Bản tin cải cách hành chính ngày 09/3/2023

15:50, Thứ Năm, 9-3-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Yên Bái tạo thuận lợi cho người dân giao tiếp trực tiếp với chính quyền qua YENBAI-S

2.        TPHCM: Kiểm tra đột xuất người đứng đầu trong cải cách hành chính

3.        Hà Nội: Kiểm tra thực hiện cải cách hành chính qua môi trường số

4.        Bình Định thí điểm ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử trên tàu khai thác xa bờ

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

5.        Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đất đai

6.        Đẩy mạnh rà soát, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp

7.        Chấn chỉnh ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra quá mức cần thiết với doanh nghiệp

8.        Sửa đổi 5 thủ tục hành chính về nhà ở liên quan đến sổ hộ khẩu

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

9.        Đề xuất quy định mới về trợ cấp với cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã

10.     “Tổ đặc nhiệm” Bình Thuận phát hiện nhiều cán bộ vắng mặt trong giờ làm việc

THẾ GIỚI

11.     Kế hoạch cải cách bộ máy nhà nước của Trung Quốc gồm những gì?

 

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Yên Bái tạo thuận lợi cho người dân giao tiếp trực tiếp với chính quyền qua YENBAI-S

Với mục tiêu “Hướng tới sự hài lòng và hạnh phúc của người dân”, đầu tháng 3 vừa qua tỉnh Yên Bái chính thức đưa vào hoạt động thí điểm ứng dụng công dân số YENBAI-S trên địa bàn thành phố Yên Bái.  

Đây là ứng dụng trên thiết bị thông minh để người dân tương tác trực tiếp với các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái thông qua kênh phản ánh, góp ý, tiếp nhận thông tin và sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ công của chính quyền Nhà nước được nhanh chóng và thuận lợi hơn. 

Theo đó, Kế hoạch triển khai thí điểm ứng dụng công dân số YENBAI-S do ông Trần Huy Tuấn (Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái) ký ban hành ngày 16/01/2023, có 10 chức năng dành cho người dân và 02 chức năng dành cho chính quyền. Ứng dụng này được chính thức thí điểm triển khai tới người dân thành phố Yên bái từ ngày 01/03/2023. 

Trao đổi với báo chí về những tính năng ưu việt của ứng dụng, ông Nguyễn Đoạt (Giám đốc Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Yên Bái) dẫn chứng: Nếu như trước đây, người dân gặp phải vấn đề phát sinh trong đời sống, nhưng chưa biết phải gửi đến cơ quan nào và ai giải quyết, thì đến nay, người dân có thể phản ánh góp ý, tương tác trực tiếp với chính quyền trên app Công dân số. 

"Người dân, doanh nghiệp và du khách có thể phản ánh các vấn đề bất cập bằng cách gửi hình ảnh thực tế từ hiện trường hoặc nội dung phản ánh về một vấn đề cụ thể cho chính quyền một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Các phản ánh sẽ được Trung tâm Điều hành thông minh tiếp nhận và chuyển đến các cơ quan liên quan xử lý kịp thời, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính quyền và giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh" - ông Đoạt nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, ứng dụng cũng được tích hợp với Cổng dịch vụ công của tỉnh để người dân có thể thực hiện các dịch vụ công ngay trên App. Ngoài ra, người dân còn nhận được các thông báo, thông tin chính thống của chính quyền về hoạt động của chính quyền, thông tin thời sự, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh, phòng chống tội phạm, ứng cứu khẩn cấp cho người dân... để người dân nắm được thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng. 

Đặc biệt, người dân có thể tham gia mua sắm, bán hàng trên Chợ số của App YENBAI-S. Đây là công cụ cho phép người dân và doanh nghiệp có thể công bố các sản phẩm cần bán hoặc đăng thông tin nhà cung cấp cần mua các sản phẩm của tỉnh. Qua đó, không những quảng bá có hiệu quả các đặc sản nông nghiệp uy tín của tỉnh, các sản phẩm OCOP mà còn là điểm kết nối hiệu quả giữa người mua và người bán trên môi trường Internet qua điện thoại thông minh; tạo thói quen tiêu dùng mới, thanh toán không dùng tiền mặt, chia sẻ đồ dùng, giải cứu nông sản... tới đông đảo người dân. 

Đáng chú ý, trên App còn tích hợp nhiều tiện ích về y tế, giáo dục, du lịch, xử phạt giao thông để người dân dễ dàng nắm bắt những thông tin cơ bản về các cơ sở y tế, giáo dục, du lịch... trên địa bàn tỉnh; từng bước tích hợp các dịch vụ về y tế để người dân sử dụng, hướng tới người dân trong tỉnh có thể đặt lịch khám bệnh trực tuyến trên ứng dụng khi có nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở tế trên địa bàn tỉnh; nắm hệ thống bài giảng trực tuyến, kho học liệu cho học sinh, sinh viên, học bạ điện tử; thông tin về nhà hàng, khách sạn; cơ sở lưu trú; danh lam thắng cảnh; ẩm thực; đặc sản; văn hóa phong tục; các điểm xử phạt giao thông, quy định trật tự an toàn giao thông;... 

Nhờ những tiện ích thông minh trên App, người dân sẽ dễ dàng truy cập, sử dụng nhanh chóng, qua đó góp phần hướng tới nâng cao sự hài lòng và hạnh phúc của người dân. (Phapluatplus.vn 09/3, Phạm Quỳnh)Về đầu trang

TPHCM: Kiểm tra đột xuất người đứng đầu trong cải cách hành chính

UBND TP Thủ Đức (TPHCM) vừa tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2022 và triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2023 của TPHCM. 

Năm 2022, TP Thủ Đức hoàn thành 10/10 chỉ tiêu và 61/64 nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính; giải quyết hồ sơ đã tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và qua bưu điện đạt 98,9%, trong đó, 99,3% hồ sơ giải quyết đúng hạn.  

Thực hiện chủ đề năm 2023 của TPHCM, TP Thủ Đức xác định, công tác cải cách hành chính trên địa bàn phải tạo sự đột phá, nhất là giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp.  

Để đạt mục tiêu trên, Chủ tịch UBND TP Hoàng Tùng yêu cầu thường xuyên kiểm tra đột xuất trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác và kết quả thực hiện các chỉ tiêu cải cách hành chính. (Sggp.org.vn 09/3, Phương Uyên)Về đầu trang

Hà Nội: Kiểm tra thực hiện cải cách hành chính qua môi trường số

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023. 

Kế hoạch nêu rõ, kết quả kiểm tra cải cách hành chính là căn cứ quan trọng để xác định chỉ số cải cách hành chính của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã. Hoạt động kiểm tra bảo đảm đúng pháp luật, chính xác, khách quan và trung thực; tăng cường kiểm tra đột xuất, không báo trước, tập trung xác định rõ địa chỉ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước trên địa bàn, lĩnh vực được giao theo dõi, phụ trách. 

Theo kế hoạch, nội dung kiểm tra tập trung vào: Việc triển khai và kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ thành phố giao tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023; việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của cơ quan, đơn vị; việc khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong chỉ số cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị năm 2022 và qua các đợt kiểm tra cải cách hành chính và kiểm tra công vụ của thành phố năm 2022. Trong đó, ưu tiên việc kiểm tra các nội dung theo chuyên đề, kết hợp với các Đoàn kiểm tra chuyên ngành khác, tích hợp các kết quả kiểm tra để tránh chồng chéo, tiết kiệm thời gian, nguồn lực của thành phố. 

Hình thức kiểm tra gồm: Kiểm tra trực tiếp; kiểm tra thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; kiểm tra qua báo cáo. Thời gian kiểm tra từ tháng 3-2023 đến tháng 12-2023. (Qdnd.vn 08/3, Thế Truyền)Về đầu trang

Bình Định thí điểm ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử trên tàu khai thác xa bờ

Theo UBND tỉnh Bình Định, tỉnh đã có Quyết định số 567/QĐ-UBND về việc triển khai thí điểm Ứng dụng Hệ thống Nhật ký điện tử trên tàu khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2023. Việc triển khai thí điểm ứng dụng này giúp tiết kiệm thời gian của ngư dân, quản lý tốt sản lượng khai thác, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản. 

Theo quyết định, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các sở, ban, ngành liên quan triển khai chủ trương của UBND tỉnh về việc ứng dụng hệ thống nhật ký điện tử trên tàu cá khai thác xa bờ, tiến hành lựa chọn các tàu cá tham gia thí điểm. Đồng thời, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch vào các chương trình, hoạt động có liên quan tại các cơ quan, đơn vị, các địa phương. 

Theo kế hoạch đề ra, tỉnh Bình Định phấn đấu hết năm 2023 tất cả tàu cá tham gia thí điểm phải được các cơ quan quản lý Nhà nước và các Ban quản lý cảng cá công nhận Nhật ký khai thác bằng điện tử của tàu. Trước mắt, 100 tàu cá khai thác xa bờ sẽ được lựa chọn để làm thí điểm sau đó mới triển khai toàn bộ các tàu cá khai thác xa bờ còn lại.  

Từ nay đến hết tháng 3/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị và phần mềm quản lý trên tàu cá khai thác xa bờ; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn các chủ tàu đăng ký tham gia thí điểm; tiến hành lắp đặt thiết bị ghi nhật ký điện tử trên tàu cá khai thác xa bờ tham gia thí điểm. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu Chi cục Thủy sản (đơn vị quản lý tàu cá thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) theo dõi hoạt động khai thác và cách ghi Nhật ký bằng điện tử qua hệ thống phần mềm quản lý. Khi tàu cá về bán sản phẩm tại các cảng cá, Ban Quản lý các cảng cá in nhật ký khai thác đã điền đầy đủ thông tin để chủ tàu ký xác nhận vào. Ban Quản lý các cảng cá tiến hành kiểm tra, đối chiếu thực tế sản lượng khai thác của các tàu cá với sản lượng đã ghi trong Nhật ký khai thác điện tử. 

Việc thí điểm bắt đầu thực hiện từ tháng 4-10/2023, sau đó sẽ tổng kết đánh giá để tiến tới áp dụng rộng rãi. (TTXVN 08/3, Sỹ Thắng)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đất đai

Việc lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thực hiện nhằm bảo đảm đạo luật này là sản phẩm tập hợp trí tuệ của hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia rất tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 8/3 tại Hà Nội. 

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn các ý kiến đóng góp trực tiếp vào từng điều, khoản, mục dự thảo luật; cần làm rõ những điều kiện thuận lợi của dự thảo Luật để tất cả doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai công bằng, sử dụng, khai thác hiệu quả, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Phó Thủ tướng nêu một số chính sách cần lấy ý kiến cụ thể như: phương thức tạo và phát triển quỹ đất; các hình thức tiếp cận đất (đấu thầu, đấu giá, chỉ định, tự thỏa thuận…) bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, tránh rủi ro cho doanh nghiệp. 

Về vấn đề kinh tế đất đai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến phương pháp tính toán, định giá bởi nếu định giá đất đai không chính xác sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp do nguyên nhân chủ quan, duy ý chí. Hiện nay có 5 phương pháp định giá đất đai nhưng rất khó chính xác nếu không tạo được cơ sở dữ liệu rõ ràng, thống kê đầy đủ giá trị, hoạt động kinh doanh, từ đó xây dựng bảng giá đất sát nhất với giá trị thị trường trong điều kiện bình thường, ổn định, có sự điều tiết của Nhà nước và được cập nhật khi có biến động. 

Bảng giá đất sẽ là căn cứ thực hiện các hoạt động thu hồi, đền bù, sử dụng đất đai công bằng, minh bạch; đồng thời, điều hòa giá trị gia tăng từ đất đai, bảo đảm công bằng giữa người dân, nhà nước, doanh nghiệp cũng như giữa các khu vực, vùng miền, địa phương, thậm chí giữa các dự án có tính chất khác nhau. 

Đề cập đến các hình thức thu hồi đất đai hiện nay, Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo luật dự kiến mở rộng thêm một số khái niệm như: Nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất, phát triển cơ sở hạ tầng chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, bảo đảm điều kiện an toàn… 

Về nghịch lý “2 chính sách và 2 giá”, Phó Thủ tướng nêu, nếu doanh nghiệp tự thỏa thuận, với những dự án quy mô nhỏ, giá đền bù rất cao do lợi nhuận thu về lớn. Trong khi đó, những dự án quy mô lớn do nhà nước thực hiện thu hồi có giá đền bù thấp hơn do phải bảo đảm sự công bằng, các mục tiêu, kể cả về lợi ích kinh tế, vấn đề xã hội và lâu dài. 

Phó Thủ tướng cho hay, trên thực tế, chưa có doanh nghiệp tự thỏa thuận được giá đền bù thu hồi đất đối với dự án quy mô lớn, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng đất đai. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 được tiến hành bài bản, công phu với tinh thần vào cuộc từ sớm từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; có kế hoạch, lộ trình cụ thể, xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và đang tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; bảo đảm thận trọng kỹ lưỡng. 

Về vấn đề cụ thể được doanh nghiệp quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, sửa đổi Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất như các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trường hợp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân đồng thuận, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. 

Đồng thời, để thực hiện mục tiêu này cũng cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng các quy định về tài chính đất đai, giá đất, các hình thức giao đất, cho thuê đất (giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất trả tiền hằng năm)… (Nhandan.vn 08/3, Minh Dũng)Về đầu trang

Đẩy mạnh rà soát, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp

Chiều 08/03, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ đã chủ trì buổi họp của Ban chỉ đạo. 

Tại cuộc họp, Lãnh đạo Văn phòng Bộ Tư pháp đã quán triệt việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại Phiên họp thứ ba và Kế hoạch CCHC của Bộ Tư pháp năm 2023; tóm tắt dự thảo Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC của Bộ Tư pháp năm 2023. 

Cụ thể, để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, vừa qua, Bộ Tư pháp đã có văn bản quán triệt việc thực hiện kết luận nêu trên. Trong đó yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2603/QĐ-BTP ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch CCHC của Bộ Tư pháp năm 2023. 

Đẩy mạnh việc rà soát, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tạo đột phá trong công tác CCHC trên cơ sở bám sát các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, pháp luật của nhà nước; chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ CCHC, đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện tại các đơn vị, địa phương; khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ nợ đọng của năm 2022 (nếu có). 

Hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của đơn vị. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu CCHC, xây dựng Chính phủ điện tử được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Kế hoạch CCHC của Bộ Tư pháp năm 2023 gồm 07 lĩnh vực trọng tâm bao gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. 

Sau khi nghe quán triệt và báo cáo, các đại biểu đã thảo luận về việc thực hiện thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại Phiên họp thứ ba; việc thực hiện Kế hoạch CCHC của Bộ Tư pháp năm 2023; cho ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC của Bộ Tư pháp năm 2023; việc thực hiện Đề án 06 trong phạm vi Bộ Tư pháp. 

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Văn phòng Bộ rà soát các văn bản chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về CCHC, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ để kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo CCHC của Bộ chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ CCHC. 

Cục Công nghệ thông tin đề xuất các giải pháp, dự kiến nguồn lực đáp ứng yêu cầu để tham mưu phối hợp, triển khai tốt các nhiệm vụ Bộ Tư pháp được giao tại Đề án 06; có giải pháp xử lý các vướng mắc liên quan đến hệ thống thông tin mà các đơn vị thuộc Bộ phản ánh; chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị thử nghiệm kết nối liên thông hệ thống thông tin với một số địa phương, đặc biệt là trong việc số hóa sổ hộ tịch. 

Thứ trưởng cũng yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ phát huy tính chủ động trong triển khai các nhiệm vụ CCHC; Văn phòng Bộ tích cực theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ này để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu đặt ra. (Baophapluat.vn 08/3, Lê Hồng)Về đầu trang

Chấn chỉnh ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra quá mức cần thiết với doanh nghiệp

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, tiếp tục xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm. 

Theo nội dung Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh với tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Trên một số bảng xếp hạng quốc tế năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm trước, chất lượng môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực hơn. 

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta được cải thiện nhưng chưa bền vững, chất lượng, thứ hạng còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm; còn nhiều quy định của pháp luật chưa thống nhất, phù hợp và khả thi, còn nhiều điều kiện kinh doanh vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp, làm cho các nguồn lực chưa được khơi thông, sử dụng hiệu quả. 

Để tiếp tục thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tại Báo cáo 1463/BC-BKHĐT nêu trên; trong đó chú trọng một số nội dung sau: 

1. Tiếp tục xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó chú trọng vào các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu. 

2. Tích cực rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp; đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ. Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức đưa ra các yêu cầu bổ sung về hồ sơ, giấy tờ thực hiện thủ tục hành chính trái hoặc không có quy định. 

3. Đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết và nâng cao chất lượng, triển khai thực chất các dịch vụ công trực tuyến. Nhanh chóng áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính có tần suất sử dụng cao và đủ điều kiện. Tích cực hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

4. Cập nhật, công khai chính xác, đầy đủ, kịp thời quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan hoạt động kinh doanh được tham vấn, lấy ý kiến và phản hồi ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp trên Cổng. Đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp ý kiến, phản ánh các vấn đề vướng mắc, khó khăn, đề xuất kiến nghị chính sách để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

5. Đẩy mạnh tuyên truyền với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đường lối, chủ trương, chính sách và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về duy trì, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.  

6. Chấn chỉnh ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, quá mức cần thiết khi không có dấu hiệu vi phạm với mục tiêu hướng dẫn để doanh nghiệp thực thi pháp luật tốt hơn, không gây khó cho doanh nghiệp. 

7. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hằng quý thực hiện báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề này; hằng tháng cập nhật các thông tin liên quan (nếu có). 

8. Giao Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phát huy hiệu quả cao hơn nữa các trung tâm phục vụ hành chính công trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong đối thoại, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ. (Baodautu.vn 09/3, Như Trung)Về đầu trang

Sửa đổi 5 thủ tục hành chính về nhà ở liên quan đến sổ hộ khẩu

Bộ Xây dựng vừa có quyết định sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở liên quan đến bãi bỏ sổ hộ khẩu. 

Cụ thể, có 5 thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở đã được ban hành tại Quyết định số 705/QĐ-BXD ngày 11-6-2011 được Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung gồm: Thủ tục cho thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước; thủ tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (hai thủ tục này do Sở Xây dựng giải quyết); thủ tục giải quyết bán phần diện tích nhà, đất sử dụng chung đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất liền kề nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước quy định tại Khoản 2 Điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước quy định tại Khoản 3 Điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (ba thủ tục này cơ quan thực hiện giải quyết là UBND cấp tỉnh). Khi thực hiện các thủ tục hành chính trên, người dân không phải nộp sổ hộ khẩu. 

Việc sửa đổi, bổ sung 5 thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở trên theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21-12-2022 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. (Hanoimoi.com.vn 09/3, Phong Châu)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Đề xuất quy định mới về trợ cấp với cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, trong đó có đề xuất một số quy định mới đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập huyện, xã tự nguyện tinh giản biên chế. 

Tại dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và ý kiến của Bộ Chính trị cần ban hành chính sách đủ mạnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thoả đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tự nguyện tinh giản biên chế ngay, dự thảo Nghị định đề nghị bổ sung quy định mới về chính sách đối với đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian 6 tháng kể từ khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. 

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã ngoài hưởng các chính sách theo quy định thì sẽ được hưởng thêm mức trợ cấp. 

Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án như sau: Phương án 1, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1.800.000 đồng (bằng 01 tháng lương cơ sở áp dụng từ 01/7/2023). 

Riêng đối tượng có số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP thấp hơn so với lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu nêu trên. 

Ưu điểm của phương án này, ngoài trợ cấp tinh giản được hưởng thì mỗi người được thêm một mức trợ cấp bằng nhau. Nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 05 năm thì tối đa mỗi người được hưởng thêm mức trợ cấp là 108.000.000 đồng (60 tháng x 108.000.000 đồng). 

Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, mức trợ cấp chưa đủ lớn để khuyến khích đối tượng dôi dư nghỉ trước lộ trình giải quyết dôi dư của cơ quan có thẩm quyền. 

Phương án 2, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng. 

Riêng đối tượng có số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Nghị định số 135/2020/NĐ-CP thấp hơn so với lộ trình giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với tuổi nghỉ hưu nêu trên. 

Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, nếu lộ trình giải quyết dôi dư là 05 năm và hệ số lương trung bình là 4,65 thì trung bình mỗi người được hưởng trợ cấp khoảng 251.100.000 đồng (4,65 x 1.800.000 đồng x 1/2 x 60 tháng). Mức trợ cấp này sẽ khuyến khích được đối tượng tinh giản biên chế nghỉ trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp. 

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này, Ngân sách sẽ chi trợ cấp cho đối tượng này lớn; đồng thời, mỗi người sẽ có mức trợ cấp khác nhau dẫn đến có sự so sánh giữa các đối tượng. 

Căn cứ ưu điểm, nhược điểm của 02 phương án nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện theo phương án 1 để nhằm khuyến khích, hỗ trợ một cách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ ngay theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Anninhthudo.vn 09/3, An Nhiên)Về đầu trang

“Tổ đặc nhiệm” Bình Thuận phát hiện nhiều cán bộ vắng mặt trong giờ làm việc

Ngày 8-3, Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đề nghị chỉ đạo xử lý những công chức, viên chức vi phạm giờ giấc làm việc sau khi “tổ đặc nhiệm” kiểm tra đột xuất đã phát hiện. 

Theo đó ngày 28-2, “tổ đặc nhiệm” (Tổ Kiểm tra thành lập theo Quyết định 36/2023 của Giám đốc Sở Nội vụ) đã kiểm tra đột xuất việc thực hiện giờ giấc làm việc, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại phường Phú Thủy, Đức Long và Phú Tài (TP Phan Thiết). 

Thời điểm kiểm tra, Tổ kiểm tra ghi nhận một số trường hợp không có mặt tại cơ quan nhưng không rõ lý do. Cụ thể tại UBND phường Phú Thủy có các ông/bà: HTTH, Công chức Tư pháp – Hộ tịch; PTD, Chủ tịch Hội Phụ nữ; TNT, Chủ tịch MTTQ Việt Nam. 

Tại UBND phường Đức Long, các ông/bà LBH, Công chức Địa chính – Xây dựng; PTDT, Chủ tịch Hội Khuyến học; PTTS, Công chức Tư pháp – Hộ tịch cũng không có mặt tại nơi làm việc. 

Khi kiểm tra tại Bộ phận một cửa, Tổ kiểm tra ghi nhận công chức của các địa phương có tác phong, thái độ làm việc đúng mực, đảm bảo theo quy định, chưa phát hiện hành vi vi phạm. 

Kiểm tra ngẫu nhiên một số nội dung liên quan công tác cải cách hành chính cho thấy có một số tồn tại, hạn chế trong phục vụ người dân, tổ chức. Cụ thể, việc công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức chưa được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời. 

Việc sử dụng các trang thiết bị được đầu tư theo Đề án một cửa hiện đại chưa hiệu quả, một số đã bị hư hỏng nhưng không được sửa chữa kịp thời; các trường hợp giải quyết hồ sơ trễ hẹn chưa thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân, tổ chức... 

Từ đó, Sở Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND TP Phan Thiết chỉ đạo các phường Phú Thủy, Đức Long tổ chức kiểm điểm, làm rõ lý do vắng mặt và có hình thức xử lý phù hợp với các trường hợp nêu trên; đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định. 

Chỉ đạo các phường Phú Thủy, Đức Long, Phú Tài giải trình, làm rõ nguyên nhân các tồn tại, hạn chế được nêu để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục. 

Sở Nội vụ yêu cầu UBND TP Phan Thiết có văn bản báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị trên gửi về Sở Nội vụ trước 24-3. (Plo.vn 08/3, PN)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Kế hoạch cải cách bộ máy nhà nước của Trung Quốc gồm những gì?

Trung Quốc hôm thứ Ba vừa rồi đã công bố một kế hoạch cải cách sâu rộng đối với một loạt các tổ chức nhà nước, nhằm tăng cường năng lực khoa học, công nghệ, an ninh kinh tế và tài chính trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn. 

Kế hoạch cải cách thể chế sẽ tập trung vào việc tái cơ cấu Bộ Khoa học và Công nghệ (MST) và thành lập một cơ quan quản lý tài chính quốc gia. Nó cũng bao gồm các lĩnh vực từ quản lý dữ liệu và chăm sóc người cao tuổi đến quyền sở hữu trí tuệ và lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. 

Kế hoạch này đã được đệ trình vào thứ Ba tới Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, để thảo luận. 

Một trong những phần chính của kế hoạch được công bố vào thứ Ba là tái cấu trúc MST. Với việc chuyển giao các chức năng như hoạch định chính sách công nghệ nông nghiệp cho các bộ khác, MST sẽ được giao nhiệm vụ chủ yếu với vai trò lớn hơn trong việc cải thiện một hệ thống mới để tạo ra những đột phá về công nghệ cho nước này. 

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc sẽ thành lập một cơ quan quản lý tài chính quốc gia. Trực thuộc Hội đồng Nhà nước. Cơ quan này được đề xuất sẽ chịu trách nhiệm điều chỉnh ngành tài chính ngoại trừ lĩnh vực chứng khoán. 

Cong Yi, giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thiên Tân, cho biết: “Đợt cải cách thể chế này nhấn mạnh tầm quan trọng của đất nước đối với việc phòng ngừa rủi ro... Lĩnh vực tài chính trực tuyến đòi hỏi một hệ thống và cơ chế quản lý được nâng cấp”. 

Các chuyên gia lưu ý, ngoài sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường vốn Trung Quốc, tình hình địa kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng đòi hỏi phải tăng cường khả năng ngăn chặn và xoa dịu rủi ro để đảm bảo an ninh kinh tế và tài chính. 

Theo Tian Yun, một nhà quan sát kinh tế vĩ mô kỳ cựu, kế hoạch cải cách phù hợp với những cải cách thị trường đang diễn ra, nhằm thu hẹp khoảng cách pháp lý trong một số lĩnh vực như vấn đề nợ trong lĩnh vực bất động sản và đối phó với những rủi ro mới khi mở cửa tài chính tiếp tục mở rộng. 

Nhìn chung, kế hoạch cải cách là một nỗ lực rộng lớn hơn của giới lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc nhằm giải quyết những thách thức cả ngắn hạn và dài hạn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm cả những thay đổi về nhân khẩu học. 

Kế hoạch cải cách bao gồm những cải tiến đối với cơ chế chăm sóc người cao tuổi nhằm thực hiện chiến lược quốc gia chủ động đối phó với tình trạng già hóa dân số và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản để bao phủ tất cả người cao tuổi. 

Đây là đợt tái cấu trúc lớn nhất kể từ năm 2018, khi một cuộc cải tổ ảnh hưởng đến hơn 1,8 triệu nhân viên tại hàng chục cơ quan chính phủ. Là một phần của những cải cách đó, Ủy ban Giám sát Quốc gia đã được thành lập để giám sát công tác chống tham nhũng một cách rất mạnh mẽ. (Congluan.vn 09/3, Huy Hoàng)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

03