Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 25/7/2024

10:9, Thứ Năm, 25-7-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

QUYẾT SÁCH MỚI

1.        Kiểm kê đất đai trên cả nước từ ngày 1/8

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

2.        Quảng Nam: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 23,6%

3.        Bình Thuận: Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2024 đạt 33,52% kế hoạch

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

4.        Quỹ đất sạch lớn là lợi thế để Long An hút “đại bàng xây tổ”

5.        Bình Định “trải thảm”, thu hút hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư

6.        Bắc Ninh: Đặt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

QUẢN LÝ

7.        Đắk Nông: Bác sĩ giỏi được hỗ trợ tới 400 triệu đồng nếu về tỉnh công tác

8.        An Giang có 1 huyện được định mức tới 8 ôtô công

9.        Quảng Ngãi: Người dân Lý Sơn qua đời được hỗ trợ 15 triệu đồng/người để hỏa táng

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

10.     Trà Vinh: Giám đốc Công an tỉnh tiếp nhận phản ánh vi phạm giao thông qua Zalo

11.     Nghệ An: Một huyện dừng bắn pháo hoa, dành hơn nửa tỉ xây nhà tình nghĩa

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

12.     Ninh Thuận: Kỷ luật cảnh cáo nguyên Chủ tịch tỉnh

13.     Nam Định: Khởi tố 10 nguyên lãnh đạo, cán bộ xã do sai phạm về đất đai

THẾ GIỚI

14.     Thái Lan kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ nông dân

15.     Hàn Quốc: Triển khai mô hình nhà ở cao cấp cho người cao tu

QUYẾT SÁCH MỚI

Kiểm kê đất đai trên cả nước từ ngày 1/8

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 22 của Thủ tướng về việc kiểm kê đất đai năm 2024.

Mục đích kiểm kê đất đai năm 2024 nhằm lượng hóa thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế - xã hội và cả nước. Đồng thời, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Ngoài ra, việc kiểm kê sẽ cung cấp chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo, các nhu cầu khác của Nhà nước, của xã hội, làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh và của các cấp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

"Việc kiểm kê đất đai năm 2024 phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật về đất đai; bảo đảm tính khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực tế hiện trạng sử dụng đất", Chỉ thị yêu cầu.

Nội dung kiểm kê đất đai năm 2024 của từng đơn vị hành chính các cấp, theo Chỉ thị 22 bao gồm: Diện tích các loại đất theo quy định và đối tượng đang quản lý, sử dụng đất; Tình hình quản lý, sử dụng đất sân golf; cảng hàng không, sân bay; khu vực sạt lở, bồi đắp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các chuyên đề khác.

Việc kiểm kê đất đai năm 2024 phải đánh giá được thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất; tình hình biến động đất đai trong 5 năm qua của từng địa phương và cả nước; nhất là việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất; làm rõ nguyên nhân hạn chế, tồn tại; đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý, sử dụng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Thời điểm triển khai kiểm kê đất đai năm 2024 được thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước từ ngày 1/8/2024. Số liệu kiểm kê đất đai năm 2024 được tính đến hết ngày 31/12/2024.

Thời hạn hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2024 các cấp như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thời gian hoàn thành, giao nộp kết quả kiểm kê đất đai cấp xã, cấp huyện; Cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoàn thành và gửi kết quả cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 31/3/2025 để tổng hợp, báo cáo; gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6/2025.

- Tổng kết, công bố kết quả kiểm kê đất đai năm 2024 hoàn thành trước 30/9/2025. (VTV.vn 24/7)Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Quảng Nam: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 23,6%

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng vừa báo cáo tình hình thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 (kỳ tháng 7/2024). Tính đến ngày 30/6, vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân 2.093.345 triệu đồng, đạt 23,6% so tổng vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được UBND tỉnh giao là 6.906 tỷ đồng, tăng 386 tỷ đồng so với kế hoạch vốn Thủ tướng giao đầu năm 2023, đồng thời thực hiện chuyển nguồn sang năm 2024 đối với nguồn ngân sách Trung ương khen thưởng vượt thu năm 2022 là 150 tỷ đồng.

Như vậy, tổng vốn đầu tư công năm 2024 là 8.884 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 7.056 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 2.194 tỷ đồng, ngân sách địa phương 4.861 tỷ đồng); kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 1.827 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm báo cáo, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã phân bổ là 6.559 tỷ đồng, đạt 93%. Trong đó: Ngân sách tỉnh 4.395 tỷ đồng (đạt 90,4%); 2.164 tỷ đồng (đạt 98,6%). Kế hoạch vốn năm 2024 còn lại chưa phân bổ là 497 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 30.929 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh 466 tỷ đồng.

Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh tại Báo cáo số 358 ngày 9/7/2024, tính đến hết ngày 30/6/2024, vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân 2.093 tỷ đồng, đạt 23,6% so tổng vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân 1.654 tỷ đồng, đạt 23,4%; kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân 438 tỷ đồng, đạt 24%.  (Baoxaydung.com.vn 24/7, Thanh Đức) Về đầu trang

Bình Thuận: Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2024 đạt 33,52% kế hoạch

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 Thủ tướng giao cho tỉnh Bình Thuận là 5.084.104 triệu đồng. Trong 7 tháng năm 2024, tỉnh Bình Thuận thanh toán vốn đầu tư công ước đạt 1.704.196 triệu đồng, đạt 35,73% so với kế hoạch địa phương triển khai và đạt 33,52% so với kế hoạch Thủ tướng giao.

Trong tổng số 1.704.196 triệu đồng tỉnh Bình Thuận thanh toán vốn đầu tư công 7 tháng năm 2024, thanh toán vốn kế hoạch năm trước được phép kéo dài là 82.420 triệu đồng, đạt 21,72% kế hoạch giao; thanh toán vốn kế hoạch năm là 1.621.776 triệu đồng, đạt 36,94% kế hoạch địa phương triển khai.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đề ra, UBND tỉnh Bình Thuận đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện.

Đối với các dự án hoàn thành, các chủ đầu tư khẩn trương làm thủ tục thanh toán, quyết toán vốn; đối với dự án đang triển khai thi công, các chủ đầu tư thường xuyên làm việc, đôn đốc đơn vị thi công để đẩy nhanh tiến độ. Đối với các dự án bố trí vốn khởi công mới năm 2024, các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện đấu thầu xây lắp theo đúng quy định.

UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh và tổ trưởng tổ công tác thúc đẩy giải ngân kiểm tra định kỳ hàng tháng các chủ đầu tư, công trình chậm giải ngân để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bên cạnh việc đốc thúc, UBND tỉnh Bình Thuận đã phát động phong trào thi đua nước rút giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng còn lại năm 2024. Nội dung thi đua là thực hiện thắng lợi mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/1/2025 đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024 theo 3 mốc thời gian.

Đến ngày 30/9/2024 phấn đấu giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn được giao; đến ngày 31/12/2024 phấn đấu giải ngân đạt 90% kế hoạch vốn được giao; đến ngày 31/1/2025 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao. (Thanhtra.com.vn 24/7, Thu Huyền) Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Quỹ đất sạch lớn là lợi thế để Long An hút “đại bàng xây tổ”

Trong 36 khu công nghiệp hiện hữu của tỉnh Long An có 26 khu đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, với tỷ lệ lấp đầy đạt 67,8%. Nhiều doanh nghiệp lớn như Coca-Cola, PepsiCo, Aeon đã chọn Long An để đầu tư lâu dài.

Bằng chứng hút đầu tư mạnh mẽ của Long An là trong 6 tháng đầu năm nay, hàng loạt dự án vốn đầu tư khủng như: Aeon Mall Tân An 1.000 tỷ đồng, Coca-cola Long An 3.109 tỷ đồng, Nhà máy Pepsi 7.486 tỷ đồng, Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn 12.000 tỷ đồng là những dự án vốn “khủng” được khởi công trên địa bàn.

Ngay từ đầu năm 2024, Coca-Cola đã tiến hành khởi công tiếp dự án nhà máy thứ tư của công ty này tại Long An. Với quy mô khoảng 19 ha, tổng vốn đầu tư 136 triệu USD (tương đương 3.109 tỷ đồng) đây là nhà máy thứ 4 và cũng là nhà máy lớn nhất kể từ khi thương hiệu này đặt chân đến Việt Nam từ năm 1994.

Dự án bao gồm 2 giai đoạn, giai đoạn một từ 2022 đến năm 2027, giai đoạn hai từ 2027 đến 2039. Kết thúc giai đoạn một vào năm 2027. Và dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ cho công suất tối đa 1 tỷ lít sản phẩm mỗi năm.

Một ông lớn ngành nước giải khát khác là Pepsi cũng so kè khi ngày 8/4/2024, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà máy tại KCN Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đây là nhà máy thứ 6 của Suntory PepsiCo đặt tại Việt Nam và cũng là nhà máy có quy mô lớn và hiện đại nhất của tập đoàn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhà máy nằm trên diện tích khoảng 20 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 300 triệu USD (tương đương 7.486 tỷ đồng). Dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025 với công suất lên tới 800 triệu lít/năm. Được biết, Suntory PepsiCo đặt nhà máy đầu tiên tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), sau đó mở rộng 5 nhà máy khác tại Cần Thơ, Đồng Nai, Quảng Nam, Bắc Ninh và hiện tại là Long An.

Điểm chung của 2 dự án đến từ 2 thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới là được vận hành bằng năng lượng tái tạo, như nhiên liệu sinh khối và năng lượng mặt trời, giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính xuyên suốt hoạt động sản xuất. Cũng như cho ra đời các sản phẩm có bao bì được làm từ 100% nhựa tái sinh, song hành với việc ứng dụng các sáng kiến nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất.

Một dự án “khủng” khác được khởi công tại Long An là, vào tháng 5/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn cũng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt diện tích hơn 360.000 m2 tại huyện Đức Hòa với tổng vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng.

Ngoài nhà máy vừa được khởi công, tại tỉnh Long An, Tập đoàn Thái Tuấn cũng đã đầu tư Dự án Nhà máy giặt ủi và Nhà máy may và Dự án Nhà máy sản xuất vải may mặc (được khởi công vào tháng 6/2022). Việc tiếp tục khởi công xây dựng Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn có thể khẳng định rằng môi trường đầu tư đang thật sự có sự hấp dẫn và đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư lớn tại Long An.

Hay mới đây nhất, Tập đoàn Aeon tại Việt Nam đã rót khoảng 1.000 tỷ đồng xây Aeon Mall Tân An. Đây là trung tâm thương mại thứ 8 của Tập đoàn này tại Việt Nam và là dự án đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án có tổng diện tích khoảng 21.000 m2 dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025.

Thủ tục hành chính cải thiện, minh bạch nguồn cung, quỹ đất, nguồn cung lực lượng lao động, giá thuê nhân công, điều kiện hạ tầng giao thông là những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư của doanh nghiệp FDI tại Long An. Trong đó, bên cạnh việc quỹ đất sạch tại các KCN thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM dần cạn kiệt, lợi thế quỹ đất lớn  sẽ là điểm hút đầu tư đặc biệt của Long An.

“Các tỉnh trọng điểm KCN như Bình Dương, Đồng Nai thậm chí là TP.HCM đang hết quỹ đất sạch. Như vậy sự chuyển dịch sẽ đến với các tỉnh lận cận mà tiềm năng về quỹ đất lớn nhất là các tỉnh ĐBSCL khi mà hệ thống giao thông, hạ tầng khu vực này đang được cải thiện rõ rệt”, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia bất động sản đưa ra nhận định.

Vì thế, lãnh đạo Long An cho biết hiện tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn còn lại của 2024 nhằm kịp thời bổ sung quỹ đất công nghiệp lớn để thu hút đầu tư. (Baodautu.vn 24/7)Về đầu trang

Bình Định “trải thảm”, thu hút hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư

Với nhiều chính sách ưu đãi cùng cách làm khác biệt, từ đầu năm tới nay, tỉnh Bình Định thu hút 28 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 3.823,7 tỷ đồng.

Tại buổi lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức cuối tháng 12/2023, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Đi cùng với tinh thần hợp tác tích cực là chính sách cởi mở, thông thoáng, ưu đãi và hỗ trợ thiết thực của tỉnh đối với các nhà đầu tư. Đến với Bình Định, nhà đầu tư không gặp bất cứ một rào cản nào…”.

Sở KH&ĐT cho hay, lũy kế từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh Bình Định thu hút 28 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 3.823,7 tỷ đồng. Cụ thể, có 20 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 3 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 2 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ cảng và logistics; 2 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, hạ tầng; 1 dự án thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ - du lịch…

Về công tác đăng ký doanh nghiệp,theo báo cáo của Sở KH&ĐT, trong tháng 6/2024 đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 111 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.848,1 tỷ đồng.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm địa phương đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 621 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 6.009,193 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 7,6% về số doanh nghiệp đăng ký và tương đương về vốn đăng ký, đạt 62% kế hoạch UBND giao chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp và đạt 60% kế hoạch giao về vốn.

Trước đó, vào giữa tháng 7, đoàn công tác của tỉnh Bình Định do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định - ông Lê Kim Toàn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Nguyễn Tự Công Hoàng dẫn đầu đã có các buổi làm việc và kêu gọi xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia ở châu Âu.

Theo đó, từ ngày 14 - 21/7, đoàn công tác của tỉnh đã có chuyến thăm, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, các nhà đầu tư và tập đoàn tại các thị trường tiềm năng như làm việc tại cảng Rotterdam của Hà Lan; nhà máy sản xuất máy điện phân Electrolyzer, khí Hydrogen tại Đức; hiệp hội Phát triển kinh tế và ngoại thương toàn cầu của Đức; khảo sát mô hình kinh tế tại Giverny, vùng Normandy tại Pháp; thăm và làm việc với các công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ cao, xanh, công nghệ sinh học...

Đoàn cũng tham gia các hội nghị, hội thảo với doanh nghiệp, tập đoàn ở các nước để giới thiệu tiềm năng của tỉnh, thu hút đầu tư. Đáng chú ý, tại buổi làm việc ở tỉnh Groningen, Hà Lan, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đã giới thiệu những tiềm năng, lợi thế, những ưu đãi khi các nhà đầu tư Hà Lan đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác cũng đã tham dự hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại do tỉnh Bình Định phối hợp Trung tâm Thương mại thế giới WTC Leeuwarden tổ chức. Các doanh nghiệp Hà Lan cùng thành viên đoàn công tác của tỉnh Bình Định đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến lợi thế riêng biệt của Bình Định và các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên thu hút, hỗ trợ đầu tư.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Nguyễn Tự Công Hoàng thông tin về định hướng phát triển của tỉnh; quan hệ đầu tư, thương mại giữa tỉnh và Hà Lan. Đồng thời cho biết, hiện Bình Định đang tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Qua đó kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển đồng thời là thế mạnh của các doanh nghiệp Hà Lan, như: cảng biển-logistic, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, chip bán dẫn, công nghiệp chế biến chế tạo…

Ông Hoàng nhấn mạnh, tỉnh Bình Định luôn tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư phát triển kinh doanh bền vững, lâu dài. (Vietnamnet.vn 24/7, Hồ Giáp - Nguyễn Hiền)Về đầu trang

Bắc Ninh: Đặt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2024. Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu trên cơ sở các Chỉ thị, Chương trình kế hoạch công tác từ nay đến cuối năm, các đơn vị bám sát, thực hiện nghiêm với tinh thần nỗ lực cao nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trong đó, triển khai các giải pháp cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư nhằm đạt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài cả năm.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Rà soát danh mục dịch vụ sự nghiệp công để trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục chi tiết.

Rà soát việc đi vào hoạt động của các KCN bảo đảm theo đúng cam kết ban đầu, triển khai quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng KCN. Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh.

Tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024; triển khai thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm định, hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với các dự án khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất. Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê và xã Văn Môn, kiên quyết chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư tại phường Phong Khê trước ngày 31/12/2024.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1997 - 2027), trong đó, xác định các công trình trọng điểm chào mừng gắn với lộ trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường cơ sở vật chất trường học, kịp thời tuyên dương các em học sinh có thành tích cao tại các kỳ thi.

Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành danh mục thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm mua sắm tập trung cấp địa phương; chuyển Trung tâm y tế cấp huyện về trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, có kế hoạch hướng dẫn bố trí kinh phí cho công tác sắp xếp các đơn vị… (Nhà báo & Công luận 24/7, Trần Anh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đắk Nông: Bác sĩ giỏi được hỗ trợ tới 400 triệu đồng nếu về tỉnh công tác

Ngày 24/7, tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa IV, nhiệm kỳ 2021- 2026 đã thông qua Nghị quyết Quy định chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, bác sĩ khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện và về Đắk Nông công tác, sẽ được hưởng chính sách thu hút nhân tài. Cụ thể, trình độ tiến sĩ, chuyên khoa II, mức thu hút 400 triệu đồng/người; thạc sĩ, chuyên khoa I và bác sĩ nội trú 370 triệu đồng/người; bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi 350 triệu đồng/người; tốt nghiệp loại khá 300 triệu đồng/đồng; tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá 200 triệu/người.

Ngoài ra, khi bác sĩ về công tác tại các huyện Tuy Đức, Đắk G’long, Trung tâm pháp Y, công tác ở các bộ phận, lĩnh vực tâm thần còn được hỗ trợ thêm từ 40-60 triệu đồng/người.

Ngoài ra, Nghị quyết còn quy định rõ chính sách đãi ngộ hàng tháng đối với bác sĩ có trình độ đại học, sau đại học đang công tác khám, chữa bệnh, dự phòng ở các khoa chuyên môn, trạm y tế và bộ phận kế hoạch - nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh… Mức hỗ trợ cao nhất lên tới 1,3 triệu đồng/người/tháng…

Chính sách thu hút, đãi ngộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất phát từ thực tiễn tại địa phương, việc tiếp nhận mới, tuyển dụng bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu đào tạo của ngành y tế rất lớn. Cụ thể, từ nay đến năm 2028, ngành y tế cần đào tạo 39 chuyên khoa II, 161 chuyên khoa I.

Trong khi đó, ngân sách Nhà nước chi cho đào tạo chỉ khoảng 10 người/năm. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông theo lộ trình phấn đấu trở thành bệnh viện hạng I nên nhu cầu đào tạo đạt các tiêu chí về y, bác sĩ rất lớn. Do đó, việc bảo đảm nguồn bác sĩ đầu vào, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng khám và điều trị của nhân dân rất cần thiết, góp phần đạt chỉ tiêu về y tế đến năm 2025 với 8,9 bác sĩ/vạn dân. (Tienphong.vn 24/7, Huỳnh Thủy)Về đầu trang

An Giang có 1 huyện được định mức tới 8 ôtô công

Theo định mức của tỉnh An Giang, Thoại Sơn là cấp huyện duy nhất được định mức 8 ôtô phục vụ công tác chung.

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định số 10 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô phục vụ công tác của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi. Trong đó, định mức sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung của các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có định mức sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung của mỗi huyện, thị xã, thành phố: Tối đa 6 xe/1 huyện.

An Giang bổ sung định mức sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung. Huyện Thoại Sơn được bổ sung thêm 2 xe huyện do đáp ứng từ 2 tiêu chí trở lên (các tiêu chí: huyện có từ 15 đơn vị hành chính là xã, thị trấn trở lên; huyện có diện tích tự nhiên từ 450 km2 trở lên; huyện thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng).

An Giang cũng bổ sung định mức sử dụng xe ôtô phục vụ công tác chung của 6 huyện, thị xã: thị xã Tân Châu, thị xã Tịnh Biên, huyện An Phú, huyện Chợ Mới, huyện Phú Tân, huyện Tri Tôn. Mỗi huyện này được bổ sung 1 xe do đáp ứng 1 tiêu chí (các tiêu chí: huyện có từ 15 đơn vị hành chính là xã, thị trấn trở lên; huyện có diện tích tự nhiên từ 450 km2 trở lên; huyện thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng). (Laodong.vn 24/7)Về đầu trang

Quảng Ngãi: Người dân Lý Sơn qua đời được hỗ trợ 15 triệu đồng/người để hỏa táng

Quảng Ngãi vừa thông qua nghị quyết khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng. Người dân ở Lý Sơn qua đời, nếu hỏa táng sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp.

Theo đó, nghị quyết quy định chính sách khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ ngày 2/8, với mức hỗ trợ vận chuyển thi hài và chi phí hỏa táng là 15 triệu đồng/trường hợp tại huyện đảo Lý Sơn.

Còn các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ nếu gia đình chọn hỏa táng người thân qua đời sẽ được hỗ trợ 13 triệu đồng/trường hợp. Đối với TP Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và các huyện đồng bằng sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/trường hợp.

Nghị quyết này để khuyến khích người dân thay đổi tập tục mai táng người thân lâu nay là chôn chất. Hiện Quảng Ngãi chưa có cơ sở hỏa táng (nên người quá cố thường được đưa ra Đà Nẵng để hỏa táng), vì vậy việc hỗ trợ này sẽ kéo dài cho đến khi tỉnh có cơ sở hỏa táng đi vào hoạt động. (Tuoitre.vn 24/7, Trần Mai)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Trà Vinh: Giám đốc Công an tỉnh tiếp nhận phản ánh vi phạm giao thông qua Zalo

Từ ngày 26/7, tổ chức, cá nhân khi phát hiện người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, có thể ghi nhận bằng hình ảnh, video, sau đó gửi đến Zalo của giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh để phản ánh.

Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, qua thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Địa bàn xảy ra 138 vụ tai nạn giao thông, làm chết 43 người, bị thương 129 người, trong đó có liên quan đến nồng độ cồn chiếm khoảng 33%.

Để phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, từ ngày 26/7, giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm về trật tự an toàn giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp đến Zalo “đường dây nóng” số 084.345.8484.

Các phản ánh có thể bằng hình ảnh, video, sau đó gửi đến Zalo của giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh để phản ánh. Sau khi tiếp nhận, thông tin sẽ được chuyển các lực lượng liên quan để xác minh, làm rõ, xử lý.

Theo Công an tỉnh Trà Vinh, qua 3 tháng triển khai, mô hình “Lực lượng Cảnh sát giao thông phản ứng nhanh với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn” đã phát huy hiệu quả. Qua đó lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân chấp hành tốt các quy định trật tự an toàn giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tiếp nhận, xử lý 49 tin báo phản ánh vi phạm nồng độ cồn. (Tienphong.vn 24/7, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

Nghệ An: Một huyện dừng bắn pháo hoa, dành hơn nửa tỉ xây nhà tình nghĩa

Câu chuyện huyện Thanh Chương, Nghệ An sẽ không bắn pháo hoa, dành kinh phí xây nhà tình nghĩa được Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã chia sẻ trên mạng xã hội, nhận được "cơn mưa" lời khen của nhiều người.

Sáng 24/7, Đoàn công tác của huyện Thanh Chương đã dự lễ khởi công và trực tiếp trao tiền hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho gia đình ông Lê Anh Thi (73 tuổi, ngụ xã Đại Đồng, là thương binh 1/4) và cụ Nguyễn Thị Ba (96 tuổi, ngụ xã Thanh Lương, là mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Đồng). Mỗi gia đình chính sách nhận 50 triệu đồng để xây, tu sửa nhà cũ.

Đón nhận món quà trong dịp này, ông Thi không giấu được niềm xúc động."Căn nhà gia đình tôi ở mỗi mùa mưa bão về đều bị thấm dột, rất vất vả. Hôm nay được địa phương hỗ trợ tiền để sửa sang lại nhà nên sẽ không còn lo mưa bão nữa", ông Thi bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Hòe - trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thanh Chương - chia sẻ Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh.

Đồng thời bày tỏ lòng biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Toàn huyện Thanh Chương có hơn 6.800 người trong diện chính sách, thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân thương binh, liệt sĩ, trong đó còn nhiều gia đình khó khăn về nhà ở.  Chúng tôi sẽ dành toàn bộ số tiền bắn pháo hoa để hỗ trợ, chăm lo các gia đình chính sách vừa thiết thực vừa lại hiệu quả", ông Hòe nói. (Tuoitre.vn 24/7, Doãn Hòa)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Ninh Thuận: Kỷ luật cảnh cáo nguyên Chủ tịch tỉnh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 708 ngày 23/7/2024 thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lưu Xuân Vĩnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Lý do, ông Vĩnh đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1566 ngày 26/6/2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư).

Trước đó, tại kỳ họp thứ 42, UBKT T.Ư đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận.

UBKT Trung ương nhận thấy: Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời và các dự án đầu tư xây dựng.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Trách nhiệm chính đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 và một số cán bộ, trong đó có ông Lưu Xuân Vĩnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Lưu Xuân Vĩnh. (Tienphong.vn 24/7, Văn Kiên)Về đầu trang

Nam Định: Khởi tố 10 nguyên lãnh đạo, cán bộ xã do sai phạm về đất đai

Công an tỉnh Nam Định vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can để điều tra về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản.

4 bị can trên gồm: Nguyễn Quang Thanh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã; Trần Xuân Nậm - nguyên Chủ tịch UBND xã; Trần Văn Căn - kế toán ngân sách xã và Lê Cảnh Tiêu - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã.

Quá trình mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục khởi tố bị can đối với: Nguyễn Đình Dũng – nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Trần Văn Long – nguyên Chủ tịch UBND xã, Trần Văn Đăng – nguyên thủ quỹ UBND xã, Nguyễn Thanh Nghị - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã và Vũ Thế Giới – nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ".

Đồng thời, cơ quan công an quyết định khởi tố bổ sung vụ án "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản", khởi tố bổ sung tội danh "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" đối với bị can Trần Xuân Nậm; quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Vũ – nguyên thủ quỹ UBND xã để điều tra về tội "Giả mạo trong công tác".

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2003 - 2018, UBND xã Minh Thuận đã giao đất thu tiền, đổi đất, đấu thầu thanh lý tài sản gắn liền việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 130 hộ dân trái thẩm quyền, thu hơn 12,4 tỷ đồng để ngoài sổ sách.

Đây là hành vi vi phạm đất đai rất phức tạp, thời gian diễn ra dài, qua nhiều thời kỳ lãnh đạo, tài sản thiệt hại lớn, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can và các đối tượng có liên quan, tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh vụ án, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt theo quy định của pháp luật. (Vietnamnet.vn 24/7, Trọng Tùng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thái Lan kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ nông dân

Bộ Thương mại Thái Lan vừa công bố các kế hoạch và biện pháp quản lý sản phẩm nông nghiệp và cây trồng thứ cấp trong nửa cuối năm nay. Chính phủ Thái Lan kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ thu mua nông sản trong nước để giúp nông dân có thu nhập ổn định hơn.

Bộ Thương mại Thái Lan đã chỉ đạo Cục Nội thương phối hợp với các cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi và trạm xăng để giúp thu mua sản phẩm của nông dân nhằm đảm bảo sự ổn định về giá cho các mặt hàng nông sản.

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, việc Chính phủ can thiệp để trợ giá nông sản sẽ không bền vững. Vì thế, Chính phủ tìm kiếm sự hợp tác từ các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân để giúp thu mua nông sản thông qua việc tận dụng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.

Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cũng đã chỉ đạo Bộ Thương mại giám sát giá cả và chất lượng nông sản trong nửa cuối năm nay với một trong những giải pháp được đưa ra là tìm kiếm sự hợp tác với các tập đoàn lớn để hỗ trợ người nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Có 18 loại cây trồng phụ được giám sát tiêu thụ. Trong đó, có 11 loại cây ăn quả gồm: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon, nhãn, dứa, vải thiều, bưởi, quýt, xoài lai mận, xoài. 4 loại rau gồm: chanh, cà chua, bí đỏ, ớt và 3 loại cây lấy củ gồm: hẹ, hành và tỏi.

Cũng nhằm hỗ trợ cho người nông dân, Chính phủ Thái Lan đã thông qua khoản ngân sách trị giá khoảng 830 triệu USD để triển khai dự án đồng thanh toán phân bón hỗ trợ cho khoảng 4 triệu hộ nông dân; đồng thời bàn giao 72 nghìn rai (khoảng hơn 11.500 ha) đất do quân đội quản lý để phân phối cho những nông dân không có đất sản xuất. (VTV.vn 24/7)Về đầu trang

Hàn Quốc: Triển khai mô hình nhà ở cao cấp cho người cao tuổi

Hàn Quốc sẽ nới lỏng các quy định để cho phép xây dựng khu dân cư cao cấp ở trung tâm thành phố được trang bị đầy đủ các tiện nghi giải trí, chăm sóc y tế để phục vụ đối tượng người già.

Trong cuộc họp các bộ trưởng liên ngành kinh tế ngày 23/7 do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok chủ trì, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố “Kế hoạch hồi phục khu dân cư cao cấp”, tích cực mở rộng nguồn cung nhà ở cao cấp kết hợp không gian dân cư thân thiện với người cao tuổi, trang bị các dịch vụ dọn phòng, y tế và giải trí.

Khu dân cư cao cấp là một khái niệm bao gồm “Silver Stay” và Silver Town (nhà ở phúc lợi người cao tuổi), là nhà ở cho cá nhân thuê dành cho các hộ gia đình trung lưu lớn tuổi. Điểm khác biệt

Khi dân số Hàn Quốc trên 65 tuổi tăng nhanh và nước này đang tiến tới xã hội siêu già với tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên dự kiến vượt 20% vào năm 2025 và tăng lên 29,9% sau 11 năm thì nhu cầu nhà ở cao cấp cho người già đang trong tình trạng khan hiếm, cung không đủ cầu.

Tính đến năm 2023, Hàn Quốc chỉ có 9.006 hộ gia đình ở Silver Town và 3.956 nhà phúc lợi người cao tuổi được cung cấp. Tỷ lệ người cao tuổi cư trú ở khu vực dành cho người già so với dân số từ 65 tuổi trở lên chỉ là 0,1%. Đây là mức rất thấp so với 4,8% ở Mỹ và 2,0% ở Nhật Bản.

Sở dĩ số lượng người tìm mua nhà ở cao cấp tăng lên là vì không giống như trước đây, ngày càng có nhiều người cao tuổi muốn cải thiện chất lượng cuộc sống. (TTXVN 24/7, Khánh Vân)Về đầu trang./.

 

Các tin khác

09