Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 29/3/2024

9:58, Thứ Sáu, 29-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 TIÊU ĐIỂM

1.        Bí thư Hà Nội: Cắt giảm vốn những dự án kém khả thi

2.        Đà Nẵng lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư công

3.        Ninh Bình: Thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2024

4.        Lào Cai: "Bắt bệnh" nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư

5.        Bình Thuận: Vì sao giải ngân vốn đầu tư công thấp?

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

6.        Lãnh đạo tỉnh Bình Dương sang Úc xúc tiến đầu tư

7.        Quảng Bình giải quyết nhiều kiến nghị "nóng" của doanh nghiệp

8.        Bắc Giang tăng trưởng kinh tế cao nhất nước

9.        UBND tỉnh Lào Cai và VCCI hợp tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

10.     Doanh nghiệp phản ánh bị "ngâm hồ sơ", Đồng Nai chỉ đạo "nóng"

QUẢN LÝ

11.     Thanh Hóa đang đứng ở đâu trong bản đồ đổi mới sáng tạo quốc gia?

12.     TPHCM sẽ lo nơi khởi nghiệp cho cộng đồng đổi mới sáng tạo

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

13.     Bắt cựu Bí thư Quảng Ngãi, Phó Bí thư Vĩnh Phúc liên quan vụ án Phúc Sơn 

TIÊU ĐIỂM

Bí thư Hà Nội: Cắt giảm vốn những dự án kém khả thi

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị chuyên đề của Ban Chấp hành đảng bộ thành phố Hà Nội chiều 27/3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu rà soát các dự án không có khả năng triển khai để cắt giảm và tập trung nguồn lực bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết dân sinh bức xúc...

Bí thư Hà Nội cho rằng, trên cơ sở danh mục đầu tư công trong giai đoạn 2024-2025, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm, rà soát, thống kê phân loại rõ số lượng dự án đã được phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án; đánh giá tiến độ thực hiện của từng dự án; xác định cụ thể nguyên nhân chậm triển khai trong từng khâu và đề xuất giải pháp cụ thể.

“Phải rà soát các dự án không có khả năng triển khai để cắt giảm và tập trung nguồn lực bố trí vốn cho các dự án có tính khả thi cao, dự án trọng điểm, dự án cấp bách, giải quyết dân sinh bức xúc như: Ùn tắc giao thông; kế hoạch 3 lĩnh vực; xây dựng nông thôn mới; đường sắt đô thị; đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ; các chương trình cung cấp nước sạch, xử lý nước thải...”, ông Dũng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ, các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng đảm bảo các dự án được bố trí vốn đủ thủ tục, quy định; tránh trùng lặp, lãng phí, nhất là các dự án, nhiệm vụ liên quan đến các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, dự án, theo ông Dũng phải có nguồn lực đảm bảo, bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên, không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, kiểm soát bội chi. (Tienphong.vn 28/3, Trường Phong)Về đầu trang

Đà Nẵng lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư công

Ngày 28/3, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho biết, thành phố đã ban hành quyết định về thành lập Tổ công tác đôn đốc, xử lý hồ sơ thủ tục đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công các dự án trên địa bàn thành phố.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát các khó khăn, vướng mắc, tìm hướng tháo gỡ, đề xuất xử lý ở các sở, ngành một cách cụ thể trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, phát hiện khó khăn, vướng mắc để báo cáo và đề xuất lãnh đạo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Tổ công tác do ông Nguyễn Hà Nam - Chánh Văn phòng UBND thành phố làm Tổ trưởng. Hai tổ phó là  bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và ông Võ Tấn Hà - Phó Giám đốc Sở Xây dựng…

Năm 2023, TP.Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công đạt 6.558 tỷ đồng/7.947 tỷ đồng, bằng 82,52% kế hoạch giao. Nguyên nhân giải ngân không đạt kế hoạch đề ra được xác định là do nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu chuẩn bị đầu tư cũng như công tác thi công xây dựng. Trong đó, giải phóng mặt bằng chậm, kéo theo giải ngân vốn xây lắp các công trình chậm; vốn đền bù chỉ đạt 773 tỷ đồng, bằng 55,5% so với kế hoạch… (Baodautu.vn 28/3, Hoàng Anh)Về đầu trang

Ninh Bình: Thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2024

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có Quyết định thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình do Chủ tịch UBND tỉnh ông Phạm Quang Ngọc làm Tổ trưởng; Tổ phó là các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên gồm Giám đốc các Sở, ngành.

Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến tiến độ thực hiện, chất lượng công trình, tiến độ giải ngân các nguồn vốn năm 2024 các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện giải ngân hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư phát triển đã giao năm 2024.

Đôn đốc các đơn vị, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, thi công xây dựng các công trình và xử lý các vướng mắc phát sinh hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc vượt thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện các dự án; đẩy nhanh tiến độ giải ngân của các dự án, đảm bảo phù hợp với tiến độ thực hiện và kế hoạch vốn bố trí.

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, phát hiện kịp thời những sai sót, chấn chỉnh tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng nhằm nâng cao chất lượng công trình, hiệu quả dự án. Kiểm tra, đôn đốc, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, đề xuất với UBND tỉnh xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, các địa phương, chủ đầu tư và các cá nhân có liên quan gây ảnh hưởng đến việc chậm triển khai dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân và chất lượng công trình. (Baoxaydung.com.vn 28/3, Anh Tú)Về đầu trang

Lào Cai: "Bắt bệnh" nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư

Thường trực UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức họp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư về kết quả rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án giao thông, bệnh viện, trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2021 - 2025, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024. Thường trực UBND tỉnh đã chỉ rõ 2 nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công và giải ngân vốn đầu tư của các dự án.

Trong những tháng đầu năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến ngày 20/3/2024, giá trị giải ngân toàn tỉnh đạt 910/5.791 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch (tăng 361 tỷ đồng so với cuộc họp rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn ngày 27/2/2024; số tuyệt đối cao hơn 205 tỷ đồng, đồng thời cao hơn 8 điểm % so với cùng kỳ) và bằng 18% kế hoạch thực tế giao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công và giải ngân vốn đầu tư của các dự án, như việc triển khai thi công tại một số dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao, việc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư ngân sách nhà nước chậm. Hai nguyên nhân chủ yếu, đó là:

1. Cán bộ lãnh đạo (các chủ đầu tư) khi thực thi nhiệm vụ tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra (bao gồm cả việc huy động máy, thiết bị nhân lực theo quy định của hợp đồng), chưa huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, chậm được tháo gỡ; không nắm chắc tình hình tại cơ sở, không nắm vững quy trình triển khai các công việc thuộc thẩm quyền (một số chủ đầu tư chưa nắm chắc các điều khoản, quy định của hợp đồng để xử lý nhà thầu chây ỳ trong thi công), khi báo cáo cấp trên tình hình vướng mắc nhưng không có đề xuất giải pháp tháo gỡ để thực hiện.

2. Cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai; tỉnh đã có sự chỉ đạo nhưng không triển khai thực hiện.

Tại cuộc họp này, Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo và chốt thời gian cụ thể cho nhiều nội dung gắn với trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương. (Baolaocai.vn 28/3, Vũ Thanh Nam)Về đầu trang

Bình Thuận: Vì sao giải ngân vốn đầu tư công thấp?

Sở KH&ĐT Bình Thuận vừa báo cáo tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 gửi UBND tỉnh. Trong đó có đề cập đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Thuận vẫn thấp.

Cụ thể, kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 của tỉnh vẫn còn hạn chế; tiến độ thi công một số công trình chậm, nhiều dự án chưa triển khai thi công ngay từ đầu năm; dự án còn vướng đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ; các chủ đầu tư chậm hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ, trình phê duyệt dự án đầu tư... dẫn đến kết quả giải ngân chỉ đạt 9,17% kế hoạch, phân bổ vốn chưa hết kế hoạch Thủ tướng giao.

Nguyên nhân chủ yếu là chủ đầu tư chậm hoàn tất các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, để thanh toán dứt điểm cho dự án hoàn thành, tất toán công trình. Một số Sở, ban, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa quyết liệt, chưa sâu sát để xử lý, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân kế hoạch vốn.

Năng lực quản lý dự án một số chủ đầu tư còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện thi công công trình, giải ngân kế hoạch vốn. Đồng thời, một số nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế năng lực yếu.

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ông Phan Văn Đăng đã chủ trì buổi làm việc với các Sở, ban, ngành có liên quan để nghe báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong quý I; đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Chính vì thế, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này.

Thế nhưng, tính đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Do đó, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong thời gian đến, hướng đến mục tiêu giải ngân đạt và vượt chỉ tiêu 95%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án định kỳ hàng tháng, hàng quý.

Có báo cáo bằng văn bản định kỳ gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo dõi tiến độ, chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công được giao.

Đối với các dự án đã hoàn thành, phải nhanh chóng thực hiện quyết toán vốn đầu tư hoàn thành để thanh toán dứt điểm. Nếu các công trình đã thực hiện xong nhưng chậm trễ, chây ì thực hiện quyết toán, cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng các chế tài xử phạt đã được hướng dẫn tại các văn bản pháp lý hiện hành đối với các chủ đầu tư vi phạm. (Nguoiduatin.vn 27/3, Nguyễn Đắc Phú)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương sang Úc xúc tiến đầu tư

Trong 2 ngày (25-26/3), Đoàn lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư quan trọng tại thành phố Sydney.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tại hội thảo xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu cơ hội đầu tư tại tỉnh Bình Dương đến các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư và kinh doanh Việt Nam và Úc, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã giới thiệu về các thế mạnh, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh Bình Dương cũng như những chính sách ưu đãi của tỉnh đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ đồng hành với các nhà đầu tư, xác định thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Lộc Hà, cho biết tỉnh Bình Dương là một trung tâm sản xuất dẫn đầu với chuỗi cung ứng đa dạng và một vùng khoa học–công nghệ đổi mới. Vì vậy, ông kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Australia đầu tư vào những lĩnh vực mà tỉnh Bình Dương quan tâm như các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường cũng như đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Ông Nguyễn Thế Duy, Giám đốc thị trường tiếng Anh của Tổng công ty Becamex IDC cho biết, tỉnh Bình Dương định hướng trở thành khu vực đổi mới sáng tạo và khoa học với các dự án phát triển mới như khu công viên khoa học và giáo dục, khu công viên công nghệ thông tin, khu thương mại điện tử, khu công viên kinh doanh… Ngoài ra, tỉnh Bình Dương đã và đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng các khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái (Eco Industrial Park) với việc áp dụng năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, tuần hoàn nước, quản lý vận hành theo Trung tâm Điều hành thông minh…

Đại diện các cơ quan thương mại và doanh nghiệp của Australia đã bày tỏ ấn tượng về những phát triển của Việt Nam và tỉnh Bình Dương thời gian qua và khẳng định Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng hàng đầu của Australia trong khu vực. Các đại biểu bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong thương mại và đầu tư. (Nld.com.vn 27/3, Thanh Thảo)Về đầu trang

Quảng Bình giải quyết nhiều kiến nghị "nóng" của doanh nghiệp

UBND tỉnh Quảng Bình mới đây đã tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp Quý I/2024 với các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh này.

Tại hội nghị này, đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc sử dụng đất, cho thuê đất, các chính sách ưu đãi về nguồn nhân lực, miễn, giảm lãi suất cho các khoản vay, cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh nợ, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy liên doanh, liên kết. Đồng thời, mong muốn tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, xây dựng trụ sở mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, cải cách phương pháp quản lý doanh nghiệp.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra kết luận về hội nghị trên, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bố Trạch theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp các doanh nghiệp nhà nước rà soát, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xử lý cụ thể.

Về chính sách tín dụng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình chỉ đạo, hướng dẫn các Ngân hàng thương mại trên địa bàn rà soát tình hình dư nợ tín dụng; tạo điều kiện tiếp cận vốn vay, hỗ trợ lãi suất, cơ cấu nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp nhà nước; miễn, giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn được trả trước thời hạn; phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Bình có phương án xử lý đối khoản nợ của Công ty cổ phần Lệ Ninh Quảng Bình.

Về thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn Quảng Bình, Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Tài chính tập trung tham mưu UBND tỉnh thực hiện các thủ tục thoái vốn nhà nước đảm bảo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt.

Về miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nhà nước trong đó có đề xuất miễn giảm tiền thuê đất trên phần diện tích bị ngập nước giáp ranh Hồ Cẩm Ly của Công ty cổ phần Lệ Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu cơ chế phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành… (Vneconomy.vn 28/3, Nguyễn Thuấn - Thiên Anh)Về đầu trang

Bắc Giang tăng trưởng kinh tế cao nhất nước

Ngày 28/3, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức Hội nghị giao ban với Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đánh giá, trong quý I, tỉnh Bắc Giang giữ được đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Giang phụ thuộc nhiều vào công nghiệp. Trong công nghiệp, ngành điện tử là nòng cốt. Thông thường, sản xuất điện tử tăng trưởng mạnh vào quý III và quý IV, còn quý I tăng trưởng kém vì ít đơn hàng. Tuy nhiên, năm nay sản xuất công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng cao trong quý I, vì nhiều đơn hàng, xuất khẩu tăng trưởng tốt giúp phát triển kinh tế tốt hơn các quý I những năm trước.

“Điều này cho thấy khả năng tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang trong năm nay đạt mục tiêu hơn 14%. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần hỗ trợ”, ông Dương cho hay.

Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, theo Tổng cục Thống kế, trong quý I, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang đạt 14,18 %, đứng đầu cả nước. Thu ngân sách đạt kết quả tích cực, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân và doanh nghiệp. Ông Thái lưu ý tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, công nghiệp tiếp tục trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Giang. Sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đạt kết quả tích cực, dù phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tăng hơn 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 10,5%). Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất và hoạt động ổn định từ cuối quý III/2023 đến nay. (Tienphong.vn 28/3, Nguyễn Thắng)Về đầu trang

UBND tỉnh Lào Cai và VCCI hợp tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chiều 28/3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Lào Cai và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giai đoạn 2024 - 2029.

Theo Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Lào Cai và VCCI về hợp tác triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2024 - 2029, sẽ có 3 nội dung trọng tâm được hai bên thống nhất đẩy mạnh hợp tác.

Trong đó, tỉnh Lào Cai và VCCI hợp tác triển khai toàn diện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giai đoạn 2024 - 2029. Phối hợp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả sự phát triển của tỉnh Lào Cai theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ hằng năm về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hỗ trợ kiến nghị với Trung ương để giải quyết vướng mắc và tháo gỡ khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách phát sinh trong quá trình thực hiện tại Lào Cai…

Tỉnh Lào Cai và VCCI hợp tác cùng thực hiện các hoạt động, hướng tới đạt được mục tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội. Xây dựng Lào Cai thành địa phương thành công trong phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, có môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đội ngũ doanh nghiệp tỉnh Lào Cai ngày càng lớn mạnh, phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

VCCI và tỉnh Lào Cai cùng hợp tác để triển khai các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh Lào Cai tham gia sâu hơn vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc gia, khu vực và thế giới. VCCI hỗ trợ thực hiện kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước (ưu tiên một số lĩnh vực Lào Cai có thế mạnh). VCCI hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh Lào Cai phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận và ứng dụng công nghệ sản xuất xanh, tuần hoàn, bảo vệ môi trường...

Tỉnh Lào Cai cam kết, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ và hiệu quả, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch. Tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tỉnh phát triển bền vững. Tỉnh chủ động và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cần thiết để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của VCCI tại Lào Cai; cung cấp thông tin liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Baolaocai.vn 28/3, Mạnh Dũng)Về đầu trang

Doanh nghiệp phản ánh bị "ngâm hồ sơ", Đồng Nai chỉ đạo "nóng"

Doanh nghiệp phản ánh bị "ngâm hồ sơ", lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo "nóng", yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong hội nghị đối thoại giữa hơn 300 doanh nghiệp FDI với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai ngày 28-3, ông Atsumi Kazuhiko Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển KCN Long Bình, phản ánh khó khăn khi làm hồ sơ liên quan đến thủ tục một cửa trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, thuế như bị "ngâm hồ sơ", ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trả lời về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Văn Viện cho rằng nguyên nhân việc chậm giải quyết hồ sơ Công ty TTNHH Phát triển khu công nghiệp Long Bình là do phía Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển sang thiếu thông tin, hiện Cục thuế đã chuyển lại đề nghị văn phòng đăng ký đất đai bổ sung theo quy định.

Tuy nhiên, ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, lý giải theo quy định 5 ngày chuyển hồ sơ, Cục thuế Đồng Nai phải có ý kiến trả lời, trả hồ sơ trở lại nhưng nhiều sự việc Sở phải chờ 2 đến 3 tháng mới nhận được.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Cục thuế nếu không đủ thông tin thì trả lại hồ sơ đúng 5 ngày theo quy định chứ để 1 đến 3 tháng thì Sở phải xử lý lại rồi chuyển hành chính công sẽ chậm.

Trước việc chậm chễ trong giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp cùa các cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu ngay sau buổi đối thoại, Văn phòng UBND tỉnh ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để rà soát quy trình thủ tục một cửa, xem xét trách nhiệm ở Sở Tài nguyên và Môi trường hay Cục thuế để chấn chỉnh, giải quyết thủ tục sớm cho nhà đầu tư.

Tại diễn đàn, doanh nghiệp FDI đã kiến nghị các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai kịp thời tháo gỡ khó khăn liên quan đến vấn đề thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng một số KCN, chuyên gia nước ngoài được ở lại trong KCN để làm việc; thủ tục cấp phép làm công trình điện mặt trời áp mái trong KCN.

Năm 2024, tỉnh Đồng Nai tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp xanh, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường để bảo tồn môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng mong muốn các doanh nghiệp FDI tiếp tục gắn bó, chia sẻ để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn khẳng định tỉnh Đồng Nai luôn xem các doanh nghiệp FDI là một bộ phận quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Vì vậy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp là mục tiêu của chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Theo ông Sơn, từ vụ phản ánh của doanh nghiệp KCN Long Bình, Cục thuế và Sở Tài nguyên Môi trường cần xem lại quy trình phối hợp, chấn chỉnh ngay để giải quyết thủ tục hồ sơ thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. (Nld.com.vn `, Nguyễn Tuấn)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thanh Hóa đang đứng ở đâu trong bản đồ đổi mới sáng tạo quốc gia?

Thanh Hóa xếp hạng 30 trên 63 tỉnh thành, đây là vị trí tương đối thấp so với tiềm lực và các điều kiện kinh tế, xã hội của Thanh Hóa. Đáng chú ý, Thanh Hóa nhiều năm trở lại đây là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, thu ngân sách nhà nước, quy mô nền kinh tế thuộc TOP 10 cả nước...

Đi vào từng chỉ số thành phần, có thể thấy tại chỉ số trụ cột đầu vào liên quan đến Thể chế, Thanh Hóa đạt 57,24 điểm. Đối với nhóm tham số về Môi trường chính sách Thanh Hóa đạt 77,63 điểm.

Cụ thể, Chính sách thúc đẩy Khoa học công nghệ & đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt 39,64 điểm. Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 7,92 điểm. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,76 điểm. Đối với nhóm tham số về Môi trường kinh doanh Thanh Hóa đạt 36,85 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu vào Vốn con người và nghiên cứu và phát triển Thanh Hóa đạt 25,31 điểm. Trong đó chỉ số về giáo dục đạt 33,53 điểm; chỉ số về Nghiên cứu và phát triển đạt 17,09 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu vào Cơ sở hạ tầng Thanh Hóa đạt 41,86 điểm. Trong đó, Hạ tầng ICT đạt 49,24 điểm; Hạ tầng chung và môi trường sinh thái đạt 34,48 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu vào Trình độ phát triển của thị trường Thanh Hóa đạt 40,16 điểm. Trong đó, tham số Tài chính và đầu tư đạt 37,62 điểm; tham số Quy mô thị trường đạt 42,70 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu vào Trình độ phát triển của doanh nghiệp Thanh Hóa đạt 29,97 điểm. Trong đó tham số Lao động có kiến thức đạt 43,02 điểm; tham số Liên kết sáng tạo đạt 13,42 điểm, tham số Hấp thu tri thức đạt 33,45 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu ra Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ Thanh Hóa đạt 18,36 điểm. Trong đó, tham số Sáng tạo tri thức đạt 20,68 điểm; tham số Tài sản vô hình đạt 11,27 điểm; tham số Lan tỏa tri thức đạt 23,13 điểm.

Tại chỉ số trụ cột đầu ra Tác động Thanh Hóa đạt 53,10 điểm. Trong đó tham số Tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 46,88 điểm; tham số Tác động đến kinh tế - xã hội đạt 59,31 điểm.

Bản báo cáo đã chỉ ra 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu của chỉ số Đổi mới sáng tạo tại Thanh Hóa.

Về điểm mạnh, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa được đánh giá cao với giá trị 6,76, điểm số đạt 88,56. Bên cạnh đó, Tỷ lệ chi đào tạo lao động trong tổng chi của doanh nghiệp đạt giá 9,42% với điểm số đạt 66,97 điểm.

Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt giá trị 2% với điểm số là 54,26 điểm cũng được xem là điểm mạnh của địa phương. Tốc độ tăng năng suất lao động và Tốc độ giảm nghèo hàng năm cũng được báo cáo đánh giá là điểm mạnh của tỉnh Thanh Hóa.

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều điểm hạn chế của tỉnh Thanh Hóa. Đáng chú ý Chi phí gia nhập thị trường còn cao, khiến doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tham số Cạnh tranh bình đẳng cũng được xem là điểm hạn chế nổi bật của tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, Chi cho GD&ĐT bình quân 1 người đi học là 16 triệu đồng, đạt 21,65 điểm cũng được xem là hạn chế. Ngoài ra Đơn đăng kí nhãn hiệu tập thể/10,000 dân chỉ đạt 0,07% cũng là một hạn chế đáng kể của địa phương.

Đáng lưu tâm, Số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên/tổng số xã chỉ đạt 0,10 điểm giá trị cũng là một điểm hạn chế đáng kể trong hoạt động đổi mới sáng tạo tại địa phương này. (Vneconomy.vn 27/3, Song Khánh) Về đầu trang

TPHCM sẽ lo nơi khởi nghiệp cho cộng đồng đổi mới sáng tạo

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết thông tin tại buổi gặp gỡ cộng đồng đổi mới sáng tạo (ĐMST) sáng 28/3.

Trao đổi với cộng đồng ĐMST, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đang khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội với nhiều cơ chế, chính sách liên quan tới phát triển khoa học công nghệ và dẫn dắt khởi nghiệp ĐMST. Cùng với đó, thành phố cũng đang khẩn trương hoàn thiện đề xuất một chính sách về phát triển xanh và có thể trình tại kỳ họp HĐND tới.

Ông Mãi cho biết thành phố cũng quan tâm đến chính sách tác động vào người sản xuất, người tiêu dùng trên các lĩnh vực như hạ tầng năng lượng xanh, chuyển đổi giao thông xanh hoặc phát triển năng lượng áp mái và áp dụng công nghệ xanh trong một số lĩnh vực.

“Những vấn đề chống ngập, ùn tắc giao thông hiện thành phố cũng rất cần phát triển và có chính sách cho lĩnh vực này”, Chủ tịch TPHCM khẳng định và nêu rõ với việc chuyển đổi 1 triệu xe máy hay chuyển đổi một số hành vi tiêu dùng theo hướng xanh thì thành phố cũng đang nghiên cứu và mong các nhà khởi nghiệp, các chuyên gia góp ý.

Xem đây là cuộc gặp gỡ lần thứ nhất và sẽ tiếp tục thực hiện, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc gặp gỡ, lắng nghe là tốt nhưng chưa đủ và cần phải giải quyết, phải có kế hoạch xử lý những vấn đề tồn tại hiện nay.

“Hệ thống hạ tầng phải được quy hoạch, chuẩn bị và cần có những khu đặc biệt như khu công nghệ cao. Khởi nghiệp phải có vườn ươm, có nơi để khởi nghiệp và điều này chính quyền phải lo. Ngoài ra, phải có chính sách hỗ trợ về tài chính, vốn cụ thể”, Bí thư Nên nêu rõ.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cho rằng phải có chính sách khuyến khích, thu hút và chính sách này ở TPHCM phải là vượt trội, không thể giống những nơi khác. Nghị quyết 98 cho phép điều đó nên phải nghĩ và làm nên những chính sách vượt trội để tương xứng với tiềm năng, vị trí vai trò đầu tàu.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng yêu cầu phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh. “Thời buổi này không có thể nói đến chuyện “núp dưới ánh đèn sân khấu”, bởi vô cùng rủi ro, khó khăn”, ông lưu ý.

Đồng thời tạo cơ chế hợp tác, phối hợp, tạo mối quan hệ gắn bó giữa “các nhà”: doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà nước... “Đây phải là mối quan hệ trong sáng, lành mạnh”, ông nhấn mạnh và thành phố cũng nỗ lực hình thành nền nếp như vậy. (Tienphong.vn 28/3, Ngô Tùng) Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bắt cựu Bí thư Quảng Ngãi, Phó Bí thư Vĩnh Phúc liên quan vụ án Phúc Sơn

Ngày 27/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố bị can đối với Lê Viết Chữ - nguyên Phó Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Phạm Hoàng Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phú, cùng về tội Nhận hối lộ của Tập đoàn Phúc Sơn.

Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị, địa phương liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu gói thầu "Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi"; bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyên Văn Hậu đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. (VTV.vn 27/3)Về đầu trang./.

Các tin khác

04