Bản tin cải cách hành chính ngày 06/3/2023

16:9, Thứ Hai, 6-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        TPHCM: Không yêu cầu người dân nộp sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính

2.        Bà Rịa-Vũng Tàu bỏ hộ khẩu giấy: Thủ tục thuận lợi, người dân hài lòng

3.        Bình Định: Ngăn chặn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

4.        Bắc Giang tổ chức chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

5.        38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thủ tục hành chính

6.        Tốn kém, phiền hà đổi tên trung tâm đào tạo lái xe

7.        Bệnh viện “thở phào” với cải cách đấu thầu, mua sắm trang thiết bị

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

8.        Thật sự chấm dứt việc đòi giấy xác nhận cư trú

9.        Chất lượng xã hội mới là thước đo trình độ cán bộ

THẾ GIỚI

10.     Bài học từ thế giới không tiền mặt của Thụy Điển

 

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

TPHCM: Không yêu cầu người dân nộp sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp (TPHCM), Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 (Ban chỉ đạo) của quận trong chủ trì cuộc họp về phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, vào ngày 3-3. 

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Công an quận Gò Vấp cũng như một số bộ phận chức năng nêu rõ: Hiện nay hầu hết các cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ sở y tế trên địa bàn quận đã trang bị thiết bị đọc mã QR code trên căn cước công dân (CCCD). Qua đó, việc sử dụng CCCD trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), khám chữa bệnh đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu về cải cách TTHC, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Việc người dân cập nhật còn chậm; khai thác thông tin trên ứng dụng VNeID gặp khó khăn do nhiều người dân chưa cài đặt. Đặc biệt, việc xác nhận tình trạng hôn nhân (lần đầu tại địa phương) đối với người có nhiều nơi cư trú khác nhau còn nhiều bất cập…. Vì vậy, khi xác định thẩm quyền giải quyết căn cứ vào nơi cư trú gặp khó khăn hoặc không chính xác. 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị thành viên; UBND 16 phường và các ban ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về việc triển khai Nghị định 104, tuyệt đối không yêu cầu người dân xuất trình, nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi giải quyết thủ tục hành chính. 

Đối với các thủ tục cần thông tin nơi cư trú chính xác để xác định thẩm quyền giải quyết, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải thực hiện các phương thức khai thác, sử dụng thông tin về nơi cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 104. 

Trường hợp không thể khai thác hoặc dữ liệu không đầy đủ thì có thể yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về nơi cư trú. 

Chủ tịch UBND quận cũng yêu cầu cơ quan tiếp nhận, giải quyết TTHC cần hỗ trợ người dân thông qua phối hợp xác minh nhanh với Công an phường, tránh để người dân phải đi lại nhiều lần. Công an 16 phường khi tiếp nhận yêu cầu cần trả lời ngay hoặc không quá 3 ngày làm việc đối với trường hợp phải tra cứu dữ liệu tàng thư lưu trữ. 

Được biết, quận Gò Vấp hiện đã trang bị 37 thiết bị đọc mã QR code trên CCCD để sử dụng trong giải quyết các TTHC và khám chữa bệnh. Trong đó, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính UBND quận: 6 máy; Công an quận: 2 máy; UBND 16 phường: 16 máy; Bệnh viện quận Gò Vấp: 11 máy; Bênh viện Đa khoa Hồng Đức: 2 máy. (Công an TPHCM 05/3, Anh Tuấn)vd

Bà Rịa-Vũng Tàu bỏ hộ khẩu giấy: Thủ tục thuận lợi, người dân hài lòng

Không phải xuất trình sổ hộ khẩu giấy, chỉ cần căn cước công dân gắn chip đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính. 

Đến Bộ phận tiếp dân Công an thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để làm thủ tục đăng ký lưu trú, chị Phạm Thị Lý đến từ tỉnh Thái Nguyên không cần mang sổ hộ khẩu giấy như trước mà chỉ xuất trình căn cước công dân gắn chíp. Cán bộ công an sẽ đối chiếu thông tin thẻ căn cước công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm thủ tục cho chị chỉ trong vài phút. 

Trung tá Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Công an thị trấn Phước Hải cho biết: ''Đối với các thủ tục tạm trú, thường trú đều tiếp nhận và giải quyết theo Luật cư trú, không bắt buộc người dân phải xuất trình đầy đủ hộ khẩu''. 

Hiện tại, một số cơ quan ngoài nhà nước như ngân hàng, văn phòng công chứng... do chưa được kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hay trên trường thông tin của hệ thống này còn thiếu thông tin xác nhận hôn nhân nên khi giải quyết một số thủ tục vẫn yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận nơi cư trú, tình trạng độc thân do công an xã, phường, thị trấn thực hiện. 

Để giảm bớt phiền hà cho người dân, một số đơn vị, địa phương đã giao cán bộ tiếp nhận hồ sơ chủ động liên hệ với cơ quan công an để xác nhận thông tin, tránh để người dân phải đi lại nhiều lần. 

Để Luật cư trú 2020 thực sự đi vào cuộc sống, các đơn vị, địa phương kiến nghị các bộ, ngành Trung ương khẩn trương đồng bộ, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư và hộ tịch; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, phần mềm kết nối cho cấp cơ sở để khai thác, sử dụng, qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi giải quyết các thủ tục hành chính. 

Mời xem chi tiết trong video đính kèm tại link sau:

https://vtv.vn/xa-hoi/hieu-qua-bo-ho-khau-giay-thu-tuc-thuan-loi-nguoi-dan-hai-long-20230306053415595.htm

(Kênh VTV1 – Chào buổi sáng lúc 5h36 ngày 06/3)Về đầu trang

Bình Định: Ngăn chặn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã ký văn bản gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực năm 2023. 

Trong đó, chú trọng chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà qua thực tiễn thi hành và kết quả rà soát, thẩm tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy còn có mặt hạn chế, nhất là trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trọng tâm là thực hiện việc công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Điều 10 của Luật PCTN năm 2018 và các quy định pháp luật khác có liên quan; kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức. 

Thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường theo dõi tình hình thi hành pháp luật, giám sát, kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, nhất là việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra hành vi tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về PCTN trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách… 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Chánh Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện của các ngành, địa phương, định kỳ tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo; tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2022 theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. 

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện; nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để chỉ đạo xử lý - văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã ký nhấn mạnh. (Thanhtra.com.vn 06/3, Huyền Anh)Về đầu trang

Bắc Giang tổ chức chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. 

Kế hoạch nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách an sinh xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế; góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong chi trả chính sách an sinh xã hội cho người dân.  

Nâng cao năng lực cho các cán bộ, hiểu biết của người dân về Chính phủ điện tử, quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách và chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt. 

Đối tượng áp dụng gồm người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng (sau đây gọi chung là đối tượng). (Baobacgiang.com.vn 05/3, TS)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thủ tục hành chính

Theo ông Trương Đức Trọng, đại diện Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm đều phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn.  

Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch thông tin liên quan đến chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu còn thiếu vắng phương thức cung cấp thông tin toàn diện, dễ hiểu và dễ sử dụng. Thiếu vắng các hỏi đáp về các vấn đề thương mại quốc tế. Khó khăn khi tra cứu thông tin và hỏi đáp giải quyết vướng mắc trên cổng một cửa quốc gia. 

Về việc thực hiện các thủ tục hải quan, ông Trọng cho biết, mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục hành chính hải quan tương đối khác biệt. Doanh nghiệp lo ngại các quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi. Thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thời gian kiểm tra kéo dài và nội dung kiểm tra chồng chéo. Doanh nghiệp thường gặp trở ngại ở giai đoạn trước khi khai hải quan đối với mã xác nhận HS và ở giai đoạn khai hải quan với xác định giá trị hải quan. 

Riêng vấn đề thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành, theo ông Trọng, mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hoá ở mức trung bình. Không có thủ tục nào nhận được trên 70% được đánh giá tương đối dễ hoặc dễ thực hiện. Kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc tuân thủ hoặc dễ thực hiện chỉ đạt tối đa 66%. Không có khâu, quy trình nào nhận được từ 70% ý kiến doanh nghiệp trở lên đánh giá việc tuân thủ là dễ hay tương đối dễ. Khâu quy trình nộp hồ sơ đăng ký kiển tra là bước được doanh nghiệp nhìn nhận dễ tuân thủ nhất trong 4 khâu. Trong khi lấy mẫu kiểm tra là khâu doanh nghiệp thường gặp khó khăn hơn cả. 59% doanh nghiệp đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó trong quá trình tuân thủ kiểm tra chuyên ngành... 

Từ những vấn đề trên, VCCI khuyến nghị một số lĩnh vực cần tập trung cải thiện. Đối với cơ quan Hải quan, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan với tính ổn định, nhất quán, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận. Hài hòa các thủ tục hải quan phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Áp dụng đồng bộ các phương thức quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục từ khai hải quan, thông quan đến kiểm tra sau thông quan… 

Đối với các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành, cần tập trung cải thiện những lĩnh vực, khâu quy trình còn phiền hà như các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, rà soát hoạt động lấy mẫu kiểm tra vì đây là khâu doanh nghiệp thường phản ánh gặp khó khăn. Đồng thời giảm tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; trong đó, nghiên cứu giảm số mặt hàng và số lô thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, áp dụng đầy đủ và thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro, rà soát những điểm chồng chéo giữa các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành… 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật, các chính sách hiện hành về xuất nhập khẩu; tăng cường hiểu biết về công nghệ thông tin để ứng dụng hiệu quả hơn trong thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời, liên kết và tận dụng hiệu quả kênh hiệp hội doanh nghiệp. (TTXVN 06/3, Ngọc Quỳnh)Về đầu trang

Tốn kém, phiền hà đổi tên trung tâm đào tạo lái xe

"Tiến thoái lưỡng nan" là tình trạng mà nhiều trung tâm đào tạo lái xe đang gặp phải khi thực hiện các thủ tục đổi tên theo yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH. 

"Trung tâm dạy nghề" và "trung tâm đào tạo lái xe ô tô" phải đổi tên có cụm từ "giáo dục nghề nghiệp". Đó là yêu cầu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đối với các cơ sở liên quan. Thực hiện yêu cầu này, Trung tâm dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ Thành Đạt đã làm được một phần thủ tục, thì vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có kết luận, công văn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là trái pháp luật. 

Với các trung tâm đào tạo lái xe, việc đổi tên không chỉ là tên trên giấy phép mà theo đó còn rất nhiều thủ tục về chuyển đổi tài sản như xe cộ, đất đai. 

1 chiếc xe khi đổi tên sẽ phải thay đổi 3 loại giấy tờ gồm: đăng ký, đăng kiểm và bảo hiểm. Với 1 trung tâm hơn 100 chiếc xe như này nghĩa là tối thiểu phải thay đổi 300 loại giấy tờ. Trong khi mỗi lần làm thủ tục thay đổi chỉ được vài xe, đó là chưa kể phải thay đổi hàng loạt giấy tờ khác liên quan đến tỉnh, ngân hàng và đất đai. Điều này cho thấy hệ lụy từ 1 văn bản của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp 

Các trung tâm đào tạo lái xe cho rằng: việc giữ nguyên tên hay đổi tên không tác động gì đến hiệu quả công tác quản lý cũng như nhận biết mô hình, quy mô của đơn vị đào tạo lái xe. 

Theo thống kê, có khoảng 30% đơn vị đã và đang làm thủ tục đổi tên trong tổng số 242 trung tâm đào tạo lái xe thuộc diện phải đổi tên. Hiện, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa có thông tin hướng dẫn các đơn vị liên quan sau văn bản của Tổng cục này bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp kết luận trái pháp luật. 

Mời xem chi tiết trong video đính kèm tại link sau:

https://vtv.vn/xa-hoi/ton-kem-phien-ha-doi-ten-trung-tam-dao-tao-lai-xe-20230305200511348.htm

(Kênh VTV1 – Thời sự lúc 19h08 ngày 05/3)Về đầu trang

Bệnh viện “thở phào” với cải cách đấu thầu, mua sắm trang thiết bị

Quy định "3 báo giá" trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã được điều chỉnh. Đây là nội dung được các bệnh viện tâm đắc nhất trong Nghị quyết 30 vừa được Chính phủ ban hành. 

Trao đổi với VietNamNet, TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội), cho biết Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa ban hành đã tháo gỡ nhiều vấn đề mà các bệnh viện đang gặp phải về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.  

Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cũng cho hay quy định mới sẽ giúp gỡ dần khó khăn mà cơ sở này đang phải đối mặt trong suốt thời gian qua để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. 

Trong nhiều thay đổi được quy định tại Nghị quyết 30, một vấn đề được các lãnh đạo bệnh viện bày tỏ "rất tâm đắc" là không còn yêu cầu các cơ sở y tế cần phải có đủ "3 báo giá" khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế. 

Trước kia, để xây dựng giá của gói thầu, Thông tư 68 của Bộ Tài chính quy định có thể căn cứ vào nhiều tài liệu như tham khảo "3 báo giá" trong 90 ngày gần nhất, kết quả thẩm định giá, tham khảo giá các gói thầu tương tự trong tối đa 90 ngày... Trong số này, thẩm định giá từng là căn cứ được các bệnh viện sử dụng nhiều nhất để xác định giá gói thầu trang thiết bị, vật tư, thuốc. 

Sau những vi phạm của các công ty, nhân viên thẩm định, các cơ sở y tế chuyển sang hình thức "3 báo giá" để xây dựng gói thầu. Tại nhiều nơi, đây là hình thức được lựa chọn để xây dựng giá cho 70-80% các gói thầu. Tuy nhiên, một số bất cập phát sinh từ cách làm này, khiến nhiều gói thầu không thể xây dựng được giá. 

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho hay đơn vị này mới chỉ đấu thầu được 50-60% vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế. Số còn lại chưa thực hiện thành công chủ yếu do không có đủ 3 báo giá cho các hạng mục. 

"Nghị quyết 30 được ban hành chấp nhận những hạng mục không đủ 3 báo giá vẫn được đấu thầu sẽ giúp bệnh viện tháo gỡ được 70-80% vướng mắc", vị lãnh đạo chia sẻ với VietNamNet. 

Đồng quan điểm, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cho rằng "3 báo giá" là hình thức căn cứ phổ thông trong xây dựng giá. Việc bỏ quy định "3 báo giá" gỡ vướng tương đối nhiều cho các chủ đầu tư là bệnh viện.   

Phân tích về những thuận lợi do việc từ bỏ yêu cầu tham khảo "3 báo giá từ các nhà cung cấp khác nhau", Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, với Nghị quyết 30, bệnh viện được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền. 

Cơ chế này cũng giúp các bệnh viện đầu ngành cả nước như Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy... được triển khai và nâng tầm các kỹ thuật tiên tiến do có thể mua được các thiết bị rất quan trọng, chuyên sâu, lần đầu tiên vào Việt Nam mà chỉ có một nhà cung cấp, một báo giá.   

Ông Cơ cũng vui mừng nhận định trước đây, máy hỏng đành "đắp chiếu", với Nghị quyết 30, bệnh viện được mua linh kiện sửa chữa cho máy móc khi hỏng, không đợi "3 báo giá" để đấu thầu phần linh kiện này trong khi hãng độc quyền. Cơ sở y tế này sẽ nhanh chóng sửa chữa những thiết bị đang hỏng hóc, đắp chiếu để đưa vào phục vụ công tác khám, chữa bệnh. 

Theo nhận định của nhiều giám đốc bệnh viện, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa ban hành đã cơ bản giải quyết được những vấn đề mà các bệnh viện đang gặp phải về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, giúp công tác này được thuận lợi hơn. 

Một trong những căn cứ để xác định giá gói thầu là giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp. Nếu chỉ có 1 hoặc 2 nhà phân phối cung cấp báo giá, bệnh viện được sử dụng các báo giá đã nhận được để xây dựng giá gói thầu. 

Chính phủ cũng cho phép bệnh viện được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối với trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ đơn vị khác. Giá gói thầu được xác định dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư. 

Với quy định này, chia sẻ với VietNamNet, lãnh đạo một bệnh viện tuyến Trung ương cho rằng vẫn còn những tình huống gây e ngại như một đơn vị phân phối duy nhất báo giá cao gấp hơn 2 lần so với giá nhập khẩu (của chính sản phẩm đó) thì người mua có bị quy kết chuyện gây thiệt hại, hoặc bên phân phối có bị quy kết là "thổi giá" hay không. Do đó, Bộ Y tế cần ban hành hướng dẫn rất cụ thể, công khai minh bạch về vấn đề này để các bệnh viện hoạt động trơn tru.  

Đồng quan điểm, PGS Đào Xuân Cơ nhận định Nghị quyết 30, Nghị định 07 là những giải pháp mang tính cấp bách về trang thiết bị y tế, thuốc. Để giải quyết lâu dài vấn đề này, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần xây dựng thông tư hướng dẫn, văn bản pháp lý rõ ràng. 

Trong khi đó, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang bày tỏ sau trang thiết bị, những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm vật tư y tế với những khó khăn tương tự cũng sẽ dần được tháo gỡ. (Vietnamnet.vn 06/3, Võ Thu)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Thật sự chấm dứt việc đòi giấy xác nhận cư trú

Từ hai hôm nay, cơ quan chức năng không còn đòi hộ khẩu giấy, hoặc giấy xác nhận nơi cư trú nữa, nên cơ bản là không có phàn nàn của người dân - thông tin từ Trung tướng Tô Ân Xô. 

Hai hôm nay, là tính đến buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3.3. Với dân số 100 triệu người, và mỗi ngày có hàng trăm nghìn giao dịch, thủ tục hành chính, tướng Tô Ân Xô nói sẽ khó có thể tránh hết được những trục trặc, và ông mong người dân chia sẻ với cơ quan chức năng. 

“Khi xây nhà mới xong, việc vận hành chưa chắc đã thuần thục. Tôi nói vậy không phải để chối bỏ trách nhiệm của lực lượng công an nhưng rất mong người dân thông cảm" - người phát ngôn Bộ Công an bày tỏ, đồng thời cho biết Bộ Công an đã nhắc nhở nghiêm khắc và có biện pháp khắc phục. 

Phải nói là từ Chính phủ đến Bộ Công an đều đã có những nỗ lực tối đa để khắc phục những trục trặc, và rất kiên quyết trong việc dẹp bỏ tình trạng cán bộ hành chính các cấp đòi hỏi giấy xác nhận nơi cư trú khi làm thủ tục cho công dân. 

Đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cơ quan hành chính các cấp không được đòi người dân giấy xác nhận tình trạng cư trú. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong cuộc họp với các bộ ngành hôm 1.3 cũng đã đặt ra thời hạn “giữa tháng 3” để hoàn thành việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời “không được để tình trạng vì thủ tục mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân dù chỉ một ngày, một giờ”. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định: Chính phủ sẽ xử lý những địa phương gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân vì những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu giấy, giấy tạm trú. 

Việc “cơ quan chức năng không còn đòi hộ khẩu giấy, hoặc giấy xác nhận nơi cư trú nữa”, chính là kết quả của những động thái hết sức kiên quyết ấy. 

Nhưng kết quả ấy cũng cho biết rằng nguyên nhân của những “trục trặc”, những “đòi hỏi” hầu hết là từ đội ngũ cán bộ hành chính. Hoặc chưa quen với việc quản lý số, hoặc sợ trách nhiệm, muốn an toàn bản thân… nên vẫn đòi hỏi công dân phải xin giấy xác nhận cư trú. Một cách làm việc thực chất là “đẩy khó cho dân”. 

Có thể, sẽ vẫn còn những trường hợp đòi giấy xác nhận cư trú khi “việc vận hành ngôi nhà mới” chưa thể trơn tru ngay được. Vì thế, phải xử lý kỷ luật ngay và nghiêm những trường hợp đòi hỏi, gây khó cho dân. 

Chúng ta nói đến chính quyền số, công dân số thì cán bộ hành chính, đặc biệt là những người trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho dân - cũng không thể không “số”, hoặc chỉ trên báo cáo được. (Laodong.vn 05/3, Đào Tuấn)Về đầu trang

Chất lượng xã hội mới là thước đo trình độ cán bộ

Theo thống kê đến đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội có 401 công chức, viên chức có trình độ tiến sĩ. Nếu thống kê cập nhật năm 2023, chắc chắn số tiến sĩ còn cao hơn, chưa kể khoảng 12.000 cán bộ có trình độ thạc sĩ. 

Với một lực lượng công chức, viên chức có trình độ cao như hiện nay, Hà Nội tự tin sẽ làm được nhiều việc xứng tầm thủ đô, làm cho người dân hài lòng và tự hào. Nếu được như vậy thì hạnh phúc biết mấy. 

Còn người dân, doanh nghiệp lại hoàn toàn không quan tâm tới ông cán bộ nhà nước có bằng cấp gì, chính quyền phường, xã, quận huyện, thành phố có bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ. Việc học là của quý vị, bằng cấp cao là chuyện riêng của cá nhân quý vị. Điều mà người dân cần chính là chất lượng xã hội gồm những sản phẩm quản lý điều hành do chính quyền tạo ra. 

Cả một thành phố kẹt xe thường xuyên, triền miên năm này qua tháng khác là một thực tế không thể chối cãi. Người dân bước chân ra đường là sợ hãi vì nạn ùn tắc giao thông, đi làm trễ giờ, đi học cũng trễ giờ, thiệt hại của xã hội do thảm trạng này không thể tính hết. Vậy thì nhiều tiến sĩ, thạc sĩ để khoe à? 

Thủ đô Hà Nội còn bị tình trạng ngập lụt, mưa lớn là nước ngập, xe cộ bị giam hãm, người dân khổ sở vô cùng. Bao nhiêu năm không giải quyết được chuyện thoát nước, vậy thì nhiều tiến sĩ, thạc sĩ để trang trí hay sao? 

Hà Nội ngập rác, dơ bẩn, môi trường ô nhiễm, không khí ô nhiễm. Không dọn được rác để thành phố sạch sẽ như các nước văn minh, thì nhiều công chức có bằng cấp cao để làm gì? 

Người dân, doanh nghiệp đến cơ quan chính quyền, cán bộ giải quyết chậm chạp, thủ tục rườm rà, mất thì giờ và chi phí của người dân, thì nhiều tiến sĩ, thạc sĩ giải quyết gì? 

Vỉa hè của thủ đô bị lấn chiếm, mất trật tự, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, bao nhiêu năm không dẹp được, vậy thì nhiều tiến sĩ, thạc sĩ để cho oai à? 

Một bộ máy hành chính hiện đại, lành mạnh, trong đó bao gồm những cán bộ công chức có chuyên môn, làm việc chuyên nghiệp, giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả, phục vụ nhân dân tận tình, trách nhiệm. Đó mới là mục tiêu phải đạt tới, càng sớm càng tốt để cho dân nhờ. 

Hãy lấy các sản phẩm xã hội chất lượng cao và sự hài lòng của người dân làm thước đo trình độ của cán bộ, công chức, viên chức. Hãy bỏ đi những thứ hư danh, không thực chất, không tạo ra giá trị cho xã hội. (Laodong.vn 06/3, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Bài học từ thế giới không tiền mặt của Thụy Điển

Trong khảo sát gần đây, rất ít người Thụy Điển cho biết đã sử dụng tiền mặt trong 30 ngày trước đó và có tới 95% người từ 15-65 tuổi có ứng dụng thanh toán di động trong điện thoại. 

Bjorn Ulvaeus, thành viên của nhóm nhạc pop Thụy Điển ABBA, đã tham gia thế giới không tiền mặt sau khi con trai ông bị trộm. Bjorn Ulvaeus cho rằng việc bỏ tiền xu và tiền giấy sẽ khiến tội phạm và những kẻ trốn thuế gặp khó khăn đồng thời giúp ích cho các doanh nghiệp và ngân sách chính phủ.  

“Thụy Điển sẽ là quốc gia lý tưởng để triển khai không dùng tiền mặt. Tôi nghĩ đó sẽ là tương lai” - ông nói với Bloomberg năm 2014. Gần một thập kỷ sau, thành viên của ABBA gần như đã đạt được ước nguyện. 

Trong cuộc khảo sát gần đây, một số ít người Thụy Điển cho biết đã sử dụng tiền mặt trong 30 ngày trước đó, trong khi 95% người từ 15-65 tuổi đã tải ứng dụng thanh toán di động Swish, thuộc sở hữu của Danske Bank và Swedbank.  

Thanh toán qua điện thoại và quẹt thẻ thống trị hoạt động mua sắm, quyên góp cho người vô gia cư và quyên góp cho nhà thờ. 

Jonas Hedman của Trường Kinh doanh Copenhagen ước tính, các giao dịch tiền mặt đã giảm xuống còn 8% trong các khoản thanh toán kinh doanh vào cuối năm 2022. Năm năm trước đó, giao dịch tiền mặt cho các khoản thanh toán này là 18%.  

Bloomberg chỉ ra, Thụy Điển là nền kinh tế nhỏ, am hiểu công nghệ. Khi ở mọi nơi, mã QR thay thế thực đơn nhà hàng và chi tiêu trực tuyến tăng lên trong thời kỳ đại dịch, Thụy Điển - nơi lệnh phong tỏa ít nghiêm ngặt hơn - cũng vậy.  

Thêm vào đó, thành viên Ulvaeus của ABBA cũng đã đúng một vài điều: Tội phạm liên quan đến tiền mặt như trộm cắp, trốn thuế cũng giảm. Hoạt động chợ đen cũng bị thu hẹp. 

Tuy nhiên, rủi ro đã xuất hiện. Một là "đào thải" kỹ thuật số. Những người vô gia cư có thể nhận quyên góp qua thẻ, nhưng những người hưu trí và người tị nạn có thể bị loại ra ngoài lề bởi một thế giới không tiền mặt.  

Thêm vào đó, trở ngại khác xảy ra khi máy tính gặp sự cố và người dùng các hệ thống thanh toán kỹ thuật số ở Thụy Điển đã thực sự đối mặt với tình huống đó vào năm ngoái khi toàn bộ hệ thống ngừng hoạt động.  

Cây viết ở Lionel Laurent của Bloomberg Opinion chỉ ra, trong chuyến đi gần đây tới Brussels, Bỉ, ông đã ghé thăm một quán bar có hệ thống phục vụ không tiếp xúc, không dùng tiền mặt. Bar này yêu cầu khách hàng gọi đồ uống trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, khi một trục trặc công nghệ xảy ra, không có phương án dự phòng. 

Dễ bị tổn thương là một vấn đề khác. Chúng ta cảm thấy an toàn khi mang ít tiền giấy hơn trong túi vào đêm khuya, nhưng tội phạm cũng chuyển sang kỹ thuật số và dẫn tới những kiểu lừa đảo mới. Dữ liệu giao dịch ngày càng nằm trong tay các tập đoàn công nghệ lớn như Meta Platforms - hãng từng tìm cách tung ra tiền tệ riêng.  

Và trong thế giới mà tin tặc và các cuộc tấn công mạng có thể tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng, thanh toán cũng là một rủi ro. Câu trả lời để tránh kịch bản này là bảo vệ tiền mặt. Nhưng hành trình hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không đột ngột dừng lại. 

Chuyên gia Jonas Hedman của Trường Kinh doanh Copenhagen lưu ý, các công ty tư nhân rất muốn chuyển sang không dùng tiền mặt trong khi người tiêu dùng không thể có tác động nhiều để xoay chuyển tình thế bởi sự tiện lợi là thứ rất khó cưỡng lại. (Laodong.vn 06/3, Thanh Hà)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04