Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 21/02/2024

10:40, Thứ Tư, 21-2-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Quảng Ngãi: Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

2.        Sơn La: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

3.        Đồng Nai: Giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

4.        Doanh nghiệp Hàn Quốc khen môi trường đầu tư ở Long An “rất xuất sắc”

5.        Đắk Lắk: Xúc tiến đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm

6.        Bắc Giang đặt mục tiêu tăng thu ngân sách từ 14 – 16%/năm

7.        TPHCM: Rút ngắn thủ tục là chìa khóa đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

8.        Chủ tịch Hà Nội: Có doanh nghiệp làm nhà tái định cư 3 năm không dám bán, trả lãi 12 tỉ/tháng

QUẢN LÝ

9.        Chủ tịch Quốc hội: Đãi ngộ phù hợp với cán bộ y tế khi cải cách tiền lương

10.     Hà Nội sẽ lần đầu đánh giá mức độ chuyển đổi số các cơ quan nhà nước

11.     Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Khởi động lại ngay các công việc sau Tết

12.     TPHCM: Người dân muốn xem xét lại việc cho đốt pháo hoa

13.     Yên Bái: Dành 70% nguồn tăng thu năm 2023 để tạo nguồn cải cách tiền lương

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Phú Yên: Kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất

 

TIÊU ĐIỂM

Quảng Ngãi: Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Kế hoạch số 33 về tiến độ giải ngân chi tiết vốn đầu tư công năm 2024 với mục tiêu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án để giải ngân đến ngày 31/12/2024 đạt 100% kế hoạch vốn được giao (không chờ hết niên độ ngân sách); trong đó, đến hết Quý III năm 2024 giải ngân đạt tối thiểu 76% kế hoạch được giao. Quyết liệt triển khai các dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2024, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang

Định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh và qua Sở Kế hoạch và Đầu tư cụ thể tiến độ triển khai của từng dự án và kiến nghị, đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hiện để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo mặt bằng cho các dự án tiếp tục triển khai thi công; quyết tâm hoàn thành các dự án này trong năm 2024.

Các đơn vị chủ đầu tư không giải ngân hết kế hoạch đầu tư công 2024 được giao mà không có lý do bất khả kháng sẽ bị xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý trách nhiệm, cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh tương ứng với số kế hoạch vốn đã giao năm 2024 mà chưa giải ngân.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương là chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công nghiêm túc, khẩn trương thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao theo tiến độ chi tiết theo từng tháng của từng dự án được ban hành kèm theo Kế hoạch này. Định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch vốn được giao, ngày 25 hàng tháng gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Báo cáo của các đơn vị phải có số liệu ước giá trị giải ngân cho tháng tiếp theo.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, xác định rõ mốc thời gian của từng công việc để bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra, thực hiện đồng bộ những giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ. Chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. (Truyền hình Quảng Ngãi - Bản tin trưa 11h30 ngày 20/02) Về đầu trang

Sơn La: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Để công tác giải ngân kế hoạch vốn đạt cao nhất, ngay từ những tháng đầu năm, việc thúc đẩy giải ngân được toàn tỉnh Sơn La tích cực triển khai.

Theo đó, việc phân bổ vốn được ưu tiên bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước; thanh toán nợ đọng cơ bản; bố trí đủ vốn theo cam kết cho các dự án lồng ghép ngân sách tỉnh quản lý theo tiến độ thực hiện; bố trí đủ vốn cho các chương trình dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trước 31/12/2023; bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, dự án hoàn thành trong năm 2024, các dự án chuyển tiếp theo tiến độ; số vốn còn lại bố trí cho dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.

Đồng thời, chủ động cân đối bố trí nguồn vốn từ ngân sách huyện, lồng ghép với các nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương và huy động tối đa các nguồn vốn khác để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp về phạm vị, đối tượng, tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, thực hiện thanh quyết toán vốn theo quy định, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao. (Truyền hình Sơn La – Thời sự ngày 20/02)Về đầu trang

Giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

Đồng Nai: Giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có Quyết định số 386 giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách tỉnh (nguồn dự phòng chưa phân bổ).

Cụ thể, đối với nguồn thu sử dụng đất tổng số là 79,2 tỷ đồng, trong đó đã giao chi tiết 51,8 tỷ đồng cho 9 dự án tại Quyết định số 176 và giao chi tiết là 750 triệu đồng cho 2 dự án. Phần còn lại chưa phân bổ là 26,6 tỷ đồng.

Đối với nguồn từ xổ số kiến thiết là 27,8 tỷ đồng, trong đó đã giao chi tiết là 10 tỷ đồng cho 1 dự án tại quyết định số 176. Phần còn lại chưa phân bổ là 17,8 tỷ đồng.

Nguồn vốn cấp sau quyết toán, cụ thể là nguồn ngân sách tập trung là 20 tỷ đồng, trong đó đã giao chi tiết gần 853 triệu đồng cho 2 dự án tại Quyết định số 176 và giao chi tiết 1,9 tỷ đồng cho 1 dự án. Phần còn lại chưa phân bổ trên 17 tỷ đồng và nguồn xổ số kiến thiết là 19 tỷ đồng.

Các đơn vị chủ đầu tư định kỳ hằng tháng gửi báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 về Sở Kế hoạch và đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. (Baodongnai.com.vn 20/02, Nhật Quỳnh) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Doanh nghiệp Hàn Quốc khen môi trường đầu tư ở Long An “rất xuất sắc”

Đây là thông tin ghi nhận được tại buổi họp mặt giữa lãnh đạo tỉnh Long An với hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các hiệp hội, hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào ngày 19/2.

Phát biểu mở đầu buổi họp mặt, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, cho biết cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Long An rất phấn khởi khi lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm cải thiện môi trường hoạt động đầu tư.

Đại diện cho hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An cam kết nỗ lực để phát huy vai trò là cầu nối hữu hiệu, tạo môi trường, không gian để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hoạt động.

Đồng thời, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An luôn sẵn sàng kết nối với các tổ chức hiệp hội, hội ngành nghề các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, để tìm kiếm và nhận diện cơ hội hợp tác đầu tư, cùng phát triển.

Ông Furusawa Yasuyuki, thành viên Ban Giám đốc Điều hành của Tập đoàn AEON (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc AEON Việt Nam, cho rằng tỉnh Long An luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, luôn đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ bằng tiếng Việt, ông Ho Joong, Chủ tịch Hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Long An, cho biết ông đã có hơn 30 năm đầu tư tại Việt Nam. "Mặc dù chưa thể đầu tư hết ở 63 tỉnh, thành, nhưng theo cảm nhận của cá nhân tôi, trong các tỉnh, thành mà tôi đã từng đầu tư kinh doanh thì lãnh đạo tỉnh Long An và môi trường đầu tư của tỉnh là "rất xuất sắc".

“Môi trường đầu tư ở Long An luôn ổn định nhờ vào ý chí quyết tâm phát triển kinh tế của địa phương và chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư ở Long An" – ông Ho Joong bày tỏ. (Nld.com.vn 20/02, Lê Hoàng)Về đầu trang

Đắk Lắk: Xúc tiến đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Buôn Hồ, TP Buôn Ma Thuột nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND các huyện, thị xã Buôn Hồ, TP Buôn Ma Thuột giữ vai trò trung tâm trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường thu hút đầu tư vào địa phương mình.

Các địa phương cần tích cực, chủ động phối hợp với Sở KH-ĐT, các sở, ngành chuyên môn để đề xuất danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện. Mỗi địa phương phấn đấu thu hút tối thiểu 1-2 dự án đầu tư/năm.

Đồng thời, triển khai công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Từ đó tập trung thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; lập, phê duyệt kịp thời phương án sử dụng đất đối với phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương quản lý...

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư. Đồng thời, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu và thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.

Tỉnh cũng yêu cầu các sở liên quan tích cực tham gia cùng Sở KH-ĐT trong việc đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư; chủ động tìm hiểu, kết nối các nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh; tổ chức thẩm định hoặc cho ý kiến về các dự án đầu tư, đảm bảo chất lượng và rút ngắn thời gian để sớm triển khai thực hiện đầu tư. (Plo.vn 20/02, Vũ Long)Về đầu trang

Bắc Giang đặt mục tiêu tăng thu ngân sách từ 14 – 16%/năm

Theo Sở Tài chính Bắc Giang, từ nay đến năm 2025, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách, phấn đấu đạt mục tiêu thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân từ 14-16% năm.

Theo đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho ngân sách Nhà nước; trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án lớn, có giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước để tạo nguồn thu ổn định.

Thường xuyên kiểm tra rà soát, đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân khoản thu còn thất thu, khoản thu đạt thấp, khoản thu còn tiềm năng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đề ra các giải pháp tăng thu ngân sách nhằm bù đắp các khoản thu sụt giảm. Tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, trốn lậu thuế và đẩy mạnh  việc quản lý nợ đọng thuế; nợ tiền thuê đất, sử dụng đất.

Theo đó, rà soát rủi ro, thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như: kinh doanh xăng dầu; hoạt động xây dựng lắp đặt; khai thác tài nguyên, khoáng sản; các doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp nhiều năm lỗ liên tục nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, phát sinh số hoàn thuế lớn. Chú trọng thanh tra chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...

Cùng với đó, Bắc Giang tăng cường chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, xây dựng cơ bản vãng lai, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, cho thuê nhà trọ, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng...

Theo Sở Tài chính Bắc Giang, số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến ngày 30/01/2024 là trên 2.570 tỷ đồng, đạt 16% dự toán năm; trong đó, thu nội địa trên 2.397 tỷ đồng; thu thuế xuất nhập khẩu trên 175,8 tỷ đồng. Các khoản thu cao hơn cùng kỳ gồm: thu tiền sử dụng đất; thu thuế bảo vệ môi trường; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương; thu từ các khoản phí, lệ phí... (TTXVN/Bnews.vn 20/02, Việt Hùng)Về đầu trang

TPHCM: Rút ngắn thủ tục là chìa khóa đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương tổ chức hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội (NƠXH) trong tháng 2/2024. Đây có lẽ là hội nghị mà TP.HCM mong muốn được tổ chức để bàn bạc và giải quyết các khúc mắc trong bài toán hoàn thành chỉ tiêu.

Ông Mai Thanh Tùng, Phó phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) thừa nhận việc phát triển NƠXH tại TP.HCM chưa thật sự hiệu quả như mong muốn, chưa đảm bảo tiến độ đã đặt ra do còn gặp nhiều khó khăn. Trong số đó, khó khăn chủ yếu là do các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án NƠXH còn phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán NƠXH, xác nhận đối tượng mua, thuê mua NƠXH, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức… mất nhiều thời gian nên chưa đạt được tiến độ như mong muốn.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ ban hành quy trình, giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án NƠXH, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường; lập, phê duyệt và công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng NƠXH độc lập; lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

Trước đó, trong cuộc họp HĐND TP.HCM hồi tháng 12/2023, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, lãnh đạo UBND TP.HCM đã liên tục họp với các sở ngành, địa phương về chuyên đề NƠXH và phân định 5 nhóm vướng mắc trọng tâm cần giải quyết:

"Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thứ hai là trình tự thủ tục để thực hiện đầu tư NƠXH, thứ ba là quy trình xác nhận hoàn thành nghĩa vụ NƠXH đối với dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha. Thứ tư là thúc đẩy đầu tư công để thực hiện các dự án NƠXH bằng vốn ngân sách và cuối cùng là phân công trách nhiệm theo dõi, giải quyết thủ tục đầu tư các dự án NƠXH cho các đơn vị liên quan". (1thegioi.vn 20/02, Hồ Đông)Về đầu trang

Chủ tịch Hà Nội: Có doanh nghiệp làm nhà tái định cư 3 năm không dám bán, trả lãi 12 tỉ/tháng

Tại hội nghị công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ chuyện có doanh nghiệp đầu tư nhà tái định cư làm xong 3 năm nay không dám bán do một số vướng mắc trong khi vay ngân hàng với lãi suất cao.

Ông Thanh chia sẻ, qua thông tin từ nhiều chiều cho thấy, công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến. Cảm nhận được từng bước từ quản lý thủ tục hành chính sang quan điểm phục vụ người dân, doanh nghiệp.

"Chuyển biến là có thật, nhưng chưa có sự “đột biến” trong phục vụ người dân, doanh nghiệp như kỳ vọng. Các đồng chí lãnh đạo rất quan tâm đến tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức", ông Thanh lưu ý.

Trong năm 2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu việc các đơn vị cần tiếp tục quyết tâm, đổi mới, thực hiện đồng bộ từ thể chế đến tổ chức bộ máy, quy trình thủ tục, cải cách tài chính công.

Ông Thanh cho rằng, cải cách hành chính cùng với chuyển đổi số thực chất, có hiệu quả thì lợi ích mang lại cho xã hội vô cùng lớn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp và người dân. Việc đẩy nhanh thủ tục, quy trình có thể thấy ngay lợi ích với doanh nghiệp, người dân.

“Có doanh nghiệp đầu tư nhà tái định cư làm xong 3 năm nay không dám bán do một số vướng mắc trong khi vay ngân hàng với lãi suất cao. Một tháng phải trả lãi 12 tỉ. Trong 3 năm vừa qua nhân lên là bao tiền. Nói thì rất xót ruột bởi đây là máu, mồ hôi, nước mắt của doanh nghiệp… Nếu giải quyết được càng sớm thì có phải càng tốt không?" - ông Thanh nêu thực tế.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho rằng, không phải lãnh đạo là chỉ cần nói cho hay thôi đâu mà phải giao tế với người ta để lắng nghe, tháo gỡ. Cải cách hành chính, thể chế, chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả, thực sự hạnh phúc cho người dân, doanh nghiệp.

Từ đó, người đứng đầu TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện thực sự để tâm đến công việc, quy trình thủ tục, tiến độ công việc, thái độ phục vụ của từng cán bộ từ chuyên viên với tinh thần: “Đẩy nhanh ngày nào, tốt ngày đó. Người dân và doanh nghiệp sẽ vô cùng ghi nhận, biết ơn".

Lưu ý một số công việc còn chậm, muộn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Văn phòng UBND thành phố theo dõi chặt chẽ các nhiệm vụ được giao cho các đơn vị; Sở Nội vụ tiếp tục cải tiến bộ chỉ số đánh giá về cải cách hành chính. (Laodong.vn 20/02, Phạm Đông)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Chủ tịch Quốc hội: Đãi ngộ phù hợp với cán bộ y tế khi cải cách tiền lương

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu như vậy tại  buổi thăm và làm việc với Bộ Y tế nhân kỉ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam trong ngày 20/2.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương; có giải pháp khả thi cùng những chính sách mang tính ổn định, lâu dài để giữ chân nhân viên y tế, thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi.

"Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Đây là một trong những ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Do đó, chúng ta phải tiếp tục đầu tư các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực một cách thích hợp cho ngành y tế, kể cả vấn đề kinh phí thường xuyên, chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế, lộ trình áp dụng giá dịch vụ, lộ trình tăng mệnh giá bảo hiểm y tế...", Chủ tịch Quốc hội nói. (Tienphong.vn 20/02, Hà Minh) Về đầu trang

Hà Nội sẽ lần đầu đánh giá mức độ chuyển đổi số các cơ quan nhà nước

Cùng với việc ban hành bộ chỉ số chuyển đổi số - DTI của thành phố, năm 2024 sẽ là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số của 22 sở, ban, ngành và 30 UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, với việc lần đầu tiên ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn, kể từ năm 2024, định kỳ hằng năm thành phố sẽ tổ chức đánh giá và công bố công khai kết quả chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cùng UBND các quận, huyện, thị xã.

“Trong các năm trước, Hà Nội chỉ đánh giá về cải cách hành chính của các đơn vị. Năm nay là năm đầu tiên thành phố xác định mức độ chuyển đổi số của từng cơ quan, địa phương”, đại diện Sở TT&TT chia sẻ.

Hà Nội đã xác định chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên để thực hiện một cách hiệu quả, góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường đô thị thông minh và hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Năm 2024, chủ đề chung của hoạt động chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là ‘Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, trong đó trọng tâm là “Quản trị dựa trên dữ liệu số”.

Cũng trong tháng 2/2024, UBND thành phố đã lên kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh trong năm nay. Theo đó, các mục tiêu thành phố hướng tới đạt được trong năm nay là hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung của thành phố.

Thành phố cũng sẽ hoàn thành việc triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố theo lộ trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời cải thiện chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh của Hà Nội.

Hàng loạt chỉ tiêu cụ thể về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024 cũng đã được UBND thành phố đề ra như: 50% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 100% cơ quan nhà nước tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số… (Vietnamnet.vn 20/02, Vân Anh)Về đầu trang

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: Khởi động lại ngay các công việc sau Tết

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Giáp Thìn và gặp mặt Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2024 ngày 20/2.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mãi đề nghị từng ngành, từng địa bàn rút kinh nghiệm những việc chưa làm được để có thể chăm lo Tết tốt hơn, tổ chức Tết vui hơn ở những mùa Tết sau. Ông cũng đề nghị hành động hỗ trợ mua lại hoa của những người bán hoa để trang hoàng ngày Tết cần được tiếp tục thực hiện vào Tết năm 2025.

“Chủ tịch xã, phường ở đây đều biết trên địa bàn có bao nhiêu điểm bán hoa Tết; bằng cách này, cách khác phối hợp ngay từ đầu, khi đến tối 30 Tết, chúng ta sẽ mua số hoa còn lại với giá hợp lý, vừa hỗ trợ để bà con về, vừa có hoa để trang trí ở từng góc phố, từng cơ quan” – ông Mãi đề nghị.

Từ lúc này, Chủ tịch TPHCM đề nghị từng ngành, từng địa bàn hãy nghĩ đến Tết 2025 là Tết hòa hợp, thể hiện rõ hơn truyền thống và bản sắc của TP.HCM.

Nhân đầu năm mới, Chủ tịch TP đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương trở lại với nhịp công việc bình thường, tập trung triển khai công việc. Trong đó, tập trung giải quyết các văn bản, công việc tồn đọng trước, trong và sau Tết, đồng thời triển khai ngay nhiệm vụ của quý I và cả năm 2024.

Ông Mãi cho biết công tác giải ngân đầu tư công đạt được hơn 1.200 tỉ đồng (chỉ đạt 1,6%) trong khi quý I-2024 đặt ra mục tiêu 10-12%. Hay thu ngân sách đến giờ này thu được khoảng 82.000 tỉ đồng, đạt khoảng 17%... "Các ngành, các cấp cần tập trung cao, trong đó có chi ngân sách, nhất là chi tiêu có thể thực hiện ngay từ đầu năm để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế" - ông nhấn mạnh. (Plo.vn 20/02, Lê Thoa)Về đầu trang

TPHCM: Người dân muốn xem xét lại việc cho đốt pháo hoa

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Giáp Thìn sáng 20/2, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, đã thông tin về những vấn đề được người dân, dư luận quan tâm trong dịp này.

Theo đó, ông Thắng chia sẻ cư dân mạng đã có nhiều bài đăng phản ánh tình trạng xả rác sau giờ giao thừa. Nhiều tài khoản đăng tải thông tin "mùng 3 Tết khiến bé gái tại TPHCM mất bàn tay trái do pháo nổ". "Thông tin này nhận được nhiều ý kiến. Dư luận mong muốn chính quyền xem xét lại việc cho đốt pháo hoa. Nhiều nhà đốt pháo nên khó phân biệt pháo lậu hay pháo Bộ Quốc phòng, gây khó cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ", ông Thắng nói.

Trao đổi với phóng viên bên lề sự kiện, ông Thắng phân tích, người dân chưa đặt vấn đề phản đối về việc cho phép bắn pháo hoa đối với loại pháo hoa được cấp phép. Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan cần xem xét lại bởi trong thực tế, nhiều loại pháo hoa trôi nổi, tự phát vẫn bán trên thị trường, khiến nhiều người khó phân biệt.

Giám đốc Sở TT&TT TPHCM, cũng cho hay, Tết Nguyên đán Giáp Thìn ở địa phương diễn ra rất nhiều hoạt động về thương mại, văn hóa, nghệ thuật kéo dài như các chương trình livestream mua sắm Tết trực tuyến, đường sách, đường hoa, phố ẩm thực, các điểm du lịch mới. Cùng với đó, sự chăm lo chu đáo của chính quyền và các đoàn thể, đã tạo khí thế rất tốt cho các hoạt động ngay sau Tết. (Dantri.com.vn 20/02)Về đầu trang

Yên Bái: Dành 70% nguồn tăng thu năm 2023 để tạo nguồn cải cách tiền lương

Thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí (THTK, CLP) năm 2024, Yên Bái phấn đấu tiết kiệm chi 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm năm 2024 (không kể các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ), 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách các cấp so với dự toán năm 2023 để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, đẩy mạnh khoán chi hành chính…

Theo đó, Yên Bái siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách; bảo đảm chi ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu,... để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách khác.

Thực hiện tiết kiệm chi 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm năm 2024 (không kể các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ), 70% nguồn tăng thu thực hiện của ngân sách các cấp so với dự toán năm 2023 để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, đẩy mạnh khoán chi hành chính.

Hạn chế các cuộc họp không cần thiết, thực hiện lồng ghép các nội dung, công việc cần xử lý, cân nhắc số lượng, thành phần, số lượng người tham dự phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả. Giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí, đặc biệt là các lễ hội, ngày hội sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ công tác phân bổ, quản lý, sự dụng các khoản chi ngân sách nhà nước; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính ngân sách nhà nước về khoa học và công nghệ trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đề cao tinh thần tự lực, tự cường… (Baoyenbai.com.vn 20/02, Thành Trung)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Phú Yên: Kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 183 thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Trần Quang Nhất, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2011-2016 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Tỉnh ủy Phú Yên đã thi hành kỷ luật về đảng.

Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 1142-QĐ/TU ngày 29/12/2023 của Tỉnh ủy Phú Yên.

Trước đó, ngày 29/12/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã họp và quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối ông Trần Quang Nhất, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2011-2016.

Trong nhiệm kỳ 2011-2016, ông Trần Quang Nhất đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra để xảy ra vi phạm các quy định pháp luật về đấu thầu, triển khai một số dự án/gói thầu do Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC thực hiện. (Laodong.vn 20/02, Phạm Đông)Về đầu trang./.

Các tin khác

07