Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 28/3/2024

14:36, Thứ Năm, 28-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        TPHCM: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm, có vốn lớn

2.        An Giang: Tăng trách nhiệm giải ngân đầu tư công

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

3.        Gần 1 tỷ USD vốn FDI “đổ” vào Hà Nội trong 3 tháng

4.        Long An xóa bỏ rào cản phát triển kinh tế tư nhân

5.        Bình Định sẵn sàng chào đón nhà đầu tư

6.        1 giấy phép nuôi biển vướng 6 bộ, ngành: Bài toán hóc búa ở tỉnh Khánh Hòa

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

7.        Không thể thu hút người tài về rồi bố trí làm cán bộ hành chính

QUẢN LÝ

8.        Luật Đất đai có thể hiệu lực sớm nửa năm

9.        Chủ tịch TP HCM yêu cầu sở ngành làm việc cả cuối tuần

10.     Bình Dương: Phân công rõ người, rõ việc, tạo đột phá tăng trưởng

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

11.     Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Các cựu quan chức “nhúng chàm” đã nhận bao nhiêu tiền?

12.     Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm đã nhận hối lộ hàng tỷ đồng và hàng chục nghìn USD

13.     Thanh Hoá: Kỷ luật 24 cán bộ, công chức

14.     Đồng Nai: Tạm đình chỉ công tác một đội phó hình sự Công an huyện Long Thành

 

TIÊU ĐIỂM

TPHCM: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm, có vốn lớn

Ngày 27/3, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 (mở rộng). Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có vốn lớn. TPHCM kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không làm đúng và làm tốt nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực này.

Bàn về chương trình hành động giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Bí thư Nên yêu cầu nâng cao trách nhiệm các tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, HĐND TPHCM, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có vốn lớn. “Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không làm đúng và làm tốt nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực này”, ông Nên nhấn mạnh và lưu ý phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nhất là những công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bí thư TPHCM yêu cầu, cải tiến công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, các tổ công tác, kịp thời giải quyết khó khăn của doanh nghiệp và thúc đẩy các lĩnh vực trọng yếu. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành các quy hoạch và chuẩn bị tốt các đề án quan trọng trình xin ý kiến Trung ương.

Bí thư Nên cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, cơ quan đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát của từng cấp ủy, từng cơ quan đơn vị là quan trọng nhất. Ông nhắc lại có những việc bên ngoài biết nhưng ở cơ quan, đơn vị đó lại không biết hoặc không kịp thời xử lý. Điều này cần phải rút kinh nghiệm, đừng để xảy ra ở nơi mà các đồng chí được phân công nhiệm vụ.

Trước hết là Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, người đừng đầu cấp ủy, cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm chính. “Rất khó lý giải tại sao việc đó xảy ra lâu mà người lãnh đạo, tập thể, chi bộ đó không biết. Cho nên tăng cường kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra, giám sát là quan trọng nhất nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trên tất cả các lĩnh vực và có trọng tâm trọng điểm”, Bí thư chỉ đạo. (Sggp.org.vn 27/3, Văn Minh)Về đầu trang

An Giang: Tăng trách nhiệm giải ngân đầu tư công

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cao hơn 2023, vừa tạo áp lực giải ngân nhưng cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi giải ngân tốt. Bên cạnh tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các chủ đầu tư xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn với thi đua - khen thưởng năm 2024.

Giám đốc Sở KH&ĐT An Giang Phạm Minh Tâm cho biết, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp, địa phương, chủ đầu tư đã quyết tâm phải thực hiện giải ngân đạt từ 95% trở lên. Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 6/2023 đạt 32,78%, đến hết tháng 9 đạt 57,27%; chỉ trong quý III, đã giải ngân gần bằng 6 tháng của năm 2023.

Tuy nhiên, các tháng cuối năm 2023, tỷ lệ giải ngân không đạt như kỳ vọng, dẫn đến kết quả giải ngân cả năm chỉ đạt 90,68%. “Mặc dù tỷ lệ giải ngân của tỉnh thấp hơn yêu cầu (trên 95%), nhưng đây là sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, chủ đầu tư, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương” - ông Tâm nhận xét.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá tích cực về tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt 90,68% năm 2023, cao hơn 5,66% về tỷ lệ và tăng gần 1.227,86 tỷ đồng về giá trị so năm 2022. Tuy nhiên, đối với kế hoạch đầu tư công năm 2022 được kéo dài sang năm 2023, số vốn chưa giải ngân phải hủy dự toán gần 160,38 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hơn 43,86 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 116,52 tỷ đồng).

“Trong tình hình ngân sách tỉnh còn khó khăn, đây là vấn đề mà các cấp, ngành, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án phải nghiêm túc rút kinh nghiệm để có các giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch Lê Văn Phước lưu ý.

Rút kinh nghiệm trong việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị từng ngành, từng cấp, chủ đầu tư phải tập trung quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm 2024 đúng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy, nhất là các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, về hướng dẫn các quy định, việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục phải được thực hiện hoàn thành sớm, nhanh để làm cơ sở triển khai thi công, thanh toán khối lượng hoàn thành, giải ngân kế hoạch vốn.

“Vai trò của người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố hết sức quan trọng, do đó phải có trách nhiệm, tăng cường sự lãnh, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện; xem việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2024. Sở KH&ĐT phối hợp Sở Nội vụ rà soát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, quy định hiện hành, tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý đối với các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân kế hoạch vốn” ông Phước nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu việc xác định tính chủ động, quyết liệt của từng chủ đầu tư đối với từng dự án cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Những đơn vị này nắm rõ tiến độ cụ thể của từng dự án; khó khăn, vướng mắc trong từng khâu triển khai dự án, từ đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể để các sở, ngành có liên quan xem xét, xử lý hoặc báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý nếu vượt thẩm quyền. Đây là yếu tố quyết định để dự án được triển khai và hoàn thành. Các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. (Baoangiang.com.vn 27/3, Hoàng Xuân)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Gần 1 tỷ USD vốn FDI “đổ” vào Hà Nội trong 3 tháng

Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, cho đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 6,17 tỷ USD . Chỉ sau 3 tháng, Hà Nội đã thu hút gần 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký.

Cụ thể, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đăng ký hơn 970,8 triệu USD, chiếm 15,7% cả nước và gấp hơn 6,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Lumi Hà Nội là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất (662 triệu USD) đăng ký vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024, góp phần đưa Hà Nội lên vị trí số 1 cả nước về thu hút FDI.

Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD, chiếm gần 12,1% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TPHCM, Đồng Nai,…

Vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng. Riêng 10 địa phương này chiếm 74,7% số dự án mới và 77,6% số vốn đầu tư của cả nước trong 3 tháng.

Đến nay, 145 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 86,9 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với hơn 77,2 tỷ USD (chiếm 16,2% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc). (Tienphong.vn 27/3, Việt Linh)Về đầu trang

Long An xóa bỏ rào cản phát triển kinh tế tư nhân

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, để phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đang tăng cường công tác xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân tại địa phương.

Theo đó, các sở, ngành tỉnh nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến về tư duy để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Các sở, ngành tập trung tuyên truyền, vận động để đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh đó, các sở, ngành tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hòa giải cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân; xây dựng các cơ chế giám sát, kiểm tra định kỳ để đảm bảo mọi phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được ghi nhận, phản hồi kịp thời.

Các ngành liên quan duy trì triển khai, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan về đăng ký hoạt động và thủ tục đầu tư giúp giảm thời gian và chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, giải quyết các thủ tục về đất đai, môi trường đảm bảo điều kiện để triển khai dự án.

Các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, tài nguyên minh bạch, bình đẳng; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư về thủ tục có liên quan đến lĩnh vực quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ theo chủ trương đã được phê duyệt.

Ngoài ra, các đơn vị, UBND các huyện, thành phố, thị xã quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn, tín dụng, đất đai; triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp của Chính phủ, UBND tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích các công ty có tiềm lực, nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư tại tỉnh nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Các đơn vị, UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp về các vấn đề thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý, tham vấn trong quá trình xây dựng, hoạch định, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. (TTXVN 27/3, Thanh Bình)Về đầu trang

Bình Định sẵn sàng chào đón nhà đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững tại tỉnh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển Bình Định trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao; là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải Trung bộ - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; cùng với các điều kiện cần thiết đã sẵn sàng, Bình Định đang tập trung cho giai đoạn phát triển mới, tập trung vào các đột phá lớn.

Lựa chọn giao thông “đi trước mở đường” là “chìa khóa” tạo nên sự thành công trong phát triển kinh tế của tỉnh, Bình Định đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Các trục đường hướng Bắc - Nam, gồm cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam và đường ven biển cùng hệ thống đường kết nối Đông - Tây đã và đang được đầu tư hoàn thiện.

Ngoài ra, Bình Định tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của cụm cảng Quy Nhơn; quy hoạch và bổ sung các cảng biển nước sâu quy mô lớn ở khu vực phía Bắc; đầu tư, nâng cấp cảng hàng không Phù Cát từng bước thành cảng hàng không quốc tế (đang thực hiện các thủ tục đầu tư đối với 3 dự án mở rộng cảng hàng không Phù Cát, vốn đầu tư dự kiến 7.352 tỷ đồng).

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, Bình Định luôn quyết liệt, đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Bình Định luôn coi lợi ích hợp pháp, chính đáng và thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình”, ông Tuấn nhấn mạnh. (Baodautu.vn 27/3, Phú Dương)Về đầu trang

1 giấy phép nuôi biển vướng 6 bộ, ngành: Bài toán hóc búa ở tỉnh Khánh Hòa

Tính toán sơ bộ, muốn ra được Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao ở Khánh Hòa phải “vượt ải” tới... 9 bộ, ngành trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Bà con nuôi nuôi biển ở Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa phàn nàn, dẫu đã xác định nuôi biển là lắm rủi ro, mất vụ này, vụ sau có thể làm lại được nhưng vấn đề nan giải nhất ở Vạn Ninh hiện nay là chưa rõ tương lai sẽ như thế nào. Diện tích nuôi biển cứ giảm dần theo quy hoạch, trong khi đó trên địa bàn huyện Vạn Ninh vẫn còn khoảng 1,696 nghìn bè nuôi biển ngoài vùng quy định. Bức bách đến nỗi một số diện tích nuôi trồng của bà con còn chồng lấn với các doanh nghiệp nuôi biển đã được UBND tỉnh cấp phép.

Dù biết chủ trương của Nhà nước là định hướng nuôi biển ra xa bờ, nhưng ra ở đâu, thủ tục cấp phép như thế nào đang còn quá mơ hồ.

“Không có giấy phép nuôi biển thì không làm gì được cả”, các thành viên ở HTX Vân Phong khẳng định. Không được cấp mặt nước đồng nghĩa với không có cơ sở xây dựng mã số vùng nuôi, trong khi các doanh nghiệp liên kết để xuất khẩu bây giờ cần nhất là cái đó. Chưa kể, đầu tư nuôi biển cần rất nhiều vốn, đổ cả gia tài xuống nước lỡ mai này Nhà nước đuổi thì dân biết đi đâu, hay là lại bảo chúng tôi kéo lồng nuôi lên phơi bờ?

Đem những thắc mắc của người dân chia sẻ với ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, chính ông Ý cũng tâm tư: Nuôi biển trên vịnh Vân Phong là nghề truyền thống của ngư dân huyện Vạn Ninh và đó là nguồn sống chủ yếu của họ. Quy hoạch, cấp phép như thế nào, hỗ trợ người dân chuyển đổi ra sao là những vấn đề rất khó.

"Khó nhất là vì Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 mặc dù đã tích hợp quy hoạch phát triển thủy sản tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tọa độ, mốc giới rõ ràng. Thứ hai là Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hoà đến nay vẫn chưa được Trung ương phê duyệt. Nghe đâu là còn vướng tới rất nhiều bộ ngành nên địa phương cũng chưa có cơ sở để hướng dẫn bà con", ông Ý nói.

Khánh Hòa đã xây dựng chiến lược, chính sách nuôi biển với mục tiêu nuôi xa bờ, tuy nhiên tất cả đều đang phải chờ phê duyệt của Trung ương.

Tỉnh chờ Trung ương, doanh nghiệp thì đang chờ tỉnh, cho nên câu chuyện nuôi biển ở Khánh Hòa đến nay vẫn còn là bài toán hóc búa. Điển hình như mô hình nuôi biển của Trung tâm nuôi biển công nghệ cao trực thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I.

Từ năm 2013, trung tâm này là một trong những mô hình nuôi biển quy mô công nghiệp đầu tiên của Khánh Hòa với diện tích hơn 10 ha ở vịnh Vân Phong. Trong đó có 20 lồng tròn HDPE theo công nghệ khép kín của Na Uy, mỗi lồng có chu vi 60m chủ yếu nuôi cá chim vây vàng thương phẩm, 22 lồng nhựa HDPE để nuôi cá bố mẹ và ương cá giống. Đây chính là mô hình nuôi cá chim vây vàng theo hướng công nghiệp đầu tiên của cả nước được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thế nhưng từ tháng 10/2020 đến nay, sau khi giấy phép cũ hết hạn, trung tâm đã nhiều lần xin gia hạn cấp phép mặt nước nhưng vẫn chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt.

Lý do theo ông Phạm Đức Phương, Giám đốc Trung tâm nuôi biển công nghệ cao là còn vướng đến các quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong, quy hoạch của tỉnh và nhiều quy hoạch khác. Vấn đề tương tự cũng đang xảy ra đối với một số doanh nghiệp đầu tư nuôi biển theo quy mô công nghiệp ở Khánh Hòa.

"Nếu không sớm có quy hoạch, cấp phép rõ ràng hệ lụy nuôi biển ở vịnh Vân Phong chắc chắn sẽ càng lớn. Tình trạng nuôi biển tự phát, không bài bản đến nay đã gây ra nhiều hệ lụy môi trường, chất lượng nước một số điểm không thể nuôi biển được nữa.

Trong khi đó người dân muốn chuyển đổi sang nuôi biển ở những khu vực xa bờ cần nguồn vốn lớn, công nghệ cao và chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên nếu không giải quyết được các rào cản hiện nay thì câu chuyện nuôi biển ở Khánh Hòa sẽ càng nan giải", ông Phương khẳng định. (Nongnghiep.vn 27/3, nhóm PV)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Không thể thu hút người tài về rồi bố trí làm cán bộ hành chính

Vấn đề thu hút và trọng dụng người tài thế nào, lần nữa được đề cập, thảo luận khi các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 26.3.

“Trải thảm đỏ” để thu hút và trọng dụng người tài đến làm việc là vấn đề được nhiều địa phương đặt ra trong thời gian qua. Tuy nhiên mẫu số chung vẫn là thất bại nhiều hơn thành công.

Có địa phương, như TPHCM, trong giai đoạn từ 2014 - 2022, thành phố này đã có 2 chương trình thu hút người tài được HĐND thành phố thông qua và thực hiện. Tuy nhiên, cả hai đợt kết quả thu được, theo thừa nhận của lãnh đạo TPHCM là “khiêm tốn”.

Ví như giai đoạn 2018 – 2022, UBND TPHCM chỉ phê duyệt kết quả thu hút được 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt.

Hay như tỉnh Thừa Thiên - Huế mới đây quyết tâm tìm một người vừa có tài vừa có đức để làm phó giám đốc Sở Du lịch bằng hình thức thi tuyển. Tuy nhiên sau gần 16 tháng với 4 lần gia hạn nộp hồ sơ vẫn chưa có ai nộp hồ sơ dự tuyển.

Lý do vì sao các địa phương không thu hút được, mà nếu có thu hút được không sớm thì muộn cũng xảy ra tình trạng “người tài đến rồi người tài rời đi”, lâu nay đã được bàn luận, lý giải, đề xuất giải pháp… quá nhiều trên báo chí.

Các địa phương cũng liên tục nâng cấp giải pháp bằng cách thay đổi chính sách đãi ngộ, tuy nhiên thực tế vẫn chưa cho thấy nhiều kết quả khả quan lắm.

Hôm 26.3, trong phiên thảo luận, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thêm lần nữa, vấn đề thu hút và trọng dụng người tài thế nào cho hiệu quả lại được các đại biểu đề cập, mổ xẻ với những góc nhìn khá mới mẻ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề xuất giải pháp cho Hà Nội, nhưng thực ra cũng là lý giải nguyên nhân thất bại chung của các địa phương về vấn đề trọng dụng người tài từ những bài học thực tế.

Đại biểu nói có được người tài rồi nhưng không bố trí công việc đúng sở trường, năng lực mà chỉ “thu hút về xong rồi để đấy”, hoặc bố trí cho làm hành chính thì không hiệu quả và quá lãng phí.

Vấn đề tiếp theo, sau khi bố trí công việc rồi thì phải nghĩ đến cơ hội thăng tiến cho người tài. Phát minh sáng kiến của người tài được tôn trọng và thực thi. Chứ để “người tài ngồi dưới trướng người kém tài mà vô hạnh nữa thì thôi, không có ý nghĩa”. Bên cạnh đó cần có ưu đãi về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở…

Về vấn đề tuyển dụng, đại biểu Lê Thanh Vân nêu “kinh nghiệm người xưa” với 3 cách thu hút nhân tài là thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử.

Tuy nhiên, đại biểu lại lưu ý một khía cạnh đang khá phổ biến của ngày nay mà người xưa không có và phải được “xử lý nghiêm”. Đó là tình trạng người có thẩm quyền lạm dụng quy định để đưa người của mình, đưa “4C” (con cháu các cụ) vào.

Không giống với các địa phương khi việc thu hút và trọng dụng nhân tài là chính sách được Hà Nội đưa vào, trở thành một phần quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi).

hưng sẽ là chuyện chung – bài học thành công cho các địa phương nếu những chính sách và cách làm mới của Hà Nội tới đây thu được những kết quả ngoài mong đợi! (Laodong.vn 27/3, Hoàng Văn Minh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Luật Đất đai có thể hiệu lực sớm nửa năm

Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành sớm trình Chính phủ các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai và thông tư. Đây là cơ sở đề Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật này có hiệu lực từ 1/7, thay vì 1/1/2025 được thông qua tại kỳ họp hồi đầu năm.

Dự thảo tờ trình Quốc hội cho phép luật có hiệu lực sớm hơn nửa năm cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Chính phủ trước ngày 31/3.

Tại hội nghị đầu tháng này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh từng nói, ông kỳ vọng hoàn thành sớm các nghị định hướng dẫn để đề xuất Luật Đất đai có hiệu lực ngay tháng 7. Cơ quan này đang xây dựng dự thảo của 6 nghị định, 5 thông tư; Bộ Tài chính 2 nghị định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một nghị định; Bộ Nội vụ một thông tư.

Đại diện nhiều địa phương cũng mong luật đất đai sớm được đưa vào cuộc sống. Phó chủ tịch TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết Luật Đất đai sửa đổi được thông qua đã tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của thành phố. Hai tháng đầu năm 2024, số thủ tục liên quan đến nhà đất hơn 67.000, tăng gần 19.000 hồ sơ so với cùng kỳ.

Các tỉnh, thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để địa phương có đủ cơ sở pháp lý triển khai khi luật có hiệu lực. Họ cũng gấp rút xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Chẳng hạn, TP HCM cần ban hành 9 văn bản, HĐND là hai văn bản. (Vnexpress.net 27/3, Anh Tú)Về đầu trang

Chủ tịch TP HCM yêu cầu sở ngành làm việc cả cuối tuần

Lãnh đạo TP HCM yêu cầu kho bạc, sở ngành liên quan làm việc cả thứ 7 và chủ nhật của tuần cuối tháng 3 để đảm bảo tiến độ giải ngân của quý 1 (gần 8.000 tỷ đồng).

Yêu cầu được ông Phan Văn Mãi nêu tại Hội nghị lần thứ 28 Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI, sáng 27/3, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công của thành phố khó đạt kế hoạch. Dự kiến hết quý 1, số tiền giải ngân được chỉ hơn 5.600 tỷ đồng (đạt 7,1%), trong khi mục tiêu là trên 10%.

Theo chủ tịch UBND thành phố, tổng vốn đầu tư xã hội trong ba tháng đầu năm là 68.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách chiếm 20%. Từ nay đến cuối năm, thành phố phải giải ngân đầu tư công 73.000 tỷ đồng, tức mỗi quý trên 20.000 tỷ đồng.

"Đây là việc không hề dễ dàng, sở ngành, quận huyện phải xem đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt", ông Mãi nói, yêu cầu các đơn vị tập trung công tác giải phóng mặt bằng và tháo gỡ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ. (Vnexpress.net 27/3, Lê Tuyết)Về đầu trang

Bình Dương: Phân công rõ người, rõ việc, tạo đột phá tăng trưởng

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 33 - Khóa XI (mở rộng), ngày 27/3, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo các ngành, cấp tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024; trong đó chú ý phân công công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, để tăng tốc, bứt phá, vững vàng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm.

 

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nêu rõ, 3 đột phá chiến lược gồm: Về thể chế, chính sách, nhất là các nhóm chính sách tác động vào kinh tế như chính sách di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp từ phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc của tỉnh, đồng thời xây dựng tiêu chí phát triển công nghiệp sinh thái, công nghệ cao; về hạ tầng, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng, nội vùng và hạ tầng giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ; về nguồn nhân lực, có chính sách thu hút nguồn nhân lực, xã hội hóa, tăng cường hợp tác ba nhà trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, 3 khâu đột phá này phải được triển khai quyết liệt, có sự chuyển biến thực sự trong quý II và những tháng tiếp theo của năm 2024.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các ngành tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm: Vành đai 3; Vành đai 4; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (quyết tâm hoàn thành trong năm 2024); nghiên cứu phương án giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm… Song song đó, các đơn vị cần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tập trung cho hộ nghèo, người yếu thế và công nhân lao động.

Theo đánh giá tại Hội nghị, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, tác động tiêu cực trực tiếp đến tăng trưởng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, việc làm, thu nhập của người lao động, nhưng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, cùng sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, các nhiệm vụ đề ra trong quý I đã thực hiện đạt mức cao nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, các giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững phải ưu tiên chú trọng cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) và thành phố thông minh; bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo tiến độ Đề án camera giám sát an ninh giao thông.

UBND tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tăng cường phối hợp, xử lý công việc rõ người, rõ việc, rõ thời gian, tăng cường thanh tra công vụ. Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện các hoạt động, phong trào, hướng mạnh về cơ sở. Từng cấp, từng ngành phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nắm chắc tình hình, không buông lỏng lãnh đạo quản lý... (TTXVN 27/3, Dương Chí Tưởng)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Các cựu quan chức “nhúng chàm” đã nhận bao nhiêu tiền?

Tại cuộc họp báo sáng 26/3, đại diện cơ quan cảnh sát điều tra ( Bộ Công an) cho biết, kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn đến nay xác định, bị can Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc) và Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) đã nhận số tiền hàng tỷ đồng; Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn khai chuyển 64 tỷ đồng cho cựu Chánh Văn phòng huyện ủy Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long).

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đánh giá, trong vụ án liên quan đến Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu “pháo”) và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) và các đơn vị liên quan, nhiều cán bộ đã vi phạm vì gặp phải “viên đạn bọc đường”.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an nói rằng đây là vụ án lớn, xuất hiện một dạng tội phạm mới rất nguy hiểm.

“Thông qua điều tra vụ án, lời khai của một số bị can, trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, chúng tôi thấy Nguyễn Văn Hậu đã có những hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực, ép một số bị can nguyên là ủy viên ban thường vụ, thậm chí là thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc để trục lợi. Để làm được việc này, họ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn để thực hiện.

Bộ Công an coi hành vi này là rất nguy hiểm, là một dạng tội phạm mới, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của nhà nước và của nhân dân, mà còn có ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, làm xấu hình ảnh của đảng, của chính quyền nhân dân” - Thiếu tướng Thành cho hay.

Cũng theo ông Thành, trong vụ án này cơ quan điều tra đã khởi tố 15 bị can với 4 tội danh, trong đó có tội danh “Nhận hối lộ” liên quan các cựu lãnh đạo tỉnh tại Quảng Ngãi và Vĩnh Phúc.

“Hậu thừa nhận đã chuyển tiền cho nhiều người. Trong đó, Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nhận được 64 tỷ đồng. Hoành đã sử dụng số tiền này cho nhiều mục đích khác nhau”, Phó cục trưởng C03 thông tin. Trước đó, ông Đặng Trung Hoành bị khởi tố, bắt tạm giam về tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

Kết quả điều tra đến nay xác định, bị can Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) và Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) nhận số tiền hàng tỷ đồng. Bước đầu cả hai bị can đã khai nhận và nộp lại tiền nhận hối lộ cho cơ quan điều tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. (Tienphong.vn 27/3, Đức Hoàng)Về đầu trang

Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm đã nhận hối lộ hàng tỷ đồng và hàng chục nghìn USD

Liên quan “đại án đăng kiểm”, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ tới Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố 254 bị can về 11 tội danh. Trong đó, hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị cáo buộc nhận hối lộ hàng tỷ đồng và hàng chục nghìn USD.

Trong các bị can bị đề nghị truy tố có ông Trần Kỳ Hình (nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam), ông Đặng Việt Hà (Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam), ông Nguyễn Vũ Hải (Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam), ông Trần Anh Quân (quyền Trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới), ông Đỗ Trung Học (nguyên Trưởng Phòng Tàu sông), ông Bùi Quốc Hưng (Trưởng Phòng Tàu sông)…

Theo kết luận điều tra, các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm được tổ chức xuyên suốt, có tổ chức từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Phòng Tàu sông đến giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên, Chi cục đăng kiểm xe trên địa bàn TPHCM và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, đối tượng môi giới và chủ phương tiện.

Các bị can nguyên là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, đưa ra nhiều chủ trương trái quy định để nhận hối lộ và chia tiền hối lộ từ các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Chi cục, Trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn cả nước với số tiền đặc biệt lớn.

Hành vi này được thực hiện trong quá trình duyệt, cấp mã số thành lập các Trung tâm đăng kiểm tư nhân; thẩm định thiết kế cải tạo phương tiện xe cơ giới; đăng kiểm định kỳ phương tiện cơ giới đường bộ và thủy nội địa; thẩm định cấp chứng nhận năng lực xưởng, đóng mới, cải tạo, phương tiện thủy… và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa trên cả nước.

Tiếp nhận chủ trương chỉ đạo nêu trên, các bị can thuộc Phòng kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR), Phòng Tàu sông đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, nhận tiền hối lộ từ các trung tâm, chi cục đăng kiểm để bỏ qua các lỗi, thiếu sót về pháp lý, điều kiện hoạt động, đầu tư, mua sắm, nhân sự đăng kiểm viên…

Trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới, các bị can đã nhận hối lộ từ các công ty thiết kế phương tiện cải tạo để cấp thẩm định đạt dù có nhiều hồ sơ không đủ điều kiện.

Việc làm này đã tạo điều kiện các trung tâm, chi cục đăng kiểm đưa ra chủ trương nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện, đối tượng môi giới để cố ý bỏ qua lỗi kỹ thuật của hàng chục ngàn phương tiện nhằm thu lợi bất chính và "chung chi" cho một số cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam theo chủ trương chung mà các bị can là lãnh đạo Cục, lãnh đạo Phòng đã đặt ra. (Tienphong.vn 27/3, Hoàng Thuận)Về đầu trang

Thanh Hoá: Kỷ luật 24 cán bộ, công chức

Theo báo cáo của các đơn vị, trong quý 1/2024, có 24 cán bộ, công chức, viên chức thuộc 11 đơn vị có sai phạm, bị xử lý kỷ luật.

Cụ thể, cảnh cáo 3 người của Sở Kế hoạch và Đầu tư; khiển trách 3 người ở 3 sở gồm: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế; huyện Hà Trung có 5 người bị khiển trách, 2 người bị cảnh cáo; huyện Thọ Xuân có 6 người bị khiển trách...

Trước đó, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá, Sở Nội vụ đã ban hành kế hoạch kiểm tra công vụ năm 2024, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra đột xuất tại một số đơn vị trong tỉnh.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, hầu hết các sở, ngành cấp tỉnh và các đơn vị đã chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. (Tienphong.vn 27/3, Hoàng Lam)Về đầu trang

Đồng Nai: Tạm đình chỉ công tác một đội phó hình sự Công an huyện Long Thành

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác cán bộ đối với đại úy Thái Thanh Thương, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội, Công an huyện Long Thành từ ngày 24/3 để xem xét xử lý theo quy định. Lý do chưa được công bố.

Trước đó, Đại úy Thương ký giấy triệu tập ông Vũ Minh Đức (31 tuổi, tạm trú phường Tam Phước, TP.Biên Hòa) sáng 22/3 đến Công an huyện Long Thành (gặp điều tra viên Thái Thanh Thương hoặc điều tra viên Lưu Quang Trung) làm việc để phục vụ công tác điều tra vụ “gây rối trật tự công cộng” xảy ra vào ngày 7/10/2023 trên địa bàn xã An Phước (huyện Long Thành).

Chiều cùng ngày, người nhà ông Đức nhận được tin ông Đức bị ngất và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Long Thành. Sau đó ông Đức tiếp tục được chuyển viện đến bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Đến khuya cùng ngày gia đình ông Đức nhận được thông tin ông này tử vong.

Theo giấy chứng tử của Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Đức tử vong vào lúc 23 giờ, ngày 22/3. Nguyên nhân tử vong: hôn mê, suy thận cấp, suy gan cấp…(Tienphong.vn 27/3, Đức Minh)Về đầu trang./.

Các tin khác

07