Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 27/02/2024

9:5, Thứ Ba, 27-2-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Hàng loạt giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

2.        TPHCM: Đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công quý I không thấp hơn 12% ​

3.        Bình Thuận sẽ họp kiểm điểm đánh giá các chủ đầu tư giải ngân thấp

4.        Quảng Ngãi kiên quyết xử lý chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém

5.        Lâm Đồng rà soát các khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư công

QUYẾT SÁCH MỚI

6.        Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 3

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

7.        Khánh Hòa mời doanh nghiệp, nhà đầu tư “hiến kế” về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

QUẢN LÝ

8.        5 nguồn kinh phí để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7

9.        Thanh tra Chính phủ nói về nạn tham nhũng vặt

10.     Đồng Tháp làm mọi cách để thay đổi tư duy thoát nghèo

11.     Bạc Liêu: Đường dây nóng của Chủ tịch tỉnh đã “bớt nóng”

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

12.     Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: "Nếu không tiếp tục cải cách, chúng ta sẽ thất bại"

13.     Nghệ An chú trọng cải cách hành chính lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng

14.     Quảng Nam chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trọng tâm

THẾ GIỚ

15.     Thái Lan kích cầu du lịch bằng cách giảm thuế rượu bia

 

TIÊU ĐIỂM

Hàng loạt giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Để đảm bảo tiến độ giải ngân, Vụ Đầu tư đã báo cáo Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ phân bổ kế hoạch vốn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp.

Cụ thể, cơ quan tài chính khi nhận được kế hoạch vốn phải nhập trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) để làm cơ sở triển khai dự án. Cơ quan kho bạc nhà nước khi nhận được hồ sơ phải giải ngân ngay, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

Vụ Đầu tư Bộ Tài chính cũng khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc phân bổ vốn phải đặc biệt theo thứ tự ưu tiên. Đối với việc thu hồi vốn phải đảm bảo đúng theo các quy định. Các dự án còn nợ (dự án đã quyết toán nhưng còn thiếu vốn) phải bố trí đủ vốn.

Ngoài ra, việc bố trí vốn và đăng ký vốn cho dự án cũng phải khoa học và sát với thực tế triển khai như dự án khởi công mới nên bố trí lượng vốn mức độ vì các dự án này cần thời gian để thực hiện giải phóng mặt bằng, đấu thầu dự án.

Ông Dương Bá Đức cho biết thêm ngay sau khi Thủ tướng giao vốn, Bộ Tài chính đã có công văn về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của các bộ, ngành, địa phương, làm cơ sở để Bộ Tài chính phê duyệt dự toán cho các dự án theo đúng quy định.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 đến hết tháng 1/2024 là 16.934,3 tỷ đồng, đạt 2,46% kế hoạch và đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm trước (hết tháng 1/2023 đạt 1,72% kế hoạch và 1,81% kế hoạch Thủ tướng giao). (TTXVN/Bnews.vn 25/02, Thùy Dương)Về đầu trang

TPHCM: Đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công quý I không thấp hơn 12% ​

Lãnh đạo UBND TPHCM vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư  khẩn trương hoàn thiện kế hoạch giải ngân của từng dự án theo từng tuần, từng tháng; nêu rõ từng nhiệm vụ công việc cụ thể trong từng tuần, từng tháng và cam kết thực hiện giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2024.

Trong số đó, hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai thi công và giải ngân vốn theo tiến độ cụ thể gồm dự án nhóm C trước ngày 31/3/2024; các dự án nhóm A, B trước ngày 31/6/2024; đảm bảo tỷ lệ giải ngân cả năm 2024 đạt từ 95% trở lên, trong đó đặt mục tiêu trong quý I/2024 giải ngân không thấp hơn 12%.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư quán triệt, nghiêm túc xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn cả năm đạt trên 95% theo như cam kết và kế hoạch đã đề ra. Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, các chủ đầu tư tổ chức thực hiện, hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu thi công, đảm bảo khởi công dự án trong quý I/2024.

Cùng với đó, các đơn vị, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện giao ranh, cắm mốc theo quy định trước khi triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giám sát, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình; kiên quyết có biện pháp chế tài theo quy định và hợp đồng xây dựng đã ký đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng. (TTXVN/Bnews.vn 26/02, A.Tuấn)Về đầu trang

Bình Thuận sẽ họp kiểm điểm đánh giá các chủ đầu tư giải ngân thấp

Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Bình Thuận triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 theo đúng hoạch đề ra. Các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp phải khẩn trương tổ chức họp để kiểm điểm đánh giá việc thực hiện trong năm 2023, qua đó có giải pháp để khắc phục triệt để trong năm 2024.

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Thuận được Thủ tướng giao hơn 5.000 tỷ đồng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành toàn tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao, sớm đưa các công trình vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; đồng thời, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung triển khai hiệu quả.

Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên rà soát để dự báo kịp thời các vướng mắc khó khăn, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng để kịp thời tham mưu điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình; chủ trì phân loại, chia nhỏ nhóm công trình theo tính chất, lĩnh vực, mức độ vướng mắc để tiến hành kiểm tra, rà soát định kỳ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đảm bảo sát với tình hình thực tế của từng công trình.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị liên quan chú trọng lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án; đồng thời, xử lý theo quy định các đơn vị tư vấn, các nhà thầu yếu, kém, không đảm bảo yêu cầu. Các chủ đầu tư phải giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch giao, không được trả lại nguồn vốn đã được phân bổ. Các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tăng cường tuyên truyền vận động nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án.

Năm 2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công của tỉnh được Thủ tướng giao là gần 4.868 tỷ đồng. Tính đến 31/1/2024 toàn tỉnh giải ngân được 4.079/4.868 tỷ đồng, đạt 84,29% so với kế hoạch vốn (bình quân chung cả nước đạt 82,47%). Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 10 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.

UBND tỉnh Bình Thuận nhìn nhận việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa đạt tỷ lệ 95% so kế hoạch mà Thủ tướng giao. Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, nhiều dự án vướng đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ hay như các chủ đầu tư chậm hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ, trình phê duyệt dự án đầu tư… (TTXVN/Baotintuc.vn 26/02, Nguyễn Thanh)Về đầu trang

Quảng Ngãi kiên quyết xử lý chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém

Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi được bố trí vốn đầu tư công lên tới 3.200 tỉ đồng để thực hiện 17 dự án. Để không chậm tiến độ, đảm bảo giải ngân, đơn vị này yêu cầu các nhà thầu tăng ca, tăng kíp, đồng thời kiên quyết xử lý nhà thầu chậm tiến độ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Quốc Đạt - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án, đối với các đơn vị thi công chậm trễ ba lần liên tục, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh sẽ kiên quyết xử lý hợp đồng theo quy định của pháp luật, tìm kiếm nhà thầu chất lượng hơn".

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Ngãi hơn 6.300 tỉ đồng. Đầu năm 2024, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn, nhất là đối với các dự án trọng điểm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Văn Minh cho biết, đối với các chủ đầu tư không hoàn thành công tác giải ngân, UBND tỉnh sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu chủ đầu tư là các sở chuyên ngành thì sẽ đánh giá kết quả xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, đối với các chủ đầu tư là UBND cấp huyện nếu giải ngân không hết vốn, phải trả vốn, thì huyện đó có trách nhiệm bố trí phần vốn mà không giải ngân hết để hoàn thành dự án.

Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến quý III/2024, giải ngân đạt tối thiểu 76% kế hoạch được giao và đến ngày 31.12.2024, giải ngân đạt 100%. Việc áp dụng các biện pháp như xem xét, xử lý trách nhiệm, đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng cuối năm đối với tập thể, người đứng đầu và các cá nhân liên quan trong việc giải ngân không đạt tiến độ đề ra mà Quảng Ngãi đang áp dụng cho thấy sự quyết liệt trong đốc thúc đẩy nhanh tiến độ để giải ngân vốn đầu tư công ngay trong những ngày đầu năm 2024. (Laodong.vn 26/02, Viên Nguyễn)Về đầu trang

Lâm Đồng rà soát các khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư công

Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Từ đó, tham mưu đề xuất UBND tỉnh trước ngày 27/2 để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 29/2 như yêu cầu của Phó Thủ tướng.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 và năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 7.208,3 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư năm 2023 đã được HĐND tỉnh giao là 6.589,3 tỉ đồng; vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 618,9 tỉ đồng.

Tính đến ngày 1/12/2023, đã có 3.782,4 tỉ đồng được giải ngân trên tổng vốn 7.208,3 tỉ đồng, đạt 52,5% kế hoạch (giảm 6,6% so với cùng kỳ). Trong đó, vốn được HĐND tỉnh giao đã giải ngân 3.470,7 tỉ đồng, đạt 52,7% kế hoạch (giảm 4,7% so với cùng kỳ).

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai, giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023.

Tiến hành rà soát và đề ra các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế của từng công trình, dự án; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai của từng chủ đầu tư. Yêu cầu các chủ đầu tư cam kết tiến độ thực hiện, giải ngân của từng công trình, dự án do mình quản lý cho đến hết năm 2023, làm cơ sở đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của năm.

UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát các khó khăn vướng mắc của từng dự án đã xử lý và chưa xử lý, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác… để có biện pháp giải quyết, đôn đốc việc triển khai của các đơn vị có liên quan góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. (Laodong.vn 26/02, Mai Hương)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 3

Trong tháng 3, một số chính sách mới sẽ có hiệu lực như: Tăng giá trần vé máy bay nội địa, quy định về chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục đại học; Lệ phí cấp phép khai thác khoáng sản quý hiếm, bán hàng đa cấp; ưu đãi đầu tư vào khu công nghệ cao...

Nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao: Theo Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao, có hiệu lực từ ngày 25/3, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao như: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao; cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao; chính sách đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao...

Tăng trần giá vé máy bay nội địa: Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư 34/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3.

Theo đó, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3 và bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí. Cụ thể, Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 2: Giảng viên gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 4: Tài chính gồm 2 tiêu chí; Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo gồm 2 tiêu chí. (TTXVN/Bnews.vn 26/02)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Khánh Hòa mời doanh nghiệp, nhà đầu tư “hiến kế” về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương chuyên đề “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực”.

Mục đích của kế hoạch nhằm trao đổi, thảo luận, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư và kinh nghiệm của các địa phương về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; từ đó tìm kiếm các giải pháp, cơ chế, chính sách để tháo gỡ, khơi thông nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa nói riêng.

Đồng thời, kế hoạch còn nhằm bổ sung các luận cứ khoa học và thực tiễn cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành rà soát, xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách hoặc đề xuất, kiến nghị Trung ương theo thẩm quyền để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như phát triển kinh tế biển, các nhóm ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và nhân lực chất lượng cao cho 3 vùng động lực của tỉnh.

Thời gian tổ chức dự kiến vào cuối tháng 3/2024. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp. Cơ quan chủ trì tổ chức là UBND tỉnh Khánh Hòa. Cơ quan chủ trì sự kiện là Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa. (Baodautu.vn 26/02, Linh Đan)Về đầu trang

QUẢN LÝ

5 nguồn kinh phí để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7

Theo Bộ Nội vụ, để thực hiện triển khai các nội dung của chính sách tiền lương mới, khu vực công cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm. Trong đó, quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương.

Theo thông tin từ Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương từ 5 nguồn, gồm:

Thứ nhất, từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang (hằng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương);

Thứ hai, từ nguồn ngân sách Trung ương (ngân sách Trung ương bổ sung nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương cho các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp đã thực hiện đúng các quy định nêu trên mà vẫn còn thiếu);

Thứ ba, từ một phần nguồn thu sự nghiệp: Đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính phải tự bảo đảm nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương; đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm một phần chi thường xuyên, tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng ngành Y tế sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương...

Thứ tư, từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên (thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao);

Thứ năm, từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Xây dựng các quy định về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập khu vực công; Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công nhằm giảm ngân sách Nhà nước chi cho nguồn nhân lực đơn vị sự nghiệp công lập. (Laodong.vn 26/02, Vương Trần)Về đầu trang

Thanh tra Chính phủ nói về nạn tham nhũng vặt

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo phản hồi cử tri các tỉnh Phú Yên và TP Đà Nẵng xung quanh đề nghị có giải pháp phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng vặt.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ nhìn nhận tình trạng tham nhũng vặt làm cho nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp phòng chống tham nhũng tiêu cực. Trong đó quan tâm thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập và triển khai Kế hoạch 2032 năm 2023 của Thanh tra Chính phủ về thực hiện đề án này.

Đồng thời tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiêu cực trong nội bộ các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng tiêu cực; không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng tiêu cực làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiêu cực. Tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiên hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Theo tìm hiểu của Lao Động, các hoạt động thanh tra chuyên đề trách nhiệm công vụ hiện đang được triển khai tại nhiều bộ ngành, địa phương và nằm trong đợt thanh tra diện rộng trên toàn quốc của Thanh tra Chính phủ.

Tính đến cuối tháng 1.2024, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện thanh tra trực tiếp 9 bộ, ngành, tỉnh thành, nội dung thanh tra bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. (Laodong.vn 26/02, Lam Duy)Về đầu trang

Đồng Tháp làm mọi cách để thay đổi tư duy thoát nghèo

Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2025 bằng nhiều biện pháp, năm 2024, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người dân khởi nghiệp, chủ trương vươn lên làm giàu.

Trao đổi nhanh với Lao Động, ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, trong năm 2023, dù gặp rất nhiều khó khăn, song về xã hội, Đồng Tháp vẫn thực hiện rất tốt. Điển hình là việc xây dựng nông thôn mới đã đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra. Đặc biệt, đối với tỉ lệ hộ nghèo, đến cuối năm 2023 chỉ còn 1,52% (chỉ tiêu theo Nghị quyết là 3%) tương đương với 6.000 hộ.

“Tỉnh Đồng Tháp rất mừng vì trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị, nhân dân đều hưởng ứng song song phát triển kinh tế, vừa đảm bảo xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt nhất là việc bà con nhân dân đã thay đổi tư duy để cùng vươn lên, không còn tự hài lòng hay trông chờ, đổ thừa cho số phận”, ông Nghĩa chia sẻ.

Hiện nay, đa số những hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là gia đình chính sách hoặc thiếu tư liệu sản xuất nên không thể tự thoát nghèo. Với đối tượng này, địa phương tiếp tục có giải pháp thực hiện trong năm 2024.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập hệ thống trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên rải khắp tất cả các huyện nhằm đào tạo (không thu phí) và giới thiệu việc làm cho người lao động; hỗ trợ, tạo điều kiện đối với những người nghèo có ý tưởng vươn lên; giới thiệu việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp…

“Đặc biệt, chúng tôi cũng thực hiện tốt chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, bằng chứng là họ đi về và thay đổi rất lớn, tự mình vươn lên và quyết định được vận mệnh của mình, cũng vì thế mà cuộc sống của gia đình họ được tốt hơn. (Laodong.vn 26/02, Tùng Linh)Về đầu trang

Bạc Liêu: Đường dây nóng của Chủ tịch tỉnh đã “bớt nóng”

Khi công bố đường dây nóng do mình trực tiếp quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận gần 100 cuộc gọi mỗi ngày. Tuy nhiên, khi chuyển số điện thoại này về Văn phòng quản lý, số lượng cuộc gọi giảm nhiều. Thống kê mới nhất, gần 2 tháng chỉ tiếp nhận hơn 200 cuộc gọi.

9h20 sáng 26/2, PV Tiền Phong trực tiếp gọi vào đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều tại số máy công bố 0962.77.55.44. Sau một hồi chuông, có người nghe máy. Người nghe máy là cán bộ của đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu.

Người trực đường dây nóng trên cho biết, kể từ ngày được bàn giao số điện thoại đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Văn phòng cũng tiếp nhận nhiều cuộc gọi phản ánh của người dân, nhưng số lượng giảm hơn nhiều.

“Kể từ ngày 1/1/2024 đến nay (gần 2 tháng), đơn vị tiếp nhận 245 cuộc gọi, 48 tin nhắn phản ánh đến đường dây nóng. Nội dung các cuộc gọi, tin nhắn chủ yếu khiếu nại, tranh chấp đất đai…”, cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin.

Sau khi tiếp nhận thông tin, có một số nội dung sẽ trả lời ngay, nhưng những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực sẽ hướng dẫn người dân chuyển hồ sơ trực tiếp đến văn phòng. Từ đó, đơn vị có trách nhiệm làm văn bản chuyển đến các cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời người dân.

Trước đó, từ 13h ngày 31/8/2023, số điện thoại đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều được sử dụng chính thức là số máy 0962.77.55.44 (thay cho số điện thoại 0988.20.29.65 sử dụng trước đó). Về lý do thay đổi số điện thoại đường dây nóng, ông Thiều từng nói: "Do có quá nhiều cuộc gọi đến đường dây nóng dẫn đến quá tải".

Theo Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, kể từ khi công bố số điện thoại đường dây nóng của Chủ tịch UBND tỉnh vào ngày 21/8/2023, ông Thiều đã trực tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn của người dân, doanh nghiệp. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày gần 100 cuộc gọi và khoảng 200 tin nhắn. Số cuộc gọi và tin nhắn tới số đường dây nóng của chủ tịch tỉnh Bạc Liêu giảm dần khi ông không còn là người trực tiếp nghe máy. (Tienphong.vn 26/02, Tân Lộc) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: "Nếu không tiếp tục cải cách, chúng ta sẽ thất bại"

Quan điểm này được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra khi phát biểu tại Phiên họp thứ ba của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, ngày 26/2.

Ghi nhận nỗ lực của các thành viên Tổ công tác và Hội đồng tư vấn về những kết quả đã đạt được trong cải cách thủ tục hành chính, song Phó Thủ tướng cũng lưu ý còn nhiều việc phải làm, nên phải tiếp tục nỗ lực, thay đổi cách nghĩ, cách làm. "Nếu không tiếp tục cải cách, việc sẽ không thông, không chạy, chúng ta sẽ thua, sẽ thất bại", theo Phó Thủ tướng.

Theo ông, có những quy định không phù hợp với trình độ phát triển của đất nước; còn sự "chông chênh" giữa các quy định trong luật, thông tư, nghị định hay giữa các cơ quan Trung ương với nhau; giữa cơ quan Trung ương với địa phương; thậm chí giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, ông nêu lên tình trạng đùn đẩy trách nhiệm có nguyên nhân từ thủ tục hành chính nội bộ của các cơ quan Trung ương và địa phương. Một số việc xử lý chưa hiệu quả do mới chỉ dừng lại ở mức độ "ghi nhận" phản ánh, kiến nghị khi đi họp…

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý thủ tục hành chính trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo…. Theo ông, phải cố gắng coi đây là cơ hội thay vì than khó. Bởi than khó, chắc chắn sẽ thất bại, chứ chưa nói đến phát triển.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên của Tổ công tác tiếp tục duy trì cơ chế tiếp nhận bằng nhiều hình thức, bao gồm cả đối thoại trực tiếp và xử lý thông tin, phản ánh vướng mắc thủ tục hành chính hết sức có trách nhiệm.

Phó Thủ tướng cũng quán triệt tinh thần nhiệm vụ của bộ, ngành nào, bộ, ngành đó chủ động xử lý theo thẩm quyền. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, ông yêu cầu báo cáo Tổ công tác để đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý. (TTXVN/Bnews.vn 26/02, Hoài Thu)Về đầu trang

Nghệ An chú trọng cải cách hành chính lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 1313 yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và các nội dung chỉ đạo điểm công tác cải cách hành chính năm 2024.

UBND tỉnh này yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành và địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của đơn vị, địa phương trong năm 2023, đẩy mạnh triển khai một cách toàn diện, đồng bộ đối với 6 nội dung về cải cách hành chính; tăng cường ưu tiên các nguồn lực để phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện “Tốt nhất, nhanh nhất, thuận lợi nhất” cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Nghệ An. Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí thực hiện, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp, tập trung một số lĩnh vực trọng tâm như: Đất đai, đầu tư, xây dựng, an sinh xã hội...

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Tập trung chỉ đạo hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp, đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra sau phân cấp. Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 về tinh giản biên chế; Nghị quyết số 117/NQ- CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt việc sắp xếp tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đẩy mạnh thực hiện số hóa tài liệu lưu trữ, hồ sơ, các quy trình nghiệp vụ; chứng thực điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, thanh tra công vụ nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An được phân công theo dõi, chỉ đạo đơn vị để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Định kỳ 6 tháng, cuối năm, các cơ quan, đơn vị xây dựng báo cáo kết quả thực hiện từng nội dung cụ thể được Ban Chỉ đạo lựa chọn chỉ đạo điểm ở đơn vị mình. Đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Nghệ An. (Vneconomy.vn 26/02, Nguyễn Thuấn - Thiên Anh)Về đầu trang

Quảng Nam chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trọng tâm

Ngày 26/2, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn về việc triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2024 và các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, như sau:

Chủ động rà soát, phát hiện các bất cập về TTHC, giấy tờ công dân cần cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết TTHC.

Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 8067/KHUBND ngày 2/12/2022 của UBND tỉnh về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 và các văn bản chỉ đạo liên quan; đồng thời, trên cơ sở danh mục TTHC nội bộ thực hiện trong phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương (TTHC nhóm B) do Văn phòng Chính phủ tổng hợp, căn cứ đặc thù và thực tế triển khai nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố bổ sung danh mục TTHC nội bộ, hoàn thành trong tháng 6/2024.

Rà soát 100% TTHC nội bộ đã công bố, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án đơn giản hóa, đảm bảo cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số lượng TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC, hoàn thành trong tháng 10/2024.

Trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định thực thi phương án đơn giản hoá TTHC nội bộ đối với các TTHC đã được phê duyệt Phương án đơn giản hoá trước ngày 01/7/2024. (Baoquangnam.vn 26/02, Nam Phương)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thái Lan kích cầu du lịch bằng cách giảm thuế rượu bia

Thái Lan đã thực hiện một bước quan trọng trong việc kích cầu du lịch bằng cách giảm thuế đối với rượu và các địa điểm giải trí về đêm từ ngày 23/2. Quyết định này được Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan công bố nhằm thúc đẩy ngành du lịch và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Theo Bangkok Post, thuế suất đối với rượu nho và rượu nho có gas đã giảm từ 10% xuống còn 5%, còn thuế cho rượu hoa quả và các loại rượu địa phương (có nồng độ cồn dưới 7 độ) đã giảm từ 10% xuống 0%. Đồng thời, thuế với các địa điểm giải trí về đêm như hộp đêm và quán rượu cũng giảm từ 10% xuống 5% trong giai đoạn từ ngày 23.2 đến ngày 31.12.

Ông Ekniti Nitithanprapas - lãnh đạo Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt Thái Lan - cho biết, mức thuế mới được thiết lập nhằm khuyến khích chi tiêu du lịch và tạo ra một môi trường thuận lợi cho người tiêu dùng. Ông tin rằng, việc giảm thuế sẽ làm giảm giá cả của các loại đồ uống có cồn, từ đó thúc đẩy du lịch và chi tiêu trong nước.

Tuy nhiên, không phải mọi người đều đồng ý với quyết định này. Ông Thanakorn Kuptajitti, một cố vấn của Hiệp hội Doanh nghiệp đồ uống có cồn Thái Lan, cho rằng việc giảm thuế chỉ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất đồ uống mà không thực sự kích cầu du lịch. Thay vào đó, ông đề xuất chính phủ nên dỡ bỏ lệnh cấm bán rượu bia từ 14h đến 17h, một quy định gây ra nhiều phiền toái cho ngành hàng không và du lịch. (Laodong.vn 26/02, Anh Vũ)Về đầu trang./.

Các tin khác

07