ về cải cách hành chính (CCHC), tỷ lệ 100%. Kết quả này là minh chứng cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thời gian qua. Tuy nhiên, TP.HCM không tự mãn mà đã nhanh chóng bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ CCHC trong năm 2024 với những mục tiêu cao hơn bởi, nếu đứng im sẽ bị tụt lại.

Thời gian qua, Quận 1 đã mở rộng mô hình “Tiếp nhận thủ tục hành chính không giấy” gắn với ký kết hợp tác dịch vụ đảm bảo với Bưu chính công ích và tích hợp thanh toán trực tuyến thông qua trung gian đối với thủ tục hành chính toàn trình; tiếp nhận thủ tục hành chính “Không giấy” trên địa bàn Quận 1. Nhờ đó, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến các năm từ 2019 đến 2023 đều đạt trên 92%. Thời gian hoàn thành đăng ký giảm từ 5 phút xuống còn 1-2 phút.

Các thông tin trên CMND/CCCD của người dân được hệ thống bóc, tách và điền sẵn, giúp giảm tỷ lệ từ chối do sai thông tin. Tỷ lệ từ chối tiếp nhận do sai sót năm giảm từ 29% vào năm 2019 xuống còn 13% vào năm 2023.

Quận cũng triển khai giải pháp cấp giấy phép điện tử đối với thủ tục cấp phép tạm sử dụng vỉa hè, cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp về quy định pháp lý hiện hành đối với giấy phép điện tử, giúp giảm chi phí cho người dân đối với việc lưu trữ và hạn chế rủi ro làm mất, làm hư hỏng giấy phép...

Bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 cho biết, quận xác định công nghệ thông tin vừa là phương tiện, vừa là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công, nhằm nâng hiệu quả phục vụ người dân. Quận khai thác tối đa các phần mềm ứng dụng, đồng bộ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.

“Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phải giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, giảm số lượng giấy tờ không cần thiết, giảm thời gian và công sức đi lại, tạo sự chủ động cho người dân”, bà Hoa nói.

Còn tại Sở Công Thương, bình quân mỗi năm tiếp nhận trên 90.000 hồ sơ hành chính tương đương khoảng 350-400 hồ sơ/ngày. Trước khi đẩy mạnh thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến và ứng dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính, bình quân hàng ngày có khoảng hơn 300 khách hàng đến thực hiện thủ tục hành chính tại Sở dẫn đến áp lực lên cán bộ và gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Trước thực trạng đó, Sở đã khẩn trương triển khai các giải pháp ứng dụng chữ ký số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2024, thành phố đã ban hành kế hoạch với 21 chỉ tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 98 nhiệm vụ cụ thể và đã phân công, giao nhiệm vụ cho từng cơ quan. Do đó, các đơn vị cần rà soát lại, hoàn thiện kế hoạch, tập trung triển khai, có theo dõi kết quả hàng tháng, hàng quý để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch.

Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh 5 nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm mà thành phố cần thực hiện. Cụ thể là các sở, ngành, quận huyện rà soát, cập nhật và triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của ngành và địa phương mình; từng cơ quan, tức là sở, ngành thành phố, các quận, huyện và kể cả các xã, phường, thị trấn phải có kế hoạch đưa tất cả các thủ tục hành chính lên nền tảng số; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ cương hành chính. (Vov.vn 21/3, Hà Khánh) Về đầu trang

Quận Thanh Xuân triển khai giải pháp khắc phục nội dung về cải cách hành chính

Sáng 20-3, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng đã chủ trì hội nghị của UBND quận về triển khai giải pháp thực hiện các nội dung liên quan đến cải cách hành chính.

Năm 2023, công tác cải cách hành chính của quận Thanh Xuân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao trình độ quản lý, ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức.

UBND quận đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính; các phòng, ban, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực thực hiện; một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành trước thời gian quy định; kỷ cương, kỷ luật hành chính tiếp tục được siết chặt.

Cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được quận quan tâm chỉ đạo, thông qua việc tập trung rà soát, đơn giản thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện về môi trường pháp lý để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn quận; nâng cao Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính quận. Từ đó, chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính quận, 11 phường được nâng cao. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện thường xuyên, tập trung vào những vấn đề bức xúc của nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp; chú trọng xử lý các vấn đề sau kiểm tra, tăng cường kiểm tra đột xuất không báo trước.

Dù đã cố gắng, song thực hiện nội dung về cải cách hành chính của quận vẫn còn một số tồn tại, cần khắc phục thời gian tới. Vì thế, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng yêu cầu các phòng chuyên môn, UBND các phường xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại trong thực hiện Chỉ số cải cách hành chính năm 2023; kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2024; rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ số cải cách hành chính hàng quý của từng đơn vị.

Trong đó tập trung khắc phục các nội dung trọng tâm như: Đổi mới, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; cải thiện các chỉ số PAR-Index, PAPI, SIPAS; đánh giá hiệu quả thực hiện việc phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số... Cùng với đó, quận yêu cầu các đơn vị cần hoàn thành những nội dung, nhiệm vụ đang chậm tiến độ theo yêu cầu của thành phố đề ra; tiếp tục đề xuất những mô hình mới, cách làm hay trong công tác cải cách hành chính, bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cũng yêu cầu các phòng, ban, đơn vị liên quan thuộc quận, UBND các phường tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung về cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06... bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú tới hệ thống chính trị quận, phường và toàn thể nhân dân trên địa bàn biết, tham gia thực hiện. Chú trọng quán triệt 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và các nội dung có liên quan gắn với thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố..., góp phần xây dựng quận Thanh Xuân phát triển toàn diện, bền vững, từng bước hiện đại. (Hanoimoi.com.vn 20/3, Vũ Thuỷ) Về đầu trang

Thanh Hoá tăng cường cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư

UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết vừa có quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh.

Theo đó, Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá; Phó Trưởng Ban chỉ đạo bao gồm Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (Phó Trưởng ban Thường trực), Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng BQL Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh.

Uỷ viên Ban Chỉ đạo bao gồm giám đốc các sở, ban ngành trực thuộc UBND tỉnh; giám đốc các đơn vị Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa; Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa và Cục Hải quan Thanh Hóa; Phó Giám đốc Sở Nội vụ phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính.

Trong đó, cơ quan thường trực về đẩy mạnh cải cách hành chính là Sở Nội vụ; cơ quan thường trực về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa là Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho biết, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính…

Giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Làm đầu mối giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa.

Định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa…

Về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Thanh Hoá luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Định kỳ hằng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thường tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí thời gian ít nhất 1 ngày trong tháng để tổ chức tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hoá cũng tập trung các giải pháp đơn giản hóa và giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về chấp thuận chủ trương đầu tư, góp phần gia tăng sức hút với các doanh nghiệp, dự án lớn. Theo đó, nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian xử lý so với quy định, giảm chi phí thời gian cho nhà đầu tư như: Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng; giao đất, cho thuê đất; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Nhờ triển khai nhiều giải pháp nói trên, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được hơn 2.300 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, có khoảng 149 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD. Các dự án đi vào vận hành đã trở thành động lực chính đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa trong top 10 của cả nước. (Baodautu.vn 21/3, Ngọc Tân) Về đầu trang

Sắp xếp đơn vị hành chính huyện Phúc Thọ: Bảo đảm phù hợp, đúng quy định

Thực hiện Kế hoạch số 217/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, từ nay đến năm 2025, huyện Phúc Thọ sẽ sắp xếp lại 8 đơn vị hành chính cấp xã, với phương châm phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của cấp có thẩm quyền.

Thông tin từ UBND huyện Phúc Thọ cho biết, trên cơ sở các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, huyện đã xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt. Theo đó, 8 đơn vị hành chính cấp xã của huyện sẽ được sắp xếp lại thành 4 đơn vị.

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Phúc Thọ Vương Tá Hùng, công tác cán bộ sau sắp xếp là vấn đề được huyện Phúc Thọ đặc biệt quan tâm. Theo đó, đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Huyện ủy - UBND huyện chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm. Xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế.

Việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức mới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư phải có lộ trình phù hợp với tình hình của huyện và thời hạn quy định. Chậm nhất là 5 năm kể từ khi thực hiện sáp nhập, số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức ở các xã, thị trấn sau sắp xếp phải bảo đảm đúng theo quy định.

Liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, UBND huyện Phúc Thọ cho biết sẽ thực hiện bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ do bầu cử) hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với những người giữ chức vụ do bổ nhiệm).

Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 6 tháng thì được bảo lưu tròn 6 tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh, việc sáp nhập các xã là một chủ trương lớn, quan trọng và cần thiết, được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên những dũ liệu về diện tích, dân số, kinh tế - xã hội và truyền thống văn hoá lịch sử. (Kinhtedothi.vn 21/3, Trọng Tùng) Về đầu trang

HĐND tỉnh Gia Lai giám sát công tác cải cách hành chính tại các địa phương

Ngày 20-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Krông Pa về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo, những năm qua, UBND huyện Krông Pa đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác CCHC. Công tác CCHC được triển khai trên 6 lĩnh vực, gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính công.

Hiện nay, 281 TTHC được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa của huyện; 172 TTHC được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa của xã... Tuy nhiên, công tác CCHC trên địa bàn huyện vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị địa phương thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh công tác CCHC. Tập trung rà soát tồn tại, hạn chế để nâng cao chỉ số CCHC của huyện; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ. (Baogialai.com.vn 20/3) Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Bộ Y tế bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính lĩnh vực Y, Dược cổ truyền

Bộ Y tế vừa có quyết định về việc công bố 13 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Y, Dược cổ truyền được quy định tại Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024 của Bộ Y tế, trong đó có 5 thủ tục mới và 8 thủ tục bị bãi bỏ.

Theo đó, 5 thủ tục hành chính mới được ban hành, gồm: Cấp giấy chứng nhận lương y theo quy định cho các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024.

Cấp giấy chứng nhận lương y theo quy định cho các đối tượng quy định tại khoản 4, 5 và khoản 6 Điều 1 Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024. Cấp lại giấy chứng nhận lương y theo quy định tại Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024.

Cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền y theo quy định tại Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024.

Cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền y theo quy định tại Thông tư số 02/2024/TT-BYT ngày 12/3/2024.

Cùng đó, 8 thủ tục bị bãi bỏ bao gồm: Cấp giấy chứng nhận là lương y cho các đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 1, Thông tư số 29/2015/TT-BYT. Cấp giấy chứng nhận là lương y cho các đối tượng quy định tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 29/2015/TT-BYT. Cấp lại giấy chứng nhận là lương y thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Cấp giấy chứng nhận là lương y cho các đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 1, Thông tư số 29/2015/TT-BYT. Cấp giấy chứng nhận là lương y cho các đối tượng quy định tại Khoản 4, Điều 1, Thông tư số 29/2015/TT-BYT.

Cấp giấy chứng nhận là lương y cho các đối tượng quy định tại Khoản 5, Điều 1, Thông tư số 29/2015/TT-BYT.

Cấp giấy chứng nhận là lương y cho các đối tượng quy định tại Khoản 6, Điều 1, Thông tư số 29/2015/TT-BYT. Cấp lại giấy chứng nhận là lương y thuộc thẩm quyền của Sở Y tế. (Congly.vn 20/3 Hà Kim) Về đầu trang

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Chiều 20/3, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Thị Thúy Lan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia cho biết, hiện nay thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP lớn nhất cả nước.

Từ năm 2021 đến năm 2023, thành phố Hà Nội cấp khoảng 240.300 Phiếu LLTP, thành phố Hồ Chí Minh cấp khoảng 308.000 Phiếu LLTP, tỉnh Nghệ An cấp khoảng 185.000 Phiếu LLTP, chiếm khoảng 28% tổng số Phiếu LLTP được cấp trên toàn quốc. Trong bối cảnh nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế, việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác LLTP tại các địa phương này.

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cấp Phiếu LLTP thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc thí điểm giao một số Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện cấp Phiếu LLTP là một giải pháp cần thiết, phù hợp với tinh thần tăng cường phân cấp cho địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính chủ động của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, giảm tối đa tình trạng trễ hạn cấp Phiếu đối với các trường hợp quá thời hạn tra cứu, xác minh nhưng không có đủ thông tin để cấp Phiếu LLTP.

Theo Dự thảo Nghị quyết, Phòng Tư pháp có thẩm quyền thực hiện cấp Phiếu LLTP cho công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn cấp huyện nơi thực hiện thí điểm, công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, trước khi xuất cảnh có thời gian thường trú hoặc tạm trú (nếu không có nơi thường trú) tại địa bàn cấp huyện nơi thực hiện thí điểm. Phòng Tư pháp thực hiện thu phí cung cấp thông tin LLTP khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo quy định của pháp luật hiện hành về phí cung cấp thông tin LLTP.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết quy định Phòng Tư pháp được phân quyền tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia và tại Sở Tư pháp trên môi trường điện tử qua Phần mềm Quản lý LLTP dùng chung; thực hiện tra cứu, xác minh thông tin LLTP về án tích tại cơ quan Công an, Tòa án, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng và cơ quan khác có liên để cấp Phiếu LLTP.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định trường hợp đã quá thời hạn tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP theo quy định nhưng không nhận được kết quả tra cứu, xác minh của các cơ quan có liên quan. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tư pháp trong quá trình thực hiện thí điểm. (Doanhnhan.vn 21/3) Về đầu trang  

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Ban hành chỉ thị về xây dựng và thực hiện mô hình 'Chính quyền thân thiện' xã, phường, thị trấn

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 12-3-2024 về xây dựng và thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện” xã, phường, thị trấn trên địa bàn Đồng Nai trong tình hình hiện nay.

Chỉ thị được ban hành nhằm tiếp tục cụ thể hóa và đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30-7-2021 của Bộ Chính trị và Quy chế số 14-QC/TU ngày 10-2-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình hình mới.

Mô hình “Chính quyền thân thiện” xã, phường, thị trấn nhằm tiếp tục đổi mới lề lối làm việc của chính quyền cơ sở từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”; xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở;

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; nâng cao đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, hướng đến một nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, học tập cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cụ thể hóa nội dung để hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đổi mới công tác dân vận của hệ thống các cơ quan nhà nước; xác định công tác dân vận của các cơ quan nhà nước là một trong những giải pháp trọng tâm để xây dựng hình ảnh chính quyền gần dân, thân thiện với Nhân dân, doanh nghiệp;

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hướng tới minh bạch, chính quyền phục vụ nhân dân; triển khai xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn” nhằm góp phần đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền, phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân ở cơ sở.

Việc triển khai xây dựng mô hình phải được thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị... (Baodongnai.com.vn 20/3, Phương Hằng) Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Cải cách nền công vụ TP.HCM: Đừng bỏ lỡ thời cơ vàng!

Xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả nhằm quản lý tốt nhất và phục vụ người dân tốt nhất là mục tiêu mà TP.HCM đang theo đuổi.

Từ năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” nhằm hiện đại, chuyên nghiệp hóa nền công vụ và đề án này được các địa phương kiên trì thực hiện, từng bước mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan công quyền ngày càng cao, cũng như việc quản lý trong từng lĩnh vực cũng có sự thay đổi, yêu cầu cải cách nền công vụ lại càng trở nên cấp bách.

Với TP.HCM, đô thị sôi động bậc nhất của cả nước thì yêu cầu cải cách nền công vụ để quản lý, phục vụ nhân dân càng cao, dù việc này không hề dễ vì “vướng” nhiều vấn đề như biên chế, thu nhập...

Tuy nhiên, TP.HCM được Trung ương trao cho những cơ chế, chính sách vượt trội trong Nghị quyết 98 để thực hiện việc cải cách nền công vụ, điển hình như cơ chế thu hút người tài, thu nhập tăng thêm, bổ nhiệm cán bộ, các ưu đãi về chính sách nhà ở… hay cho phép thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp phòng, cấp phó ở các phường, xã đông dân.

Dù không phải là “chiếc đũa thần” nhưng những cơ chế vượt trội trong Nghị quyết 98 tạo “cơ hội vàng” để TP.HCM chuyển biến nền công vụ, tạo sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, chất lượng, cách thức tư duy và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi từng nhiều lần chia sẻ: Vấn đề con người trong bộ máy công vụ luôn là thách thức lớn đối với mọi nền hành chính. TP.HCM phải thực sự thay đổi cách thức đào tạo, quy hoạch, bố trí cán bộ, thu hút người tài vào bộ máy.

Thực tế TP.HCM cũng từng có cơ chế thu hút, bổ nhiệm người tài ngoài Đảng đảm nhiệm chức danh quan trọng, cho thấy người giỏi sẵn sàng từ bỏ vị trí lương cao để cống hiến cho khu vực công nếu nhận thấy ở đó họ có không gian để phát triển, được tạo điều kiện để cống hiến và thể hiện tài năng của mình...

Hoạt động công quyền được thực thi bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoặc những người được Nhà nước trao quyền. Vì vậy, việc chuẩn hóa, minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp nền công vụ không chỉ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới mà còn là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn nạn tham nhũng, tiêu cực.

Đây cũng là lúc từng con người cũ trong nhiệm vụ mới phải tự nhìn lại mình. Bởi khi đứng trong một guồng quay mới, nếu không chuyển động đồng nghĩa với việc thụt lùi. Hoặc là xốc lại tinh thần, đổi mới bản thân; hoặc là bước ra ngoài để người khác làm. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên từng nói trong bộ máy hành chính của TP không có chỗ cho người thiếu trách nhiệm, không có nỗ lực, quyết tâm.

Đã đến lúc phải nắm thời cơ mà Nghị quyết 98 mang lại để xây dựng nền công vụ hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển đúng như kỳ vọng... (Plo.vn 21/3, Lê Thoa) Về đầu trang ./.

Các tin khác

05