Bản tin cải cách hành chính ngày 15/3/2023

15:22, Thứ Tư, 15-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

1.        Kiểm tra công vụ, không để sách nhiễu khi bỏ sổ hộ khẩu

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

2.        Hà Nội: Phụ huynh kiệt sức xin xác nhận cư trú cho con chuyển cấp học

3.        Công an Hà Nội được yêu cầu làm rõ phản ánh “cò dịch vụ” tại Trung tâm hành chính công

4.        Gia Lai: Kiểm sát viên VKSND huyện Đak Pơ báo cáo án bằng Sơ đồ tư duy

5.        Đà Nẵng: Đình làng 4.0

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

6.        Không thống nhất quản lý, có nơi một cuốn học bạ giáo viên mất công làm đến 3 lần

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

7.        Tổng cục Hải quan cấm cán bộ nhận quà biếu, tham nhũng vặt

8.        Quảng Ninh thực hiện “3 tăng”, “3 giảm” và “3 không” để phòng chống tham nhũng, tiêu cực

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

9.        Tăng biên chế cho cấp phường: Rất cần!

THẾ GIỚI

10.     Trung Quốc muốn tăng tuổi nghỉ hưu để đối phó với già hóa dân số

 

 

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

Kiểm tra công vụ, không để sách nhiễu khi bỏ sổ hộ khẩu

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp ngày 1/3 về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Luật Cư trú và Nghị định số 104 về sửa đổi nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính. 

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng và nhân dân về việc tổ chức thực hiện quy định bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. 

Các bộ, cơ quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền có quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú như: Sơ yếu lý lịch, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… 

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử để thực hiện việc bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, giấy xác nhận cư trú trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. 

Phó Thủ tướng đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu số hóa, lưu trữ, xử lý thông tin, dữ liệu điện tử. Hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo đúng quy định, hoàn thành trước ngày 20/3/2023. 

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể về việc xử lý sai sót liên quan đến dữ liệu dân cư của người dân và việc khai thác dữ liệu từ tàng thư về cư trú mà chưa được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (như: thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ gia đình…). Hoàn thành trong tháng 3/2023. 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiên cứu, triển khai các giải pháp kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh thông tin khách hàng, giao dịch đảm bảo thông qua thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID); xác thực dữ liệu đa chiều (được phân tích, tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu, các giấy tờ tích hợp như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế, đăng ký doanh nghiệp…), trong đó dữ liệu dân cư làm gốc phục vụ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng. (Tienphong.vn 15/3, Văn Kiên)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội: Phụ huynh kiệt sức xin xác nhận cư trú cho con chuyển cấp học

Rất nhiều phụ huynh ở phường Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) phải gác lại công việc chính, tới công an phường chờ trực xin giấy xác nhận cư trú để hoàn thiện hồ sơ cho con vào cấp hai. 

Từ ngày 11/3 đến nay, trụ sở Công an phường Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) luôn có hàng trăm phụ huynh đến xin giấy xác nhận thông tin về cư trú để hoàn thiện hồ sơ cho con vào cấp hai. 

Bộ phận giải quyết giấy cư trú của Công an phường Giang Biên cũng phải căng mình làm việc để đáp ứng nhu cầu về thủ tục hành chính của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, do hệ thống dịch vụ công bị quá tải, phụ huynh không thể lên mạng kê khai các thủ tục liên quan đến học sinh, thậm chí, khi kê khai xong thì cũng mất rất nhiều thời gian mới in được. 

“Theo quy định hiện nay, chúng tôi phải giải quyết 100% thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Những ngày như thế này, chúng tôi chỉ mong ‘mạng độ’ để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân được trơn tru. Nhiều lúc mạng treo, chúng tôi phải linh hoạt tiếp nhận hồ sơ để kịp thời giải quyết thủ tục cho phụ huynh”, một cán bộ Công an phường Giang Biên chia sẻ. 

Anh Bùi Thanh Minh (33 tuổi, ở phường Giang Biên) cho biết, ngày 11/3, gia đình anh nhận được phiếu kê khai thông tin học sinh của trường cấp một Gia Thuỵ với đề nghị lên công an phường xin giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc bản công chứng thông báo thông tin học sinh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Về thời gian nộp hồ sơ của con cho giáo viên chủ nhiệm, theo anh Minh, chậm nhất là ngày 17/3 phải xong. Thực tế, do nhà trường yêu cầu hoàn thiện hồ sơ gấp (1 tuần) nên ngày nào ra công an phường, anh Minh cũng chứng kiến cảnh phụ huynh mòn mỏi chờ đợi xin giấy xác nhận cư trú và bản công chứng thông báo thông tin học sinh. 

Ngày 14/3, anh Minh tiếp tục ra phường xin mã định danh cho con nhưng không được, nên đành phải quay về. “Không có mã số định danh của con thì cũng không làm được thủ tục khác. Cứ loanh quanh như này, đến ngày 17/3, dù kiệt sức cũng chưa chắc đã hoàn thiện hồ sơ cho nộp cho cô chủ nhiệm”, anh Minh lo lắng. 

Cùng cảnh ngộ, những ngày này chị Nguyễn Thu Hương cũng phải bỏ hết công việc, chờ đợi ở Công an phường Giang Biên xin giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ cho con vào cấp hai. Do hộ khẩu ở quận khác, sang quận Long Biên sinh sống nhiều năm nên chị Hương phải xin giấy cư trú cho con. 

“Ngay từ khi nhận được thông báo, tôi đã lên mạng kê khai đầy đủ thông tin của con. Tuy nhiên, dù ra phường nhiều lần nhưng lại không in được thông tin cư trú để công an xác nhận”, chị Hương chia sẻ. 

Từng có con vào đầu cấp, chị Hương cho biết, trước đây khi sổ hộ khẩu giấy còn giá trị thì hồ sơ, thủ tục hoàn thiện để nộp cho nhà trường không phức tạp như hiện nay. Do vậy, chị Hương mong muốn ngành giáo dục Hà Nội tìm giải pháp bỏ được công đoạn xác nhận cư trú hoặc bản công chứng thông tin học sinh. 

Theo một lãnh đạo trường tiểu học trên địa bàn quận Long Biên, việc yêu cầu phụ huynh khối lớp 5 viết phiếu kê khai thông tin học sinh kèm bản gốc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc bản thông báo thông tin học sinh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. 

“Đây là quy định của sở, chứ nhà trường không tự nghĩ ra. Việc phụ huynh phải liên hệ công an nơi cư trú đề hoàn thiện hồ sơ cho con như hiện nay rất phiền phức. Bởi nếu như những năm trước đây chỉ cần bản sao sổ hộ khẩu giấy là có thể chứng minh được học sinh đang ở trên địa bàn”, vị lãnh đạo nhà trường nói. 

Trao đổi với PV VietNamNet, một cán bộ Công an phường Giang Biên (quận Long Biên) cũng xác nhận việc nhận được thông báo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong việc phối hợp rà soát, cập nhật dữ liệu, thông tin cho phụ huynh học sinh mầm non 5 tuổi, lớp 5 và lớp 9, năm học 2022 - 2023. 

“Thành phố đã thông báo không cần xác nhận cư trú nữa nhưng nhà trường yêu cầu nên công an phường vẫn phải tiếp nhận, giải quyết nhu cầu của công dân. Thật ra, công an phường cũng đang thấy người dân bị ‘hành, rất là khổ”, vị cán bộ này bày tỏ. 

Cũng theo cán bộ Công an phường Giang Biên, những ngày qua, nơi đây 'không còn ghế trống’, công dân đứng ngồi thấp thỏm chờ đợi cấp nhận giấy xác nhận cư trú. Trong khi đó, những năm trước, khi sổ hộ khẩu giấy vẫn được áp dụng thì chỉ lác đác vài trường hợp đến xin giấy xác nhận. (Vietnamnet.vn 15/3, Quang Phong)Về đầu trang

Công an Hà Nội được yêu cầu làm rõ phản ánh “cò dịch vụ” tại Trung tâm hành chính công

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở GTVT, Công an thành phố, Văn phòng UBND thành phố yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh “Hà Nội: Xuất hiện cò dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm hành chính công”. 

Cụ thể, UBND thành phố giao Sở GTVT khẩn trương kiểm tra, làm rõ các nội dung phản ánh nêu trên; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện không đúng quy định về việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính “Cấp đổi giấy phép lái xe” (nếu có) tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Sở GTVT. 

Thành phố cũng yêu cầu Sở GTVT có giải pháp, biện pháp cải tiến, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương khắc phục tình trạng ùn ứ do quá tải người dân đến làm thủ tục hành chính; báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 20/3/2023. 

Bên cạnh đó, UBND thành phố giao Công an thành phố chỉ đạo công an các quận tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trật tự công cộng tại khu vực xung quanh trụ sở khu liên cơ số 258 đường Võ Chí Công, phường Xuân La; chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ khẩn trương nắm tình hình, xác minh, làm rõ thông tin theo phản ánh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi “cò mồi”, chèo kéo người dân khi làm thủ tục hành chính (nếu có) theo quy định pháp luật; báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 30/3/2023. (Tienphong.vn 14/3, Trường Phong)Về đầu trang

Gia Lai: Kiểm sát viên VKSND huyện Đak Pơ báo cáo án bằng Sơ đồ tư duy

Thực hiện Chị thỉ của Viện trưởng VKSND tối cao, Kế hoạch của VKSND tỉnh Gia Lai và Kế hoạch thực hiện công tác đột phá của VKSND huyện Đak Pơ trong năm 2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng “Sơ đồ tư duy trong báo cáo giải quyết vụ án hình sự”. 

Bước đầu thực hiện, VKSND huyện Đak Pơ gặp không ít khó khăn do cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị không chuyên sâu về trình độ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, được sự quan tâm, hướng dẫn của VKSND tỉnh Gia Lai và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo VKSND huyện Đak Pơ, cùng với sự quyết tâm, tìm tòi, học hỏi của cán bộ, Kiểm sát viên, sáng ngày 14/3/2023, VKSND huyện Đak Pơ đã tổ chức để Kiểm sát viên báo cáo vụ án hình sự bằng phương pháp sơ đồ tư duy. 

Tại buổi báo cáo án, Kiểm sát viên đã lựa chọn vụ án hình sự Bùi Đ A phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự để thực hiện. Kiểm sát viên xây dựng và báo cáo trên phần mềm MindMaple Lite. Sơ đồ vụ án thể hiện dưới dạng hình quạt, được trình chiếu lên màn hình, phản ánh đầy đủ nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Từng luận cứ được đính kèm các link mở ra hình ảnh, các file tài liệu, nhận định đề xuất của Kiểm sát viên về đường lối giải quyết vụ án. 

Sau khi nghe đồng chí Kiểm sát viên báo cáo án bằng sơ đồ tư duy, Lãnh đạo, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên đều nhận thấy, việc báo cáo án, đánh giá chứng cứ thông qua hình thức sơ đồ tư duy rất đầy đủ, dễ hiểu, sinh động, tính thuyết phục cao và giúp lãnh đạo đơn vị nắm bắt toàn bộ nội dung của vụ án để có hướng chỉ đạo kịp thời, đồng thời dễ dàng nhìn nhận các thiếu sót trong hồ sơ để khắc phục, sửa chữa. Kết thúc buổi báo cáo án, đơn vị đã thảo luận, trao đổi, góp ý, rút kinh nghiệm, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và báo cáo án bằng phương pháp sơ đồ tư duy trong thời gian tới. 

Cùng với đó, việc triển khai báo cáo án bằng sơ đồ tư duy tại đơn vị đã tạo điều kiện thuận tiện cho việc lưu trữ, tra cứu hồ sơ, giúp cho Kiểm sát viên thuận lợi trong việc trích dẫn, sử dụng các chứng cứ, tài liệu trong nghiên cứu hồ sơ vụ án và đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. 

Năm 2023, VKSND huyện Đak Pơ phấn đấu thực hiện trên 50% tổng số án hình sự được Kiểm sát viên thực hiện báo cáo án bằng phương pháp “Sơ đồ tư duy” và từng bước mở rộng, triển khai thực hiện việc báo cáo án bằng phương pháp “Sơ đồ tư duy” đối với các vụ án dân sự có nhiều tình tiết phức tạp, góp phần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. (Baovephapluat.vn 14/3, Chí Linh)Về đầu trang

Đà Nẵng: Đình làng 4.0

Tất cả các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn Đà Nẵng sẽ được tuổi trẻ thành phố số hóa trên không gian ảo. Bằng việc ứng dụng công nghệ 4.0, Thành Đoàn Đà Nẵng mong muốn hỗ trợ quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương đến gần hơn với người dân và du khách. 

Cuối tuần qua, Quận Đoàn Thanh Khê đã bàn giao công trình số hóa Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình Thạc Gián cho địa phương và gắn mã QR tại di tích để phục vụ người dân, du khách tham quan. Xuất phát từ thực tế di tích chưa có hướng dẫn viên chuyên nghiệp cũng như ít thông tin để khách tham quan tìm hiểu, Đoàn phường Chính Gián (quận Thanh Khê) đã quyết định số hóa di tích này. Trước đó khoảng 1 tháng, các tình nguyện viên đã bắt tay thu thập tư liệu, quay phim, chụp ảnh… để chuẩn bị dữ liệu.

Theo anh Lê Trình, Bí thư Đoàn phường Chính Gián, để có các thông tin chính thống, chuẩn xác về di tích, đơn vị đã liên hệ Phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Khê hỗ trợ. Sau khi có được tư liệu, văn bản chuẩn, các bạn đoàn viên, thanh niên đã biên tập lại, phân chia theo từng khu vực trong di tích và tiến hành dịch sang tiếng Anh. 

“Để người dân và du khách có thể cảm nhận rõ và chi tiết về Đình Thạc Gián, chúng tôi lựa chọn việc ứng dụng công nghệ VR360 với phần hình ảnh và video trực quan. Đoàn phường có CLB Media với các thành viên có chuyên môn, kỹ năng tốt nên không gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị dữ liệu hình ảnh, video”, anh Trình cho biết. 

Tại Lễ hội Đình làng Thạc Gián lần thứ VII năm 2023 vừa qua, các đại biểu, người dân địa phương và các em học sinh thích thú khi trải nghiệm tham quan di tích trên không gian ảo. Chỉ cần quét mã QR, khách tham quan có thể quan sát không gian đình làng sinh động, đồng thời, tương tác để xem thêm các hình ảnh rõ nét về phù điêu, hoa văn trang trí cũng như di chuyển giữa các khu vực trong đình. Người dân và du khách có thể lựa chọn giữa ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt để đọc và nghe thuyết minh về Đình Thạc Gián trên không gian ảo. 

Đoàn phường Chính Gián vẫn đang nâng cấp dữ liệu cho Đình Thạc Gián 4.0, đồng thời, dịch và thuyết minh về đình làng bằng các ngôn ngữ như tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Thái. 

Trong Tháng Thanh niên năm 2023, Thành Đoàn phát động công trình thanh niên “Số hóa địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, đặt mục tiêu đến tháng 7/2023 sẽ hoàn thành việc số hóa 86 địa chỉ đỏ, gồm: 2 di tích Quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp Quốc gia và 67 di tích cấp thành phố. 

Theo anh Nguyễn Duy Thành, Trưởng ban Tuyên giáo (Thành Đoàn Đà Nẵng), điểm mới của việc số hóa địa chỉ đỏ lần này là ứng dụng công nghệ, thực hiện các sản phẩm số đa phương tiện để thuyết minh, quảng bá về các di tích thay vì chỉ sử dụng hình ảnh và văn bản như trước đây. “Để chuẩn hóa thông tin, Thành Đoàn phối hợp với Sở VH&TT để hỗ trợ các đơn vị trực thuộc khai thác dữ liệu chính thống về di tích”, anh Thành nói. 

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, việc đồng loạt triển khai số hóa địa chỉ đỏ sẽ thúc đẩy quảng bá, giới thiệu về các địa danh văn hóa, lịch sử trên địa bàn. “Việc này cũng giúp tiết kiệm kinh phí trong việc tuyên truyền, quảng bá văn hoá, du lịch địa phương; thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống của đoàn viên, thanh niên”, anh Dũng nói. 

Sau khi hoàn thành việc số hóa, Thành Đoàn Đà Nẵng dự kiến xây dựng bản đồ số kết nối các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố. (Tienphong.vn 14/3, Giang Thanh)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Không thống nhất quản lý, có nơi một cuốn học bạ giáo viên mất công làm đến 3 lần

Sử dụng học bạ điện tử cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, tăng tính công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Học bạ điện tử cũng giúp nhà trường dễ dàng quản lý điểm số của học sinh, giảm áp lực công việc cho giáo viên và thuận lợi cho việc quản lý học sinh chuyển đi, chuyển đến.  

Tuy nhiên, tại một số địa phương hiện nay, việc sử dụng học bạ cho học sinh vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khi mỗi địa phương lại quy định một kiểu. Có nơi giáo viên được sử dụng học bạ điện tử, nơi lại chỉ dùng học bạ giấy, thậm chí có nơi lại bắt buộc giáo viên cùng lúc phải sử dụng cả học bạ giấy và học bạ điện tử. 

Năm học 2017-2018, chúng tôi được chỉ đạo từ năm học này nhà trường sẽ dùng học bạ điện tử. Thời điểm đó, sau khi giáo viên làm xong học bạ trên hệ thống Vnedu, chỉ cần in ra là mỗi học sinh đã có một cuốn học bạ. Mỗi năm, giáo viên lớp trên cũng chỉ cần in một tờ học bạ rồi kẹp vào để lưu giữ. Sau 5 năm học, nhà trường sẽ đóng tập lại thành một cuốn. 

Sự đổi mới này đã giải phóng cho chúng tôi khá nhiều thời gian, công sức, chỉ mất công ghi phê học bạ một lần trên hệ thống mà không còn phải mất mấy ngày ngồi miệt mài ghi đánh giá ở học bạ giấy. 

Tuy thế, niềm vui chẳng tày gang. Chỉ sau năm học ấy, nhà trường lại yêu cầu giáo viên đồng thời phải hoàn thành luôn 2 cuốn học bạ giấy và điện tử. Đến đây, chỉ là cuốn học bạ nhưng giáo viên phải mất công đến 3 lần: Lần thứ nhất là hoàn thành học bạ điện tử trên phần mềm. Lần 2 là tải xuống và in học bạ ra dán vào cuốn học bạ giấy. Lần 3 là viết lại học bạ giấy. 

Sau những thắc mắc của giáo viên, nhà trường trả lời là do năm học vừa qua, học sinh trường mình chuyển trường ra mấy tỉnh phía Bắc, nơi tiếp nhận không đồng ý học bạ điện tử. Điều này khiến gia đình học sinh chuyển trường đã phải mất thời gian, công sức về lại trường cũ yêu cầu nhà trường làm lại học bạ giấy. 

Không riêng việc sử dụng và quản lý học bạ điện tử thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong cả nước mà việc quản lý học sinh chuyển đi, chuyển đến trên phần mềm Vnedu cũng mỗi nơi mỗi khác, gây khó khăn không chỉ cho nhà trường mà cho cả phụ huynh. 

Không ít lần, trường học nơi tôi công tác đã phải nhờ giáo viên chủ nhiệm, thông báo cho một số phụ huynh có con chuyển trường về liên hệ với trường học cũ đề nghị họ chuyển hồ sơ, lý lịch của học sinh trên hệ thống Vnedu để nhà trường làm thủ tục tiếp nhận. 

Người viết đã không ít lần trực tiếp liên hệ với trường học cũ của học sinh và nhận được câu trả lời trường học nơi ấy vẫn chưa được chỉ đạo làm như vậy. Khi đó, giáo viên lại phải ngồi vào máy làm thủ công là tự nhập lý lịch của các em vào trong phần mềm quản lý. Trong khi đó, bên chuyển đi chỉ cần một cú nhấp chuột là xong. 

Hiện nay, gần như tất cả các trường học trong cả nước đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy và quản lý học sinh. Tuy nhiên, thiếu sự quy định đồng bộ từ trên xuống nên mỗi địa phương vẫn làm mỗi cách, tạo khá nhiều áp lực cho giáo viên và gây khó khăn trong việc quản lý học sinh chuyển đi, chuyển đến. 

Muốn thực hiện tốt việc sử dụng học bạ điện tử, giảm áp lực hồ sơ sổ sách cho giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả quản lý, điều đầu tiên phải thực hiện việc đồng bộ giữa các địa phương trong cả nước, tránh mỗi nơi làm một khác gây khó dễ cho nhà trường cũng như gia đình mỗi học sinh. 

Mong mỏi của nhiều trường học cũng như của tất cả giáo viên hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành một cách thống nhất cách thức quản lý sổ điểm, học bạ điện tử trong toàn ngành. Có thế, mới tạo sự đồng bộ giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số cho toàn ngành giáo dục. (Giaoduc.net.vn 15/3, Đỗ Quyên)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Tổng cục Hải quan cấm cán bộ nhận quà biếu, tham nhũng vặt

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan - vừa ký ban hành chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng trong ngành hải quan. 

Theo đó, chỉ thị đặt trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, đặc biệt là các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý những lĩnh vực, địa bàn có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân được yêu cầu cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong cải cách thủ tục hành chính. 

Các đơn vị cần tăng tính chủ động trong quá trình giải quyết công việc, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất trong đơn vị, lĩnh vực được giao phụ trách. 

Đặc biệt, chỉ thị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng gia công, sản xuất xuất khẩu). 

Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện công tác quản lý công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị; tuân thủ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của công chức, không lợi dụng vị trí công tác để can thiệp không đúng thẩm quyền, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, hoàn thuế sai quy định, buôn lậu, gian lận… nghiêm cấm các biểu hiệu hành vi tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức. 

Các đơn vị được yêu cầu phải có biện pháp giám sát, phòng ngừa các biểu hiện hành vi cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn giải quyết công việc được giao, thờ ơ, vô cảm với doanh nghiệp và người dân, gây khó khăn đối với tổ chức, cá nhân… và gợi ý nhận quà tiền, quà biếu, có biểu hiện tham nhũng vặt… (Tienphong.vn 14/3, Dương Hưng)Về đầu trang

Quảng Ninh thực hiện “3 tăng”, “3 giảm” và “3 không” để phòng chống tham nhũng, tiêu cực

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành chỉ thị số 02 nhằm quán triệt việc thực hiện hiệu quả, thực chất mục tiêu công tác thanh tra, phòng chổng tham nhũng, tiêu cưc; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính. 

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2020 đến nay, công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính của tỉnh Quảng Ninh được đánh giá cao.  

Thành công trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực góp phần vào thành công chung của tỉnh Quảng Ninh trong việc giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển” trong trạng thái bình thường mới, hoàn toàn kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19. 

Để tiếp tục phát huy những giá trị tích cực và khắc phục những điểm còn hạn chế, Quyền Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp tập trung thực hiện các mục tiêu “3 tăng”, “3 giảm” và “3 không”. 

Về mục tiêu “3 tăng”, các cá nhân, đơn vị phải tăng tính tự giác, sự gương mẫu, nhận thức, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu đối với công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính, nhất là ở cấp huyện, sở, ngành và cấp xã, phường; 

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính; 

Tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp qua: công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; công tác phòng chổng tham nhũng, tiêu cực và chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính. 

Về mục tiêu “3 giảm”, Quảng Ninh yêu cầu giảm đơn thư khiếu nại, tổ cáo, kiến nghị, phản ánh mới; phát sinh vụ việc mới, đặc biệt là vụ việc phức tạp, tập trung đông người, vượt cấp và tái khiếu nại, tố cáo; 

Giảm số vụ việc: Chậm xem xét, giải quyết, chất lượng hạn chế, sai sót về trình tự, thủ tục, đặc biệt là chất lượng giải quyết khiếu nại lần 1 thấp, không giải quyết hết thẩm quyền, trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh; chậm thi hành các bản án hành chính có hiệu lực thi hành; 

Giảm số đầu mối cơ quan, đơn vị, tổ chức không tự kiểm tra, tự phát hiện, tự xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

Về mục tiêu “3 không”, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu không được để phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo, vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây dư luận bức xúc; giữ vững sự ổn định, hình ảnh Quảng Ninh; 

Không được để xảy ra mất đoàn kết nội bộ trong các cơ quan hành chính, đơn vị, tổ chức hành chính sự nghiệp ở tất cả các cấp, nhất là tình trạng đơn thư tố cáo giấu tên, mạo danh, nặc danh phát sinh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… 

Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thờ ơ, vô cảm đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án, để các thế lực thù địch phản động, chống đối lợi dụng phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân gây mất an ninh trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân. 

Đối với công tác thanh tra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị chuyên trác quyết tâm triển khai và hoàn thành chương trình kế hoạch thanh tra năm đã được phê duyệt; triển khai kịp thời các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý trên các lĩnh vực, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật và tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra; quyết định, kiến nghị xử lý sau thanh tra đảm bảo các đối tượng được thanh tra thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra. Phấn đấu tỷ lệ thu hồi sổ tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra về Ngân sách Nhà nước đạt trên 80%. 

Quyền chủ tịch tỉnh Quảng Ninh giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, định kỳ và đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Chỉ thị này tại các sở, ngành và địa phương, trên cơ sở đó tông hợp kêt quả vào báo cáo sơ kết và tổng kết về công tác thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng và tham gia tố tụng giải quyết các vụ án hành chính. (Vneconomy.vn 14/3, Khởi Anh)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Tăng biên chế cho cấp phường: Rất cần!

Đề xuất tăng biên chế công chức phường cho TP Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng được Bộ Nội vụ đưa ra đã nhận được sự đồng tình của các địa phương. 

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng. Dự thảo nghị định do Bộ  

Bộ Nội vụ cho rằng với mức bình quân biên chế công chức phường theo quy định hiện hành là 15 người, các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng không chủ động điều chỉnh được số lượng biên chế công chức phường giữa các quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố. Trong khi đó, quy mô dân số và khối lượng công việc giữa các phường không đồng đều. Chẳng hạn, ở TP HCM, phường có dân số thấp nhất là An Lợi Đông (TP Thủ Đức) với 1.215 người trong khi phường có dân số cao nhất là Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) với 125.894 người. 

Từ đó, Bộ Nội vụ đề xuất tại TP HCM, phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. Phường thuộc thành phố thuộc TP HCM có từ 7.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 7.000 dân thì cứ thêm 3.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. 

Tại TP Đà Nẵng, số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc quận được xác định như sau: có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. 

Còn tại TP Hà Nội, Bộ Nội vụ đề xuất phường thuộc quận có từ 15.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 15.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. Phường thuộc thị xã có từ 5.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được tăng thêm 1 biên chế công chức. 

Ông Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - nhìn nhận áp lực công việc lớn đối với một bộ phận công chức cấp phường cùng một số nguyên nhân khác đã dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, rời bỏ khu vực công. Do đó, đề xuất phân bổ biên chế công chức cấp phường theo quy mô dân số là phù hợp, nhằm giải quyết bất cập đang diễn ra ở các thành phố lớn. 

Theo bà Trần Thị Minh Vân - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - bộ phận Một cửa của phường mỗi ngày phải giải quyết số lượng hồ sơ rất lớn trong khi định biên tối đa chỉ được 15 công chức. Việc tăng biên chế đáp ứng mong mỏi của các đơn vị cấp phường, giải tỏa áp lực công việc cho các phường ở thành phố lớn. 

Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - phường có dân số đông nhất TP Hà Nội với khoảng 83.000 người - nhận xét việc tăng biên chế công chức cấp phường theo quy mô dân số là hợp lý để đáp ứng yêu cầu công việc. Số lượng biên chế 15 người/phường hiện nay khiến cán bộ chịu áp lực quá tải công việc, đặc biệt là bộ phận Một cửa. 

Đồng quan điểm, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cũng cho rằng việc tăng biên chế cấp phường cho địa phương là phù hợp với thực tế. TP Đà Nẵng có dân cư đông, khối lượng công việc phát sinh nhiều nên không thể cào bằng với một số địa phương khác, chẳng hạn địa phương miền núi có công việc cần xử lý không nhiều. 

Ông Đinh Hữu Phúc - Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - cho hay phường này có số dân đông nhất trên địa bàn. Với khối lượng công việc giải quyết mỗi ngày rất lớn, cán bộ phường thường xuyên phải làm thêm giờ, thậm chí phải làm cả ban đêm. "Việc tăng biên chế theo số lượng dân cư của từng phường là cần thiết để vừa bảo đảm công việc được xử lý trôi chảy vừa không gây áp lực nặng nề lên cán bộ" - ông Phúc nêu quan điểm. 

Trước đó, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường quy định tại Nghị định 33/2021 từ bình quân 15 người/phường thành 17 người/phường đối với phường có 30.000 dân trở xuống. Đối với phường có từ 30.000 dân trở lên, cứ tăng 15.000 dân được thêm 1 công chức. Kiến nghị này dựa trên thực tế việc bố trí số lượng công chức làm việc tại phường theo quy định hiện nay chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương. Hiện bình quân dân số một phường của TP HCM nhiều gấp 1,89 lần so với quy định tại Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Nld.com.vn 15/3, Nhóm PV)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc muốn tăng tuổi nghỉ hưu để đối phó với già hóa dân số

Hôm thứ Ba (14/3), tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết nước này đang lên kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu dần theo từng giai đoạn để đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng. 

Do áp dụng chính sách một con từ năm 1980 đến năm 2015, dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc hiện đang giảm dần và già đi. Điều này đã gây áp lực lên ngân sách lương hưu vốn đang leo thang của quốc gia này, thôi thúc các nhà hoạch định chính sách phải khẩn trương giải quyết tình hình. 

Hôm thứ Hai (13/3), Thủ tướng Lý Cường cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ tiến hành các nghiên cứu và phân tích nghiêm ngặt để đưa ra chính sách nâng tuổi nghỉ hưu một cách cẩn trọng nhất. 

Ông Jin Weigang, chủ tịch Viện Khoa học Lao động và An sinh Xã hội Trung Quốc, cho biết nước này đang xem xét một “con đường tiến bộ, linh hoạt và khác biệt để nâng tuổi nghỉ hưu”. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông báo chính thức về việc thay đổi tuổi nghỉ hưu. 

“Những người gần đến tuổi nghỉ hưu sẽ phải hoãn nghỉ hưu trong vài tháng”, ông Jin cho biết. Những người trẻ tuổi có thể phải làm việc thêm vài năm nữa, nhưng sẽ có một giai đoạn thích ứng và chuyển tiếp lâu dài. 

“Đặc điểm quan trọng nhất là cải cách này cho phép mọi người lựa chọn thời điểm nghỉ hưu tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của mình”, ông Jin nhấn mạnh. 

Trung Quốc vốn là quốc gia có số tuổi nghỉ hưu thuộc hàng thấp nhất thế giới, với 60 tuổi ở nam, 55 tuổi đối với nữ làm việc văn phòng và 50 tuổi đối với phụ nữ làm việc trong các nhà máy. 

Theo dự đoán của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nhóm người trên 60 tuổi của nước này sẽ tăng từ 280 triệu lên hơn 400 triệu vào năm 2035 - bằng toàn bộ dân số hiện tại của Anh và Mỹ cộng lại. 

Tuổi thọ trung bình của người dân ở Trung Quốc cũng đã tăng từ khoảng 44 tuổi vào năm 1960 lên 78 tuổi vào năm 2021, cao hơn ở Mỹ và dự kiến sẽ vượt quá 80 tuổi vào năm 2050. 

Các nhà kinh tế và nhân khẩu học cho rằng hệ thống hưu trí của Trung Quốc hiện nay là không bền vững và cần được cải cách, do lực lượng lao động đang ngày càng thu hẹp phải trả lương hưu cho số người về hưu đang ngày càng tăng. 

Hiện tại, mỗi người Trung Quốc về hưu sẽ nhận được hỗ trợ đóng góp bởi 5 người lao động. Tỷ lệ này chỉ bằng một nửa so với một thập kỷ trước và đang có xu hướng là 4 người lao động/1 người nghỉ hưu vào năm 2030, 2 người lao động/1 người nghỉ hưu vào năm 2050. 

Dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy 11 trong số 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh của Trung Quốc đang bị thâm hụt ngân sách lương hưu. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dự báo hệ thống hưu trí sẽ cạn tiền vào năm 2035. (Congluan.vn 15/3, Hoài Phương) Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04