Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 27/5/2024

16:19, Thứ Hai, 27-5-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Cho vận dụng “không trái với các quy định cấm” sẽ hết tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm?

2.        Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Có tình trạng nhiều ngành như ô tô “tát nước theo mưa”

3.        Thủ tướng nói về cách tiếp cận chưa đúng, chưa trúng khi triển khai gói 40.000 tỉ đồng

4.        Đầu tư y tế bị đình trệ, đại biểu yêu cầu chỉ rõ nguyên nhân

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

5.        Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài

6.        Hà Tĩnh lập 3 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

7.        Lâm Đồng “tính cửa” tạo nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc

8.        Bình Dương sẽ khởi công 2 dự án giao thông lớn, tiếp tục thu hút đầu tư

9.        Kiên Giang: Đề xuất giảm thu phí tại các cầu cảng biển để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

10.     Hà Tĩnh cấp kinh phí khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

11.     Không có lý do để chậm trễ!

QUẢN LÝ

12.     14/15 cuộc thanh tra chậm kết luận đã có kết quả, 1 cuộc báo cáo Thủ tướngCẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

13.     Bà Rịa-Vũng Tàu: Chấn chỉnh cán bộ ngại, “né” áp dụng các ứng dụng về cải cách hành chính

14.     TP.HCM ban hành danh mục 87 thủ tục hành chính buộc áp dụng chữ ký số

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

15.     Hà Nội: Vi phạm giao thông giảm đáng kể sau 1 tuần 5 tổ công tác đặc biệt ra quân

16.     Đà Nẵng: Cho vay ưu đãi hộ có mức sống trung bình

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÂY XANH CÔNG MINH

17.     Vĩnh Long kiểm tra các gói thầu liên quan đến cây xanh

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

18.     Thủ tướng xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên với ông Phạm Đình Cự

 

TIN QUỐC HỘI

Cho vận dụng “không trái với các quy định cấm” sẽ hết tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm?

Sáng 25/5, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết về một số dự án quan trọng quốc gia.

Tại phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho biết ông thống nhất với đánh giá của Đoàn giám sát về tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Điều này dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng tình trạng đùn đẩy, né tránh của cán bộ, công chức không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng. Và hiện tượng này, theo ông xuất phát từ hai nguyên nhân: “Nguyên nhân đầu tiên là do văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chồng chéo. Nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp. Mặt khác, thủ tục thực hiện dự án phức tạp, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị. Nguyên nhân thứ hai là năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức còn hạn chế” – ĐB Thông nói.

ĐB Thông cho rằng việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các các quy định pháp luật, việc hủy bỏ những quy định không khả thi tuy có được triển khai nhưng vẫn còn chậm, nhất là những văn bản dưới luật. Trong khi đó, việc bồi dưỡng cho đội ngũ thực thi chính sách chưa chú trọng nhiều vào học chuyên môn, nghiệp vụ.

“Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến”- ĐB nhận định và đặt vấn đề liệu có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?

Câu trả lời ĐB đưa ra là “không phải”. Theo ĐB Thông, chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; chúng ta đã có kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. “Vậy thì từ nguyên nhân nào?” - ĐB Thông tiếp tục đặt câu hỏi và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả.

Trong đó, ông Thông kiến nghị cần khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng. “Nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc, các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên” - ông Thông nói.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay hiện nay, có nhiều quy định không phù hợp với thực tế, mọi người đều thấy cần phải làm khác đi so với quy định thì mới phù hợp với thực tế và mới có hiệu quả. Nhưng trên thực tế khi thực thi hành công vụ, người thi hành vẫn cứ phải tuân thủ theo quy định và thực thi những việc làm mà không phù hợp, thậm chí, nhiều người không dám làm, phải đùn đẩy lên trên.

“Điều này cũng có thể dẫn đến việc các địa phương chờ đợi xin các cơ chế đặc thù để giải quyết. Thời gian vừa qua, hầu như kỳ họp nào Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù. Ngay trong kỳ họp này, chúng ta biết đường cao tốc Bắc Nam phía Tây cũng đề xuất cơ chế đặc thù; hai tỉnh như Nghệ An, Đà Nẵng cũng xin cơ chế đặc thù. Tôi tin tưởng rằng, các địa phương, các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục xin cơ chế đặc thù trong các kỳ họp tới” – ĐB Cường nói.

Theo ĐB Cường “cơ chế đặc thù” thực ra là quy định cho phép được làm khác đi so với pháp luật hiện hành, được coi như quy định xé rào, cởi trói. Quy định của pháp luật luôn luôn có sự giao thoa, phù hợp với lĩnh vực này, địa phương này, thời điểm này nhưng có thể không phù hợp với lĩnh vực, các địa phương khác, vào thời điểm khác.

Cùng một quy định của pháp luật nhưng nếu hoàn cảnh khác nhau, đối tượng khác nhau, người thực thi pháp luật phải biết vận dụng, xử lý khác nhau cho phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh để mang lại hiệu quả tốt nhất. "Tôi đề nghị Quốc hội cần có một nghị quyết cho phép người thực thi công vụ được phép vận dụng các quy định của pháp luật hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh thực tế” – ĐB Cường đề nghị. (Plo.vn 26/5, Nhóm phóng viên)Về đầu trang

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Có tình trạng nhiều ngành như ô tô “tát nước theo mưa”

Sáng 25/5, góp ý vào báo cáo giám sát về Nghị quyết 43 phục hồi kinh tế, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), đánh giá nếu chỉ có COVID-19 thì gói chính sách của Nghị quyết 43 "không cần thiết".

Lý do theo ông Đồng, năm 2022 nền kinh tế thời điểm đó thừa vốn, lãi suất rất thấp, các gói hỗ trợ cũng không có tác dụng kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, ngoài COVID - 19 thì kinh tế giai đoạn 2022 và 2023 có những vấn đề khác (chiến tranh, kinh tế toàn cầu biến động, vỡ bong bóng tài sản), nên cuối cùng gói hỗ trợ này lại phần nào phát huy được hiệu quả.

Đại biểu đoàn Quảng Trị cho rằng chính việc chậm triển khai Nghị quyết 43 “khiến nó mang lại hiệu quả". Bởi nếu triển khai mạnh vào đầu 2022 khi mới ban hành thì Nghị quyết 43 sẽ bơm thêm vào bong bóng tài sản lúc đó đang phình to. “Nhưng vì việc triển khai Nghị quyết 43 chậm, vào lúc bong bóng đã qua đỉnh và bắt đầu quá trình hạ cánh nên có tác dụng giúp Việt Nam hạ cánh mềm, thay vì hạ cánh cứng như nhiều nước khác” – ông nhìn nhận.

Bên cạnh đó, sự thất bại của gói lãi suất 2% (chỉ giải ngân được 3,05%), nhìn ở khía cạnh nào đó cũng chưa hẳn là thất bại. Nếu gói này hoạt động tốt thì chắc chắn việc đối phó với lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chẳng hạn như giai đoạn gói kích cầu 2009 đã gây lạm phát của năm 2011.

Vì những yếu tố đó, Việt Nam đã không lâm vào lạm phát cao như nhiều nước phát triển như Mỹ và EU. “Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá. Dù thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội nhưng vẫn được coi là ổn” – ông nói thêm.

Sau này Chính phủ có nhiều giải pháp điều hành khác mang lại hiệu quả cũng rất tốt. Như giảm thuế xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới tăng; gia hạn nộp thuế cũng là chính sách cần thiết… Từ đó ông cho rằng bài học rút ra trong bối cảnh hiện nay là cần ưu tiên tính khả thi của các chính sách khi xây dựng.

Cũng theo đại biểu Đồng, các nước khác sử dụng chính sách đầu tư công để phục hồi kinh tế rất hiệu quả nhưng chúng ta gặp nút thắt về pháp luật và siết kỷ cương bộ máy, do đó đầu tư công không phát huy được hết tác dụng.

Đáng chú ý ông nhìn nhận 2022 - 2023 là hai năm toát mồ hôi của chính sách tiền tệ. Tuy vậy khi nhìn lại thời điểm đó mà điều hành được như những gì đã diễn ra có thể được coi là thành công". Về lâu dài, ông Đồng cho rằng cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Cũng cần phải nói thêm rằng, có tình trạng tát nước theo mưa - tức là nhân việc Quốc hội và Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà có ngành xin thêm. Ví dụ như ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, khiến năm 2022 là năm ngành ô tô có doanh số kỷ lục.

Quá trình thực hiện có thể thấy, sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng. Ví dụ như việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả mặt hàng từ 10% xuống 8% thì lại quá cứng nhắc phụ thuộc vào Nghị quyết 43.

Cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị giãn nộp thuế thêm vài tháng sang năm sau, vì đây là thời điểm giáp hạt đối với doanh nghiệp. Song điều này lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ ngại điều chỉnh dự toán ngân sách nên đã không trình.

Bài học nữa là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Đại biểu Đồng cho rằng nếu trong tương lai lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô thì phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm đưa chính sách vào cuộc sống. “Còn như Nghị quyết 43 cho thời hạn thực hiện hai năm nhưng thời gian đó rất nhiều thứ đã khác. Khủng hoảng kinh tế do COVID-19 rất khác với khủng hoảng khác” – ông nói. (Plo.vn 26/5, Nhóm PV)Về đầu trang

Thủ tướng nói về cách tiếp cận chưa đúng, chưa trúng khi triển khai gói 40.000 tỉ đồng

Tiếp tục kỳ họp thứ 7 chiều 25/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỉ đồng ban đầu có cách tiếp cận là vay - trả, vay thì phải trả. Khi đánh giá có khả năng trả thì cho vay. Tuy nhiên, chúng ta đã nâng lên một cấp là phải đánh giá có khả năng phục hồi. Lúc này chuyển trạng thái khác là đầu tư phát triển.

Thủ tướng cho biết, đầu tư phát triển thì phải dài hạn. "Đầu tư phát triển anh cho chúng tôi có 2 năm thì làm sao đánh giá được. Cách tiếp cận của chúng ta chưa trúng, chưa đúng với thực tiễn", Thủ tướng nói và cho biết chính sách này "không ai dám vay".

Theo Thủ tướng, vay của doanh nghiệp có nhiều mục tiêu như trả nợ, thoát nợ... nhưng lại bắt phải đánh giá có khả năng phục hồi. Nếu 2 năm sau đến kiểm tra thì làm sao phục hồi ngay được, đầu tư thì làm sao đánh giá ngay được.

"Vậy thôi an toàn là không vay, rất cảm ơn các anh là em không vay. Bởi vay mà các anh đánh giá em không phục hồi được thì anh lại xử lý em thì em cũng chết. Vậy thôi thà rằng là em ngồi im", Thủ tướng dẫn chứng thực tế và cho biết khi đánh giá, chuyển trạng thái nhưng lại không chuyển cơ chế chính sách thì không làm được.

Theo Thủ tướng, trong 4 nội dung của chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì cơ bản làm tốt. Còn nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp thì có phần làm tốt, còn phần không làm tốt là 40.000 tỉ đồng này. Nếu Quốc hội đồng ý cho khoản tiền này chuyển sang Ngân hàng Chính sách là xong.

Thủ tướng nhấn mạnh, dù không sử dụng hết 40.000 tỉ đồng này nhưng nước ta giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 2 năm đã lên đến gần 200.000 tỉ đồng thì "đâu phải là không thành công". Do đó, Thủ tướng cho rằng phải nhìn vào bức tranh tổng thể để tự tin làm. Thủ tướng ghi nhận ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, góp phần hoàn chỉnh chính sách.

"Mình đánh giá thì cũng phải bình tĩnh hơn, khách quan và nhìn vào giá trị tổng thể của chương trình. Qua đó mới thấy những quyết định của Quốc hội là đúng đắn, là kịp thời. Chúng ta đã làm tốt, bên cạnh đó có những cái chưa tốt theo quy luật vận động phát triển", Thủ tướng nêu. (Laodong.vn 25/5, Phạm Đông – Cao Nguyên)Về đầu trang

Đầu tư y tế bị đình trệ, đại biểu yêu cầu chỉ rõ nguyên nhân

Chiều 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 43/2022. Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với việc triển khai kịp thời và sự cần thiết của gói chính sách này đối với nền kinh tế nhưng cũng đề nghị phân tích rõ các nguyên nhân khiến việc thực hiện còn nhiều hạn chế.

Theo đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam), Nghị quyết 43 đặc biệt quan tâm đến ngành y tế. Cả hai chính sách tài khóa và tiền tệ đều tập trung nguồn lực cho phát triển y tế, dù vậy một số dự án đề xuất vẫn chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch cũng như yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân…

Còn đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho biết theo báo cáo tổng mức vốn được bố trí 145 dự án thuộc lĩnh vực y tế là 14.000 tỉ đồng; tổng số giải ngân của các dự án đạt 48% so với tổng mức vốn bố trí theo Nghị quyết 43. Đến thời điểm giám sát còn nhiều dự án chậm tiến độ nhưng khả năng sẽ hoàn thành trước 31-12-2024, nhất là các gói thầu mua sắm trang thiết bị.

“Thời gian từ nay đến hết năm 2024 không còn nhiều, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương, đơn vị tích cực triển khai phần việc còn lại” – ông nói.

Nói thêm, đại biểu Khánh thông tin hiện có rất nhiều trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và một số bệnh viện tuyến tỉnh ở nhiều tỉnh, TP, trong đó có Lai Châu được đầu tư kiên cố từ lâu, đã quá tải hoặc xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Việc thực hiện các dự án theo Nghị quyết 43 sẽ kết thúc trong năm nay, do đó ông đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả và sớm đề xuất nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng đến năm 2030 để có giải pháp cụ thể.

Cũng quan tâm tới lĩnh vực y tế ở địa phương, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng sau đại dịch COVID-19, việc đầu tư cho hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở hết sức cần thiết.

Chủ trương bố trí các dự đầu tư cho các tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện cấp trung ương… được cử tri và địa phương hết sức ủng hộ và tích cực thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải rà soát, đề xuất lại danh mục nên mất rất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, dẫn đến phân bổ vốn của chương trình chậm.

Lấy ví dụ ngay tại địa phương, đại biểu Hạnh nói thời gian qua tỉnh liên tục kiến nghị Bộ Y tế, Bộ KH&ĐT xem xét, hỗ trợ vốn để bổ sung phần vốn còn lại của dự án đầu tư, xây dựng, mở rộng, nâng cấp đối với năm trung tâm y tế huyện nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

“Nguyên nhân do đâu, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào” – bà đặt câu hỏi và đề nghị phải có câu trả lời. Còn nếu không thể thực hiện được hoặc vướng ở đây thì phải làm rõ, tránh trường hợp đề ra chính sách nhưng rồi không thực hiện sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, mất niềm tin của người dân. (Plo.vn 25/5, Nhóm PV)Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài

Giải ngân theo tiến độ vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, trong đó chủ yếu là nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức – ODA, không chỉ là yêu cầu về đảm bảo hiệu quả dự án, mà còn là câu chuyện về giữ uy tín đối với các nhà tài trợ phát triển nước ngoài. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài vẫn chưa đạt 10% kế hoạch của cả năm.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng 6 năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài của các bộ ngành có thể đạt khoảng 15 - 17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2023. Còn lũy kế giải ngân vốn của các địa phương tính đến giữa tháng 5 này là 5,7% kế hoạch vốn được giao, tuy đạt tỷ lệ giải ngân thấp, nhưng vẫn cao hơn mức 4,9% của cùng kỳ năm 2023.

Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đã có chuyển biến hơn năm ngoái, nhưng vẫn không thoát được tình trạng đã diễn ra nhiều năm qua, là chậm trễ giải ngân trong nửa đầu năm. Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, không chỉ cần quyết tâm hơn, mà còn cần cả những giải pháp hữu hiệu hơn, để tháo gỡ những vướng mắc cũ, đã lặp lại nhiều năm, cũng như những vướng mắc mới nảy sinh.

Theo tổng hợp và đánh giá chung của Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn, như: đôn đốc các chủ đầu tư đăng ký kế hoạch giải ngân theo tháng; rà soát và kiện toàn các ban chỉ đạo để phân công các lãnh đạo bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác triển khai các dự án...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ công tác giải ngân, như: tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án đang triển khai, qua đó ghi nhận kịp thời các vướng mắc và khuyến nghị các giải pháp xử lý theo thẩm quyền; chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân tiếp tục chậm trễ vì những nguyên nhân không mới.

Bà Phạm Hồng Vân, Trưởng phòng Dự án trung ương, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho biết: “Chậm trong khâu đấu thầu, ký kết, hồ sơ trình đi trình lại mất nhiều thời gian, vướng mắc thứ 2 là nhiều dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay. Ba là, chậm nhận được ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ… Ngoài ra, các tháng đầu năm, một số bộ, ngành vẫn tập trung giải ngân nốt kế hoạch vốn 2023”.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ giải ngân của nhiều dự án. Thủ tục giải phóng mặt bằng chậm khiến chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên theo thời gian chờ đợi, làm chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh vốn, lại chờ nhà tài trợ chấp thuận điều chỉnh vốn, chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Vòng “luẩn quẩn” chờ thủ tục rồi điều chỉnh dự án và lại chờ thủ tục điều chỉnh, khiến có dự án chậm trễ hàng năm trời. Là đơn vị có lượng vốn ODA năm 2024 được giao lớn nhất, và là một trong hai Bộ đến nay có tỷ lệ giải ngân hơn 10%, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&ĐT, Bộ GTVT nêu thực tế: “Chúng tôi chủ yếu vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, vướng do đi qua khu vực nhiều rừng, thủ tục chuyển đổi rừng mất tới 1 năm rưỡi. Hai là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên khoảng 600 tỷ, phải làm lại thủ tục đầu tư. Trước mắt đã phân bổ 200 tỷ giải phóng mặt bằng”.

Một vướng mắc mới nổi lên là vấn đề thẩm định giá. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các đơn vị thẩm định giá thiết bị từ chối thẩm định giá, khiến cả 3 tiểu dự án thành phần đều không thể triển khai được các gói thầu. Đại diện Bộ GD&ĐT cũng nhận định, trong 6 tháng đầu năm, Bộ gần như không giải ngân được vốn ODA cho dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cho Đại học Đà Nẵng. Dự án có 13 hạng mục công trình, nhưng đến nay mới được Bộ Xây dựng thẩm định 7 hạng mục. (VOV.vn 25/5, Trung Hiếu)Về đầu trang

Hà Tĩnh lập 3 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành quyết định thành lập 3 tổ do 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

Theo đó, Tổ công tác số 1 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh làm tổ trưởng kiểm tra các đơn vị, địa phương: Hương Khê, Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh; các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tổ công tác số 2 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà làm tổ trưởng kiểm tra các đơn vị, địa phương: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, Sở Giao thông Vận tải.

Tổ công tác số 3 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu làm tổ trưởng kiểm tra các đơn vị, địa phương: Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Trường Cao đẳng Y tế.

Thành phần tham gia các tổ công tác của lãnh đạo UBND tỉnh gồm: lãnh đạo và cán bộ chuyên môn thuộc Sở KH&ĐT, Sở Tài chính; cán bộ chuyên môn thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Nhiệm vụ của tổ công tác là tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Kiến nghị UBND tỉnh cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án chậm giải ngân để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn, nhằm đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao trong niên độ ngân sách năm 2024.

Kiến nghị xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng sở, ban, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. (Laodong.vn 26/5, Trần Tuấn)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Lâm Đồng “tính cửa” tạo nguồn vốn đầu tư các tuyến cao tốc

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản giao Sở KH&ĐT cùng các sở, ngành, địa phương kiểm tra rà soát các quỹ đất bán đấu giá giao quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó tạo nguồn thu ngân sách địa phương để thực hiện các dự án xây dựng tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương giai đoạn 2024-2025.

UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát các quỹ đất có khả năng đấu giá trong thời gian tới. Cùng đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu quy định của luật Đất đai 2023 để đề xuất đấu giá quyền cho thuê đất thương mại, dịch vụ thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Những phần việc này phải được hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 28/6/2024.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được xem là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh. Sau khi hoàn thành sẽ tạo kết nối thuận lợi giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp trong khu vực.

Việc tìm kiếm các quỹ đất phù hợp và đấu giá tạo nguồn thu ngân sách địa phương là giải pháp hợp lý, cấp bách để có đủ nguồn vốn đầu tư cho các dự án nói trên trong giai đoạn 2024-2025. (Tienphong.vn 25/5, Quế Như) Về đầu trang

Bình Dương sẽ khởi công 2 dự án giao thông lớn, tiếp tục thu hút đầu tư

Tỉnh Bình Dương đang tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. 5 tháng đầu năm, đã có 270 dự án FDI đăng ký đầu tư thêm 0,52 tỉ USD vào tỉnh. Theo đó, Bình Dương sẽ khởi công 2 dự án giao thông lớn trong năm 2024.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương cho biết, vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã có cuộc họp bàn với các sở ngành về tình hình thu hút đầu tư những tháng đầu năm. Cuộc họp đã phân tích và tìm hướng giải quyết các vướng mắc liên quan đến các quy định về thủ tục cấp giấy phép đầu tư.

Tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để giải quyết nhanh các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, cấp phép, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, quy hoạch, đảm bảo điện phục vụ sản xuất... (Laodong.vn 26/5, Đình Trọng)Về đầu trang

Kiên Giang: Đề xuất giảm thu phí tại các cầu cảng biển để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức đối thoại (trực tiếp và trực tuyến với 8 huyện, thành phố) với doanh nghiệp lần 1/2024. Người đứng đầu tỉnh khẳng định luôn luôn đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.

Theo đó, có 34 lượt kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp gửi về hội nghị. Nội dung chủ yếu xoay quanh về đất đai, nông nghiệp, tài chính, công thương, lâm nghiệp, lao động, miễn giảm thuế kinh doanh…

Tại hội nghị, ông Vũ Văn Khương - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc - đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang giảm thu phí tại các cầu cảng biển để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Vì đơn vị đã giảm giá vé tàu cao tốc từ 340.000 đồng/vé xuống dưới 300.000 đồng/vé nhưng phí cảng biển chưa giảm. "Tôi đầu tư tàu cao tốc ở Phú Quốc từ năm 2017 đến nay giá vé đã giảm nhưng phí cầu cảng vẫn chưa giảm. Sau dịch, chúng tôi hầu như không có lợi nhuận trong tuyến Phú Quốc", ông Khương nói.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Thái Bình Kiên Giang kiến nghị các sở, ngành tỉnh đồng hành, hỗ trợ công tác tuyển dụng lao động vào làm việc tại công ty. Nếu các lao động vào làm việc sẽ được đơn vị ký hợp đồng lao động chứ không cần qua thử việc.

"Sau mùa dịch, đơn hàng của đơn vị tăng trưởng rất nhanh nhưng lượng lao động đang thiếu. Chúng tôi cần tuyển hơn 3.000 lao động/năm nhưng trong năm 2024, đơn vị chỉ tuyển được 1.000 lao động là thấp", vị này nói.

Tại buổi đối thoại, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp đã đóng góp cho thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Thành đề nghị các sở, ngành và các địa phương lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để cùng nhau phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Sau hội nghị này, giám đốc các sở, ngành và chủ tịch UBND các địa phương phải thực hiện ít nhất 2 lần/tháng đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Thành yêu cầu Sở GTVT xem xét có thể không thu phí tàu cao tốc trong ngày thường, còn những ngày cao điểm thu phí cầu cảng (5.000 đồng/ghế/lần, giảm 1.000 đồng/ghế/lần so với trước đây). Còn lao động cho các doanh nghiệp thì Sở LĐ-TB&XH phải chủ động phối hợp với các trường và các địa phương tìm nguồn lao động cho doanh nghiệp.

"Câu chuyện tàu và doanh nghiệp quản lý tàu trong tầm tay của mình thì các cơ quan quản lý nhà nước phải ngồi lại trong bối cảnh kích cầu thì phải linh động, linh hoạt giúp doanh nghiệp. Trong kích cầu du lịch, tại sao chúng ta không tăng số tàu lên mà phải đợi đến lễ, tết mới tăng? Tôi đề nghị miễn, giảm thuế, phí phải được triển khai nhanh chóng cho doanh nghiệp. Kiên Giang luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và Kiên Giang sẽ tìm các doanh nghiệp về đây đầu tư", ông Thành nói. (Tuoitre.vn 26/5, Bửu Đấu)Về đầu trang

Hà Tĩnh cấp kinh phí khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký ban hành quyết định về việc cấp kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo Nghị quyết số 51/2021 của HĐND tỉnh (đợt II.2024).

Theo đó, tỉnh này cấp 7,916 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định tại Nghị quyết số 51. Cụ thể như sau: Huyện Kỳ Anh 3,597 tỷ đồng, Vũ Quang 1,758 tỷ đồng, Lộc Hà 1,376 tỷ đồng, Cẩm Xuyên 820 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Tài chính thông báo, chuyển kinh phí hỗ trợ chính sách năm 2024 đảm bảo kịp thời. Kho bạc Nhà nước tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện giải ngân nguồn kinh phí kịp thời, đúng quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện kịp thời, chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả và thực hiện thanh quyết toán theo đúng chế độ quy định hiện hành. (Daibieunhandan.vn 26/5, Xuân Sinh) Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Không có lý do để chậm trễ!

Phát biểu tại phiên họp tổ mới đây của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bên cạnh ghi nhận các địa phương rất nỗ lực, quyết liệt để triển khai chủ trương này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ rõ, vẫn còn một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chậm chạp, chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện yêu cầu này.

Không phủ nhận rằng, việc sắp xếp các đơn vị hành chính là một việc khó. Khó bởi tâm lý “ngại thay đổi” của người dân khi gắn bó rất lâu với các đơn vị hành chính này, bởi truyền thống văn hóa, bởi tính cộng đồng làng xã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Khó bởi sắp xếp cũng đồng nghĩa với việc một số lượng cán bộ, công chức sẽ thuộc diện dôi dư. Theo đó, xác định ai sẽ thuộc diện dôi dư; chế độ chính sách sẽ như thế nào cũng là một thách thức không nhỏ. Đó là chưa kể khó khăn trong việc xử lý tài sản, trụ sở dôi dư sau sắp xếp.

Cũng bởi không ít khó khăn, vướng mắc và những “rào cản vô hình” này mà việc sắp xếp các đơn vị hành chính thời gian qua của chúng ta có nơi vẫn còn chậm trễ.

Nghị quyết số 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 đã nêu rõ, khi xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo rà soát, dự kiến phương án bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, xác định rõ số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế. Căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, UBND cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có Thông báo Kết luận của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tổng hợp, rà soát các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; kịp thời hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính để sớm hoàn thành các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trình UBTVQH xem xét, quyết định trong năm 2024.

Đối với những nội dung cần có sự điều chỉnh, hướng dẫn khác với các nghị quyết của UBTVQH về phân loại đô thị, về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình UBTVQH xem xét, ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

iều đó cho thấy, việc sắp xếp các đơn vị hành chính luôn nhận được sự quan tâm sát sao, đặc biệt của UBTVQH. UBTVQH sẵn sàng lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn để tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương trong công tác chỉ đạo và triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính đạt hiệu quả cao nhất.

Chủ trương về sắp xếp các đơn vị hành chính đã rõ. Số lượng các đơn vị phải sắp xếp cũng đã được lượng hóa bởi những con số cụ thể. Việc triển khai nhanh hay chậm, về đích đúng hạn hay không phụ thuộc vào chỉ đạo của Chính phủ và phối hợp triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự quyết liệt của người đứng đầu địa phương trong triển khai nhiệm vụ này.  (Daibieunhandan.vn 26/5, Song Hà) Về đầu trang

QUẢN LÝ

14/15 cuộc thanh tra chậm kết luận đã có kết quả, 1 cuộc báo cáo Thủ tướng

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc chậm ban hành kết luận thanh tra, nguyên nhân và giải pháp.

Đến nay, tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra đã từng bước được khắc phục. Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận 14/15 cuộc thanh tra chậm hành kết luận theo Kết luận giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; 1 cuộc còn lại đã báo cáo Thủ tướng dự thảo Kết luận thanh tra.

Về kết quả công tác thanh tra (số liệu theo báo cáo năm 2021, 2022, 2023 và quý I năm 2024), toàn ngành Thanh tra đã triển khai 25.091 cuộc thanh tra hành chính và 609.188 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã ban hành 385.881 kết luận thanh tra.

Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm kinh tế hơn 416.000 tỉ đồng; hơn 18.000ha đất.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều văn bản liên quan đến nội dung này. Qua đó tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vi phạm;

Tăng cường trao đổi thông tin, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm hoặc các vụ việc có tính chất phức tạp, trao đổi kịp thời để thống nhất quan điểm xử lý, tránh để xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm; bảo đảm 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra; chuyển danh sách tổ chức Đảng, Đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét, xử lý theo quy định của Đảng. (Laodong.vn 25/5, Trí Minh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bà Rịa-Vũng Tàu: Chấn chỉnh cán bộ ngại, “né” áp dụng các ứng dụng về cải cách hành chính

Chiều 25/5, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức Hội nghị “Giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Năm 2023, chỉ số PAR INDEX (Chỉ số cải cách hành chính) của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đứng thứ 5/63 tỉnh, thành; Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) đứng thứ 8/63 tỉnh, thành; được Bộ Nội vụ và các Bộ ngành trung ương và người dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá tốt.

Tại hội nghị, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cùng các ngành, đơn vị và địa phương đã có những tham luận, phân tích đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của đơn vị, địa phương và nêu các giải pháp phù hợp để cải thiện các chỉ số nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn…

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung, khẩn trương rà soát ngay các hạn chế, thiếu sót, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân để có các giải pháp khắc phục xong trong tháng 6/2024. Khẩn trương công bố đầy đủ thủ tục hành chính nội bộ giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, UBND cấp huyện…

Các đơn vị tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp được tham gia đối thoại, đóng góp ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội.

Đội ngũ cán bộ công chức viên chức (CCVC) phải tiên phong trong chuyển đổi số; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng các tiện ích, các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác CCHC mà tỉnh đang triển khai thực hiện. Chấn chỉnh những cán bộ CCVC không cố gắng, ngại thay đổi, tìm lý do để không áp dụng các ứng dụng, tiện ích tỉnh triển khai…

Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân thực hiện tích cực, tốt các nhiệm vụ giải pháp được giao, góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh. Cần thực hiện nghiêm việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp. (Plo.vn 26/5, T.Khánh)Về đầu trang

TP.HCM ban hành danh mục 87 thủ tục hành chính buộc áp dụng chữ ký số

UBND TP.HCM vừa thống nhất đề xuất của Sở TT&TT về ban hành danh mục thủ tục hành chính áp dụng chữ ký số và thực hiện cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) điện tử cho người dân, doanh nghiệp (đợt 1) .

Theo đó, danh mục TTHC áp dụng chữ ký số có 14 thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND quận, huyện, TP Thủ Đức. Gồm: đăng ký thành lập hộ kinh doanh, cấp giấy phép bán lẻ rượu và thuốc lá, cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng, xác nhận thông tin hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch, đăng ký khai sinh, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…

Đồng thời, có 73 TTHC thuộc thẩm quyền của 13 sở, ngành TP cũng được áp dụng chữ ký số khi giải quyết trên môi trường điện tử. Đơn cử: thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam, thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch (Sở Tư pháp); thủ tục thành lập, cho phép thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (Sở GD&ĐT)…

UBND TP.HCM giao các sở, ngành, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu thực hiện nghiêm việc ký số, áp dụng chữ ký số đến từng cán bộ, công chức. Qua đó, đảm bảo 100% văn bản điện tử có áp dụng chữ ký số được thực hiện gửi, nhận trên môi trường điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. (Plo.vn 25/5, Lê Thoa)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Hà Nội: Vi phạm giao thông giảm đáng kể sau 1 tuần 5 tổ công tác đặc biệt ra quân

Sau 1 tuần ra quân, 5 Tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội đã xử lý 708 trường hợp vi phạm, tạm giữ 218 phương tiện, tước 21 giấy phép lái xe...

Thực hiện Kế hoạch số 172 về tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông, từ ngày 16/5 Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP đã triển khai 5 Tổ công tác "đặc biệt" tập trung kiểm tra và xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến phố xuyên tâm, các tuyến đường, nút giao thông trọng điểm của Thủ đô.

Các Tổ công tác tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như: Vi phạm quy định về mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; đi vào đường cấm, đi ngược chiều; chở quá số người quy định; điều khiển xe lạng lách, đánh võng; điều khiển xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp vi phạm quy định TTATGT... Ngoài ra, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, các Tổ công tác chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông.

Quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong quá trình tham gia giao thông. Việc kiểm tra, xử lý nghiêm minh, với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” góp phần thay đổi thói quen "tùy tiện" của người tham gia giao thông.

Theo ghi nhận, sau 7 ngày triển khai 5 Tổ công tác “đặc biệt” làm nhiệm vụ vào giờ cao điểm tại các điểm giao thông có mật độ người và phương tiện cao, vi phạm thuộc về ý thức của người tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định... đã giảm đáng kể.

Tại các nút giao thông trọng điểm, thường xuyên xảy ra ùn tắc, người dân đã có ý thức chấp hành tín hiệu đèn và hiệu lệnh người tham gia điều tiết giao thông, đi đúng làn, không chen lấn, từng bước tạo thói quen tham gia giao thông văn minh, lịch sự. (VTV.vn 26/5)Về đầu trang

Đà Nẵng: Cho vay ưu đãi hộ có mức sống trung bình

Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định: hỗ trợ tín dụng cho vay với hộ có mức sống trung bình theo chuẩn thành phố. Đây là một trong những chính sách nhân văn, có thể giúp nhiều hộ gia đình vươn lên, thoát khỏi khó khăn.

Chính sách cho vay đối với hộ có mức sống trung bình còn tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập. Mức cho vay ưu đãi lên đến 100 triệu, thời hạn vay tối đa 10 năm, lãi suất ưu đãi bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Phương thức thanh toán lãi trả theo tháng, còn gốc trả theo phân kỳ. Nguồn vốn cho vay được UBND thành phố Đà Nẵng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ông Đoàn Ngọc Chung - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Đà Nẵng nêu ý kiến: "Hộ có mức sống trung bình có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn. Do đó, chúng tôi rất yên tâm khi một chính sách mới ra, bên cạnh nguồn vốn song hành và đảm bảo nên không ngại ngần khi hộ vay có nhu cầu mà lại không có nguồn vốn".

Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Đà Nẵng đang triển khai 25 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đến ngày 30/4/2024 đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,03% . Cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ đã giúp cho hoạt động tín dụng của chính sách xã hội trên địa bàn ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. (VTV.vn 26/5)Về đầu trang

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÂY XANH CÔNG MINH

Vĩnh Long kiểm tra các gói thầu liên quan đến cây xanh

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có văn bản gửi đến UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh yêu cầu kiểm tra trình tự, thủ tục, xác định giá, xác định dự toán, mời thầu, lựa chọn nhà thầu... đối với những công trình trồng, chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh có giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Tương tự, đối với những công trình trồng, chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở, ngành, cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra các nội dung có liên quan đến việc thực hiện các công trình/dự án trồng, chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh, báo cáo UBND tỉnh chậm nhất ngày 31/5.

Trước đó, Sở Tài chính Vĩnh Long đã báo cáo về việc thực hiện các nội dung liên quan đến việc trồng, chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh trên địa bàn từ năm 2018 đến 2023.

Theo báo cáo, trong khoảng thời gian nêu trên, tỉnh Vĩnh Long chi hơn 274 tỷ đồng để thực hiện 66 gói thầu trồng, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố bằng hình thức đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh qua mạng. Trong đó, Công ty Công Minh đã trúng 4 gói thầu tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Vĩnh Long cũng có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở KH-ĐT, các sở, ban ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) có liên quan Công ty Công Minh chậm nhất ngày 10/5. (Nongnghiep.vn 26/5, Hồ Thảo)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thủ tướng xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên với ông Phạm Đình Cự

Thủ tướng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Phạm Đình Cự, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về đảng.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 37, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Phạm Đình Cự. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Phạm Đình Cự, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ông Cự còn vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Những vi phạm trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

Sau đó, đến ngày 9/4, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Đình Cự.

Hồi tháng 1 vừa qua, VKSND tỉnh Phú Yên ban hành cáo trạng truy tố ông Phạm Đình Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và Đỗ Duy Vinh, cựu Giám đốc Sở Tài chính, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. (Plo.vn 26/5, PV)Về đầu trang./.

Các tin khác

09