Bản tin cải cách hành chính ngày 04/5/2023

15:38, Thứ Năm, 4-5-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

1.        Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

2.        Hà Nội: Không ngừng cải thiện Chỉ số cải cách hành chính

3.        Bà Rịa-Vũng Tàu: Xử nghiêm hành vi gây phiền hà, tham nhũng trong thi hành công vụ

4.        Nghệ An: Thu nhận gần 1,5 triệu tài khoản định danh điện tử

5.        Trà Vinh dành trên 72,5 tỷ đồng thực hiện chuyển đổi số

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

6.        Cảnh báo điều kiện kinh doanh “ngầm” làm khó doanh nghiệp

7.        Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Tăng niềm tin cho người lao động

8.        Đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý

9.        Xe cá nhân dưới 9 chỗ có thể tự giãn chu kỳ đăng kiểm qua hình thức online

10.     Cơ quan thuế có thể tiếp nhận và xử lý 175 triệu hóa đơn điện tử mỗi ngày

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

11.     Đề xuất chi gần 10 nghìn tỷ đồng khuyến khích cán bộ dôi dư nghỉ hưu sớm

THẾ GIỚI

12.     Anh tiến tới đơn giản hóa các quy định về niêm yết cổ phiếu

 

 

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

Đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Tính đến cuối tháng 4/2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp toàn trình đã là trên 84,1%. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình có chất lượng, được người dân dùng nhiều là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay. 

Dịch vụ công trực tuyến là chỉ số quan trọng trong xếp hạng Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Liên Hợp Quốc. Theo Bộ TT&TT, Việt Nam muốn nâng cao thứ hạng về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số thì cần phải có kết quả đột phá về chất lượng dịch vụ công trực tuyến và số lượng người dân sử dụng, hài lòng với dịch vụ công trực tuyến. Do vậy, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình có chất lượng, được người dân dùng nhiều là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.

Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp toàn trình đã là trên 84,1%, tăng hơn 7% so với thời điểm hết tháng 3. 

Tuy nhiên, về hiệu quả sử dụng, các tỷ lệ về dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ và hồ sơ online toàn trình trên tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình mới chỉ đạt lần lượt 51,3 và 54,8%, còn khoảng cách không nhỏ với mục tiêu 80% và 60% đã được đặt ra cho 2 chỉ tiêu này trong năm 2023. 

Trong báo cáo tháng 4/2023 về tình hình thực hiện Nghị quyết 17 về Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT chỉ rõ, một trong những tồn tại, hạn chế thời gian qua là tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình còn chưa cao và người dân còn chưa thấy thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

Mặt khác, kết quả đợt khảo sát được Bộ TT&TT cùng Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng thực hiện tại một số bộ, ngành, địa phương trong tháng 3/2023 đã ghi nhận một số vướng mắc khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những vướng mắc liên quan nhiều đến các Hệ thống thông tin phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành, địa phương. 

Bên cạnh việc phối hợp ngay với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý một số lỗi của các Hệ thống thông tin, trung tuần tháng 4, Bộ TT&TT cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo dịch vụ dễ sử dụng và thân thiện với người dùng. 

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần xác định các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, gửi danh mục về Bộ TT&TT. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của bộ, tỉnh mình. 

Theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, một nội dung cần được thể hiện rõ trong kế hoạch hành động kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến là mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình. 

Đặc biệt, các địa phương cần giao nhiệm vụ cho các tổ công nghệ số cộng đồng, cụ thể là thành viên tổ công nghệ số sẽ đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn, hỗ trợ từng người dân tự sử dụng dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người biết cách sử dụng tài khoản VNeID, đăng nhập và sử dụng dịch vụ cung cấp trên các Cổng dịch vụ công. Theo thống kê, tính đến giữa tháng 4/2023, cả nước đã có gần 74.000 tổ công nghệ số cộng đồng, với tổng số 345.265 thành viên. 

Cùng với đề nghị các bộ, tỉnh nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo dễ sử dụng và thân thiện người dùng, Bộ TT&TT còn khuyến nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích người dân dùng dịch vụ công trực tuyến như: rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ giấy, giảm phí, lệ phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Petrotimes.vn 04/5, Minh Châu)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội: Không ngừng cải thiện Chỉ số cải cách hành chính

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 của thành phố Hà Nội có sự bứt phá ngoạn mục, đạt 89,58%, vươn lên xếp vị trí thứ 3 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 7 bậc so với năm 2021). Đây là thành quả của những nỗ lực cải thiện chất lượng cải cách hành chính. 

Từ chỉ số 88,54%, ở vị trí thứ 10 năm 2021, Hà Nội đã vươn lên 89,58% (tăng 1,04%), xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố. So với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội đứng thứ hai (sau Hải Phòng). 

So với năm 2021, có 5/8 chỉ số nội dung tăng là: “Cải cách thể chế” đạt 94,33% (tăng 6,73%); “Cải cách tổ chức bộ máy” đạt 94,05% (tăng 4,14%); “Cải cách chế độ công vụ” đạt 87,72% (tăng 3,72%); “Cải cách tài chính công” (tăng 3,18%); “Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố” đạt 88,63% (tăng 6,07%). Có 3/8 chỉ số nội dung giảm là “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính” đạt 93,89% (giảm 5,16%); “Cải cách thủ tục hành chính” đạt 94,16% (giảm 5,76%); “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” (giảm 5,85%). 

Theo phân tích của Sở Nội vụ, kết quả năm 2022 tăng vượt bậc là do điểm thẩm định tăng từ 61,98% lên 62,87% (tăng 0,89% so với năm 2021), điểm điều tra xã hội học (không bao gồm Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS) tăng từ 17,85% lên 18,59% (tăng 0,74% so với năm 2021). 

Năm 2021, điểm điều tra xã hội học của Hà Nội khá thấp do các đối tượng được điều tra, gồm đại biểu HĐND thành phố, lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện, thị xã chưa đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính của thành phố, nhưng sang năm 2022 đã đánh giá tốt hơn. 

Có thể thấy, trong năm 2022, thành phố đã tập trung triển khai các nội dung cải cách hành chính theo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra tại kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021. 

Thành phố đã tổ chức thành công hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022 và hội nghị nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Tại đây, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chỉ đạo, khuyến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, duy trì, cải thiện Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS của Hà Nội. 

Đặc biệt, Hà Nội đã duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Tổ trưởng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra cải cách hành chính, trong đó, tập trung vào các những nội dung bị đánh giá thấp, những nội dung liên quan tới đời sống dân sinh. 

Kết quả nổi bật là Hà Nội đã thực hiện tốt chủ trương tinh gọn bộ máy khi giảm từ 6 xuống còn 4 ban quản lý dự án chuyên ngành; giảm 2 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp; 1 chi cục… 

Bên cạnh kết quả đạt được, Chỉ số PAR Index năm 2022 của Hà Nội giảm ở 3/8 chỉ số nội dung là do một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thành phố đã hoàn thành nhưng chậm so với tiến độ; việc cập nhật và công khai thủ tục hành chính, các quy định liên quan chưa đầy đủ, vẫn còn hồ sơ chậm muộn. Bên cạnh đó, tỷ lệ dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được đưa vào sử dụng chính thức còn thấp; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình chưa gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, nên chưa được cập nhật trên hệ thống. Đáng nói, tỷ lệ thực hiện thanh toán trực tuyến đang ở mức rất thấp (tổng số thủ tục hành chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến là 5/156; số hồ sơ phát sinh thanh toán trực tuyến 50/571.948 hồ sơ).   

Sau khi Chỉ số PAR Index năm 2022 được công bố, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố đã tổ chức phiên họp thứ nhất. Tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Trần Sỹ Thanh ghi nhận kết quả đạt được, đồng thời chỉ đạo cần nỗ lực cải thiện các chỉ số hơn nữa. 

Với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Sở Nội vụ cho biết, sẽ đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index gắn với việc chấm điểm, đánh giá chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Mai Xuân Trường cho hay: “Các cơ quan, đơn vị nên chủ động tham mưu, đề xuất những sáng kiến, mô hình cải cách hành chính. Thành phố sẽ khuyến khích, tăng trọng số chấm điểm cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị có mô hình, sáng kiến, cách làm hay nhằm cải thiện các chỉ số: PAR Index, SIPAS, PAPI”. (Hanoimoi.com.vn 04/5, Phong Thu)Về đầu trang

Bà Rịa-Vũng Tàu: Xử nghiêm hành vi gây phiền hà, tham nhũng trong thi hành công vụ

Đó là một trong những nội dung tại Công văn số 4950/UBND-VP ngày 27/4 do Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ ký gửi các sở ngành, địa phương trong tỉnh về thực hiện chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, cơ quan, địa phương. 

Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nội dung Công điện 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong xử lý công việc; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn. 

Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định; xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. 

Đồng thời có những hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời và thích đáng đối với các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung. 

Sở Nội vụ phải tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất, bảo đảm mỗi sở, ngành, địa phương từ tỉnh đến cấp xã ít nhất mỗi năm được kiểm tra một lần; định kỳ hàng quý đánh giá, phân tích nguyên nhân, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh… (Baobariavungtau.com.vn 03/5, An Nhiên)Về đầu trang

Nghệ An: Thu nhận gần 1,5 triệu tài khoản định danh điện tử

Với sự quyết liệt, sâu sát, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến ngày 15.4, toàn tỉnh đã thu nhận 1.494.541 tài khoản định danh điện tử. 

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Kết quả dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đã tăng một cách đột phá. 

Trong tháng 4, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt mức trung bình 48,91%, tăng 5,41% so với tháng 3. Nổi bật là nhóm dịch vụ công Cư trú của ngành Công an, nhóm dịch vụ công ngành Điện lực được tiếp nhận đạt tỷ lệ 100% trên Cổng dịch vụ công; nhóm dịch vụ công cấp hộ chiếu, xử lý vi phạm hành chính (phạt nguội) của ngành Công an được tiếp nhận đạt từ 95 - 100% trên Cổng dịch vụ công; nhóm dịch vụ công ngành Tư pháp được tiếp nhận đạt tỷ lệ 85.7%; Bảo hiểm xã hội tiếp nhận đạt tỷ lệ  86,23%... 

Đặc biệt, Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện đợt cao điểm cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử cho công dân sinh năm 2004, 2005, 2007, 2008 phục vụ các kỳ thi THCS, THPT năm 2023. Tính đến ngày 15.4, toàn tỉnh đã thu nhận 1.494.541 tài khoản định danh điện tử, gồm: 669.951 tài khoản định danh điện tử mức 1 và 824.590 tài khoản định danh điện tử mức 2; cấp được 2.687.882 thẻ CCCD gắn chíp; thu nhận 194.675/194.703 hồ sơ CCCD, định danh điện tử mức 2, đạt 99.98%. 

Cùng với đó, ngành Công an đã nỗ lực không ngừng trong công tác thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và “làm sạch” dữ liệu dân cư, bảo đảm thông tin công dân “đúng, đủ, sạch, sống”. Trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Công an tỉnh, Sở Tư pháp, hiện nay các địa phương đang tích cực tuyên truyền, đẩy mạnh đăng ký hộ tịch trực tuyến, đăng ký hộ tịch lưu động. Trong tháng 4, các đơn vị, địa phương đã triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến đạt 20.934 trường hợp, trong đó đăng ký 3 dịch vụ công thiết yếu đạt 14.571 trường hợp, chiếm tỷ lệ 85.7%. 

Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Trong tháng, Sở Y tế thực hiện số hóa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đã trả kết quả đạt 100% thủ tục hành chính cung cấp đạt mức độ 4; tổng số hồ sơ tiếp nhận được số hóa là 103 hồ sơ, đạt 100%; ngành Tư pháp tăng cường rà soát, chuyển dữ liệu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chuẩn bị các điều kiện để số hóa 346.874 dữ liệu hộ tịch năm 2023. (Daibieunhandan.vn 04/5, Ngọc Nam)Về đầu trang

Trà Vinh dành trên 72,5 tỷ đồng thực hiện chuyển đổi số

Năm 2023, tỉnh Trà Vinh bố trí trên 72,5 tỷ đồng để thực hiện 9 dự án phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 3 dự án mới và 6 dự án chuyển tiếp. 

Cụ thể, 3 dự án mới gồm: Chuyển đổi số Thư viện tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nâng cấp mạng LAN tại Văn phòng UBND tỉnh; Dự án số hóa hộ tịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Danh mục 6 dự án chuyển tiếp gồm: Xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC); Nâng cấp mở rộng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử tỉnh giai đoạn 2; Xây dựng triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu và quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Phần mềm cơ sở dữ liệu giá; Kế hoạch Ứng dụng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tỉnh Trà Vinh năm 2023; Nâng cấp phát triển Cổng Thông tin điện tử. 

Năm 2022, tỉnh Trà Vinh dành gần 40 tỷ đồng để thực hiện các dự án chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và 1 doanh nghiệp truyền hình cáp sẵn sàng cung ứng đa dạng các dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tất cả các xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động 4G, được kết nối mạng truyền dẫn cáp quang; trên 74% người dân sử dụng internet; trên 60% dân số có điện thoại thông minh; gần 60% gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng. Nhiều đơn vị hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt. 

Hiện nay, trên 83% hồ sơ công việc cấp tỉnh, trên 78% hồ sơ cấp huyện và cấp xã được xử lý trên hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; rà soát, công khai gần 1.500 thủ tục hành chính và tích hợp 930 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành-iOffice đã được áp dụng tại 577 cơ quan từ cấp tỉnh đến huyện, xã, với 7.334 người dùng; đã tích hợp giải pháp kí số, liên thông gửi nhận văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống ISO điện tử cũng được triển khai đến 19 cơ quan thuộc UBND tỉnh, 9 UBND các huyện, thị xã, thành phố và 106 UBND xã, phường, thị trấn; 100% UBND cấp huyện và cấp xã đã triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng với 732 tổ và 3.842 thành viên. 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, trong năm 2023, các cấp ngành thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội hội số. Việc phát huy hiệu quả chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Qua đó, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. (TTXVN 03/5, Thanh Hòa)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Cảnh báo điều kiện kinh doanh “ngầm” làm khó doanh nghiệp

Điều kiện kinh doanh ''ngầm'' đang làm khó doanh nghiệp, đây là cảnh báo được các chuyên gia pháp luật kinh doanh đưa ra. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị cần khắc phục tình trạng này để đảm bảo tính thông thoáng của dòng chảy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế đất nước. 

Nghị quyết 68 năm 2020 của Chính phủ đã ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, “ma trận” điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản rất lớn đối với hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. 

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu thực tế: “Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định trong luật là 227 nhưng rà soát cụ thể rất nhiều, có lĩnh vực lên gấp 3 lần, theo Luật đầu tư chỉ là mũ ngành thôi, số đếm ít hơn nhưng thực tế nhiều hơn rất nhiều. Về hình thức. nhiều cơ chế chế tài quy định và tính liên ngành rất nhiều…”. 

Không chỉ những điều kiện kinh doanh “hiện hữu” trong các luật, nghị định có thể dễ dàng đo đếm được, doanh nghiệp lo ngại hơn là đối với những điều kiện kinh doanh “ngầm” hiện nay. Qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận: “Yêu cầu quá mức trong các tiêu chuẩn, như đảm bảo sức khỏe còn cao hơn cả EU, xu hướng gần đây lạm dụng ban hành quy chuẩn kỹ thuật cao vì ít bị kiểm soát hơn là ban hành điều kiện kinh doanh”… 

Rõ ràng, hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó vì những điều kiện kinh doanh, thủ tục chuyên ngành, “cả nổi, cả chìm”. Thực trạng này làm giảm hiệu quả của các cải cách lớn của Chính phủ về cải cách thủ tục kinh doanh, như Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. 

Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, các bộ ngành và địa phương cần quyết tâm, quyết liệt thực hiện yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 68, là thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trong các văn bản hiện hành, nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước. (Dttc.sggp.org.vn 04/5)Về đầu trang

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Tăng niềm tin cho người lao động

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan khẳng định, mục tiêu của việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) lần này là để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. 

Mặc dù vẫn còn những quy định khiến nhiều người băn khoăn nhưng theo đánh giá dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nhiều quy định tiến bộ, ưu việt hướng đến bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH. Một trong những đề xuất nhận được sự đồng tình lớn từ chuyên gia cũng như của người lao động, doanh nghiệp tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi đó là đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn, hoặc tham gia không liên tục dẫn đến số năm đóng thấp. 

Đánh giá về đề xuất này, ông Robert Palacios - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ban An sinh xã hội (Ngân hàng thế giới Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương) cho rằng, việc giảm số năm tham gia tối thiểu để đủ điều kiện nhận lương hưu, được gọi là quy tắc trao quyền, sẽ giúp nhiều người lao động có cơ hội nhận lương hưu hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho những người lao động có quá trình tham gia BHXH bị gián đoạn, hoặc những người tham gia muộn. 

Điều chỉnh thời gian đóng cũng sẽ giúp cho nhiều người có cơ hội nhận lương hưu, nhất là từ khu vực tư nhân. Chẳng hạn, năm 2019 có 11,3 triệu lao động từ khu vực tư nhân tham gia BHXH bắt buộc, nhưng số người hưởng hưu trí từ khu vực này chỉ là 177.000 người. “ Quy định 15 năm cũng là tương đối phù hợp hơn với kinh nghiệm quốc tế” - ông Palacios nhấn mạnh. 

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đây là một đề xuất, chính sách được người lao động rất ủng hộ. Bởi nó đáp ứng, đảm bảo an sinh cho người lao động và tiến tới tăng độ bao phủ cho nhiều người hưởng chế độ hưu trí. Đặc biệt đối với những người lao động tham gia vào thị trường lao động muộn, những người có thời gian đóng BHXH không liên tục vẫn sẽ có cơ hội được nhận chế độ này. 

Cùng với quy định trên để chính sách hấp dẫn hơn, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất mở rộng, bổ sung chế độ, tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Đánh giá về những nội dung của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, thực ra BHXH còn nhiều vấn đề như đóng – hưởng thế nào, bảo đảm an toàn quỹ ra sao... Tuy nhiên, thực tế cho thấy với quy định đóng BHXH 20 năm thì có những người lao động rất khó để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Khi giảm số năm đóng BHXH thì tốt hơn cho người lao động, đây là cách xử lý tình huống. Nhưng, bây giờ, đóng thời gian ít hơn mà hưởng tỷ lệ phần trăm nhiều thì an ninh của quỹ BHXH không bảo đảm bền vững. Vì thế, cần phải tính tiếp vấn đề này. 

Cũng theo ông Huân, cải cách BHXH là bảo đảm công bằng hơn, cân bằng giữa hiện tại và lâu dài, chứ không phải là tốt hơn ngay được. Vì thế, khi bản thân người lao động có việc làm, thu nhập thì tích lũy đóng góp dần thành quỹ để đến lúc hết tuổi lao động có số năm đóng BHXH nhiều, hưởng tỷ lệ % cao thì có nguồn đó để sống, cũng như đảm bảo an sinh xã hội. 

Trước những ý kiến băn khoăn xung quanh các quy định, đề xuất tại Dự thảo BHXH sửa đổi Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, mục tiêu hàng đầu của lần sửa luật này là tăng quyền lợi cho người tham gia. Cụ thể, bổ sung quyền hưởng các chế độ ốm đau, thai sản với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Theo quy định hiện hành, nhóm này mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội hưởng trợ cấp thai sản mà không phải đóng thêm tiền, nguồn kinh phí chi trả trợ cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm.  

Dự thảo cũng nghiên cứu điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, đồng thời tích hợp trợ cấp hưu trí xã hội trở thành một tầng trong hệ thống BHXH đa tầng. Người dân khi hết tuổi lao động mà có thời gian đóng quỹ BHXH sẽ được lựa chọn hưởng trợ cấp hưu trí sớm hơn độ tuổi 75 tuỳ thuộc thời gian tham gia người lao động tích luỹ được... 

“Việc sửa đổi Luật BHXH lần này cũng là dịp thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm của Nghị quyết 28 của Trung ương nhằm xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, mở rộng diện bao phủ, hướng tới mọi người khi hết tuổi lao động đều được nhận lương hưu hàng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội...” - ông Hoan khẳng định. (Daidoanket.vn 04/5, Lê Bảo)Về đầu trang

Đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về nghiên cứu, đổi mới công tác kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, tiến tới kiểm soát tự động, thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý, thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tiếp tục triển khai hệ thống kiểm soát tự động ở 19 cửa khẩu biên giới đất liền. 

Việc làm này góp phần rút ngắn thời gian kiểm soát xuất, nhập cảnh 45-50 giây/lượt xuống còn 13-15 giây/lượt; đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ mã vạch trong giải quyết thủ tục hành chính tại 37 cửa khẩu cảng; triển khai mô hình kiểm tra “một cửa một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị)-Đen Sa Vẳn (Savannakhet, Lào) giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh đối với người từ 7 phút xuống còn 2 phút, giảm 50% thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giao dịch thương mại và qua lại giữa nhân dân hai nước... 

Đây là một trong những kết quả nổi bật của công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số. (Qdnd.vn 03/5, Ngọc Hân)Về đầu trang

Xe cá nhân dưới 9 chỗ có thể tự giãn chu kỳ đăng kiểm qua hình thức online

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu cơ chế cho phép xe cá nhân dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe gia đình) được tự động giãn chu kỳ kiểm định mà không cần đến đơn vị đăng kiểm.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu phương án cho phép xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải (xe gia đình) có thể được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới mà không cần đưa xe, hoặc đến trung tâm đăng kiểm để xác nhận. 

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất cho phép xe chở người đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải được tự động giãn chu kỳ kiểm định mà không cần đến trung tâm đăng kiểm. 

Cục Đăng kiểm Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho phép thực hiện chính sách này. Đồng thời, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông để thống nhất phương án tự động gia hạn thời hạn Giấy chứng nhận và Tem kiểm định đối với phương tiện chở người đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải theo chu kỳ đăng kiểm mới được quy định tại Thông tư 02/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. 

Theo phương án đề xuất, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ xây dựng phần mềm để chủ xe đến hạn kiểm định có thể vào ứng dụng (app) đăng kiểm để tự in 1 giấy xác nhận tự động giãn chu kỳ kiểm định mà không cần phải đến trung tâm đăng kiểm để xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng kiểm hay Tem kiểm định. 

Khi lưu thông trên đường, lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, chỉ cần xuất trình giấy xác nhận này để chứng minh xe đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường để lưu thông. 

Để thực hiện được đề xuất này, trên cơ sở thống nhất với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp, Chính phủ cho phép được tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn. 

Lý giải về đề xuất này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe không kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ là nhóm phương tiện sở hữu cá nhân, không sử dụng nhiều và được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. 

Qua thực tế đánh giá tại các trung tâm đăng kiểm, tỷ lệ xe này đạt kiểm định lần thứ nhất khoảng 95%. Như vậy, hầu hết các xe này không cần thiết phải kiểm định lại trước khi giãn chu kỳ mà vẫn đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường phương tiện. 

Trong khi đó, số xe cá nhân dưới 9 chỗ đến hạn kiểm định hàng tháng hiện chiếm khoảng 33-43% trên tổng số phương tiện đến hạn kiểm định. 

Nếu số này được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định, không phải đến các trung tâm đăng kiểm sẽ lập tức giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm. Từ đó, góp phần giảm quá tải cho các trung tâm đăng kiểm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. (Baophapluat.vn 04/5, Thanh Hà)Về đầu trang

Cơ quan thuế có thể tiếp nhận và xử lý 175 triệu hóa đơn điện tử mỗi ngày

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, với việc hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai. Đến nay, hệ thống HĐĐT của cơ quan thuế có thể tiếp nhận và xử lý trung bình 175 triệu hóa đơn/ngày. 

Theo ông Minh, triển khai chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2021-2025. Đến nay, hệ thống CNTT của ngành Thuế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý thuế ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. 

Theo kế hoạch, từ năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, ngành Thuế đã hoàn thành nâng cấp 426 phiên bản ứng dụng quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế đáp ứng Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Việc nâng cấp và triển khai ứng dụng đáp ứng các bổ sung, sửa đổi chính sách thuế mới trong giai đoạn này đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ nghĩa vụ thuế, đặc biệt là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. 

Với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT được ngành Thuế coi là ưu tiên hàng đầu và việc áp dụng hóa đơn điện tử giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, công sức trong việc lập, hạch toán, đối chiếu dữ liệu, nhận, gửi hóa đơn và giảm thiểu rủi ro liên quan đến hóa đơn. (Taichinhdoanhnghiep.net.vn 04/5, An Nhiên)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Đề xuất chi gần 10 nghìn tỷ đồng khuyến khích cán bộ dôi dư nghỉ hưu sớm

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, sau khi sáp nhập xã giai đoạn tới đây, số cán bộ, công chức dôi dư gần 49.000 người và người hoạt động không chuyên trách dư gần 28.000 người. 

Đây là thông tin đáng chú ý trong hồ sơ Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế để thay thế Nghị định số 108/2014, Nghị định số 113/2018 và Nghị định số 143/2020 của Chính phủ. 

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất hàng loạt chính sách về hưu trước tuổi, trong đó có điều chỉnh điều kiện hưởng chính sách về hưu trước tuổi với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng BHXH và đủ tuổi đời hưởng chế độ hưu trí theo quy định. 

Bộ Nội vụ cũng đề nghị bổ sung chính sách về hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã. Để khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã thực hiện tinh giản biên chế nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, dự thảo Nghị định đề nghị bổ sung chính sách riêng. 

Cụ thể, dự thảo quy định độ tuổi hưởng chế độ về hưu trước tuổi đối với đối tượng này là thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi đến trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên (thấp hơn 5 tuổi so với tuổi đời để hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với các đối tượng tinh giản biên chế khác). 

Ngoài hưởng lương hưu, mức trợ cấp theo năm đóng bảo hiểm xã hội như các đối tượng nghỉ hưu trước tuổi khác, những người này được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định (bằng 1/2 so với mức trợ cấp của các đối tượng khác). 

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng bổ sung chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp. 

Việc này nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính tự nguyện tinh giản biên chế ngay. 

Những trường hợp này, ngoài hưởng một trong các chính sách của người về hưu trước tuổi; chính sách chuyển sang làm việc tại tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; chính sách thôi việc ngay; chính sách về hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi đến trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định, họ còn được hưởng thêm mức trợ cấp. 

Cụ thể, nếu nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định của cấp có thẩm quyền thì cứ mỗi tháng nghỉ trước thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng.

Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu. 

Trong trường hợp nghỉ sau 12 tháng thì cứ mỗi tháng nghỉ trước thì được hưởng mức trợ cấp bằng 1/2 mức trợ cấp quy định nêu trên (tức 1/4 tháng lương hiện hưởng). 

Đối tượng tinh giản biên chế là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố nghỉ trong thời gian 6 tháng kể khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền cũng được hưởng trợ cấp. 

Cụ thể, đối với những người giữ các chức danh bầu cử thì cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ hưởng trợ cấp bằng mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Riêng người nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu. 

Đối với những người giữ các chức danh không do bầu cử thì cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp hưởng trợ cấp bằng mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Người nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu. 

Bộ Nội vụ cho biết, theo các phương án dự kiến tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 thì dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 48.951 người và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư là 27.972 người. 

Dự kiến nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp đối với các đối tượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ ngay (nghỉ trước 60 tháng so với lộ trình sắp xếp) là 9.732 tỷ đồng. 

Con số này bằng 1/2 so với con số hiện hành Nhà nước phải chi trả cho số cán bộ, công chức nói trên. Cụ thể, nếu không thực hiện chính sách tinh giản biên chế với số người dôi dư này thì Nhà nước vẫn phải chi trả tiền lương cho họ dự kiến là 19.464 tỷ đồng và các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần Nhà nước đóng) cho những người đó. 

Như vậy, nếu thực hiện chính sách như dự thảo quy định thì ngân sách Nhà nước chỉ chi trả ít hơn 9.732 tỷ đồng so với việc chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. (Vietnamnet.vn 03/5, Thu Hằng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Anh tiến tới đơn giản hóa các quy định về niêm yết cổ phiếu

Cơ quan Kiểm soát Tài chính Anh (FCA) vừa đưa ra các đề xuất nhằm đơn giản hóa các quy định về niêm yết cổ phiếu tại thị trường London, trước sự cạnh tranh gay gắt từ New York. 

FCA đề xuất cải cách và đồng bộ các quy định về niêm yết cổ phiếu tại Anh nhằm góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp hơn nữa, khuyến khích cạnh tranh và gia tăng lựa chọn của nhà đầu tư. 

Các đề xuất được đưa ra khi chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London đang nỗ lực giành lại ảnh hưởng trên toàn cầu sau khi Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit. 

London đã để mất vị thế là trung tâm giao dịch hàng đầu châu Âu, hậu Brexit vào đầu năm 2021, dù đã thực hiện những cải cách. 

FCA ngày 2/5 cho rằng một số quy định liên quan đến các công ty phát hành cổ phiếu và các công ty tư vấn là quá phức tạp và phiền hà. 

Cơ quan này đã đề xuất những thay đổi lớn về các quy định, trong đó có việc thay thế các phân khúc niêm yết tiêu chuẩn và cao cấp bằng phân khúc dành cho cổ phiếu của các công ty thương mại. 

Các đề xuất trên nhằm xây dựng một cơ chế niêm yết đơn giản hơn và dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp, tăng sức hấp dẫn của việc niêm yết tại Anh và mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. (TTXVN/Bnews.vn 04/5, Lê Minh)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04