Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 11/3/2024

10:17, Thứ Hai, 11-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Đề xuất thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

2.        ĐBSCL: Khó hiểu vì 16 dự án hơn 99.000 tỷ chậm tiến độ

3.        Ninh Thuận: Phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

4.        Lâm Đồng xin chuyển vốn sang năm 2024 hơn 100 dự án

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

5.        Đồng Nai: Đột phá thu hút FDI vào các khu công nghiệp

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

6.        Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp gặp dân và 30 phút cho một sự vụ kéo dài 7 năm

QUẢN LÝ

7.        Từ ngày 1/4, tổng điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

8.        Thanh tra tỉnh Bắc Ninh xác minh tài sản của người đại diện vốn nhà nước

9.        TP.HCM: Thường xuyên gọi hỏi thanh thiếu niên hư, người có tiền án để ngăn phạm tội

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

10.     Bắt tạm giam Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

11.     Bắt Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, thêm một lần chứng minh "không có vùng cấm"

12.     Quảng Ngãi: Bắt Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh và 7 cá nhân liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn

13.     Phú Yên: Đề nghị kỷ luật cựu chủ tịch Phạm Đình Cự và cán bộ một số tỉnh

14.     Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bị xem xét kỷ luật

15.     TPHCM: Khởi tố 318 bị can liên quan đến “đại án đăng kiểm”

16.     Đắk Lắk: Kỷ luật nhiều cán bộ vì sai phạm trục vớt gỗ lòng hồ

THẾ GIỚI

17.     Hàn Quốc cải thiện lương cho bác sĩ trẻ, phủ nhận ngành y tế đang gặp khủng hoảng

 

TIÊU ĐIỂM

Đề xuất thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề xuất thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập.

 

Dự án được đề xuất thực hiện thí điểm phải bảo đảm một số nguyên tắc, tiêu chí: dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước có quy mô dự án nhóm B, nhóm C có yêu cầu thu hồi đất để thực hiện, phù hợp với các quy hoạch liên quan; dự án đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện. Thời gian dự kiến thí điểm từ thời điểm Quốc hội ban hành nghị quyết cho đến hết năm 2025.

Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có cam kết về kế hoạch triển khai cụ thể, chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư và dự án giải phóng mặt bằng độc lập được tách riêng, bảo đảm nguồn vốn để thực hiện trong thời gian thí điểm (trường hợp được Quốc hội cho phép).

Năm 2024, kế hoạch Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương 657.349 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương 225.000 tỷ đồng (vốn trong nước 205.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 20.000 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương 432.349 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cùng với những giải pháp đã đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng dự án, kịp thời chỉ đạo xử lý các khó khăn vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. (Baotintuc.vn 10/3, Thúy Hiền)Về đầu trang

ĐBSCL: Khó hiểu vì 16 dự án hơn 99.000 tỷ chậm tiến độ

Các dự án phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 99.000 tỷ đồng đều chậm tiến độ. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tỏ ra khó hiểu vì đây là các dự án Chính phủ muốn làm, địa phương muốn có, nhà tài trợ vốn đồng tình ủng hộ.

Ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Kinh tế đối ngoại, Bộ KH&ĐT cho biết, tháng 7/2023, Chính phủ có Nghị quyết 108/NQ đồng ý huy động vốn vay ưu đãi nước ngoài (ODA) cho 16 dự án thuộc chương trình Mekong DPO. Các dự án có tổng mức đầu tư hơn 99.133 tỷ đồng (trong đó vốn đối ứng trong nước hơn 30.000 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA).

Ông Mai dẫn thực tế, tới nay các dự án đều triển khai chậm so với kế hoạch đề ra. Điều này do chất lượng chuẩn bị hồ sơ đề xuất dự án của các địa phương chưa cao, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều nội dung, mất thêm thời gian. Cùng đó, khi Bộ KH&ĐT lấy ý kiến, các cơ quan đều chậm trả lời; Bộ Tài chính chậm báo cáo Thủ tướng các nội dung về tài chính của dự án; một số cơ chế đặc thù trong đầu tư dự án đường bộ mới được Quốc hội thông qua cũng ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng dự án...

Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ đã có nghị quyết huy động vốn ODA cho cho 16 dự án Mekong DPO ; Quốc hội có nghị quyết áp dụng cơ chế đặc thù cho một số dự án giao thông, trong đó giao địa phương làm chủ đầu tư một số dự án (quốc lộ 61C, cầu Cửa Đại, cầu Cổ Chiên 2). Các nghị quyết này đã tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý để chuẩn bị, phê duyệt các dự án Mekong DPO.

Dù vậy, ông Phương thừa nhận, tiến độ chuẩn bị, phê duyệt các dự án Mekong DPO đều chậm so với kế hoạch. Thậm chí, một số dự án đang lấy ý kiến, hoặc chưa được đồng thuận về phương án thiết kế, quy mô đầu tư, phương án tài chính... nên chưa đủ cơ sở để báo cáo Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Thậm chí, dự án cầu Cửa Đại, Cổ Chiên 2 mới được các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang đề xuất bổ sung.

“Tình trạng chung của các dự án Mekong DPO là chậm. Đây là các dự án Chính phủ muốn làm, địa phương muốn có, nhà tài trợ đồng tình ủng hộ, nhưng lại chậm, tôi cũng chưa hiểu. Đây là điều mà bản thân tôi và anh Mai (ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Kinh tế đối ngoại - PV ) rất khó trả lời với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trả lời Thủ tướng. Bộ trưởng nói với tôi, các dự án này từ lúc có ý tưởng đến nay đã 7 năm mà chưa đâu vào đâu”, ông Phương nói.

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, hiện vướng mắc về pháp lý với các dự án Mekong DPO cơ bản không còn. Tuy nhiên, việc chuẩn bị dự án về hồ sơ, thủ tục của các địa phương chưa tốt. Dẫn tới các dự án phải điều chỉnh liên tục, thậm chí thay đổi lớn so với ban đầu, gây mất thời gian, cơ hội.

"Điều chỉnh dự án là điều tối kỵ, trừ khi bất đắc dĩ, bởi mỗi lần điều chỉnh là gần như phải làm lại các bước từ đầu. Tốn kém không chỉ tiền bạc, thời gian còn cả cơ hội. Rất đáng tiếc. Các địa phương, chủ đầu tư cần xem lại", ông Phương nói thêm.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL có những dự án liên quan cần tích cực hơn nữa trong việc hoàn tất thủ tục, hồ sơ dự án; chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền để tháo gỡ. Có như vậy các dự án mới sớm được thông qua, triển khai và phát huy hiệu quả với từng địa phương và cả khu vực. (Tienphong.vn 10/3, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

Ninh Thuận: Phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

Ông Lê Kim Hoàng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, trong đó đến hết quý III/2024 đạt trên 60%, đến hết quý IV/2024 đạt trên 90%. Đối với kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 đến hết quý III/2024 giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ninh Thuận tiếp tục duy trì 12 tổ công tác do thành viên UBND tỉnh làm Tổ trưởng để theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từng công trình, dự án.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm về quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công... theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, gây nhũng nhiễu, tiêu cực; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm, có tỷ lệ giải ngân thấp, còn vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng và yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng kế hoạch chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo từng tháng, quý.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh luôn xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, tỉnh luôn tập trung đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 11-12%. (Baoxaydung.com.vn 09/3, Hoàng Sơn) Về đầu trang

Lâm Đồng xin chuyển vốn sang năm 2024 hơn 100 dự án

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Tờ trình dự thảo Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn ngân sách cấp tỉnh đến ngày 31/12/2023 đối với 1 đề án, 2 nhiệm vụ, 35 dự án và số vốn dự kiến phân bổ cho lĩnh vực y tế, với tổng số tiền 334.197 triệu đồng.

Cụ thể, nguồn ngân sách tập trung 45.331 triệu đồng (gồm 1 đề án và 11 dự án); nguồn thu tiền sử dụng đất 23.268 triệu đồng (1 nhiệm vụ và 7 dự án); nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 130.427 triệu đồng (1 nhiệm vụ và 17 dự án); nguồn vốn tăng thu năm 2022 là 135.171 triệu đồng (1 dự án và số vốn dự kiến phân bổ cho lĩnh vực y tế).

UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024 đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số tiền 9.553 triệu đồng.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới 1.661 triệu đồng (ngân sách Trung ương 130 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.530 triệu đồng); Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 7.892 triệu đồng (ngân sách Trung ương 6.198 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.694 triệu đồng).

UBND tỉnh cũng trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đến hết ngày 31/12/2024 đối với 67 dự án sử dụng vốn ngân sách cấp huyện với tổng số tiền 184.800 triệu đồng. Trong đó, nhiều nhất là TP Bảo Lộc với 20 dự án, tương ứng số tiền 97.346 triệu đồng; TP. Đà Lạt với 8 dự án, tương ứng số tiền 50.512 triệu đồng.

Theo giải trình của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023, do một số nguyên nhân bất khả kháng nên một số dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 không giải ngân hết kế hoạch vốn. (Baodautu.vn 10/3, Linh Đan)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Đồng Nai: Đột phá thu hút FDI vào các khu công nghiệp

Chỉ trong 1,5 tháng đầu năm 2024, có đến 27 dự án FDI (bao gồm cả dự án cấp mới và tăng vốn) cấp tập đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng Nai đã trao giấy phép đầu tư cho hàng loạt doanh nghiệp FDI để có thể khởi công dự án.

Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai (Diza), tính từ đầu năm đến ngày 15/2, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu thu hút được 439 triệu USD vốn FDI (bao gồm dự án cấp mới và tăng vốn), bằng hơn nửa mục tiêu Diza đặt ra là thu hút 700 triệu USD vốn FDI trong năm nay.

Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Diza cho biết: những dự án vừa được cấp phép đầu tư đều sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề. Đồng Nai sẽ hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Vì sao nhà đầu tư dồn dập đến Đồng Nai? Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đồng Nai cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khung khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư thực hiện các dự án đúng tiến độ và những nội dung đã đăng ký. Đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất”.

Ở góc độ của nhà đầu tư, bà Li Shu Ying, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Anctek Việt Nam cũng cho hay, Công ty quyết định mở rộng đầu tư tại Đồng Nai vì địa phương có nguồn lao động dồi dào và có chính sách giải quyết thủ tục kịp thời cho doanh nghiệp. Ngoài ra, địa phương đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, đường cao tốc, tạo thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu.

Với hệ thống hạ tầng đang được cải thiện từng ngày, cộng với môi trường kinh doanh thông thoáng, năm 2024, dòng vốn FDI vào Đồng Nai chắc chắn sẽ có những bước đột phá mới. (Baodautu.vn 10/3, Lê Quân)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp gặp dân và 30 phút cho một sự vụ kéo dài 7 năm

Chỉ sau 30 phút gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã giải quyết xong chuyện cấp đất nền tái định cư cho một hộ dân đã kéo dài 7 năm trước đó. Qua vụ việc này đúng nghĩa “rằng hay thì thật là hay”, nhưng “nghe ra” lại thấy có phần “ngậm đắng nuốt cay thế nào”…

Năm 2016, ông Trần Thanh Vân, ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bị UBND thành phố Cao Lãnh thu hồi 118,5m² đất thổ cư của gia đình ông và được bố trí 1 nền tái định cư tại một khu dân cư khác.

Tuy nhiên sau khi bị thu hồi đất, trong suốt 7 năm qua, ông Trần Thanh Vân đã có ít nhất 20 lần “lên xuống” với các sở ban ngành, UBND thành phố Cao Lãnh và tỉnh Đồng Tháp để đòi cái nền đất tái định cư - nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Hay tin ông Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp có tiếp dân định kỳ theo Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18.02.2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân - ông Trần Thanh Vân đăng ký gặp.

Và thật thần kỳ là chỉ sau 30 phút, điều mà ông Trần Thanh Vân chờ đợi, mong mỏi suốt 7 năm nay cuối cùng cũng đến khi ông Lê Quốc Phong trả lời “trễ lắm là đến ngày 20.3, sẽ bàn giao mặt nền số 44 cho anh”.

Dành thời gian tiếp dân, thể hiện trách nhiệm người đứng đầu với dân bằng cách nhanh chóng ra quyết định xử lý một vụ việc cụ thể đã kéo dài, gây bức xúc nhiều năm như Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong là việc làm rất đáng hoan nghênh. Những việc như thế này không chỉ làm nức lòng dân mà còn có tác dụng “kiến tạo” niềm tin giữa người dân và chính quyền.

Trong đoạn clip mà phóng viên Lao Động ghi lại cảm xúc của ông Trần Thanh Vân sau cuộc gặp này có những lời rất đáng chú ý: “Bí thư có một cách làm việc rất nhanh. Một là giao nền. Hai là tới thời điểm đó không giao được nền thì phải đổi chỗ khác cho người ta. Đây là điều mà hồi giờ các sở ban ngành của chính quyền tỉnh Đồng Tháp không làm được. Qua lần này thì tui cảm thấy rất tin lãnh đạo của tỉnh”.

Tuy nhiên, chuyện chỉ cần 30 phút để giải quyết một vụ việc đã kéo dài 7 năm của Bí thư Tỉnh ủy lại cho thấy một khía cạnh khác của vấn đề.

Đó là việc dư luận có quyền nghi ngờ, đặt câu hỏi về việc chính quyền các cấp của thành phố Cao Lão và tỉnh Đồng Tháp lâu nay hoặc tắc trách, hoặc quan liêu, hoặc năng lực công vụ yếu kém nên mới để một việc tưởng chừng rất đơn giản là trả một nền đất tái định cư cho dân nhưng 7 năm không làm được.

Và mãi đến khi chuyện đến tai, việc đến tay Bí thư Tỉnh ủy thì mới cho ra kết quả. Trong khi, công việc của một Bí thư Tỉnh ủy đáng lẽ ra không phải xử lý những vụ việc lặt vặt như thế này. (Laodong.vn 10/3, Hoàng Văn Minh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Từ ngày 1/4, tổng điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

Trong nỗ lực đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ từ ngày 1/4 đến 30/4 năm 2024.

Điều tra này có mục đích chính là thu thập thông tin cần thiết để đánh giá hiệu quả của Kế hoạch phát triển và giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Phương pháp thực hiện điều tra dân số giữa kỳ sẽ áp dụng phỏng vấn trực tiếp hộ dân cư, tập trung vào nhân khẩu thực tế thường trú của hộ. Ngoại trừ những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an, điều tra sẽ bao gồm 7 nội dung chính: thông tin về nhân khẩu học của các thành viên hộ; tình hình nhà ở và điều kiện sống; thông tin về di cư; giáo dục; hôn nhân; lịch sử sinh của phụ nữ trong độ tuổi 10-49 và thông tin về người đã mất trong hộ. (VTV.vn 08/3) Về đầu trang

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh xác minh tài sản của người đại diện vốn nhà nước

Thanh tra tỉnh Bắc Ninh sẽ lựa chọn xác suất một người đại diện phần vốn Nhà nước để xác minh tài sản thu nhập tại Công ty Cổ phần Nước sạch Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh.

Theo thông tin từ Thanh tra tỉnh Bắc Ninh ngày 9.3, trong năm 2024, đơn vị này lựa chọn 11 cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc tỉnh để xác minh tài sản thu nhập.

Trong đó có 7 đơn vị cấp sở: Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Ban Quản lý Các khu công nghiệp; 2 đơn vị cấp huyện là TP Bắc Ninh và thị xã Thuận Thành; 1 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc tỉnh (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống).

Thanh tra tỉnh cũng lựa chọn xác suất 1 người đại diện phần vốn Nhà nước trong 2 công ty cổ phần là Công ty Cổ phần Nước sạch Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh.

Trong tổng số 11 đơn vị nói trên, Thanh tra tỉnh lựa chọn, triển khai xác minh tài sản, thu nhập 30 người trong số những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.

Tại Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính, UBND thị xã Thuận thành, Ban Quản lý Các khu công nghiệp, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, mỗi đơn vị lựa chọn 2 người để xác minh;

Tại Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xác minh tài sản thu nhập của 5 người; Sở Giáo dục và Đào tạo có 4 người, Sở Y tế có 6 người.

Các đơn vị gồm UBND TP Bắc Ninh, công ty cổ phần có vốn Nhà nước (Công ty Cổ phần Nước sạch Bắc Ninh; Công ty Cổ phần Thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh), mỗi đơn vị lựa chọn xác minh 1 người.

Đáng chú ý Thanh tra tỉnh Bắc Ninh sẽ dùng phần mềm máy tính lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.

Theo kế hoạch, năm 2024, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh tiến hành xác minh thông tin về tài sản, biến động tài sản trong bản kê khai tài sản thu nhập hằng năm năm 2023; xác minh thu nhập từ thời điểm kê khai hằng năm năm 2022 đến thời điểm kê khai hằng năm năm 2023.

Trình tự xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện theo quy định tại Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30.10.2020 của Chính phủ quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Để đảm bảo tiến độ xác minh, Thanh tra tỉnh có thể trưng tập thêm một số cán bộ thanh tra cấp sở, thanh tra cấp huyện trên địa bàn tỉnh tham gia các tổ xác minh liên ngành. (Laodong.vn 10/3, Lam Duy)Về đầu trang

TP.HCM: Thường xuyên gọi hỏi thanh thiếu niên hư, người có tiền án để ngăn phạm tội

Đây là một trong những giải pháp phòng tội phạm mà Công an TP.HCM nêu ra tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời sáng 10/3, với chủ đề Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Phát huy sức mạnh của nhân dân.

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Văn Dũng (huyện Hóc Môn) cho rằng thời gian qua có nhiều vụ trọng án xảy ra trên cả nước gây hoang mang trong người dân, Công an TP.HCM có giải pháp gì để ngăn chặn những vụ trọng án?

Trung tá Đới Ngọc Thắng - Phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - cho biết thời gian qua, trên địa bàn TP cũng xảy ra các vụ trọng án như tại huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức. Khi phát hiện vụ việc, lực lượng công an đã khẩn trương truy xét, truy bắt nhanh các đối tượng. Tỉ lệ khám phá án là 100%.

Theo ông Thắng, Công an TP.HCM đã tham mưu, triển khai nhiều kế hoạch để trấn áp các loại tội phạm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, không để hình thành các địa bàn, điểm nóng về hình sự, tệ nạn xã hội; phát huy các tổ tuần tra, giám sát như tổ công tác 363 để giải quyết những vụ việc khi mới phát sinh.

Lực lượng công an cũng thường xuyên gọi hỏi, răn đe những đối tượng như thanh thiếu niên hư, người có tiền án tiền sự, những người có khả năng nguy cơ phạm tội. Ngoài ra, Công an TP cũng phối hợp nâng cao phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhiều mô hình khác.

Nói về hiệu quả của tổ công tác 363 sau một năm hoạt động, thượng tá Lê Mạnh Hà - phó Phòng tham mưu, Công an TP.HCM - cho rằng lực lượng này ra đời nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm đường phố, tội phạm ma túy, vũ khí, hàng cấm, hàng nhập lậu…

Sau một năm hoạt động, lực lượng này đã phát hiện trên 26.800 đối tượng vi phạm, bàn giao cho công an địa phương xử lý. Công an TP sẽ tiếp tục phát huy lực lượng này như "quả đấm thép trong đấu tranh tội phạm đường phố". (Tuoitre.vn 10/3, Thảo Lê)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bắt tạm giam Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc

Bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc  và ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc có hành vi Nhận hối lộ.

Ngày 8/3, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an - thông tin, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” do Nguyễn Văn Hậu và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 16/QĐ-CSKT-P7 ngày 26/2/2024.

Căn cứ lời khai của Nguyễn Văn Hậu, các bị can, đối tượng liên quan, tài liệu điều tra xác minh tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan; thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, ngày 7/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định:

Bắt tạm giam bà Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cùng về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, 54 tuổi, quê Vĩnh Phúc, là thạc sĩ luật; từng là Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Bí thư Đảng ủy khối cơ quan tỉnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy rồi trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy.

 

Tháng 5/2014, bà Lan làm Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Năm 2015, bà trở thành Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, sau đó là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. (Laodong.vn 08/3, Việt Dũng)Về đầu trang

Bắt Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan, thêm một lần chứng minh "không có vùng cấm"

Bà Hoàng Thị Thuý Lan - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về tội "Nhận hối lộ".

Ông Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cũng bị bắt tạm giam về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Bắt cùng lúc với hai nhân vật trên, là Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi và nhiều cá nhân liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, ông Cao Khoa - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, về tội “Nhận hối lộ”.

Đến nay, thông tin khởi tố tạm giam hay truy tố Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh không còn là tin gây "chấn động dư luận". Bởi vì, tuyên bố trừng trị tham nhũng "không có vùng cấm", "không hạ cánh an toàn" của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được chứng minh qua nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, nhận hối lộ xảy ra từ nhiều năm trước.

Gần đây nhất, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố, tạm giam vì liên quan đến dự án Đại Ninh. Không có vùng cấm, không có chuyện bao che cho bất kỳ ai. Đã có hành vi sai phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo dõi những vụ khởi tố tạm giam, truy tố, xét xử cán bộ cao cấp, người dân tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Một quốc gia mà pháp luật được thượng tôn, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, đó là thể hiện cao nhất của dân chủ, văn minh, tiến bộ.

Dân nhìn vào các vụ án và củng cố thêm niềm tin vào công lý, còn cán bộ, quan chức nhìn vào để tự nhắc nhớ mình bài học về "đạo làm quan". Khi có quyền lực trong tay rất dễ sa ngã, không kiềm chế được lòng tham, bị đồng tiền làm cho lóa mắt, thì trước sau cũng sa lưới pháp luật.

Ông chủ của Công ty Việt Á Phan Quốc Việt dùng đồng tiền hạ gục nhiều cán bộ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu dùng đồng tiền hạ gục Bí thư, Chủ tịch các tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, chưa kể cán bộ cấp thấp hơn của các địa phương này.

Bài học về "đạo làm quan" là chỉ có con đường liêm khiết, công chính mới tồn tại, để lại tiếng thơm. Còn ngược lại, sẽ bị pháp luật trừng trị, mất hết tất cả. Cho dù, có ai đó thoát lưới pháp luật, thì vẫn phải nhận bản án của "thẩm phán" sáng suốt và công tâm đó là nhân dân. Dân gian nói "ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ" là vậy. (Laodong.vn 09/3, Lê Thanh Phong)Về đầu trang

Quảng Ngãi: Bắt Chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh và 7 cá nhân liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 9 bị can liên quan tới vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, trong đó có Chủ tịch và cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Cao Khoa - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi bị bắt về tội “Nhận hối lộ”.

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi; ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi và ông Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại khoản 3 Điều 366 Bộ luật Hình sự. (Laodong.vn 08/3, Ái Vân)Về đầu trang

Phú Yên: Đề nghị kỷ luật cựu chủ tịch Phạm Đình Cự và cán bộ một số tỉnh

Tại kỳ họp thứ 37, xem xét đề nghị của ban chấp hành đảng bộ các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Hà Giang về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:

Các ông Phạm Đình Cự - cựu phó bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban cán sự đảng, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; Nguyễn Tư Sơn - cựu tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai; Nguyễn Thế Bình - cựu tỉnh ủy viên, bí thư Đảng ủy, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang - đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông Phạm Đình Cự, Nguyễn Tư Sơn, Nguyễn Thế Bình. (Tuoitre.vn 08/3, Thành Chung)Về đầu trang

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung bị xem xét kỷ luật

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung "vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật" do liên quan đến sai phạm của AIC.

Chiều 8/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát thông cáo cho biết tại kỳ họp 37, cơ quan này đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Cơ quan Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban cán sự đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ và một số tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực đào tạo dạy nghề; trong thực hiện các gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện.

"Những vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn nhân lực xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật", thông cáo nêu.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021.

Cá nhân cùng chịu trách nhiệm là các ông bà: Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng; Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng.

Cùng chịu trách nhiệm còn có các ông: Nguyễn Ngọc Phi, Huỳnh Văn Tí, Doãn Mậu Diệp, Lê Quân, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, thứ trưởng; Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Dương Đức Lân, Nguyễn Hồng Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Trương Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Phạm Quang Phụng, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Lao động và Thương binh xã hội.

Liên quan đến những vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức đảng, đảng viên khác.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và tổ chức đảng ở một số đơn vị liên quan phối hợp, chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các đảng viên có vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo kết quả về Ủy ban.

Ông Đào Ngọc Dung 62 tuổi, trưởng thành từ cán bộ đoàn, từng làm Bí thư Tỉnh đoàn Nam Hà (cũ), sau đó giữ cương vị Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Trước khi làm Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội tháng 4/2016, ông từng giữ các chức vụ Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, rồi Bí thư Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa 10 đến 13, đại biểu Quốc hội khóa 14 và 15.

Hơn hai năm qua, AIC liên tiếp bị điều tra các sai phạm về vi phạm đấu thầu ở các đơn vị, địa phương. Mới đây nhất, cựu Bí thư, cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị bắt với cáo buộc có sai phạm liên quan vụ thông thầu ở Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế tỉnh.

Trước đó cuối tháng 12/2023, nhiều lãnh đạo, cán bộ AIC bị cáo buộc có sai phạm trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Năm 2022, các sai phạm xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Sở Y tế Quảng Ninh, Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM liên quan AIC đã bị điều tra. Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cáo buộc sai phạm trong 5 vụ án nhưng đã bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã quốc tế, bị xét xử vắng mặt tại một số vụ án. (Vnexpress.net 08/3, Phạm Dự) Về đầu trang

TPHCM: Khởi tố 318 bị can liên quan đến “đại án đăng kiểm”

Từ ngày 29/2-5/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 63 bị can tại 10 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và các doanh nghiệp thi công, cải tạo phương tiện xe cơ giới trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các bị can này bị điều tra về các hành vi “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Các lệnh và quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn, thi hành.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố tổng cộng 318 bị can liên quan đến các hành vi sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm với 11 tội danh khác nhau và từng bước làm rõ hành vi sai phạm, tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến Giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.

Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã kịp thời báo cáo Bộ Công an kiến nghị Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện một loạt nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm xe cơ giới.

Cụ thể, miễn đăng kiểm xe cơ giới lần đầu, giãn cách chu kỳ đăng kiểm, phân cấp phân quyền gắn với thanh tra, kiểm soát chặt hoạt động đăng kiểm cho các địa phương… góp phần từng bước quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kiểm định xe cơ giới, nâng cao an toàn của phương tiện và bảo vệ tính mạng con người; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. (Tienphong.vn 10/3, Hoàng Thuận)Về đầu trang

Đắk Lắk: Kỷ luật nhiều cán bộ vì sai phạm trục vớt gỗ lòng hồ

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính, nhiều cựu lãnh đạo UBND huyện Ea Súp vì những sai phạm trong việc tổ chức trục vớt gỗ trong lòng hồ Ea Súp Hạ, khi đơn vị trục vớt không đủ điều kiện, không đúng quy định.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật cảnh cáo bà Lê Thị Oanh, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính; ông Trần Ngọc Quang, ông Nguyễn Văn Đông, đều là cựu Chủ tịch UBND huyện Ea Súp.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk Kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Đình Toản, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp.

Sai phạm, khuyết điểm của các cán bộ lãnh đạo trên gây thất thoát ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một số hộ dân bị thu hồi đất, phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị kéo dài.

Năm 2011, UBND huyện Ea Súp đồng ý để doanh nghiệp tư nhân Phước Lợi trục vớt hơn 1.000 m3 gỗ tại lòng hồ Ea Súp Hạ. Trong đó, có hơn 100 m3 gỗ bằng lăng, gần 250 m3 gỗ căm xe, hơn 340 m3 gỗ dầu. Theo định giá gần 2 tỷ đồng.

Tháng 6/2014, doanh nghiệp tư nhân Phước Lợi đề nghị UBND huyện Ea Súp tiếp nhận tài sản trên. Trung tâm Bán đấu giá tài sản Đắk Lắk nhiều lần giảm giá số gỗ này nhưng không có người mua.

Sau đó, toàn bộ số gỗ nói trên được cất giữ tại vườn gia đình bà Phùng Thị Hương (thị trấn Ea Súp). Do phơi nắng mưa nên hầu hết số gỗ trên bị mục nát, hư hỏng.

Tháng 92021, UBND huyện Ea Súp chi hơn 114 triệu đồng để kiểm đếm, xác định lại khối lượng số gỗ. Sau đó, huyện đưa toàn bộ số gỗ mục nát gần hết này đến bãi đất trống gần UBND thị trấn Ea Súp. (VTV.vn 10/3)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Hàn Quốc cải thiện lương cho bác sĩ trẻ, phủ nhận ngành y tế đang gặp khủng hoảng

Hàn Quốc đưa ra các biện pháp để nhanh chóng cải thiện tiền lương, điều kiện làm việc cho các bác sĩ trẻ, giải quyết nhu cầu chính của các bác sĩ thực tập đã nghỉ việc.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết hôm 8/3, nhưng phủ nhận có một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe toàn diện ở nước này.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết việc các bác sĩ trẻ phải làm việc liên tục trong 36 giờ hiện nay là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình đình công của họ và thực trạng này cần phải được thay đổi. 

Ông Han Duck-soo nói: "Chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm (các biện pháp cải thiện) càng sớm càng tốt", đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ nước này sẽ xem xét giới hạn trong 24 giờ, khoảng thời gian mà các bác sĩ nội trú và bác sĩ thực tập phải làm việc liên tục.

Hơn 10.000 bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú đang đình công phản đối kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc tăng số lượng tuyển sinh vào trường y lên 2.000 sinh viên mỗi năm nhằm giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ở nước này. Được biết, Hàn Quốc có dân số già hóa nhanh nhất thế giới.

Các bác sĩ đình công lập luận rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh viên y khoa sẽ không giải quyết được vấn đề lương và điều kiện làm việc, thậm chí có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Mặc dù không ủng hộ kế hoạch của chính phủ về việc tuyển thêm sinh viên y khoa nhưng các đề xuất do Thủ tướng Han Duck-soo đưa ra dường như nhằm mục đích tìm kiếm điểm chung với những người biểu tình.

Các bác sĩ đình công và hiệp hội y tế tại Hàn Quốc chỉ trích chính phủ đã không bình luận công khai ngay lập tức về những đề xuất.

Ông Han Duck-soo Han cho biết, từ tháng 3 này, các bác sĩ thực tập Nhi khoa sẽ nhận được khoản phụ cấp bổ sung 1 triệu Won (757 USD) và chính phủ có kế hoạch chi trả tương tự cho các bác sĩ thực tập khác. Khoản tiền phụ cấp bổ sung sẽ được trả cho những bác sĩ thuộc các chuyên ngành thiết yếu như cấp cứu, phẫu thuật tổng quát. Hàn Quốc sẽ phân bổ thêm nguồn vốn của chính phủ cho khoản phụ cấp này.

Tổng thống Hàn quốc Yoon Suk-yeol đã có đường lối cứng rắn ngăn chặn những người biểu tình đình công, thực hiện các hành động pháp lý nhằm đình chỉ giấy phép hành nghề của các bác sĩ này vì bất chấp lệnh không quay trở lại làm việc. (VTV.vn 09/3)Về đầu trang./.

Các tin khác

04