Bản tin cải cách hành chính ngày 19/4/2023

16:56, Thứ Tư, 19-4-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN TỨC – SỰ KIỆN

1.        Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

2.        Nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Lạng Sơn đột phá từ sự quyết tâm

3.        Thanh Hóa xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số SIPAS

4.        Năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính của Ninh Bình tăng 3 bậc so với năm 2021

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

5.        Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, nâng cao hiệu quả quản lý cư trú

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

6.        Thành ủy Hà Nội đang rà soát 199 cán bộ dự kiến điều động, luân chuyển công tác

7.        TPHCM: Nhiều mô hình nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức tại Thủ Đức

8.        Phòng ngừa tham nhũng, Bắc Giang chuyển đổi vị trí của 35 công chức

9.        Bình Dương: Sớm điều chỉnh chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tỉnh

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

10.     Luận bàn về cán bộ “Ba dám”

11.     Gian nan cải cách!

THẾ GIỚI

12.     Trung Quốc: 17 quan chức TW bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng "chưa từng có"

 

TIN TỨC – SỰ KIỆN

Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính

Sáng 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, chỉ số hài lòng về cải cách hành chính năm 2022 của Chính phủ. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành phố trong cả nước. 

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cải cách hành chính là một trong 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Chúng ta xác định, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển. 

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo; công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 06 nội dung gồm công tác xây dựng pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và đạt được những bước tiến quan trọng, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều “điểm nghẽn, nút thắt”, nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. 

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đi thẳng vào vấn đề, phát biểu ngắn gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp và đề ra giải pháp khắc phục, khơi thông những điểm nghẽn, ách tắc trong tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, đánh giá khái quát kết quả cải cách hành chính nói chung và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy công tác này trong thời gian tới. 

"Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, tôi đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình. Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp nói riêng với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh linh hoạt; chủ động sáng tạo; kịp thời hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng - Thứ trưởng Bộ Nội Vụ đã công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2022. Theo đó, về chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của 63 tỉnh thành phố dẫn đầu là tỉnh Quảng Ninh với 87.95%, tiếp đó là Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương, Thanh Hóa. Về chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông… (VOV.vn 19/4, Vũ Khuyên)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Lạng Sơn đột phá từ sự quyết tâm

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nỗ lực, quyết tâm của các cấp các ngành, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn tiếp tục có những chuyển biến tích cực. 

Theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2022 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào ngày 11/4/2023, với tổng điểm đạt 67,88 điểm, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2021. Kết quả này đã phản ánh khách quan, rõ nét những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền của tỉnh trong năm 2022. 

Điển hình như chỉ số cạnh tranh bình đẳng, năm 2021, chỉ số thành phần này đạt 6,31 điểm, đứng thứ 23 toàn quốc, thì năm 2022 đạt 6,82 điểm, đứng thứ 9 toàn quốc. Được biết, năm 2021, tại các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp, có một số doanh nghiệp phản ánh về việc cung cấp thông tin chưa bình đẳng, tỉnh vẫn còn ưu ái doanh nghiệp Nhà nước trong việc cung cấp thông tin. 

Để cải thiện chỉ số này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ động phối hợp với các sở, ngành phụ trách các lĩnh vực triển khai thực hiện hướng dẫn, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án thu hút đầu tư… công khai rộng rãi theo quy định và công khai đến tất cả các loại hình doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, năm 2022, 100% thông tin liên quan như thông tin về quy hoạch, dữ liệu đất đai, các dự án thu hút đầu tư… đều được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của các ngành, các cấp, trên cổng thông tin của tỉnh… 

Một trong những chỉ số quan trọng cũng được cải thiện mạnh mẽ trong năm 2022, đó là chỉ số tính minh bạch. Năm 2021, chỉ số này chỉ đạt 5,61 điểm – số điểm thấp nhất trong 10 chỉ số thành phần, đứng thứ 45/63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Năm 2022, chỉ số này đã đạt 6,38 điểm, đứng thứ 11 toàn quốc.  

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông – cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi chỉ số tính minh bạch, việc chỉ số này đạt mức điểm thấp nhất trong số 10 chỉ số thành phần PCI trong năm 2021 là do việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp và doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện, giám sát thực hiện chính sách còn hạn chế.  

Khắc phục những hạn chế đó, năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp công khai, minh bạch các tài liệu quy hoạch ngành, lĩnh vực và một số tài liệu pháp lý liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp; chủ động phối hợp, hướng dẫn, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử. Cùng đó, Văn phòng UBND tỉnh đã đôn đốc các sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai đường dây nóng tiếp nhận các thông tin, phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, trong một số cuộc họp bàn thảo về thực hiện một số cơ chế, chính sách liên quan, Văn phòng UBND tỉnh cũng đã mời đại diện các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh tham dự. 

Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ: Những năm trước, cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với công tác quản lý Nhà nước của một số sở, ngành, điển hình như thông tin về lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Năm 2022, điều này cơ bản đã được các cấp, các ngành của tỉnh khắc phục. Các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên thông tin, cung cấp đầy đủ các thủ tục pháp lý, nhất là các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp để doanh nghiệp thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh. 

Bên cạnh cải thiện hai chỉ số trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã quán triệt các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giảm tối đa chi phí thời gian, không để doanh nghiệp, người dân phải mất chi phí không chính thức khi đến giải quyết TTHC. 

Ngoài 3 chỉ số trên, năm 2022, một số chỉ số khác như: gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đào tạo lao động… đều đạt điểm cao và nằm trong top 20 tỉnh, thành cao điểm nhất toàn quốc. Để có kết quả đó, các cấp chính quyền tỉnh đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, nhiệm vụ, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho tất cả các thành phần kinh tế phát triển; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp, dự án theo thẩm quyền được giao; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư;… 

Tất cả những việc làm của tỉnh trong thời gian qua đã tạo ra sự “đột phá” về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Qua đó, năm 2022, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,03% so với năm 2021. Cùng đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 490 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 3.727 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư là gần 37,3 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó có một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Phú Minh và Tập đoàn Vinaconex, Tập đoàn T&T đã đến tìm hiểu, khảo sát và chọn địa điểm để đầu tư thực hiện dự án vào địa bàn tỉnh. (Baolangson.vn 19/4, Trí Dũng)Về đầu trang

Thanh Hóa xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số SIPAS

Sáng 19-4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức hội nghị công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022. 

Theo kết quả công bố, năm 2022 Thanh Hóa xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với 85,31 điểm (tăng 19 bậc so với năm 2021). 

Năm 2022, việc đo lường sự hài lòng của người dân tập trung lắng nghe nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng, mức độ mong đợi của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung dựa trên tri thức, trải nghiệm của người dân. 

8 nhóm chính sách được lựa chọn bao gồm: Chính sách phát triển kinh tế; chính sách khám, chữa bệnh; chính sách giáo dục phổ thông; chính sách trật tự, an toàn xã hội; chính sách giao thông đường bộ; chính sách điện sinh hoạt; chính sách nước sinh hoạt; chính sách an sinh, xã hội. 

36.630 người dân được lựa chọn đại diện từ các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thuộc tất cả các loại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện theo quy định từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Tổng số phiếu khảo sát phát ra trong cả nước năm 2022 là 36.630, tổng số phiếu thu về hợp lệ là 36.095 phiếu, đạt 98,54%. Các chỉ số nhận định, đánh giá, hài lòng, mong đợi của người dân năm 2022 được xây dựng dựa trên thông tin, số liệu từ 36.095 phiếu khảo sát thu về hợp lệ. 

Đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dựa trên 9 nhóm tiêu chí, trong đó có 4 nhóm tiêu chí về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng đối với đời sống của người dân và 5 nhóm tiêu chí về cung ứng dịch vụ công. 

Trong 4 nhóm tiêu chí về xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng đối với đời sống của người dân, Thanh Hóa có nhiều tiêu chí thành phần đạt điểm số cao là: Mức độ hài lòng đối với trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước đứng thứ 3 cả nước với 85,88 điểm, sau Vĩnh Phúc và Quảng Ninh; mức độ hài lòng đối với cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, Thanh Hóa đứng thứ 4 cả nước với 85,01 điểm; mức độ hài lòng đối với chất lượng chính sách Thanh Hóa đứng thứ 5 cả nước với 84,65 điểm; mức độ hài lòng của người dân đối với tác động, kết quả của chính sách, Thanh Hóa đứng thứ 10 cả nước với 83,89 điểm. 

Đối với 5 nhóm tiêu chí về cung ứng dịch vụ công, Thanh Hóa có 3 tiêu chí là mức độ hài lòng của người dân đối với thủ tục hành chính, kết quả dịch vụ và tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị xếp thứ 8 cả nước. Hai tiêu chí về tiếp cận dịch vụ và mức độ hài lòng đối với công chức Thanh Hóa xếp thứ 10 cả nước. (Baothanhhoa.vn 19/4, Tố Phương) Về đầu trang

Năm 2022, Chỉ số cải cách hành chính của Ninh Bình tăng 3 bậc so với năm 2021

Ngày 19/4, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã công bố Chỉ số CCHC năm 2022 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2022 (SIPAS). 

Theo đó, Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước với chỉ số PAR Index đạt 90,1, thấp nhất là Phú Yên (55,99). Chỉ số PAR Index của tỉnh Ninh Bình đạt 86,64, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2021). Đối với chỉ số SIPAS, Ninh Bình đạt 81,06, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành trong cả nước. 

Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) là công cụ để theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số CCHC được xác định trên 8 lĩnh vực, gồm: công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; hiện đại hóa nền hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. (Baoninhbinh.org.vn 19/4, Mai Lan - Trường Giang)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, nâng cao hiệu quả quản lý cư trú

Cùng với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Đến nay, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhiều nước đã gỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cơ bản trên tất cả các lĩnh vực, nhất là ngành Du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài (EuroCham, AmCham Việt Nam); Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF); Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) có nhiều kiến nghị cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. 

Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan “khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch quốc tế”; “tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính liên quan việc cấp thị thực; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực để tạo thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh”. 

Qua quá trình thực hiện thí điểm và triển khai chính thức chính sách thị thực điện tử cho thấy thị thực điện tử với thủ tục hành chính công ở mức độ cao nhất, có tính cạnh tranh vượt trội so với các nước trong khu vực và thế giới về sự thuận tiện, thông thoáng, công khai và minh bạch; đồng thời đảm bảo công tác quản lý. 

Tuy nhiên, theo quy định của Luật, Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện: có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. 

Quá trình triển khai thực hiện, quy định trên ràng buộc việc mở rộng đối tượng được cấp thị thực điện tử, do đó, ảnh hưởng đến việc thu hút nhiều hơn nữa khách quốc tế đến Việt Nam. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi để có thể mở rộng áp dụng nhiều hơn nữa công dân các nước, vùng lãnh thổ nếu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, thời hạn thị thực điện tử tương đối ngắn (không quá 30 ngày) và chỉ có giá trị nhập cảnh một lần chưa thực sự tạo thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường… dài ngày hoặc có nhu cầu nhập xuất cảnh nhiều lần. 

Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 là cần thiết. 

Theo Bộ Công an, với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, dự báo lượng người nước ngoài nhập cảnh sẽ tăng, đặc biệt, số người nhập cảnh bằng thị thực điện tử (không có cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh) sẽ ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải được tăng cường hơn nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập xuất cảnh của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật.  Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, cần thiết bổ sung, sửa đổi một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. (Cand.com.vn 19/4, Nguyễn Hương)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Thành ủy Hà Nội đang rà soát 199 cán bộ dự kiến điều động, luân chuyển công tác

Sáng 19-4, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU của Thành uỷ về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính” khoá XVII, giai đoạn 2021 – 2025. 

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, nửa đầu nhiệm kỳ, các nội dung trong Chương trình số 01-CTr/TU được các cấp, các ngành của thành phố triển khai đồng bộ, đạt kết quả toàn diện và đảm bảo theo đúng kế hoạch. 

Ban Chỉ đạo Chương trình 01 đã giao cho 11 cơ quan, đơn vị thành phố chủ trì triển khai thực hiện 34 đề tài, đề án, chuyên đề, kế hoạch. Đến nay, có 29/34 nội dung hoàn thành và còn 5 nội dung đang được các cơ quan chủ trì triển khai thực hiện. 

Tính riêng trong quý I/2023, toàn thành phố đã kết nạp được 2.143 đảng viên; thành lập được 26/68 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Đồng thời, đã triển khai ứng dụng 2 phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” của Thành ủy Hà Nội. 

Hiện toàn thành phố có 48 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) cần củng cố, gồm 18 TCCSĐ chuyển tiếp từ năm 2022 sang và 30 TCCSĐ phát sinh năm 2023 thuộc 13 Đảng bộ quận, huyện ủy, 3 Đảng bộ Khối và 1 Đảng bộ Tổng công ty. 

Đối với việc đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, ông Vũ Đức Bảo cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quyết định phân công, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử đối với 319 lượt nhân sự; quyết định thông báo nghỉ hưu 47 đồng chí. 

Cùng đó, đang rà soát 199 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý dự kiến điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác. 

Về công tác kiểm tra, giám sát, đã kiểm tra đối với 3.542 lượt TCCSĐ, 992 đảng viên; giám sát đối với 2.212 lượt tổ chức đảng, 1.098 đảng viên. Ủy Ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 317 lượt TCCSĐ và 758 đảng viên. 

Đến nay đã kết luận 122 TCCSĐ (chiếm 38%) và 332 đảng viên (chiếm 44%) có vi phạm và phải thi hành kỷ luật 17 TCCSĐ, 236 đảng viên. Ủy Ban kiểm tra Thành ủy và các cấp giám sát chuyên đề đối với 1.877 lượt TCSCĐ và 2.639 đảng viên. Mặt khác, đã thi hành kỷ luật 28 TCCSĐ và 2.377 đảng viên... 

Cũng theo Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội đã bổ sung 42 thêm vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo theo kiến nghị của Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan tư pháp thành phố. 

Tổng cộng có 57 vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, còn chỉ đạo xử lý 45 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo 44 vụ án, vụ việc và giao Ban Nội chính Thành uỷ theo dõi, đôn đốc 1 vụ án. (Anninhthudo.vn 19/4, Tiến Hưng)Về đầu trang

TPHCM: Nhiều mô hình nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức tại Thủ Đức

Ngày 18-4, Thành ủy Thủ Đức tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề quý 2 năm 2023 với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức công vụ, nói đi đôi với làm, góp phần xây dựng và phát triển thành phố văn minh - hiện đại – nghĩa tình”. 

Tại hội nghị giao ban, Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp đã gợi mở nhiều nội dung để các đại biểu tập trung thảo luận, trong đó, đồng chí nhấn mạnh đến đạo đức công vụ, đến thực tế nói và làm phải luôn song hành và dẫn chứng nhiều ví dụ. 

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Cát Lái Nguyễn Thị Nhài cho biết, trong thời gian qua, Đảng ủy phường đề ra một số giải pháp thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 của TPHCM là “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện môi trường đầu tư”. Trong đó, nhiều dịch vụ công trực tuyến được phường triển khai với mục tiêu hạn chế người dân phải tới cơ quan hành chính nhà nước, giảm bớt phiền hà cho người dân. Song, sự đồng bộ máy tính kết nối dữ liệu dân cư rất chập chờn, nhiều lúc sự kết nối của người dân với cán bộ, công chức chưa thông suốt nên người dân vẫn muốn đến trực tiếp để giải quyết thủ tục hành chính. Đây cũng là ý kiến nhiều đại biểu cũng nêu tại hội nghị. Các đại biểu đề nghị đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất cũng như đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. 

Ngoài ra, nhiều kinh nghiệm hay cũng được đại diện các địa phương, đơn vị đề cập. Bí thư Đảng ủy phường Bình Thọ Liên Minh Thiện cho biết, gắn với chủ đề năm 2023 của TPHCM, ngay từ đầu năm, Đảng ủy phường đã ban hành nghị quyết về lãnh đạo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. 

UBND phường đã ban hành kế hoạch để cụ thể hóa nghị quyết trên và thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức về thực hiện chủ đề năm gắn với thực hiện đạo đức công vụ, nói đi đôi với làm. Quá trình thực hiện, Đảng ủy phường thường xuyên quán triệt các lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên về quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên, người lao động làm việc trong đơn vị. 

Quá trình thực hiện, phường đã xây dựng nhiều mô hình phục vụ nhân dân, trong đó có mô hình cán bộ, công chức nhìn là phải thấy. Cụ thể, khi cán bộ, công chức khi nhận phản ánh của người dân xoay quanh các vấn đề điều hành, quản lý của địa phương thì phải nhận diện được phản ánh đó đúng hay không đúng. Nếu đúng, phải báo cáo với lãnh đạo và có giải pháp giải quyết phù hợp. Nếu không đúng thì phải có trách nhiệm trao đổi, giải thích lại cho người dân rõ, tránh tâm lý chờ chỉ đạo để trả lời. 

Theo đồng chí Liên Minh Thiện, lúc đầu cán bộ cũng không muốn thấy, vì sẽ thêm việc. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo phường Bình Thọ là cán bộ phải thấy và kỳ vọng mong muốn này sẽ thấm dần để cán bộ tự thấy. Nếu làm được như vậy, các bức xúc của người dân khi được giải quyết thấu đáo, sẽ không phát sinh thành những đơn thư tố cáo, khiếu nại… 

Tương tự, Bí thư Đảng ủy phường Long Trường Nguyễn Văn Nhơn thông tin, hiện câu chuyện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 đi qua địa bàn phường rất được người dân quan tâm. Phường cũng nỗ lực thực hiện các quy trình, chủ trương liên quan đến bồi thường cho người dân với tinh thần tìm các giải pháp tốt nhất cho người dân. Và chủ trương của phường Long Trường là tất cả cán bộ, công chức, đảng viên, cán bộ đoàn thể mặt trận phường, kể cả đoàn viên, hội viên trong các khu phố, khi người dân hỏi về các nội dung cơ bản liên quan đến dự án đường Vành đai 3 đều phải nắm và giải thích được. “Tuyệt đối không chỉ người dân đi chỗ này chỗ kia để hỏi, cán bộ phải trả lời được các nội dung cơ bản, trừ trường hợp chuyên môn sâu”, Bí thư Đảng ủy phường Long Trường nhấn mạnh. 

Ở góc độ xây dựng Đảng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Thủ Đức Phan Thị Kim Sinh yêu cầu mỗi đơn vị, mỗi cơ quan phải duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng tại đơn vị mình. Trong đó, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải đánh giá cho được tình hình tại đơn vị để biểu dương các cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhắc nhở đối với cán bộ, công chức còn thờ ơ đối với công việc, để đội ngũ thấy được trách nhiệm của mình với người dân, tổ chức. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhớ để cán bộ, đảng viên luôn chú trọng trong rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử đối với người dân và đồng nghiệp… (Sggp.org.vn 19/4, Phương Uyên)Về đầu trang

Phòng ngừa tham nhũng, Bắc Giang chuyển đổi vị trí của 35 công chức

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, trong quý 1, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 35 công chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã giao Thanh tra tỉnh tiếp tục hướng dẫn triển khai việc kê khai tài sản thu nhập năm 2022 sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-UBND ngày 6/2/2023 phê duyệt Kế hoạch xác minh tài sản thu nhập năm 2023; chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành xác minh tài sản thu nhập năm 2022 của 39 đối tượng kê khai tài sản thu nhập thuộc 5 đơn vị trên địa bàn tỉnh. 

Ba tháng đầu năm nay, Cơ quan điều tra tỉnh đã thụ lý điều tra 17 vụ/37 bị can trong các vụ án tham nhũng; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 3 vụ/7 bị can; đang điều tra 14 vụ/30 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp ở tỉnh đã thụ lý sơ thẩm 8 vụ/12 bị cáo về tham nhũng, đã xét xử 5 vụ/5 bị cáo. 

Tài sản tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng đã được phát hiện trong quý 1/2023 trên địa bàn tỉnh là trên 22,2 tỷ đồng ( có quy đổi). Tài sản tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng đã thu hồi, bồi thường bằng tiền mặt, ngoại tệ, tài sản quy ra tiền mặt là trên 10,68 tỷ đồng. Trong quý 2/2023, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. 

Bắc Giang tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Bắc Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quy định về kiểm soát tài sản thu nhập; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh thể chế, chính sách để thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt tình hình, phối hợp trong phát hiện và xử lý tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều nguy cơ. 

Từ nay đến hết năm 2023, Bắc Giang thực hiện nghiêm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tỉnh tiến hành rà soát đối tượng, xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác theo kế hoạch đề ra. Việc chuyển đổi phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Bên cạnh đó, Bắc Giang xây dựng kế hoạch tiến hành rà soát, kiểm soát, xử lý kịp thời theo quy định đối với các trường hợp xung đột lợi ích xảy ra trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc triển khai thực hiện nhiệm vụ công vụ. Tỉnh kịp thời sửa đổi, ban hành mới hoặc thay thế các quy định, quy phạm pháp luật còn kẽ hở, lỗ hổng trong quản lý phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát; nhất là các lĩnh vực có nguy cơ cao về tham nhũng như đất đai, xây dựng, đấu thầu mua sắm… 

Ngoài ra, Bắc Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính để nhân dân giám sát, kiểm soát hành vi trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức để không có điều kiện tiêu cực, nhũng nhiễu. (TTXVN/VietnamPlus.vn 18/4, Việt Hùng)Về đầu trang

Bình Dương: Sớm điều chỉnh chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tỉnh

Sáng 18.4, tại Trung tâm Hành chính tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trường Nhật Phượng đã chủ trì Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Bình Dương về kết quả thực hiện các chính sách thu hút đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh đối với các huyện, thị, thành phố. 

Tại buổi giám sát, hầu hết các địa phương đều kiến nghị về việc có chính sách thu hút ưu đãi đối với nguồn nhân lực y tế, giáo dục; cơ chế hỗ trợ cho lực lượng tình nguyện viên bộ phận một cửa; sớm điều chỉnh Nghị quyết số 05/NQ-HĐND về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tỉnh để giải quyết những khó khăn, thu hút nguồn nhân lực cho các địa phương; phân bổ biên chế không nên cào bằng… Các huyện, thị, thành phố cũng giải trình cụ thể những nội dung Đoàn giám sát đặt ra về việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho cán bộ cơ sở; sắp xếp lại bộ máy tổ chức; thu hút sinh viên giỏi sau khi ra trường; điều chuyển, bố trí cán bộ công chức cấp xã… 

Đoàn giám sát cho biết: nhiều chính sách về nguồn nhân lực tỉnh đang được sửa đổi và bổ sung; đối với Nghị quyết số 05 về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tỉnh, nhiều quy định đến nay đã không còn phù hợp; đề nghị các địa phương rà soát, đề xuất, kiến nghị cụ thể, làm cơ sở cho Đoàn báo cáo xây dựng Nghị quyết mới phù hợp, đáp ứng thực tiễn. 

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trường Nhật Phượng đánh giá cao nỗ lực trong công tác thu hút nguồn nhân lực của các địa phương, đóng góp vào kết quả chung của tỉnh nhưng cũng còn những hạn chế, khó khăn; ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các địa phương và sẽ có buổi làm việc cụ thể với từng đơn vị. Đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, Đoàn giám sát sẽ làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành để có giải đáp cụ thể. ​(Daibieunhandan.vn 19/4, Nguyễn Nhật)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Luận bàn về cán bộ “Ba dám”

Vừa qua, một sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là kinh tế TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,7% trong quý 1 năm 2023. Đây là chuyện chưa từng có ở thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước trong hơn 30 năm qua. Vậy những nguyên nhân gì đã làm cho tăng trưởng thấp như vậy? 

Đúng là có tác động bởi sự suy thoái của kinh tế thế giới, có tác động của thời kỳ “hậu COVID-19”; có ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraina. Và dĩ nhiên, nguyên nhân chủ quan là “do ta” cũng không ít. 

Tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2023, tổ chức vào sáng 1/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi không vòng vo mà thừa nhận nguyên nhân chính: Đó là xuất phát từ tâm lý e ngại, né tránh, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm từ một bộ phận cán bộ công chức. Do đó, không ai dám trả lời, chấp bút phê duyệt mà đùn đẩy trách nhiệm hết sở này đến sở kia. 

Câu chuyện này của TP.HCM không phải là cá biệt mà đó đang là tình trạng phổ biến, là “công chức nạn” trong một bộ phận lớn cán bộ, công chức. 

Gần đây, lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhiều bộ ngành nói về việc cần phải xây dựng cơ chế để khuyến khích và bảo vệ những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - (tạm gọi là “Ba dám”). 

Báo chí cũng như dư luận nói nhiều về việc “không tìm đâu ra người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong thời buổi hiện nay... Nói một cách trần trụi, trong 3 - 4 năm trở lại đây, còn rất ít những người có tư tưởng “Ba dám”. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng cán bộ “Ba dám” cơ bản đã “tuyệt chủng”. Đây đúng là một thực tế buồn. 

Lịch sử xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ cận đại đã có nhiều điển hình “Ba dám”… Đó là chuyện khoán chui của Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành ở Hải Phòng; chuyện tiền tệ hóa đồng lương thay vì tem phiếu của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính. Rồi chuyện “xé rào” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM. 

Xa hơn nữa là sáng kiến khoán sản phẩm của ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Ngày ấy, đã có bài báo phê phán sáng kiến của ông cực kỳ nặng nề, thậm chí quy cho ông là có tư tưởng “biến Đảng thành địa chủ phát canh thu tô”… Nhưng rồi lịch sử đã chứng minh cách làm của ông là đúng, và đã mở ra các quyết định mới về khoán sản phẩm, để từ đó, nông nghiệp Việt Nam đã “cất cánh” và nay trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo. 

Những việc “dám làm” khi chưa có tiền lệ này đã khiến cho các vị phải trả giá bằng những án kỷ luật khá nặng. Tất cả trường hợp này lúc ấy đều bị kỷ luật vì những đổi mới, sáng tạo của mình. 

Nhưng Đảng ta rất sáng suốt trong tổng kết đánh giá thực tiễn. Đến thời kỳ đổi mới thì Trung ương đã công nhận tư duy sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của các lãnh đạo này đúng. 

Vì thế nhiều trường hợp được Trung ương điều động phân công giữ các chức vụ lãnh đạo cao hơn. Ông Đoàn Duy Thành và ông Chín Cần làm tới Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Linh làm Thường trực Ban Bí thư, rồi Tổng Bí thư. Ông Kim Ngọc thì được vinh danh bằng những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, được đưa vào văn học, nghệ thuật. 

Gần đây nhất là bài học từ Quảng Ninh - địa phương được nhắc tới nhiều với vị trí dẫn đầu cả nước trên cả hai bảng xếp hạng về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sự phát triển của Quảng Ninh có thể là một ví dụ điển hình nhất cho thấy vai trò của một đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà người dẫn dắt là Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính trong giai đoạn 2012 - 2016. 

Nhờ tinh thần dám nghĩ dám làm của Bí thư Tỉnh ủy mà Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là thay đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”… Nghĩa là từ khai thác hòn than sang dịch vụ, du lịch. Dĩ nhiên, sau này ai cũng hiểu để làm được điều này thì nội bộ phải thật sự đoàn kết, có người chịu trách nhiệm cao nhất, truyền cảm hứng cho cấp dưới. 

Và hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đang thể hiện mình là người “Ba dám”. Trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ các cán bộ “Ba dám” như vậy. 

Lâu nay, cụm từ “bảo vệ người dám nghĩ dám làm” được nhắc đến đâu đó nhưng lần này đã được đưa vào Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn, điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn đối với những cán bộ chủ động, sáng tạo trong công việc, mạnh dạn đổi mới vì sẽ có cơ chế để bảo vệ họ… 

Chúng ta đều biết những người có tư tưởng “Ba dám” là những người rất thông minh và có bản tính quyết đoán, mạnh mẽ. Chính vì thông minh hơn người, nên họ đã nhìn thấy những rào cản trong công việc qua các quy định của pháp luật; và để hoàn thành được nhiệm vụ, đôi khi họ đã phải nghĩ ra các biện pháp mới có tính đột phá để vượt qua những rào cản đó. 

Cách làm của họ, nếu thành công thì sẽ được tung hô là người “Ba dám”; còn nếu sơ sẩy một chút để thất thoát tài sản Nhà nước hoặc những tiêu cực này khác ở cấp dưới, thì sự nghiệp của họ coi như chấm dứt. 

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Đảng, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ và bỏ đi những quy định không còn phù hợp hoặc gây cản trở cho sự phát triển kinh tế một cách quyết liệt; nhưng sự bảo thủ của nhiều bộ, ngành vẫn đang là một nguyên nhân lớn khiến cho việc tháo gỡ chưa được triệt để, thông thoáng. 

Chúng ta đang cần những cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Trong một chừng mực nào đó, mỗi cán bộ “Ba dám” là những đầu tầu. Họ là người kéo cả đoàn tàu chạy về đích. (VTC.vn 19/4, Nguyễn Như Phong)Về đầu trang

Gian nan cải cách!

“Không hẹn mà gặp”, Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3.2023 và Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố có một điểm chung - đó là cùng đề cập đến việc hệ thống pháp luật kinh doanh hiện còn khá nhiều quy định bất cập, vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp. 

Cụ thể, Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 3 cho biết, gần đây, cử tri quan tâm và phản ánh còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý. Trong đó có tình trạng công tác phòng cháy, chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hỏa hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. 

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 ghi nhận nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp của Chính phủ trong 6 năm trở lại đây đã tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho doanh nghiệp; song đồng thời đặt ra câu hỏi về tính thực chất của cải cách. Bởi lẽ trong hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay còn khá nhiều quy định bất cập, vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp, song những quy định này gần như thiếu vắng trong các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ của các bộ; các vướng mắc, bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy là một ví dụ điển hình. 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ được phê duyệt trong năm nay không có gì mới; thậm chí có một số đề xuất mang tính hình thức, gần như không có tác động nào trong việc tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nhìn chung, các bộ, ngành vẫn tập trung bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có hoặc tra cứu được trong hệ thống dữ liệu thông tin của cơ quan nhà nước; bổ sung phương thức điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; chuẩn hóa các tài liệu trong hồ sơ theo hướng ban hành một số mẫu tài liệu. Bên cạnh đó là giảm số lượng hồ sơ phải nộp - thường rút xuống còn 1 bộ hồ sơ; giảm thời gian giải quyết thủ tục… 

Các đề xuất trên về cơ bản sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là đề xuất giảm thời gian giải quyết thủ tục ở một số thủ tục hành chính. Tuy nhiên những đề xuất này vẫn chưa “đủ mạnh” hoặc cải cách có tính đột phá để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Cũng vì vậy, doanh nghiệp luôn đặt dấu hỏi về tính thực chất trong các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. 

Sau ba năm đại dịch, nguồn lực của người dân và doanh nghiệp đã bị suy kiệt đáng kể, dấu hiệu mệt mỏi đã xuất hiện trên nhiều gương mặt doanh nhân. Niềm tin, tinh thần và ý chí kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân và của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng ít nhiều do những tác động kéo dài của dịch bệnh và đặc biệt là sau những biến cố gần đây của thị trường; quý I năm nay, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là một chỉ dấu rất đáng lo ngại.  

Trong bối cảnh đó, niềm tin của nhà đầu tư và ý chí kinh doanh của người dân, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ bằng những chính sách và hành động để xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, ít rủi ro, chi phí thấp. Nếu nhu cầu thị trường, giá cả nguyên liệu đầu vào, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu… nằm ngoài khả năng can thiệp của Chính phủ, các bộ, ngành thì cải cách thủ tục mạnh mẽ và thực chất hơn nữa lại là việc trong tầm tay. Chỉ có điều, hành trình cải cách chưa bao giờ hết gian nan... (Daibieunhandan.vn 19/4, Cẩm Phô)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc: 17 quan chức TW bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng "chưa từng có"

Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, với ít nhất 17 quan chức trung ương bị điều tra trong khoảng 100 ngày kể từ đầu năm 2023. 

Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) trích dẫn nhận định của các chuyên gia trong nước cho rằng, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm "chưa từng có" của Trung Quốc trong chiến dịch chống tham nhũng. . 

Theo trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc, từ ngày 6/1 đến ngày 16/4, ít nhất 17 quan chức quản lý trung ương đã bị điều tra. Tháng 3 ghi nhận con số cao nhất, với 7 quan chức bị điều tra.  

Một số trong những người này đến từ các doanh nghiệp nhà nước do chính quyền Trung ương quản lý, các tổ chức tài chính và ngành thể thao, bao gồm Li Xiaopeng, cựu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn China Everbright; Liu Lian'ge, cựu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc; Li Dong, cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Trung Quốc; và Du Zhaocai, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Trung Quốc. 

Nói với Global Times hôm 17/4, Zhang Xixian, giáo sư tại Trường Đảng của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết những nỗ lực tăng cường công tác chống tham nhũng và xây dựng một chính phủ trong sạch đã được đẩy mạnh hoàn toàn, cho thấy quyết tâm và sự kiên quyết "chưa từng có" của Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng. 

Ông Zhang lưu ý, thực hiện tinh thần của Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, Đảng đã bắt đầu công việc trong 3 lĩnh vực then chốt trong năm nay, đó là: Tài chính, doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý và thể thao.

Cũng theo ông Zhang, thực tế đã chứng minh, sau hàng chục năm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng chính quyền trong sạch, các cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đã không ngừng nâng cao năng lực phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề, chủ động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Trong số 17 quan chức bị điều tra, có một số người bị điều tra sau khi đã nghỉ hưu, rời nhiệm sở hoặc thôi giữ chức vụ ban đầu. 

He Zehua, cựu Phó Giám đốc Cục Độc quyền thuốc lá nhà nước Trung Quốc - cơ quan quản lý thuốc lá của Trung Quốc, đã bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật, theo một tuyên bố chính thức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 1 năm nay. 

Ông He Zehua thôi giữ chức Phó Giám đốc Cục Độc quyền thuốc lá nhà nước Trung Quốc vào tháng 3/2014 và bị điều tra gần 9 năm sau khi nghỉ hưu, theo các phương tiện truyền thông trong nước. 

Điều này cho thấy quyết tâm vững chắc và sự kiên định của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc chống tham nhũng, giáo sư Zhang nhấn mạnh. 

Tính đến ngày 8/4, tổng cộng 15 đoàn kiểm tra kỷ luật đã được thành lập tiến hành kiểm tra tại chỗ. Đây là đợt kiểm tra kỷ luật đầu tiên do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX phát động, nhắm mục tiêu vào 30 doanh nghiệp nhà nước do cơ quan Trung ương quản lý, 5 tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Trung ương và Tổng cục Thể thao Trung Quốc. 

Cuộc kiểm tra tập trung vào "những người đứng đầu" và cơ quan lãnh đạo của các tổ chức, cũng như quyền hạn và trách nhiệm của họ; đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng việc các tổ chức thực hiện những yêu cầu từ đợt kiểm tra trước - ông Yang Zhengchao, Trưởng đoàn Kiểm tra thứ năm thuộc đợt kiểm tra đầu tiên cho biết. (Thanhtra.com.vn 18/4, Hoài Phương)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

05