Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 06/6/2024

10:50, Thứ Năm, 6-6-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Lý do Kiểm toán Nhà nước không kiểm toán Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An

2.        Tổng Kiểm toán Nhà nước nói về 67.000 tỉ đồng chưa thể thu hồi

3.        Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải 300 tỉ hỗ trợ phục hồi du lịch nằm trong ngân hàng

4.        Chế độ tiền lương, bồi dưỡng cho các nghệ sĩ đang rất thấp

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

5.        Hậu Giang: Tỉ lệ giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia đạt cao

6.        Vì sao Điện Biên có tỉ lệ giải ngân thấp nhất cả nước

7.        Hòa Bình: Tăng cường giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

8.        Hơn 20.500 tỷ đồng vốn đầu tư công chảy vào giao thông vận tải

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

9.        Lý do thu ngân sách từ nhà đất tăng vọt

10.     Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 55 địa phương

11.     Từ 1/8 áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với kinh doanh golf

12.     Bình Định: Liên tiếp 4 tháng đầu năm chưa có dự án FDI mới, tỉnh chủ động “gõ cửa” nhà đầu tư

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

13.     Bình Dương: Người dân, du khách thích thú với mã QR trên bảng tên đường

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Kiên Giang: Khởi tố cán bộ huyện tham ô hơn 410 triệu đồng tiêu xài cá nhân

15.     Công an Phú Thọ khởi tố vụ án liên tỉnh, bắt Phó Giám đốc Sở TNMT Bắc Kạn

THẾ GIỚI

16.     Thái Lan thay đổi chính sách thuế VAT để ngăn hàng nhập khẩu giá rẻ

 

TIN QUỐC HỘI

Lý do Kiểm toán Nhà nước không kiểm toán Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An

Sáng 5/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, vừa qua đã xảy ra một số vụ án lớn liên quan đến đấu thầu như tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, nhưng 2 đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn nhà nước nên không phải là đơn vị được kiểm toán.

Cụ thể, điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo 11 trang, nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp này, đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn đối với 3 nhóm vấn đề sau:

Thứ nhất, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Thứ hai, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước. Thứ ba, giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trịnh Minh Bình (Đoàn Vĩnh Long) cho biết, trong thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Đại biểu Bình đề nghị Tổng KTNN lý giải vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời nội dung này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Như vậy, đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với 12 nhóm đơn vị liên quan.

Ông Ngô Văn Tuấn cho biết, vừa qua đã xảy ra một số vụ án lớn liên quan đến đấu thầu, cụ thể là Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An. Song 2 đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn nhà nước nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán.

Xét về góc độ có liên quan, 2 đơn vị này liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công với tư cách là nhà thầu.

KTNN chỉ kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án. Trong quá trình kiểm toán sẽ thực hiện đánh giá tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; đánh giá xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản và xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công.

Trong việc kiểm toán chấp hành pháp lệnh về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán như ban quản lý dự án, chủ đầu tư cung cấp thì tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho việc kết luận về tính trung thực.

Trong quá trình kiểm toán độc lập sẽ xét toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu để xem việc gọi thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Quá trình kiểm toán đã chỉ ra những sai sót và có kiến nghị xử lý. (Laodong.vn 05/6, Nhóm PV)Về đầu trang

Tổng Kiểm toán Nhà nước nói về 67.000 tỉ đồng chưa thể thu hồi

Sáng 5/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết, Báo cáo số 599 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy, số tiền kiến nghị chưa thu được có nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỉ lệ còn cao (59%). Kết quả này cho thấy, việc chưa thực hiện nghiêm túc kết luận của đơn vị được kiểm toán.

Đại biểu đề nghị Tổng KTNN cho biết lý do; đồng thời, đề nghị nêu rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục của ngành cũng như kiến nghị để nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của kiểm toán trong thời gian tới.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho rằng, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN được các cơ quan quan tâm. Tiến độ, ý thức chấp hành của các cơ quan đã cao hơn, song còn 67.000 tỉ đồng kiến nghị theo kết luận KTNN chậm được thu hồi.

Trong đó, nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán là hơn 59%. Ông Tuấn cho rằng, việc này do ý thức, trách nhiệm của đơn vị chưa tổ chức thực hiện. Về khách quan, đơn vị khó khăn về tài chính, phụ thuộc hướng dẫn của cấp trên. Thậm chí có đơn vị đã giải thể, phá sản những vẫn đưa vào diện phải theo dõi.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 74 của Quốc hội đã nêu các nhóm nguyên nhân cụ thể là ý thức, năng lực, đùn đẩy trách nhiệm, vai trò người đứng đầu và công tác phối hợp.

Với KTNN, ông Tuấn cho biết, sẽ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để kết luận được thực hiện nhanh hơn, tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề 19 vụ án được KTNN chuyển sang cơ quan điều tra vì có dấu hiệu tham nhũng. Từ những hạn chế trong thực tại của KTNN, giải pháp gì để khắc phục thời gian tới?

Ông Tuấn cho hay, 5 năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an 19 vụ án.

"Phương châm của kiểm toán là thận trọng, phải chín, phải rõ mới chuyển, nhưng không có nghĩa vai trò phòng chống tham nhũng của kiểm toán bị giảm đi", ông Ngô Văn Tuấn cho biết, đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của KTNN là cùng cơ quan chức năng điều tra đưa ra ánh sáng các đối tượng vi phạm. (Laodong.vn 05/6, Nhóm PV)Về đầu trang

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải 300 tỉ hỗ trợ phục hồi du lịch nằm trong ngân hàng

Chiều 5/6, Quốc hội bước vào phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn TP Đà Nẵng) cho biết sau đại dịch COVID-19, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm, bố trí nguồn lực là 300 tỉ đồng để hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi. Tuy nhiên, theo đại biểu Cường, số kinh phí này hiện vẫn nằm trong tài khoản tiền gửi ngân hàng. “Vậy nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí này và biện pháp để khắc phục tình trạng trên là gì?” – đại biểu Cường hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Hùng thông tin 300 tỉ đồng này không phải là quỹ hỗ trợ phát triển mà theo Luật Du lịch là vốn điều lệ, được bảo tồn phát triển theo cách gửi ở ngân hàng. Trong đó, phần lãi đưa ra chi phí cho tổ chức bộ máy, phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp theo tỉ lệ % đóng góp của ngành du lịch thông qua phí, vé...

Hiện nay, 150 tỉ đồng đã được gửi ngân hàng để bảo tồn nguồn vốn, lãi rút ra chi cho công tác hành chính của bộ máy. Số tiền 150 tỉ đồng còn lại vẫn đang được gửi ở Kho bạc Nhà nước.

“Đây là vấn đề rất mới” – ông Hùng nói và cho biết quỹ hỗ trợ du lịch này hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập nên không tránh khỏi những vướng mắc. Thời gian tới, Bộ sẽ quyết liệt sắp xếp lại bộ máy, nếu cần thiết sẽ đánh giá tác động và có báo cáo cụ thể để xem xét sửa đổi, đưa quỹ này vào hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn về quảng bá du lịch. (Plo.vn.vn 05/6, Nhóm PV)Về đầu trang

Chế độ tiền lương, bồi dưỡng cho các nghệ sĩ đang rất thấp

Đầu giờ chiều 5/6, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng là tư lệnh cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp 7.

Trước đó, Bộ trưởng Hùng cũng đã có báo cáo gửi đến các đại biểu về các vấn đề thuộc nội dung chất vấn, đáng chú ý là nội dung về chế độ chính sách đối với nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật, giải quyết việc làm cho nghệ sĩ sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao.

Theo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, chế độ tiền lương được tính cho phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06; diễn viên hạng III từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Qua khảo sát, đánh giá, hiện nay, đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được nhận khoảng 5 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng.

Người lao động vừa được bổ nhiệm vào viên chức, ngạch diễn viên (trung bình ở độ tuổi 25), hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 1 sẽ là 1,86. Khi trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà người viên chức được nhận thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại đối với người diễn viên.

Chế độ bồi dưỡng luyện tập thấp nhất là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập; chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi biểu diễn và cao nhất là 200.000 đồng/buổi biểu diễn.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, sau sáu lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng cụ thể như trên vẫn giữ nguyên, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống.

“Vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” – Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL nhìn nhận và đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn… (Plo.vn.vn 05/6, Nhóm PV)Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Hậu Giang: Tỉ lệ giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia đạt cao

Ngày 4/6, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang có buổi làm việc với các ngành liên quan về tiến độ giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2025, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 379,6 tỉ đồng. Tính riêng năm 2024, tỉnh Hậu Giang được bố trí hơn 100 tỉ đồng để thực hiện, đến nay đã giải ngân được hơn 72,3 tỉ đồng, đạt tỉ lệ hơn 73,5% kế hoạch.

Theo đánh giá, nguồn vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có tiến độ giải ngân cao, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đã giúp nhiều địa phương hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới ở ba cấp độ, gồm: nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hậu Giang vẫn còn một số khó khăn như việc triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh hiện đã hết nguồn lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ, từ đó không sử dụng hết nguồn kinh phí được bố trí.

Dù tỉ lệ giải ngân của Hậu Giang đạt cao, nhưng trong đó nguồn vốn sự nghiệp giải ngân còn đạt thấp, nguyên nhân là do những tháng đầu năm, các đơn vị trên địa bàn đang xây dựng kế hoạch, thủ tục hồ sơ thực hiện. (Plo.vn.vn 05/6, Châu Anh)Về đầu trang

Vì sao Điện Biên có tỉ lệ giải ngân thấp nhất cả nước

Tỉnh Điện Biên hiện có 105 dự án sử dụng vốn đầu tư công có tỉ lệ giải ngân thấp nhất cả nước (đạt 17,7%) với tổng vốn chưa giải ngân là 343 tỉ đồng.

Đây là con số được Bộ Tài chính đưa ra khi đánh giá việc giải ngân vốn đầu tư công trên toàn quốc đến hết ngày 30/4. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương do địa phương quản lý.

Theo kế hoạch, năm 2024 tỉnh Điện Biên được Thủ tướng giao hơn 4 nghìn tỉ đồng, hiện đã phân bổ chi tiết đạt 99,8%. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân đến 30.5 mới đạt 17,7%; một số nguồn vốn giải ngân 0%, như: vốn ODA, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Toàn tỉnh có 11/40 đơn vị chủ đầu tư đến nay chưa thực hiện giải ngân.

Nguyên nhân của tình trạng này được UBND tỉnh Điện Biên xác định do việc tổ chức thực hiện ở một số sở, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy tối đa. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương vẫn còn những vướng mắc phát sinh.

Ngoài ra, công tác lập kế hoạch của các đơn vị chủ đầu tư còn yếu; năng lực một số đơn vị chủ đầu tư còn hạn chế dẫn đến việc chậm hoàn thiện hồ sơ, chất lượng hồ sơ dự án, chất lượng đơn vị tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu...

Để giải quyết tình trạng này, ngày 4/6, tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường đề nghị UBND tỉnh khẩn trương phân công, phân cấp cho cấp huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung đề ra những giải pháp hiệu quả thực hiện kế hoạch đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

"Phải tìm ra nguyên nhân hạn chế của từng địa phương, đơn vị, để có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, xem xét lại công tác cán bộ, nhất là về năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm để kiểm điểm, xử lý kịp thời các trường hợp yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ" - ông Cường nhấn mạnh.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cũng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị mình.

"Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng công trình. Trước hết phải tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư phải cam kết tiến độ thực hiện giải ngân. Các sở, ngành rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư" - ông Đô nói. (Laodong.vn 05/6, Văn Thành Chương)Về đầu trang

Hòa Bình: Tăng cường giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Thời gian qua, công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư công tại tỉnh Hòa Bình được triển khai thực hiện theo quy định, việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công được thực hiện kịp thời ngay sau khi có quyết định giao vốn của Thủ tướng.

Từ năm 2023 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 39 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và chấp thuận nhà đầu tư đối với 09 dự án nhà ở thương mại, 45 quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án. Có 13 dự án bị chấm dứt thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và được đăng tải thông tin trên toàn quốc.

Việc theo dõi, đánh giá và giám sát việc thực hiện dự án sau khi quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan để xây dựng kế hoạch kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối với 55 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tính đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của 02 dự án do nhà đầu tư không sử dụng địa điểm theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; ban hành Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với 20 dự án do không thực hiện đúng nội dung tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (các nhà đầu tư có dự án bị xử phạt đã chấp hành nộp phạt vào ngân sách nhà đầu tư bảo đảm theo quy định, số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước là 1.460 triệu đồng).

Các dự án nhà ở, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, theo dõi và tổng hợp; đối chiếu các điều khoản hợp đồng để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện đúng nội dung hợp đồng; đề xuất phương án chấm dứt hợp đồng (nếu có) đối với các chủ đầu tư có dự án không triển khai thực hiện.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư công, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, kiểm tra; đề xuất phương án xử lý vi phạm hành chính theo quy định và xử lý dứt điểm việc khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư công, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ trên địa bàn tỉnh. (Baoxaydung.com.vn 04/6, Mai Thu)Về đầu trang

Hơn 20.500 tỷ đồng vốn đầu tư công chảy vào giao thông vận tải

Theo báo cáo từ Tổng Cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 190.600 tỷ đồng, bằng 26,6% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 24,8% và tăng 21,5%). Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải được giao kế hoạch vốn là 59.237 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), ước đến hết tháng 5 vừa qua, bộ đã giải ngân khoảng 20.500 tỷ đồng (đạt 34%) vốn đầu tư công, cao hơn cùng kỳ năm trước (giải ngân đạt khoảng 30%).

Trong tổng số hơn 59.000 vốn đầu tư công được Thủ tướng giao năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng giao bổ sung 2.571 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021 và đang trình cấp có thẩm quyền bổ sung 8.680 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Để đảm bảo hiệu quả giải ngân, thời gian tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án và cam kết chịu trách nhiệm trước bộ về tiến độ giải ngân; theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hằng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kết quả giải ngân.

Lũy kế đến tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư 65 dự án, phê duyệt đầu tư 57/65 dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và sử dụng nguồn vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2022.

Thời gian gần đây, với việc tăng cường huy động nhân lực, máy móc tại công trường, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải đang được các chủ đầu tư tăng tốc thi công và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. (Vneconomy.vn 05/6, Thanh Thủy)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Lý do thu ngân sách từ nhà đất tăng vọt

 5 tháng đầu năm, thu ngân sách từ nhà đất đạt 90.600 tỷ đồng, tăng tới 78,2% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng nguồn thu này xuất phát từ việc địa phương đấu giá đất, giao đất, thu tiền sử dụng đất của dự án.

Trong gần 10 năm trở lại đây, số thu từ nhà đất liên tục tăng cao. Năm 2013, số thu từ nhà đất là gần 63.700 tỷ đồng, năm 2022, số thu này tăng khoảng 4 lần. Năm 2023, do thị trường bất động sản trầm lắng nên thu ngân sách từ nhà đất giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, nguồn thu từ nhà đất là nguồn thu không bền vững.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, để góp phần bình ổn thị trường đất đai, bất động sản, khai thác tốt nguồn thu từ đất, sử dụng đất đai tiết kiệm hiệu quả, cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải pháp nhằm định giá đất phù hợp với giá trị thị trường.

Bên cạnh khoản thu từ nhà đất, một số khoản thu cũng tăng mạnh như thu từ sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp đã tạm nộp 3 kỳ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân tăng 13,9%, thu thuế bảo vệ môi trường tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ Tài chính, số thu nội địa đạt khá so dự toán và tăng so cùng kỳ 2023 cho thấy nền kinh tế đang phục hồi.

Cùng với tăng thu ngân sách cả nước, những địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, thu ngân sách TPHCM khoảng 229.420 tỷ đồng, Hà Nội 227.300 tỷ đồng, Hải Phòng 51.115 tỷ đồng, Bà Rịa Vũng Tàu 39.972 tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. (Tienphong.vn 05/6, Quỳnh Nga)Về đầu trang

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 55 địa phương

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm 2024 tăng ở 55 tỉnh thành và giảm ở 8 địa phương trên cả nước so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, một số địa phương có chỉ số đạt mức tăng khá cao là: Phú Thọ tăng 31,2%; Bắc Giang tăng 24,9%; Bình Phước tăng 14,8%... Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số tăng thấp hoặc giảm là Hà Giang tăng 0,4%; Bắc Ninh tăng 0,05%. Đáng lưu ý, Hà Tĩnh giảm 9,0%; Quảng Ngãi giảm 8,2%; Cà Mau giảm 2,5%.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực; tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. (VTV.vn 05/6)Về đầu trang

Từ 1/8 áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với kinh doanh golf

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa ban hành Công điện số 01 yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn quyết liệt triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Thuế doanh nghiệp lớn tiếp tục khẩn trương triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm…, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ,...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng yêu cầu triển khai các giải pháp để áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 1/8/2024 đối với các loại hình kinh doanh bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân; kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện,… phục vụ chơi golf.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, triển khai thanh tra, kiểm tra đối với loại hình nêu trên để các cơ cơ sở kinh doanh hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định, thúc đẩy việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chống thất thu ngân sách nhà nước. (TTXVN/Bnews.vn 05/6)Về đầu trang

Bình Định: Liên tiếp 4 tháng đầu năm chưa có dự án FDI mới, tỉnh chủ động “gõ cửa” nhà đầu tư

Theo UBND tỉnh Bình Định, trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Bình Định chưa phát sinh dự án FDI mới trên địa bàn tỉnh. Do đó, thời gian gần đây, Bình Định liên tục tổ chức nhiều đoàn công tác bay đến nhiều quốc gia trên thế giới để mời gọi các nhà đầu tư giàu tiềm lực.

Ông Lê Hoàng Nghi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế thế giới khó khăn và tình hình chính trị bất ổn, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn FDI của tỉnh cũng chậm do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình hình thu hút đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2024 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Hoạt động thu hút đầu tư đạt thấp mới chỉ có 18 dự án (trong nước) so với kế hoạch đề ra là 100 dự án (trong nước và FDI). Đáng lưu ý là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để thu hút đầu tư…

Để cải thiện môi trường đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, đấu thầu, cấp phép đầu tư. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Các ưu tiên sẽ tập trung vào các khâu như đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng và giải quyết thủ tục giao đất.

Đối với các dự án FDI đã thu hút được, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, việc giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án FDI theo đăng ký đã được thực hiện thường xuyên tại tỉnh; phần lớn các dự án có quy mô lớn nằm trong các khu công nghiệp và khu kinh tế do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quản lý.

Tỉnh cũng liên tục tổ chức nhiều đoàn công tác bay đến nhiều quốc gia trên thế giới để mời gọi các nhà đầu tư giàu tiềm lực. Năm 2023, Đoàn công tác của Bình Định đã đi xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Canada… Qua đó đã có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát và làm các bước thủ tục để đầu tư vào Bình Định.

Trong thời gian còn lại của năm 2024, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục chủ động triển khai Kế hoạch Công tác thông tin đối ngoại năm 2024. Qua đó, tăng cường tuyên truyền chính sách thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam và tỉnh Bình Định đến các nước trên thế giới và người Việt Nam ở nước ngoài. (Doisongphapluat.nguoiduatin.vn 05/6)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Bình Dương: Người dân, du khách thích thú với mã QR trên bảng tên đường

Thông tin về nhân vật, sự kiện lịch sử liên quan đến các tên đường tại TP.Thủ Dầu Một đều được tra cứu thông qua mã QR. Mã QR code có kích thước nhỏ được dán góc trên cùng của bảng tên đường.

Tính đến nay, 100% tuyến đường nội ô TP.Thủ Dầu Một đã được gắn mã QR. Người dân, du khách thích thú khi với một chiếc điện thoại thông minh, có thể biết được lịch sử một vùng đất, tiểu sử của một danh nhân được chọn đặt tên đường.

Theo lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một, người dân có thể đứng cách bảng tên đường 4 mm quét mã ở tầm cao 2m hoặc phóng đại camera điện thoại là thiết bị có thể nhận dạng và tra cứu thông tin.

Về quy trình, nội dung tiểu sử tên đường do cơ quan quản lý về văn hóa, thể thao và du lịch địa phương cung cấp. Sau đó được tạo mã quét QR code riêng cho từng tuyến đường và được dán tích hợp lên biển báo tên đường.

Người dùng có thể cài đặt các phần mềm tra cứu mã QR code chuyên dụng. Cũng có thể sử dụng phần mềm tích hợp sẵn trên điện thoại thông minh. Chỉ cần mở phần mềm đọc mã và chụp ảnh mã QR code trên bảng thông tin tên đường là có thể truy cập liên kết để xem thông tin. Mã QR được in trên giấy phản quang nên rất bền và nhạy, có thể xuất thông tin gần như ngay lập tức.

Trải nghiệm thực tế của PV cho thấy, khi quét ở khoảng cách hơn 1m với bảng tên đường, điện thoại sẽ cho kết quả nhanh chưa tới 2 giây.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hiệp, công tác tại một trường trung học phổ thông tại TP.Thủ Dầu Một đánh giá, việc tích hợp thông tin nhân vật được đặt tên đường là hoạt động có ý nghĩa rất thiết thực trong việc giáo dục các giá trị văn hóa, lịch sử. Theo thầy Hiệp, tính hiệu quả trong giáo dục rất cao, lại ít tốn kém. Phần lớn học sinh đều có điện thoại thông minh, lứa tuổi thích khám phá, tò mò cái mới, học lịch sử thông qua tiện ích này sẽ hiệu quả hơn là ngồi đọc sách.

Ông Nguyễn Văn Thành, cán bộ hưu trí ở phường Hiệp Thành (TP.Thủ Dầu Một) cho rằng, những thông tin trong mã QR code rất hữu ích đối với người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Khi việc sử dụng, quét, tra xuất thông tin tên đường thành một thói quen, sẽ giúp mọi người nhớ nhiều. Về lâu dài sẽ định hình những giá trị nhất định trong mỗi người. (Tienphong.vn 05/6, Hương Chi)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kiên Giang: Khởi tố cán bộ huyện tham ô hơn 410 triệu đồng tiêu xài cá nhân

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kiên Hải vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thanh Liêm (39 tuổi, ngụ xã Hòn Tre) để điều tra, làm rõ về hành vi "tham ô tài sản".

Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2021, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao là kế toán Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kiên Hải nhưng Liêm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để lập các chứng từ nhằm chiếm đoạt hơn 410 triệu đồng.

Đây là số tiền kinh phí từ ngân sách nhà nước, nhưng Liêm đã chiếm đoạt rồi sử dụng vào mục đích cá nhân, mà không nộp vào ngân sách nhà nước. (Tuoitre.vn 05/6, Hoàng Đô – Bửu Đấu)Về đầu trang

Công an Phú Thọ khởi tố vụ án liên tỉnh, bắt Phó Giám đốc Sở TNMT Bắc Kạn

Công an tỉnh Phú Thọ vừa ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với Nông Đức Di (SN 1974, trú tại Bắc Kạn) - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn về hành vi “Giả mạo trong công tác”.

Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã lập chuyên án làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của nhiều Công ty hoạt động tư vấn về môi trường tại nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước.

Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 2/5-4/6, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 6 vụ án, khởi tố nhiều bị can, bao gồm: Nguyễn Thị Quỳnh - Giám đốc Công ty TNHH TQB Phú Thọ; Bùi Trung Quân - Giám đốc Công ty TNHH Môi trường SETECH (Hà Nội); Đinh Thị Diệu Linh - nhân viên Công ty CP EJC Chi nhánh Phú Thọ; Đỗ Trung Đức và Nguyễn Văn Tản - Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Liên Minh môi trường và xây dựng (Hà Nội); Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH G&T Phú Thọ; Nguyễn Trần Mạnh - Giám đốc Công ty CP dịch vụ và phát triển Trường Thành (Hà Nội); Triệu Quý Hợi - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn... về các tội danh “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Giả mạo trong công tác”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ xác định: Mặc dù các công ty hoạt động tư vấn về môi trường không có máy móc, thiết bị, không có nhân lực chuyên môn về tư vấn môi trường nhưng vẫn thực hiện hoạt động tư vấn, lập hàng trăm báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án trên địa bàn cả nước, thu lời bất chính hàng chục tỉ đồng.

Đây là vụ án đầu tiên trên toàn quốc khởi tố, xử lý các đối tượng về hành vi làm giả báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc lập giả báo cáo đánh giá tác động môi trường diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều tỉnh thành, có sự tiếp tay, móc nối, tạo điều kiện của cơ quan quản lý Nhà nước.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: “Hành vi của các đối tượng nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến đánh giá không đúng tác động đối với môi trường khi dự án đi vào hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, suy giảm sức khoẻ, thể trạng con người”. (Laodong.vn 05/6, Tô Công)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thái Lan thay đổi chính sách thuế VAT để ngăn hàng nhập khẩu giá rẻ

Theo chế độ VAT hiện hành, có hiệu lực từ năm 2018, chỉ những hàng hóa nhập khẩu có giá trị trên 1.500 baht mới phải thu VAT.

Nội các Thái Lan đã phê duyệt về nguyên tắc đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có giá trị trên 1 baht (0,027 USD) trong nỗ lực ngăn chặn hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là hàng từ Trung Quốc, đang tràn ngập thị trường nội địa.

Theo người phát ngôn chính phủ Chai Wacharonke, ngưỡng thu thuế VAT mới sẽ có hiệu lực 15 ngày sau khi được công bố chính thức trên Công báo Hoàng gia, sau đó nó sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31/12.

Ông Chai nói thêm rằng Chính phủ sẽ đánh giá tác động của chính sách này trước khi đưa ra quyết định có nên gia hạn chính sách hay không. (TTXVN/Bnews.vn 05/6, Đỗ Sinh)Về đầu trang./.

Các tin khác

07