Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 02/4/2024

10:37, Thứ Ba, 2-4-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

2.        Gia Lai lập 4 tổ kiểm tra đầu tư công, thu ngân sách

3.        Hải Dương: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

4.        Chính phủ phê bình 17 địa phương vì chậm có danh mục dự án năng lượng tái tạo

5.        Đối tác của Apple, Samsung tăng tuyển dụng, lãnh đạo tỉnh đi tìm công nhân

6.        Kinh tế Quảng Ninh trong nhóm dẫn đầu cả nước

7.        Đà Nẵng là điển hình về thu hút khách du lịch

8.        Đồng Tháp: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân

9.        Bạc Liêu: Một doanh nghiệp có tiếng gặp Bí thư tỉnh xin xóa vi phạm

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH

10.     "Hậu pháo" - một dạng tội phạm mới, gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống

QUẢN LÝ

11.     Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc vụ Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa hơn 171 tỉ đồng

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

12.     Đắk Lắk: Hiệu quả từ mô hình “chi bộ 4 tốt”

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

13.     Lào Cai: Lời khai của cựu Bí thư Tỉnh ủy về việc sử dụng 5 tỷ đồng “quà Tết”

14.     Cà Mau: Bắt cán bộ tư pháp chứng thực khống hợp đồng mua bán tàu cá

THẾ GIỚI

15.     Canada miễn phí các biện pháp tránh thai cho phụ nữ

 

TIN QUỐC HỘI

Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật

Sáng 1/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Phiên họp sẽ cho ý kiến vào 2 nhóm vấn đề, trong đó thảo luận các dự án luật sẽ được trình xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến kỳ họp thứ 7, sẽ có 10 dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Đến nay căn cứ vào kết quả, tiến độ chuẩn bị thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có đủ hồ sơ, đưa vào xem xét 5 dự án luật trong phiên họp chuyên đề pháp luật lần này.

Cụ thể gồm các luật sửa đổi, bổ sung là: Luật Công chứng, Luật Công đoàn, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đặc biệt, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật Phòng không nhân dân.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ 1/7/2024 thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nội hàm cơ bản cải cách lần này là trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh cán bộ lãnh đạo. Để xây dựng được hệ thống thang bảng lương thì việc quan trọng là phải xây dựng được vị trí việc làm.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, từ nay đến 1/7 chỉ còn 3 tháng để hoàn thành. Đây là việc hết sức quan trọng. Sau phiên họp chuyên đề pháp luật này, khả năng Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn họp tiếp trong tháng 4 và tháng 5 để xem xét một số dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, bên cạnh các phiên họp thường kỳ. (Tienphong.vn 01/4, Luân Dũng)Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Gia Lai lập 4 tổ kiểm tra đầu tư công, thu ngân sách

UBND tỉnh Gia Lai vừa lập 4 tổ công tác nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đó, tổ công tác do các Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra xác định rõ các vướng mắc, điểm nghẽn ở cơ sở, thẩm quyền giải quyết. Các trưởng đoàn này trực tiếp chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư công.

Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra sẽ xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công và thu ngân sách Nhà nước tại từng cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Các tổ công tác báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Chủ tịch UBND tỉnh trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra.

Đặc biệt, các tổ công tác này sẽ lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm. Quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, tổng kế hoạch vốn đầu tư công phân bổ tính đến ngày 26/3 của tỉnh Gia Lai gần 3.630 tỷ đồng (không bao gồm vốn kéo dài). Tính đến thời điểm trên, toàn tỉnh mới giải ngân được gần 185 tỷ đồng, ước chỉ đạt 5,1% kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân chỉ hơn 125 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch vốn đã giao.

Đặc biệt, việc giải ngân vốn ngân sách Trung ương gần 60 tỷ, trên tổng số hơn 1.600 tỷ đồng,  mới đạt 3,7% kế hoạch vốn đã giao.

Ông Đinh Hữu Hòa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, mục tiêu công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt tối thiểu 95%. Do đó, tỉnh tăng cường biện pháp đồng bộ và lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, lĩnh vực...

"Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong quá trình thực hiện.

Trong đó, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công. Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện", ông Đinh Hữu Hòa nói. (Taichinhdoanhnghiep.net.vn 01/4, Thành Nam)Về đầu trang

Hải Dương: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Với vai trò là cơ quan thực hiện kiểm soát và thanh toán vốn cho các dự án, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Kho bạc Nhà nước Hải Dương sẽ thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Đầu tư công.

Theo đó, với các dự án khởi công xây mới, Kho bạc Nhà nước Hải Dương sẽ tiếp tục bám sát tiến độ để đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thành hồ sơ gửi đến kho bạc ngay khi có khối lượng để thanh toán, không để dồn vào cuối năm.

Đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại để bố trí vốn cho những dự án thực sự có hiệu quả và cấp thiết. Đối với các dự án không đáp ứng được các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước Hải Dương sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh để thu hồi vốn, điều chuyển cho các dự án có tiến độ hoàn thành, giải ngân cao.

Kho bạc Nhà nước Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, an toàn nguồn vốn. Đẩy mạnh phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần theo quy định tại Nghị định số 11/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc.

Ngoài ra, đơn vị cũng tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công khai quy trình, hồ sơ và thời gian kiểm soát thanh toán; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư khi đến giao dịch tại kho bạc; nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, gây chậm trễ, khó khăn cho các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn.

Năm 2024 của tỉnh Hải Dương được Thủ tướng giao trên 6.331 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước. Dự kiến đến hết tháng 2/2024, toàn tỉnh giải ngân được trên 501 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,92% kế hoạch vốn được giao.

Báo cáo từ UBND tỉnh Hải Dương cho thấy, việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, các dự án đều phải báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng tỉnh chưa ban hành bộ đơn giá dịch vụ hoạt động quan trắc và phân tích môi trường.

Cùng với đó, đơn giá chi phí đo đạc, lập bản đồ thu hồi đất thấp, nhất là các dự án, công trình có diện tích đất thu hồi nhỏ, dẫn đến các đơn vị tư vấn đo đạc không tham gia thực hiện. Ngoài ra, khó khăn về nguồn vật liệu thi công, một số cơ quan, đơn vị chậm hoàn thành lập, trình thẩm định phê duyệt quyết định đầu tư, nên chưa đủ thủ tục phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2024.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã; các sở, ngành liên quan báo cáo làm rõ nguyên nhân vướng mắc; tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công… (TTXVN/Bnews.vn 01/4, Như Mai)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Chính phủ phê bình 17 địa phương vì chậm có danh mục dự án năng lượng tái tạo

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 129 Kết luận của Thường trực Chính phủ về kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII tại cuộc họp ngày 25/3/2024. Thường trực Chính phủ phê bình 17 tỉnh, cần rút kinh nghiệm vì chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Công Thương trong việc xác định danh mục các dự án năng lượng tái tạo.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dù có thời gian chuẩn bị dài nhưng tới nay vẫn còn thiếu một số danh mục các dự án để đảm bảo việc triển khai theo đúng mục tiêu Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt.

Có 17 địa phương vẫn chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Công Thương trong việc xác định danh mục các dự án năng lượng tái tạo tại địa phương theo các tiêu chí, hướng dẫn của bộ. Thường trực Chính phủ phê bình 17 tỉnh, cần rút kinh nghiệm và khẩn trương phối hợp với Bộ Công Thương để xong trước 30/4/2024.

Thường trực Chính phủ cũng thống nhất chủ trương việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo đề nghị của Bộ Công Thương Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương rà soát các nội dung của Kế hoạch bảo đảm phù hợp với Quy hoạch Điện VIII và các quy định hiện hành của pháp luật.

Sau khi phê duyệt lần này, Bộ Công Thương cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương hoàn thành đầy đủ danh mục các dự án trong phụ lục kèm theo để bảo đảm triển khai đồng bộ các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII như đã báo cáo trong 30 ngày kể từ khi ban hành kế hoạch này. (Laodong.vn 01/4, Cường Ngô)Về đầu trang

Đối tác của Apple, Samsung tăng tuyển dụng, lãnh đạo tỉnh đi tìm công nhân

Các đối tác của Apple, Samsung tăng tốc tuyển dụng, các thủ phủ công nghiệp phía Bắc không ngồi yên mà tổ chức ngày hội việc làm, lập đoàn xúc tiến lao động.

Ngày 31/3, Ban Nữ công (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), Tạp chí Lao Động và Công Đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức Ngày hội việc làm dành cho lao động nữ năm 2024.

Theo Ban tổ chức, Công ty TNHH KHKT Goertek Vina (đối tác của Apple, Samsung, Google) tuyển 1.000 công nhân sản xuất linh kiện điện tử, Công ty TNHH Dreamtech Việt Nam (đối tác của Samsung) tuyển 2.000 công nhân, Tập đoàn Foxconn Hồng Hải (đối tác của Apple) tuyển gần 300 nhân viên…

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại tỉnh khoảng 25.000 - 30.000 người, tăng so với quý 4-2023. Một số doanh nghiệp tuyển dụng lớn như Công ty TNHH KHKT Goertek Vina, Tập đoàn Foxconn Hồng Hải, Công ty TNHH ITM Semiconductor Việt Nam (5.000 chỉ tiêu).

Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh đang có trên 306.000 lao động làm việc tại hơn 9.500 doanh nghiệp, trong đó số ngoại tỉnh trên 58.000 người. Tuy vậy, các tập đoàn, công ty vẫn tuyển dụng trên 100.000 lao động trong năm 2024. Nhu cầu “nóng” nhất thuộc về các công ty sản xuất linh kiện điện tử.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Hà, lần đầu tiên UBND tỉnh Bắc Giang có các đoàn công tác do đích thân Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh đến Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La để trao đổi, thống nhất với UBND các địa phương trên xúc tiến, thu hút lao động.

Các tỉnh thống nhất đẩy mạnh truyền thông về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đãi ngộ, tiền lương, nơi ở, nhu cầu tuyển dụng… Qua đó, nhiều thanh niên có việc làm, giải quyết bài toán nhân sự cho các công ty.

“Hiện mức lương cơ bản của các doanh nghiệp trên địa bàn từ 5 - 6 triệu đồng/tháng nhưng thu nhập có thể lên tới 9 - 12 triệu đồng/tháng. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động, đảm bảo chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là lao động nữ có con nhỏ”, ông Hà thông tin.

Theo ông Hà, để chuẩn bị nguồn, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang còn yêu cầu các doanh nghiệp liên kết với các trường nghề để chuẩn bị nguồn lao động cũng như cử chuyên gia, quản lý nước ngoài đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho lao động trẻ người Việt. (Tuoitre.vn 01/4, Hà Quân)Về đầu trang

Kinh tế Quảng Ninh trong nhóm dẫn đầu cả nước

Với tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) quý I/2024 ước tăng 8,79%, Quảng Ninh nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, cao hơn kịch bản đề ra.

Năm 2024, Quảng Ninh hướng tới mục tiêu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ước đạt 2 con số bước sang năm thứ 10. Cụ thể, quý I, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh ước đạt 13.160 tỷ đồng, bằng 24% dự toán; trong đó thu nội địa ước đạt 9.160 tỷ đồng, bằng 22% dự toán. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 5,37 triệu lượt, tăng 11% cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt.

Ngành đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là công nghiệp chế biến, chế tạo, ước tăng 25,95%, tăng 16,16 điểm % so với cùng kỳ năm 2023, trở thành động lực tăng trưởng chính của địa phương; có 9 sản phẩm đạt và vượt kịch bản như: sợi bông cotton, tấm silic, tấm sàn Vinil tines, tấm quang năng, dầu thực vật...

Từ đầu năm đến nay, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt 683,91 triệu USD, đạt 22,8% kế hoạch năm. Số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 13 dự án với tổng đầu tư đăng ký đạt 632,73 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với số vốn tăng thêm 51,18 triệu USD.

Năm 2024, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu thu hút 3 tỷ USD vốn FDI. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 183 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 14,2 tỷ USD. Trong số đó có 122 dự án thực hiện tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế, tổng vốn đầu tư gần 8 tỷ USD; 61 dự án thực hiện ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với vốn đầu tư trên 6,2 tỷ USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy chia sẻ, tỉnh ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và cam kết sẽ triển khai một cách hiệu quả nhất các kế hoạch, quy hoạch cấp tỉnh và địa phương; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân.

Quảng Ninh luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh; đồng thời, xác định đồng hành, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp là phương châm hoạt động của các cấp, các ngành.

Để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu quý II và cả năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chỉ đạo, tỉnh xác định 3 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế 2 con số là: công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung ở Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; đầu tư công, xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách; du lịch, dịch vụ và kinh tế biển.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm, tập trung phát triển dịch vụ tổng hợp, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường, phát triển mô hình xanh.

Song song đó, tập trung thu hút FDI thế hệ mới, trọng điểm tại thị xã Quảng Yên và tập trung các dự án có lợi thế, sức cạnh tranh cao cả giá trị gia tăng, quy mô vốn, suất đầu tư cao và đặc biệt không thâm dụng lao động, không thâm dụng nước, tài nguyên thiên nhiên, phù hợp với xu thế chuyển đổi.

Ngoài ra, các ngành, địa phương tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, các dự án có đủ điều kiện về thủ tục pháp lý để tập trung thi công các dự án công nghiệp và dân dụng ngoài ngân sách sử dụng nguồn vật liệu tại chỗ để đóng góp vào tăng trưởng, tập trung tháo gỡ nguồn vật liệu san lấp; phát triển kinh tế biển gắn với phát triển du lịch; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, đặc biệt nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu của các xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. (TTXVN/Bnews.vn 01/4, Văn Đức)Về đầu trang

Đà Nẵng là điển hình về thu hút khách du lịch

Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục Trưởng Cục Du lịch - đánh giá Đà Nẵng là một điển hình của đổi mới sáng tạo để thu hút khách du lịch. Sự đổi mới trước tiên ở trong tư duy cách làm.

Đà Nẵng coi thời gian trải nghiệm của khách khi tới thành phố là mối quan tâm hàng đầu. “Đà Nẵng luôn đặt câu hỏi làm sao để khách sử dụng thời gian lưu lại thành phố một cách thú vị nhất? Làm sao để họ cảm nhận hết các giác quan như nhìn đẹp nhất, ăn món ngon nhất?…. Làm sao để họ trải nghiệm nhiều nhất nhất chứ không chỉ thụ hưởng biển, mà còn lên núi, vào trung tâm, đắm chìm trong các sự kiện, lễ hội, show diễn…. Đó là cách tiếp cận đúng hướng”, ông nói.

Ông Siêu cho rằng để đáp ứng được những yêu cầu đó không còn cách nào khác ngoài việc phải luôn đổi mới sáng tạo, làm mới cảm xúc mới nuôi được cảm hứng để du khách ở lại. Có thể kể những sản phẩm “gãi đúng chỗ ngứa” của khách như lễ hội pháo hoa và hàng loạt “món ngon” mới được tung ra trong chương trình kích cầu năm nay như trình diễn nhạc nước, múa rối nước, moto nước; flyboard kèm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và pháo hoa; khai trương phố đi bộ Bạch Đằng và thí điểm dịch vụ về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi; tour trải nghiệm ẩm thực…

Theo ông Siêu, sự đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng còn thể hiện ở việc hoạch định chính sách. Như chính trong mùa kích cầu này, Đà Nẵng đưa tất cả thông tin cụ thể về các sự kiện, lễ hội, địa điểm vui chơi cùng hàng ngàn ưu đãi. Điều này cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cùng bắt tay nhau tìm giải pháp giảm giá thành, chi phí để gia tăng trải nghiệm cho khách.

Nói về chương trình kích cầu du lịch năm nay của Đà Nẵng, Phó Cục trưởng Cục Du lịch đánh giá Đà Nẵng đã kích cầu rất trúng thời điểm khi Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 08 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. “Đà Nẵng so với các địa phương khác luôn tiên phong, và cũng là điểm đến điển hình về sáng tạo và nỗ lực thu hút khách. Các địa phương khác cần phải học tập Đà Nẵng”, ông nhấn mạnh.

Mới đây, Đà Nẵng gây được tiếng vang khi tỷ phú Bill Gates cùng bạn gái tới du lịch, ông Hà Văn Siêu cho rằng sự kiện này đã gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng Đà Nẵng là điểm đến xứng đáng.

“Đà Nẵng hãy quảng bá theo hướng là nơi xứng đáng để những tinh hoa của thế giới, những người có thu nhập cao, nhiều kinh nghiệm về du lịch có thể đến trải nghiêm. Tất nhiên, thành phố cũng chú trọng đầu tư sản phẩm du lịch tương xứng đối với nhóm khách cao cấp này để nâng tầm Đà Nẵng”, ông lưu ý. (Tiền phong 31/3, Thanh Trần)Về đầu trang

Đồng Tháp: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân

Môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục được cải thiện, chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, nhất là chỉ số PCI của tỉnh này liên tục nhiều năm liền được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động, sáng tạo và tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Năm 2023, toàn tỉnh có trên 660 doanh nghiệp thành lập mới (vượt kế hoạch đề ra) với tổng vốn đăng ký gần 3.945 tỷ đồng; nâng số doanh nghiệp đang hoạt động lên gần 5.300 doanh nghiệp. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được các cấp, ngành quan tâm.

Tỉnh tổ chức thành công Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp năm học 2022 - 2023”; phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp, Dự án tăng cường cạnh tranh khu vực tư nhân (IPSC) và Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức chuỗi chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân”.

Tỉnh tổ chức các chương trình Điểm hẹn doanh nhân; chương trình “Chia sẻ kinh nghiệm quản trị điều hành doanh nghiệp”; hội thảo chuyên đề “Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp”... thu hút nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tham gia. Đồng Tháp triển khai xây dựng Không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như hoàn chỉnh phương án thiết kế và đấu thầu thi công trang trí, mua sắm, lắp đặt trang thiết bị không gian làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tại tòa nhà Khối các đơn vị sự nghiệp.

Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai tích cực, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư. Tỉnh tổ chức thành công Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Đồng Tháp năm 2023, Hội nghị hợp tác đầu tư - thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh...

Thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy khóa XI về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, cải cách hành chính, cung cấp các dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử nhằm rút ngắn thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp phấn đấu duy trì vị trí thuộc nhóm “rất tốt” trên bảng xếp hạng cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng cường đối thoại với doanh nghiệp thông qua mạng xã hội, hộp thư điện tử, mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, họp mặt, tiếp nhận và xử lý phản ánh qua Tổng đài 1022... (Baodongthap.vn 01/4, Dũng Chinh)Về đầu trang

Bạc Liêu: Một doanh nghiệp có tiếng gặp Bí thư tỉnh xin xóa vi phạm

Một doanh nghiệp hoạt động du lịch có tiếng ở Bạc liêu kiến nghị tỉnh “cho qua” lỗi xây dựng chưa có giấy phép, hoặc được được đóng phạt "trả góp", vì doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Sáng 1/4, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều - tiếp tục có buổi cà phê gặp gỡ doanh nghiệp, để lắng nghe phản ánh khó khăn, kiến nghị và chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại buổi gặp, ông Ngô Xuân Pha - Chủ tịch Công ty CP Ô tô Bảo Toàn, đơn vị chủ đầu tư Khu du lịch Nhà Mát tỉnh Bạc Liêu - cho biết, doanh nghiệp làm du lịch trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nên kiến nghị tỉnh có cơ chế giúp đỡ ngành du lịch.

Ông Pha cũng cho biết, doanh nghiệp có xây dựng công trình tiền chế nhà vệ sinh và mái che để phục vụ du khách, nhưng chưa xin phép. Việc này bị địa phương lập biên bản và phạt hành chính xây không phép số tiền 240 triệu đồng.

Do kinh doanh du lịch khó khăn, ông Pha kiến nghị tỉnh: “Nếu tỉnh có giúp đỡ, cho tôi xin không đóng phạt, nếu vẫn đóng phạt thì cho tôi xin đóng trả góp”.

Giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều cho rằng, việc này (hủy phạt) chưa có tiền lệ. "Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Doanh nghiệp làm sai cũng phải xử lý để tạo sự công bằng, minh bạch trong quản lý", ông Thiều nói.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng cũng nhấn mạnh: “Việc xây dựng không đúng quy định hoặc không được phép thì nhà nước phải xử lý, chứ không thể không xử người này rồi mai mốt lại xử người khác thì không công bằng”.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng đề nghị các doanh nghiệp đồng hành cũng tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của tỉnh. Ngược lại, các cấp chính quyền cũng hết sức quan tâm đến doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật. (Tienphong.vn 01/4, Tân Lộc)Về đầu trang

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH

"Hậu pháo" - một dạng tội phạm mới, gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, vụ án "Hậu pháo" - Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn đã dựa vào một số mối quan hệ để lũng đoạn, gây áp lực nhằm ép lãnh đạo địa phương để trục lợi. Theo ông Hòa, tội phạm này đã xảy ra và đó là hành vi hối lộ, đút lót, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý.

Không chỉ riêng "Hậu pháo", đã có trường hợp ghi âm, ghi hình, lưu trữ tài khoản chuyển tiền cho quan chức, sau đó tiếp tục "nhờ vả" quan chức. Những cán bộ khi đã nhận tiền phải "giúp đỡ" lại và làm nhiều hành vi trái pháp luật.

"Tôi nghĩ rằng, nếu làm đúng quy định của pháp luật thì "Hậu pháo" không thể giàu nhanh như vậy. Việc hối lộ để được tạo điều kiện làm ăn đã từng xảy ra trước đây. Nhiều cán bộ khi nhận tiền của doanh nghiệp đã tạo mọi điều kiện hay bằng mọi cách để cho doanh nghiệp trúng thầu, trúng giá... để cho doanh nghiệp làm ăn được", đại biểu đoàn Đồng Tháp đánh giá.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 26/3, đại diện Bộ Công an bước đầu cho biết, Hậu đã có những hành vi lũng đoạn, gây áp lực, ép một số bị can là cựu quan chức Vĩnh Phúc. Để làm việc này, Hậu dựa vào các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn. Đây là hành vi nguy hiểm, một dạng tội phạm mới, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở, làm xấu hình ảnh của Đảng và chính quyền nhân dân.

Trao đổi với phóng viên về nội dung trên, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, Bộ Công an hiện chưa thông tin chi tiết việc "Hậu pháo" gây sức ép như thế nào, gây sức ép làm sao, nên khó để đánh giá cụ thể.

"Theo tôi, đây là loại tội phạm đã xảy ra trong thời gian qua, nhưng có thể khác nhau về kiểu, về hình thức nhận hối lộ. Ví dụ như nhận hối lộ công khai hay bí mật, nhận trực tiếp hay nhận thông qua một người khác. Nhưng tất cả sau đó đều tạo điều kiện cho đối tượng hối lộ trúng các dự án... Từ đó, đối tượng tiếp tục lợi dụng quan hệ với các quan chức để làm việc với các sở, ban quản lý dự án... Những đối tượng làm ăn phi pháp, gian manh như "Hậu pháo" đều phải dựa vào quan hệ để làm ăn, trục lợi... Do vậy, vụ án này cũng tương tự như nhiều vụ việc trước"- ông Hòa nhận xét.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, luật pháp Việt Nam đã xử lý nhiều vụ việc nhận hối lộ. Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, có trường hợp "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" như không nhận tiền (ví dụ như trường hợp một giám đốc CDC vừa qua, thì có thể xử lý về mặt hành chính). Tuy nhiên, trường hợp "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và nhận tiền hối lộ thì vụ việc phải xử lý hình sự cả đối tượng nhận hối lộ và đối tượng hối lộ.

"Trong các vụ việc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" phải tính đến việc sơ xuất do yếu tố chủ quan hay yếu tố khách quan. Việc nhận tiền, tiếp tay cho đối tượng hành động vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Những cán bộ vừa qua đều phải xử lý tội hối lộ, vì đã nhận tiền để làm sai. Các cá nhân trong vụ "Hậu pháo" đều khai đã nhận tiền và đều giao nộp lại để khắc phục hậu quả", đại biểu đoàn Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nói.

 

Cũng theo ông Hòa, việc "Hậu pháo" vươn "vòi bạch tuộc" tới các địa phương khác ngoài Vĩnh Phúc là không hề mới. Các vụ án lớn như Tân Hoàng Minh hay Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) đều làm ăn ở rất nhiều địa phương hay vụ "kit test" cũng "phủ" tới rất nhiều tỉnh, thành.

 

"Bước đầu, "Hậu pháo" bị phanh phui bởi những dự án đầu tư tại 2 địa phương là Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi. Nếu không bị phát hiện, đối tượng có thể vươn thêm các tỉnh, thành khác",  đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định. (VOV.vn 01/4, Lê Hoàng)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc vụ Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa hơn 171 tỉ đồng

Ngày 1/4, Đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai về vụ việc bà Nguyễn Thị Giang Hương, chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, bị lừa hơn 100 tỉ đồng. Đồng thời yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến cá nhân, đảng viên của bà Giang Hương thuộc diện cán bộ do Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai quản lý.

Sau khi xảy ra vụ việc, Tỉnh ủy Đồng Nai đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn báo cáo về vụ bà Hương bị lừa đảo. Bước đầu các cơ quan chức năng báo cáo nhóm lừa đảo dùng công nghệ cao và xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật nói bà Chủ tịch huyện Nhơn Trạch dính dáng đến pháp luật.

Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu bà Chủ tịch huyện Nhơn Trạch mở tài khoản để chuyển tiền rồi xâm nhập vào tài khoản để lấy tiền của bà Giang Hương. Bước đầu cơ quan điều tra xác định bà Giang Hương bị nhóm lừa đảo lấy hơn 171 tỉ đồng... (Tuoitre.vn 01/4, Hà Mi)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Đắk Lắk: Hiệu quả từ mô hình “chi bộ 4 tốt”

Triển khai thí điểm mô hình “Chi bộ 4 tốt” đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các Đảng bộ ở tỉnh Đắk Lắk. Nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn được áp dụng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chi bộ thôn 10A được Đảng bộ xã Ea Kly, huyện Krông Pắk được chọn làm điểm xây dựng mô hình “Chi bộ 4 tốt”. Theo đó, chi bộ phải đạt các tiêu chí: Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, chất lượng sinh hoạt tốt, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, cán bộ tốt, đảng viên tốt. Để làm được điều này, ông Trần Ngọc Quang, Bí thư Chi bộ thôn 10A cho biết, Chi uỷ đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và thế mạnh của từng đảng viên họp bàn, thống nhất giao trách nhiệm cụ thể cho từng người thực hiện.

Chỉ sau 3 tháng triển khai, hoạt động của chi bộ đi vào nề nếp, nhận thức của đảng viên được nâng lên, phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: “Chi bộ, cấp uỷ chi bộ sinh hoạt ra nghị quyết trồng hoa hai bên đường tạo cảnh quan đẹp làng đẹp xóm, phát động lắp đặt hệ thống camera an ninh ở vùng trung tâm, hiện nay đang triển khai. Tạo cho bà con có niềm tin ở chi bộ cũng như yên tâm lao động sản xuất để tăng thêm thu nhập, cải thiện mức sống của bà con trên địa bàn”, ông Quang cho hay.

Đảng bộ xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có 13 chi bộ trực thuộc với 150 đảng viên. Sau khi được Đảng bộ huyện chọn thực hiện thí điểm mô hình “Chi bộ 4 tốt”, Đảng ủy xã đã xây dựng, ban hành kế hoạch, tổ chức lễ phát động, ký giao ước thi đua xây dựng “Chi bộ 4 tốt” tại 4 chi bộ, gồm: Chi bộ Quân sự xã, Chi bộ buôn Ea Káp, Chi bộ buôn Ea Kring và Chi bộ buôn Ea Sin.

Nhằm hỗ trợ các chi bộ thực hiện tốt nhiệm vụ, ông Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, cùng với việc phân công các đồng chí trong cấp uỷ phụ trách, theo dõi, hướng dẫn các chi bộ triển khai thí điểm mô hình, Đảng uỷ xã đã áp dụng phần mềm sổ tay đảng viên đến từng chi bộ để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt.

“Đảng bộ xã Ea Sin đã triển khai phần mềm sổ tay đảng viên để cụ thể hoá công tác chuyển đổi số trong công tác xây dựng đảng. Qua quá trình triển khai đã đem lại những lợi thế rất rõ rệt. Tiêu biểu như các thông báo, kết luận của Đảng uỷ, của cấp trên đều được triển khai rất kịp thời đến các chi bộ. Từ đó các chi bộ triển khai đến có từng đảng viên để theo dõi, nắm bắt không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại cơ sở trong việc xây dựng chi bộ 4 tốt”, ông Tuấn nói.

Từ khi thực hiện thí điểm mô hình “Chi bộ 4 tốt”, 5/5 chi bộ được chọn thí điểm mô hình ở Đảng bộ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã cụ thể hóa phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Ông Trần Quốc Vĩnh, Phó Bí thư Huyện uỷ Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, từ các hoạt động này đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ huyện, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

“Nhiều chi bộ đã có sự đánh giá, xây dựng nghị quyết sát với thực tiễn của cơ sở mình. Thứ hai nữa là gắn trách nhiệm của người đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Do vậy mà phân công nghiệm vụ, giao nhiệm vụ cho cán bộ đảng viên rất rõ ràng, sát với thực tế. Từ đó chất lượng trong sinh hoạt mà cụ thể là 4 nội dung chúng tôi phát động được nền nếp, bài bản hơn”, ông Vĩnh cho biết.

Từ hiệu quả mô hình thí điểm “Chi bộ 4 tốt”, nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đang từng bước nhân rộng đến toàn thể các chi bộ, đảng bộ. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. (VOV.vn 01/4, Hương Lý)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Lào Cai: Lời khai của cựu Bí thư Tỉnh ủy về việc sử dụng 5 tỷ đồng “quà Tết”

Viện KSND tỉnh Lào Cai vừa hoàn tất cáo trạng bổ sung, truy tố 17 bị can liên quan đến vụ khai thác trái phép quặng tại xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai trong đó có cựu Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Vịnh. Đáng chú ý, theo cáo trạng, ông Vịnh thừa nhận 5 tỷ đồng quà biếu từ Công ty Lilama.

Theo cáo trạng, hành vi của bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã phạm tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Rửa tiền” quy định quy định tại điểm a khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.

Hành vi của các bị can Nguyễn Quang Huy, Phạm Cao Khiêm, Nguyễn Ngọc Bích, Lương Văn Na, Cao Văn Tham, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Chung đã phạm tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hành vi của cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng; 2 cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hương và Nguyễn Thanh Dương; nguyên Giám đốc Sở TN-TM tỉnh Lào Cai Mai Đình Định đã phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Cụ thể, đối với bị can Vịnh ở cương vị là Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai trong giai đoạn từ 2012 - 2015 là người chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động của UBND tỉnh và trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án tại Quyết định số 1915 ngày 1/8/2011 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phân công công việc của các thành viên UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 – 2016 (Quyết định 1915).

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công vụ được giao đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai mà ký các Văn bản số 1744, ngày 7/7/2011; Số 839, ngày 11/4/2012; Số 2160 ngày 2/8/2012; Số 3805, ngày 03/12/2012; Giấy chứng nhận đầu tư số 12121000358 ngày 17/12/2012 và có ý kiến bút phê, chỉ đạo vào các tài liệu khác có liên quan trái quy định của pháp luật vi phạm Điều 65, Điều 67, Điều 82 Luật khoáng sản năm 2010, để Công ty Lilama và Công ty Apatit Việt Nam lợi dụng khai thác và tiêu thụ trái phép khoáng sản (quặng apatit) tại Khai trường 18 thuộc thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai thông qua thực hiện dự án Khách sạn, nhà hàng và việc cải tạo mặt bằng khu mỏ.

Hành vi của bị can Vịnh đã tạo điều kiện cho Công ty Lilama và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã khai thác và tiêu thụ trái phép gần 1 triệu tấn quặng Apatit trong phạm vi 37.700m2, trong đó có 22.674,2m2 nằm chồng lấn vào diện tích Khai trường 18 có trị giá hơn 312 tỷ đồng và hơn 23 tỷ đồng (tiền thuế, phí tài nguyên đã nộp), tổng cộng gần 300 tỷ đồng.

Quá trình điều tra bị can Thừa và Vịnh khai nhận, vào giáp Tết Nguyên đán năm 2015, khi bị can Nguyễn Văn Vịnh làm Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai và sau khi Công ty Lilama đã san gạt xong mặt bằng dự án, khai thác và tiêu thụ trái phép xong quặng Apatit trong diện tích 37.700m2 thì Nguyễn Mạnh Thừa đã mang 5 tỷ đồng đến nhà bị can tặng quà tết. Sau khi nhận số tiền 5 tỷ đồng bị can Vịnh đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết. (Tienphong.vn 01/4, Minh Đức)Về đầu trang

Cà Mau: Bắt cán bộ tư pháp chứng thực khống hợp đồng mua bán tàu cá

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau vừa bắt tạm giam Huỳnh Thanh Trung (38 tuổi, chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Ngọc Hiển) và Nguyễn Minh Đương (48 tuổi, chủ cơ sở đóng tàu ở huyện Trần Văn Thời).

Theo đó, Trung bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự; Đương bị bắt để điều tra hành vi đưa hối lộ.

Theo điều tra ban đầu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung đã nhiều lần nhận tiền của Đương để chứng thực các hợp đồng mua bán tàu cá, dù biết các hợp đồng này là khống. Trung nhận từ 3-4 triệu đồng với mỗi hồ sơ chứng thực.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục mở rộng điều tra vụ án nhận hối lộ và đưa hối lộ xảy ra trong lĩnh vực chứng thực hợp đồng mua bán tàu cá, đăng kiểm tàu cá tại địa bàn tỉnh Cà Mau. (Tienphong.vn 01/4, Tân Lộc)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Canada miễn phí các biện pháp tránh thai cho phụ nữ

Phụ nữ Canada sẽ được lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp với chi phí do chương trình bảo hiểm y tế công chi trả. Đây là một trong các nội dung cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe được Chính phủ Canada công bố ngày 30/3.

Chương trình mới cũng bao gồm việc chi trả tiền thuốc chữa tiểu đường cho khoảng 3,7 triệu người Canada. Trong các giai đoạn triển khai tiếp theo, sẽ có thêm nhiều loại thuốc được đưa vào chương trình này.

Hiện Chính phủ Canada chưa công bố thời điểm triển khai cũng như tổng chi phí của chương trình. Chương trình chăm sóc sức khỏe mới phải được chính quyền các tỉnh thông qua. Hiện có Alberta và Quebec tuyên bố không tham gia.

Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sử dụng số liệu năm 2021, Canada là nước có chi phí thuốc tính theo đầu người chỉ đứng sau Nhật Bản, Đức và Mỹ. (TTXVN 01/4)Về đầu trang./.

Các tin khác

07