Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 05/02/2024

10:6, Thứ Hai, 5-2-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Gần 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân trong tháng 1/2024

2.        Tăng tốc giải ngân vốn giao thông ngay từ đầu năm

3.        Hà Tĩnh giải ngân vốn đầu tư công cao hơn tỷ lệ chung cả nước

4.        Kon Tum kiểm tra, giám sát 12 dự án đầu tư công trong năm 2024

QUYẾT SÁCH MỚI

5.        Chính thức đề xuất Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7

6.        Bộ Nội vụ đề xuất mới nhất về quy trình bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

7.        TPHCM: Miễn thuế với khoản thu từ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp

8.        Bắc Ninh triển khai Bản đồ số hộ kinh doanh nhằm chống thất thu thuế

QUẢN LÝ

9.        Thủ tướng: Bộ ngành phân cấp quyền cho TP.HCM, xin cho dễ sinh tiêu cực

10.     Bắt đầu thanh tra tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và UBND tỉnh Bắc Ninh

11.     Đồng Nai: Xử lý cán bộ không kịp thời phát hiện vi phạm xây dựng

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

12.     Công khai đường dây nóng: Cách làm hay, thiết thực của Công an Hải Phòng

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

13.     Gia Lai: Huyện bổ nhiệm sai quy trình, trưởng ban tổ chức huyện ủy phải về lại chức vụ cũ

14.     An Giang: Cựu Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế bao che cho bà Mười Tường lãnh 18 tháng tù

THẾ GIỚI

15.     Cuba miễn nhiệm loạt Bộ trưởng

 

TIÊU ĐIỂM

Gần 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân trong tháng 1/2024

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kết quả này đạt được nhờ quá trình chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, xác định rõ những vấn đề vướng mắc khó khăn của từng ngành, lĩnh vực, từng khâu của dự án đầu tư công.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, năm 2024, Thủ tướng đã giao ngay 100% vốn đầu tư công là 657.000 tỷ đồng, ngay trước ngày 31/12/2023. Đến thời điểm này, các cơ quan đã giao cho địa phương 632.000 tỷ đồng, tương đương gần 97%, cao hơn nhiều so với 73% cùng thời điểm năm ngoái.

Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 1 đạt 2,58%, tương đương 16.900 tỷ đồng, cao hơn cả số tương đối và số tuyệt đối cùng kỳ. Theo ông Trung, đầu tư công liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, những vấn đề pháp luật như đất đai, môi trường, xây dựng, quản lý bảo vệ rừng, ngân sách…

Chính phủ đã tập trung tháo gỡ, giải quyết những nút thắt, vướng mắc khó khăn trong từng ngành, từng lĩnh vực, trong từng khâu của dự án đầu tư công, để có các giải pháp tháo gỡ và đạt được những kết quả đáng khích lệ ngay từ đầu năm.

“Có những biện pháp giải pháp chúng ta đã làm từ ngay từ đầu nhiệm kỳ và có những giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là công tác thể chế, giải quyết các vướng mắc khác khó khăn trên thực tế hiện trường như: vấn đề liên quan đến nguồn đất cát, các vật liệu thay thế, với những giải pháp này chúng tôi cũng kỳ vọng giải quyết được khó khăn cho các dự án. 

Năm 2024, về cơ bản các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn có tính lan tỏa liên kết vùng đã cơ bản hoàn thiện thủ tục. Do vậy, đây là tiền đề để chúng ta có thể đẩy nhanh và hoàn toàn hy vọng niềm tin có cơ sở để 2024 chúng ta có thể giải ngân được tốt kế hoạch đầu tư công và chắc chắn sẽ là 1 năm giải ngân cao” - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói. (VOV.vn 04/02, Phương Thoa)Về đầu trang

Tăng tốc giải ngân vốn giao thông ngay từ đầu năm

Tổng kế hoạch vốn xây dựng giao thông Bộ GTVT được giao năm 2024 là 56.666 tỷ đồng, mặc dù thấp hơn năm 2023, nhưng để giải ngân hết đòi hỏi ngành phải quyết liệt ngay từ đầu năm.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao năm 2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có văn bản người đứng đầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các cơ quan tham mưu nâng cao trách nhiệm, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.

Trong đó, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án được giao phải phân khai dự toán chi theo kế hoạch được giao cho các dự án đúng tiến độ yêu cầu; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu cuốn chiếu; kịp thời ghi thu, ghi chi các nguồn vốn giải ngân và xử lý nghiêm các cá nhân, cán bộ không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.

Ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, để đảm bảo hiệu quả giải ngân, Vụ đã tham mưu Bộ GTVT yêu cầu các dự án phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, quý, xác định "đường găng" giải ngân để cập nhật báo cáo Bộ làm cơ sở cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện; đồng thời, thực hiện cá thể hóa trách nhiệm các chủ thể trong từng khâu, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình thanh toán.

Qua tìm hiểu, năm 2024 là năm bản lề để hoàn thành loạt dự án cao tốc vào năm 2025. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương ngay từ đầu năm tháo gỡ triệt để khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu... để đảm bảo tiến độ thi công.

Đặc biệt, kết quả giải ngân các dự án phụ thuộc lớn vào sản lượng thi công ở hiện trường, vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thường xuyên rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện của các nhà thầu; thực hiện điều chuyển ngay khối lượng thi công các nhà thầu chậm, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy", dự án đến giai đoạn cuối mới tìm nhà thầu thay thế.

Ngoài ra, Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đường cao tốc Việt Nam được Bộ GTVT yêu cầu có trách nhiệm khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, các dự án... khi nhận được hồ sơ do các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án trình, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương.

Đại diện các Ban Quản lý dự án cũng chia sẻ thêm, để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn, các dự án sẽ duy trì cơ chế linh hoạt trong công tác giải ngân, nhất là cơ chế bảo lãnh cho các nhà thầu uy tín... (TTXVN/Baotintuc.vn 04/02, Vân Sơn)Về đầu trang

Hà Tĩnh giải ngân vốn đầu tư công cao hơn tỷ lệ chung cả nước

Năm 2023, Hà Tĩnh giải ngân vốn đầu tư công hơn 11.335 tỷ đồng, đạt 133,6% kế hoạch Thủ tướng giao và cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 40,5%.

 

Để có được kết quả trên, ngay từ những tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt để triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động xử lý, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.

Cùng với việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều phiên họp đánh giá và thành lập 3 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng tổ chức kiểm tra, làm việc với các địa phương, đơn vị và trực tiếp chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức họp, kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn.

Ông Phạm Chí Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết: “Hằng tháng, chúng tôi đều chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Kho bạc Nhà nước tỉnh tổng hợp báo cáo giải ngân và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để gửi UBND tỉnh, Bộ Tài chính. Sở cũng có văn bản đôn đốc các đơn vị, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai dứt điểm, công tác chuẩn bị dự án được triển khai tốt... đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ giải ngân”. (Baohatinh.vn 04/02) Về đầu trang

Kon Tum kiểm tra, giám sát 12 dự án đầu tư công trong năm 2024

UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, tỉnh sẽ kiểm tra, giám sát, gồm việc chấp hành quy định về giám sát, đánh giá đầu tư; đấu thầu; bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư... của 12 dự án đầu tư công trong năm 2024.

Theo đó, mục đích của kế hoạch này nhằm đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát đầu tư thực hiện theo quy định của Chính phủ, nhằm đảm bảo cho hoạt động đầu tư chung và từng chương trình, dự án cụ thể đem lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội và thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá đúng tình hình, kết quả hoạt động đầu tư, tiến độ thực hiện đầu tư và những tồn tại, khó khăn trong quá trình đầu tư để có biện pháp điều chỉnh phù hợp; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm và tiêu cực gây thất thoát, lãng phí vốn trong quá trình thực hiện đầu tư.

Đồng thời, kế hoạch này còn nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định về quản lý chương trình, dự án của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém về quản lý dự án theo quy định của pháp luật, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh, việc làm sai quy định về quản lý chương trình, dự án, giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện.

 

Mặt khác, việc giám sát các dự án đầu tư công năm 2024 nhằm đảm bảo sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp nhằm phản ánh đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan các nội dung giám sát, đánh giá đầu tư; chỉ rõ những sai phạm cần khắc phục và đề xuất, kiến nghị kịp thời những biện pháp giải quyết.

Nội dung kiểm tra, giám sát, gồm việc chấp hành quy định về giám sát, đánh giá đầu tư; đấu thầu; bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực khác của dự án; bố trí vốn đầu tư, giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư; giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; nghiệm thu đưa dự án vào hoạt động; quản lý, vận hành dự án; bảo vệ môi trường; việc quản lý thực hiện dự án của chủ đầu tư, ban quản lý dự án; tiến độ thực hiện dự án; việc quản lý, khai thác, vận hành dự án của chủ sử dụng.

Cùng với đó là việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện của cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, chủ sử dụng; việc báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ và cập nhật các thông tin dự án lên Hệ thống thông tin theo quy định của Chính phủ Quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư. (Baodautu.vn 04/02, Linh Đan)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Chính thức đề xuất Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7

Hội đồng tiền lương quốc gia vừa chính thức khuyến nghị với Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Mức tăng được hội đồng đề xuất 6%, tương ứng tăng 200.000 đồng - 280.000 đồng.

Cụ thể, vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng); vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng)

Đối với lương tối thiểu giờ, Hội đồng cũng thống nhất tăng tương ứng 6%, tương ứng tăng 16.600 đồng - 23.800 đồng so với quy định hiện hành.

Thời điểm tăng được hội đồng đề xuất từ ngày 1/7/2024, đồng bộ với chủ trương của Đảng về thời điểm thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, đảm bảo thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nguồn lực để thực hiện. (Plo.vn 04/02, Phú Phong)Về đầu trang

Bộ Nội vụ đề xuất mới nhất về quy trình bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Bộ Nội vụ đã hoàn thiện trình Chính phủ tờ trình dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 138/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung quy định cán bộ, công chức cấp xã và người từng là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được điều động, luân chuyển giữ vị trí công tác tại các cơ quan, tổ chức khác (kể cả điều động, luân chuyển về làm cán bộ, công chức cấp xã) khi tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện trở lên thì không phải sát hạch.

Cùng với đó, bổ sung quy định trường hợp cán bộ khi thôi làm nhiệm vụ (do hết nhiệm kỳ hoặc thôi làm nhiệm vụ khi chưa hết nhiệm kỳ mà không phải vì lý do bị kỷ luật) được bố trí vào làm công chức tại nơi đang công tác nếu còn vị trí việc làm phù hợp và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện mà không phải thực hiện thủ tục tiếp nhận.

Với viên chức và người công tác trong lực lượng vũ trang, cơ yếu thì khi tiếp nhận vào công chức chỉ thực hiện kiểm tra, sát hạch bằng hình thức phỏng vấn, thay vì phải thực hiện thi viết hoặc viết và phỏng vấn như quy định hiện hành.

Về chế độ tập sự khi tuyển dụng, tiếp nhận, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi quy định về điều kiện trong trường hợp không phải thực hiện chế độ tập sự.

Đối với trường hợp đã có thời gian tập sự tại vị trí phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận nhưng chưa đủ thời gian tập sự theo quy định thì được trừ vào thời gian tập sự.

Về nâng ngạch công chức, đề xuất bỏ quy định Bộ Nội vụ có ý kiến về đề án và chỉ tiêu nâng ngạch đối với thi nâng ngạch từ chuyên viên hoặc tương đương lên chuyên viên chính hoặc tương đương.

Cùng với đó là từ nhân viên hoặc tương đương lên cán sự hoặc tương đương, từ cán sự hoặc tương đương lên chuyên viên hoặc tương đương để thực hiện chủ trương phân cấp cho bộ, ngành, địa phương.

Sửa đổi quy định về các trường hợp xét nâng ngạch và nguyên tắc xét nâng ngạch, bổ sung quy định về xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ theo hướng mở rộng tiêu chuẩn, điều kiện về thành tích để được xét nâng ngạch so với quy định tại nghị định 138.

Bổ sung quy định về xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo hướng không xét nâng ngạch đồng loạt khi bổ nhiệm, mà có sự phân biệt theo cấp hành chính. Đồng thời quy định áp dụng đối với chức vụ, chức danh tương đương trong các cơ quan của HĐND, các cơ quan Đảng, đoàn thể.

Bổ sung quy định Bộ Nội vụ có trách nhiệm xây dựng, cung cấp miễn phí phần mềm dùng chung cho các bộ, ngành, địa phương sử dụng trong tổ chức thi nâng ngạch để bảo đảm thống nhất trong quá trình thực hiện và tiết kiệm chi phí.

Đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ trong việc cấp phát ngân hàng câu hỏi và đáp án bảo đảm tính bảo mật, các cơ quan không phải cử người trực tiếp đến Bộ Nội vụ nhận ngân hàng câu hỏi và đáp án. (Tuoitre.vn 04/02, Thành Chung)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

TPHCM: Miễn thuế với khoản thu từ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp

Theo Nghị định 11 vừa được Chính phủ ban hành, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp có thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP HCM được miễn thuế với khoản thu này.

Đây là chính sách ưu đãi thuộc Nghị quyết số 98 về cơ chế đặc thù cho TP HCM. Do đó, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế 5 năm, trong thời gian Nghị quyết 98 có hiệu lực. Sau khi Nghị quyết 98 hết hiệu lực thi hành, doanh nghiệp vẫn tiếp tục được miễn thuế nếu thời hạn 5 năm chưa kết thúc.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hưởng chính sách miễn thuế này phải đáp ứng quy định của Hội đồng nhân dân TP HCM về lĩnh vực ưu tiên; tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cũng theo chính sách ưu đãi này, cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP HCM (trừ thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác) được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này.

Trường hợp bán toàn bộ doanh nghiệp do cá nhân làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản. (Vnexpress.net 04/02, Viễn Thông)Về đầu trang

Bắc Ninh triển khai Bản đồ số hộ kinh doanh nhằm chống thất thu thuế

Nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đã yêu cầu triển khai chức năng Bản đồ số hộ kinh doanh (BĐSHKD) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai chức năng BĐSHKD đảm bảo đúng quy định, phù hợp với thực tế địa phương.

Đồng thời, cơ quan chức năng hướng dẫn sử dụng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể hộ kinh doanh, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác về mục đích, ý nghĩa của chức năng BĐSHKD.

Thực hiện việc tra cứu, rà soát và hiệu chỉnh thông tin trên chức năng BĐSHKD đúng với cơ sở dữ liệu trên ứng dụng Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) và thực tế. Tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi về địa điểm, ngành nghề, doanh thu, mức thuế và các thông tin khác theo đúng quy định về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.

Tích cực triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu thông tin đăng ký thuế của chủ hộ kinh doanh để đảm bảo đồng bộ dữ liệu thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới chuyển sang sử dụng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế.

Các Sở, ban, ngành, cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc triển khai chức năng BĐSHKD; phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, hộ kinh doanh về: truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, đăng ký thuế điện tử, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. (Laodong.vn 03/02, Trí Minh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng: Bộ ngành phân cấp quyền cho TP.HCM, xin cho dễ sinh tiêu cực

Kết luận tại buổi làm việc về nghị quyết 98 (ngày 3/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định những quyền của Thủ tướng ông sẽ phân cấp hết cho TP.HCM. Ông cũng đề nghị các bộ ngành phân cấp hết cho TP.HCM. Bộ nào còn ý kiến không phân cấp thì cần làm rõ nguyên nhân.

Thủ tướng cũng thẳng thắn: "Cơ chế xin cho tạo môi trường phát sinh tiêu cực. Cứ xin xin, cho cho rồi lại thanh tra, kiểm tra, điều tra, rồi lại mất cán bộ". Biết là vậy nhưng đâu phải dễ để cơ quan, đơn vị nào đó có quyền lại chịu trao quyền.

Ngày 10/1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị nghiên cứu về dự thảo nghị định của Chính phủ phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM. Trong khoảng 20 chuyên gia nêu ý kiến tại hội nghị, đa phần đều bày tỏ quan ngại việc thực thi nghị quyết khi được ban hành sẽ không hiệu quả. Thậm chí có người còn cho rằng sẽ "không có ý nghĩa" nếu việc phân cấp không triệt để.

Nếu phân cấp, ủy quyền nhưng khi thực hiện các nội dung công việc, TP.HCM phải xin và chờ ý kiến các bộ, ngành trước khi quyết sẽ mất cơ hội cho TP.HCM trong thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Thất bại từ việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong nghị quyết 54 trước đó là dẫn chứng cụ thể nhất của việc thất bại chính sách dù trung ương đã cho TP.HCM cơ chế, chính sách đột phá.

Cơ chế cho phép ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP nghe rất hấp dẫn, có lợi cho TP. Nhưng muốn bán tài sản công phải qua đủ thủ tục xin phép ý kiến bộ, ngành. Và vì thế, một số cơ chế, chính sách cũng "chết yểu" với tình trạng tương tự.

Bất cập, hạn chế của việc phân cấp không triệt để rất dễ nhìn thấy. Nhưng các chuyên gia cũng thẳng thắn bày tỏ sự lo ngại và băn khoăn "liệu các bộ, cơ quan ngang bộ có chịu trao quyền, phân cấp lại cho TP?".

Ngay cả TP.HCM, dù kỳ vọng có cơ chế phân cấp phân quyền rõ ràng, triệt để, minh bạch về thẩm quyền hơn trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước như liên quan về kinh tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, môi trường..., nhưng khi đề xuất cũng dè dặt, dò ý.

Tại hội nghị còn có chuyên gia đưa ra giải pháp trung dung, cân bằng quyền lợi nhằm mong nhận được sự đồng thuận của các bộ, cơ quan ngang bộ. Tình cảnh như vậy mới thấy "nút thắt" phân cấp phân quyền sẽ khó tháo nếu các bộ, cơ quan ngang bộ không có tư duy "phân cấp hết" như Thủ tướng.

Việc phân cấp, phân quyền triệt để như vậy chưa phải là yếu tố quyết định tất cả thành công của việc thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá bởi còn phụ thuộc vào năng lực thực thi của TP.HCM khi được phân cấp, ủy quyền. Nhưng nếu không phân cấp triệt để, chắc chắn sẽ mất cơ hội để TP thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá.

Từ chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng, hy vọng sẽ có sự thay đổi về tư duy và việc phân cấp cho TP.HCM sẽ được triệt để, bảo đảm sự chủ động và tự quyết cho chính quyền TP.HCM. Phân cấp như vậy cũng sẽ bỏ cơ chế "quyền anh, quyền tôi", "xin cho" dễ sinh tiêu cực, mất cán bộ như cảnh báo của Thủ tướng. (Tuoitre.vn 04/02, Tiến Long)Về đầu trang

Bắt đầu thanh tra tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và UBND tỉnh Bắc Ninh

Ngày 4/2, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Bắc Ninh.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 15/6/2021 - 30/11/2023 khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam yêu cầu, trong quá trình tiến hành thanh tra Đoàn thanh tra phải thực hiện đúng kế hoạch đã được phê duyệt, các thành viên Đoàn thanh tra chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công, khi đánh giá các nội dung phải chính xác, khách quan, đầy đủ căn cứ theo quy định của pháp luật. Trưởng đoàn thanh tra phải chỉ đạo, quán triệt thành viên của đoàn chấp hành nghiêm túc các quy định trong hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó, Đoàn thanh tra cần hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến công việc thường xuyên của các đơn vị được thanh tra; có kế hoạch làm việc khoa học cụ thể; thông báo kế hoạch, thời gian làm việc cho đầu mối hai Bộ và địa phương chi tiết, hợp lý; nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Đối với các đơn vị được thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đề nghị, các đơn vị đã chủ động cử đầu mối làm việc với Đoàn theo đó, các đầu mối cần phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp hồ sơ, thông tin, tài liệu để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra; những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được trao đổi ngay trong quá trình Đoàn thực hiện thanh tra trực tiếp tại đơn vị. (Tienphong.vn 04/02, Hoàng An) Về đầu trang

Đồng Nai: Xử lý cán bộ không kịp thời phát hiện vi phạm xây dựng

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Giám đốc các Sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao công nghệ sinh học và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh giao các đơn vị phối hợp nghiên cứu các quy định pháp lý liên quan, tham mưu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng vi phạm quy định về sử dụng đất, xây dựng công trình không đúng mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, quản lý quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng trên địa bàn quản lý; Kịp thời phát hiện các vi phạm về đất đai, xây dựng, cương quyết áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời đúng pháp luật không để đối tượng vi phạm tiếp tục hành vi.

Cạnh đó, tăng cường kiểm tra rà soát các thông tin kinh doanh bất động sản trên mạng xã hội đối với các dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh, các dự án ảo, kịp thời báo cáo về Sở Thông tin Truyền thông để nắm và xử lý theo quy định.

Đặc biệt, có biện pháp xử lý đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng không kịp thời phát hiện ngăn chặn để xảy ra vi phạm trên địa bàn. (Pháp luật TPHCM 03/02, Vũ Hội)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Công khai đường dây nóng: Cách làm hay, thiết thực của Công an Hải Phòng

Sau 1 ngày công khai, đường dây nóng là số điện thoại cùng Zalo của Phó Giám đốc Công an kiêm Phó trưởng Ban An toàn giao thông thành phố Hải Phòng đã nhận hơn 30 cuộc gọi, tin nhắn liên quan đến trật tự an toàn giao thông.

Trước đó, Đại tá Bùi Trung Thành - Phó Giám đốc Công an kiêm Phó trưởng Ban An toàn giao thông thành phố Hải Phòng đã công khai số điện thoại 0918.526.559 kèm tài khoản Zalo để tiếp nhận phản ánh của người dân về các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Tất cả các cuộc gọi, tin nhắn đã được Phó Giám đốc Bùi Trung Thành chỉ đạo các đơn vị, công an địa phương xử lý theo quy định.

Đây là một cách làm hay, thiết thực của lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng trong bối cảnh những ngày trước Tết Nguyên đán, trật tự an toàn giao thông là một trong những vấn đề gây bức xúc, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân nhất.

Lãnh đạo công an và Ban An toàn giao thông các địa phương khác cũng cần có những sự vào cuộc tương tự như Hải Phòng bởi an toàn giao thông bị “đe dọa” là chuyện chung cả nước chứ không phải riêng gì Hải Phòng.

Mặc dù có ý kiến cho rằng, thời buổi bây giờ, người dân muốn biết số điện thoại cá nhân của lãnh đạo công an thành phố mình đang sống không phải là chuyện khó, nên không cần thiết phải công khai, tuy vậy, việc ai cũng có thể biết số điện thoại của Phó Giám đốc Công an thành phố và việc Phó Giám đốc Công thành phố cho công khai số điện thoại có tài khoản Zalo là hai vấn đề khác nhau hoàn toàn.

Trong trường hợp của Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, việc công khai số điện thoại cho thấy sự chủ động trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông trên địa bàn, chủ động tạo sự an toàn cho người dân trong dịp Tết.

Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng công khai số điện thoại như thế này. Trước đó, hồi tháng 4.2021, lãnh đạo công an thành phố này cũng đã gây xôn xao dư luận khi công khai đường dây nóng 0818 131 131 để tiếp nhận xử lý tin phản ánh tiêu cực, tham nhũng của chính cán bộ, chiến sĩ dưới quyền mình.

Tuy vậy, người dân vẫn luôn có chút nghi ngờ với các thông tin liên quan đến công khai đường dây nóng ở nơi này nơi kia. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, đã có rất nhiều tập thể là bộ, ngành cho đến cá nhân là chủ tịch, bí thư các địa phương đã công khai đường dây nóng là các số điện thoại cá nhân, nhưng chỉ sau một vài hôm “trống giong cờ mở”, phần lớn các đường dây nóng đều biến thành “đường dây nguội” hoặc “ngắt” luôn vì rất nhiều lý do. Trong đó có việc quá tải cuộc gọi do không lường, dự báo hết được các tình huống khi vào cuộc, cũng như có yếu tố "làm màu".

Tất nhiên ở những lĩnh vực cụ thể, ví như an toàn giao thông của từng tỉnh, thành phố thì việc có đường dây nóng là vô cùng cần thiết, tính khả thi rất cao. Và việc công khai số điện thoại cùng Zalo để tiếp nhận thông tin về an toàn giao thông như Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng không chỉ dừng lại ở trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay mà cần thường xuyên, đừng nên “đánh trống bỏ dùi” thì mới có hiệu quả lâu bền! (Laodong.vn 04/02, Hoàng Văn Minh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Gia Lai: Huyện bổ nhiệm sai quy trình, trưởng ban tổ chức huyện ủy phải về lại chức vụ cũ

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa - được điều động, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đak Đoa được vài ngày thì bị hủy quyết định bổ nhiệm.

Sau khoảng một tuần được điều động, bổ nhiệm từ vị trí Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa đến nhận nhiệm vụ tại Ban tổ chức Huyện ủy, ông Dũng đã phải quay trở về vị trí công tác cũ.

Theo nguồn tin, ngày 26/12/2023, ông Dũng được Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Đoa công bố quyết định điều động, thôi chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện để đến nhận công tác tại Ban tổ chức Huyện ủy, bắt đầu từ ngày 5/1/2024, giữ chức vụ Trưởng Ban tổ chức.

Sau đó, ông Dũng đã chuyển đến nơi làm việc mới. Tuy nhiên, do các quyết định bổ nhiệm sai quy trình nên Huyện ủy đã hủy các quyết định bổ nhiệm nêu trên, và ông Dũng "nhận lại" nhiệm vụ cũ là phó chủ tịch huyện.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thọ - Bí thư Huyện ủy Đăk Đoa - xác nhận có sự việc nêu trên.

"Cái này bình thường thôi. Việc bổ nhiệm chưa đúng quy trình nên làm lại thôi. Hướng của Ban Thường vụ Huyện ủy là điều động anh Dũng đến làm việc tại Ban Tổ chức Huyện ủy. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các quyết định thì huyện có rà soát lại, phát hiện chưa đúng quy trình, quy định.

"Vậy nên để làm đúng thì huyện ủy phải hủy quyết định bổ nhiệm để làm cho đúng. Quá trình thực hiện việc bãi nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND huyện có báo cáo lên cấp trên thì phát hiện sai. Sai thì phải làm lại cho đúng", ông Thọ nói. (Tuoitre.vn 04/02, Huỳnh Công Đông)Về đầu trang

An Giang: Cựu Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế bao che cho bà Mười Tường lãnh 18 tháng tù

Cựu trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang và hai thuộc cấp bị cáo buộc bao che giúp bà Mười Tường cùng đàn em thoát tội buôn lậu.

Ngày 3/2, ông Hồ Văn Tấn - cựu Trưởng Phòng cảnh sát kinh tế, Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang; Lê Tấn Tài - cựu Phó Phòng cảnh sát kinh tế và Nguyễn Minh Trí - cựu điều tra viên, ra tòa với cáo buộc "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Hội đồng xét xử tuyên phạt Tấn 18 tháng tù, Trí 17 tháng và Tài 18 tháng tù. Hình phạt bổ sung cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ 2 năm từ khi chấp hành xong hình phạt.

Theo cáo trạng, năm 2018, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ - Bộ Công an triệt phá vụ án buôn lậu xảy tại kênh Ruột, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Qua đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Điện, Nguyễn Văn Lình, Trần Văn Tánh.

Do các bị can Võ Minh Phương, Trần Công Tới, Bùi Văn Miền đã bỏ trốn nên năm 2019 cục đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh An Giang thụ lý điều tra. Hồ sơ chuyển có nêu rõ "có tài liệu xác định Nguyễn Hoàng Út (Út Mạnh), Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) đứng ra tổ chức điều hành đường dây buôn lậu".

Sau khi thụ lý, do chưa thu thập được tài liệu chứng minh chủ sở hữu số hàng buôn lậu bị bắt giữ nên Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới"; thay đổi tội danh và xử lý đối với các bị can Dũng, Điện, Lình, Tánh từ tội "buôn lậu" sang tội "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới".

Đồng thời tách vụ án buôn lậu của Phương, Tới, Miền ra để khi nào bắt được bị can xử lý sau. Sau đó Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với 3 bị can này.

Năm 2020, Phương, Tới, Miền gọi điện cho người nhà kêu đến gặp bà Mười Tường hỗ trợ xin cho được tại ngoại sau khi về đầu thú. Bà Mười Tường biết Lê Tấn Tài là bà con họ hàng với chồng mình nên gọi điện nhờ giúp đỡ.

Ông Tài lấy cớ đang mùa dịch COVID-19 nên để Phương, Tới, Miền được tại ngoại, cách ly dịch và trao đổi lý do này với nhiều người là cán bộ, lãnh đạo Công an, Viện kiểm sát tỉnh và nhận được sự đồng ý.

Sau khi về An Giang đầu thú, Phương, Tới, Miền đến gặp bà Mười Tường và được yêu cầu khai chỉ chở hàng thuê chứ không được khai người cầm đầu là Mười Tường và Út Mạnh.

Công an tỉnh An Giang phân công các ông Tấn, Tài và Trí tiếp nhận các bị can và phục hồi điều tra vụ án. Trong quá trình điều tra, các bị cáo Tấn, Tài và Trí biết rõ Phương, Tới, Miền là các đối tượng phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trốn truy nã, khi đầu thú đã khai báo gian dối, thông cung, cản trở điều tra, thuộc trường hợp phải bị tạm giam nhưng vẫn cho tại ngoại.

Biết rõ vụ án buôn lậu có tổ chức, trong hồ sơ có nhiều chứng cứ, tài liệu chỉ rõ dấu hiệu đối tượng chủ mưu, cầm đầu là Mười Tường, Út Mạnh và liên quan đến nhiều người khác, nhưng vì động cơ cá nhân, vụ lợi và sợ ảnh hưởng đến vị trí công tác của bản thân nên Tấn, Tài và Trí chỉ điều tra theo tội danh vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, né tránh điều tra, không áp dụng các biện pháp điều tra, cố ý không thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng dẫn đến bỏ lọt tội phạm. (Tuoitre.vn 03/02, Chí Hạnh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Cuba miễn nhiệm loạt Bộ trưởng

Hội đồng Nhà nước Cuba thông báo thay thế ba Bộ trưởng, trong bối cảnh nước này gặp khó khăn về kinh tế.

"Đồng chí Alejandro Gil Fernandez bị miễn nhiệm khỏi chức vụ Phó thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế - Kế hoạch", Hội đồng Nhà nước Cuba thông báo hôm 2/2. Cơ quan này thêm rằng quyết định miễn nhiệm được tiến hành theo đề xuất của Chủ tịch Miguel Diaz-Canel, song không tiết lộ nguyên nhân.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cuba Joaquin Alonso Vazquez thay thế ông Gill. "Alonso Vazquez là cử nhân ngành Tài chính - Tín dụng và có bằng thạc sỹ về lĩnh vực Quản lý - Quản trị Kinh doanh. Ông có kinh nghiệm quản lý sâu rộng, được tích lũy trong quá trình đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau", thông báo có đoạn.

Hội đồng Nhà nước Cuba cũng tuyên bố bổ nhiệm chủ tịch Tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm Cuba (BioCubaFarma) Eduardo Martinez Diaz làm Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thay thế bà Elba Rosa Perez, người đã giữ chức vụ này hơn 11 năm.

Nghị sĩ Alberto Lopez Diaz, thống đốc tỉnh Santa Clara, cũng thay ông Manuel Santiago Sobrino trong vai trò Bộ trưởng Công nghiệp Thực phẩm.

Động thái diễn ra trong bối cảnh Cuba đang trải qua đợt khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ những năm 1990, do chịu ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 và Mỹ siết trừng phạt những năm gần đây. Theo ước tính, nền kinh tế Cuba suy giảm 2% trong năm 2023, trong khi lạm phát tăng 30%.

Chính phủ nước này tháng trước thông báo sẽ tăng giá xăng 500% từ ngày 1/2 nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách, song kế hoạch đã bị hoãn lại do xảy ra sự cố về an ninh mạng. Cuba cũng thông báo tăng giá điện 25% đối với khách hàng sử dụng nhiều ở các khu dân cư. (Vnexpress.net 03/02, Phạm Giang)Về đầu trang./.

Các tin khác

07