Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 30/01/2024

10:29, Thứ Ba, 30-1-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Các địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết vốn đầu tư công

2.        Ninh Bình: Đốc thúc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024

QUYẾT SÁCH MỚI

3.        Các địa phương cần có lộ trình triển khai ngay Luật Đất đai (sửa đổi)

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

4.        Long An: Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

5.        Quảng Trị rà soát, xử lý các dự án khởi công xong, tháo rạp rồi... đi luôn

QUẢN LÝ

6.        Năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thanh tra những gì?

7.        Hai địa phương kiến nghị bỏ ngưỡng 0 trong xử lý vi phạm nồng độ cồn

8.        Lãnh đạo ngành GTVT chỉ đạo TPHCM cần có một tham mưu trưởng để xử lý “xe dù, bến cóc”

9.        Quảng Ninh: Tuyệt đối không để đình trệ công việc sau kỳ nghỉ Tết

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

10.     Lâm Đồng: Xử nghiêm cán bộ gây phiền hà cho dân trong ứng dụng văn bản điện tử

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

11.     Thanh Hóa: Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

12.     Kiểm điểm 190 cá nhân, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng

THẾ GIỚI

13.     Ukraine: Tổng thống nêu gương công khai thu nhập, nỗ lực chống tham nhũng

 

TIÊU ĐIỂM

Các địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết vốn đầu tư công

Chậm phân bổ chi tiết vốn đầu tư công là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân. Vấn đề này càng "nóng" hơn mỗi khi được mang ra “mổ xẻ”, bởi chậm phân bổ vốn cũng là lãng phí. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng này đã được khắc phục.

Ngay khi được giao kế hoạch vốn, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương phân bổ chi tiết vốn và nhập dự toán trên Tabmis để có thể thực hiện giải ngân ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm.

Năm 2024, tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng giao hơn 6.520 tỷ đồng vốn đầu tư công (ĐTC), trong đó ngân sách trung ương (NSTW) gần 2.195 tỷ đồng; ngân sách địa phương (NSĐP) hơn 4.325 tỷ đồng.

Ngay khi nhận kế hoạch vốn, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án. Đến nay, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ chi tiết hơn 2.088 tỷ đồng vốn NSTW; hơn 4.057 tỷ đồng vốn NSĐP. Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc chưa phân bổ chi tiết hết số kế hoạch vốn còn lại là do nguồn thu sử dụng đất năm 2024 Thủ tướng giao cho Quảng Nam là 2.700 tỷ đồng, tăng gần 20% so với các năm 2022, 2023.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua, tỉnh Quảng Nam liên tục hụt thu nguồn sử dụng đất. Đồng thời, năm 2024 dự báo khả năng nguồn thu sử dụng đất thấp, do đó HDND tỉnh đã thống nhất chủ trương giữ lại 400 tỷ đồng từ nguồn thu sử dụng đất phân bổ sau trong năm, để dự phòng tình trạng hụt thu, hạn chế phát sinh nợ đọng trong năm.

Hiện tỉnh Lâm Đồng cũng đã hoàn thành phân bổ chi tiết trên 7.266 tỷ đồng vốn ĐTC kế hoạch năm 2024 cho các huyện, thành phố, các chương trình, dự án giao thông trọng điểm, dự án chuyển tiếp trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu năm 2024, tiếp tục dành vốn ĐTC cho các dự án trọng điểm, TP. Hải Phòng đã dành nguồn vốn ĐTC để phân bổ cho gần 80 dự án trên địa bàn. Theo đó, với tổng số vốn trên 19.217 tỷ đồng, Hải Phòng đã phân bổ 11.791 tỷ đồng cho 79 dự án ĐTC chuyển tiếp từ các năm trước và khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư. Đồng thời, thành phố đã thực hiện phân bổ 4.200 tỷ đồng vốn ĐTC năm 2024 theo thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND các quận, huyện; phân bổ hơn 2.000 tỷ đồng cho chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu…

Việc các địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết nguồn vốn ĐTC được giao đã cho thấy sự quyết tâm trong thực hiện ĐTC để đưa nền kinh tế phát triển. Bởi vốn đã được giao, giờ là thời điểm để các sở, ban, ngành, chủ đầu tư bắt tay vào việc thực hiện để tạo ra các khối lượng hoàn thành gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán vốn. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 29/01, Vân Hà)Về đầu trang

Ninh Bình: Đốc thúc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024, UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản số 14/UBND-VP2 yêu cầu các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải khẩn trương thực hiện ngay từ tháng đầu năm này.

UBND tỉnh Ninh Bình lưu ý các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ hoàn thiện các thủ tục, thi công dự án (bao gồm cả công tác giải phóng mặt bằng) và giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 được giao.

Ngoài ra, tại công văn của UBND tỉnh này còn yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc giải ngân; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, kịp thời báo cáo UBND tỉnh về tiến độ thực hiện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Đối với kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, theo quy định, hết ngày 31/1/2024 mới kết thúc thời hạn giải ngân. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng cũng như tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh và các quyết định, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công tác nghiệm thu, thanh, quyết toán khối lượng hoàn thành của các dự án; quyết tâm đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân năm 2023 trên 95% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 29/01, Tô Ngọc)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Các địa phương cần có lộ trình triển khai ngay Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuối tuần qua tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tổ chức hội nghị ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua nhằm sớm tuyên truyền những điểm đổi mới, đột phá của luật; đồng thời, tiếp tục lắng nghe, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của tập thể, các chuyên gia, nhà quản lý trong ngành để Bộ, ngành, các cấp tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật trong tổ chức thực hiện.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị UBND, các Sở, ngành các tỉnh, thành phố cần tập trung nghiên cứu ngay và có lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh, thành. Trong đó, quan trọng nhất là phải tổ chức xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

“Chúng ta phải làm sao để đến ngày 01/01/2025, khi Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thì phải có sự đồng bộ giữa Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ ngành, Quy định của UBND tỉnh, thành phố; đảm bảo một thể thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện để đưa luật đi vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của đất nước theo Nghị quyết Trung ương Đảng, tạo động lực để nước ta sớm trở thành một nước phát triển có thu nhập cao”, ông Ngân nhấn mạnh. (Vneconomy.vn 29/01, Nhĩ Anh)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Long An: Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Ngày 29/1, HĐND tỉnh Long An tổ chức Kỳ họp thứ 14 (chuyên đề) năm 2024. Theo đó thông qua các nghị quyết quan trọng, trong đó có điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2024; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được yêu cầu, các cơ quan liên quan tập trung triển khai cụ thể hóa, sớm đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần phát huy tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, quản lý của Nhà nước và vì mục tiêu phục vụ, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND và từng đại biểu tăng cường hoạt động giám sát và phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, các cơ quan liên quan trong việc cụ thể hóa, tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả nghị quyết. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của HĐND tỉnh.

UBND tỉnh, các cấp, ngành tổ chức các hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân đảm bảo thiết thực, vui tươi, ý nghĩa; quan tâm hỗ trợ kịp thời gia đình chính sách, công nhân lao động và người dân có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần “mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết đầm ấm, hạnh phúc và nghĩa tình”.

Ngay sau kết thúc kỳ nghỉ Tết, cả hệ thống chính trị phải nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc, thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, quyết tâm cao nhất đạt kết quả tốt ngay từ ngày đầu của năm, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2026. (TTXVN 29/01, Thanh Bình)Về đầu trang

Quảng Trị rà soát, xử lý các dự án khởi công xong, tháo rạp rồi... đi luôn

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vừa yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát các dự án treo, “khởi công xong, tháo rạp rồi đi luôn” để xử lý dứt điểm.

Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh này tổ chức đầu năm 2024, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh việc Quảng Trị xử lý như thế nào với các dự án treo từ năm này sang năm khác.

Đặc biệt, vào năm 2019, tỉnh khởi công 30 dự án trọng điểm nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, nhưng đến nay không ít dự án vẫn chưa đi vào hoạt động, một trong những nguyên nhân khiến dự án bế tắc, là do nhà đầu tư thiếu năng lực.

Trả lời vấn đề trên, ông Trương Chí Trung – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nói rằng, tại địa phương hiện có nhiều dự án chậm tiến độ, nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân khách quan, là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vướng mắc trong quá trình triển khai liên quan đến Luật Đất đai. Đơn cử, hầu hết các dự án du lịch ven biển ở tỉnh Quảng Trị đều vướng quy hoạch trữ lượng khoáng sản cát trắng, đến cuối năm 2023 quy hoạch này mới được bóc tách.

Về chủ quan, ông Trung khẳng định, có dự án nhà đầu tư thiếu năng lực, nhưng quá trình lựa chọn nhà đầu tư, việc thẩm định xem nhà đầu tư có năng lực hay không không dễ.

Đối với các dự án treo, chậm tiến độ, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang căn cứ vào các quy định để xử lý. Theo quy định, dự án không được gia hạn quá 24 tháng, nhưng đối với các trường hợp bất khả kháng thì có thể dài hơn.

Sở đang phối hợp với các địa phương rà soát các dự án chậm tiến độ, xem chậm vì nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Sau đó, mới đồng ý hay không đồng ý việc gia hạn. Tuy nhiên, khi gia hạn thì buộc các dự án phải ký quỹ. Còn đối với nhà đầu tư chây ỳ, không có lý do chính đáng, không ký quỹ thì Sở tham mưu thu hồi.

Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ và cứng rắn với các dự án chậm tiến độ nhiều năm. “Đối với các dự án khởi công xong, tháo rạp rồi đi luôn thì cần xử lý thu hồi ngay, nếu có đơn vị khác có tiềm lực thì giao cho họ làm” – ông Đồng nói. (Laodong.vn 29/01, Hưng Thơ)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thanh tra những gì?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024. Theo đó, sẽ thực hiện 42 cuộc thanh tra, kiểm tra.

Riêng về thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư năm 2024, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì 15 cuộc thanh tra, kiểm tra, cụ thể: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan, việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2020 - 2023 tại các tỉnh: Ninh Bình, Lào Cai, An Giang, Đăk  Lăk, Gia Lai, Bắc Ninh, Hà Giang, Nam Định.

Thanh tra việc chấp hành về đầu tư công giai đoạn 2021 - 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan, việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2020 - 2023, thanh tra việc chấp hành pháp luật về khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh Hải Dương.

Bên cạnh đó, sẽ thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thanh tra công tác quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, việc chấp hành quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021 - 2022 tại Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh.

Kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2021 đến thời điểm kiểm tra tại Cục Thống kê của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu.

Kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2021 đến thời điểm kiểm tra tại Cục Thống kê các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập năm 2021 đến thời điểm kiểm tra tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Trung tâm Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, Học viện Chính sách và Phát triển, Báo Đầu tư.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ còn thực hiện kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

Đối với Tổng cục Thống kê chủ trì 6 cuộc thanh tra, kiểm tra: Thanh tra thực hiện phương án điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ tại Cục Thống kê các tỉnh Hải Dương, Kon Tum, Cà Mau… (Thanhtra.com.vn 29/01, Nguyễn Điểm)Về đầu trang

Hai địa phương kiến nghị bỏ ngưỡng 0 trong xử lý vi phạm nồng độ cồn

Ngoài cử tri Hòa Bình, UBND hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh cũng có kiến nghị về quy định ngưỡng 0 trong xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Cử tri Hòa Bình phản ánh, theo quy định của pháp luật thì không có mức tối thiểu cho nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đây là quy định khá nghiêm khắc trong luật, áp dụng để ngăn chặn tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông với tỉ lệ tuyệt đối mà không có nới lỏng về ngưỡng giới hạn bị xử phạt.

Thực tế cho thấy, việc quy định tuyệt đối mà không có ngưỡng giới hạn tối thiểu nồng độ cồn bị xử phạt như hiện nay là rất khó khăn cho người dân và lực lượng chức năng trong thực thi công vụ. Nhiều trường hợp người dân có sử dụng rượu bia từ trưa hoặc tối hôm trước nhưng khi kiểm tra nồng độ cồn thì đa số vẫn còn nồng độ cồn trong máu và hơi thở nên các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định.

Từ thực tiễn này, cử tri đề nghị điều chỉnh, sửa đổi theo hướng có quy định giới hạn mức nồng độ cồn tối thiểu khi tham gia giao thông.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đơn vị cũng kiến nghị bỏ ngưỡng 0 trong xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông, 2 địa phương Thanh Hóa và Hà Tĩnh cũng kiến nghị bỏ quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn bằng 0.

UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ, Khoản 1 (Điều 8) quy định về hành vi “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Theo quy định này được hiểu là nồng độ cồn trong máu ở mức trên 0 miligam/100 mililit máu hoặc trên 0 miligam/1 lit khi thở là đã vi phạm. Dự thảo Luật không quy định cụ thể nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở ở mức bao nhiêu thì vi phạm là chưa phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét quy định cụ thể nội dung này.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, Khoản 1 (Điều 8) đề nghị bổ sung nội dung “vượt quá mức quy định” vào cuối câu, viết lại thành “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”.

Theo đó, cần quy định mức tối thiểu nhằm bảo đảm các quyền cơ bản của công dân (thực tế một số thực phẩm có thể tạo ra nồng độ cồn nhưng không ảnh hưởng tới hành vi, năng lực của người điều khiển phương tiện giao thông). Đồng thời, bổ sung khoản quy định “Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1 Điều này”.

Tiếp thu, giải trình, ý kiến UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công an cho biết, việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở không có nồng độ cồn đang thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là rất hiệu quả, phòng ngừa tai nạn giao thông. (Laodong.vn 29/01, Hiếu Anh)Về đầu trang

Lãnh đạo ngành GTVT chỉ đạo TPHCM cần có một tham mưu trưởng để xử lý “xe dù, bến cóc”

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã chỉ đạo TPHCM như vậy trong chuyến công tác tại địa phương này vào sáng 29/01.

Cụ thể, ông Hùng nhấn mạnh: Thời gian qua, TP.HCM đã vào cuộc mạnh mẽ để xử lý. Trong thời gian tới, TP cần tiếp tục phát huy và chỉ đạo các quận, huyện, đơn vị liên quan xử lý quyết liệt hơn nữa. Đồng thời, TP.HCM cần có một cơ quan chức năng đứng ra chủ trì vấn đề này, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch, tổng hợp kết quả xử lý của tất cả các đơn vị để đánh giá cụ thể.

"Do hiện nay việc xử lý xe dù, bến cóc ở TP còn phân ra từng cơ quan riêng, chưa có một tổng tham mưu trưởng. Đối với một chuyên đề đặc biệt thế này cần phải tính toán thêm điều đó", ông Hùng chỉ đạo.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - đánh giá tình trạng "xe dù, bến cóc" ở TP.HCM là vấn đề rất nóng. Hiện nay TP đang có hệ thống camera giám sát rất tốt nên phát huy cùng với lực lượng xử lý trực tiếp. Phương án phạt nguội qua camera đối với xe khách nên được đẩy mạnh trong năm nay.

Ngoài ra bà Hiền cho rằng chính quyền địa phương, các quận huyện ở TP.HCM là đơn vị nắm rõ nhất về các hoạt động trên địa bàn mình đảm trách, do đó không nên chỉ giao phó hết cho lực lượng cảnh sát giao thông, mà phải tăng cường phối hợp xử lý. (Tuoitre.vn 29/01, Thu Dung)Về đầu trang

Quảng Ninh: Tuyệt đối không để đình trệ công việc sau kỳ nghỉ Tết

Đây là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký tại Kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh, tổ chức ngày 29/1.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tập trung cho công tác chăm lo Tết cho nhân dân trên địa bàn tỉnh chu đáo, tốt hơn năm trước, đảm bảo vui tươi hơn, lành mạnh hơn, ấm no hơn, hạnh phúc hơn, an toàn hơn; “không để ai bị bỏ lại ở phía sau, không để cho một ai không có Tết”.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, phải khẩn trương trở lại với mọi hoạt động bình thường của hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, kịp thời phục vụ mọi yêu cầu của người dân và doanh nghiệp ngay từ giờ đầu, ngày đầu tiên làm việc của năm mới Giáp Thìn 2024, tuyệt đối không để đình trệ công việc, không để lỡ hẹn với doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến lợi ích của nhân dân.

Các cấp, các ngành, các địa phương tập trung cao độ, tranh thủ từng ngày, kể cả ngày nghỉ để quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 gắn với chủ đề công tác “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phải giữ vững sự ổn định trong hệ thống chính trị; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh an ninh, an toàn, thuận lợi, minh bạch, bình đẳng; tập trung tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là ngành Than để ổn định và phát triển bền vững, tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển hợp lý, bền vững theo quy hoạch, tăng tối đa sản lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng và tăng thu ngân sách… (TTXVN 29/01, Văn Đức)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Lâm Đồng: Xử nghiêm cán bộ gây phiền hà cho dân trong ứng dụng văn bản điện tử

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng văn bản điện tử để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thái độ ứng xử chưa đúng mực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng phần mềm trong quá trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, đặc biệt là chấp nhận văn bản điện tử đã được ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư và quản lý nhà nước về công tác văn thư.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính chịu trách nhiệm về việc phân công, theo dõi, kiểm tra, thường xuyên giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị mình. Sử dụng và phát huy tối đa hiệu quả trang thiết bị, phần mềm ứng dụng đã đầu tư, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và công bằng, tránh lãng phí ngân sách nhà nước...

Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, đa số sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng văn bản điện tử và liên thông, tích hợp dữ liệu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Qua theo dõi thực tế và phản ánh của người dân, việc giải quyết đối với một số thủ tục hành chính tại đơn vị cấp xã hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế như: Hệ thống bốc số thứ tự được trang bị nhưng vị trí chưa hợp lý, thậm chí ngưng hoạt động; chưa phân công rõ trách nhiệm đối với công chức làm nhiệm vụ trực và hướng dẫn người dân tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ. Một số công chức cấp xã chưa cập nhật kịp thời quy định mới, còn yêu cầu người dân cung cấp hồ sơ ngoài quy định, hẹn người dân đi lại nhiều lần mới có người tiếp nhận hồ sơ... (TTXVN 29/01, Chu Quốc Hùng)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thanh Hóa: Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác sử dụng, quản lý ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản về việc tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... theo quy định của pháp luật.

Tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, bảo đảm phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách và cấp dưới theo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong và ngoài nước nước, nhất là nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; năm 2024, cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để tăng cho đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội.

Quán triệt yêu cầu triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm hiện hành để xây dựng dự toán sát khả năng thực hiện.

Bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ; chủ động sắp xếp, xử lý để triển khai các nhiệm vụ được giao phát sinh trong năm dự toán; hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán được giao, hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau. (Baothanhhoa.vn 29/01, TS) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kiểm điểm 190 cá nhân, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng

Sau 3 năm thực hiện Kết luận 929 của Thanh tra Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã kiểm điểm 190 cá nhân cùng tập thể lãnh đạo UBND tỉnh. Đối với số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra 386 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2023, số tiền còn phải khắc phục qua thanh tra 273 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, các phó chủ tịch UBND tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan tới trách nhiệm quản lý, điều hành; chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố… kiểm điểm theo thẩm quyền đối với cá nhân liên quan.

Lâm Đồng đã kiểm điểm tập thể lãnh đạo UBND tỉnh và 190 cá nhân có liên quan do để xảy ra thiếu sót, tồn tại, vi phạm. Kết quả, đối với tập thể, lãnh đạo UBND tỉnh nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Đối với các cá nhân, có 16 trường hợp phải xử lý kỷ luật, trong đó có 4 trường hợp phải xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, bao gồm: ông Bùi Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT; ông Nguyễn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng; ông Nguyễn Sô, Phó Giám đốc Sở TN&MT; ông Nguyễn Xuân Thành, nguyên Giám đốc Ban quản lý khu du lịch (BQLKDL) hồ Tuyền Lâm; ông Phạm Văn Dân, Giám đốc BQLKDL hồ Tuyền Lâm.

Ngoài ra, 11 trường hợp thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương (3 trường hợp phải xử lý kỷ luật cảnh cáo, 8 trường hợp khiển trách), còn lại 174 trường hợp rút kinh nghiệm.

Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, căn cứ kết quả thanh tra, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm UBND tỉnh, chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh qua các thời kỳ về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan. Các sở, ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố có liên quan kiểm điểm nghiêm túc; có hình thức kỷ luật các tổ chức, cá nhân vì để xảy ra các tồn tại, vi phạm; tập trung chấn chỉnh, giải quyết các vi phạm, tồn tại được nêu trong kết luận thanh tra; chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý số tiền vi phạm phát hiện qua thanh tra 386 tỷ đồng. (Tienphong.vn 29/01, Nhóm PV)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ukraine: Tổng thống nêu gương công khai thu nhập, nỗ lực chống tham nhũng

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai thu nhập trong các năm 2021 và 2022. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch và loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng ở nước này.

Cụ thể, ông Zelensky và gia đình báo cáo thu nhập vào năm 2021 là 10,8 triệu hryvnia (hơn 286.000 USD) - giảm 12 triệu hryvnia so với năm 2020. Con số vào năm 2021 bao gồm cả thu nhập từ việc bán 142.000 USD trái phiếu chính phủ.

Còn thu nhập vào năm 2022 của gia đình tổng thống Ukraine là 3,7 triệu hryvnia (gần 98.000 USD), do sụt giảm nguồn thu từ việc cho thuê bất động sản kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ.

Tổng thống Ukraine đã kêu gọi các quan chức nước này công khai thu nhập của họ như một phần trong nỗ lực tăng cường tính minh bạch và loại bỏ nạn tham nhũng, nhằm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí và viện trợ tài chính, cũng như các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cũng yêu cầu Ukraine đảm bảo về những nỗ lực loại bỏ tham nhũng.

Tháng trước, Cơ quan Phòng chống tham nhũng quốc gia Ukraine, một trong số các cơ quan chuyên phơi bày và loại bỏ hối lộ, đã mở lại việc công khai đăng ký kê khai tài sản của quan chức. (Tuoitre.vn 29/01, Thanh Hiền)Về đầu trang./.

Các tin khác

07