Bản tin Cải cách hành chính ngày 28/3/2024

14:40, Thứ Năm, 28-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

1.        Đề xuất mức phí, lệ phí “0 đồng” để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

2.        TPHCM: Đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử

3.        Hà Nội thí điểm Trung tâm hành chính công cấp phường là hướng đi đúng

4.        PCI Đắk Nông – thành quả từ quyết tâm bứt phá

5.        Đắk Lắk rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp

6.        Lạng Sơn: Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo cải cách hành chính

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

7.        Bộ phận một cửa Bộ Tài chính tiếp tục được vận hành hiệu quả

8.        Thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại cấp huyện: Giảm tải, tạo thuận lợi cho người dân

9.        Rút ngắn thủ tục để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA

THẾ GIỚI

10.     12 quốc gia cần theo dõi chỉ số cảm nhận tham nhũng\

 

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

Đề xuất mức phí, lệ phí “0 đồng” để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến

Ngày 27/3, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tổ chức họp đánh giá kết quả tháng 3, Quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ tháng 4. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 đề nghị các địa phương tham mưu, đề xuất Hội đồng Nhân dân ban hành mức phí, lệ phí “0 đồng” để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.

Báo cáo tại cuộc họp nêu rõ, trong tháng 3/2024, việc triển khai Đề án 06 tiếp tục được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Cụ thể, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sử dụng dữ liệu dân cư, ứng dụng Đề án 06 để tạo thuận lợi cho vay tiêu dùng, hạn chế tội phạm “tín dụng đen”.

Điều hành tham luận, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, 7 tỉnh, thành phố tham dự phiên họp đã đăng ký triển khai những mô hình điểm của Đề án 06 trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đơn cử như ứng dụng các mô hình trong phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ninh, hay như Thừa Thiên Huế đã đăng ký triển khai 43 mô hình. Hà Nội với nhiều mô hình đang triển khai và cho kết quả rất khả quan.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành, địa phương đã tập trung làm rõ những vướng mắc, kiến nghị đề xuất giải pháp trên các nội dung trong triển khai Luật Giao dịch điện tử, cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, làm sạch, kết nối dữ liệu, sổ sức khỏe điện tử…

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, sau cuộc họp của Tổ công tác tại Thành phố vào ngày 14/3, về cơ bản các nhiệm vụ được giao đã đáp ứng tiến độ đề ra. Các đơn vị của Thành phố Hà Nội đã chủ động, bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ ngành liên quan để tham mưu tháo gỡ, đề xuất các phương án để thực hiện.

Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quyết định 4026, trong đó bổ sung quy định “Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu khám, chữa bệnh cho Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác quản lý Nhà nước”.

Theo ông Hải, dự kiến từ ngày 15/4, thành phố sẽ thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt tại các điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Hà Nội đề nghị cho phép sử dụng tài khoản giao thông để thu phí đỗ xe.

“Khi thực hiện được nội dung này sẽ đáp ứng được 90- 95% ô tô đã có sẵn tài khoản và hành lang để thu phí ngay bằng ePass, VETC mà không cần sử dụng tài khoản ngân hàng”, ông Hải nói.

Phó Chủ tịch TP Hà Nội cũng cho biết, thành phố đã có kế hoạch thí điểm học bạ số của các trường phổ thông trên địa bàn. Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Thành phố hoàn thành phương án triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu về học bạ từ sở đến bộ.

Phát biểu kết luận phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 biểu dương những kết quả của các bộ, ngành, địa phương đã triển khai trong thời gian qua. Đối với các nhóm nhiệm vụ chậm của Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị về pháp lý, Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành rà soát, đề xuất phương án giải quyết dứt điểm.

Đối với việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, làm tiền đề đẩy mạnh trên toàn quốc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các bộ (Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp), ngành khẩn trương phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tập trung thực hiện hiệu quả 9 nhiệm vụ phối hợp.

UBND các địa phương (TP.HCM, Khánh Hòa, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Kiên Giang) nghiên cứu các nhóm tiện ích thúc đẩy Đề án 06 của UBND Thành phố Hà Nội để tổ chức nghiên cứu, lựa chọn áp dụng triển khai phù hợp với tình hình địa bàn gắn theo 5 nhóm (pháp lý – hạ tầng – an ninh an toàn – dữ liệu – nguồn lực).

Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đề nghị các địa phương tham mưu đề xuất Hội đồng Nhân dân ban hành mức phí, lệ phí “0 đồng” để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các bộ, ngành sớm hoàn thành những giải pháp thu thuế khoán hộ kinh doanh, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, miễn phí khai thác dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, chuẩn hóa dữ liệu đối với các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang triển khai sổ sức khỏe điện tử.

Đồng thời các bộ, ngành sớm làm sạch, kết nối và đồng bộ với dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Rà soát, triển khai các điều kiện về bảo đảm an ninh an toàn thông tin để kết nối, khai thác và chia sẻ; Xác nhận tính pháp lý của thông tin, giấy tờ được tích hợp trên ứng dụng VNeID trong các hoạt động, giao dịch điện tử. (Vietnamnet.vn 27/3, Quang Phong)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

TPHCM: Đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử

Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM vừa yêu cầu đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính.

Cụ thể, TPHCM yêu cầu tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả Chủ đề công tác năm 2024 "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15” với 14 nhóm giải pháp trọng tâm và 74 nhiệm vụ cụ thể. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện Chuyển đổi số; nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính.

Triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khác đã được thành phố chỉ đạo tại Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ban hành theo Quyết định số 641/QĐ-UBND ngày 01/3/2024. Đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, các dự án có sức lan tỏa tới các dự án khác; thực hiện linh hoạt việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư quán triệt, nghiêm túc triển khai theo đúng Kế hoạch đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công chi tiết tiến độ thực hiện của từng phần việc trong từng dự án, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95%, trong đó đảm bảo toàn bộ dự án mới hoàn tất thủ tục quyết định đầu tư trong quý II và đặt mục tiêu phấn đấu trong quý II năm 2024 giải ngân không thấp hơn 30%.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tiếp tục xây dựng và trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua: dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố về chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân liên quan đến hoạt động đổi mới sáng tạo; dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố quy định tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo; triển khai hiệu quả Kế hoạch triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố giai đoạn 2021 - 2025” năm 2024… (Công an TPHCM 27/3, A.Q.)Về đầu trang

Hà Nội thí điểm Trung tâm hành chính công cấp phường là hướng đi đúng

Chiều 27/3, tại Hà Nội, UBND TP. Hà Nội và UBND TPHCM tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 thành phố Hà Nội cho biết, đối với nhóm dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã tiếp nhận 85.675 hồ sơ liên thông khai sinh và 5.031 hồ sơ liên thông khai tử. Tỷ lệ thực hiện hồ sơ trực tuyến khai sinh: 99% (cơ bản được hướng dẫn, hỗ trợ và thực hiện trực tuyến; 1% do không có nhu cầu hoặc các trường hợp đặc thù) và khai tử 5.031/19.668 (25,6%).

Việc thực hiện cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cơ quan nhà nước trong công tác quản lý.

Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố đã đáp ứng yêu cầu kết nối Hệ thống quản lý văn bản thành phố, cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử. Tỷ lệ khai thác lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 29,73%; tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 13,61%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa hồ sơ, kết quả đạt 13,4%.

Đối với nhóm phát triển kinh tế - xã hội, về việc chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, tổng số người dân hưởng ưu đãi an sinh xã hội đã được mở tài khoản là: 272.253/292.471 trường hợp (đạt 93,1%, tăng 4% so với tháng trước). Số người đã nhận chi trả qua tài khoản: 173.044/292.471 trường hợp (đạt 59,1%, tăng 28% so với tháng trước). Tổng số tiền chi trả qua tài khoản là gần 418 tỷ đồng, tăng 208,8 tỷ đồng so với tháng trước...

Cùng đó, thành phố đẩy mạnh công tác thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử; triển khai sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử; phát triển ứng dụng “Công dân Thủ đô số”; triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID; triển khai học bạ số cấp tiểu học...

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan khẳng định, Hà Nội và TPHCM có dân số đông nên việc hai địa phương triển khai thành công Đề án 06 sẽ là yếu tố quan trọng để cả nước thành công.

Cho rằng, cuộc trao đổi kinh nghiệm này đánh dấu mốc mới của 2 thành phố lớn cùng nhau quyết tâm đi nhanh, đi xa trong thực hiện Đề án 06, đồng chí Ngô Hải Phan đề nghị, thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề. Trong đó, cần chú trọng tới thể chế; hạ tầng công nghệ và bảo đảm an toàn thông tin; dữ liệu phải được kết nối, chia sẻ và tái sử dụng; nguồn nhân lực cần được đào tạo; tài chính; công tác tuyên truyền; quyết tâm chính trị; sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị.

Đánh giá cao mô hình thí điểm Trung tâm hành chính công cấp phường đang được Hà Nội triển khai tại 3 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, đồng chí Ngô Hải Phan đề nghị các địa phương đang thực hiện thí điểm đánh giá, trên cơ sở đó sớm triển khai thí điểm cho tất cả các quận.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nêu rõ, Hà Nội và TPHCM đang triển khai thuê dịch vụ là hướng đi đúng. Đặc biệt, đến nay, việc chuyển đổi số là chuyển đổi mang tính đột phá nhất, hiệu quả nhất, phù hợp chủ trương đi tắt đón đầu, bởi chuyển đổi số bao hàm chuyển đổi về 4 yếu tố: Nhận thức, tư duy, phương pháp, tâm thế phục vụ.

Thông tin thêm, ông Hải cho biết, Hà Nội sẽ triển khai thuê dịch vụ bưu chính công ích làm các nhiệm vụ mà cán bộ “một cửa” đang làm để tập trung lực lượng này làm các việc khác. Quận Hoàn Kiếm sẽ thí điểm làm việc này, sau đó tiến hành đánh giá, nhân rộng. Cùng với đó, Hà Nội quan tâm tới cơ sở dữ liệu, kết nối và chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là nội dung “Công dân Thủ đô số” và Trung tâm hành chính công các phường...

"Để có được một sản phẩm cho người dân cảm nhận, hưởng thụ hiệu quả thực chất thì có rất nhiều vấn đề cần xử lý, vì vậy đòi hỏi phải cùng rà soát, cùng trao đổi, cùng chia sẻ và kiến nghị để hoàn thành mục tiêu đề ra”, ông Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng cho rằng, hai thành phố có nhiều điểm tương đồng, do đó, việc phối hợp rất phù hợp và cần thiết. Theo lộ trình, có những nội dung công việc ưu tiên khác nhau sẽ dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau tránh được những sai lầm không đáng có để cùng nhau đi nhanh hơn, an toàn hơn. (Hanoimoi.com.vn 27/3, Hiền Thu)Về đầu trang

PCI Đắk Nông – thành quả từ quyết tâm bứt phá

Kể từ năm 2006, chỉ số PCI (chỉ số đo lường về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) được áp dụng, Đắk Nông luôn quan tâm với nỗ lực không mệt mỏi nhằm quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, điều hành để làm hài lòng doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.

Trong những năm đầu áp dụng chỉ số PCI như một đơn vị đo lường mức độ hài lòng của doanh nghiệp, các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh chưa thực sự nhận thức sâu sắc về chỉ số này. Thậm chí, một bộ phận cán bộ cho rằng, đây chỉ là đánh giá mang tính cảm quan, thiếu chứng cứ khoa học để đánh giá năng lực điều hành hay môi trường cạnh tranh của một địa phương.

Với suy nghĩ đó, nguồn lực cùng những tâm huyết dành cho việc cải thiện thứ hạng về PCI của Đắk Nông ban đầu còn hạn chế. Thậm chí, một bộ phận cán bộ, công chức còn “dị ứng” với chỉ số này vì sợ bị “bới lông tìm vết” các hạn chế, yếu kém trong công tác điều hành, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách.

Nhận diện rõ vấn đề này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã vào cuộc bằng các văn bản, chiến lược cải thiện PCI rõ ràng hơn. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn các chuyên gia, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để đưa ra một lộ trình cụ thể trong cải thiện, nâng cao thứ hạng PCI trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch, đưa ra mục tiêu, giải pháp để cải thiện chỉ số PCI. Tỉnh giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương theo lĩnh vực phụ trách.

Hơn thế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định việc triển khai thực hiện các giải pháp trong cải thiện PCI như một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị. Từ đây, nhận thức về hành động cải thiện PCI của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh ngày càng rõ ràng, sâu sắc hơn.

Tính từ năm 2006, khi bắt đầu đưa chỉ số PCI vào đánh giá môi trường đầu tư, năng lực điều hành của địa phương đến nay, Đắk Nông đã ban hành hàng loạt văn bản, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, phần việc nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Năm 2012, Đắk Nông xây dựng và triển khai thực hiện Đề án cải thiện chỉ số PCI. Điều này cho thấy nhận thức, quyết tâm dài hơi trong cải thiện PCI của Đắk Nông là rất rõ ràng.

Đề án cải thiện chỉ số PCI được xác lập trên cơ sở thực trạng điểm số và thứ hạng PCI của Đắk Nông trong những năm đầu; lợi thế so sánh của tỉnh và các khuyến nghị của chuyên gia, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đây, Đắk Nông từng bước cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, trong đó dễ thấy nhất là việc bắt tay cải thiện về môi trường hành chính như tác phong, lề lối làm việc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, lành mạnh hóa môi trường hành chính công; xóa bỏ khoảng cách đối xử giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước…

20 năm qua kể từ khi tái lập, Đắk Nông đã chỉnh sửa, cắt giảm hoặc đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính ở các lĩnh vực; trong đó nhiều nhất là lĩnh vực đất đai, đăng ký hoạt động doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh, thuế, tài chính liên quan…

Ngoài ra, Đắk Nông cũng được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là một trong những địa phương áp dụng nhiều mô hình sáng kiến cho nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh. Điển hình như các mô hình trung tâm hành chính công; cà phê doanh nhân, ngày không viết, ngày không hẹn… Bên cạnh đó, một số chính sách như miễn giảm tiền thuê đất 5 năm đầu; hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông đến chân công trình, dự án; hỗ trợ về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp thực hiện các bước đầu tư vào tỉnh….

Hàng năm, Đắk Nông đều tổ chức các buổi gặp mặt doanh nghiệp, hội thảo về PCI, cải cách hành chính nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những hiến kế của đội ngũ doanh nhân trong xây dựng chính sách, thu hút đầu tư. Tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào giải quyết thủ tục hành chính ở tất cả mọi lĩnh vực, nhất là về đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc tiếp cận, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư lớn. Trong đó, có Tập đoàn TH đang xúc tiến đầu tư các dự án về khoáng sản, nông nghiệp, công nghệ cao, thương mại, dịch vụ... (Baodaknong.vn 27/3) Về đầu trang

Đắk Lắk rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Ðắk Lắk vừa thông báo rút ngắn thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường một cách thuận lợi nhất.

Cụ thể, thời gian giải quyết cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc khi đăng ký thành lập mới từ 3 ngày làm việc giảm xuống còn 2 ngày; thời gian giải quyết đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày giảm xuống còn 1 ngày đối với các thủ tục: Thay đổi địa chỉ trụ sở, đăng ký đổi tên doanh nghiệp, thay đổi vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp… (Nhandan.vn 27/3, trang Tây Nguyên)Về đầu trang

Lạng Sơn: Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo cải cách hành chính

Thời gian qua, Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC). Tổ chức rà soát, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính (TTHC), giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí cho tổ chức và công dân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý.

Theo đó, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức niêm yết 11 mã QR tương ứng với 11 lĩnh vực giải quyết TTHC ở cả 03 cấp tỉnh, huyện, xã và 215 mã QR theo dõi, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện TTHC. Cập nhật đăng tải 174 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh và lịch tiếp công dân của các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC lên Trang thông tin điện tử của Công an tỉnh. Đồng thời niêm yết công khai, đầy đủ trình tự, thủ tục, lệ phí về thủ tục hành chính, công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị, đặt hòm thư góp ý tại trụ sở tiếp công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và người dân biết, tra cứu, thực hiện khi có nhu cầu giải quyết TTHC.

Đẩy mạnh triển khai các mô hình CCHC cấp xã, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí để triển khai mô hình CCHC Công an cấp xã tại địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành mô hình CCHC tại Công an 50 xã, phường, thị trấn (trong đó xây dựng mô hình CCHC tại toàn bộ 21 xã, thị trấn biên giới), phục vụ hiệu quả nhu cầu về thực hiện các TTHC của nhân dân.

Tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng Công an cấp xã đều được niêm yết công khai tại trụ sở Công an xã, phường, thị trấn để nhân dân dễ tìm hiểu, theo dõi và thực hiện. Bộ phận một cửa của Công an cấp xã tổ chức tiếp dân, giải quyết TTHC, trả kết quả theo cơ chế một cửa; rút ngắn thời gian giải quyết đối với TTHC: đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú và thủ tục tách hộ. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến đạt 100%.

Đối với phòng tiếp công dân luôn đảm bảo khang trang, gọn gàng, sạch sẽ, trang bị đầy đủ thiết bị, vật tư để người dân đến thực hiện TTHC thuận tiện trong việc tra cứu, tìm hiểu và đánh giá sự hài lòng qua mã QR. Cùng với trang bị đầy đủ các cơ sở, trang thiết bị vật chất, Công an xã luôn bảo đảm bố trí cán bộ có đủ điều kiện về năng lực chuyên môn, trình độ khoa học công nghệ và biết tiếng dân tộc để tận tình hướng dẫn giải quyết TTHC cho nhân dân.

Năm 2023, qua triển khai mã QR đánh giá tại một số đơn vị và Công an cấp xã đã thu về trên 3.000 phiếu khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức và người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công của lực lượng Công an, đa số người dân đánh giá “hài lòng” hoặc “rất hài lòng” về tinh thần, trách nhiệm, tư thế lễ tiết tác phong và ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Lạng Sơn.

Công tác CCHC còn được gắn với phong trào “Nụ cười chiến sĩ” trong giải quyết công việc của Nhân dân với phương châm “5 xin: xin chào, xin cảm ơn, xin phép, xin lỗi, xin được hướng dẫn; 5 luôn: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe và thấu hiểu, luôn giúp đỡ, luôn thượng tôn pháp luật”, xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn trong lòng dân… (Bocongan.gov.vn 27/3, Huyền My)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Bộ phận một cửa Bộ Tài chính tiếp tục được vận hành hiệu quả

Trong năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan bộ ổn định và đảm bảo hiệu quả.

Đồng thời, Bộ phận một cửa Bộ Tài chính đã thực hiện số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc cơ quan bộ nhằm hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bộ Tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện thuận trong quá trình thực hiện TTHC.

Về việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, Bộ Tải chính đã rà soát, đăng tải dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh lên Hệ thống Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh của Văn phòng Chính phủ. Bộ Tài chính đang xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ Tài chính.

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được gửi xin ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan. Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu các ý kiến tham gia để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 27/3, Minh Anh)Về đầu trang

Thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại cấp huyện: Giảm tải, tạo thuận lợi cho người dân

Bộ Tư pháp mới đây đã công bố hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện. Việc phân cấp thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp cấp huyện nhằm giảm tải áp lực cho Sở Tư pháp và là một giải pháp cần thiết.

Theo Bộ Tư pháp, sau hơn 13 năm thi hành, Luật Lý lịch tư pháp đã thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lý lịch tư pháp cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định, đặc biệt là trong hoạt động cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Ghi nhận của phóng viên, đã có thời điểm trong năm 2023, lượng người tới Sở Tư pháp Hà Nội xác minh lý lịch tư pháp tăng đột biến, gây quá tải trong khâu xử lý. Không ít người phải đi từ 4-5h sáng đến Sở Tư pháp lấy số thứ tự, nhiều người tới 4 lần mới đến lượt làm hồ sơ,...

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An là 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu ý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. Từ năm 2021 - 2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp 51.211 phiếu lý lịch tư pháp, TP. Hồ Chí Minh cấp 95.979 phiếu, tỉnh Nghệ An cấp 56.900 phiếu.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân, công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp đã được các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu, song trung bình hàng năm, toàn quốc vẫn có khoảng 2% trường hợp bị trễ hạn.

Cùng đó, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp qua hình thức trực tuyến chưa được thực hiện hiệu quả, đa số trường hợp người dân vẫn phải đến trực tiếp hoặc thực hiện qua bưu chính…

Để khắc phục tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp trong thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, ứng dụng công nghệ số,... trong đó việc phân cấp thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện là một giải pháp cần thiết.

Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất thực hiện thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho một số Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại TP. Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An. (Congthuong.vn 27/3, Chí Tâm)Về đầu trang

Rút ngắn thủ tục để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA

Ngày 27/3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với các đối tác phát triển. Cuộc họp đã có những thảo luận về khó khăn, giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA cũng như định hướng hợp tác ODA giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trong thời gian tới.

Theo TTXVN, các nhà tài trợ đều cam kết tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc ban hành các quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA. Các bên cũng nhấn mạnh sự phù hợp giữa quy định của các nhà tài trợ với luật pháp của Việt Nam đối với các dự án ODA nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án. Các nhà tài trợ đề nghị Việt Nam tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; cho ý kiến trong quá trình chuẩn bị, triển khai dự án.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương phải bố trí đủ vốn đối ứng, tránh việc trả vốn hoặc hủy vốn vay ODA. Ông cũng đề nghị các đối tác kịp thời trả lời những phản hồi từ phía Việt Nam; có giải pháp để hài hòa giữa tiêu chuẩn cho vay vốn và quy định của pháp luật Việt Nam; có những ưu tiên, ưu đãi tài trợ cho những hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam như biến đổi khí hậu, thiên tai…

Một số nguyên nhân làm cho việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa đạt tiến độ như vướng mắc trong đàm phán, ký kết hiệp định vay; khác biệt về chính sách, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ. Bên cạnh đó là công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án và tiến hành thủ tục không bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thời hạn.

Nhiều dự án còn gặp vướng mắc trong lập và giao kế hoạch, về đấu thầu, giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng. Việc hạn chế về nguồn lực, năng lực của cơ quan chủ quản, chủ dự án và ban quản lý dự án hoặc khó khăn do điều kiện khách quan thay đổi như sáp nhập huyện, xã cũng là nguyên nhân làm cho quá trìn giải ngân vốn ODA chậm. (TTXVN 27/3, Trúc Đào)Về đầu trang

THẾ GIỚI

12 quốc gia cần theo dõi chỉ số cảm nhận tham nhũng

Mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã xác định 12 quốc gia cần được chú ý theo dõi vào năm 2024. Đây là những nước đang ở thời điểm quan trọng trong hành trình chống tham nhũng của mình, theo cả hai chiều hướng, cải thiện tốt hoặc bị suy giảm.

1. Moldova: Cộng hòa Moldova (điểm CPI: 42) đã đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy tính minh bạch, tăng cường tính độc lập của cơ quan tư pháp và thiết lập luật tiếp cận thông tin một cách mạnh mẽ. Đất nước Đông Âu này cũng đã phê duyệt chương trình liêm chính quốc gia và kế hoạch chống tham nhũng kéo dài 4 năm.

Tuy nhiên, theo TI, Moldova vẫn tiếp tục phải đối mặt với những áp lực từ bên ngoài, đặc biệt kể từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Những áp lực cản trở cải cách và làm tăng nguy cơ tham nhũng.

Bất chấp những nỗ lực ngăn chặn, các nhà tài phiệt vẫn "bơm" tiền vào nền chính trị của Moldova với mục tiêu gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử cũng như cản trở tiến trình trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) của nước này.

TI cho rằng, tiếp tục hợp tác với cộng đồng dân chủ quốc tế là rất quan trọng để Moldova có được nguồn lực và kiến thức chuyên môn nhằm củng cố các thể chế và chống tham nhũng. Chisinau phải kiên trì cải cách trong bối cảnh có những chia rẽ cả bên trong và bên ngoài.

2. Fiji: Sau cuộc bầu cử năm 2022, Fiji (điểm CPI: 52) chứng kiến sự thay đổi trong Chính phủ, chấm dứt gần 16 năm cầm quyền của Đảng Fiji First do Thủ tướng Frank Bainimarama lãnh đạo.

Mặc dù một số người còn hoài nghi vào khả năng của Chính phủ mới trong việc thúc đẩy dân chủ và chống tham nhũng, tuy nhiên, cam kết 100 ngày đầy tham vọng của Chính phủ đã khơi dậy những nỗ lực cải cách tích cực. Các cải cách bao gồm bãi bỏ luật truyền thông mang tính trói buộc và bắt đầu tiến hành điều tra về hành vi bầu cử trong quá khứ cũng như cáo buộc lạm dụng quyền lực của các cựu lãnh đạo.

3. Sri Lanka: Vào cuối năm 2023, Sri Lanka (điểm CPI: 34) đã chứng kiến đỉnh điểm của một chiến dịch xã hội dân sự tìm kiếm công lý thông qua tòa án, buộc các nhà lãnh đạo chính trị và quan chức phải chịu trách nhiệm về một vụ vỡ nợ đáng kể và cuộc khủng hoảng kinh tế sau đó.

Các tổ chức xã hội dân sự đã đệ đơn kiến nghị vì lợi ích công lên Tòa án Tối cao, lập luận rằng việc các quan chức Chính phủ đưa ra quyết định một cách thiếu minh bạch đã vi phạm lòng tin của công chúng.

Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt, Tòa án Tối cao xác định các quan chức cấp cao đã vi phạm Hiến pháp và lòng tin của người dân trong công tác quản lý, dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Trong bối cảnh đất nước bắt tay vào quá trình phục hồi kinh tế, có những lời kêu gọi cải cách bền vững thông qua khung pháp lý và nâng cao tiêu chuẩn quản trị để ngăn chặn thảm họa tương tự trong tương lai.

4. Kuwait: Năm nay, Kuwait đạt điểm CPI cao nhất (46 điểm) kể từ 2015, đánh dấu những cam kết mới trong cuộc chiến chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc.

Vào tháng 9/2023, Quốc hội Kuwait đã thông qua lộ trình đột phá của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả phát triển và cải cách kinh tế.

Đáng chú ý, lộ trình ưu tiên tính minh bạch và các nguyên tắc quản trị tốt. Theo TI, mặc dù lộ trình bao gồm một số thay đổi về mặt lập pháp nhưng vẫn cần hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý, đặc biệt liên quan đến xung đột lợi ích, hối lộ nước ngoài, quyền được thông tin và thành lập ủy ban bầu cử.

Dựa trên đà chống tham nhũng ngày càng tăng, Hiệp hội Minh bạch Kuwait đã đưa ra 11 yêu cầu để thực hiện lộ trình quốc gia một cách minh bạch. Các điểm chính bao gồm đảm bảo sự tham gia không bị cản trở của xã hội dân sự, thiết lập cơ cấu quản trị mạnh mẽ trong khu vực công và tăng cường tính minh bạch trong mua sắm công.

5. Guatemala: Guatemala (điểm CPI: 23) đã chứng kiến chỉ số CPI giảm 10 điểm kể từ năm 2012.

Những năm gần đây, quốc gia Trung Mỹ này đã chứng kiến hành vi lạm dụng của Văn phòng Công tố và cơ quan tư pháp, khiến suy giảm khả năng chống tham nhũng và tạo cơ hội cho giới tinh hoa cũng như mạng lưới tham nhũng không bị trừng phạt.

6. Chile: Chile (điểm CPI: 66) nổi bật về các thể chế dân chủ mạnh mẽ và mức độ minh bạch. Tuy nhiên, điểm số của quốc gia này giảm đáng kể từ năm 2014, mất đi vị trí đứng đầu khu vực do những vụ tham nhũng có ảnh hưởng lớn liên quan đến các nhân vật chủ chốt của đảng phái và thể chế chính trị lớn. Những trường hợp này bộc lộ sự thiếu sót mang tính hệ thống trong phòng chống tham nhũng và việc trừng phạt không thỏa đáng.

TI cho rằng, năm 2024, Chile đứng trước cơ hội chống tham nhũng mạnh mẽ và hạn chế tội phạm có tổ chức bằng cách thông qua Luật Sở hữu lợi ích, thực hiện các khuyến nghị từ Ủy ban Tư vấn về Minh bạch. Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả Chiến lược liêm chính quốc gia thứ nhất; hiện đại hóa công tác phòng chống, điều tra và xử phạt tham nhũng; cùng với việc củng cố chính quyền địa phương, cũng rất quan trọng.

7. Nam Phi: Nam Phi (điểm CPI: 41) sẽ kỷ niệm 30 năm kể từ khi kết thúc chế độ Apartheid vào năm 2024, đánh dấu buổi bình minh của một kỷ nguyên dân chủ mới. Mặc dù vậy, chỉ số CPI của nước này đã giảm trong 5 năm qua.

Trước thềm cuộc tổng tuyển cử năm 2024, cơ quan hành pháp đang dẫn đầu các nỗ lực chống tham nhũng diễn ra trong nước, bao gồm cả việc thành lập Hội đồng Tư vấn chống tham nhũng Quốc gia, để thu hút sự tham gia của các bên liên quan từ các lĩnh vực khác nhau.

"Đây là cơ hội để khởi động các chiến dịch chống tham nhũng thu hút sự tham gia của đảng phái chính trị và cam kết của họ, huy động công chúng và xã hội dân sự buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm", TI nhận định.

8. Ba Lan: Ba Lan (điểm CPI: 54) đã giảm 7 điểm trong thập kỷ qua. Những cải cách tư pháp cho phép bổ nhiệm chính trị và tạo ra các cơ chế điều tra, trừng phạt các thẩm phán đã làm sai lệch cán cân quyền lực, làm suy yếu nền pháp quyền.

Sau cuộc bầu cử tháng 10/2023, Chính phủ mới ưu tiên khôi phục cán cân quyền lực và pháp quyền. Tuy nhiên việc xây dựng lại thể chế, đồng thời duy trì các quy trình dân chủ là một thách thức lớn, theo TI.

9. Hy Lạp: Hy Lạp (điểm CPI: 49) giảm 3 điểm do cuộc khủng hoảng về quy định pháp luật làm suy yếu tiến trình chống tham nhũng kéo dài hàng thập kỷ của nước này. Mối lo ngại đã gia tăng với vụ bê bối phần mềm gián điệp “Predatorgate”, khi các thành viên cơ quan giám sát độc lập phải đối mặt những đe dọa và các nhân chứng bị cản trở.

TI cho rằng, Chính phủ nước này phải đảm bảo an toàn cho nhà báo, tăng cường quy định pháp luật về vận động hành lang và tài chính của đảng chính trị, đồng thời duy trì một cơ quan chống tham nhũng độc lập.

10. Kyrgyzstan: Chỉ trong 4 năm, Kyrgyzstan (điểm CPI: 26) đã giảm 5 điểm kể từ 2020. Theo TI, những ảnh hưởng quá mức đến công lý, cùng với việc thực thi Luật Chống tham nhũng thiếu hiệu quả, làm suy yếu nền pháp quyền và thúc đẩy văn hóa miễn trừ trừng phạt trong khu vực công.

Các nhà lãnh đạo Kyrgyzstan cần nhanh chóng tái cam kết các nguyên tắc dân chủ, đảm bảo sự độc lập về tư pháp và thực thi nghiêm ngặt Luật Chống tham nhũng.

11. Gabon: Mặc dù được coi là một trong những quốc gia thịnh vượng và ổn định nhất ở Trung Phi, chỉ số CPI của Gabon (28 điểm) đang trong xu hướng suy giảm. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự phản đối với các nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ, nhiều công dân Gabon lo sợ bị trả thù khi tố cáo tham nhũng.

Vào tháng 8/2023, một cuộc đảo chính quân sự xảy ra chỉ vài phút sau khi Ủy ban Bầu cử tuyên bố ông Ali Bongo tái đắc cử tổng thống. Ông Ali Bongo đối mặt với các cáo buộc về gian lận bầu cử và tham nhũng kể từ khi ông bắt đầu lãnh đạo đất nước Gabon giàu dầu mỏ nhưng vẫn nghèo đói cách đây gần 14 năm. Quân đội đã lật đổ Tổng thống Ali Bongo, chấm dứt sự cai trị kéo dài hơn 5 thập kỷ của gia đình Bongo.

Chính phủ mới do quân đội lãnh đạo tuyên bố sẽ ưu tiên chống tham nhũng, đặc biệt là bằng cách tái kích hoạt lực lượng đặc nhiệm chống tham nhũng để điều tra những dự án chưa hoàn thành, dù các nhà thầu đã nhận được tiền.

12. Lebanon: Trong những năm qua, Lebanon (điểm CPI: 24) chứng kiến chỉ số CPI giảm đáng kể (giảm 6 điểm kể từ năm 2012). Sau vụ nổ cảng Beirut năm 2020, đất nước không có con đường rõ ràng để thành lập một hệ thống liêm chính quốc gia mạnh mẽ.

Không có Tổng thống dân cử hoặc Chính phủ hoạt động trong hơn một năm, Lebanon rơi vào tình trạng bất ổn với "khoảng trống chính trị thể chế" kéo dài. Những nỗ lực chống tham nhũng bị thất bại, trong đó có Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia, nơi thiếu cơ cấu quản trị phù hợp.

Bên cạnh những thách thức đang diễn ra, Lebanon cũng đã có những cải tiến trong việc sử dụng dữ liệu về quyền sở hữu hưởng lợi trong mua sắm công nhằm ngăn chặn tham nhũng và gian lận. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn chính trị cũng như khủng hoảng kinh tế ở Lebanon vẫn tiếp tục tồi tệ. (Thanhtra.com.vn 27/3, Hoài Phương)Về đầu trang./.

Các tin khác

04