Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 22/7/2024

9:10, Thứ Hai, 22-7-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

QUYẾT SÁCH MỚI

1.        Đề xuất quy định mới về bổ nhiệm, luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

2.        Khắc phục điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

3.        Phú Thọ đứng thứ 4 cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

4.        Thái Nguyên nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

5.        Hà Giang: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

6.        Hải Dương giao tăng gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-202

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

7.        Tổng cục Thuế theo sát “sức khỏe” doanh nghiệp, đánh giá đúng nguồn thu

QUẢN LÝ

8.        Quảng Ngãi tính toán xử lý cán bộ, công chức giao xe cho con chưa đủ tuổi cầm lái

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

9.        Hàng trăm kiến nghị, phản ánh của người dân qua Ứng dụng iHanoi được giải quyết trong 24h

10.     Hà Nội: Cảnh sát giao thông "nhàn hơn" khi áp dụng công nghệ vào xử lý vi phạm

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

11.     Đồng Nai: Bay 171 tỉ, bay chức Chủ tịch huyện Nhơn Trạch, còn gì nữa?

12.     Gia Lai: Mở rộng vụ nhận tiền tỷ để làm hồ sơ đất đai, bắt một cán bộ Sở Tư pháp

13.     Bắc Ninh: Lý do Giám đốc Sở Tài chính bị khởi tố

14.     Bắc Kạn: Khởi tố 2 cán bộ huyện thẩm định hồ sơ đất trái pháp luật

15.     Hà Tĩnh: Khởi tố cựu chủ tịch xã sai phạm quản lý đất đai

THẾ GIỚI

16.     Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế

 

QUYẾT SÁCH MỚI

Đề xuất quy định mới về bổ nhiệm, luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý

Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06 của Chính phủ về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, dự thảo quy định, người trong diện được bổ nhiệm phải có đủ văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu, được quy hoạch vào chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm hoặc tương đương trở lên; có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm (24 tháng), nếu không liên tục thì được cộng dồn.

Về tuổi bổ nhiệm, công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu phải đủ tuổi công tác trọn thời hạn bổ nhiệm. Với công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm.

Ngoài ra, người trong diện bổ nhiệm không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ, không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.

Về trình tự, sau khi đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm xin chủ trương bằng văn bản, trong thời hạn 10 ngày, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày làm việc phải hoàn thành việc thực hiện quy trình nhân sự theo quy định (quy định hiện hành là 15 ngày).

Đối với quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ, dự thảo cũng đưa ra quy trình 5 bước và các hội nghị chỉ được tiến hành khi “có ít nhất 2/3” số người được triệu tập có mặt. Tỷ lệ phiếu được tính trên tổng số người triệu tập.

Trong đó, bước 1 sẽ là hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1), được tổ chức để xem xét danh sách quy hoạch, rà soát kết quả đánh giá, nhận xét đối với từng nhân sự và thông qua danh sách đủ điều kiện.

Sang bước 2 là tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng, giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Người đạt số phiếu cao nhất trong số người đạt tỷ lệ trên 50% thì được lựa chọn.

Trường hợp không có người nào đạt trên 50% thì chọn tất cả người có số phiếu giới thiệu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp theo.

Trong trường hợp không có người đạt đủ 30% số phiếu giới thiệu thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo.

Bước 3, trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tập thể lãnh đạo tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Bước 4 sẽ là hội nghị cán bộ chủ chốt, được tổ chức để lấy ý kiến cán bộ chủ chốt theo danh sách nhân sự được giới thiệu ở bước 3.

Bước 5, hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 3) được triển khai để thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Nguyên tắc lựa chọn là người đạt số phiếu cao nhất trong số người đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số người được triệu tập giới thiệu thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm.

Trường hợp 2 người có số phiếu ngang nhau đều đạt tỷ lệ 50% thì người đứng đầu xem xét, lựa chọn nhân sự để đề nghị bổ nhiệm; đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với quy trình bổ nhiệm nhân sự từ nơi khác sẽ được tiến hành theo 3 bước: Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo; gặp nhân sự được dự kiến bổ nhiệm để trao đổi; thẩm định về nhân sự và lập tờ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện nhưng cơ quan, đơn vị, hoặc nhân sự được dự kiến bổ nhiệm “còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất” thì phải báo cáo đầy đủ các ý kiến và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. (Tienphong.vn 21/7, Luân Dũng)Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Khắc phục điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Đến thời điểm này đã qua nửa đầu năm 2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở một số địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân khách quan chủ yếu vẫn do giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn; khan hiếm nguyên vật liệu cát san lấp, đắp nền đường đối với các công trình lớn...

Hiện tại, các địa phương vẫn đang tích cực có nhiều giải pháp khắc phục nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp: Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu thời gian tới các đơn vị giải ngân thấp trong tỉnh cần rà soát vướng mắc, chủ động phối hợp với các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư thực hiện tốt phân công, phân việc từng công trình; chủ động liên hệ với các sở, ngành liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc; chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân của từng dự án.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra một số giải pháp như tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời và hiệu quả để quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình quan trọng, dự án trọng điểm (nhất là các dự án liên vùng, liên huyện, liên xã; sử dụng vốn ODA, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ...) kết nối, có tác động và ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong nửa cuối năm 2024, theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động rà soát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân kế hoạch vốn đã giao theo đúng quy định.

Các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, có chế tài xử lý các tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên...

Tại tỉnh Đồng Nai đã thành lập Tổ chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm để thường xuyên giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án giải ngân đúng kế hoạch, tiến độ, không để xảy ra nợ đọng. Các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư, các huyện, thành phố cũng ký kết giao ước thi đua, cam kết tỷ lệ giải ngân trong năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương phải lập chi tiết kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Khi đã lập kế hoạch thì phải tuân thủ thực hiện kế hoạch của từng tháng, từng quý, tránh tình trạng đầu năm rảnh rang cuối năm phải chạy đua như những năm trước.

Thực tế, trong hai tháng liền vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã triển khai kế hoạch 30 ngày đêm bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc, đường lớn ở địa phương. Nhờ vậy, mặt bằng được bàn giao thêm, tiến độ dự án được đẩy nhanh, giải ngân trong tháng 6 và tháng 7 cũng khởi sắc hơn.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết các đơn vị chức năng, các địa phương, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu cũng tập trung tăng thêm nhân sự để giải phóng mặt bằng, thi công, đẩy nhanh tiến độ các dự án để tăng giải ngân.

Các dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường ven sông Đồng Nai, đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa... thời gian qua mặt bằng đã bàn giao nhiều hơn, tỷ lệ giải ngân tăng có chuyển biến. (TTXVN/VietnamPlus.vn 21/7, Hồng Đạt)Về đầu trang

Phú Thọ đứng thứ 4 cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đến hết tháng 6 đạt 51,02%, hiện tỉnh Phú Thọ đang đứng thứ 4 cả nước về tỷ lệ giải ngân cao, sau tỉnh Nam Định (58,75%); Thanh Hóa (56,83%) và Lào Cai (54,23%).

Về giải ngân vốn đầu tư công, xác định năm 2024 là “năm bứt phá” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cũng là “năm quyết tâm” để thực hiện thắng lợi mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tỉnh Phú Thọ coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Theo đó, ngay sau khi được Thủ tướng giao kế hoạch vốn năm 2024, tỉnh Phú Thọ đã giao chi tiết vốn cho các đơn vị theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ thực hiện và tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, Phú Thọ cũng ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ (các dự án giao thông thiết yếu, kết nối liên vùng; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các công trình phòng, chống thiên tai, các công trình hạ tầng đô thị).

Dự kiến đến hết tháng 6, tỉnh Phú Thọ giải ngân được trên 1.705,5 tỷ đồng, đạt 51,012% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (3.342,8 tỷ đồng).

Để phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư phát huy kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế để giải ngân hết nguồn vốn còn lại từ nay đến cuối năm.

Góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Phú Thọ đã chỉ đạo các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nhiệm vụ kiểm soát chi và giải quyết ngay hồ sơ, không để tồn đọng bất cứ hồ sơ nào nếu đã đầy đủ các điều kiện thanh toán.

Từ nay đến cuối năm, KBNN Phú Thọ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất các thủ tục thanh toán vốn ngay khi có khối lượng được nghiệm thu. Đồng thời, đơn vị cũng linh hoạt 2 phương thức “Thanh toán trước, kiểm soát sau” và “Kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với từng loại hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn để công tác thanh toán vốn được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo theo quy trình.

Ngoài ra, KBNN Phú Thọ tiếp tục công khai quy trình tiếp nhận, kiểm soát, luân chuyển chứng từ thanh toán vốn đầu tư công qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của kho bạc để thời gian kiểm soát được rút ngắn và công khai, minh bạch hơn, giúp các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 20/7, An Nhi)Về đầu trang

Thái Nguyên nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có tổng số vốn đầu tư công hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó Thủ tướng giao là hơn 5.600 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6, tỉnh mới giải ngân được 22% tổng số vốn và 35% vốn Thủ tướng giao, chưa đạt yêu cầu đề ra. Trước tình hình đó, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để giải ngân hết số vốn này, góp phần sớm đưa các công trình vào sử dụng, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên quyết tâm triển khai những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, nhất là công tác cán bộ để đến 31/12/2024 giải ngân đạt 90% tổng số vốn và đến hết tháng 1/2025 sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024 theo quy định.

Cụ thể, được giao số vốn đầu tư lớn nhất, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thay thế Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và kỷ luật một số cán bộ liên quan. Ðồng thời, tỉnh giao giải ngân hết vốn đầu tư công cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ trong năm; thay thế người đứng đầu nếu để tiến độ thi công chậm, khó khăn, vướng mắc kéo dài mà không được tháo gỡ kịp thời.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thái Nguyên Dương Phương Hoa, từ nay đến cuối năm, sở được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, rà soát từng dự án, báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể; điều chỉnh vốn từ dự án không có khả năng giải ngân sang dự án giải ngân tốt; khẩn trương hoàn thiện các khâu chuẩn bị đầu tư đối với dự án mới, tránh chỉnh sửa thiết kế, dự toán để khởi công ngay; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng để triển khai công trình thuận lợi.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, đề ra từng mốc thời gian giải ngân cụ thể, thời gian gần đây, các cấp, ngành, nhất là các chủ đầu tư có nhiều giải pháp phù hợp thực tiễn. Là chủ đầu tư được giao số vốn đầu tư công lớn nhất, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, sau khi củng cố nhân sự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ công trình, đẩy mạnh giải ngân vốn trong thời gian tới.

Ông Bùi Tiến Chính, Giám đốc Ban Quản lý cho biết: "Chúng tôi đã làm việc với từng nhà thầu, các địa phương và xác định nhiều dự án giao thông lớn bị chậm tiến độ là do thời tiết mưa nhiều (tổng cộng hơn 100 ngày mưa trong thời gian qua), giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu, di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống điện còn nhiều vướng mắc; một số nhà thầu chưa huy động đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị so với yêu cầu; tổ chức thi công chưa khoa học, chưa quyết liệt, còn dàn trải. Ðây là những nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công, chậm giải ngân. Chúng tôi sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra để giải quyết ngay các vấn đề này trong thời gian ngắn sắp tới".

Tương tự, UBND thành phố Sông Công và các địa phương khác trong tỉnh cũng đã tổ chức các nhóm cán bộ kiểm tra tiến độ thi công, việc giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu các nhà thầu, tư vấn giám sát ký cam kết về bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình, tiến độ giải ngân từng mốc thời gian cụ thể, đến hết quý III giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn, quý IV giải ngân đạt 90% và hết tháng 1/2025 giải ngân 100% kế hoạch vốn theo quy định của năm tài chính 2024. (Nhandan.vn 21/7, Thế Bình)Về đầu trang

Hà Giang: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

6 tháng đầu năm 2024, tổng số vốn giải ngân trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang đạt 1.501,5 tỷ đồng (khoảng 30,7% kế hoạch). Địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Theo đó, giải ngân kế hoạch vốn kéo dài thời gian thanh toán năm 2023 sang năm 2024 là 90,5 tỷ đồng (đạt 17,14% kế hoạch); giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 là 1.411,4 tỷ đồng (đạt 32,35% kế hoạch).

Đối với chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh này đã thực hiện giải ngân 376,1 tỷ đồng (đạt 34,76% kế hoạch).

Như vậy, theo kế hoạch, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn chậm. Nguyên nhân là do còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp nguồn nguyên vật liệu xây dựng thông thường, giá cả nguồn vật liệu thông thường cao hơn so với dự toán, diễn biến thời tiết bất thường làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Trước thực trạng đó, để đẩy nhanh công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Giang đã giao cho các đơn vị liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn UBND các huyện, thành phố kiểm đếm, đo đạc diện tích đất đai, giá đất đền bù giải phóng mặt bằng, nhanh chóng bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ.

Đồng thời, đề nghị chính quyền cơ sở và người đứng đầu các cấp chủ động, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả, thực hiện cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. (Baophapluat.vn 20/7, Kế Nguyễn) Về đầu trang

Hải Dương giao tăng gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025

HĐND tỉnh Hải Dương vừa quyết định điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 và năm 2024 lần 5 (nguồn ngân sách tỉnh).

HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh giảm hơn 839 tỷ đồng của 8 dự án dư vốn, dự án thực hiện theo kế hoạch về tiến độ đã được UBND tỉnh quyết định. Đồng thời giao tăng gần 4.000 tỷ đồng kế hoạch vốn 5 năm 2021-2025 từ nguồn thu sử dụng đất để có vốn đầu tư một số dự án mới cấp bách, cần thiết khởi công trong giai đoạn 2021-2025.

Tổng vốn điều chỉnh và giao tăng hơn 4.800 tỷ đồng dùng để bổ sung cho 4 dự án khởi công mới trong kế hoạch trung hạn nhưng chưa bố trí đủ vốn, bổ sung danh mục và phân bổ cho 17 dự án khởi công mới, bổ sung có mục tiêu cho 25 dự án cấp huyện, còn lại phân bổ chi tiết sau.

HĐND tỉnh cũng quyết định điều chỉnh giảm gần 714 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương năm 2024 của 12 dự án dư vốn, dự kiến tiến độ thực hiện không có khả năng giải ngân hết vốn đã giao. Tổng kế hoạch vốn năm 2024 điều chỉnh, phân bổ lần 5 gần 1.250 tỷ đồng (gồm vốn điều chỉnh giảm ở trên và hơn 533 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết) dùng để phân bổ cho 8 dự án cấp tỉnh, bổ sung có mục tiêu cho 3 dự án cấp huyện, còn lại phân bổ chi tiết sau. (Baohaiduong.vn 21/7)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Tổng cục Thuế theo sát “sức khỏe” doanh nghiệp, đánh giá đúng nguồn thu

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với địa phương về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, năm 2025 cơ quan Thuế tiếp tục theo dõi sát sức khỏe doanh nghiệp, đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng thu, từ đó tổ chức lập giao dự toán cho các đơn vị cấp dưới sát đúng với khả năng thực hiện.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, thu ngân sách 7 tháng đầu năm do ngành Thuế quản lý đạt khá với 13/21 khoản thu sắc thuế và 26/63 địa phương đạt trên 65% dự toán, có 15/21 khoản thu, sắc thuế và 52/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Kết quả thu ngân sách 7 tháng đầu năm mặc dù đạt khá, tuy nhiên số thu đạt khá chủ yếu tập trung tại các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và khối các công ty xổ số, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước. Nếu không kể 3 khoản này thì thu nội địa do cơ quan thuế quản lý mới đạt được 62,5% dự toán so với các năm trước.

Dù tiến độ thu ngân sách đạt khá, nhưng vẫn còn 8/21 khoản thu, sắc thuế và 37/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp so dự toán (dưới 65%), trong đó có một số địa phương có tiến độ thu đạt thấp dưới 55% dự toán.

Trong số 37 địa phương có: 27/37 địa phương có tiến độ thu tiền sử dụng đất đạt thấp hơn mức bình quân chung cả nước; một số địa phương nguồn thu trọng điểm từ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tiến độ thu ngân sách Nhà nước 7 tháng còn chậm như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Nam... do thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô còn gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ tiếp tục hụt thu ngân sách Nhà nước năm 2024.

Theo ông Mai Sơn, dự báo những tháng cuối năm hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nếu không triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, rà soát, khai thác tăng thu từ các nguồn thu khác sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2024.

Để triển khai thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách và hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác thuế năm 2024, Tổng cục Thuế đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Trong đó đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, khai thác hiệu quả các nguồn thu, thực hiện tốt các chuyên đề nâng cao hiệu quả quản lý thuế và chống thất thu, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán năm 2024.

Đồng thời, phân tích, đánh giá đúng tình hình, diễn biến thu để dự báo thu những tháng cuối năm chính xác, trên cơ sở đó có giải pháp tăng cường quản lý, khai thác tăng thu, đồng thời làm cơ sở lập dự toán thu năm 2025 sát thực tế. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 20/7, Minh Anh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Quảng Ngãi tính toán xử lý cán bộ, công chức giao xe cho con chưa đủ tuổi cầm lái

6 tháng, Quảng Ngãi có gần 1.400 trường hợp vi phạm luật giao thông là thiếu niên, học sinh. Để giảm thiểu, Quảng Ngãi tính xử lý cán bộ, công chức nếu giao xe cho con chưa đủ tuổi cầm lái, vi phạm giao thông.

Thượng tá Hồ Văn Thư - Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng ngoài xử phạt, tuyên truyền chung thì một số trường hợp học sinh vi phạm có cha mẹ là đảng viên, công chức, viên chức. Cần phải có hình thức xử lý cha mẹ là cán bộ khi giao xe cho con chưa đủ tuổi sử dụng.

"Đảng viên, cán bộ, công chức cần nêu gương. Vì vậy việc giao xe cho con chưa đủ tuổi sử dụng, vi phạm giao thông cần phải xử lý. Cha mẹ không thể đứng ngoài cuộc được", ông Thư kiến nghị.

Để giảm thiểu số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông, ông Trần Phước Hiền - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - yêu cầu ngoài tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, còn phải đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, vận động.

Ông Hiền tán thành đề xuất xử lý cán bộ, công chức, đảng viên giao xe cho con chưa đủ tuổi cầm lái. Bởi cán bộ, công chức phải là người đầu tiên nêu gương.

"Cha mẹ là cán bộ, công chức giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, ngoài xử phạt cần có chế tài xử lý phụ huynh như hạ bậc thi đua, đánh giá trong quá trình công tác... Cán bộ, công chức không nêu gương thì khó giảm thiểu tai nạn giao thông", ông Hiền nói.

Đồng thời ông Hiền đề nghị cảnh sát giao thông khi xử phạt vi phạm của thiếu niên, học sinh cần cập nhật thông tin cha mẹ và báo về Ban An toàn giao thông tỉnh. (Tuoitre.vn 21/7, Trần Mai)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Hàng trăm kiến nghị, phản ánh của người dân qua Ứng dụng iHanoi được giải quyết trong 24h

Theo Văn phòng UBND thành phố, tính đến thời điểm ngày 15/7, qua theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ Chủ tịch UBND thành phố giao tại Công điện số 05, tổng hợp bước đầu đạt một số tín hiệu tốt, người dân đã ghi nhận và đánh giá sự hài lòng vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền thành phố trong giải quyết kiến nghị, phản ánh trên Ứng dụng iHaNoi.

"Đã có trên 52.000 tài khoản khởi tạo; số lượng người truy cập theo dõi, khai thác sử dụng tăng nhanh và đạt trung bình trên 20.000 lượt người truy cập trong ngày; 338 phản ánh, kiến nghị đã được tiếp nhận, trong đó 156 phản ánh, kiến nghị đã được giải quyết dứt điểm trong vòng 24 giờ, tỷ lệ người dân đánh giá hài lòng đạt trên 50%", Văn phòng UBND thành phố Hà Nội nêu.

Để đạt được mục tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị (bao gồm cả viên chức, người lao động các ngành giáo dục, y tế, …) cài đặt Ứng dụng iHanoi trước ngày 30/7, Văn phòng UBND thành phố đề nghị Sở TT&TT tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền Ứng dụng iHanoi; giới thiệu các tính năng, tiện ích của Ứng dụng iHanoi - kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và các cấp chính quyền thành phố; theo dõi, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những vướng mắc về tư tưởng, củng cố niềm tin của người dân vào sự điều hành của các cấp chính quyền thuộc thành phố.

Với công tác tổ chức triển khai tiếp nhận phản ánh, kiến nghị qua Ứng dụng iHanoi, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương cung cấp danh sách cán bộ đầu mối tiếp nhận, điều phối, xử lý phản ánh kiến nghị.

"Đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo và quán triệt, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện cài đặt và tạo tài khoản cá nhân trên Ứng dụng iHanoi đến 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, hoàn thành trước ngày 30/7/2024", Văn phòng UBND thành phố Hà Nội yêu cầu. (Tienphong.vn 20/7, Trường Phong)Về đầu trang

Hà Nội: Cảnh sát giao thông "nhàn hơn" khi áp dụng công nghệ vào xử lý vi phạm

Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội kiểm tra, tạm giữ giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID, hay xử lý vi phạm từ phản ánh của người dân qua Zalo đang mang lại hiệu quả.

Theo báo cáo mới nhất từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT, Công an TP Hà Nội), trong 6 tháng đầu năm 2024, Zalo Phòng CSGT Hà Nội đã tiếp nhận gần 5.000 lượt tương tác, trong đó gồm các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan.

Qua thông tin phản ánh của người dân, CSGT đã xử phạt 1.350 trường hợp vi phạm; phạt tiền 1.394.675.000 đồng; tước 306 giấy phép lái xe (GPLX), tạm giữ 64 phương tiện. Đồng thời, qua Zalo đã hướng dẫn, giải đáp pháp luật cho 444 trường hợp, đăng tải nhiều tin, bài về hoạt động của lực lượng CSGT Thủ đô thu hút được hàng nghìn lượt theo dõi.

Đây là những con số "biết nói" về sự hiệu quả từ khi Công an TP Hà Nội "mở cửa" nhóm Zalo để tiếp nhận phản ánh từ người dân (từ ngày 15.4.2024).

"Việc có thêm một kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, xử lý vi phạm giúp người dân an tâm khi lưu thông trên đường. Xử lý bằng hình ảnh và tin báo của người dân sẽ giúp nâng cao ý thức chấp hành cho nhiều người, ngay cả khi không thấy lực lượng CSGT đứng chốt trên đường.", Đại úy Dương Quyết Tâm, Cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) chia sẻ.

Việc tố giác các hành vi vi phạm giao thông được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Công an Thành phố đề nghị nhân dân Thủ đô khi phát hiện các hành vi vi phạm có thể ghi nhận bằng hình ảnh, clip, phản ánh trực tiếp qua trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội", hoặc số điện thoại 024.3942.4451. Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp nhận, xác minh, xử lý theo quy định.

Từ ngày 1.7.2024, lực lượng CSGT bắt đầu kiểm tra, xử lý, tạm giữ hoặc tước GPLX trên ứng dụng VNeID. Đối với trường hợp vi phạm, CSGT sẽ tạm giữ hoặc tước GPLX trên môi trường điện tử thay cho bản cứng. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm qua ứng dụng VNeID.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Cảnh - Cán bộ Đội CSGT đường bộ số 9 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), qua một thời gian triển khai việc kiểm tra thông tin được cập nhật trên ứng dụng VNeID, thời gian xử lý các trường hợp vi phạm được rút ngắn, tạo thuận lợi cho cả người dân và lực lượng làm nhiệm vụ trên đường.

"Nếu có vi phạm, CSGT sẽ thực hiện tước GPLX trên môi trường điện tử, người dân đóng tiền xử phạt vi phạm hành chính qua mạng và không phải đi lại nhiều lần. Khi hết thời hiệu tước giấy tờ, người dân không phải đến nơi xử lý để xin lại giấy tờ mà dữ liệu sẽ tự động cập nhật vì giấy tờ bản cứng trước đó người dân được giữ lại.", Đại úy Nguyễn Văn Cảnh cho hay.

Thực tế qua khảo sát ý kiến của nhiều người dân, đa số đều đồng tình với cách làm này. (Laodong.vn 20/7, Tô Thế)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Đồng Nai: Bay 171 tỉ, bay chức Chủ tịch huyện Nhơn Trạch, còn gì nữa?

Liên quan vụ nguyên Chủ tịch huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa đảo bay 171 tỉ đồng, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can.

Vụ bà Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa tiền thu hút sự quan tâm của người dân. Ai cũng thắc mắc rằng, bà Hương làm Chủ tịch huyện, lấy đâu ra tiền để bị lừa mất số tiền lớn như vậy. Với những lùm xùm liên quan đến vụ Chủ tịch huyện bị lừa tiền, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai vào cuộc.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai thi hành kỷ luật bà Hương bằng hình thức cách chức Phó Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Bà Hương bị kỷ luật vì không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai, không cung cấp cho Tổ xác minh tài sản, thu nhập các hồ sơ liên quan đến việc sở hữu các tài sản đã kê khai trong bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Bà Hương cũng bị cách chức Chủ tịch huyện Nhơn Trạch. Mất 171 tỉ đồng, mất luôn hai chức vụ Phó Bí thư và Chủ tịch huyện.

Vụ bà Hương bị lừa tiền đang được cơ quan điều tra vào cuộc, khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức", khởi tố 10 bị can.

Chắc chắn qua điều tra vụ án này, số tiền 171 tỉ đồng của bà Hương sẽ được làm rõ. Tiền từ đâu mà có, do tích lũy, do buôn bán, do vay mượn hay nguồn nào khác. Nếu không chứng minh được nguồn gốc, minh bạch được đồng tiền, thì đó không phải là tiền sạch. Có những cán bộ sở hữu căn biệt thự to lớn ngay trước mắt, dân biết được tài sản đó không phải do lãnh lương mà sắm được.

Từ trước đến nay, chuyện kê khai tài sản của cán bộ được bàn luận nhiều, và kê khai không trung thực không phải là ít, nhưng phát hiện như trường hợp bà Hương chưa nhiều. Đối với trường hợp này, nếu không xảy ra vụ lừa đảo thì cũng không ai biết, chẳng ai hay bà Hương kê khai tài sản không trung thực.

Chưa truy cho đến cùng những khối tài sản chìm, nổi đó, chưa phòng chống được tham nhũng. Về vụ án liên quan đến bà Hương bị lừa tiền, người dân chờ đợi được làm rõ thông tin về nguồn gốc số tiền mà vị cựu Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa. Và xem bà Hương có "quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai" được nữa không? (Laodong.vn 20/7, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Gia Lai: Mở rộng vụ nhận tiền tỷ để làm hồ sơ đất đai, bắt một cán bộ Sở Tư pháp

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Gia Lai đã đọc lệnh khám xét, bắt tạm giam ông Lê Khắc Huy (SN 1989, công chức Phòng Nghiệp vụ 2, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai) để điều tra các sai phạm liên quan đến hồ sơ đất đai.

Theo đó, ông Huy bị điều tra về hành vi “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Theo thông tin ban đầu, việc tạm giam ông Huy là kết quả việc mở rộng điều tra liên quan vụ án ông Lê Cảnh Phú - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai và Đỗ Minh Hiếu (SN 1989, trú tại TP.Pleiku), nhân viên hợp đồng Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai đều đã bị bắt tạm giam vì có hành vi “Nhận hối lộ”.

Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai, ông Phú giữ chức Trưởng Phòng Đăng ký và Cấp giấy chứng nhận (Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai).

Từ năm 2020-2022, ông Hiếu được xác định nhận tiền của người dân để làm hồ sơ, trình cấp nhanh sổ đỏ. Mỗi hồ sơ, ông Hiếu nhận từ vài trăm đến cả triệu đồng. Cơ quan công an cũng xác định, ông Hiếu đã nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng của nhiều người.

Số tiền nhận hối lộ của ông Hiếu được chuyển lên cho cấp trên, trong đó có ông Phú. Thời điểm “sốt đất” ở Gia Lai (giai đoạn 2020-2022), cơ quan này nhận hàng trăm bộ hồ sơ làm sổ đỏ mỗi ngày. (Tienphong.vn 21/7, Tiền Lê) Về đầu trang

Bắc Ninh: Lý do Giám đốc Sở Tài chính bị khởi tố

Ngày 20/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh làm rõ, khởi tố thêm 4 bị can trong vụ án tham nhũng tại huyện Gia Bình, trong đó có Giám đốc Sở Tài chính.

Theo đó, mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 4 bị can.

Bốn bị can gồm, bị can Nguyễn Kim Thoại (SN 1963, trú tại xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình). Bị can Nguyễn Xuân Trung (SN1983, trú thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình); Nguyễn Xuân Nghi (SN 1952, trú thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình); bị can Nguyễn Quang Kiên (SN 1979, trú thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình).

Trước khi bị khởi tố, ông Thoại đã bị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh tạm đình chỉ công tác Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh. Ông Thoại từng là nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Gia Bình.

Các bị can trên đều bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố 11 bị can khác về tội danh trên. Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2018, các bị can đã có hành vi giao đất trái quy định của pháp luật. (Tienphong.vn 21/7, Nguyễn Thắng) Về đầu trang

Bắc Kạn: Khởi tố 2 cán bộ huyện thẩm định hồ sơ đất trái pháp luật

Công an huyện Chợ Mới vừa thi hành các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Dương Ngọc Nam (SN 1982), viên chức Văn phòng đăng ký đất đai Chi nhánh huyện và Lê Văn Hạnh (SN 1973), công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trong hai năm 2020 và 2021, quá trình thực hiện công việc thực hiện việc tách, hợp một số thửa đất tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới, đối tượng Nam đã cố tình làm trái quy định của pháp luật khi thực hiện thẩm định hồ sơ chuyển nhượng đất với giá trị chuyển nhượng trên hồ sơ thấp hơn thực tế với số tiền chênh lệch hơn 3,5 tỷ đồng.

Còn đối tượng Hạnh là người đã trực tiếp thẩm định hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất một số thửa tại xã Thanh Thịnh nằm ngoài kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện Chợ Mới. Hành vi của hai bị can kể trên là trái quy định của pháp luật, gây thất thu thuế, thiệt hại đến tài sản, lợi ích của nhà nước. (Tienphong.vn 21/7, Nguyễn Duy Chiến)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Khởi tố cựu chủ tịch xã sai phạm quản lý đất đai

Ngày 21/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Dương Anh Dũng- nguyên Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị khởi tố cùng tội danh này còn có ông Đặng Đình Nam, cán bộ công chức địa chính xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà.

Trước đó, khoảng giữa năm 2021, cán bộ công chức địa chính Đặng Đình Nam và Dương Anh Dũng - thời điểm này đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, có hành vi sai phạm trong quản lý đất đai tại xã Lưu Vĩnh Sơn.

Cụ thể, trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND xã, ông Dương Anh Dũng mua lại đất của một hộ dân trên địa bàn. Một phần được cấp bìa đỏ và phần lớn diện tích là do người này thuê lại đất của xã quản lý để sử dụng.

Sau đó, ông Dũng hợp thức hóa để làm bìa đỏ rồi chuyển sang cho bố mẹ vợ của mình đứng tên trước khi chia lô, tách ra nhiều thửa để bán.

Nam biết rõ những hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên (mang tên Trần Văn Dũng, Hồ Thị Nhung) đối với thửa đất số 559, tờ bản số 13, tại thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn không đủ điều kiện để xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất.

Ngày 19/7/2021, Nam vẫn ký xác nhận vào đơn đăng ký, cấp giấy và trình Dương Anh Dũng ký xác nhận cho ông Trần Văn Dũng, bà Hồ Thị Nhung đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển hồ sơ lên Trung tâm Hành chính công huyện Thạch Hà đề nghị thực hiện các bước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều này khiến UBND huyện Thạch Hà hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 559 cho ông Dũng, bà Nhung sai đối tượng.

Ngày 13/11/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Sau một thời gian điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với Dương Anh Dũng và Đặng Đình Nam để phục vụ công tác điều tra. (VTCNews.vn 21/7, Trọng Tùng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế

Kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2024 vẫn tăng trưởng xoay quanh mức mục tiêu 5%. Xuất khẩu "ba lĩnh vực mới" là xe điện, pin lithium và tấm pin mặt trời đóng góp tới 1/3 vào tăng trưởng kinh tế, cho thấy những chuyển hướng quan trọng về cơ cấu sản xuất.

Tuy nhiên nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay vẫn còn một số khó khăn như áp lực lạm phát, áp lực giảm phát, niềm tin tiêu dùng yếu, lĩnh vực bất động sản chưa hồi phục và các chính sách thuế quan từ phương Tây. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bế mạc đã thông qua nhiều nội dung quan trọng về việc tiếp tục đi sâu cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa.

Theo các chuyên gia, Hội nghị lần này đã gửi đi 2 thông điệp cải cách quan trọng về định hướng phát triển kinh tế của Trung Quốc trong thời gian tới: Thứ nhất, tự chủ đổi mới sáng tạo, đặc biệt công nghệ cao trong bối cảnh Mỹ, EU gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại. Thứ hai, nâng cao vai trò đòn bẩy của thị trường với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân. (VTV.vn 20/7)Về đầu trang./.

Các tin khác

09