Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 22/02/2024

14:52, Thứ Năm, 22-2-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

1.        5 bài học kinh nghiệm rút ra từ giải ngân vốn đầu tư công 2023

2.        Soi “địa chỉ” còn vướng mắc để tháo gỡ

3.        Hải Phòng: Mục tiêu giải ngân 100% số vốn đầu tư công trong năm 2024

BÀN LUẬN VỀ VIỆC SỬ DỤNG XE CÔNG

4.        “Tận dụng” xe công: Do chế tài yếu, chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh!

5.        Chủ tịch hội phụ nữ cấp tỉnh không được dùng ôtô công đưa đón đi làm

6.        Phó Chủ tịch cấp tỉnh ở 2 địa phương mới được ôtô công đưa đón đi làm

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

7.        Quảng Ninh: Năm 2024 tiếp tục bứt phá và lọt top đầu thu hút FDI cả nước

8.        Năm 2024, Khánh Hòa làm gì để thu hút các nhà đầu tư chiến lược?

9.        Bắc Giang dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội

10.     Vĩnh Long đặt mục tiêu có 510 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024

QUẢN LÝ

11.     Chủ tịch Hà Nội yêu cầu không để phát sinh điểm nóng, gây bức xúc xã hội

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

12.     Hà Nội: Bước đột phá trong cải cách hành chính

THẾ GIỚI

13.     Miễn visa, Thái Lan và Singapore kéo hết du khách Trung Quốc

 

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

5 bài học kinh nghiệm rút ra từ giải ngân vốn đầu tư công 2023

Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% kế hoạch, số tuyệt đối đạt gần 676 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, cao hơn khoảng 146 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Bên cạnh những kết quả được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ giải ngân vốn đầu tư công 2023, đó là:

1. Sự điều hành đồng bộ, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của bộ, cơ quan trung ương, địa phương là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

2. Năng lực phân tích, lập kế hoạch, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, khó khăn vướng mắc phát sinh; làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.

3. Việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực…

4. Thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách. Duy trì, tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư công.

5 Tăng cường, đẩy mạnh cải cách thể chế, phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, đôn đốc và tăng cường phối hợp; kiểm tra, thanh tra công vụ gắn với đánh giá, xếp loại cuối năm.

Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bộ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, cần tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, cần có giải pháp tổng thể. Yêu cầu đầu tiên là phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Thực tế cho thấy, trong cùng một thể chế, chính sách pháp luật, có những bộ, ngành và địa phương giải ngân tốt, đó chính là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu.

“Đề nghị các đại biểu Quốc hội nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát địa phương mình, từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng, đến tổ chức thi công... trong vấn đề giải ngân đầu tư công của địa phương” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. (Daidoanket.vn 21/02, Thái Nhung)Về đầu trang

Soi “địa chỉ” còn vướng mắc để tháo gỡ

Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt thấp hơn so với yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra (95%). Có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân không đạt nhưng cần soi vào từng địa chỉ, từng đơn vị, địa phương xem khó khăn vướng mắc ở đâu, yếu kém ở đâu để khắc phục cái đó.

Ví như năng lực quản lý của chủ đầu tư, năng lực nhà thầu, các yếu tố về giải phóng mặt bằng, điều kiện thời tiết, điều kiện địa hình kỹ thuật. Bây giờ cần xem vướng ở cái gì để giải quyết chính vấn đề đó, ông Lâm nói.

Trong năm 2023 các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong giải ngân vốn đầu tư công nhưng vẫn không thể đạt được kết quả cao hơn. Trong đó có nguyên nhân những vấn đề tồn tại cố hữu như: giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu; ý thức tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư; sự quyết liệt vẫn còn những sự khác nhau, chênh lệch giữa nơi này, nơi kia, người này với người nọ. Có địa bàn, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhưng khối lượng không phải là lớn. Có đơn vị chuyên đi giải ngân, nhưng có đơn vị thỉnh thoảng có vài công trình nhỏ.

Ngay từ đầu năm 2024, Thủ tướng đã rất quyết liệt đôn đốc chỉ đạo gỡ khó, gỡ vướng các cơ chế chính sách. Những vấn đề trước đây nói rằng, do thủ tục thì đến nay cơ bản đã đều gỡ được. Nhưng có một số cái còn phụ thuộc vào quy mô. Ví dụ năm 2023 không đạt được kế hoạch đề ra nhưng đây lại là năm có quy mô giải ngân vốn đầu tư công lớn. Cho nên dù chưa đạt được mức như yêu cầu đề ra nhưng đây cũng là sự cố gắng.

Sang năm 2024 kế hoạch giải ngân đã được giao rồi, do đó tinh thần chỉ đạo phải quyết liệt ngay từ đầu năm, giao trách nhiệm cụ thể. Theo đó, đối với các đơn vị, chủ đầu tư phải chủ động tích cực, xem vướng ở đâu? khó cái gì? thì phải bảo cáo ngay để tháo gỡ, đồng thời phải đôn đốc triển khai tích cực quyết liệt, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao. Còn đối với cấp trên là các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản phải tăng cường khâu kiểm tra, giám sát. Những cái nào vướng về cơ chế chính sách thì kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ cho các địa phương, cho các đơn vị để họ có thể triển khai được các nội dung công việc. (Daidoanket.vn 21/02, V.Thắng)Về đầu trang

Hải Phòng: Mục tiêu giải ngân 100% số vốn đầu tư công trong năm 2024

Với mục tiêu giải ngân 100% số vốn đầu tư công trong năm 2024, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, trọng điểm, nhất là 5 dự án dự kiến khánh thành trong năm. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến khởi công trong năm nay.

Năm 2024, trong tổng số 19.217,3 tỷ đồng ngân sách, Hải Phòng bố trí 11.791,1 tỷ đồng để thực hiện các nhóm dự án đầu tư công chuyển tiếp từ các năm trước và khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư trong năm.

Theo kế hoạch, dự kiến hạng mục cấp, thoát nước hoàn thành ngày 3/11/2024; hạ tầng cảnh quan hoàn thành ngày 18/11/2024; phần đường giao thông hoàn thành 30/4/2024. Dự án Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn cũng đang bảo đảm tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành phần thô trong tháng 3/2024; hoàn thành kết cấu mái trong tháng 7/2024; hoàn thiện tháng 10/2024; đường giao thông hoàn thành tháng 3/2025.

Ngoài ra, còn các dự án, công trình trọng điểm khác cũng đang được chủ đầu tư, đơn vị tập trung thực hiện. Đạt kết quả này, lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án; duy trì hiệu quả hoạt động các tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Từ tín hiệu tích cực của các công trình, dự án trọng điểm, tình hình thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố khá sôi động. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt 854,1 tỷ đồng, tăng 12,93% (tương ứng tăng 97,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng vốn ngân sách Thành phố đạt 669,6 tỷ đồng tăng 10,86%. (Baodautu.vn 21/02, Thanh Sơn)Về đầu trang

BÀN LUẬN VỀ VIỆC SỬ DỤNG XE CÔNG

“Tận dụng” xe công: Do chế tài yếu, chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh!

Sau hai lần Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh có văn bản yêu cầu, cuối cùng thì Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân có liên quan đến vụ việc dùng xe công (xe biển xanh 38A-066.88) được sử dụng “tranh thủ” đón người nhà tại sân bay. Điều đáng nói, người vi phạm lạm dụng xe công vào việc tư lại chính là lãnh đạo cao nhất của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Lệ Hà – Chủ tịch Hội.

Trường hợp của bà Hà không phải là người đầu tiên vi phạm quy định của Chính phủ về việc dùng xe công và có lẽ cũng chưa phải là người cuối cùng muốn “tận dụng” xe công phục vụ lợi ích riêng. Điều đó không có gì khó hiểu, bởi khi người đứng đầu đơn vị vi phạm lạm dụng xe công phục vụ cá nhân và gia đình thì ai dám lên tiếng phản đối hay có ý kiến trái chiều cơ chứ. Hầu hết những trường hợp bị lộ đều là nhờ có sự giám sát chặt chẽ của người dân, báo giới hoặc mạng xã hội.

Quy định của Chính phủ về chế độ dùng xe công cho từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, chức vụ ra sao sẽ được dùng xe loại gì rất cụ thể, chi tiết. Chính phủ cũng nghiêm cấm việc sử dụng xe công để phục vụ lợi ích cá nhân, gia đình. Vậy nhưng không phải vị cán bộ nào cũng tuân thủ đúng những quy định đó. Người thì dùng xe công đón con, người thì dùng xe công đi lễ chùa, có người lại dùng xe công để đưa rước phu nhân đi sắm đồ... Họ không phải không nắm được quy định, chỉ là cố tình phớt lờ những quy định đó.

Nếu không có người đứng ra chỉ rõ thì số cán bộ tận dụng xe công sẽ coi việc dùng xe công phục vụ lợi ích riêng là chuyện thường, cứ thế tiếp diễn ngày. Còn nếu bị phát hiện gây ầm ĩ, họ sẽ trốn tránh bằng đủ mọi lý do như đang đi việc công, chỉ tranh thủ “tạt té” chút xíu. Hoặc nếu có thể ém nhẹm được thì sẽ dùng kế “kim thiền thoát xác”, đổ lỗi cho cấp dưới dùng xe công chứ không phải chính bản thân họ. Lúc đó, người chịu tội sẽ không phải là họ.

Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ không ít cán bộ vẫn phớt lờ quy định của Chính phủ về việc sử dụng xe công, lạm dụng để phục vụ lợi ích riêng là do chế tài yếu, chưa đủ sức răn đe, cảnh tỉnh. Nếu như coi thường quy định, vi phạm nhiều lần không chỉ dừng lại ở mức “rút kinh nghiệm sâu sắc”, mà sẽ phải đối mặt với các hình thức kỷ luật, thậm chí mất chức, tin rằng sẽ chẳng có ai dám dùng sinh mạng chính trị để “đánh cược” cả.

Bên cạnh đó, vẫn không có nhiều cán bộ cấp dưới dám “có ý kiến” khi thấy cấp trên của mình lạm dụng xe công phục vụ lợi ích riêng, dù thấy sai cũng chỉ biết im lặng để bảo toàn bản thân nên mới có sự lộng hành, coi thường quy định của Chính phủ trong việc sử dụng xe công. Nếu có nhiều người dám đứng ra chỉ rõ sai phạm của cấp trên trong việc dùng xe công thì có lẽ sẽ có nhiều người không dám liều lĩnh. Cùng với đó cũng cần phải xử lý nghiêm những người vi phạm trong việc sử dụng xe công, tin rằng tệ “tham nhũng vặt” này sẽ dứt. (Daidoanket.vn 21/02, Lê Anh Đức)Về đầu trang

Chủ tịch hội phụ nữ cấp tỉnh không được dùng ôtô công đưa đón đi làm

Thời gian qua, một chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ cấp tỉnh dùng xe ôtô công đón con gái ở sân bay gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc thắc mắc về tiêu chuẩn dùng xe của người có chức vụ này.

Luật sư Nguyễn Tình, Phó trưởng văn phòng luật sư Tinh hoa Việt cho biết, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn định mức sử dụng ôtô quy định các đối tượng được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước giao nhưng được không sử dụng để đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại gồm có: giám đốc, phó Giám đốc sở và tương đương cấp tỉnh.

Chủ tịch Hội phụ nữ cấp tỉnh (tương đương giám đốc sở) chỉ được sử dụng xe ôtô công phục vụ công tác chung để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước giao không sử dụng để đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan.  Chức danh sử dụng ô tô công không đúng mục đích có thể đối diện án phạt.

Khoản 4 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công như sau: Sử dụng xe ôtô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.

Khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP có quy định về hành vi sử dụng tài sản công không đúng mục đích như sau:

Phạt tiền đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích (sử dụng tài sản công không đúng với mục đích, công năng sử dụng của tài sản được đầu tư, trang bị, mua sắm; sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích cá nhân; sử dụng xe ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân; sử dụng máy móc, thiết bị, tài sản khác vào mục đích cá nhân).

Theo đó, mức phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng được áp dụng trong trường hợp giao, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ôtô.

Như vậy, chức danh chủ tịch hội phụ nữ cấp tỉnh hoặc chức danh khác dùng ôtô công đưa đón trái quy định như đi từ nơi ở đến nơi làm việc có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP. (Laodong.vn 21/02, Xuyên Đông)Về đầu trang

Phó Chủ tịch cấp tỉnh ở 2 địa phương mới được ôtô công đưa đón đi làm

Theo quy định, phó chủ tịch HĐND và UBND cấp tỉnh chỉ được sử dụng ôtô công phục vụ công tác chung, không sử dụng để đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND, HĐND cấp tỉnh ở 2 địa phương được sử dụng loại lệ.

Điều 7 Nghị định số 72/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn định mức sử dụng ôtô quy định, Phó Chủ tịch HĐND, UBND Thành phố Hà Nội, TPHCM được sử dụng xe ôtô công đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại và đi công tác. Mức giá ôtô công người ở chức danh này được sử dụng tối đa 1,25 tỉ đồng/xe.

Nghị định Nghị định số 72/2023/NĐ-CP cũng quy định những chức danh được sử dụng xe ôtô công đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại và đi công tác, có quy định mức giá tương đương với Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố Hà Nội và TPHCM (1,25 tỉ đồng/xe). Đó là:

Tổng Cục trưởng, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi là tập đoàn kinh tế).

Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân; Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Trưởng Ban chuyên trách hoặc ủy viên chuyên trách các ban chỉ đạo ở Trung ương; Phó Trưởng ban chuyên trách hoặc ủy viên chuyên trách các ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo; Trợ lý các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân; Giám đốc Truyền hình Quốc hội; Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Phó Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Chánh văn phòng Đảng đoàn Quốc hội; Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng ở các Đảng ủy: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (Laodong.vn 21/02, Xuyên Đông)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Quảng Ninh: Năm 2024 tiếp tục bứt phá và lọt top đầu thu hút FDI cả nước

Từ những kết quả kỷ lục về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 3,1 tỷ USD trong năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục bứt phá và lọt top đầu thu hút FDI cả nước. Để hiện thực hóa điều này, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024, hàng loạt các giải pháp đồng bộ đã được triển khai, đích đến sẽ là thu hút đạt 1 tỷ USD trong quý I/2024.

Năm 2023 tỉnh Quảng Ninh đã có bước đột phá mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn thu hút đạt gần 5 tỷ USD, trong đó thu hút FDI đạt trên 3,1 tỷ USD, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có gần 200 doanh nghiệp FDI đến từ 20 quốc gia, với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI, chủ yếu là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để có được kết quả ấn tượng này là sự nỗ lực rất lớn từ tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh việc đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, Quảng Ninh đã nhận định chính xác từ xa, từ sớm bối cảnh, tình hình chung của quốc tế và khu vực để có kế hoạch, chiến lược bài bản cho sự bứt phá mới trong thu hút đầu tư.

Cùng với đó, tận dụng lợi thế là địa phương đầu tiên được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; 6 năm liên tiếp (2017-2022) giữ vị trí quán quân PCI; sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, đa dạng nhất miền Bắc cùng các giải pháp trong nâng cao chất lượng điều hành chính quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, đồng hành cùng doanh nghiệp…

Những giải pháp cầu thị, đúng thời điểm đã tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư, đón được làn sóng mới, cơ hội mới, xác lập kỷ lục thu hút nguồn vốn đầu tư FDI thế hệ mới sau hơn 20 năm kể từ thời điểm dự án FDI đầu tiên đầu tư vào tỉnh năm 2002.

Với quan điểm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển, FDI là động lực quan trọng, thúc đẩy ngành công nghiệp tăng tốc trong giai đoạn mới; nhận định về biến động của môi trường đầu tư quốc tế, nhất là sự chuyển dịch mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài thời điểm hiện nay, Nghị quyết số 20-NQ/TU (ngày 27/11/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024” đã xác định: Thu hút đầu tư nói chung, FDI nói riêng là động lực chính để đảm bảo tăng trưởng với mục tiêu phấn đấu tổng vốn FDI đạt trên 3 tỷ USD.

Ông Phạm Xuân Đài - Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Quyết tâm của Quảng Ninh đã được triển khai ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024. Với tinh thần các nghị quyết, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động, Ban Quản lý khu kinh tế đã bám sát chỉ đạo triển khai cụ thể các nội dung. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 21/02, Hoài Thương)Về đầu trang

Năm 2024, Khánh Hòa làm gì để thu hút các nhà đầu tư chiến lược?

Để thu hút được các dự án đầu tư lớn, các nhà đầu tư chiến lược, năm 2024, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hoàn thiện các nền tảng hiện có, dựa trên tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, thứ nhất, tỉnh Khánh Hòa sẽ lập Kế hoạch thực hiện quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hằng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển và theo quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.

Thứ hai, tỉnh tập trung hoàn thành các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành quan trọng của tỉnh gồm: điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Đồng thời, tỉnh sẽ hoàn thiện các quy hoạch phân khu phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các Quy hoạch chung được duyệt làm cơ sở để kêu gọi đầu tư và triển khai thực hiện các dự án.

Thứ ba, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, trong đó một số giải pháp cụ thể mang tính chất đột phá.

Đó là đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ hành chính công gắn liền với Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến theo hướng “một cửa, tại chỗ” từ năm 2023; xây dựng Cổng thông tin xúc tiến đầu tư nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng cung cấp thông tin cho nhà đầu tư như đã nói trên, triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở ngành DDCI từ năm 2023, điều chỉnh vai trò, chức năng của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về hỗ trợ và xúc tiến đầu tư, nhằm mục đích không chỉ đẩy nhanh các thủ tục đầu tư mà còn tăng cường vai trò hỗ trợ kinh doanh, kết nối phát triển trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ tư, tỉnh sẽ tăng cường các cơ chế tiếp xúc và đối thoại doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp và trên các nền tảng số, nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh.

Thứ năm, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mang tính kết nối chiến lược nhằm tạo ra điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thứ sáu, Khánh Hòa tiếp tục kêu gọi các dự án cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội chất lượng cao như các bệnh viện quốc tế, mở rộng mạng lưới phân hiệu các trường đại học lớn, các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, sớm hình thành Trung tâm Công nghệ phần mềm nhằm thu hút các chuyên gia đến làm việc, đào tạo nguồn nhân lực về khoa học công nghệ và hình thành hệ sinh thái về khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, nhằm cung cấp các giải pháp công nghệ trong sản xuất cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà đầu tư.

Thứ bảy, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực quản lý lãnh đạo, nhất là đề cao vai trò người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chiến lược đặt ra đối với từng ngành, lĩnh vực kết hợp phát huy vai trò của công cuộc chuyển đổi số quốc gia đưa vào các nền tảng phục vụ doanh nghiệp và công tác quản lý.

Thứ tám, tỉnh Khánh Hòa sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tiến độ thực hiện các dự án nhằm sớm xử lý các dự án chậm tiến độ, không chấp hành các quy định pháp luật. (Baodautu.vn 21/02, Nhiệt Băng)Về đầu trang

Bắc Giang dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cho biết các địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội hiện nay là Bắc Giang với 12.400 căn, Hải Phòng 11.600 căn, Bình Dương 6.500 căn, Đồng Nai 9.500 căn. Bình Dương 6.500 căn đã khởi công xây dựng.

Báo cáo kết quả thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng gửi tới Thủ tướng trước thềm hội nghị cho thấy trong thời gian qua nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội.

Trong đó, tỉnh Bắc Giang đã khởi công 5 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 12.475 căn hộ; Bắc Ninh 15 dự án, quy mô 6.000 căn; Hải Phòng 7 dự án, quy mô 11.678 căn; Bình Dương 7 dự án, quy mô 6.557 căn; Đồng Nai 8 dự án, quy mô 9.074 căn; Thanh Hóa 9 dự án, quy mô 4.948 căn...

Điều đáng lưu ý trong thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội hiện nay là các địa phương trọng điểm, có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội thì việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu đề án đến năm 2025.

Hà Nội đã khởi công xây dựng 3 dự án, quy mô 1.700 căn, đáp ứng 9% nhu cầu. Tương tự, TP.HCM dự kiến khởi công 7 dự án, quy mô 4.996 căn, đáp ứng 19% nhu cầu; Đà Nẵng dự kiến khởi công 5 dự án, quy mô 2.750 căn, đáp ứng 43% nhu cầu.

Một số địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội nào được khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi.

Về kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, Bộ Xây dựng cho hay qua tổng hợp báo cáo của các địa phương thì trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn.

Số lượng dự án hoàn thành là 71 dự án, với quy mô 37.868 căn, một số địa phương có kết quả nhà ở xã hội hoàn thành tích cực là: Bắc Ninh 10 dự án, Hà Nội 5 dự án, Hải Phòng 4 dự án, Khánh Hòa 4 dự án, Tây Ninh 5 dự án.

Số lượng dự án đã khởi công xây dựng cùng kỳ là 127 dự án với quy mô 107.896 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 301 dự án với quy mô 265.486 căn.

Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương thì trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất, quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.031ha so với năm 2020.

Những địa phương quan tâm, dành nhiều quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội là: Đồng Nai 1.063ha, TP.HCM 608ha, Long An 577ha, Hải Phòng 471ha, Hà Nội 412ha.

Trong khi một số địa phương không quy hoạch bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội như: Ninh Bình, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đồng Tháp. (Tuoitre.vn 21/02, Bảo Ngọc)Về đầu trang

Vĩnh Long đặt mục tiêu có 510 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; nỗ lực thực chất, quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn góp phần giải quyết kịp thời các khó khăn và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo.

Mục tiêu tỉnh đề ra là cải thiện thứ hạng Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 thuộc nhóm tốt của cả nước; phấn đấu trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 510 doanh nghiệp thành lập mới; đồng thời, giảm số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.

Cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính theo tinh thần kiến tạo, phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Phấn đấu thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và đăng ký thay đổi không quá 1 ngày (rút ngắn 2 ngày so với quy định). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công; thực hiện tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Phấn đấu thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trong năm 2024 đạt từ 80% hồ sơ trở lên. Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng phương thức kinh doanh mới, thực hiện chuyển đổi số để phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. (Đầu tư 21/02, Trúc Giang)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu không để phát sinh điểm nóng, gây bức xúc xã hội

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu quán triệt tinh thần chủ đề điều hành năm 2024 của Chính phủ: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng một số nội dung sau:

Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, HĐND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui xuân, ra quân phát động Tết trồng cây thiết thực, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán của từng địa phương.

Làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo, bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, không để phát sinh “điểm nóng”, gây bức xúc xã hội.

Rà soát, phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại địa phương để bảo đảm phục vụ thi công các dự án, công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải đúng tiến độ.

Hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2024; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng/quý để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả… (Laodong.vn 21/02, Phạm Đông)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hà Nội: Bước đột phá trong cải cách hành chính

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 54 về cải cách hành chính của TP Hà Nội năm 2024. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập hợp các nội dung chủ yếu, trọng tâm để thông tin, tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp, như xây dựng thành các ấn phẩm dạng file hoặc đóng tập, sổ tay, tài liệu nghiên cứu, tờ rơi hoặc qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Lotus để thông tin đến người dân, doanh nghiệp).

Năm 2024, UBND TP yêu cầu mỗi đơn vị phải có một sáng kiến, cải tiến, cách làm hay, đồng thời trong tháng 2 sẽ triển khai hệ thống dashboard (bảng điều khiển kỹ thuật số) hiển thị kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành của TP và việc thực hiện xử lý công việc toàn trình công việc trên môi trường điện tử của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.

Đặc biệt, bảng điều khiển kỹ thuật số chỉ đạo điều hành sẽ được tích hợp trên ứng dụng “Công dân Thủ đô số”. Dựa trên kết quả hiển thị trên dashboard, doanh nghiệp, người dân và lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện có thể dễ dàng theo dõi, nắm bắt và quản lý một cách tổng quan những dữ liệu quan trọng phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, chấm điểm cán bộ, công chức.

Đây được coi là bước chuyển của Hà Nội sau những thành công của năm 2023. Theo đó, trong năm 2023 tổng số hồ sơ tiếp nhận thủ tục hành chính toàn thành phố là trên 4 triệu hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt tỷ lệ 99,74%; số hồ sơ giải quyết quá hạn có tỷ lệ 0,26%. Nhất là bắt đầu từ ngày 2/1/2024, Bộ phận một cửa toàn thành phố tập trung số hóa hồ sơ thủ tục hành chính đến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, việc Hà Nội tiếp nhận sáng kiến cải cách hành chính của người dân, tổ chức góp phần ghi nhận, và phản ánh những khó khăn, vướng mắc của người dân trong thủ tục hành chính. Việc sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Lotus) để thông tin đến người dân, doanh nghiệp là điều rất tốt trong cải cách thủ tục hành chính, bởi hiện nay người dân chủ yếu sử dụng mạng xã hội. Do đó, nếu muốn lắng nghe ý kiến của người dân và người dân “chấm điểm” thì đây là hình thức hiệu quả cần chú trọng. (Daidoanket.vn 21/02, H.Vũ)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Miễn visa, Thái Lan và Singapore kéo hết du khách Trung Quốc

Trước đây Úc từng là "thỏi nam châm" đối với du khách Trung Quốc. Nhưng điều kiện thị thực đã phần nào lấy mất lợi thế của nước này. Ngược lại một số nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan và Malaysia đã tận dụng ưu thế giá rẻ hơn cũng như chính sách thị thực nới lỏng để hút nguồn du khách lớn từ Trung Quốc.

Ông Johnny Nee, giám đốc Công ty du lịch Easy Going (Perth, Tây Úc), thừa nhận sự thất thế của Úc đối với Đông Nam Á. Ông cho biết tính trong mùa Tết Âm lịch qua, doanh nghiệp của mình chỉ hồi phục 40% mức độ trước dịch COVID-19. Ngược lại Singapore, Thái Lan và Malaysia chứng kiến lượng du khách và chi tiêu vượt cả giai đoạn trước đại dịch.

"Tình hình kinh tế Trung Quốc không quá chắc chắn và du khách Trung Quốc đang phải cân nhắc giá cả, điều này đồng nghĩa họ sẽ thích đến những nơi dễ đi và dễ trải nghiệm du lịch hơn...", ông nói.

Theo vị này, hiện nay chi phí của du khách, bao gồm giá máy bay và chỗ ở đều tăng 20% so với giai đoạn trước dịch. "Chính sách miễn thị thực từ Thái Lan và Singapore khá thu hút, cá nhân tôi nghĩ rằng điều đó đã giúp kéo khách Trung Quốc ra khỏi nước Úc", ông nói thêm.

Dữ liệu cũng cho thấy có vẻ tình hình kinh tế đã khiến khách du lịch Trung Quốc bớt bạo chi cho các địa điểm nổi tiếng, truyền thống như Úc. Dịp Tết năm nay, du khách Trung Quốc chiếm 26% người đến du lịch ở Úc. Con số này khiêm tốn so với hơn 50% thời kỳ trước dịch 2019.  Các công ty tour du lịch trong nước ở Úc đã ghi nhận doanh thu thấp hơn 50% so với năm 2019. (Tuoitre.vn 21/02, Nhật Đăng)Về đầu trang./.

 

Các tin khác

09