Bản tin Cải cách hành chính ngày 01/4/2024

15:12, Thứ Hai, 1-4-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Hà Nội “phổ cập” chữ ký số

2.        Đồng Nai: Chấn chỉnh việc “đủng đỉnh” trong xử lý hồ sơ của doanh nghiệp

3.        Quảng Nam hoàn thành xây dựng Kho lưu trữ điện tử dùng chung của tỉnh

4.        Phú Yên: Triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách chính sách tiền lương

5.        Hà Nam: Đăng ký khám, chữa bệnh bằng CCCD và nhận diện khuôn mặt

6.        Bình Phước: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

7.        Quảng Ninh đang tăng tốc chuyển đổi số toàn diện

8.        Lai Châu: Tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

9.        Hà Nội đẩy mạnh thi tuyển chức danh lãnh đạo, tuyển dụng công chức, viên chức

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

10.     Lắng nghe nhân dân để có chính sách đúng, kịp thời

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội “phổ cập” chữ ký số

Hà Nội là một trong những địa phương đã và đang tích cực triển khai chữ ký số để việc thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử được nhanh chóng, thuận tiện. Nỗ lực này góp phần xây dựng công dân số, chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.

Theo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính - Chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố Hà Nội, đến nay, 13.285 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ, công chức của thành phố. Thành phố cũng đã triển khai cấp gần 50.000 chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần xây dựng công dân số, hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.

Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triển khai cấp 155 chữ ký số cá nhân (đạt 100%) cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng UBND thành phố, phục vụ xử lý, phát hành văn bản, hồ sơ công việc trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố. “Kể từ tháng 9-2023, Văn phòng UBND thành phố đã thực hiện xử lý văn bản điện tử toàn trình có gắn chữ ký số cá nhân của người có thẩm quyền là lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố đối với tất cả các văn bản, hồ sơ công việc thuộc thẩm quyền ban hành của Văn phòng trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố”, ông Cù Ngọc Trang nói.

Trong ngành Giáo dục, 100% trường tiểu học đã trang bị chữ ký số cá nhân cho hiệu trưởng và chữ ký số của tổ chức phục vụ công tác quản lý điện tử; trên 60% giáo viên, nhân viên đã được trang bị chữ ký số cá nhân. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, Sở đang đẩy mạnh cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên nhằm hoàn thành thí điểm học bạ số cấp tiểu học theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở cũng đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp mở rộng triển khai cho các cấp học khác, đồng thời phối hợp xây dựng hệ thống quản lý thống nhất toàn thành phố.

Là địa phương đi đầu trong việc cấp chữ ký số miễn phí cho người dân với hơn 20.000 chữ ký số được cấp cho người dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc nhận định, công tác tuyên truyền, vận động đăng ký cấp chữ ký số miễn phí cho công dân đã mang lại hiệu quả thiết thực, thực sự đi vào cuộc sống hỗ trợ người dân thực hiện những thủ tục hành chính, dịch vụ công, với đúng ý nghĩa “không giới hạn về không gian, thời gian”.

Việc cấp chữ ký số rộng rãi cũng giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và giảm tải công việc cho cán bộ. “Mỗi cán bộ, công chức từ cấp phường cần là một tuyên truyền viên, gương mẫu đi đầu kích hoạt, sử dụng chữ ký số thực hiện các dịch vụ công trực tuyến”, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc chia sẻ về kinh nghiệm phổ biến rộng rãi chữ ký số trên địa bàn quận. (Hanoimoi.com.vn 31/3, Tiến Thành)Về đầu trang

Đồng Nai: Chấn chỉnh việc “đủng đỉnh” trong xử lý hồ sơ của doanh nghiệp

Thời gian qua, ở Đồng Nai đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp (DN) nôn nóng chờ đợi kết quả, còn một số cơ quan chức năng lại “đủng đỉnh” xử lý thủ tục hành chính. Điều này đã khiến DN bức xúc vì mất thời gian, tốn chi phí, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Do đó, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các đơn vị quản lý nhà nước phải chấn chỉnh kịp thời, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tại hội nghị gặp gỡ DN có vốn đầu tư nước ngoài, tình trạng “đủng đỉnh” trong giải quyết hồ sơ, bàn giao mặt bằng, giải quyết các chính sách liên quan đến hỗ trợ DN, lắp đặt hệ thống điện áp mái, các thủ tục cấp phép xây dựng, sửa chữa công trình… được các DN phản ánh lên lãnh đạo tỉnh.

Đồng Nai nằm trong tốp đầu của khu vực và cả nước về phát triển khu công nghiệp. Với lợi thế là trung tâm giao thông vùng Đông Nam Bộ nên tỉnh luôn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình đầu tư vào Đồng Nai, có DN còn than phiền khâu giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ, rườm rà.

Tại hội nghị gặp gỡ DN có vốn đầu tư nước ngoài, một số DN đã phản ánh những tồn tại, vướng mắc, đồng thời đưa ra những ý kiến, kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh, yêu cầu chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khắc phục tình trạng chậm trễ trong giải quyết một số thủ tục hành chính. Cụ thể như, thủ tục cấp phép xây dựng, sửa chữa công trình cho các DN còn chậm, kéo dài nhiều tháng; DN bị cúp điện không có thông báo trước từ đơn vị quản lý; tiến độ mở rộng, bàn giao mặt bằng tại một số khu công nghiệp còn chậm, kéo dài nhiều năm; các thủ tục liên quan đến lĩnh vực thuế còn chậm…

Đại diện Công ty TNHH Phát triển Khu công nghiệp Long Bình (Loteco, thành phố Biên Hòa) phản ánh, nhiều tháng qua, DN mòn mỏi chờ kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại hệ thống một cửa, liên quan đến thủ tục đăng ký biến động tài sản. Việc kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ khiến cho DN bị ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất kinh doanh. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến hồ sơ chờ giải quyết lâu là do phải chờ cơ quan thuế xác định nghĩa vụ tài chính. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng phản ánh, thủ tục cấp phép xây dựng, sửa chữa công trình còn khó khăn, mất thời gian và chi phí, ảnh hưởng tới DN.

Nhiều DN cho biết công tác bàn giao mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng đơn hàng cũng bị “ngâm” nhiều năm chưa có hồi kết.

Để giải tỏa bức xúc cho DN, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan trả lời những thắc mắc, kiến nghị, đồng thời nói rõ những nguyên nhân khiến cho tình trạng chậm trễ một số hồ sơ của DN. Tuy nhiên, khi trả lời những vướng mắc, một số đơn vị chưa thống nhất, chưa thỏa mãn những mong chờ của DN.

Điển hình là phần trả lời liên quan đến kiến nghị của Loteco tại hội nghị gặp gỡ DN có vốn đầu tư nước ngoài, lãnh đạo 2 đơn vị là Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và môi trường chưa thỏa mãn được mong muốn, nguyện vọng của DN. Cụ thể, trong quy trình giải quyết hồ sơ cho Loteco phải có bước xác định nghĩa vụ tài chính từ cơ quan thuế, ở bước này, thời gian thực hiện cho phép trong 5 ngày làm việc.

Đại diện Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho rằng, do hồ sơ còn thiếu thông tin nên sau 15 ngày tiếp nhận, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Sở Tài nguyên và môi trường yêu cầu cung cấp thêm, thế nhưng đã thêm 15 ngày, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai vẫn chưa nhận được phản hồi. Như vậy, theo quy định, thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính chỉ được thực hiện trong 5 ngày nhưng 2 cơ quan trên đã “ngâm” 1 tháng chưa xử lý xong.

Bên cạnh đó, các thủ tục cấp phép xây dựng, bàn giao mặt bằng cũng được đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai giải thích còn vướng do các quy định từ Trung ương. Do đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị lên Chính phủ có những điều chỉnh hợp lý. (Baodongnai.com.vn 01/4, Ngọc Liên)Về đầu trang

Quảng Nam hoàn thành xây dựng Kho lưu trữ điện tử dùng chung của tỉnh

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 131, ngày 6/10/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay Kho lưu trữ điện tử dùng chung của tỉnh đã hoàn thành.

Xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu theo quy định.

Tỉnh Quảng Nam đã triển khai 29 dịch vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu qua LGSP để kết nối các hệ thống Cơ sở dữ liệu của Trung ương, các cơ sở dữ liệu của tỉnh (Qoffice, Hệ thống thông tin một cửa điện tử, cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, Hệ thống IOC tỉnh, SMART, egov Quảng Nam).

Về nội dung hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung duy nhất của tỉnh, đến nay Quảng Nam đã thực hiện hoàn thành.

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh hoàn thành Kho dữ liệu cá nhân, tổ chức kết nối với Kho dữ liệu của Cổng dịch vụ công Quốc gia; cấu hình quy trình, cập nhật thông tin thủ tục, biểu mẫu eForm và thành phần hồ sơ cho hơn 130 TTHC có mức độ sử dụng nhiều để thực hiện tại cấp sở, huyện, xã.

Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử của tỉnh cơ bản được thực hiện hợp pháp, khoa học; bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin. (Baoquangnam.com.vn 01/4, T.Đồng)Về đầu trang

Phú Yên: Triển khai đồng bộ, hiệu quả cải cách chính sách tiền lương

UBND tỉnh Phú Yên vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Quyết định 135/QĐ-TTg ngày 31/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Kết luận 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII và Nghị quyết 104/2023/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, triển khai thực hiện Quyết định 1120-QĐ/TU ngày 28/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành bảng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị tỉnh Phú Yên.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý cán bộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận 35-KL/TW, bảo đảm kế thừa, ổn định trong tổ chức bộ máy. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trước ngày 31/3/2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có liên quan, đảm bảo đúng quy định, để làm căn cứ thực hiện chính sách tiền lương mới. 

UBND tỉnh giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền về cải cách chính sách tiền lương đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; tạo sự đồng thuận trong xã hội, các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh… (Baophuyen.vn 31/3)Về đầu trang

Hà Nam: Đăng ký khám, chữa bệnh bằng CCCD và nhận diện khuôn mặt

Đề án 06 đã tạo ra cuộc đua về công nghệ và trí tuệ nhân tạo đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Nếu như trước đây, để đăng ký khám chữa bệnh phải xếp hàng, lấy phiếu, và chờ đợi thì nay các phần việc này đều được lập trình bằng hệ thống máy móc. Tại tỉnh Hà Nam, mô hình đăng ký khám bệnh tự động bằng hệ thống Kiosk bước đầu đã đem lại nhiều thuận lợi cho người dân.

Trung tâm y tế huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng hôm nay lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Thanh đi khám chữa bệnh mà không cần có người thân đi cùng. Với chiếc máy đăng ký khám chữa bệnh tự động này, chỉ cần thẻ căn cước công dân và mất vài phút thao tác, ông Thanh đã có thể lấy được số khám. Không những vậy, máy còn tạo ra hồ sơ khám bệnh điện tử và hướng dẫn người khám tới tận phòng bác sỹ.

Mỗi ngày tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có trên dưới 300 trường hợp tới đăng ký khám, chữa bệnh. Thay vì cầm sổ khám bệnh đến xếp hàng làm thủ tục đăng ký với nhân viên y tế thì nay, chỉ cần thẻ căn cước có gắn chíp người tới khám có thể tự đăng ký khám qua hệ thống máy tự động này.

Việc áp dụng thành công mô hình máy khám chữa bệnh tự động đã từng bước cụ thể hóa Đề án 06 và lộ trình đưa các tiện ích của công nghệ vào cuộc sống giúp cải cách thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người dân. (Truyền hình Quốc hội – Thời sự ngày 01/4)Về đầu trang

Bình Phước: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo

Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế của thời đại 4.0 hiện nay. CĐS có tác động to lớn trong việc thúc đẩy phát triển tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế và đời sống văn hóa, xã hội. Từ thực tế đó, thời gian qua, huyện Bù Đốp đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư cho công tác CĐS và đã mang lại nhiều giá trị to lớn.

Bên cạnh nguồn lực thụ hưởng các dự án từ ngân sách của tỉnh, để đảm bảo công tác CĐS hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm, thời gian qua, huyện Bù Đốp luôn quan tâm đẩy mạnh công tác đầu tư. Giai đoạn 2022-2025, huyện triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo nhân lực với tổng gần 24,5 tỷ đồng. Riêng trong năm 2022 và 2023, huyện đầu tư hơn 11,7 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc. Đến thời điểm hiện nay, huyện đã hoàn thiện và vận hành thông suốt hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc; hội nghị trực tuyến; hệ thống thư điện tử; chữ ký số; phần mềm họp không giấy và dịch vụ công, một cửa từ cấp huyện đến các xã.

Ông Nguyễn Minh Kha, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, thành viên Ban Chỉ đạo CĐS huyện Bù Đốp cho biết, thời gian qua, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng về CĐS khá mạnh mẽ. Huyện lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên những lĩnh vực có nhu cầu lớn, cấp thiết trước. Đến nay, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và trong quản lý hành chính cũng như lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù là địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, song với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, công tác CĐS ở huyện biên giới Bù Đốp đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, huyện Bù Đốp xếp thứ 3/11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh về CĐS. Từ nay đến năm 2025, huyện Bù Đốp sẽ tiếp tục, tập trung đầu tư CĐS vào 9 lĩnh vực: Quản lý dân cư, quản lý tài nguyên và môi trường, giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông, năng lượng và sản xuất công nghiệp. Đây cũng là tiền đề thúc đẩy huyện biên giới Bù Đốp phát triển toàn diện trong thời gian tới.
Nếu vài năm trước, người dân xã Tân Tiến nói riêng và huyện Bù Đốp nói chung khi đến trụ sở UBND giải quyết thủ tục hành chính phải xếp hàng chờ đợi, thậm chí phải bốc số thứ tự chờ đến lượt, thì nay cảnh người dân chờ đợi đã thưa dần. Không phải người dân ít có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, mà hầu hết đã được giải quyết trên môi trường số. Và người dân chỉ đến trụ sở UBND khi mọi thủ tục đã giải quyết xong nên không phải chờ đợi lâu.

Còn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của huyện, hằng ngày có hàng trăm người dân, doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính. Song song với đầu tư trang thiết bị, máy móc, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức cũng đã chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số, số hóa thủ tục hành chính cũng được người dân áp dụng khá phổ biến. Từ đó, hầu hết công việc, thủ tục hành chính đã được giải quyết nhanh gọn, đúng tiến độ, mang đến sự hài lòng cho người dân. (Baobinhphuoc.com.vn 31/3, Văn Ðoàn) Về đầu trang

Quảng Ninh đang tăng tốc chuyển đổi số toàn diện

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện, tỉnh Quảng Ninh đã đạt khoảng 40% yêu cầu trên cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Quảng Ninh đang tăng tốc trên nhiều lĩnh vực để có thể trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh vào năm tới.

Quảng Ninh hiện là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc TOP đầu cả nước, số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đạt 98,5%; Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và 13 trung tâm cấp huyện đều đã thực hiện thu phí, lệ phí hoàn toàn toàn không dùng tiền mặt.

Ngoài cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tại Quảng Ninh, tiến độ triển khai thực hiện số hoá và tái sử dụng kết quả số hoá; lượng công việc xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã; việc triển khai học bạ điện tử; ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu khám chữa bệnh… đều đạt tỷ lệ tối đa.

Phát triển chính quyền số là một trong những điểm sáng giúp Quảng Ninh vươn lên đứng thứ 3 cả nước trên Bảng xếp hạng Mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022. Hiện nay, việc xác thực điện tử thông qua dữ cơ sở dữ liệu về dân cư đạt 96% đã giúp người dân có thể sử dụng CCCD thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh, cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng thiết bị di động thông minh đạt 88%, hộ gia đình có kết nối cáp quang gần 80%. Tất cả các doanh nghiệp điện, nước, viễn thông tại Quảng Ninh đều triển khai hợp đồng điện tử, 95% hộ kinh doanh sử dụng hoá đơn điện tử…

Đây là những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Có 7/20 mục tiêu, tương đương 40% mục tiêu cơ bản đã đạt yêu cầu đề ra; Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đã và đang có sự hỗ trợ của gần 1.500 tổ công nghệ số cộng đồng tại các khu dân cư, đơn vị; Hệ thống hạ tầng số, dữ liệu và nền tảng số từng bước được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu tại địa phương…

Tuy vậy, tỉnh Quảng Ninh cũng đánh giá, việc triển khai chuyển đổi số vẫn còn chậm và chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh nguyên nhân từ việc thiếu thốn các văn bản pháp luật, hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, thì hạ tầng công nghệ cũng đã dần xuống cấp sau nhiều năm, nhất là tại Trung tâm phục vụ Hành chính công các cấp… (VOV.vn 30/3, Đông Giang)Về đầu trang

Lai Châu: Tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp

Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Tam Đường đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tham gia BHXH, bảo hiểm tự nguyện (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT)… Qua đó, góp phần tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch, từng bước nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn huyện.

Huyện Tam Đường có 13 xã, thị trấn, với 12 dân tộc cùng sinh sống. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN được triển khai với nhiều nội dung, hình thức ngày càng đa dạng, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Thời gian qua, BHXH huyện Tam Đường đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, từng bước đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động và cá nhân đến giao dịch. Để thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, BHXH huyện Tam Đường thường xuyên lắng nghe ý kiến, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, thực hiện đúng các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT; tiến hành cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực công tác. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết chế độ BHXH, BHYT theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Hiện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính là khâu trung tâm kết nối các bộ phận nghiệp vụ trong đơn vị theo quy trình khoa học, đồng bộ và khép kín. Vì vậy, tất cả các thủ tục, công việc được xử lý nhanh, giao dịch được thuận lợi, giảm bớt các khâu trung gian thay vì phải đến từng bộ phận chuyên môn như trước đây. Không những thế, BHXH huyện Tam Đường đã niêm yết công khai các hồ sơ, thủ tục tại cơ quan để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin. Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ cho đội ngũ viên chức làm nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính.

Trung bình mỗi ngày, BHXH huyện Tam Đường tiếp nhận, xử lý 20-30 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân. Việc triển khai sử dụng các phần mềm nghiệp vụ của ngành BHXH vào giải quyết các chế độ chính sách BHXH, BHYT như: phần mềm giám định BHYT; phần mềm thu, cấp sổ thẻ; phần mềm giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất ốm đau, thai sản; phần mềm tiếp nhận, quản lý hồ sơ… đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tất cả các hồ sơ hành chính thuộc thẩm quyền được BHXH huyện giải quyết đầy đủ, đảm bảo chính xác, nhanh chóng, mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Song song với đó, BHXH huyện tăng cường thực hiện giao dịch điện tử với các đơn vị sử dụng lao động, UBND xã, thị trấn về tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hồ sơ BHXH, BHYT trên môi trường điện tử, kết quả đạt 99,8% tỷ lệ hồ sơ giao dịch. Năm 2023 đã vận động và kích hoạt 2.465 người sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số, đạt 98,6% kế hoạch tỉnh giao. Đồng thời, phối hợp với với UBND các xã, thị trấn, công an huyện, phòng tư pháp, phòng giáo dục và đào tạo huyện đẩy mạnh công tác đồng bộ dữ liệu trong năm 2023, đạt 99,9% tỷ lệ đồng bộ cơ sở dữ liệu.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong cải cách thủ tục hành chính, tin rằng BHXH huyện Tam Đường sẽ ngày càng phát triển, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. (Baolaichau.vn 01/4, Phương Thanh)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Hà Nội đẩy mạnh thi tuyển chức danh lãnh đạo, tuyển dụng công chức, viên chức

Quý I năm nay, TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, tập trung khối giáo dục, kết quả đã có 9 vị trí lãnh đạo, quản lý khối giáo dục được bổ nhiệm thông qua thi tuyển; đối với tuyển dụng công chức, viên chức, TP đã tổ chức tuyển dụng công chức 101 người...

Thực hiện công tác cải cách chế độ công vụ, trong quý I năm nay, TP Hà Nội tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm (VTVL), tăng cường đào tạo bồi dưỡng, thực hiện đánh giá hằng tháng và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC, NLĐ) hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP.

Theo UBND TP Hà Nội, 3 tháng đầu năm, TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát danh mục VTVL, bản mô tả và khung năng lực VTVL, báo cáo UBND TP (qua Sở Nội vụ Hà Nội) để xem xét, phê duyệt điều chỉnh VTVL phù hợp với quy định của Trung ương, TP. Đồng thời,  yêu cầu các cơ quan, đơn vị  rà soát tổng thể kế hoạch sử dụng biên chế công chức, viên chức, hiện trạng biên chế và đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng, chỉ tiêu tiếp nhận, để từ đó tổ chức tuyển dụng, đáp ứng, bổ sung nguồn nhân lực còn thiếu theo quy định.

Đặc biệt, TP tiếp tục chỉ đạo việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, tập trung khối giáo dục, kết quả từ đầu năm đến nay đã có 9 vị trí lãnh đạo, quản lý khối giáo dục được bổ nhiệm thông qua thi tuyển. Đối với tuyển dụng công chức, viên chức, TP đã tổ chức tuyển dụng công chức 101 người; đồng thời tổ chức cho ý kiến kế hoạch tuyển dụng công chức phường đối với quận Hoàng Mai. Đối với nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, TP đã bổ nhiệm 22.769 giáo viên hạng từ hạng 3 lên hạng 2 năm 2023.

Song song đó, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng ứng xử của đội ngũ CBCCVC, NLĐ được TP tập trung từng bước đổi mới từ hình thức đến nội dung.

Trong đó, TP đưa chỉ tiêu, yêu cầu bảo đảm 100% CBCCVC từ TP xuống tới cấp xã được tập tuấn, bồi dưỡng về kỹ năng số và kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng, qua kênh phản ánh, kiến nghị trực tuyến, điện thoại, email; 30% CBCCVC được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu.

Hiện TP đang yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, báo cáo để tổng hợp, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC TP Hà Nội năm 2024 phù hợp yêu cầu thực tiễn của TP. Cùng đó, chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước năm 2024 theo kế hoạch của Thành ủy và xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng CBCCVC năm 2024 theo các kế hoạch, chỉ tiêu được giao. (Kinhtedothi.vn 31/3, Linh Chi)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Lắng nghe nhân dân để có chính sách đúng, kịp thời

Từ nhiều năm nay, công tác nắm bắt dư luận xã hội, lắng nghe ý kiến của người dân luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Việc kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, lắng nghe đầy đủ ý kiến, tâm tư của người dân giúp cho cấp ủy đảng và chính quyền định hướng, lập kế hoạch công tác phù hợp, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân.

Quan trọng hơn, việc nắm bắt dư luận xã hội giúp cấp ủy đảng và chính quyền các cấp kịp thời xử lý, giải quyết những vấn đề bức xúc đang diễn ra, phát sinh trong thực tế cuộc sống, qua đó góp phần củng cố niềm tin và tình cảm của người dân.

Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, có nhiều nơi, nhiều đơn vị đã triển khai các hình thức cụ thể để lắng nghe ý kiến của nhân dân, qua đó kịp thời nắm bắt thực tế cuộc sống. Trong đó, đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Dân vận Thành ủy phối hợp tổ chức Hội nghị ký kết kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nắm tình hình nhân dân và dư luận xã hội trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2024-2025.

Theo kế hoạch, cùng với việc phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương của Thành ủy, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố gắn với chủ đề năm của thành phố, các đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền kết quả tham gia đóng góp ý kiến, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...

Bên cạnh đó, chú trọng triển khai phối hợp nắm tình hình nhân dân và dư luận xã hội từ thành phố đến cơ sở và khu dân cư; xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở; qua đó, kịp thời theo dõi, nắm tình hình nhân dân, dư luận xã hội và phản ánh về thành phố để tổng hợp, kiến nghị, đề xuất các cấp, các ngành liên quan xem xét giải quyết; đồng thời chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội.

Đáng chú ý, các đơn vị tập trung triển khai rà soát, nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc chính đáng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những bức xúc có nguy cơ tạo ra điểm nóng, các vụ việc liên quan đến việc triển khai các dự án, công trình trên địa bàn; phối hợp kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra vi phạm, có vấn đề nổi cộm, bức xúc mà nhân dân quan tâm nhằm kịp thời định hướng dư luận thành phố; tránh để hình thành những điểm nóng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn thành phố; phối hợp nắm chắc tình hình, thường xuyên theo dõi, phát hiện, thực hiện đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên không gian mạng.

Theo báo cáo, trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội của 3 cơ quan nêu trên cho nên công tác định hướng thông tin, định hướng dư luận trong nhân dân ngày càng nền nếp và mang hiệu ứng tích cực. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân được Thành ủy, chính quyền các cấp quan tâm, giải quyết kịp thời; công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng các tầng lớp nhân dân được Ban Tuyên giáo Thành ủy, Mặt trận thành phố, Ban Dân vận Thành ủy tổng hợp qua các kênh, báo cáo gửi đến Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi và định hướng trong hoạch định các chủ trương, chính sách công.

Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực “làm chủ” mặt trận thông tin, truyền thông nhưng có nơi, có thời điểm, những thông tin, dư luận xã hội, nhất là thông tin tiêu cực, xấu, độc... chưa được nắm bắt và xử lý kịp thời, dẫn đến tâm lý bức xúc trong người dân, khiến cho người dân dễ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây mất an ninh, trật tự.

Kịp thời cập nhật và nắm bắt tâm tư người dân, dư luận xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhưng một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc, còn hời hợt, chiếu lệ cho nên sự phản hồi và xử lý thông tin chưa kịp thời. Sự phát triển nhanh chóng của các loại hình thông tin trên mạng xã hội đã làm cho việc nắm bắt dư luận trở nên khó khăn hơn, nhất là trước thông tin đa chiều, xấu độc tràn lan.

Thực tế này đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải có sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực và kỹ năng của cán bộ, đảng viên để có thể nắm bắt và xử lý các thông tin chính xác hơn, nhanh nhạy hơn. Các cơ quan, đơn vị chức năng cần đẩy mạnh và mở rộng liên kết thường xuyên, chặt chẽ, cùng nhau cập nhật dư luận và xử lý thông tin một cách nhanh chóng, chính xác.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng nghiên cứu, triển khai các chế tài, biện pháp xử lý nghiêm minh các thông tin không đúng sự thật, bịa đặt, kích động, gây hại cho lợi ích, uy tín quốc gia, dân tộc, địa phương, đơn vị, cá nhân, tổ chức. (Nhandan.vn 01/4, Khánh An)Về đầu trang./.

Các tin khác

07