Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 06/02/2024

15:13, Thứ Ba, 6-2-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Khẩn trương phân bổ hết vốn để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

2.        Đầu năm, đốc thúc chuyện tiêu tiền

3.        Hà Nội: Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân kế hoạch đầu tư công

4.        TP.HCM: Giải ngân vốn ODA không đạt kế hoạch

5.        Cần Thơ: Kịp thời thay thế cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý vốn đầu tư công

QUYẾT SÁCH MỚI

6.        Thí điểm phân cấp cho cấp huyện thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

7.        Cán bộ thôi giữ chức vụ có thể được làm công chức

8.        Năm 2024 sẽ tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức

QUẢN LÝ

9.        Bộ trưởng Nội vụ: Giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

10.     Ông Trần Tuấn Anh thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

11.     TPHCM: Bắt một cán bộ thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước

12.     Gia Lai: Đề nghị khai trừ Đảng cựu Giám đốc Sở GD&TĐ

THẾ GIỚI

13.     Ông Trump: Sẽ áp thuế hơn 60% với Trung Quốc nếu đắc cử

 

TIÊU ĐIỂM

Khẩn trương phân bổ hết vốn để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Nếu không tính số vốn các địa phương giao tăng thì tổng số vốn đầu tư công đã phân bổ là 626.652 tỷ đồng, đạt 95,33% kế hoạch Thủ tướng giao. Nhằm thúc đẩy giải ngân ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đôn đốc phân bổ, nhập dự toán và giải ngân số vốn còn lại.

Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn giao năm 2024 (gồm kế hoạch Thủ tướng giao và kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng) là 688.496 tỷ đồng. Trong đó, Thủ tướng giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương 657.349 tỷ đồng (gồm 225.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 432.349 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương). Các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng giao (theo số liệu cập nhật đến thời điểm báo cáo) là 13.076 tỷ đồng.

Đến nay, tổng số vốn đã được phân bổ chi tiết là 657.799 tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Nếu không tính số vốn các địa phương giao tăng, thì tổng số vốn đã phân bổ là 626.652 tỷ đồng, đạt 95,33% kế hoạch Thủ tướng giao. Việc phân bổ vốn về cơ bản đáp ứng các tiêu chí về ưu tiên theo đúng quy định, trong đó đã ưu tiên phân bổ cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp theo tiến độ, các dự án quan trọng quốc gia, dự án quan trọng, trọng điểm, có ý nghĩa lớn...

Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện có 20 bộ, cơ quan trung ương và 39 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao với tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 30.536 tỷ đồng, chiếm 4,65% kế hoạch vốn. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 12.465 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 18.071 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước, hiện còn 9 bộ, ngành và 7 địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia do gặp nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện, chủ yếu tại khâu thẩm định dự án (thời gian kéo dài, đặc biệt là thủ tục xin ý kiến các cơ quan thẩm định về xây dựng…).

Còn 4 bộ, ngành, địa phương đang trình Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn để thực hiện và hoàn thành các dự án, nhiệm vụ. 4 bộ, ngành, địa phương có các dự án, nhiệm vụ đang tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và sẽ phân bổ chi tiết sau khi có quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ngoài ra, còn một số bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết vốn do nguồn vốn dự kiến bố trí cho các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên các dự án này đến nay đã được bố trí từ nguồn năm 2023 và được Quốc hội cho phép kéo dài sang năm 2024 nên không có nhu cầu bố trí năm 2024; một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư…

Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương nước ngoài, hiện còn 8 bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch do gặp vướng mắc trong công tác đấu thầu và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; đang thực hiện đàm phán, ký kết Hiệp định sử dụng vốn…

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương trong nước chưa phân bổ chi tiết là do các dự án dự kiến khởi công mới năm 2024 nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; các địa phương để lại phân bổ sau, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết, bội chi ngân sách địa phương; một số địa phương giao kế hoạch căn cứ vào tình hình thu thực tế nên chưa thực hiện phân bổ… (Daibieunhandan.vn 05/02, Vy Hương)Về đầu trang

Đầu năm, đốc thúc chuyện tiêu tiền

Điệp khúc “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” trong giải ngân vốn đầu tư công đã nhiều lần được nhắc tới trong các phiên họp và tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2024, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại điều này.

Cũng vì lẽ đó, ngay từ đầu tháng 12/2023, Thủ tướng giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền trên 677.349 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Các bộ, ngành, địa phương cũng rất nỗ lực phân bổ chi tiết. Con số cho đến thời điểm cuối tháng 1/2024 là hơn 631.812 tỷ đồng, đạt 96,1% kế hoạch Thủ tướng giao.

Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng đầu năm cũng tích cực hơn. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tháng 1/2024, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 16.934 tỷ đồng, bằng 2,58% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (1,81%).

Do tháng đầu năm là thời điểm các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn, nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương đều đang nỗ lực để có thể thúc đẩy giải ngân ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung mới đây yêu cầu các sở, ngành, các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo thực hiện ngay từ đầu năm các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải khẩn trương thực hiện ngay từ những ngày đầu năm. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ngay ngày đầu tiên của năm 2024, Quảng Ninh thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh và tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Năm 2024, vốn kế hoạch thấp hơn năm trước, chỉ ở mức 657.000 tỷ đồng, nhưng thách thức giải ngân vẫn không nhỏ. Đặc biệt, phần vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cần được tập trung thúc đẩy.

Câu hỏi là, liệu năm nay, có thể “tiêu” hết được số tiền này hay không? Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2024, đã chỉ đạo một loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc tập trung giải ngân đầu tư công.

“Phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024. Phải đổi mới cách làm, triển khai quyết liệt hơn nữa các chương trình mục tiêu quốc gia; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng… để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, cao tốc, liên vùng, đường ven biển…”, Thủ tướng chỉ đạo.

Trong khi đó, với câu hỏi làm sao để tiêu hết hơn 657.000 tỷ đồng trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, đầu tư công không phải liên quan đến một luật, mà là một chuỗi quá trình hoạt động liên quan đến rất nhiều quy định pháp luật, từ đất đai đến môi trường, xây dựng, quản lý rừng, ngân sách…

“Những vướng mắc, khó khăn liên quan đến các lĩnh vực này đã được Chính phủ tập trung giải quyết kể từ đầu nhiệm kỳ, bao gồm cả cải cách thể chế, các vấn đề liên quan đến vật liệu thay thế, giải phóng mặt bằng… Do vậy, giải ngân đầu tư công thời gian qua đạt được những kết quả đáng khích lệ”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói và cho rằng, khi các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024 sẽ tích cực hơn. (Đầu tư 05/02, Hà Nguyễn)Về đầu trang

Hà Nội: Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân kế hoạch đầu tư công

Đó là một trong những yêu cầu được đưa ra trong kế hoạch về tăng cường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 do UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành.

Kế hoạch nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, tăng cường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 ở cấp thành phố và cấp huyện. Trong đó, tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm của thành phố và các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn.

Đặc biệt là hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 kéo dài sang năm 2024; phấn đấu hoàn thành giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 theo quy định của Luật Đầu tư công. Đồng thời bảo đảm tiến độ mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn theo đúng quy định của pháp luật.

UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao. (Hanoimoi.com.vn 05/02, Hoài Thu)Về đầu trang

TP.HCM: Giải ngân vốn ODA không đạt kế hoạch

Theo thống kê, năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng các dự án ODA của TP.HCM không đạt kế hoạch.

Năm 2013, kế hoạch vốn ODA giao cho TP.HCM là 5.702,808 tỷ đồng, vốn đối ứng là 1.370,148 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/12/2023, vốn vay ODA là 3.805,592 tỷ đồng, chỉ đạt 66,73% so với kế hoạch vốn được giao; vốn đối ứng là 583,524 tỷ đồng, chỉ đạt 42,59% so với kế hoạch vốn được giao.

Nguyên nhân bởi các nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa phải tuân thủ các quy trình thủ tục trong nước, vừa phải tuân thủ các quy định, yêu cầu của nhà tài trợ nên nhiều thủ tục hành chính phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Đồng thời, việc xác định chỉ số giá để điều chỉnh giá cho tất cả các hợp đồng của dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 đang gây khó khăn của nhà đầu tư do Bộ Xây dựng chưa ban hành chỉ số giá cho công trình metro từ khi bắt đầu dự án cho đến nay (hiện nay, chỉ thanh toán tạm 70% giá trị điều chỉnh giá sử dụng chỉ số giá của Tổng cục Thống kê ban hành).

Do các gói thầu chính của dự án với đặc điểm trong hợp đồng được ký kết giữa các bên, việc thanh toán một hạng mục công việc/mốc thanh toán lớn chỉ có thể tiến hành khi nhà thầu hoàn thành 100% nên chưa hoàn tất các thủ tục theo điều khoản hợp đồng khiến tiến độ dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 đến nay đạt tỷ lệ hơn 97%, vốn ODA đã bố trí cho dự án nhưng không thể giải ngân theo tiến độ thực tế.

Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; dự án phải điều chỉnh thời gian thực hiện, gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay (Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM tuyến Bến Thành - Tham Lương)... đều đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. (Congluan.vn 05/02, Trang Nhi)Về đầu trang

Cần Thơ: Kịp thời thay thế cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý vốn đầu tư công

Ngày 5/2, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, địa phương tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư và trong công tác đấu thầu.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, tính đến ngày 31/1/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thành phố năm 2023 đạt 90,5% (trong tổng nguồn vốn hơn 8.537 tỷ đồng). Trong đó, có 6 đơn vị giải ngân 100%; 27 đơn vị giải ngân từ 95-99,9%; 1 đơn vị giải ngân 94,31%; 2 đơn vị giải ngân từ 70-80%; 4 đơn vị giải ngân từ 0-51%.

Từ kết quả trên, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ biểu dương các thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư/chủ dự án, quản lý dự án, tính hết niên độ ngân sách năm 2023 có tỷ lệ giải ngân đạt từ 95-100%.

Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố nghiêm khắc phê bình các thủ trưởng đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp như: Bệnh viện Da liễu thành phố (giải ngân 0%); Sở Tài nguyên và Môi trường (35%); Sở Y tế (38,4%); Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố (51,5%)…

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu thủ trưởng cơ quan, ban ngành, quận huyện khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công năm 2024.

Các chủ đầu tư có văn bản cam kết tỷ lệ giải ngân, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu giải ngân chi tiết từng tháng gửi Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo UBND thành phố, hoàn thành trước ngày 25/2/2024. Đến ngày 30/9/2024, các dự án/công trình có tỷ lệ giải ngân dưới 60%, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo giải trình; sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp đối với người đứng đầu và đơn vị liên quan về việc chậm tiến độ.

Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu tập trung triển khai ngay những nhiệm vụ, công việc theo thẩm quyền; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán, vi phạm hợp đồng; thay thế ngay các nhà thầu không đảm bảo năng lực…

Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ quản lý vốn đầu tư và trong công tác đấu thầu.

Đối với các chủ đầu tư không đạt tiến độ theo cam kết, không đạt chỉ tiêu giải ngân 95%, Sở Nội vụ, Sở KH&ĐT theo dõi, tham mưu UBND thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư; đồng thời xem xét việc điều chuyển chủ đầu tư, không giao làm chủ đầu tư dự án mới. Người đứng đầu phải chịu hình thức kỷ luật cụ thể và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố… (Tienphong.vn 05/02, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Thí điểm phân cấp cho cấp huyện thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Theo nghị quyết của Quốc hội vừa được ký ban hành, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng mức kinh phí của từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng kinh phí chi thường xuyên của từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ hoặc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên) của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được chuyển sang năm 2024 theo quy định của Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 và Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

Theo thẩm quyền được phân cấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển sang năm 2024 theo quy định.

Tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất không áp dụng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong các trường hợp: tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng được hỗ trợ toàn bộ vốn hoặc một phần vốn từ ngân sách nhà nước; tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân tham gia thực hiện dự án; tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên được hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước không quá 20% giá trị tài sản.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025, Nghị quyết nêu rõ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm;

 

Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao… (Nhandan.vn 04/02, Văn Toản)Về đầu trang

Cán bộ thôi giữ chức vụ có thể được làm công chức

Cán bộ khi thôi làm nhiệm vụ, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, vị trí việc làm và điều kiện đăng ký dự tuyển có thể được chuyển làm công chức, Bộ Nội vụ đề xuất trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Một trong những điểm mới của dự thảo là cán bộ khi thôi giữ chức vụ (do hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết nhiệm kỳ nhưng không phải vì lý do bị kỷ luật) sẽ được xem xét chuyển làm công chức mà không phải thực hiện quy trình tiếp nhận. Điều kiện là những người này không trong thời hạn bị kỷ luật và thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật. Đồng thời, đơn vị nơi công tác còn vị trí việc làm phù hợp với họ.

Theo Bộ Nội vụ, đề xuất nêu trên nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn. Cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, khi được luân chuyển về xã, sau đó bố trí trở lại làm công chức huyện mà phải sát hạch là chưa hợp lý. Cán bộ, công chức xã được tiếp nhận vào công chức huyện trở lên mà phải sát hạch cũng không phù hợp do đã tuyển dụng đầu vào theo quy định. Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung hai trường hợp nêu trên đều không cần sát hạch.

Viên chức, người công tác trong lực lượng vũ trang, cơ yếu, khi tiếp nhận vào công chức chỉ kiểm tra, sát hạch bằng phỏng vấn thay vì phải thi viết hoặc cả viết và phỏng vấn như quy định hiện hành.

Bộ Nội vụ sẽ ban hành nội quy, quy chế tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức; xây dựng ngân hàng câu hỏi, đáp án thi môn kiến thức chung, ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ hành chính để cung cấp cho các kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Bộ cũng xây dựng và cung cấp phần mềm phục vụ tổ chức các kỳ thi cho bộ, ngành, địa phương. Việc cung cấp ngân hàng câu hỏi và đáp án thi thông qua hệ thống thông tin, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và bảo mật.

Đề xuất trên nhằm khắc phục bất cập hiện nay là xảy ra tình trạng cơ quan, tổ chức khi tổ chức thi nâng ngạch công chức đều phải thuê phần mềm gây tốn kém, lãng phí, không đồng bộ. Việc này làm phát sinh chi phí với hội đồng thi khi phải trực tiếp đến Bộ Nội vụ nhận ngân hàng câu hỏi, đáp án.

Dự thảo cũng bỏ quy định Bộ Nội vụ có ý kiến về đề án và chỉ tiêu nâng ngạch đối với kỳ thi từ chuyên viên lên chuyên viên chính; từ nhân viên lên cán sự; từ cán sự lên chuyên viên để phân cấp cho bộ ngành, địa phương. (Vnexpress.net 05/02, Viết Tuân)Về đầu trang

Năm 2024 sẽ tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 69 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức năm 2024.

Theo đó, Kế hoạch ban hành nhằm mục đích kiểm định chất lượng đầu vào công chức để đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức vào làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; là cơ sở để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng lựa chọn, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức trong giai đoạn hiện nay.

Theo kế hoạch, sẽ thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng đầu vào công chức và các bộ phận giúp việc Hội đồng kiểm định trong tháng 1/2024; thông báo tổ chức kiểm định trong tháng 3/2024. (Nguoiduatin.vn 05/02, Hoàng Thị Bích)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bộ trưởng Nội vụ: Giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có cuộc trao đổi với báo chí về công tác của ngành nhân dịp đầu năm mới 2024. Bà Trà khẳng định, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục được quan tâm thực hiện hiệu quả với mục tiêu đến hết năm 2024 giảm 140 đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ gần 63%.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở các địa phương đã đạt kết quả đáng ghi nhận: Đến nay giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước. Nhiều bộ, ngành, địa phương đặt quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện hiệu quả việc sắp xếp và trở thành điểm sáng trong cả nước.

Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023 quy định về tinh giản biên chế. "Đây là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng lộ trình thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm", Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành đầy đủ thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức, viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Nói thêm về công tác năm 2023, nữ Bộ trưởng cho rằng công tác quản lý công vụ và công chức tiếp tục có nhiều đổi mới. Bộ Nội vụ đã tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt là bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo trẻ, lãnh đạo nữ cho chính quyền địa phương tại nước ngoài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược trong tình hình mới.

 

Đặc biệt, Bộ này tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định 73 được coi là cơ sở quan trọng để khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm khiến công việc nhiều nơi bị trì trệ, gây ách tắc. Qua đó tạo thêm động lực để cán bộ, công chức tự tin, bản lĩnh hơn khi đương đầu với khó khăn, thử thách trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. (Dantri.com.vn 05/02, Thế Kha)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ông Trần Tuấn Anh thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

Ngày 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét, cho ý kiến về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Tuấn Anh, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Nghị quyết số 972 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Trần Tuấn Anh cũng đã được ban hành.

Hôm 30/1, ông Trần Tuấn Anh đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV.

Trước đó, cuối tháng 1, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã họp, đồng ý để ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương khóa XIII.

Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 34 diễn ra cuối năm 2023, ông Trần Tuấn Anh cùng hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương đã bị "điểm tên" liên quan những vi phạm trong vụ điện, xăng dầu.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo.

Việc này đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định trong tham mưu, ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời, điện gió; thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; trong tham mưu, ban hành cơ chế kinh doanh, điều hành nguồn cung ứng, cấp phép kinh doanh xăng, dầu.

Những vi phạm trên còn dẫn đến vi phạm trong quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá; trong lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thực hiện. Nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự liên quan vụ việc này. (Dantri.com.vn 05/02, Hoài Thu)Về đầu trang

TPHCM: Bắt một cán bộ thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Trọng Cường (34 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Trước đó, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của ông V.Q.M (42 tuổi, ngụ TP Hà Nội), tố giác Cường có hành vi chiếm đoạt 5,5 tỷ đồng vào ngày 22/10/2021 thông qua hoạt động vay tài chính.

Sau khi tiếp nhận đơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành các hoạt động xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập các đối tượng có liên quan để làm rõ.

Kết quả điều tra, công an xác định, Cường là chuyên viên Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM có khoản vay tại Ngân hàng Bản Việt đã quá hạn, không có khả năng thanh toán và nợ ngoài xã hội khoảng 4 - 5 tỷ đồng.

Ông Cường cần thanh lý tài sản để trả nợ nhưng do tài sản (nhà đất tại đường Phan Đăng Lưu, phường 1, quận Phú Nhuận) đang thế chấp tại Ngân hàng Bản Việt nên đã nhờ người làm giả tài liệu là văn bản chấp thuận cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Tây Sài Gòn với nội dung là ngân hàng đã đồng ý cho Cường vay số tiền 9,3 tỷ đồng.

Khi ông V.Q.M (đại diện Công ty cổ phần công nghệ tài chính Vay online247) liên hệ để tìm hiểu thì Cường nhờ người đóng giả nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Tây Sài Gòn để giao tài liệu giả là quyết định chấp thuận cho vay và cung cấp thông tin gian dối về dư nợ khoản vay tại Ngân hàng Bản Việt.

Ông M tin tưởng, báo cáo về công ty rồi chuyển số tiền 5,5 tỷ đồng vào tài khoản của Cường và bị chiếm đoạt. (Tienphong.vn 05/02, Hoàng Thuận)Về đầu trang

Gia Lai: Đề nghị khai trừ Đảng cựu Giám đốc Sở GD&TĐ

Ngày 5/2, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai quyết định triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI để bỏ phiếu thống nhất đề nghị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng với ông Nguyễn Tư Sơn (SN 1961, cựu Tỉnh ủy viên, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT).

Ông Sơn bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng do dính hàng loạt sai phạm khi còn đương chức. Cụ thể tháng 6/2022, Thanh tra tỉnh Gia Lai ra Kết luận thanh tra số 08 về việc “Đầu tư các dự án, mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại Sở GD&ĐT tỉnh này, giai đoạn từ năm 2015-2021".

Theo đó, Sở GD&ĐT được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư 13 dự án, phần mềm và gia hạn 2 phần mềm với tổng kinh phí thanh toán 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện có nhiều dự án phần mềm có vi phạm, không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án hiệu quả sử dụng không cao…. gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng.

Tháng 10/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị lần thứ 13 để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền. Tại đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai xác định, với vai trò là Giám đốc Sở GD&ĐT, giai đoạn từ tháng 4/2018 đến tháng 10/2020, ông Sơn có những vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về mua sắm các dự án và quản lý, sử dụng các phần mềm tại sở. Bởi vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Sơn.

Đến tháng 11/2023, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Tư Sơn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan dự án mua sắm thiết bị và phần mềm số hoá tại Sở GD&ĐT. (Tienphong.vn 05/02, Tiền Lê)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ông Trump: Sẽ áp thuế hơn 60% với Trung Quốc nếu đắc cử

Ứng cử viên hàng đầu tranh ghế tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa - cựu tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ lại áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc nếu ông được bầu vào tháng 11 tới, và mức thuế này có thể vượt hơn 60%.

"Chúng ta phải làm vậy", ông Trump nói khi trả lời phỏng vấn chương trình Sunday Morning Futures của Đài Fox News phát hôm 4-2.

Khi được hỏi về thông tin cho rằng ông đang xem xét áp mức thuế quan 60% lên hàng hóa Trung Quốc nếu đắc cử, cựu tổng thống nói: "Không, tôi nói là mức này, có thể còn hơn thế".

Ông Trump đang là ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024, với đối thủ chính của Đảng Dân chủ khả năng cao là Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Khi còn là tổng thống Mỹ, ông Trump đã áp thuế quan trị giá hàng trăm tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc trong năm 2018 và 2019, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới diễn ra khốc liệt.

Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden vẫn giữ nguyên các mức thuế quan, đồng thời bổ sung các lệnh hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất và các sản phẩm chất bán dẫn tiên tiến, viện lý do lo ngại an ninh quốc gia.

Theo báo Nikkei Asia, đại diện thương mại Mỹ cũng đang tiến hành xem xét các hàng rào thuế quan đang được áp đặt lên Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn, ông Trump cũng bác bỏ quan điểm cho rằng ông sẽ bắt đầu thêm một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi quay lại làm chủ Nhà Trắng.

"Đây không phải là một cuộc chiến thương mại. Tôi đã làm tốt với Trung Quốc trong mọi vấn đề", cựu tổng thống Trump tự tin nhận định.

"Tôi muốn Trung Quốc làm tốt. Tôi rất thích Chủ tịch Tập (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình). Ông ấy là một người bạn rất tốt trong nhiệm kỳ của tôi", ông Trump nói thêm. (Tuoitre.vn 05/02, Nghi Vũ)Về đầu trang./.

Các tin khác

07