Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 01/02/2024

11:12, Thứ Năm, 1-2-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025

2.        Hà Nội tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

QUYẾT SÁCH MỚI

3.        Thủ tướng yêu cầu bảo đảm văn minh, an toàn, tiết kiệm trong hoạt động tín ngưỡng dịp Tết

4.        Đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

5.        Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển

6.        Đắk Lắk trải "thảm đỏ" mời gọi doanh nghiệp đầu tư

QUẢN LÝ

7.        Hà Nội sẽ tiếp công dân 4 quận, huyện bằng hình thức trực tuyến

8.        Sóc Trăng chính thức vận hành hệ thống ISO điện tử

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.

9.        Cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Trần Tuấn Anh

10.     Khai trừ ra khỏi Đảng đối với Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh và Lâm Đồng

11.     Lạng Sơn: Cách chức Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng

12.     Thanh Hoá: Khởi tố vụ án “Đưa - Nhận hối lộ” có số bị can nhiều nhất từ trước tới nay

THẾ GIỚI

13.     Argentina sắp thông qua dự luật cải cách kinh tế mới

 

TIÊU ĐIỂM

Giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 117/QĐ-TTg về việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Phó Thủ tướng giao bổ sung 30.683,441 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung cho các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) tại các Phụ lục kèm Quyết định số 117/QĐ-TTg.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho từng dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV cho từng dự án của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 117/QĐ-TTg.

Về việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được giao thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho từng dự án theo quy định; sử dụng vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn khác để đầu tư hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn hàng năm theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công; đề xuất kế hoạch vốn năm 2024 để thực hiện dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 28/2/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị quyết số 112/2024/QH15 của Quốc hội.

Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định, báo cáo việc thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 10/2/2024. (TTXVN/Baotintuc.vn 31/01)Về đầu trang

Hà Nội tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Phát huy hiệu quả đầu tư công, đảm bảo thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo TP. Hà Nội quán triệt quan điểm chỉ đạo là vốn đầu tư công phải được giao ngay từ đầu năm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư để tập trung quyết liệt triển khai công tác đầu tư và giải ngân ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2024, tránh tình trạng dồn giải ngân vốn vào cuối năm.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, theo thông báo của Trung ương, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố là 81.033 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là 9.451 tỷ đồng, ngân sách địa phương 71.582 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố cao hơn 1,4 lần so với kế hoạch đầu tư công năm 2023 (57.305 tỷ đồng). Thành phố đã thực hiện việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thành phố sẽ tiếp tục tập trung, quyết liệt chỉ đạo trong công tác điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024. Trước tiên, thành phố chú trọng một số nội dung trọng tâm như quán triệt về việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 ngay từ đầu năm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nghiêm túc thực hiện chế độ giao ban định kỳ toàn thành phố hàng quý và các lĩnh vực hàng tháng.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh thủ tục đầu tư của các dự án; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy tiến độ các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025, các dự án có quy mô lớn, các dự án chuyển tiếp để tập trung hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng.

Các quận, huyện, thị xã thúc đẩy việc giải ngân các dự án ngân sách cấp thành phố giao quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư và dự án thuộc nhiệm vụ của cấp huyện. Cùng với đó, thành phố cũng có biện pháp để đảm bảo nguồn thu; chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024 phù hợp với nguồn thu, không để xảy ra nợ xây dựng cơ bản... (Thoibaotaichinhvietnam.vn 31/01, Nam Khánh)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm văn minh, an toàn, tiết kiệm trong hoạt động tín ngưỡng dịp Tết

Thủ tướng vừa ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/1/2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng biên tập Báo Nhân dân, Tổng Giám đốc: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

Với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương;

Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, thờ tự. (Vneconomy.vn 31/01, Tiến Dũng)Về đầu trang

Đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, nhất là khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; rà soát các quy định về Luật Thuế thu nhập cá nhân, tạo thuận lợi cho người mua nhà đáp ứng điều kiện về thu nhập để hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội.

Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. (Tienphong.vn 31/01, Đình Phong)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp tồn tại và phát triển

Tháng 1.2024, có 13.536 doanh nghiệp đăng ký thành lập (tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023) với số vốn đăng ký đạt 151.451 tỉ đồng (tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023). Có 13.799 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1.2024. Trong đó, kinh doanh bất động sản có số doanh nghiệp quay trở lại tăng cao nhất (29,3%).

Các con số này đã phản ánh một phần qua đời sống của doanh nghiệp. Làm ăn khi thành khi bại, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hay phá sản là chuyện bình thường. Năm 2023, do sự bất lợi của thị trường, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Nhưng khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc, thì doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tham gia kinh doanh sản xuất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ cho xã hội, tạo công ăn việc làm và làm nghĩa vụ ngân sách. Cùng với nhóm doanh nghiệp hoạt động trở lại, là doanh nghiệp thành lập mới, tạo nên luồng sinh khí cho đời sống kinh tế của đất nước.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều, chứng tỏ người dân có niềm tin vào năng lực bản thân và cơ hội làm ăn. Có thể do nhiều yếu tố khách quan tác động, kinh tế còn khó khăn, nhưng không thể cứ gặp khó khăn là không ai làm gì, ngồi bó tay chờ thời cơ. Sẽ không có cơ hội đến nếu như không vận động và sự tham gia thị trường của những doanh nghiệp mới trong tháng 1.2024 xuất phát từ tư duy hành động, dám đối diện với thử thách.

Để tồn tại và phát triển, sự nỗ lực của doanh nghiệp là căn bản, nhưng cần có những chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và hỗ trợ tích cực của chính quyền các địa phương. Như trong năm 2023, Chính phủ đã có nhiều cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án bất động sản, để sớm phục hồi thị trường.

Về phía các địa phương, hãy xem các nhà đầu tư là "quý nhân", không phải là con vịt để "vặt" như ai đó từng nói. Quý nhân là vì doanh nghiệp đem sản phẩm, dịch vụ đến, giải quyết việc làm cho người lao động và đóng thuế cho Nhà nước.

Hãy bỏ đi những thói quen "hành là chính", để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Sự hỗ trợ tích cực của chính quyền sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí và không làm lỡ đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp. (Laodong.vn 31/01, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Đắk Lắk trải "thảm đỏ" mời gọi doanh nghiệp đầu tư

Dù các cấp chính quyền ở tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều cách thức, chính sách để trải “thảm đỏ” mời gọi doanh nghiệp và đầu tư tại địa phương, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản, khiến mục tiêu này trở nên khó khăn...

Ngày 30/1, UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Ngọc Nghị vừa ký quyết định chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024. Mục tiêu của việc này là khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng, thực chất, hiệu quả, tiết kiệm. Ưu tiên lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư có tính liên vùng, lồng ghép với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch. Địa phương xác định doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng phục vụ để làm tốt công tác định hướng, hỗ trợ và ổn định chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk - cho rằng, trong những năm qua, địa phương đã triển khai tốt nhiều cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư vào địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Nhưng thực tế, cần phải nhìn nhận rằng, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước về địa phương đầu tư với quy mô lớn. Trong đó, tỉnh phải làm tốt công tác quy hoạch đất đai, tránh chồng chéo, khắc phục tình trạng đôi khi "trên bảo dưới chưa nghe"; cải cách những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp với quá nhiều khâu khiến cho nhiều doanh nghiệp mệt mỏi, nhụt chí.

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột - cho biết: "Sau khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ triển khai làm quy hoạch, phân loại mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Những khu vực đất canh tác nông nghiệp, thương mại dịch vụ, khai thác khoáng sản... sẽ được phân vùng rõ rệt, tránh chồng chéo. Qua đó, thành phố đảm bảo cho nhà đầu tư đa dạng cơ hội lựa chọn các lĩnh vực tại địa phương, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn ngắn hạn, UBND thành phố cũng tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng các trục giao thông chính, đường di chuyển về địa bàn các huyện, thị xã vệ tinh sẽ được nâng cấp, đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa, lưu thông được thuận lợi.

Ngoài ra, để thu hút nhà đầu tư, việc cần phải làm xuyên suốt là phải nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Các đơn vị trực thuộc thành phố phải thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra về cải cách hành chính việc thực thi công vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy chế văn hóa công sở tại cơ quan. Trong đó, cán bộ, nhân viên cần chú ý tác phong, thái độ ứng xử của công chức, viên chức khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp".

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, tỉnh sẽ chú trọng lựa chọn, thu hút một số nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm để làm động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội. Địa phương sẽ ưu tiên xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp đem lại giá trị gia tăng cao, lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và các lĩnh vực gắn liền với tiềm năng, thế mạnh. (Laodong.vn 31/01, Tuấn Trung)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Hà Nội sẽ tiếp công dân 4 quận, huyện bằng hình thức trực tuyến

Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã có văn bản đề nghị thực hiện thí điểm tiếp công dân theo hình thức trực tuyến.

Sau khi nghiên cứu, xem xét UBND thành phố giao Văn phòng UBND thành phố (Ban Tiếp công dân thành phố chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin Điện tử thành phố cùng các đơn vị liên quan trực tiếp) tổ chức thực hiện thí điểm việc tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến.

Theo đó, việc tiếp trực tuyến sẽ được thực hiện tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố đối với công dân 4 quận, huyện, gồm Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức.

UBND thành phố giao Sở KH&CN Hà Nội hướng dẫn việc thực hiện. UBND các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai phối hợp với Văn phòng UBND thành phố trong việc triển khai việc tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến.

Được biết, thời gian qua, Hà Nội trực tiếp thực hiện tiếp công dân tại trụ sở của UBND thành phố. Ngoài ra, lịch tiếp công dân của lãnh đạo thành phố cũng được công khai trên cổng thông tin điện tử thành phố. (Tienphong.vn 31/01, Thanh Hiếu) Về đầu trang

Sóc Trăng chính thức vận hành hệ thống ISO điện tử

Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng vừa phối hợp với Trung tâm Công nghệ phần mềm Trường ĐH Cần Thơ công bố vận hành Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 bản điện tử (ISO điện tử).

Ông Nguyễn Thành Duy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Các đơn vị tích cực triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 bản điện tử. Tuy mới triển khai nhưng đã mang lại một số kết quả tích cực.

Cụ thể, phần mềm ISO điện tử giúp lãnh đạo các đơn vị xử lý công việc nhanh chóng, kiểm tra được qui trình thực hiện thông qua chế độ thông tin báo cao rõ rằng, đầy đủ; cung cấp cách nhận biết, phát hiện, truy tìm được nguồn gốc sai sót, ngăn ngừa sự tái diễn.

Phần mềm ISO điện tử còn có khả năng đồng bộ, tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm đang vận hành trên hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh và hệ thống một cửa điện tử phục vụ công tác cải cách hành chính. Hoạt động quản lý tài liệu, hồ sơ được thực hiện một cách nề nếp.

Đồng thời, tài liệu, hồ sơ quá trình áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng tại cơ quan được lưu trữ, tra cứu nhanh chóng thuận lợi thông qua bộ lọc tìm kiếm; tiết kiệm chi phí in ấn giấy tờ nhờ việc số hoá các tài liệu, hồ sơ liên quan.

"Phần mềm ISO điện tử đã được cài đặt và vận hành thống nhất, đồng thời kết nối với hệ thống một cửa điện tử giúp cho quá trình đánh giá nội bộ xem được nhiều hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị." - ông Duy cho biết. (Kinhtedothi.vn 31/01, Xuân Lương - Hồng Thắm) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Trần Tuấn Anh

Ngày 31/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, quyết định về công tác cán bộ.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ông Phan Việt Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Ông Tuấn Anh là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng.

Trên cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành công tác của ngành Công Thương đạt kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật đảng, hành chính.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông Anh đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Ông Phan Việt Cường là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo tại địa phương.

Trên cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025, ông đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, ông Cường chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều tổ chức đảng, đảng viên cấp dưới vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật, có trường hợp bị xử lý hình sự.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông Phan Việt Cường đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của cá nhân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; ông Phan Việt Cường thôi giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (VTC.vn 31/01, Anh Văn)Về đầu trang

Khai trừ ra khỏi Đảng đối với Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh và Lâm Đồng

Ngày 31/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, đã họp xem xét, quyết định về công tác cán bộ.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét thi hành kỷ luật ông Trần Đức Quận - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng, và ông Nguyễn Nhân Chiến - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh.

Lý do xem xét vì những vi phạm: Các ông Trần Đức Quận, Nguyễn Nhân Chiến đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Vi phạm của hai cá nhân trên gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Đức Quận và ông Nguyễn Nhân Chiến.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định.

Trước đó, ngày 27/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.

Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông Nguyễn Nhân Chiến, Trần Đức Quận. (Tienphong.vn 31/01, Luân Dũng)Về đầu trang

Lạng Sơn: Cách chức Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu vừa ký quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Văn Thắng, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn bằng hình thức cách chức.

Ông Thắng bị kỷ luật vì vi phạm những điều đảng viên không được làm trong thời gian giữ cương vị Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn (nhiệm kỳ 2015 - 2020).

Vi phạm của ông Thắng có tính chất, mức độ tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức Đảng, cơ quan nơi công tác.

Trước đó, ngày 26/1/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Thắng.

Ngày 6/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lạng Sơn quyết định khởi tố bị can đối với ông Thắng. (VTC.vn 30/01, Văn Chương)Về đầu trang

Thanh Hoá: Khởi tố vụ án “Đưa - Nhận hối lộ” có số bị can nhiều nhất từ trước tới nay

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh vừa có lệnh bắt tạm giam đối với 7 đối tượng có hành vi đưa, nhận hối lộ và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 16 đối tượng còn lại. Đây là vụ án có số đối tượng bị khởi tố về tội đưa và nhận hối lộ nhiều nhất từ trước đến nay mà Công an Thanh Hóa đã phát hiện bắt giữ.

Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra, khoảng cuối năm 2020 đến cuối năm 2022, tình hình đất đai trên địa bàn TP. Sầm Sơn có nhiều biến động do công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư dự án Quảng trường biển Sầm Sơn. Lợi dụng nhu cầu tách sổ, chuyển nhượng, đề nghị cấp mới, cấp đổi, sang tên đổi chủ và biến động đất đai của người dân, một số đối tượng đã câu kết với một số cán bộ làm việc trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: Văn phòng đăng ký đất đai, phòng Tài nguyên môi trường, địa chính phường, chi cục thuế... đứng ra làm trung gian, nhận khoán hồ sơ, giấy tờ, đăng ký biến động đất đai cho người dân và lấy một khoản tiền chi phí từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi nhận hồ sơ và tiền của người dân, các đối tượng đã móc nối và đưa tiền cho cán bộ văn phòng đăng ký đất đai do các đối tượng đã quen biết từ trước (có thể đưa trực tiếp, bỏ trong hồ sơ hoặc chuyển khoản) để làm thủ tục hồ sơ. Ngoài chi phí cho cán bộ văn phòng đăng ký đất đai, các đối tượng còn phải chi phí cho cán bộ thuế, địa chính phường, bộ phận một cửa, cán bộ phòng tài nguyên môi trường... Nếu người dân không chi phí sẽ bị gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian thậm chí nhiều lần nộp nhưng không được tiếp nhận hồ sơ, không được hướng dẫn cụ thể...

Sáng 30/1/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng gồm: Nguyễn Ngọc Anh (SN 1988) Lê Hải Đăng (SN 1994), Vũ Văn Quang (SN 1986) đều là cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Sầm Sơn; Cao Thị Thùy Dung (SN 1992), cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa; Trịnh Thị Hoa (SN 1983), cán bộ Cục thuế khu vực Sầm Sơn - Quảng Xương; Lê Thanh Bình (SN 1990), nhân viên Văn phòng công chứng Lê Thành Phương, TP. Sầm Sơn và Trương Thị Hồng (SN 1981) cán bộ địa chính phường Quảng Thọ, TP. Sầm Sơn.

Ngoài 7 đối tượng trên, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 16 đối tượng còn lại là cán bộ văn phòng đăng ký đất đai, giáo viên, cán bộ địa chính, quy tắc, nhân viên một số văn phòng công chứng...

Bước đầu Cơ quan An ninh điều tra Công an Thanh Hóa xác định, trong số 23 đối tượng bị khởi tố có 8 đối tượng có hành vi "Nhận hối lộ" và 15 đối tượng có hành vi "Đưa hối lộ".

Riêng đối với 5 cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Sầm Sơn là: Lê Hải Đăng; Vũ Văn Quang; Lê Thị Oanh; Trần Thị Xuân và Phạm Thị Trang đã lợi dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công trong tiếp nhận, xử lý và tham mưu cho lãnh đạo chi nhánh ký các hồ sơ liên quan đến đất đai đã thỏa thuận, nhận tiền đối với các đối tượng có nhu cầu làm nhanh hoặc xử lý hồ sơ thủ tục đất đai để nhận hối lộ trong thời gian dài và thực hiện nhiều lần.

Để làm nhanh hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của người đưa hối lộ, 5 đối tượng này đã liên hệ, thỏa thuận và chuyển tiền cho Trịnh Thị Hoa, cán bộ thuế khu vực Sầm Sơn - Quảng Xương và Cao Thị Thùy Dung, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai tỉnh với tổng số tiền giao dịch hơn 600 triệu đồng. (Tienphong.vn 31/01, Hoàng Lam)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Argentina sắp thông qua dự luật cải cách kinh tế mới

Trước tình hình lạm phát của Argentina hiện vượt mức 200%, Chính phủ Argentina bày tỏ tin tưởng vào dự luật cải cách kinh tế sâu rộng sắp được thông qua sẽ giúp nước này hạ nhiệt lạm phát.

Được mang tên “dự luật tổng hợp”, những đề xuất cải cách kinh tế này được trình lên Quốc hội Argentina. Trước đó, dự luật đã trải qua sửa đổi khi chính phủ quyết định cắt bỏ một số chính sách gây tranh cãi như tăng thuế và cải cách lương hưu. Đây được cho là động thái nhượng bộ để đảm bảo dự luật được thông qua tại Quốc hội.

Nguyên nhân lạm phát ở Argentina được nhận định là do tình hình bất ổn trên thế giới, căng thẳng chuỗi cung ứng và chi tiêu công tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học cho rằng vấn đề còn nằm ở chính nước này. Quốc gia này đang chi nhiều hơn thu. Y tế, giáo dục, năng lượng, dịch vụ công ở đây được trợ giá mạnh tay hoặc miễn phí. (Quochoitv.vn 31/01)Về đầu trang./.

Các tin khác

07