Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 27/3/2024

9:22, Thứ Tư, 27-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        TPHCM: Thành phố phân cấp, sở ngành còn "ôm", địa phương gặp khó giải ngân vốn đầu tư công

2.        Hà Nội đã phân bổ 81.033 tỷ đồng vốn đầu tư công

QUYẾT SÁCH MỚI

3.        Bộ Chính trị sẽ có chủ trương gỡ vướng cho các dự án sau thanh tra, điều tra

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

4.        Thái Nguyên chia sẻ thành công trong thu hút vốn FDI

QUẢN LÝ

5.        Sửa Luật Thủ đô, tránh người tài ngồi dưới trướng người kém tài

6.        Đề xuất Hà Nội áp dụng cơ chế miễn trách nhiệm khi thử nghiệm công nghệ mới

7.        Bình Thuận: Cán bộ còn sợ trách nhiệm, né tránh, tham mưu lòng vòng

8.        Hà Nam: Xác minh tài sản 57 cá nhân tại nhiều sở, ngành

9.        Hà Tĩnh: Trải thảm thu hút vẫn thiếu bác sĩ tại 37 trạm y tế

10.     Quảng Ninh ban hành chính sách thu hút 300 bác sỹ giỏi về làm việc

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

11.     Hải Dương: Khai trương cổng thông tin liên thông 3 cấp và Smart-HaiDuong

12.     Quảng Nam: Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

13.     Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn: Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận số tiền tương đối lớn!

THẾ GIỚI

14.     Trung Quốc kêu gọi người dân tổ chức đám cưới tiết kiệm hơn

 

TIÊU ĐIỂM

TPHCM: Thành phố phân cấp, sở ngành còn "ôm", địa phương gặp khó giải ngân vốn đầu tư công

Sáng 26/3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường dẫn đầu Đoàn công tác của Thường trực UBND TPHCM có buổi làm việc tại UBND quận Phú Nhuận về duyệt kế hoạch nhiệm vụ năm 2024 và giải quyết các kiến nghị của quận. Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng đã nêu rõ vấn đề trên.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận nêu cụ thể đối với dự án chuyển tiếp là dự án cải tạo, mở rộng đường Trương Quốc Dung có nhu cầu vốn khoảng 12 tỷ đồng, trong khi đó, thành phố bố trí vốn là 21 tỷ đồng.

Vì vốn cho dự án này dư trong khi trên địa bàn quận còn nhiều dự án khác đang cần vốn, quận làm đề xuất điều hòa vốn nội bộ chủ đầu tư vốn dư sang các dự án nhóm C trên địa bàn quận. Tuy nhiên, khi vào quy trình đề nghị điều hòa vốn thì quy trình thực hiện thủ tục kéo dài. Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận tính toán phải mất 75 ngày vẫn chưa xong việc này.

Cụ thể, ngày 5/1, quận có văn bản gửi Sở KH-ĐT TPHCM về việc xin điều hòa vốn nội bộ cho quận. Ngày 5/2, Sở KH-ĐT TPHCM có tờ trình điều hòa vốn gửi UBND TPHCM; đến ngày 8/3, UBND TPHCM có quyết định về điều chỉnh nguồn vốn.

Tuy nhiên, đến ngày 25/3, quận Phú Nhuận chưa thể giải ngân do phải chờ nhập Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) để điều hành giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công.

Vì vậy, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận kiến nghị, cần phân cấp, ủy quyền điều hòa vốn, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục thực hiện điều hòa vốn nội bộ, rút ngắn thời gian nhập Tabmis.

Phân tích cụ thể, lãnh đạo UBND quận đề xuất, nếu điều hòa vốn giữa các địa phương thì TPHCM xem xét điều hòa vốn, còn điều hòa vốn trong nội bộ của địa phương đó thì phân cấp ủy quyền cho Sở KH-ĐT TPHCM, không cần bước trình UBND TPHCM. “Phân cấp như vậy thì sẽ phù hợp hơn, tiến độ triển khai các dự án, giải ngân vốn đầu tư công cũng nhanh hơn”, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận nói. 

Trao đổi thêm về việc Chủ tịch UBND TPHCM phân cấp, ủy quyền rồi nhưng một số sở ngành thì chưa thực hiện triệt để việc này, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận nêu cụ thể, đối với dự án thuộc nhóm C, hiện nay địa phương vẫn phải chờ Sở Xây dựng TPHCM tiếp nhận và thẩm định hồ sơ nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Do đó, quận Phú Nhuận kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo sở ngành thành phố hướng dẫn các quận, TP Thủ Đức thực hiện thống nhất theo hướng: UBND quận giao cơ quan chuyên môn thuộc quận thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng các dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách Thành phố do UBND các quận, TP Thủ Đức làm chủ đầu tư và trình Chủ tịch UBND quận, TP Thủ Đức phê duyệt theo thẩm quyền. (Sggp.org.vn 26/3, Văn Minh)Về đầu trang

Hà Nội đã phân bổ 81.033 tỷ đồng vốn đầu tư công

Tính đến ngày 20/3/2024, TP. Hà Nội đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 7.019 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố đã thực hiện phân bổ vốn đầu tư công năm 2024 là 81.033 tỷ đồng.

 

Đó là thông tin tại Hội nghị giao ban quý I/2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội tổ chức, ngày 26/3.

Trình bày báo cáo thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, 2025, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, tổng nguồn kế hoạch trung hạn của toàn thành phố đến nay 340.153 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, thành phố đã thực hiện phân bổ năm 2021 là 46.141 tỷ đồng, năm 2022 là 51.583 tỷ đồng, năm 2023 là 57.305 tỷ đồng, năm 2024 là 81.033 tỷ đồng.

Kết quả và tỷ lệ giải ngân trong giai đoạn qua các năm có chiều hướng tăng lên. Trong đó, tổng nguồn kế hoạch 5 năm của toàn thành phố đến nay là 340.153 tỷ đồng, trong đó kế hoạch bố trí vốn năm 2024 là 81.033 tỷ đồng.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, lũy kế kế hoạch vốn đã bố trí từ năm 2021 đến nay là 144.878 tỷ đồng, đạt 57%; còn phải bố trí từ nay đến hết năm 2025 là 109.437 tỷ đồng, tương đương 43% tổng kế hoạch vốn trung hạn.

Đánh giá khả năng thực hiện, cam kết giải ngân của các đơn vị, ông Hải cho biết, đối với dự án cấp thành phố, dự án sử dụng vốn ngân sách cấp thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện cơ bản các đơn vị đều phấn đấu, cam kết giải ngân trên 95% kế hoạch giao. Đối với các dự án sử dụng 100% vốn ngân sách cấp huyện, 29/30 quận, huyện, thị xã dự kiến, cam kết giải ngân 100% kế hoạch vốn. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 26/3, Diệu Hoa)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Bộ Chính trị sẽ có chủ trương gỡ vướng cho các dự án sau thanh tra, điều tra

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, Chủ tịch Quốc hội, tổ chức chiều 25/3.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, Bộ Chính trị vừa họp cho ý kiến đề án tháo gỡ khó khăn đối với một số dự án ở địa phương sau khi có kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán và có bản án.

Đây là lần thứ 2, Bộ Chính trị cho ý kiến và nhất trí có thể sẽ có chủ trương cho ban hành một số thể chế, quyết sách chính trị để giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc liên quan việc này.

“Tinh thần là sai phạm, sai sót phải xử lý nghiêm cả vật chất, con người và không được hợp thức hóa sai phạm, nhưng phải tháo gỡ vướng mắc để khai thác nguồn lực của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, ông Huệ nhấn mạnh.

Trong đó, có những việc Quốc hội phải làm, có những việc Chính phủ làm và việc HĐND phải làm. Trước mắt là tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Đây sẽ có kinh nghiệm để giải quyết các dự án tương tự ở những địa phương khác.

Nội dung nữa, ông Vương Đình Huệ cho hay, năm nay Quốc hội yêu cầu tổng rà soát thủ tục hành chính. Vì vậy, HĐND cần phối hợp chính quyền rà soát các thủ tục hành chính do tỉnh tạo ra để xem cái gì không hợp lý thì bãi bỏ đi; rồi tăng cường phân cấp cho địa phương làm.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến việc thúc đẩy đầu tư công. Cụ thể, vốn đầu tư công phân bổ trong năm 2024 hơn 600 nghìn tỷ, riêng đầu tư kết cấu hạ tầng là 440 nghìn tỷ nhưng tốc độ giải ngân những tháng đầu năm đang rất chậm.

Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu chuẩn bị kế hoạch đầu tư công cho nhiệm kỳ sau: "Vì năm sau là phải chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau, không thể nói cái này là việc của chính quyền lúc nào họ trình thì trình. Có tiền mà không có dự án thì chịu chết. Năm nay phải tăng tốc để hoàn thành trong nhiệm kỳ này và chuẩn bị nhiệm kỳ sau”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc HĐND cần quan tâm công tác thành lập địa giới hành chính mới và việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện.

Đây là nội dung trọng tâm, HĐND cũng có trách nhiệm, nhất là chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ với cán bộ đương chức, nghỉ hưu và những người trong diện sắp xếp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, Thường trực HĐND quan tâm quy hoạch đội ngũ cán bộ HĐND, chuẩn bị nguồn cho đại biểu HĐND các cấp, để tiến tới Đại hội Đảng các cấp.

“Cấp dưới thì giới thiệu nhân sự cho cấp trên, xã giới thiệu cho huyện, huyện giới thiệu cho tỉnh, tỉnh thì giới thiệu cho Trung ương. Hàng năm chúng ta vẫn làm tốt công tác quy hoạch này”, ông Vương Đình Huệ nói. (Vietnamnet.vn 25/3, Thu Hằng)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Thái Nguyên chia sẻ thành công trong thu hút vốn FDI

Sự kiện thường niên, Nhận diện điểm sáng đầu tư và kinh doanh năm 2024, do CafeF tổ chức sáng 26/3, cùng với các địa phương, Thái Nguyên đã chia sẻ những nỗ lực của mình để thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Ông Trần Quốc Trung - Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết dù chưa hết quý I, nhưng gần 500 triệu USD và gần 5.000 tỷ đồng vốn FDI đã “chảy” về tỉnh công nghiệp mới nổi phía Bắc. Kết quả này đạt được là nhờ nỗ lực bền bỉ của địa phương, trong đó có giải quyết bài toàn nguồn nhân lực.

Tỉnh đã hợp tác chặt chẽ với Đại học Thái Nguyên và những trường dạy nghề trên địa bàn để đảm bảo nguồn cung lao động đạt chuẩn về cả số lượng lẫn chất lượng để đáp ứng cho nhà đầu tư nước ngoài. Chính quyền đã đồng hành với các cơ sở đào tạo, với doanh nghiệp và người lao động, kết nối việc làm cho 6.000 lao động.

Nỗ lực thu hút vốn FDI những năm qua đã biến Thái Nguyên thành công xưởng, trung tâm sản xuất của các thương hiệu điện tử lớn của thế giới, nhưng thời gian tới còn có thể sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ mới.

Theo ông Trung, tỉnh đã quy hoạch thêm 12 khu công nghiệp, con số gấp ba lần giai đoạn trước 2020. Trong thời gian ngắn tới, tỉnh sẽ trao chứng nhận đầu tư cho một nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, với số vốn dự kiến 5.000 tỷ đồng.

Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết công tác triển khai quy hoạch đang được tiến hành đồng bộ, tinh thần là “dọn tổ” đón đại bàng mới. Tỉnh đang nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, theo mô hình một cửa để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều người. Thời gian xử lý các thủ tục rút ngắn chỉ còn bằng nửa thời gian so với trước đây. (Plo.vn 26/3, Ngọc Diệp)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Sửa Luật Thủ đô, tránh người tài ngồi dưới trướng người kém tài

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 26/3, đề cập nội dung trọng dụng nhân tài tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân lưu ý về cơ hội thăng tiến, tránh người tài ngồi dưới trướng người kém tài. Còn ai lạm dụng quy định để đưa người của mình vào thì kỷ luật cho nghiêm.

Đại biểu Vân cho rằng, đây là nội dung mang tính quy phạm chính trị nhiều, cần định chế thành quy định mạch lạc hơn. Khái niệm trọng dụng người có tài năng nên sửa lại là trọng dụng nhân tài, cao hơn có thể sửa là trọng dụng hiền tài.

Đại biểu cũng nêu 3 cách thu hút nhân tài là thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử vì “kinh nghiệm người xưa có hết rồi”.

Về “trọng dụng”, đại biểu phân tích, một là bố trí đúng sở trường, năng lực nào thì bố trí công việc đấy, “chứ không phải thu hút về xong để đấy, một người tài bố trí làm hành chính thì lãng phí”.

Khía cạnh trọng dụng thứ hai là người tài có cơ hội thăng tiến. Ông Vân cho rằng “người tài ngồi dưới trướng kém tài mà vô hạnh nữa... thì thôi, không có ý nghĩa”. Thứ ba, phát minh sáng kiến của người tài được tôn trọng và thực thi.

Bên cạnh đó cần có ưu đãi về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở. “Trước đây Hà Nội có chính sách thu hút về nhà ở rồi nhưng hiền tài về rồi họ lại đi”, đại biểu nói.

Lưu ý việc khen thưởng, kỷ luật, ông Vân đề nghị khen thưởng những ai tuyển dụng, tham gia vào thi tuyển, tiến cử người tài. “Còn ai lạm dụng quy định để đưa người của mình, “4 C” (con cháu các cụ) vào thì kỷ luật cho nghiêm”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đồng tình với quy định sử dụng nguồn tăng thu và nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện chế độ chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Qua đó, tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

“Tôi đề nghị nên quy định tổng quỹ lương của thành phố được xác định bằng tổng định mức biên chế bình quân chung của cả nước. Số biên chế thực tế của Hà Nội thấp hiện chỉ bằng 1/2 mức bình quân chung. Do vậy, phần còn lại của quỹ lương dư dôi do số lượng biên chế thực tế thấp chính là quỹ tiền lương tăng thêm của thành phố”, ông Hoàng Văn Cường cho hay.

Trên cơ sở đó, đại biểu cho rằng, nếu Thủ đô càng sử dụng ít biên chế thì quỹ tiền lương tăng thêm càng nhiều và mức thu nhập tăng thêm của mỗi người càng cao, nhưng mức thu của từng cá nhân không bị giới hạn mà chỉ giới hạn tổng quỹ lương tăng thêm. (Laodong.vn 26/3, Phạm Đông)Về đầu trang

Đề xuất Hà Nội áp dụng cơ chế miễn trách nhiệm khi thử nghiệm công nghệ mới

Đó là nội dung nằm trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 diễn ra vào sáng 26/3.

Theo dự thảo luật, thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Lĩnh vực công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được đề xuất thử nghiệm phải có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp.

Việc này nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức.

Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; quy mô thử nghiệm; đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm (gọi là người dùng); số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác.

Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Dự thảo quy định, UBND TP Hà Nội dự kiến được cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn.

UBND thành phố Hà Nội được cho phép quyết định miễn trừ áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đã có quy định của pháp luật nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp trong phạm vi giới hạn được xác định phù hợp với đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát của UBND thành phố.

HĐND thành phố Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm, theo dự thảo luật. (Vietnamnet.vn 26/3, Thu Hằng)Về đầu trang

Bình Thuận: Cán bộ còn sợ trách nhiệm, né tránh, tham mưu lòng vòng

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) vừa có kết luận về một số nhiệm vụ tập trung thực hiện trong thời gian tới sau khi làm việc với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh. Trong đó có đề cập tới việc cán bộ còn sợ trách nhiệm, né tránh, tham mưu lòng vòng.

Theo báo cáo tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những nội dung, công việc tiến độ chậm, hiệu quả chưa cao. Đáng chú ý là công tác lập, điều chỉnh các loại quy hoạch còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án du lịch. Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm, quan trọng còn chậm. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 thấp hơn so với yêu cầu.

Việc xác định giá đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất còn chậm, dẫn đến nhiều công trình, dự án không hoàn thành được thủ tục về đất đai nên không triển khai được các công việc tiếp theo.

Việc chậm trễ trên làm phát sinh bức xúc, đơn, thư khiếu nại, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường còn nhiều yếu kém; tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép, khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép khoáng sản còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương…

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn chậm, “trả đi trả lại” nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.

Tình trạng “bệnh sợ trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa thuyên giảm, có tình trạng người dân và doanh nghiệp than phiền hồ sơ, thủ tục quá chậm, nhất là về đất đai, xây dựng, nghĩa vụ tài chính, chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy,… mà nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận khắc phục triệt để tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương phải gương mẫu, “đứng mũi chặn sào”, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn; dám hành động vì lợi ích chung. Kiên quyết thay thế những trường hợp cán bộ, công chức đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai hoặc không có năng lực triển khai theo quy định, để thu hút các nhà đầu tư khác thực sự có năng lực, có tâm huyết đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Đổi mới phương pháp làm việc, chế độ hội họp, lấy ý kiến... nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Văn phòng UBND tỉnh với các sở, ban, ngành, địa phương và việc tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết công việc bảo đảm tiến độ, theo đúng thẩm quyền.

“Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, chấm dứt tình trạng quy định pháp luật đã rõ nhưng tham mưu lòng vòng, không rõ nội dung, quan điểm hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm sang bộ phận khác, cơ quan khác, làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung, gây phiền hà, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp” - kết luận nêu. (Plo.vn 26/3, Phương Nam)Về đầu trang

Hà Nam: Xác minh tài sản 57 cá nhân tại nhiều sở, ngành

Trong quý II/2024, Thanh tra tỉnh Hà Nam sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với 57 cá nhân đang công tác tại 6 đơn vị.

Trước đó ít ngày, thực hiện Quyết định số 73 ngày 16/1/2024 của UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt nội dung Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của Thanh tra tỉnh, Thanh tra tỉnh Hà Nam tiến hành bốc thăm người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2024.

Buổi bốc thăm người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 tại tỉnh Hà Nam có sự tham gia của đại diện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Nam, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Nam, lãnh đạo Thanh tra tỉnh và phòng Nghiệp vụ III - Thanh tra tỉnh.

Kết quả bốc thăm sau đó lựa chọn ngẫu nhiên 57 cá nhân thuộc 6 đơn vị gồm Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, UBND huyện Kim Bảng và UBND Thành phố Phủ Lý.

Cũng theo thông tin từ Thanh tra tỉnh Hà Nam, Kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra năm 2024 được UBND tỉnh Hà Nam ban hành cuối năm 2023 đặt ra yêu cầu tổ chức triển khai các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích và phòng, chống tham nhũng mở rộng khu vực ngoài nhà nước.

Thanh tra trách nhiệm việc thực hiện chính sách pháp luật và nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh, bao gồm thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Trong đó, tập trung vào những đơn vị có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm, phát sinh nhiêu vụ việc khiếu nại, tố cáo; cần kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền.

Trong kế hoạch này, năm 2024, tỉnh Hà Nam sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2022-2023. Tăng cường thanh tra đột xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, tiến hành kiểm soát bản kê khai tài sản thu nhập năm 2023 theo Văn bản số 3212 ngày 28/11/2023 của UBND tỉnh Hà Nam; Xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch xác minh tài sản thu nhập của Thanh tra Chính phủ. (Laodong.vn 26/3, Lam Duy)Về đầu trang

Hà Tĩnh: Trải thảm thu hút vẫn thiếu bác sĩ tại 37 trạm y tế

Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã có những chính sách thu hút. Tuy nhiên, do công tác tại trạm y tế còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng thu nhập chưa được như mong muốn khiến nhiều bác sĩ không mặn mà về công tác tại các trạm y tế xã, phường.

Theo Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã thông qua chính sách thu hút bác sĩ về y tế cơ sở công tác. Các bác sĩ đa khoa, bác sĩ y khoa được tuyển dụng về công tác tại trạm y tế tuyến xã sẽ được hỗ trợ từ 180 triệu đồng đến 330 triệu đồng tùy vào xếp loại kết quả tốt nghiệp và tùy thuộc vào trường đào tạo. Ngoài ra, bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã, phường, thị trấn còn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng người/tháng.

Dù đã có chính sách thu hút như vậy nhưng đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn 37 trạm y tế xã, phường, thị trấn chưa có bác sĩ. Ông Nguyễn Minh Đức - Giám Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho hay, toàn tỉnh hiện có hơn 200 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó số cơ sở y tế có bác sĩ về công tác đạt khoảng 83%, trong khi theo quy định là phải đạt 100%.

“Tôi cho rằng, chính sách thu hút của tỉnh vẫn chưa đủ mạnh để thu hút đội ngũ bác sĩ về công tác tại các trạm y tế. Trong khi bác sĩ làm việc tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tư, hay phòng khám tư cho thu nhập cao hơn nhiều. Khi về trạm y tế trang thiết bị, máy móc còn thiếu nên bác sĩ không phát huy được tay nghề, năng lực chuyên môn nên họ cũng không mặn mà” - ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, mong thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh sẽ có chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở tốt hơn nữa để phát huy hiệu quả, nhằm phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. (Laodong.vn 26/3, Trần Tuấn)Về đầu trang

Quảng Ninh ban hành chính sách thu hút 300 bác sỹ giỏi về làm việc

Ngày 26/3, Phó Giám đốc Sở Y tế Trịnh Văn Mạnh thông tin sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh "Quy định chính sách thu hút bác sỹ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025," địa phương đã thu hút được 14 bác sỹ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách.

Trong số đó, Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều thu hút được 1 bác sỹ nội trú, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên thu hút được 2 bác sỹ chuyên khoa cấp I.

Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025 được kỳ vọng là cú huých quan trọng để giải quyết những khó khăn, bất cập về nhân lực cho ngành Y tế Quảng Ninh trong thời gian tới.

Mỗi bác sỹ được tuyển dụng theo Nghị quyết này sẽ được hưởng chế độ từ 200-700 triệu đồng (1 lần sau khi tuyển dụng). Qua đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ y, bác sỹ, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, người dân được thụ hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Theo Nghị quyết số 28, tỉnh sẽ thu hút tối thiểu 298 người; trong đó, Tiến sỹ y khoa, bác sỹ chuyên khoa cấp II tối thiểu 10 người; Thạc sỹ y khoa, bác sỹ chuyên khoa cấp I, bác sỹ nội trú tối thiểu 39 người; bác sỹ tối thiểu 249 người.

Các đơn vị ngành y tế đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 với nhiều hình thức như tham gia ngày hội việc làm do các trường Đại học Y-Dược tổ chức, qua đó quảng bá hình ảnh của đơn vị; bổ sung trong quy chế chi tiêu nội bộ các chính sách ưu đãi riêng đối với nguồn nhân lực bác sỹ; tạo môi trường làm việc thân thiện chuyên nghiệp để nhân viên y tế yên tâm cống hiến...

Đến nay, Quảng Ninh đạt 56,5 giường bệnh/10.000 dân (toàn quốc đạt 32 giường bệnh/10.000 dân); 17 bác sỹ/10.000 dân (toàn quốc đạt 12 bác sỹ/10.000 dân); 7,2 dược sỹ Đại học/10.000 dân (toàn quốc đạt 3,06 dược sỹ Đại học/10.000 dân); 27 điều dưỡng/10.000 dân (toàn quốc đạt 13 điều dưỡng/10.000 dân). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95,25% (mục tiêu toàn quốc là 93,2%).

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Trịnh Văn Mạnh hiện trên địa bàn tỉnh, sự phân bổ bác sỹ không đồng đều theo các tuyến. Tính đến ngày 31/1 vừa qua, có 57,5% bác sỹ đang làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh, 35% bác sỹ làm việc tại các đơn vị y tế tuyến huyện; chỉ có 8% bác sỹ làm việc tại trạm y tế xã. Tỉnh hiện còn có 30/177 trạm y tế xã chưa có bác sỹ, đặc biệt là các xã miền núi, hải đảo như Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen, Hoành Mô, Đạp Thanh...

Số bác sỹ trình độ sau Đại học hiện có 667 người/1.725 bác sỹ làm việc tại các cơ sở y tế công lập (chiếm 47,7%); phần lớn tập trung tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh.

Tuy nhiên, ngay cả các đơn vị này cũng đang thiếu chuyên gia chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực chuyên môn. Số bác sỹ được đào tạo sau Đại học, nâng cao trình độ chuyên môn từ năm 2021-2023 là 360 người; hầu hết chỉ tập trung ở các đơn vị tuyến tỉnh (63,3%), các đơn vị y tế tuyến huyện chỉ chiếm 36,7% và tuyến xã không có bác sỹ nào được đi đào tạo sau Đại học. (TTXVN/VietnamPlus.vn 26/3, Văn Đức)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hải Dương: Khai trương cổng thông tin liên thông 3 cấp và Smart-HaiDuong

Sáng 26/3, tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số năm 2024, các đại biểu đã bấm nút khai trương ứng dụng dành cho người dân Smart-HaiDuong, Cổng thông tin điện tử liên thông 3 cấp tỉnh Hải Dương và phát động cuộc thi trực tuyến “Nét đẹp đoàn viên” trên app Smart-Hai Duong cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động trong toàn tỉnh.

Đây là cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đối thoại với chính quyền, tham gia xây dựng và triển khai các chính sách, giải pháp, dịch vụ... thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu các cơ quan, đơn vị của tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về ứng dụng Smart-HaiDuong và Cổng thông tin điện tử liên thông 3 cấp của tỉnh, đồng thời triển khai tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân cài đặt, khai thác, sử dụng các ứng dụng này.

Bí thư cho biết Hải Dương là một trong những tỉnh đầu tiên trên toàn quốc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Tỉnh đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển hạ tầng và dịch vụ phục vụ cho chuyển đổi số, ưu tiên ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ để tạo ra các mô hình, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao. (Vietnamnet.vn 26/3, Bảo Khánh – Hoài Anh) Về đầu trang

Quảng Nam: Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính

Là một huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã chủ động xây dựng lộ trình phát triển hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, tạo sự hài lòng cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ cho biết: Năm 2023, cơ quan hành chính các cấp từ huyện đến xã, thị trấn đã tạo lập, theo dõi được toàn bộ quá trình tiếp nhận và giải quyết đối với hơn 15.000 hồ sơ điện tử cho các tổ chức và cá nhân. Từ kết quả đáng ghi nhận này, năm 2024, huyện đã ban hành bộ thủ tục gồm 70 nội dung, đầu việc, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân hướng tới mục tiêu nhanh gọn, chính xác, đúng quy định và tạo sự hài lòng cho người dân.

Để đạt mục tiêu trên, ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, huyện Bắc Trà My còn bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn làm việc tại bộ phận một cửa từ huyện đến xã, thị trấn để tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định, tiết kiệm được thời gian đi lại cho tổ chức và cá nhân. Những cố gắng này đã được tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước đến Bắc Trà My làm ăn đánh giá cao.

Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng nền hành chính hiện đại là khâu đột phá đang được huyện Bắc Trà My thực hiện. Đây là huyện dẫn đầu cụm thi đua miền núi tỉnh Quảng Nam về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong năm 2023. Hiện nay, hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet đã phủ sóng đến hơn 97% thôn trên địa bàn huyện Bắc Trà My. Mô hình Tổ công nghệ cộng đồng đã được triển khai để phục vụ chỉ đạo chuyển đổi số được tốt hơn, để công tác cải cách thủ tục hành chính mang lại hiệu quả thiết thực với người dân.

Liên tiếp trong 2 năm 2022 và 2023 Bắc Trà My đứng vị trí thứ nhất trong 18 huyện, thành phố về cải cách hành chính, năm 2022 đứng nhất toàn tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện, hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet được phủ sóng đến 97% thôn, tổ dân cư trên địa bàn huyện. Bắc Trà My cũng là huyện miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Nam đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh IOC.

Thông qua nền tảng công nghệ số, Trung tâm Điều hành thông minh IOC huyện Bắc Trà My là nơi thu thập, tổng hợp thông tin của huyện trên tất cả lĩnh vực, giúp lãnh đạo huyện chỉ đạo, điều hành hoạt động một cách thông suốt, trôi chảy. Cùng với Trung tâm Điều hành thông minh IOC, trong năm 2024, huyện Bắc Trà My đẩy mạnh hoạt động của mô hình tổ công nghệ cộng đồng tại cơ sở để phục vụ chỉ đạo chuyển đổi số được tốt hơn. Tổ công nghệ cộng đồng còn là cơ sở để công tác cải cách hành chính đi vào cuộc sống và đến với người dân được sâu hơn, thiết thực hơn. (TTXVN/Baotintuc.vn 26/3, Đoàn Hữu Trung)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn: Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhận số tiền tương đối lớn!

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, 2 bị can Hoàng Thị Thuý Lan và Lê Duy Thành đã nhận hối lộ số tiền tương đối lớn, hàng tỷ đồng, đã khai nhận và nộp lại Cơ quan điều tra.

Sáng 26/3, tại Hà Nội, Trung tướng Tô Ân Xô, Trợ lý Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an đã chủ trì Họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Quý I/2024.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, vụ án này được đơn vị khởi tố từ ngày 26/2, đến nay tròn 1 tháng. Về kết quả điều tra, đây là vụ án liên quan việc Tập đoàn Phúc Sơn đầu tư 21 dự án, hiện đang tập trung điều tra, truy tố các sai phạm tại dự án ở Quảng Ngãi.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành đánh giá đây là 1 vụ án lớn, với loại tội phạm mới. Thông qua điều tra vụ án, lời khai của một số bị can cho thấy, Nguyễn Văn Hậu đã có hành vi chi phối, lũng đoạn một số bị can trong Thường trực Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc để trục lợi. "Để làm việc này, Hậu dựa vào các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn. Đây là hành vi nguy hiểm, một dạng tội phạm mới, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở, làm xấu hình ảnh của Đảng và chính quyền nhân dân", Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nhấn mạnh.

Về tội danh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho hay, hiện đã khởi tố 4 tội danh, trong có tội "Nhận hối lộ". Đối với 2 bị can mà báo chí hỏi: Hoàng Thị Thuý Lan, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc và Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc bị khởi tố tội "Nhận hối lộ", quá trình điều tra, Cơ quan điều tra sẽ kết luận số tiền khi có đầy đủ căn cứ. Nhưng ông khẳng định, đến thời điểm này, đã làm rõ 2 bị can đã nhận số tiền tương đối lớn, hàng tỷ đồng, các bị can đã khai nhận và nộp lại Cơ quan điều tra.

"Nguyễn Văn Hậu khai đưa tiền, chuyển tiền cho nhiều người, trong đó có Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Hậu đã chuyển cho Hoành 64 tỷ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cá nhân", Thiếu tướng Thành thông tin. (Cand.com.vn 26/3, Quỳnh Vinh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Trung Quốc kêu gọi người dân tổ chức đám cưới tiết kiệm hơn

Chi phí cưới xin đắt đỏ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cặp đôi trì hoãn kết hôn tại Trung Quốc. Trước thực trạng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc đã khuyến khích người dân đơn giản hóa thủ tục cưới xin, thay vì tổ chức các bữa tiệc truyền thống với hàng trăm khách mời.

Năm 2023, số cặp đôi kết hôn ở Trung Quốc đã tăng 12,4% so với một năm trước đó, sau gần một thập kỷ sụt giảm khi nhiều cặp đôi phải trì hoãn đám cưới do đại dịch COVID-19. Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc gắn liền với tỷ lệ sinh, do đó các nhà hoạch định chính sách lạc quan rằng tỷ lệ kết hôn tăng lên có thể làm tăng mức sinh, qua đó giảm bớt tình trạng suy giảm dân số trong năm nay.

Trong tháng này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã cam kết chính phủ sẽ nỗ lực hướng tới "một xã hội có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc sinh con và thúc đẩy sự phát triển dân số cân bằng, lâu dài", đồng thời cải thiện các chính sách về tăng tỷ lệ sinh bằng cách giảm chi phí sinh, nuôi dạy con cái và giáo dục. (TTXVN 26/3, Linh Tô)Về đầu trang./.

Các tin khác

07