Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 18/7/2024

11:13, Thứ Năm, 18-7-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

1.        Giải ngân vốn đầu tư công, TP.HCM có cần tiếp tục phát động thi đua?

2.        Kiên Giang: Khó bán đất để lấy vốn để lấy tiền thực hiện dự án

3.        Bắc Ninh liệu có vào nhóm “đội sổ” giải ngân vốn đầu tư công năm 2024?

4.        Long An: Yêu cầu tập trung, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

5.        Quảng Ninh: 6 tháng mới giải ngân được 23% vốn đầu tư công

6.        Lâm Đồng giải ngân đầu tư công dưới đạt mức trung bình so với cả nước

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

7.        Bình Định mời gợi các nhà đầu tư ở châu Âu vào 5 lĩnh vực trụ cột

8.        Quảng Bình: Tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài

9.        Hải Dương dự kiến dành gần 1 tỷ USD đầu tư công năm 2025

QUẢN LÝ

10.     "Nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng, chữ viết xấu không đọc được"

11.     Bắc Ninh khởi tố mới 41 bị can liên quan tham nhũng

12.     Đồng Nai: Ra mắt tổ bảo vệ an ninh trật tự tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

13.     TPHCM: Cuối 2025, 70% hồ sơ hành chính được giải quyết trên nền tảng số

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Bắt tạm giam nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng

THẾ GIỚI

15.     Australia chống tham nhũng trong nghiệp đoàn hùng mạnh

16.     Philippines miễn thị thực để thu hút khách du lịch tàu biển

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Giải ngân vốn đầu tư công, TP.HCM có cần tiếp tục phát động thi đua?

Nhiều người còn nhớ câu chuyện TP.HCM từng phát động thi đua giải ngân đầu tư công vào năm 2023. Đến tháng 10/2023, sau khi giải ngân chỉ đạt 35,3% kế hoạch năm, UBND TP đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm mục tiêu mức giải ngân đạt 95%. Kết quả giải ngân sau đó cải thiện rõ rệt.

Trong 45/60 ngày đêm chiến dịch, TP.HCM đã giải ngân thêm 11.300 tỉ đồng, trung bình mỗi ngày hơn 250 tỉ đồng và mỗi tuần là hơn 1.750 tỉ đồng. Có tám quận, huyện được thư khen của chủ tịch UBND TP vì thực hiện hiệu quả, trong đó có địa phương đạt tỉ lệ giải ngân gần như tuyệt đối 99%.

Tuy nhiên hết đợt thi đua, tỉ lệ giải ngân của TP.HCM nói chung và nhiều cơ quan, đơn vị nói riêng trở lại làm việc cầm chừng. Thống kê của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, những ngày cuối quý 1/2024, do có sự thúc đẩy tinh thần làm việc nên có ngày giải ngân được 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đến tháng 4 và tháng 5/2024, bình quân mỗi tuần TP chỉ giải ngân từ 150 - 180 tỉ đồng.

Tại phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ (tháng 5-2024), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân 10 - 12% trong quý 1 và 30% trong quý 2 nhưng đến gần hết quý 2, tỉ lệ giải ngân mới gần đạt chỉ tiêu của quý 1.

Tháng 4, tháng 5, TP xác định mỗi tuần giải ngân 3.500 - 4.000 tỉ đồng, nhưng thực tế khối lượng chỉ khoảng 200 tỉ đồng/tuần. Đây là khối lượng rất thấp so với yêu cầu, thấp hơn nhiều lần so với đợt thi đua 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công, khi có ngày giải ngân 2.000 tỉ đồng.

Có ý kiến sau đó đề nghị TP.HCM cần có đợt phát động thi đua và kiểm tra, giám sát chủ đầu tư, nhà thầu để có được mức độ giải ngân cao.

Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: Năm 2024, TP được giao kế hoạch vốn đầu tư công là 79.263 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 11.511 tỉ đồng, đạt 14,5%. Đây là mức giải ngân đầu tư công thấp so với mức bình quân của cả nước.

Về nguyên nhân, ông Mãi cho rằng có yếu tố chủ quan. Thực tế tuy có điều hành quyết liệt, nhưng việc tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, thủ tục đầu tư, quyết toán... còn chậm, chưa đạt tiến độ.

Trong số vốn kể trên, có 28.000 tỉ đồng thuộc các dự án mới nên thủ tục kéo dài, chỉ có thể giải ngân ở sáu tháng cuối năm; có 22.000 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, chờ áp dụng Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1-8 nên cũng sẽ tập trung cho giải ngân ở sáu tháng cuối. Một số dự án có vốn lớn, vướng mắc pháp lý nên giải ngân chậm. Tổng số vốn này khoảng 60.000 tỉ đồng.

Sắp tới TP.HCM sẽ tăng cường giám sát đôn đốc hằng tuần; phân công các thành viên trong thường trực ủy ban chỉ đạo một số dự án lớn, còn vướng mắc. Chủ tịch UBND TP sẽ họp hằng tuần, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị. (Tuoitre.vn 17/7)Về đầu trang

Kiên Giang: Khó bán đất để lấy vốn để lấy tiền thực hiện dự án

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trần Hoài Nam, Trưởng Phòng Quy hoạch tổng hợp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, cho hay cái khó hiện nay là trong số vốn Trung ương giao có vốn bán đất để lấy tiền thực hiện dự án. Tuy nhiên hiện nay nguồn thu từ việc bán đất rất khó và nguồn thu từ hoạt động bán đất của người dân cũng khó do thị trường ảm đạm.

"Đây là tình hình chung khi giao dịch bất động sản khó khăn, dẫn đến không có nguồn thu rồi ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công", ông Nam nói.

 Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đến ngày 30/6, tỉnh đã giải ngân 2.044 tỉ đồng, đạt 36,24% kế hoạch. Dự kiến giá trị giải ngân đến 31/1/2025 là 5.516 tỉ đồng, đạt 97,8% kế hoạch.

Theo lãnh đạo tỉnh, trong những tháng đầu năm 2024, việc giải ngân chậm trễ là do chậm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các dự án. Việc này phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn đối với Luật Đấu thầu mới có hiệu lực.

Tiến độ nhiều dự án giao thông được bố trí vốn chuyển tiếp năm 2024 triển khai chậm, đa số vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguồn cát san lấp hiện nay rất khan hiếm và khó tiếp cận làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án.

Tại Cần Thơ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 24/6 là hơn 2.843 tỉ đồng, đạt hơn 34% kế hoạch vốn HĐND TP giao và đạt hơn 27% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy vậy, tỉ lệ tạm ứng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số giải ngân, hơn 1.318 tỉ đồng (chiếm 46,35%). Có 34 công trình thuộc nguồn vốn từ TP quản lý có tỉ lệ giải ngân 0%.

Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, giải pháp sắp tới là tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, thực hiện cụ thể hóa nhiệm vụ được giao trong việc phân công, phân nhiệm công việc rõ ràng. Đồng thời đánh giá khách quan, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào cuối năm. (Tuoitre.vn 17/7)Về đầu trang

Bắc Ninh liệu có vào nhóm “đội sổ” giải ngân vốn đầu tư công năm 2024?

Bắc Ninh hiện mới giải ngân được 1.042 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ 12,2% so với Kế hoạch vốn Chính phủ giao đầu năm.

Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng giao Kế hoạch vốn Ngân sách nhà nước 8.558 tỷ đồng; trong đó có hơn 1.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, hơn 3.600 tỷ đồng từ đấu giá sử dụng đất.

Phát biểu tham luận từ điểm cầu Bắc Ninh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cho biết, đến nay, Bắc Ninh chưa triển khai phân bổ được 2 nguồn trên.

Đến ngày 30/6, Bắc Ninh giải ngân được 1.042 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 12,2% so với Kế hoạch vốn Chính phủ giao đầu năm. Nếu không tính kế hoạch phát hành trái phiếu và tiền đấu giá sử dụng đất, Bắc Ninh giải ngân được 26,3%.

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ giải ngân đạt thấp do vướng mắc trong triển khai quy hoạch phân khu, giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất đai, thiếu vật liệu xây dựng…

Để đẩy nhanh tiến độ, Bắc Ninh thành lập 3 Tổ công tác chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng tiến độ cụ thể để rà soát, kiểm đếm và quy trách nhiệm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đôn đốc, có cơ chế thưởng – phạt đối với các đơn vị, cơ quan, cá nhân...; phấn đấu cuối năm 2024 giải ngân đạt từ 90% trở lên vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp thu và triển khai nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh sẽ quyết liệt chỉ đạo, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lại các dự án, nghiên cứu điều chuyển cán bộ giám sát dự án và có phương án xử lý những dự án chậm tiến độ.

Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát đánh giá, tham mưu khen thưởng những đơn vị tổ chức thực hiện tốt; phê bình, xử lý những đơn vị để tiến độ giải ngân đạt thấp do nguyên nhân chủ quan. (Congthuong.vn 17/7, Tâm An)Về đầu trang

Long An: Yêu cầu tập trung, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

UBND tỉnh Long An vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt các biện pháp, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các đơn vị có tỷ lệ thấp, phấn đấu đến cuối năm giải ngân đạt kết quả đề ra.

Theo ông Trương Văn Liếp - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, UBND tỉnh phân bổ hơn 9.913 tỉ đồng, đến ngày 3/7, đã giải ngân 4.568 tỉ đồng, đạt 46,1% kế hoạch. Trong đó, vốn tỉnh quản lý giải ngân 44,9% kế hoạch, vốn huyện quản lý giải ngân 50,1% kế hoạch. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2024, Long An đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 10/107 chủ đầu tư (CĐT) cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Mặc dù tỉnh có kết quả giải ngân nằm trong tốp đầu cả nước nhưng theo kế hoạch UBND tỉnh đề ra, đến hết quí II/2024, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt tối thiểu 50%. Hiện tại, trong 29 CĐT, có 11 CĐT giải ngân hơn 50% kế hoạch, 18 CĐT giải ngân dưới 50% kế hoạch (có 7 CĐT giải ngân từ 40-50% và 11 CĐT giải ngân dưới 40% kế hoạch).

Ông Liếp cho rằng, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cao hơn nhiều so với trung bình của cả nước nhưng hiện công tác này vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Đến nay, toàn tỉnh còn 11 Dự án (DA) khởi công mới chưa giải ngân; một số công trình chuyển tiếp có vốn lớn nhưng giải ngân còn thấp (dưới 30%); Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu mới được ban hành nên các CĐT mới bắt đầu triển khai, thực hiện các thủ tục đấu thầu các gói thầu khởi công mới làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân; vướng công tác giải phóng mặt bằng nên một số DA bị chậm; công tác phân bổ vốn cho các DA tạo quỹ đất sạch chưa có cơ chế cụ thể nên chưa phân bổ được vốn;...

Trên cơ sở đó, ông Liếp đề xuất, kiến nghị một số giải pháp trọng tâm: 1. Yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các địa phương, các CĐT nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 2. Đề nghị các CĐT có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân bảo đảm kế hoạch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 3. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu thực hiện điều chuyển vốn của các CĐT giải ngân không đạt theo kế hoạch sang các CĐT, công trình, DA có tỷ lệ giải ngân cao theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sở đề nghị một số CĐT khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 và đề nghị các CĐT hoàn thành thủ tục đầu tư DA đủ điều kiện phân bổ.

Đối với các công trình có thực hiện giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình do các sở, ngành tỉnh làm CĐT, Sở đề nghị UBND các địa phương thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Sở cũng đề nghị các CĐT rà soát, tham mưu UBND tỉnh giải pháp xử lý đối với những DA vướng giải phóng mặt bằng, bảo đảm DA hoàn thành theo tiến độ đã duyệt và giải ngân hết số vốn đã giao (nhất là các DA sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương đến năm 2024 đã hết thời gian bố trí vốn),... (Baolongan.vn 17/7, Sơn Quê)Về đầu trang

Quảng Ninh: 6 tháng mới giải ngân được 23% vốn đầu tư công

Trong văn bản giải trình tại kỳ họp thứ HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV (diễn ra từ ngày 8-10/7), Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết mặc dù chủ trương của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 giải ngân được 50% kế hoạch nhưng đến hết tháng 6, tỉnh mới giải ngân được 3.271 tỷ đồng vốn đầu tư công, chỉ bằng 23% kế hoạch HĐND tỉnh giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (26,7%).

Trong đó, TP. Hạ Long mới giải ngân được 387 tỷ đồng, đạt 12,5% so với kế hoạch giao cả năm (3.096 tỷ đồng, TP. Cẩm Phả 13 tỷ đồng, đạt 2,9% so với kế hoạch (460 tỷ đồng), TP. Móng Cái 102 tỷ đồng, đạt 16,7% so với kế hoạch (612 tỷ đồng), huyện Hải Hà 73 tỷ đồng, đạt 16% so với kế hoạch (457 tỷ đồng).

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho rằng do tính đặc thù của đầu tư công thường tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Thời điểm đầu năm, các chủ đầu tư thường tập trung vào việc thực hiện công tác thanh quyết toán kế hoạch vốn năm 2023, giải ngân vốn còn lại của năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024, đồng thời, hoàn trả số dư tạm ứng chuyển sang năm 2024.

Sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, các cấp ngành mất nhiều tháng để triển khai kế hoạch hoạt động, kế hoạch đấu thầu, kế hoach triển khai thực hiện, thi công để có khối lượng thực hiện tích luỹ, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng. Việc tạm ứng vốn hợp đồng hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm. Mặt khác, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu một số địa phương còn chậm vì hết tháng 2/2024 các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu mới được ban hành đầy đủ nên phải tầm tháng 6, tháng 7/2024 các dự án dự kiến mới được khởi công.

Bên cạnh đó là nguồn thu ngân sách địa phương trực thuộc tỉnh Quảng Ninh đảm bảo cho chi đầu tư phát triển gặp khó khăn do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất của các địa phương chưa thể triển khai thực hiện được, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải ngân của các địa phương. Tính đến 30/6/2024, số thu tiền sử dụng đất của một số địa phương đạt rất thấp như Cẩm Phả đạt hơn 51,8/1.000 tỷ đồng (đạt 5%), Vân Đồn hơn 25,4/700 tỷ đồng (đạt 4%), Đầm Hà hơn 4,1/100 tỷ đồng (đạt 4%).

Một nguyên nhân nữa là khó khăn vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án như việc chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đánh giá tác động môi trường, nhất là các dự án trên địa bàn TP. Hạ Long phải thực hiện rất nhiều thủ tục tại nhiều cơ quan từ địa phương đến trung ương dẫn đến kéo dài thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án.

Ngoài ra, Quảng Ninh có vị trí địa lý đặc thù với 50% là biển, 50% là đất liền, trong đó, có 80% diện tích là đồi núi. Vì vậy, hầu hết các dự án giao thông đều phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích rừng, chủ yếu tại các cơ quan trung ương. Thực tế, phải mất ít nhất khoảng 12 tháng mới hoàn thiện thủ tục…

Ngoài các nguyên nhân khách quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho rằng nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do các chủ đầu tư chưa rốt ráo, sự phối hợp giữa giữa chủ đầu tư với cơ quan chức năng chưa chặt chẽ trong xử lý các vướng mắc, khó khăn. (Vneconomy.vn 17/7, Đỗ Hoàng)Về đầu trang

Lâm Đồng giải ngân đầu tư công dưới đạt mức trung bình so với cả nước

Bộ Tài chính nhận thấy, tỷ lệ giải ngân của tỉnh Lâm Đồng chưa có nhiều chuyển biến, tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước trong tháng 6/2024.

Theo đó, đến hết ngày 31/5, chỉ có 3/6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt được mục tiêu đề ra (Đồng Nai đạt 18,81%, Bình Dương đạt 22,6%, Bình Phước Đạt 21,2%); 3 địa phương còn lại có tỷ lệ giải ngân thực tế đến hết 31/5/2024 không đạt được mục tiêu giải ngân đề ra (Bình Thuận chỉ đạt 13,72%, Gia Lai chỉ đạt 13,57%, Lâm Đồng chỉ đạt 16,49%).

Bộ Tài chính nhận thấy, tỷ lệ giải ngân của 3 địa phương Bình Thuận, Gia Lai, Lâm Đồn chưa có nhiều chuyển biến, tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước trong tháng 6/2024. Vì vậy, Bộ đề nghị các địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý dự án giao thông tỉnh khẩn trương rà soát 2 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, chủ động phối hợp đẩy mạnh tiến độ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 2 dự án, đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện và giải ngân vốn theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung theo dõi, bám sát các Bộ, ngành Trung ương để cung cấp hồ sơ, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khi có ý kiến từ các Bộ, ngành đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác… để đẩy tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư của dự án, đảm bảo điều kiện triển khai các thủ tục tiếp theo và giải ngân vốn theo quy định.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Đạ Tẻh tập trung chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các dự án tổ chức rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện của từng dự án; xây dựng các mốc thời gian hoàn thành của từng hạng mục; xây dựng cụ thể thời gian lập thủ tục thanh toán, giải ngân vốn; đảm bảo phải thực hiện hoàn thành kế hoạch đã được giao trong năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh

Đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư làm việc cùng các nhà thầu thi công rà soát toàn bộ tiến độ của từng hạng mục, từng dự án đang thi công; yêu cầu nhà thầu thi công lập cam kết tiến độ thực hiện, hoàn thành; lập các mốc thời gian hoàn thành từng công việc theo hợp đồng, đảm bảo giải ngân hết số vốn được bố trí cho dự án trong năm 2024; rà soát các khó khăn, vướng mắc của từng dự án được giao vốn ngân sách Trung ương năm 2024 (báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/7/2024).

Các địa phương kể trên được giao nghiên cứu các giải pháp, biện pháp triển khai phù hợp cho từng công trình, dự án do mình quản lý, phù hợp tình hình thời tiết để đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án, đảm bảo có khối lượng hoàn trả tạm ứng và thanh toán giải ngân vốn đã bố trí; tập trung, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án; chủ động liên hệ, phối hợp các sở, ngành có liên quan, theo dõi, bám sát và đôn đốc tiến độ giải quyết các thủ tục về công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai cho dự án.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Tổ trưởng Tổ công tác số 5) vào ngày 28/6/2024 gửi Thủ tướng về tình hình giải ngân đầu tư công của các địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình so với cả nước mà Tổ này theo dõi. (Đầu tư 17/7, Linh Đan)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Bình Định mời gợi các nhà đầu tư ở châu Âu vào 5 lĩnh vực trụ cột

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, từ ngày 12 -24/7, Đoàn công tác của tỉnh Bình Định xúc tiến đầu tư tại các nước châu Âu. Chuyến công tác này, Đoàn công tác của tỉnh Bình Định sẽ làm việc tại 3 nước là Hà Lan, Đức và Pháp.

Tại Hà Lan, vào sáng 15/7 (theo giờ Hà Lan), Đoàn công tác tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Tại Hội thảo, đại diện Tổng Công ty Becamex IDC và các thành viên đoàn công tác của tỉnh đã thông tin đến các đại biểu, các doanh nghiệp Hà Lan về tiềm năng, lợi thế của tỉnh; giới thiệu các cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào Khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt là chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các nhà đầu tư khi đầu tư Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thông tin về định hướng phát triển của tỉnh; quan hệ đầu tư, thương mại giữa tỉnh và Hà Lan, đồng thời, cho biết hiện Bình Định đang tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển đồng thời là thế mạnh của các doanh nghiệp Hà Lan như: cảng biển - logistics, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, chip bán dẫn, công nghiệp chế biến chế tạo…

Các doanh nghiệp Hà Lan tham dự Hội thảo đã giới thiệu, trao đổi chi tiết với các thành viên trong đoàn công tác của tỉnh Bình Định về các lĩnh vực tỉnh thu hút đầu tư, chính sách về thuế, lao động, lợi thế của Bình Định so với các địa phương khác trong khu vực…

Tại hội thảo, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, khẳng định với lợi thế là địa phương có vị trí chiến lược quan trọng trong liên kết vùng và giao lưu quốc tế, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều tài nguyên quý giá trải dài trên 134km đường bờ biển, cùng với kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hoàn thiện, đồng bộ, lực lượng lao động dồi dào, chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện.

Bình Định luôn mong muốn và tin tưởng rằng, trong thời gian tới sẽ trở thành "điểm đến lý tưởng" của các nhà đầu tư; có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Hà Lan đến Bình Định khảo sát thực tế, tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển các dự án, nhà máy, công trình… (Nguoiduatin.vn 17/7, Thu Dịu)Về đầu trang

Quảng Bình: Tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài

Với những nỗ lực trong công tác ngoại giao kinh tế, đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có 28 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định với tổng vốn đăng ký đầu tư 1,19 tỷ USD.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được tỉnh quan tâm và đạt nhiều kết quả khả quan, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời mở ra nhiều triển vọng và cơ hội hợp tác, đầu tư với các đối tác trên thế giới.

Để thúc đẩy hợp tác về kinh tế, tỉnh Quảng Bình đã tích cực gặp gỡ, làm việc với các cơ quan đại diện, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đi xúc tiến du lịch, đầu tư tại Pháp, Bỉ, Hà Lan. Qua đó, giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, điểm đến du lịch Quảng Bình, thúc đẩy hợp tác, đầu tư với các đối tác.

Mặt khác, tỉnh cũng phối hợp với Bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh của nước Lào hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Bình sang đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Lào, điển hình như tập trung hỗ trợ Công ty Cổ phần Đầu tư AMI Renewables Quảng Bình đầu tư triển khai Dự án Nhà máy Điện gió AMI Savannakhet với dự kiến quy mô công suất 1.220MW, tổng mức đầu tư trên 02 tỷ USD…

Với những nỗ lực trong công tác ngoại giao kinh tế, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 28 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định với tổng vốn đăng ký đầu tư 1,19 tỷ USD. Ước doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 60 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động, nộp ngân sách đạt khoảng 04 triệu USD. Qua đánh giá, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án đang diễn ra trong điều kiện bình thường mới, hiệu quả kinh doanh tốt.

Riêng trong 6 tháng, tỉnh đã thu hút được 01 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư hơn 187 tỷ đồng, tiếp nhận 10 dự án NGO với tổng vốn cam kết viện trợ hơn 824.000 USD.

Về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), năm 2024, tổng vốn ODA đã bố trí là 406.270 triệu đồng, trong đó vốn ODA ngân sách Trung ương cấp phát 247.670 triệu đồng; vốn vay lại 158.600 triệu đồng. Theo số liệu báo cáo của các chủ đầu tư, tính đến ngày 15/5/2024, các dự án ODA trên địa bàn tỉnh đã thực hiện và giải ngân từ nguồn vốn nước ngoài được 100.046 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh cũng thực hiện các thủ tục thu hút được 07 dự án vốn ODA.

Hiện nay, kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng khởi sắc, lưu lượng hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu đều tăng so với năm 2023. Để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh qua địa bàn, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, thực hiện thủ tục hải quan nhanh chóng, đúng quy định, không để xảy ra ách tắc tại cửa khẩu. (Baokiemtoan.vn 17/7, Đ.Khoa)Về đầu trang

Hải Dương dự kiến dành gần 1 tỷ USD đầu tư công năm 2025

Sở KH&ĐT Hải Dương cho biết, tỉnh điều chỉnh giảm 839 tỷ đồng của 7 dự án khởi công mới dự kiến hoàn thành, dự án thực hiện theo tiến độ kế hoạch của UBND tỉnh đã quyết định. Tỉnh cũng bổ sung tăng kế hoạch vốn thu sử dụng đất 5 năm 2021-2025 trên 4.037 tỷ đồng để có nguồn đầu tư, khởi công sớm một số dự án cần thiết.

Theo đó, Hải Dương dự kiến bổ sung tăng 8,3 tỷ đồng cho 1 dự án khởi công mới; bổ sung danh mục và phân bổ 2.335 tỷ đồng cho 13 dự án khởi công mới; hỗ trợ bổ sung có mục tiêu tổng số tiền là trên 1.684 tỷ đồng cho ngân sách cấp huyện và giao cấp huyện thực hiện 37 dự án.

Đối với năm 2024, lãnh đạo Sở KH&ĐT cho biết, theo tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, Hải Dương dự kiến điều chỉnh giảm 674 tỷ đồng của 11 dự án dư vốn, không có khả năng giải ngân hết vốn đã giao. Đồng thời, trích 358 tỷ đồng trong tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết để phân bổ cho các dự án có nhu cầu bổ sung. Trong đó, dự án cấp tỉnh đầu tư là trên 892 tỷ đồng (8 dự án), bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện là 140 tỷ đồng (3 dự án).

Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 (lần 9) do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức, các thành viên UBND tỉnh đã thống nhất với phương án điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 lần 5 (vốn cấp tỉnh quản lý).

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản thống nhất với phương án điều chỉnh và phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2024 lần 5.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương giao Sở KH&ĐT tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, địa phương để bổ sung thêm danh mục, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối mới một số dự án để triển khai thực hiện trong thời gian tới như: trung tâm hành chính tập trung, nút giao lên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng…

Để đảm bảo nguồn thu từ tiền sử dụng đất nhằm có nguồn lực đầu tư cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp, tập trung giải phóng mặt bằng các dự án đã lựa chọn nhà đầu tư để có căn cứ thu tiền sử dụng đất.

Đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu tổ chức đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đã có quy hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu nhà ở; kịp thời xác định nghĩa vụ tài chính và tổ chức thu tiền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao lập đề xuất chủ trương đầu tư, chủ đầu tư dự án được giao để sớm có đầy đủ điều kiện phân bổ kế hoạch vốn 5 năm 2021 - 2025 và hàng năm.

Đồng thời, giao chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án, bảo đảm chất lượng công trình và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các chủ đầu tư cũng cần có kế hoạch giải ngân và cam kết chịu trách nhiệm giải ngân theo kế hoạch… (Vneconomy.vn 17/7, Hà Lê)Về đầu trang

QUẢN LÝ

"Nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng, chữ viết xấu không đọc được"

Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) vừa cho biết, các cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước đang lưu trữ trên 8 triệu sổ đăng ký hộ tịch các loại, tương ứng với hơn 100 triệu dữ liệu hộ tịch. Theo kế hoạch, trước ngày 1/1/2025 phải hoàn thành số hóa dữ liệu, chuyển vào cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Đến nay, theo ông Hải, số sổ hộ tịch được số hóa trên 2,5 triệu với hơn 60 triệu dữ liệu; đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch trên 50 triệu dữ liệu. 16 địa phương thực hiện chậm và đang có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch như trên.

Đánh giá về những vướng mắc đang gặp phải, ông Hải cho rằng nhận thức của các cơ quan liên quan chưa chính xác, đầy đủ về nhiệm vụ số hóa. Còn xảy ra nhầm lẫn giữa số hóa sổ hộ tịch với nhập dữ liệu hộ tịch từ sổ hộ tịch trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Nhiều địa phương chưa được quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực, cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng. Công chức tư pháp - hộ tịch ở nhiều xã chưa được bố trí máy tính riêng để làm việc, không có máy scan nên phải sử dụng máy điện thoại để chụp, đính kèm trang sổ... Hệ thống thông tin quản lý, đăng ký hộ tịch điện tử dù đã được nâng cấp nhưng vẫn bị chậm, lỗi, từ chối truy cập…

"Quá trình số hóa cho thấy nhiều sổ hộ tịch có nhiều giai đoạn bị thiếu trường thông tin hoặc thông tin đồng bộ không chính xác như chức danh người ký, người đi khai, loại việc, giới tính. Sổ đăng ký hộ tịch còn rất nhiều sai sót do lỗi ghi chép của công chức hộ tịch, chữ viết trong sổ hộ tịch không đọc được do xấu và quá mờ. Nhiều quyển sổ rách, dẫn tới không đầy đủ thông tin, trùng lặp thông tin, số đăng ký lặp lại nhiều lần", ông Hải nêu thực tế.

Thậm chí, dữ liệu về đăng ký kết hôn nhưng không có ngày xác lập quan hệ hôn nhân; dữ liệu khai sinh không có ngày, tháng, năm đăng ký khai sinh; thiếu thông tin về dân tộc, về cha, mẹ hoặc năm sinh của cha, mẹ trong giấy tờ hộ tịch. Thông tin trong sổ khai sinh và giấy khai sinh không thống nhất..

"Nhiều sổ hộ tịch bị hư hỏng do nhiều yếu tố như côn trùng cắn, một số địa phương bị lũ lụt... Khi kiểm tra để scan trang sổ đính kèm thì sổ đã bị hư hỏng, rách nát không thể thực hiện được", ông Hải phản ánh.

Để giải quyết khó khăn, ông Hải nói Sở Tư pháp địa phương cần tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện đúng tiến độ. Quá trình số hóa, Sở Tư pháp tổng hợp, tháo gỡ kịp thời cả về kỹ thuật và nghiệp vụ hộ tịch.

Do có nhiều vướng mắc liên quan đến xử lý dữ liệu nên Sở Tư pháp cần là đầu mối thường xuyên trao đổi, phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực để xử lý kịp thời. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cũng sẽ tổ chức kiểm tra việc số hóa tại các địa phương, nhất là với các địa phương còn chậm tiến độ. (Dantri.com.vn 17/7, Thế Kha)Về đầu trang

Bắc Ninh khởi tố mới 41 bị can liên quan tham nhũng

Ngày 17/7, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Bắc Ninh tổ chức phiên họp thứ 9. Phiên họp này nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Theo báo cáo tại phiên họp, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo đã bám sát vào Chương trình công tác năm 2024, các chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh để chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và đạt được một số kết quả nổi bật.

Ban chỉ đạo đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát đối với 6 tổ chức Đảng, 14 đảng viên; thi hành kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 18 đảng viên, yêu cầu 1 đảng viên nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Chỉ đạo cấp ủy các địa phương, đơn vị kiểm tra, giám sát đối với 232 tổ chức Đảng và 1.017 đảng viên; thi hành kỷ luật đối với 3 tổ chức Đảng, 100 đảng viên. Chỉ đạo Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 6 tổ chức Đảng và 19 đảng viên; thi hành kỷ luật đối với 15 tổ chức Đảng, 44 đảng viên.

Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện 123 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý gần 25 tỉ đồng và 247 tổ chức, cá nhân.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo tỉnh đã đưa 1 vụ việc, 3 vụ án vào diện theo dõi, chỉ đạo; đưa 1 vụ án đã giải quyết xong ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo. Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với 2 vụ việc, 6 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo tỉnh đang theo dõi, chỉ đạo.

Đến nay, đã đưa 3 vụ án đưa ra xét xử sơ thẩm; 2 vụ án đã truy tố, chuyển Toà án để xét xử theo quy định; 1 vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án 2 cấp đã khởi tố mới 7 vụ/41 bị can, trong đó có 3 vụ/10 bị can xảy ra tại công ty, doanh nghiệp tư nhân; Kết luận điều tra 14 vụ/95 bị can; truy tố 18 vụ/90 bị can; xét xử 27 vụ/109 bị cáo; thu hồi hơn 97 tỉ đồng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng. (Laodong.vn 17/7, Trần Tuấn)Về đầu trang

Đồng Nai: Ra mắt tổ bảo vệ an ninh trật tự tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân

Ngày 17/7, phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa tổ chức ra mắt 6 tổ bảo vệ an ninh trật tự tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được thành lập sau khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đi vào hoạt động từ 1/7.

Tại buổi lễ, UBND phường Tân Mai ban hành quy chế hoạt động và giao Công an phường Tân Mai là lực lượng tham mưu nòng cốt trong triển khai thực hiện mô hình và thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả, định hướng hoạt động của mô hình bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đại tá Trần Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân tại phường Tân Mai là mô hình đầu tiên đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sau khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thành lập từ ngày 1/7.

Cùng với tham gia bảo vệ an ninh trật tự, lực lượng này sẽ góp phần hòa giải những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, không để phát sinh phức tạp. Sau khi triển khai tại phường Tân Mai, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai sẽ có những đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn tỉnh trong thời gian tới.

Cùng với cả nước, từ 1/7, tỉnh Đồng Nai đã thành lập 928 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại 928 ấp, khu phố với tổng số 4.264 thành viên. Trong đó, thành phố Biên Hòa có số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nhiều nhất là 200 tổ với 1.190 thành viên. (Nhandan.vn 17/7, Thiên Vương)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TPHCM: Cuối 2025, 70% hồ sơ hành chính được giải quyết trên nền tảng số

TPHCM sẽ cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử thành phố và phấn đấu đến cuối năm 2025 có 70% hồ sơ, thủ tục hành chính của thành phố sẽ được giải quyết trên nền tảng số. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vào chiều 16/7 tại Kỳ họp thứ 17 của HĐND thành phố khóa X.

Chia sẻ về công tác thực hiện chủ đề năm của TPHCM, ông Mãi cho biết, trong năm nay, thành phố đã tập trung thực hiện và đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực. Theo đó, thành phố đã thành lập được Trung tâm chuyển đổi số thành phố; HĐND TP đã ban hành nghị quyết về áp dụng mức phí 0 đồng với 98 thủ tục hành chính trực tuyến; hoàn thành rà soát cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số trên toàn thành phố; đưa vào vận hành một số nền tảng mới như hệ thống quản lý khiếu nại tố cáo, bản đồ thực thi thể chế, thư ký ảo; ban hành danh mục 45 cơ sở dữ liệu dùng chung và 91 tập dữ liệu mở...

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thời gian tới thành phố sẽ củng cố dữ liệu và phát triển kinh tế số, kinh tế dữ liệu. Thành phố đã cấp tài khoản định danh điện tử cho trên 9 triệu người dân (đạt 100%) và trong số này đã cấp gần 1,6 triệu chữ ký số (đạt khoảng 25%), tạo cơ sở quan trọng cho việc triển khai hành chính số trong thời gian tới.

6 tháng cuối năm 2024, thành phố sẽ triển khai kế hoạch hợp tác toàn diện với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng nền hành chính số, kinh tế số và một số nội dung của xã hội số trên địa bàn TPHCM.

Nhấn mạnh đến mục tiêu 70% hồ sơ hành chính được giải quyết trên nền tảng số vào cuối năm 2025, ông Mãi cho rằng, đó là một mục tiêu rất tham vọng nhưng Thành phố sẽ nỗ lực, tập trung thực hiện.

Song song với đó, phải khắc phục các điểm nghẽn của cải cách hành chính theo hướng hành chính số; triển khai các nền tảng thực thi hệ thống thông tin chuyên ngành như cấp phép xây dựng, quản lý đất đai, quản lý an sinh xã hội, hồ sơ sức khỏe điện tử, học bạ điện tử... mà vừa qua thành phố đã tận dụng kết quả của Đề án 06 về dữ liệu dân cư để phát triển các ứng dụng này. (TTXVN/VietnamPlus.vn 17/7, Xuân Khu)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bắt tạm giam nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng

Ngày 15/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.

Mở rộng điều tra vụ án, ngày 15/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh Cấm đi khỏi nơi cư trú, Lệnh khám xét đối với:

(1) Trần Ngọc Thuận (nguyên Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam) về tội "Nhận hối lộ" quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự;

(2) Nguyễn Thị Hồng (nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự;

(3) Võ Sỹ Lực (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự;

(4) Trần Thoại (thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. (VTV.vn 17/7)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Australia chống tham nhũng trong nghiệp đoàn hùng mạnh

Ngày 17/7, Australia tuyên bố sẽ làm trong sạch một trong những nghiệp đoàn quyền lực nhất ở nước này - Liên hiệp nhân viên ngành xây dựng, lâm nghiệp và hàng hải (CFMEU). Nghiệp đoàn này đang bị bủa vây bởi hàng loạt cáo buộc về các hành vi đe dọa bạo lực, tham nhũng và quan hệ mật thiết với tội phạm có tổ chức.

CFMEU đại diện cho hơn 100.000 công nhân trên toàn quốc trải rộng trong các ngành xây dựng, vận tải biển, lặn, gỗ, dệt may, quần áo và giày dép. Các phương tiện truyền thông địa phương thời gian gần đây đã phanh phui nhiều cáo buộc nghiêm trọng liên quan đến CFMEU. Trong đó, đáng chú ý là cáo buộc các quan chức cấp cao của nghiệp đoàn này nhận hối lộ để đổi công việc và trao đổi lợi ích với các băng nhóm đua môtô.

Bộ trưởng Bộ Việc làm và Quan hệ nơi làm việc Australia Tony Burke chỉ trích những hành vi nghiệp đoàn trên bị cáo buộc, đồng thời yêu cầu cảnh sát điều tra và truy tố bất kỳ hành vi phạm tội nào.

Ủy ban Công bằng Lao động, cơ quan trọng tài công nghiệp của Australia, được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của các chi nhánh của CFMEU ở các bang Queensland, Victoria và New South Wales liên quan các cáo buộc trên.

Theo các báo cáo của mạng truyền hình Nine Network, trong những năm gần đây, quan chức cấp cao của CFMEU thuộc lĩnh vực xây dựng đã qua lại với các nhân vật thế giới ngầm và đưa vào danh sách đen những công ty xây dựng không đáp ứng yêu cầu của các nhân vật này.

Bên cạnh đó, các báo cáo còn cáo buộc các lãnh đạo CFMEU đe dọa bạo lực đối với các nhà thầu hợp tác với các nghiệp đoàn đối thủ.

Thủ tướng Anthony Albanese nhấn mạnh: "Mục tiêu của chúng tôi là chấm dứt tham nhũng và các hoạt động không phù hợp".

Tuy nhiên, Thư ký quốc gia của Liên minh, ông Zach Smith, tuyên bố CFMEU có chính sách không khoan nhượng đối với tội phạm và sẽ nhanh chóng loại bỏ bất kỳ ai bị phát hiện tham gia hành vi tội phạm. (TTXVN 17/7, Lan Phương)Về đầu trang

Philippines miễn thị thực để thu hút khách du lịch tàu biển

Chính phủ Philippines hôm 16/7 đưa ra chính sách “miễn thị thực du lịch”, giúp việc nhập cảnh vào nước này dễ dàng và thuận tiện hơn đối với khách du lịch tàu biển.

Người nước ngoài đủ điều kiện có thể nộp đơn xin miễn trừ tại cổng dịch vụ điện tử của Cục Di trú (BI) (https://e-services.immigration.gov.ph). Bộ trưởng Du lịch Christina Frasco cho biết chương trình này sẽ thu hút nhiều khách du lịch tàu biển hơn, coi Philippines là điểm đến tiếp theo. Đây cũng là cam kết của chính quyền Tổng thống Philippines đối với việc số hóa và phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia của đất nước.

Bà Christina Frasco cũng khẳng định, đây là một “bước tiến lớn” đối với ngành du lịch tàu biển của Philippines vì nó thể chế hóa việc miễn thị thực cho hành khách đến thăm. “Việc dỡ bỏ rào cản nhập cảnh rất quan trọng đối với ngành du lịch của Philippines. Chương trình này được thực hiện với sự phối hợp của các bên liên quan. Chúng tôi sẽ có thể dự đoán được số lượng khách du lịch tăng khi các điều kiện thuận tiện cho việc nhập cảnh và tất nhiên cũng là các cơ hội về việc làm”.

Chỉ riêng năm 2023, Philippines đã đón được 123 lượt tàu ghé cảng, hơn 101.000 hành khách. Năm nay, Bộ Du lịch Philippines dự kiến ​​có ít nhất 117 chuyến ghé cảng, có thể thu hút hơn 118.000 du khách. Với việc thực hiện chương trình miễn thị thực du lịch, Philippines kỳ vọng lượng tàu ghé cảng sẽ tăng lên, đặc biệt là Philippines đang trên đường trở thành điểm đến ưa thích cho các chuyến du lịch tàu biển cấp cao với số lượng lớn. Tuy nhiên các biện pháp nghiêm ngặt đang được áp dụng để bảo vệ biên giới nước này.

Những người đủ điều kiện tham gia chương trình miễn trừ là du khách có thị thực đến và rời khỏi đất nước bằng tàu du lịch chỉ nhằm mục đích du lịch, và không có ý định đi chệch khỏi hành trình du lịch địa phương của tàu.

Việc miễn trừ chỉ áp dụng cho một lần nhập cảnh Philippines và có hiệu lực tối đa 14 ngày lưu trú tại quốc gia này. Thị thực không thể gia hạn và không thể chuyển đổi sang các loại thị thực hoặc giấy tờ khác tương đương. (VOV.vn 17/7, Phạm Hà)Về đầu trang./.

Các tin khác

09