Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 29/02/2024

9:18, Thứ Năm, 29-2-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Vĩnh Phúc chủ động tháo gỡ khó khăn giúp giải ngân nhanh vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

2.        Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm đạt thấp

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

3.        Thủ tướng luôn theo dõi bản tin chứng khoán hàng ngày để có phản ứng chính sách phù hợp

4.        Đà Nẵng sẵn sàng đón… "đại bàng"

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

5.        Tìm được người có đức, có tài để làm lãnh đạo không hề dễ

QUẢN LÝ

6.        Sáp nhập huyện, xã: Bộ máy nặng nề, đông người khó tăng lương

7.        Kết quả kiểm định đầu vào công chức có giá trị 24 tháng, sử dụng trên toàn quốc

8.        TP.HCM: 161 người bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập năm 2024

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

9.        Chủ tịch Cần Thơ: Phục vụ người dân, phải biết nói “3 xi

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

10.     Thái Bình: Bắt 5 cán bộ xã lạm quyền trong thi hành công vụ

11.     Phú Thọ: Khởi tố cán bộ bưu điện vì tham ô tiền trợ cấp chính sách

12.     Gia Lai: Nhận án treo, Phó Chánh văn phòng Sở Nội vụ xuống làm chuyên viên

THẾ GIỚI

ư13.     Mexico: Siết chặt kiểm soát thu nhập của quan chức Chính phủ

14.     Thụy Sĩ: Lỗi kỹ thuật, công chức bất ngờ nhận lương gấp đôi

 

TIÊU ĐIỂM

Vĩnh Phúc chủ động tháo gỡ khó khăn giúp giải ngân nhanh vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Là 1 trong 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 cao nhất cả nước, Vĩnh Phúc đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp ngay từ đầu năm để giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công năm 2024.

Tính đến hết thời hạn giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 (31/1/2024), tỉnh Vĩnh Phúc giải ngân được gần 8.000 tỷ đồng, vượt trên 3% kế hoạch vốn trung ương giao, đứng trong top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

Kết quả này đã cho thấy sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền tỉnh cho công tác giải ngân, đặc biệt là các chỉ đạo trong thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công, trong đó tập trung ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quyết toán, dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, sau đó mới bố trí khởi công dự án mới.

Trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 7.776 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 443 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 7.258 tỷ đồng.

Với nguồn vốn được giao, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến dành cho việc xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc theo mục tiêu đã đề ra, nhất là các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội; đồng thời xây dựng, nâng cấp một số tuyến giao thông, các cầu kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố lân cận, đáp ứng yêu cầu phát triển, liên kết vùng theo quy hoạch.

Để giải ngân hết nguồn vốn được giao, ngay từ đầu năm, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu, kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2024; giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện và các ban quản lý dự án, chủ đầu tư theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, kịp thời đề xuất điều chỉnh cho phù hợp; đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực để thi công công trình theo tiến độ; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc cũng lưu ý các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tập trung ưu tiên thực hiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư mới, dự án quyết toán hoàn thành; tập trung làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các dự án đầu tư; tổ chức lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án theo đúng cam kết. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 28/02, Tô Ngọc)Về đầu trang

Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng đầu năm đạt thấp

UBND tỉnh Quảng Nam vừa báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; trong đó nêu rõ tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt thấp.

Theo UBND tỉnh, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Quảng Nam hơn 6.906,88 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 2.194,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 4.711,8 tỷ đồng). Đến nay, đã phân bổ chi tiết cho các ngành và địa phương hơn 6.241,5 tỷ đồng, đạt 90%. Tính đến hết ngày 22/2, giải ngân hơn 305,9 tỷ đồng, đạt 4,3%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm 2024 còn thấp do nhà thầu, chủ đầu tư tập trung hoàn thiện thủ tục để triển khai các dự án mới trong năm.

Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt kết quả cao nhất, ngày 26/2, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó yêu cầu Sở KH&ĐT phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư định kỳ 1 tháng/lần tổng hợp kết quả giải ngân, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, công khai số liệu về tỷ lệ giải ngân tổng vốn đầu tư công năm 2024 của từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư định kỳ 1 tháng/lần trên Cổng thông tin điện tử của Sở KH&ĐT.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư (thẩm định, phê duyệt) của dự án theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, tập trung tối đa, quyết liệt trong thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn.

Đối với các dự án do cấp huyện làm chủ đầu tư, đến ngày 31/12/2024 không giải ngân hết nguồn vốn được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian giải ngân sang năm 2024 và phải nộp trả ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thì UBND cấp huyện có trách nhiệm bố trí nguồn vốn ngân sách huyện để thực hiện đối với phần vốn nộp trả. (Baoquangnam.com.vn 28/02, Hà Quang)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Thủ tướng luôn theo dõi bản tin chứng khoán hàng ngày để có phản ứng chính sách phù hợp

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 diễn ra sáng 28/02, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, lúc 12h40 hàng ngày luôn theo dõi bản tin xem thị trường chứng khoán hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ và cá nhân ông rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK. "Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK. Khi có biến động nào đó thì chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng phát biểu.

Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan. Từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và tới năm 2025 đặt mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỉ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn thị trường tăng dần đều, ổn định, bền vững, thay vì tăng giảm đột ngột.

Phân tích thêm về một số quan tâm của các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ năm 2023 có thiếu điện cục bộ do điều hành không tốt. "Năm nay, chúng tôi rất quyết liệt để không thiếu điện và các nhà đầu tư có thể yên tâm về vấn đề này", Thủ tướng khẳng định.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông yêu cầu Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 155.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia TTCK Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - nhà đầu tư. (Laodong.vn 28/02, Phạm Đông)Về đầu trang

Đà Nẵng sẵn sàng đón… "đại bàng"

Những năm gần đây, TP. Đà Nẵng đã tích cực quảng bá hình ảnh, thế mạnh và sự sẵn sàng trong việc đón đầu làn sóng đầu tư; đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh trọng điểm mới như: công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, công nghệ tài chính, với phương châm “hợp tác bền vững vì sự phát triển và thịnh vượng”.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, trong giai đoạn hiện tại và tương lai, Đà Nẵng đã lên kế hoạch thu hút đầu tư cũng như chuẩn bị hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ chế... để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển.

Đánh giá ở góc độ địa phương, ông Chinh tin tưởng việc khơi thông nguồn lực sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhiều lần khẳng định trước các nhà đầu tư, người đứng đầu UBND thành phố cho biết, địa phương sẵn sàng và chào đón các đối tác, nhà đầu tư và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Đà Nẵng.

TP. Đà Nẵng đã xác định mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 8 - 8,5%. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, cần thu hút ngày càng nhiều “đại bàng” nhà đầu tư lớn đến với địa phương. Về cơ chế chính sách, chính quyền thành phố đã đưa ra các cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Cụ thể, thành phố cam kết tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được tăng cường nhằm kết nối Đà Nẵng với thế giới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư, đặc biệt là hạ tầng khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao, các khu, cụm công nghiệp.

Đặc biệt, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng như: Nhà ga hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, xúc tiến mở thêm đường bay quốc tế, đẩy mạnh Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu và nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khác.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng cam kết đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chip bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo...  “Chúng tôi cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công bằng, minh bạch và tiếp tục thực hiện cải cách hành chính. Với những chính sách như vậy, các nhà đầu tư hãy an tâm đầu tư vào Đà Nẵng”, ông Chinh nhấn mạnh. (Thoibaonganhang.vn 28/02)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Tìm được người có đức, có tài để làm lãnh đạo không hề dễ

Rất ngạc nhiên khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gia hạn đến 4 lần nhưng vẫn không có người nộp hồ sơ dự tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Du lịch.

Trước đó, ngày 18.8.2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch số 301/KHUBND về việc thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Du lịch. Đáng chú ý là kế hoạch thi tuyển này không phải là “bó đũa chọn cột cờ” để hợp thức hóa những nhân sự tại chỗ đã được ngắm nghía sẵn như một số địa phương đã “thí điểm” trong thời gian qua.

Mà đây là một cuộc thi tuyển công bằng với hy vọng phát hiện, thu hút, lựa chọn người có đức, có tài ở bên trong lẫn bên ngoài địa phương, đảm bảo các tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, có tâm huyết để trước hết giúp phát triển ngành du lịch của địa phương mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy vậy thì đến thời điểm này, sau gần 16 tháng với 4 lần gia hạn nộp hồ sơ vẫn chưa tuyển được người.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Lao Động về việc các tiêu chí, điều kiện dự tuyển có khó khăn hay vướng mắc gì không mà mãi tuyển không ra người, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế nói không có khó khăn, vướng mắc gì cả, "chỉ là thông báo nhưng không có ai dự tuyển mà thôi”.

Đây là một thực tế khá lạ bởi không phải là lần đầu tiên Thừa Thiên Huế thi tuyển lãnh đạo (trước đó đã từng thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ). Và việc lạ này có hai khả năng xảy ra.

Một là trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện không có ai là người “có đức, có tài” cùng nhiều yêu cầu khác như “đề thi” của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để có thể ứng tuyển, ngồi vào ghế Phó Giám đốc Sở Du lịch của địa phương này.

Khả năng thứ hai là người “có đức, có tài” không thiếu. Tuy nhiên họ không muốn nộp hồ sơ thi tuyển vào chức danh này bởi nếu đáp ứng thêm nhiều yêu cầu trong “đề thi” ngoài chuyện đức, tài thì họ đã yên bề đâu đó hoặc có rất, rất nhiều cơ hội để kiếm tiền và một môi trường làm việc tốt hơn nếu so với việc làm lãnh đạo, quan chức cấp sở.

Và khả năng này cho thấy cái ghế phó Giám đốc Sở Du lịch của một địa phương đã và đang phát triển du lịch thành mũi nhọn kinh tế như Thừa Thiên Huế và không phải là một vị trí hấp dẫn.

Dĩ nhiên thì sau lần gia hạn này, nếu vẫn không có ai nộp hồ sơ dự tuyển thì Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ có một phó giám đốc bằng một cách nào đó vì "không có mợ thì chợ vẫn đông". Không tuyển được người "có tài, có đức" làm lãnh đạo thì du lịch "tỉnh ta" cũng không vì thế mà yếu đi.

Nhưng với bằng cách nào thì điều này cũng cho thấy một thực trạng: Nước mình không thiếu người tài. Nhưng để tìm, tuyển chọn ra được một người “có đức, có tài” làm lãnh đạo, dù chỉ là lãnh đạo cấp sở thôi cũng đã là việc không dễ dàng gì trong thời buổi hiện nay! (Laodong.vn 28/02, Hoàng Văn Minh) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Sáp nhập huyện, xã: Bộ máy nặng nề, đông người khó tăng lương

Chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chiều 28/02, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu ra thực trạng bộ máy nặng nề, dẫn đến khó tăng lương, mặt khác vì đông người nên có nhiều ý kiến, khó hiệu quả.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh về tầm quan trọng của chủ trương này, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả. “So sánh với các quốc gia trên thế giới, đúng là bộ máy của chúng ta nặng nề thật. Chính vì vậy chúng ta khó tăng lương cho mọi người, mặt khác vì đông người nên có nhiều ý kiến, chúng ta khó làm cho hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Quang biểu dương Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thời gian qua đã làm được rất nhiều việc. Theo ông, việc này khó nhất ở chỗ thời gian chỉ còn khoảng 6 tháng, đến tháng 9 phải trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, chủ trương này cũng đụng chạm đến các địa phương, lại đụng chạm đến chế độ chính sách của rất nhiều người. Vì vậy, việc này đòi hỏi phải làm cho thật kỹ.

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan trung ương liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án tổng thể của các địa phương. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp để tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Qua tổng hợp cho thấy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị (bao gồm: 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Tuy nhiên, số ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.

Tại cấp xã, tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị (bao gồm: 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề), sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Tổng số ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.

Về khó khăn vướng mắc, theo Bộ trưởng Nội vụ, có 30/56 địa phương gửi phương án tổng thể chậm so với thời hạn quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 117/NQ-CP (theo quy định thì chậm nhất là ngày 30/10/2023 các địa phương phải gửi Phương án về Bộ Nội vụ).

Một số bộ, ngành trung ương còn chậm hoặc không có ý kiến tham gia về phương án tổng thể của các địa phương.

Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã địa phương đề xuất không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là khá lớn (19/30 cấp huyện, chiếm tỷ lệ 63,33% và 515/1.253 cấp xã, chiếm tỷ lệ 41,10%).

“Việc xác định các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng cũng rất phức tạp do phải rà soát, thu thập các tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh”, bà Trà nêu.

Theo bà Trà, thời gian tới cần tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh do sắp xếp. (Tienphong.vn 28/02, Luân Dũng)Về đầu trang

Kết quả kiểm định đầu vào công chức có giá trị 24 tháng, sử dụng trên toàn quốc

Kết quả kiểm định đầu vào công chức có giá trị trong 24 tháng (tương tự như thời hạn của một số chứng chỉ quốc gia, quốc tế) và được thống nhất sử dụng trong toàn quốc.

Dự kiến trong năm 2024, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức hai kỳ kiểm định chất lượng đầu vào công chức, vào tháng 7 và tháng 11. Thời gian cụ thể kỳ thi chính thức sẽ được Hội đồng Kiểm định quyết định và được thông báo trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Thời gian tổ chức thi thử kiểm định trong tháng 4/2024. Kết quả kỳ thi thử kiểm định được dùng để phân tích, đánh giá, tham khảo, rút kinh nghiệm cho kỳ kiểm định chính thức, không sử dụng để đăng ký dự tuyển công chức.

Theo thông tin từ Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức tập trung trên phạm vi toàn quốc sẽ bảo đảm mặt bằng chất lượng chung, rút ngắn trình tự, thủ tục cho các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng và tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước.

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào được sử dụng trong toàn quốc sẽ tạo nguồn tuyển dụng rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương, tạo cơ hội cho ứng viên tham gia công khai và thuận lợi trong việc hướng nghiệp.

Kết quả kiểm định được công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Không cấp chứng chỉ kiểm định cho từng thí sinh mà công khai kết quả kiểm định trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ, Trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Kết quả kiểm định có giá trị trong 24 tháng (tương tự như thời hạn của một số chứng chỉ quốc gia, quốc tế) và được thống nhất sử dụng trong toàn quốc. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng căn cứ vào kết quả này để xác định nhu cầu, đối tượng tuyển dụng sát với vị trí việc làm. (Laodong.vn 28/02, Vương Trần)Về đầu trang

TP.HCM: 161 người bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập năm 2024

Thanh tra TP.HCM vừa tổ chức bốc thăm và chọn 161 người thuộc 13 cơ quan, đơn vị để xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch năm 2024 của Thanh tra TP.

Phó chánh Thanh tra TP Phạm Văn Nghì cho biết việc xác minh tài sản, thu nhập là để kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai; xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập.

Qua đó, đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định pháp luật về kê khai, công khai và kiểm soát tài sản, thu nhập. Ngoài ra, việc xác minh tài sản, thu nhập giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong công tác kê khai, công khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; xác định rõ vai trò của kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo kế hoạch năm 2024, địa bàn TP.HCM có 26 cơ quan đơn vị tham gia bốc thăm xác minh tài sản thu nhập, được chia thành 2 đợt. Đợt này đã có 13 đơn vị bốc thăm, đợt 2 sẽ còn 13 cơ quan, đơn vị tiếp tục bốc thăm. (Tuoitre.vn 28/02, Ái Nhân)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Chủ tịch Cần Thơ: Phục vụ người dân, phải biết nói “3 xin”

Tại Lễ ra mắt Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP này đề nghị cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, và phải biết nói 3 xin: Xin chào, xin lỗi và xin cảm ơn; “Làm hết việc chứ không hết giờ”.

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, để quá trình vận hành hoạt động của Trung tâm đạt hiệu quả cao nhất, các sở ngành, cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện đúng phương châm:“Chuyên nghiệp, tận tình, chính xác, đúng hẹn” và “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trong đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính”.

Các tổ chức, công dân đến giao dịch tại Trung tâm phải được đón tiếp và hướng dẫn chu đáo, lịch sự, môi trường thân thiện, chuyên nghiệp. Đây được coi như bước đột phá trong cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp đến giao dịch.

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ lưu ý, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để cắt giảm, đơn giản, giảm thời gian giải quyết so với thời gian quy định để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Các sở ngành, địa phương tích cực tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn về hoạt động của Trung tâm. Thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo chính xác, đúng hẹn thuộc thẩm quyền; cập nhật đầy đủ thông tin, hồ sơ đã giải quyết trên phần mềm và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trong quá trình giải quyết… (Tienphong.vn 28/02, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thái Bình: Bắt 5 cán bộ xã lạm quyền trong thi hành công vụ

Ngày 27/2, Công an tỉnh Thái Bình thông tin kết quả điều tra ban đầu vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Hồng An, huyện Hưng Hà. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Hà ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 đối tượng.

Các đối tượng bị bắt để điều tra gồm: Đường Khắc Thủy (SN 1965, trú tại thôn Nam Tiến, xã Hồng An), Chủ tịch UBND xã Hồng An; Trần Hữu Dũng (SN 1981, trú tại thôn Tú Mậu, xã Hồng An), Phó chủ tịch UBND xã Hồng An (nguyên công chức địa chính xã); Trần Ích Vinh (SN 1964, trú tại thôn Bắc Sơn, xã Hồng An), Bí thư chi bộ thôn Bắc Sơn; Trần Quang Bảo (SN 1964 trú tại thôn Bắc Sơn, xã Hồng An), Trưởng thôn Bắc Sơn; Đường Thị Hoa (SN 1968, trú tại thôn Bắc Sơn, xã Hồng An), Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bắc Sơn (nguyên Phó thôn Bắc Sơn).

Theo Cơ quan công an, năm 2018, các đối tượng trên đã vượt quá quyền hạn được giao chuyển nhượng trái quy định quyền sử dụng 5.269,4m2 đất chuyên trồng lúa nước tại xứ Đồng Lĩnh Mậu thuộc địa phận thôn Đồng Trang, xã Hồng An, gây thiệt hại cho Nhà nước và cá nhân tổng số tiền trên 221 triệu đồng. (Qdnd.vn 28/02)Về đầu trang

Phú Thọ: Khởi tố cán bộ bưu điện vì tham ô tiền trợ cấp chính sách

Công an huyện Yên Lập vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Thị Linh Trang (30 tuổi, nguyên cán bộ hợp đồng Bưu điện huyện Yên Lập) về tội "Tham ô tài sản”.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, từ tháng 1 đến tháng 9/2023, lợi dụng việc được Bưu điện huyện Yên Lập giao thực hiện việc cấp phát tiền cho người dân trong diện được hưởng chính sách xã hội trên địa bàn xã Ngọc Đồng, Trang đã dùng nhiều thủ đoạn để tham ô 37,8 triệu đồng tiền trợ cấp hàng tháng của 47 cá nhân. (Giaoducthoidai.vn 28/02, Long Anh - Minh Sơn) Về đầu trang

Gia Lai: Nhận án treo, Phó Chánh văn phòng Sở Nội vụ xuống làm chuyên viên

Ngày 28/2, lãnh đạo Văn phòng Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai xác nhận Sở này đã thi hành kỷ luật cách chức Phó Chánh Văn phòng Sở Nội vụ đối với ông Nguyễn Đình Trúc. Đồng thời, điều chuyển ông Trúc xuống làm chuyên viên của Văn phòng Sở Nội vụ.

Theo vị này, ông Trúc giữ vai trò chuyên viên trong thời hạn kỷ luật 1 năm trước khi có bất cứ thay đổi nào khác về nhân sự.

Ông Trúc là 1 trong 3 cá nhân liên quan trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai. Sau vụ việc này, ông Trúc đã bị kỷ luật Đảng với hình thức khai trừ Đảng.  (Tuoitre.vn 28/02, Tấn Lực)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Mexico: Siết chặt kiểm soát thu nhập của quan chức Chính phủ

Bộ trưởng Nội vụ Mexico Luisa María Alcalde hôm 27/2 cho biết nước này hiện có trên 2.500 quan chức nhà nước đang nhận mức lương cao hơn Tổng thống, khẳng định việc này vi phạm hiến định trong đó ghi rõ không ai trong bộ máy chính phủ được phép nhận mức lương cao hơn người đứng đầu quốc gia.

Phát biểu trong cuộc họp chính phủ, Bộ trưởng Alcalde cho biết trong số 2.560 quan chức hiện đang nhận mức lương cao hơn Tổng thống, 2.377 người hiện đang công tác trong bộ máy tư pháp và 182 người đang đứng đầu các ủy ban trực thuộc chính phủ. Tuy nhiên, bà Alcalde không tiết lộ mức lương mà những người này đang nhận.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Mexico, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát, đồng thời sẽ đưa vấn đề này vào dự thảo cải cách hiến pháp trong thời gian tới, trong đó sẽ đề ra những quy định rõ ràng hơn về giới hạn thu nhập của từng vị trí công tác trong bộ máy chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng sẽ thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch cải tổ các cơ quan chính phủ mà Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đưa ra hồi cuối năm ngoái, trong đó bao gồm việc đóng cửa một loạt tổ chức hoạt động không hiệu quả nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia. (TTXVN/Baotintuc.vn 28/02, Phi Hùng)Về đầu trang

Thụy Sĩ: Lỗi kỹ thuật, công chức bất ngờ nhận lương gấp đôi

Giới chức ở Zurich, Thụy Sĩ, đã trả tiền lương tháng 2 gấp đôi cho công chức của thành phố do lỗi kỹ thuật, theo thông cáo trên trang web chính thức của Hội đồng thành phố Zurich.

Lỗi phần mềm xảy ra khi ngân hàng nhà nước Zuercher Kantonalbank (ZKB) đang chuyển lương công chức thành phố Zurich. Trục trặc do lỗi phần mềm khiến tiền lương bị gửi 2 lần.

Phần mềm mà ngân hàng nhà nước Zuercher Kantonalbank sử dụng được một nhà thầu của Swisscom AG - công ty viễn thông hàng đầu Thụy Sĩ cung cấp. Công ty đang mở cuộc điều tra nội bộ về nguyên nhân sự cố.

Tổng cộng, khoản thanh toán lương cho công chức của thành phố Zurich ngày 26/2 lên tới khoảng 350 triệu franc (400 triệu USD), với một nửa trong số đó bị gửi nhầm.

Chính quyền Zurich xác nhận, khoảng 30.000 công chức của thành phố không được phép giữ số tiền dư mà buộc phải trả lại. Tuy nhiên, thông cáo không nêu rõ cách thức trả lại tiền mà chỉ cho biết những người liên quan sẽ “được thông báo kịp thời về các chi tiết của khoản hoàn trả”.

Vụ việc được bàn tán sôi nổi trên mạng nội bộ của thành phố Zurich, trong đó một số người dân địa phương nói đùa về “dự án thí điểm lương tháng 14” hay “điều chỉnh lạm phát”, trong khi những người khác mong muốn tiếp tục nhận được khoản tiền bất ngờ tương tự. (Laodong.vn 28/02, Thanh Hà)Về đầu trang./.

Các tin khác

05