Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 10/7/2024

16:44, Thứ Tư, 10-7-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Không để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy

2.        "Có lên, có xuống" là việc bình thường trong công tác cán bộ

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

3.        7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công 0%, Đồng Nai chỉ đạo “khẩn”

4.        Quảng Trị: Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP.

5.        Cà Mau khuyến khích doanh nghiệp trả lương cao hơn mức quy định.

6.        Bình Thuận đặt mục tiêu GRDP bình quân/người từ 7.800 - 8.000 USD

QUẢN LÝ

7.        Đề xuất bỏ quy định cặp vợ chồng chỉ “sinh một hoặc hai con”

8.        Đến năm 2025, Hà Nội sẽ giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

9.        Vũng Tàu: Côn Đảo cấm đốt vàng mã, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn chống mê tín dị đoan

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

10.     Công ty Cây xanh Công Minh trúng 600 gói thầu, trị giá hàng ngàn tỉ đồng

11.     Kỷ luật Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế

12.     Cho thôi chức vụ Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau đối với ông Trần Quốc Việt

13.     Hà Giang: Bắt Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Xín Mần

14.     Gia Lai: Sai phạm đất đai, chánh văn phòng ủy ban huyện bị khai trừ đảng

15.     Hòa Bình: Kỷ luật Đảng nhiều cán bộ xã

16.     Đồng Nai: Bắt 2 cán bộ huyện liên quan đường dây cá độ bóng đá

THẾ GIỚI

17.     Nga cho phép người dân đăng ký kết hôn bằng sinh trắc học. PAGEREF _Toc171450988 \h 15

TIÊU ĐIỂM

Không để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh điều này khi phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức sáng 9/7 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đối với Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, ông Cường yêu cầu mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần luôn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Quy định, nắm chắc, hiểu sâu Quy định 144.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa” theo chuẩn mực đạo đức cách mạng. Đồng thời, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, để nhân dân nhận thức rõ quyết tâm chính trị của Đảng trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh, toàn diện; tích cực tham gia giám sát việc cán bộ, đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng; đấu tranh loại bỏ các quan điểm, hành vi trái đạo đức cách mạng...

Đối với Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ông Cường yêu cầu cần tổ chức tốt việc quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, các quy định, hướng dẫn có liên quan của Trung ương và của cấp ủy cấp trên trực tiếp, bảo đảm để đảng viên trong toàn Đảng nắm vững, hiểu rõ, thực hiện đúng và đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

"Cần phải thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này, không chỉ đơn thuần đối với tổ chức một Đại hội Đảng mà đó là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, sự phát triển của đất nước" - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu lãnh đạo chuẩn bị tốt các dự thảo văn kiện trình đại hội; đồng thời, tổ chức tốt việc thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của cấp mình và cấp trên. Tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chỉ thị về chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng, đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định. Quá trình thực hiện phải làm đúng nguyên tắc, đúng quy trình, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong công tác lựa chọn, giới thiệu và bầu cử cấp ủy các cấp. Công tác chuẩn bị nhân sự phải chú ý cả về tiêu chuẩn, độ tuổi, cơ cấu và số lượng. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu, lựa chọn đúng người, trúng người trên cơ sở tiêu chuẩn và điều kiện. Người được giới thiệu ứng cử vào cấp ủy khóa mới phải là những người bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức, lối sống gương mẫu, trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm.

"Không để lọt những cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào cấp ủy. Đặc biệt là các cương vị chủ trì, chủ chốt ở các cấp" - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp đồng thời với lãnh đạo thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị gắn kết chặt chẽ với việc tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. (Laodong.vn 09/7, Vương Trần)Về đầu trang

"Có lên, có xuống" là việc bình thường trong công tác cán bộ

Nội dung này được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh khi quán triệt nội dung Quy định số 144-QĐ/TW của Trung ương về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, ngày 9/7 tại Hà Nội.

Trong đó, Quy định 144-QĐ/TW nêu cụ thể các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cần thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

"Đối với đảng viên, đạo đức là gốc và là nền tảng" - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh và dẫn lời Bác Hồ khẳng định: "Đó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, đó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người".

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, có nhiều chỉ thị, nghị quyết xây dựng đảng về đạo đức đã được ban hành và thể hiện tư duy mới.

Dù vậy, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra một số bất cập như công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự mẫu mực.

“Cá biệt, có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thậm chí, có cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý” - ông Nghĩa nêu.

Nguyên nhân căn bản, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, do sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên. Từ đó, ông nhấn mạnh bên cạnh việc bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức, cần có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh.

Ông Nghĩa thông tin thêm, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ khóa XI đến XIII, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quyết liệt thể hiện tinh thần phòng chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Minh chứng rõ nét là các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan hành vi sai trái diễn ra từ những năm trước và cả sai phạm mới phát sinh.

Đặc biệt, theo ông Nghĩa, có nhiều cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương đã bị khởi tố.

Điểm mới, theo ông Nghĩa, là từ khởi tố ban đầu về hành vi phạm tội kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu, làm rõ bản chất vụ án, khởi tố hành vi vi phạm về tham nhũng. Ông Nghĩa khẳng định, việc này đã tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, qua điều tra dư luận xã hội do Ban thực hiện, có trên 83% cán bộ, đảng viên, nhân dân khi được hỏi đều đồng tình phải kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn phân công, phụ trách.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tinh thần phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đưa việc "có lên, có xuống, có vào, có ra" dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ. Việc này, vừa thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn.

Ngoài ra, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp. (Laodong.vn 09/7, Vương Trần)Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công 0%, Đồng Nai chỉ đạo “khẩn”

Đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 14% kế hoạch, trong đó có 7 đơn vị giải ngân 0%.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn, đầu năm 2024, các đơn vị, địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã tiến hành ký kết giao ước thi đua về công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương đã cam kết đến thời điểm kết thúc quý II/2024 sẽ giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn. Tuy nhiên, ở thời điểm cuối tháng 5, số lượng đơn vị hoàn thành mục tiêu này rất ít.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5, chỉ có 5 đơn vị là các huyện Nhơn Trạch, Tân Phú; thành phố Long Khánh; Sở Y tế; Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi là có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50%. Đặc biệt, có 7 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là 0%.

Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 19,3 ngàn tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện từ năm 2023 chuyển sang năm 2024). Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2024, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn tỉnh mới đạt gần 2,7 ngàn tỷ đồng, đạt gần 14% kế hoạch. Một số dự án không thể hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2023, phải kéo dài sang năm 2024 do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.

Theo đại diện một số đơn vị chủ đầu tư, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn là công tác giải phóng mặt bằng để thi công các dự án, nhất là các dự án giao thông trọng điểm.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức thừa nhận, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Quyền chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương phải lập chi tiết kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Khi đã lập kế hoạch thì phải tuân thủ thực hiện kế hoạch của từng tháng, từng quý, tránh tình trạng đầu năm rảnh rang cuối năm phải chạy đua như những năm trước.

HĐND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu UBND tỉnh có giải pháp hiệu quả hơn, quyết tâm chính trị cao hơn trong chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án kéo dài nhiều năm nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Trong đó, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan; chỉ đạo rà soát các trường hợp nhà thầu thi công chậm hoặc hủy hợp đồng phải đấu thầu lại để có hình thức xử lý theo quy định. (Tienphong.vn 09/7, Mạnh Thắng)Về đầu trang

Quảng Trị: Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang ở mức thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo UBND tỉnh Quảng Trị, lý do là vì quá trình triển khai thực hiện đã gặp một số tồn tại, hạn chế. Điển hình là việc ban hành cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của Trung ương còn chậm, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Đơn cử, như Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 mà Nghị định và các văn bản hướng dẫn chậm ban hành, đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều dự án đầu tư công; các bộ quản lý chuyên ngành chậm ban hành quy định định mức đối với dự án không có cấu phần xây dựng, nên địa phương lúng túng trong quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án…

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án của một số chủ đầu tư chưa tốt, trình phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp, dẫn tới phải thực hiện điều chỉnh làm chậm quá trình thực hiện. Đặc biệt, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư của nhiều dự án.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Trị phấn đấu, trước ngày 31/12/2024 sẽ giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch năm 2024 và 100% kế hoạch năm 2023 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024. (Laodong.vn 09/7, Hưng Thơ)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Cà Mau khuyến khích doanh nghiệp trả lương cao hơn mức quy định

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau vừa có văn bản hướng dẫn việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng mới áp dụng từ ngày 1/7, theo Nghị định 74 ngày 30/6/2024 của Chính phủ. Theo đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu khi trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

Theo Nghị định 74, mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ mới sẽ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động , người sử dụng lao động tra cho người lao động theo vùng. Toàn tỉnh Cà Mau không có huyện thị nào thuộc vùng I, chỉ có vùng II trở đi.

Cụ thể, mức 4,41 triệu đồng/tháng, hoặc 21,2 nghìn đồng/giờ áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP. Cà Mau (thuộc vùng II).

Mức 3,86 triệu đồng/tháng, hoặc 18,6 nghìn đồng/giờ, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III gồm các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và Năm Căn.

Mức 3,45 triệu đồng/tháng hoặc 16,6 nghìn đồng/giờ, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV gồm các huyện: Thới Bình, Đầm Dơi, Phú Tân và Ngọc Hiển.

Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, doanh nghiệp có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp trong khu công nghiệp nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Đối với người lao động đang hưởng lương theo tuần, ngày, sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương đang trả không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc giờ do Chính phủ quy định. (Tienphong.vn 08/7, Tân Lộc)Về đầu trang

Bình Thuận đặt mục tiêu GRDP bình quân/người từ 7.800 - 8.000 USD

Ngày 8/7, ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - đã ký nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khoá XIV về lãnh đạo thực hiện quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh này đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 7,5-8%. Cơ cấu kinh tế, gồm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 44-48%; ngành dịch vụ chiếm 31-34%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 15-16% và thuế sản phẩm 5-6% trong GRDP của tỉnh Bình Thuận. GRDP bình quân/người đạt khoảng 7.800 - 8.000 USD.

Về xã hội, Bình Thuận sẽ duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 0,8%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7-3,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%. Nâng chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở đến năm 2030 là 30 m2/người. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 95%.

Bình Thuận sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế đến năm 2030. Trụ cột thứ nhất là công nghiệp với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành. Phát triển công nghiệp sản xuất điện, sớm trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia. Phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Trụ cột thứ hai là dịch vụ với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ logistics. Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt Khu công nghệ cao tỉnh Bình Thuận. Phát triển dịch vụ vận tải và logistics trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Cuối cùng là trụ cột nông nghiệp với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến. Xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bình Thuận cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ kinh tế truyền thống, kinh tế tuyến tính, kinh tế “nâu” sang phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ theo hướng tạo bước đột phá về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng với các biến đổi. (Tienphong.vn 09/7, Duy Quang)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề xuất bỏ quy định cặp vợ chồng chỉ “sinh một hoặc hai con”

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trên phạm vi cả nước. Dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.

Đây là thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số - văn bản pháp luật hiện hành quan trọng nhất về dân số quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".

Theo Bộ Y tế, trao quyền quyết định số lượng con cái cho các ông bố bà mẹ sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bộ Y tế cho biết dự luật hướng tới điều chỉnh mức sinh; giáo dục định hướng về hôn nhân và gia đình cho thanh niên. Chủ sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ dân số về kế hoạch hóa gia đình phù hợp với môi trường làm việc. Các cơ quan thực hiện chương trình hỗ trợ cho thành viên, người lao động sinh con, nuôi dạy con tốt.

Cơ quan soạn thảo cho rằng Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho người dân thực hiện chính sách. UBND các tỉnh thành tham mưu, trình HĐND hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

Theo thống kê, mức sinh cả nước đang giảm và chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng. Khu vực kinh tế, xã hội khó khăn có mức sinh cao - rất cao, trong khi ở đô thị mức sinh xuống thấp, có nơi thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đang lan rộng tại đô thị. (Vnexpress.net 09/7, Sơn Hà)Về đầu trang

Đến năm 2025, Hà Nội sẽ giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập

Theo kế hoạch mục tiêu đến 2025, TP Hà Nội phấn đấu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập của toàn thành phố; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Đến năm 2030, chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.

UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm viên chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch, chính sách khuyến khích xã hội hóa, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị ngoài công lập, nhà đầu tư tham gia, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế.

Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập…

Hà Nội cũng sẽ phấn đấu đến năm 2025, thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên đối với các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức khoa học công nghệ công lập hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và các đơn vị sự nghiệp kinh tế khác; Thực hiện tự chủ tài chính một phần đối với giáo dục mầm non và phổ thông... (Laodong.vn 09/7, Minh Hạnh)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Vũng Tàu: Côn Đảo cấm đốt vàng mã, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn chống mê tín dị đoan

 “Nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng Côn Đảo văn minh, xanh - sạch - đẹp”.

Đó là nội dung tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức, du khách không đốt vàng mã của chính quyền huyện Côn Đảo. Bởi vì, tình trạng đốt vàng mã hiện quá nhiều, trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 1.400 - 1.600 bộ vàng mã được hóa (đốt) tại các điểm di tích trên địa bàn huyện.

Trước hết là môi trường của Côn Đảo đang bị đe dọa, khói bụi độc hại, các loại chất thải đổ ra, ảnh hưởng đến nguồn nước, không khí, không chỉ con người mà động thực vật, sinh vật biển đều bị ảnh hưởng. Thứ hai là nguy cơ cháy nổ vì ở đâu cũng đốt vàng mã dễ dẫn đến mất kiểm soát. Xảy ra một vụ cháy sẽ khó lường hậu quả, không chỉ là nhà dân, cơ sở sản xuất, mà ở đây còn có vườn quốc gia và nhiều di tích lịch sử.

Thứ ba, nói không với đốt vàng mã, triển khai chương trình "Giỏ lễ xanh" cũng là cách thay đổi nhận thức về dâng cúng, không để lệch lạc, trở thành mê tín dị đoan. Có nhiều ý kiến phân tích, người dân và du khách dâng cúng, đốt vàng mã tại Nghĩa trang Hàng Dương, các điểm di tích trên địa bàn huyện ngày càng nhiều và đã xuất hiện các vấn đề bất cập, có biểu hiện bị lạm dụng, biến tướng sang các hình thức mê tín dị đoan.

Biến tướng sang các hình thức mê tín dị đoan là có thật, cho nên phải có biện pháp ngăn chặn, không thể để một xã hội văn minh tồn tại những hủ tục được khoác chiếc áo tín ngưỡng dân gian. Nhưng vấn đề đặt ra là chính quyền Côn Đảo có mạnh tay làm được việc này không, bởi vì đối với nạn đốt vàng mã, mê tín dị đoan, không phải dễ ngăn chặn hay hạn chế, dù ở các địa điểm di tích có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Từ ngày 1/7, UBND huyện Côn Đảo sẽ thực hiện “Nói không với cúng đốt hàng mã” tại các di tích gồm Miếu Cậu, Mộ 75 chiến sĩ, Miếu Thổ Địa, An Sơn Miếu, Chùa Núi Một, Miếu Ngũ Hành. Đã nói là phải làm và làm cho bằng được, ai vi phạm phải bị xử phạt. Nếu không dân sẽ "nhờn luật", chính quyền quy định mặc chính quyền, còn ai muốn đốt vàng mã vẫn cứ đốt.

Một tín hiệu đáng mừng là quan sát sau một tuần triển khai chương trình "Nói không với cúng đốt vàng mã" và "Giỏ lễ xanh", đã có nhiều du khách hưởng ứng, ủng hộ. (Laodong.vn 09/7, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Công ty Cây xanh Công Minh trúng 600 gói thầu, trị giá hàng ngàn tỉ đồng

Đại tá Nguyễn Tuấn Hưng, Cục Phó Cục Cơ quan An ninh điều tra (A09, Bộ Công an), cho biết có tới hơn 50 Công ty thuộc hệ sinh thái của Công ty Cây xanh Công Minh tham gia đấu thầu trên 600 gói thầu ở nhiều địa phương với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Tại buổi họp báo Bộ Công an chiều 8/7, Đại tá Nguyễn Tuấn Hưng, Cục Phó Cục Cơ quan An ninh điều tra (A09, Bộ Công an), cho biết liên quan đến vụ án Công ty Cây xanh Công Minh, căn cứ vào kết quả điều tra, ngày 8/5, A09 đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa và Nhận hối lộ. Hiện nay, cơ quan A09 chưa khởi tố bị can.

Theo đại tá Nguyễn Tuấn Hưng, kết quả điều tra đến nay, A09 xác định Công ty Cây xanh Công Minh đã thông đồng với chủ đầu tư để được tham gia vào các gói đấu thầu từng giai đoạn, lập dự án, xây dựng tổng mức đầu tư. Sau khi giá thầu được phê duyệt, Công ty Cây xanh Công Minh được chỉ định trúng thầu hoặc sử dụng các công ty thuộc Công ty Cây xanh Công Minh tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Kết quả rà soát có hơn 50 công ty thuộc hệ sinh thái của Công ty Cây xanh Công Minh tham gia đấu thầu trên 600 gói thầu ở nhiều địa phương với số tiền trúng thầu lên tới hàng ngàn tỉ đồng. A09 đang tập trung điều tra, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, xác định thiệt hại, đồng thời thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước.

Đại diện A09 cũng đề nghị các tổ chức cá, nhân, chủ động trình báo các tài liệu, hồ sơ liên quan, chủ động khai báo sai phạm liên quan đến Công ty Cây xanh Công Minh để hưởng khoan hồng của Nhà nước. (Nld.com.vn 09/7, Nguyễn Hưởng)Về đầu trang

Kỷ luật Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế vừa có kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Chi ủy Cục Thi hành án dân sự tỉnh; Bí thư, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh và 2 Chi ủy viên, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Theo đó, sau khi xem xét báo cáo kết quả của Đoàn kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhận thấy: Chi ủy Chi bộ Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cá nhân được kiểm tra vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thiếu trách nhiệm trong tham mưu Chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo để Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước và của Tổng cục Thi hành án dân sự về công tác tiếp nhận, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thiếu trách nhiệm tham mưu Chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập tại Cơ quan Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Những vi phạm trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín hoạt động của tổ chức Đảng, ngành Thi hành án dân sự, gây dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật Đảng. Trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Chi ủy Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và ông Ngô Thanh Cường, Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.

Căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, đối chiếu quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế quyết định thi hành kỷ luật: Khiển trách đối với Chi ủy Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và ông Ngô Thanh Cường, Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế; 2 Chi ủy viên, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh có vi phạm nhưng chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật, đề nghị nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. (Laodong.vn 09/7, Phúc Đạt)Về đầu trang

Cho thôi chức vụ Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau đối với ông Trần Quốc Việt

Sở Nội vụ Cà Mau vừa có quyết định cho thôi chức vụ Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Cà Mau của ông Trần Quốc Việt; đồng thời bố trí ông Việt giữ chức phó giám đốc trung tâm này.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Cà Mau cũng có quyết định phân công ông Định Anh Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử, phụ trách trung tâm.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Cà Mau có kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính tại Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh này. Thanh tra đã chỉ ra một số vi phạm và đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm tại trung tâm sang cơ quan điều tra.

Sau khi nhận hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã tiến hành xác minh. Cũng từ kết luận thanh tra, Hội đồng kỷ luật Sở Nội vụ Cà Mau đã kỷ luật cảnh cáo ông Trần Quốc Việt - Giám đốc trung tâm, và bà Đinh Thị Cẩm Nhung - kế toán trung tâm. (Tienphong.vn 09/7, Tân Lộc)Về đầu trang

Hà Giang: Bắt Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Xín Mần

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tứ (SN 1974), Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Xín Mần và Đinh Đức Minh (SN 1988, cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Xín Mần), để điều tra về hành vi vận chuyển hàng cấm.

Kết quả điều tra xác định: Từ năm 2021 đến ngày 7/4/2024, Tứ và Minh thực hiện công tác giám sát hải quan đối với lô hàng thuốc lá điếu. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, Tứ đã chỉ đạo Minh "tạo điều kiện" cho Mạch Đức Hải (SN 1980, trú tại Quảng Ninh - cũng là bị can trong vụ án) cùng đồng bọn thực hiện hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu thành phẩm, qua biên giới sang Trung Quốc.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 7 bị can về tội vận chuyển hàng cấm. Vụ án đang được điều tra mở rộng. (Anninhthudo.vn 09/7, H.Q)Về đầu trang

Gia Lai: Sai phạm đất đai, chánh văn phòng ủy ban huyện bị khai trừ đảng

Huyện ủy Chư Prông vừa thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ đảng đối với ông Nguyễn Tiến Tạo - Chánh văn phòng UBND huyện Chư Prông.

Theo Huyện ủy Chư Prông, sau khi thi hành kỷ luật đảng, các cơ quan chức năng đang xem xét hình thức xử lý tương ứng về mặt chính quyền đối với ông này.

Trước khi ông Tạo bị khai trừ đảng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành cáo trạng truy tố ông và các bị can liên quan trong vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra trong quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án hồ thủy lợi Ia Mơ.

Theo cáo trạng, năm 2016 huyện Chư Prông triển khai việc thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư phục vụ dự án hồ chứa nước Ia Mơ giai đoạn 2.

Quá trình thực hiện, cơ quan chức năng huyện Chư Prông đã để xảy ra sai phạm trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư trái quy định cho 11 hộ dân, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Thời điểm trên, ông Tạo là phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông, được giao nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định hồ sơ bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, ông Tạo không kiểm tra căn cứ thể hiện nguồn gốc đất, không kiểm tra điều kiện chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ.

Do đó, không phát hiện 11 hộ dân là công nhân đội 4, Trung đoàn 710 không đủ điều kiện được bồi thường. Từ việc tắc trách nêu trên dẫn đến bồi thường sai quy định, làm thiệt hại tiền nhà nước với tổng số tiền hơn 910 triệu đồng.

Ông Tạo cùng 7 người khác bị Công an tỉnh Gia Lai khởi tố bị can về tội danh "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ông bị cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra kể từ khi bị khởi tố cho đến nay. (Tuoitre.vn 09/7, Tấn Lực)Về đầu trang

Hòa Bình: Kỷ luật Đảng nhiều cán bộ xã

Ban Thường vụ Huyện ủy Lương Sơn vừa quyết định thi hành kỷ luật Đảng bằng hình thức khai trừ Đảng đối với Chủ tịch UBND xã Nhuận Trạch; cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn do đã thực hiện nhiều sai phạm.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2024, qua báo cáo của Đoàn kiểm tra, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Lương Sơn nhận thấy BTV Đảng ủy xã Lâm Sơn (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo thực hiện chưa đúng quy định pháp luật về sử dụng Ngân sách nhà nước; để UBND xã, Chủ tịch UBND xã thực hiện không đúng dự toán ngân sách được giao, gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước.

Căn cứ các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, BTV Huyện ủy quyết định thi hành kỷ luật BTV Đảng ủy xã Lâm Sơn (nhiệm kỳ 2015 - 2020) bằng hình thức Khiển trách.

Cũng tại phiên họp, BTV Huyện ủy nhận thấy BTV Đảng ủy xã Thanh Lương (nhiệm kỳ 2010 - 2015) chưa thực hiện nghiêm quy chế, quy định làm việc; chưa ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng đất đai; Buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến công tác quản lý đất đai của UBND xã Thanh Lương (từ năm 2010 - 2011) xảy ra các sai phạm.

Căn cứ các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, BTV Huyện ủy đã quyết định thi hành kỷ luật BTV Đảng ủy xã Thanh Lương (nhiệm kỳ 2010 - 2015) bằng hình thức Khiển trách.

Cùng với đó, BTV Huyện ủy Lương Sơn đã cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Xuân Cường - Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn và ông Quách Công Thinh - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy (nhiệm kỳ 2010 - 2015), nguyên Chủ tịch UBND xã Thanh Lương (nhiệm kỳ 2011 - 2016).

Cụ thể, với vai trò Ủy viên BTV Đảng ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Phó Chủ tịch UBND xã (nhiệm kỳ 2016 - 2021); Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn đã cùng với lãnh đạo UBND xã đề xuất với BTV Đảng ủy thống nhất cho chủ trương không đúng quy định về sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện không đúng dự toán ngân sách được giao.

Đối với cá nhân ông Quách Công Thinh đã xác nhận các hợp đồng cho thuê đất của thôn Xuân Him, xã Thanh Lương không đúng thẩm quyền, trái quy định của Pháp luật; chỉ đạo thu, sử dụng tiền cho thuê đất không đúng quy định. Vi phạm Điểm a, Khoản 2, Điều 42, Quy định 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị “Làm trái quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất”.

Ngoài ra, cũng khai trừ Đảng với ông Hoàng Văn Thống - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhuận Trạch do đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao chỉ đạo, thực hiện làm trái quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương gây hậu quả rất nghiêm trọng. (Tienphong.vn 09/7, Trần Trọng) Về đầu trang

Đồng Nai: Bắt 2 cán bộ huyện liên quan đường dây cá độ bóng đá

Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai bắt 2 cán bộ ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh huyện Tân Phú. Theo đó, 2 cán bộ bị bắt gồm Trần Văn Hưng và Trịnh Thế Vinh. Cả hai bị bắt để điều tra về việc có liên quan đến đường dây cá độ bóng đá.

Trước đó, lực lượng công an cũng triệt phá thành công nhiều đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Mới đây nhất, ngày 9/7, Công an tỉnh Nam Định phối hợp cùng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá đường dây cá độ bóng đá với số tiền lên đến 150 tỉ đồng. Trong đó, hai nghi can cầm đầu là Trần Văn Vinh (29 tuổi) và Đỗ Trung Quân (28 tuổi).

Theo điều tra, từ đầu mùa giải Euro 2024, Vinh và Quân chung nhau cả trăm triệu đồng để mua tài khoản cá độ bóng đá cấp Agent. Sau đó chia cắt làm nhiều tài khoản đánh bạc lẻ (cấp Member) cho các con bạc.

Qua thống kê, tính từ ngày 14/6 cho đến khi bị bắt, tổng số tiền giao dịch trong đường dây cá độ bóng đá của những người này là 150 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 8/7, Công an tỉnh Gia Lai triệt phá đường dây cá độ bóng đá mùa Euro với quy mô giao dịch 40 tỉ đồng. Ngày 6/7, Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) triệt xóa thành công một đường dây cá độ bóng đá qua mạng với tổng số tiền giao dịch hơn 20 tỉ đồng… (Tuoitre.vn 09/7, Hà Mi)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nga cho phép người dân đăng ký kết hôn bằng sinh trắc học

Bộ Tư pháp Nga phát triển dịch vụ đăng ký kết hôn bằng sinh trắc học, giúp người dân đơn giản hóa thủ tục và giấy tờ khi đăng ký kết hôn.

Theo Hãng thông tấn Nga RIA, ngày 8/7, Phó thủ tướng Nga Dmitry Grigorenko đã chỉ đạo Bộ Tư pháp Nga phối hợp Bộ Phát triển kỹ thuật số, Cục Thuế Liên bang Nga (FTS) và Trung tâm Công nghệ sinh trắc học (CBT) phát triển dịch vụ đăng ký kết hôn bằng sinh trắc học mà không cần nộp hồ sơ, giấy tờ phức tạp.

Chỉ đạo của ông Grigorenko cũng vạch ra quá trình xây dựng một lộ trình rõ ràng về việc sử dụng sinh trắc học trong đăng ký kết hôn, trong đó bao gồm các giai đoạn phát triển và thời điểm triển khai dịch vụ. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết chưa được công bố rộng rãi đến truyền thông và công chúng Nga.

Ngoài đăng ký kết hôn, người dân Nga có thể sử dụng hệ thống sinh trắc học của mỗi khu vực thuộc Liên bang Nga trong quá trình đăng ký hộ tịch, thay đổi họ tên, xác lập quan hệ cha con, thay vì phải xuất trình hàng loạt giấy tờ cá nhân như trước đây.

Sau khi dịch vụ sinh trắc học này được ra mắt, công dân Nga có thể chọn sử dụng giấy tờ tùy thân hoặc thông tin sinh trắc học khi làm một số giấy tờ dân sự. (Tuoitre.vn 09/7, Uyên Phương)Về đầu trang./.

Các tin khác

09