Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 08/3/2024

9:15, Thứ Sáu, 8-3-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Gần 60.000 tỷ đồng vốn đầu tư công “bơm” ra nền kinh tế

2.        Chủ tịch TPHCM: “Nếu các đồng chí không xử lý thì thành phố sẽ xử lý các đồng chí”

3.        Bình Dương: Đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95% kế hoạch năm 2024

4.        Thanh Hóa thành lập 5 tổ công tác gỡ khó giải ngân vốn đầu tư công

QUYẾT SÁCH MỚI

5.        Không còn một số khoản phụ cấp từ ngày 1/7/2024

6.        Bãi bỏ cơ chế thu nhập đặc thù, áp dụng tiền lương, phụ cấp thống nhất

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH

7.        Bỏ quy định mỗi người chỉ được bán 3 - 5 căn nhà/năm là "sự lắng nghe" kịp thời

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

8.        Hưng Yên: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, sẵn sàng "xây tổ" đón "đại bàng FDI"

9.        Phó Chủ tịch TPHCM: “Đã làm ăn với tư nhân thì phải theo cơ chế thị trường”

10.     Hà Nội yêu cầu tạo điều kiện tối đa, tạo lập lòng tin với nhà đầu tư, doanh nghiệp

11.     Đồng Nai: Doanh nghiệp than khó về mặt bằng, kết nối giao thông

QUẢN LÝ

12.     Sáp nhập huyện, xã phải tôn trọng kiến nghị của địa phương về tính đặc thù

13.     Chủ tịch Quốc hội: “Theo dõi tuyên truyền luật trên mạng xã hội, tôi thấy mừng lắm”

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

14.     TPHCM: “Có tình trạng người dân làm trực tuyến nhưng phải nộp cả hồ sơ giấy”

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

15.     Kiên Giang: Bắt nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng

 

TIÊU ĐIỂM

Gần 60.000 tỷ đồng vốn đầu tư công “bơm” ra nền kinh tế

Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm với nhiều khởi sắc. Cả tổng vốn giải ngân và tỷ lệ giải ngân đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư công Chính phủ giao bộ ngành, cơ quan trung ương và địa phương gần 660.000 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm 92.900 tỷ đồng, vốn bố trí cho chương trình mục tiêu quốc gia 27.220 tỷ đồng.

Bên cạnh tín hiệu tích cực, vẫn còn 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn được giao. Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân do nhiều bộ, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Để phân bổ hết nguồn vốn, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan trung và địa phương báo cáo phương án xử lý cụ thể đối với các vướng mắc liên quan đến kế hoạch đầu tư vốn năm nay.

Đối với dự án trọng điểm quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và địa phương quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định.

“Địa phương giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng theo tiến độ, tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân. Địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng theo cơ chế đặc thù", Bộ Tài chính kiến nghị.

Được biết, một số địa phương đang triển khai việc giải ngân vốn từ đầu năm nay, trong đó đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc như Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ngãi... (Tienphong.vn 07/3, Quỳnh Nga)Về đầu trang

Chủ tịch TPHCM: “Nếu các đồng chí không xử lý thì thành phố sẽ xử lý các đồng chí”

Phát biểu kết luận phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội sáng 6/3, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong tháng 3, các Ban Quản lý dự án và các chủ đầu tư là các quận huyện phải chỉ ra được các nhà thầu nào chây ì, yếu kém, không nghiêm túc và phải xử lý ngay. “Nếu như các đồng chí không xử lý, thành phố sẽ xử lý các đồng chí” - ông Mãi cho hay.

Ông Mãi ghi nhận các sở ngành, địa phương đã tập trung triển khai công việc ngay từ đầu năm, đặc biệt là đã chấm dứt các hoạt động vui chơi Tết ngay sau Tết nguyên đán. “Chúng ta đã có sự thay đổi, sự tập trung và đã có những kết quả”, ông Mãi nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng thừa nhận vẫn còn đó điểm lo về đầu tư công. Ông cho hay, thành phố giải ngân tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ, nhưng so với chỉ tiêu từ 10-12% thì vẫn còn thấp, do đó phải nỗ lực cho nhiệm vụ này ngay trong tháng 3.

“Về giải ngân đầu tư công, tháng 1 chúng ta tập trung trả nợ nhiệm vụ giải ngân của năm 2023, tháng 2 là tháng Tết, đến tháng 3 mới bắt đầu thực sự cho nhiệm vụ giải ngân của năm 2024. Do đó tháng 3 này phải tập trung cao độ để có xuất phát với tốc độ cao”, ông Mãi phân tích.

Cũng theo ông Mãi, so với nhiệm vụ còn lại, thành phố mới giải ngân được 1.600 tỷ đồng và còn lại khoảng 6.400 tỷ đồng. Nếu chia cho 4 tuần của tháng 3 thì mỗi tuần phải giải ngân hơn nghìn. Đây là nhiệm vụ rất thách thức, thậm chí là bất khả thi nhưng phải xác định trọng tâm, trọng điểm để có giải pháp.

Về triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, ông Mãi yêu cầu phải tập trung triển khai công việc một cách quyết liệt, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, có đôn đốc, kiểm tra để tháo gỡ.

Cụ thể, trong tháng 3 phải thực hiện 50 nhiệm vụ còn lại của quý I, từng sở ngành, từng cán bộ bám sát hoàn thành trong tháng 3 này. “Triển khai 50 nhiệm vụ của quý I gắn với kiểm tra, rà soát lại triển khai kế hoạch kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý.

Trên hết, người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu tập trung cao, quyết liệt cho các nhóm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó trước hết là đầu tư công.

Theo đó, các vướng mắc, tồn đọng chuyển sang phải được giải quyết dứt điểm trong quý I và một số phải chuyển sang quý II, còn lại 6 tháng cuối năm phải triển khai dự án, bên cạnh tập trung cho công tác quy hoạch, thủ tục dự án, điều chỉnh vốn. Chúng ta vẫn phải kiên trì chỉ tiêu ít nhất quý I giải ngân 10%.

Chủ tịch TPHCM đề cập tới giải quyết vấn đề vật liệu xây dựng. Theo ông, các nhà thầu đã ký hợp đồng và có nhiệm vụ đảm bảo vật liệu xây dựng. Ông cũng đề nghị các chủ đầu tư xem lại và xử lý nghiêm một số nhà thầu yếu kém, không nghiêm túc. Trong tháng 3, các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư là các quận huyện phải chỉ ra được các nhà thầu nào chây ì, yếu kém, không nghiêm túc và phải xử lý ngay.

“Nếu như các đồng chí không xử lý thì thành phố sẽ xử lý các đồng chí. Phải quyết tâm như thế này”, Chủ tịch Phan Văn Mãi lưu ý và đề nghị đối với công tác giải phóng mặt bằng kiên quyết đến 30/6 là phải hoàn tất, các chủ tịch quận, huyện, TP. Thủ Đức rà soát lại nhiệm vụ này, báo cáo vướng mắc cho Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy rồi làm việc để cả hệ thống chính trị, các địa bàn có nhiệm vụ này tham gia chủ động ngay từ đầu nhằm giải quyết cho được vấn đề của đầu tư công.

Mặt khác, chủ đầu tư của các dự án đầu tư công phải rà soát lại kế hoạch cho từng dự án, đảm bảo tiến độ theo mục tiêu đã đề ra trong từng quý và cả năm là từ 95% trở lên; kịp thời giải quyết các vướng mắc và kiến nghị các cơ quan chức năng của thành phố hoặc UBND thành phố để giải quyết, “không ôm ở đó để rồi cuối năm nói do vướng này vướng kia” - ông Mãi nói. (Tienphong.vn 07/3, Ngô Tùng - Vân Sơn)Về đầu trang

Bình Dương: Đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95% kế hoạch năm 2024

Ngay từ đầu năm phải huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời phát động phong trào thi đua giải ngân vốn đầu tư công, giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng chủ đầu tư trong từng quý..,. phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến ngày 31/1/2025 của từng chủ đầu tư đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao…

Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư công năm 2023, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 sáng 7/3.

Nhằm triển khai thực hiện và hoàn thành tốt nhất kế hoạch đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị chủ đầu tư cần tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu, các đơn vị tiếp tục rà soát, có phương án bố trí vốn; huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác đầu tư công năm 2024; các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác phân cấp, phân quyền; quan tâm ổn định đời sống người dân sau tái định cư. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 07/3, Gia Cư)Về đầu trang

Thanh Hóa thành lập 5 tổ công tác gỡ khó giải ngân vốn đầu tư công

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị số 01 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2024.

UBND tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đầu tư đạt 100% kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2024. Mỗi tổ công tác do chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của các đơn vị.

Tổ công tác cũng rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Tổ công tác yêu cầu các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan báo cáo, cung cấp các thông tin, số liệu, tài liệu của các dự án; tổ chức kiểm tra thực tế tình hình thực hiện, giải ngân các dự án để phục vụ việc đánh giá, đề xuất các giải pháp trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa được giao kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công gần 12.000 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công trước ngày 31/12/2024, ngay từ đầu năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố; ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng đã tập trung đôn đốc nhà thầu tăng cường nhiều mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ xây dựng theo đúng kế hoạch; tổ chức nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng… (TTXVN/Baotintuc.vn 07/3, Việt Hoàng)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Không còn một số khoản phụ cấp từ ngày 1/7/2024

Thực hiện chính sách tiền lương mới, từ ngày 1/7/2024, người lao động sẽ không còn mộ số khoản phụ cấp.

Cụ thể là: Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); Phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; Phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Theo quy định mới, chính sách tiền lương tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).

Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường...).

Chính sách tiền lương mới cũng gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Việc sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành nhằm bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương. Mặc dù bãi bỏ hoặc gộp một số chế độ phụ cấp, nhưng theo cách tính tiền lương mới, dự kiến, khoản tiền lương nhận về hằng tháng của số đông người thụ hưởng sẽ tăng hơn so với hiện nay. (Hanoimoi.com.vn 07/3, Vũ Minh)Về đầu trang

Bãi bỏ cơ chế thu nhập đặc thù, áp dụng tiền lương, phụ cấp thống nhất

134.284 cán bộ, công chức tại 36 cơ quan, đơn vị hành chính được hưởng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đến hết ngày 30/6/2024. Từ ngày 1/7, cơ chế này sẽ được bãi bỏ để áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Nội dung này được đề cập tại hội nghị toàn quốc lần thứ 2 triển khai luật, nghị quyết của kỳ họp 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa 15, diễn ra vào sáng 7/3.

Tại các kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 luật và 10 nghị quyết; trong đó có Nghị quyết số 104/2023 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Trong nghị quyết này, Quốc hội đã quy định một số nội dung điều hành ngân sách Nhà nước năm 2023 và về thực hiện chính sách tiền lương.

Đặc biệt, Quốc hội đã quyết định từ ngày 1/7/2024, cả nước thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Đồng thời, Quốc hội quy định về thời hạn áp dụng việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước ở Trung ương.

Theo đó, các cơ quan này sẽ thực hiện áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đến hết ngày 30/6/2024. Từ ngày 1/7/2024, thực hiện bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Đồng thời, không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay có 36 đơn vị với khoảng 134.284 cán bộ, công chức đang được hưởng lương đặc thù cao hơn mặt bằng chung. Khi thực hiện cải cách tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức ở những đơn vị này sẽ không được hưởng thu nhập đặc thù nhưng vẫn được bảo lưu mức tiền lương như hiện hành.

Theo tính toán của Chính phủ khi thực hiện cải cách tiền lương, tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là 499,1 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, nguồn dành cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đã chuẩn bị được hơn 560.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến 2026. (Vietnamnet.vn 07/3, Thu Hằng)Về đầu trang

BÌNH LUẬN – NHẬN ĐỊNH

Bỏ quy định mỗi người chỉ được bán 3 - 5 căn nhà/năm là "sự lắng nghe" kịp thời

Dư luận rất hoan nghênh khi Bộ Xây dựng đã lắng nghe, kịp thời bỏ đề xuất quy định mỗi người kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ chỉ được bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua từ 3 - 5 nhà ở hoặc 3 - 5 căn hộ chung cư trong 1 năm.

Trước đó, trong bản dự thảo lần 1 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã đề xuất 3 phương án quy định điều kiện đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ và đối với tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh.

Đáng chú ý là nội dung đề xuất quy định mỗi người kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ chỉ được bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua từ 3 - 5 nhà ở hoặc 3 - 5 căn hộ chung cư trong 1 năm.

Các đề xuất này của Bộ Xây dựng nhận nhiều ý kiến trái chiều trên báo chí, dư luận xã hội mấy hôm nay. Phần lớn các ý kiến cho rằng những đề xuất này là bất hợp lý, khó khả thi và không cần thiết vì rất nhiều lý do.

Việc Bộ Xây dựng đã lắng nghe, kịp thời bỏ những đề xuất trên là kịp thời và đúng đắn. Bởi dự thảo lần 1 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được điều chỉnh những bất hợp lý ở giai đoạn lấy ý kiến. Nên những đề xuất này chưa gây hậu quả cũng như rắc rối pháp lý do chưa “đi vào cuộc sống”.

Quyết định bỏ này cũng được dư luận hoan nghênh tương tự như hồi cuối năm 2023, Ban soạn thảo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bỏ đề xuất khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe máy sau khi nhận được nhiều ý kiến không đồng tình.

Mặc dù những quy định tréo ngoe hay bất hợp lý, khó khả thi và không cần thiết như thế này cho thấy chất lượng, “tiêu chuẩn chuyên môn” trong việc ban hành các văn bản pháp quy ở một số bộ ngành vẫn chưa được đảm bảo dù có nhiều cố gắng.

Nhưng sự “lắng nghe” như thế này, thêm lần nữa cho thấy công tác xây dựng các chính sách, pháp luật của các bộ ngành gần đây đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Đồng thời chứng tỏ việc “cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của người dân” trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, như quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cho thấy thực chất, có hiệu quả chứ không lấy ý kiến kiểu “có lệ” như thời gian trước! (Laodong.vn 07/3, Hoàng Văn Minh)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Hưng Yên: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, sẵn sàng "xây tổ" đón "đại bàng FDI"

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo trong chuyến làm việc với  với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng dù Hưng Yên đã gặt hái được một số thành tích nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc như: Sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch; tiến độ triển khai các dự án trọng điểm còn chậm; việc huy động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội chưa tốt.

Chính vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên mong muốn đoàn công tác nắm tình hình thực tiễn của địa phương, sớm báo cáo Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. Đồng thời cũng mong muốn các bộ, ngành sẽ tiếp tục quan tâm những vấn đề cụ thể mà tỉnh Hưng Yên đang phải đối mặt để thống nhất các giải pháp tháo gỡ, giải quyết trong thời gian ngắn hạn.

Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, qua 3 lần làm việc trực tiếp của đoàn công tác, có thể nói tỷ lệ giải quyết kiến nghị của địa phương là tương đối cao, tuy nhiên một số kết quả giải quyết kiến nghị của các bộ, ngành phần nào vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của tỉnh. Đối với những kiến nghị chưa được giải quyết triệt để, các bộ, ngành nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn, phối hợp, giúp đỡ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với phương châm “đi đến tận cùng, giải quyết triệt để vấn đề”. Đồng thời, tỉnh Hưng Yên cũng cần chủ động trao đổi, tổ chức làm việc trực tiếp với các bộ, ngành theo từng vấn đề cụ thể để được hướng dẫn và thống nhất giải pháp tháo gỡ.

Về việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới, Đại tướng Tô Lâm đề nghị tỉnh Hưng Yên cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung thu hút có chọn lọc các dự án lớn, các dự án công nghệ cao, xanh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy chuyển đổi số là đột phá cho sự phát triển, tập trung theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến. Tập trung đầu tư nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, nhất là các dự án kết nối giao thông. Tăng cường huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… (Congthuong.vn 07/3, Thụy Anh)Về đầu trang

Phó Chủ tịch TPHCM: “Đã làm ăn với tư nhân thì phải theo cơ chế thị trường”

Chiều 6/3, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thực hiện giám sát UBND TPHCM và các cơ quan, đơn vị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn thành phố.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng tư tưởng quản lý hiện nay là liên doanh, liên kết giữa đơn vị sự nghiệp công lập với các đơn vị khác hoặc của tư nhân thì chúng ta quản lý như quản lý công. Theo ông Hoan, làm như thế là không tạo ra sức mạnh, sự tự chủ và cũng không phù hợp với kinh tế thị trường. Đã làm ăn với tư nhân thì phải làm theo cơ chế thị trường, làm theo hợp đồng và xử lý theo hợp đồng.

“Hiện nay người ta làm theo hợp đồng nhưng chúng ta xử lý theo quản lý công. Một đồng của nhà nước tham gia cũng quản lý công, phải khai báo, phải làm đủ trò. Và khi xử lý những hành vi sai phạm trong đó, chúng ta lấy tất cả những quy định pháp luật về quản lý công để xử lý trong khi họ quản lý hợp đồng. Cho nên chính họ cũng ngán ngại không muốn tham gia trong quá trình chúng ta mời gọi họ đến”, ông Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, đối với liên doanh liên kết thì trước hết phải dựa vào thị trường, dựa vào hợp đồng và thông qua giá trị và thời hạn hoàn vốn của các dự án, các công trình để quyết định. Cái đó giao cho ông nào chủ đầu tư, trực tiếp quản lý sự nghiệp công phải chịu trách nhiệm việc đó và chúng ta đối xử như một hoạt động hợp đồng kinh tế thì mới giải quyết được việc. (Tienphong.vn 07/3, Ngô Tùng)Về đầu trang

Hà Nội yêu cầu tạo điều kiện tối đa, tạo lập lòng tin với nhà đầu tư, doanh nghiệp

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chương trình số 03 về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2024.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến theo hướng tập trung một đầu mối đã được UBND TP xác định và triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2015-2020; tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; tìm hiểu tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư trong nước; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến.

Theo Chương trình, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch, với chủ đề Hà Nội và các tỉnh: Vùng đồng bằng Sông Hồng; Vùng Đông Nam Bộ - Kết nối cùng phát triển - “Link to Grow"; Tổ chức Chương trình xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch về các làng nghề Hà Nội kết hợp không gian trình diễn nghề cho các làng nghề truyền thống Hà Nội;

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài; Khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống đồng thời đổi mới, đa dạng hóa các phương thức thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số...

Đặc biệt, cần tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp; Tổ chức hoạt động về xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội.

UBND TP yêu cầu các đơn vị thực hiện chương trình căn cứ quy định pháp luật, tổ chức triển khai Chương trình, kế hoạch thực hiện, đảm bảo nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; một việc- một đầu mối xuyên suốt, xây dựng phong cách làm việc theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp.

Phải chú trọng khai thác, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Tạo lập lòng tin và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước... (Anninhthudo.vn 07/3)Về đầu trang

Đồng Nai: Doanh nghiệp than khó về mặt bằng, kết nối giao thông

Chiều tối 6/3, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có buổi gặp gỡ 28 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, kết nối giao thông vào các khu công nghiệp…

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - cho rằng nếu không quyết liệt giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp thì rất khó trở thành tỉnh công nghiệp phát triển.

Ông Lĩnh thừa nhận thời gian qua công nghiệp Đồng Nai chậm đổi mới, không có nhà đầu tư "đẳng cấp" và gần như ôm kho công nghệ lạc hậu, hiệu suất giá trị gia tăng thấp, thu ngân sách thấp. Nếu kéo dài, công nghiệp chắn chắn sẽ tụt hậu.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thống kê hạ tầng ngoài khu công nghiệp cần đầu tư, giải pháp về nguồn vốn, từng bước nâng cao chất lượng khu công nghiệp.

Các khu công nghiệp cũng phải tự làm mới bằng việc đầu tư công nghệ, áp dụng chuyển đổi số, thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính…, ông Lĩnh chỉ đạo. (Tuoitre.vn 06/3)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Sáp nhập huyện, xã phải tôn trọng kiến nghị của địa phương về tính đặc thù

Ngày 6/3, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 81 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Phó Thủ tướng yêu cầu, việc sắp xếp đơn vị hành chính phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn trong cả nước; rút gọn và thực hiện đồng thời các quy trình, thủ tục để bảo đảm tiến độ sắp xếp.

Các bộ, ngành trung ương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc xây dựng Đề án sắp xếp của từng địa phương cũng như quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Về một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ có cơ chế tiếp nhận thông tin từ địa phương, tổng hợp kết quả thực hiện, cũng như những khó khăn, vướng mắc; đồng thời chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ Đề án của các địa phương theo hướng ưu tiên các địa phương có số lượng thực hiện sắp xếp không nhiều, đã hoàn thiện xong Đề án sớm so với thời hạn yêu cầu. (Tienphong.vn 07/3, Văn Kiên)Về đầu trang

Chủ tịch Quốc hội: “Theo dõi tuyên truyền luật trên mạng xã hội, tôi thấy mừng lắm”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói như vậy tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết diễn ra vào sáng 7/3.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết quan trọng, có tác động sâu rộng đến xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước. Đặc biệt, với việc thông qua Luật Đất đai, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ.

Theo ông Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, thông tin kịp thời đến cử tri, Nhân dân về kết quả các kỳ họp và về luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò và sự tham gia của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, nhất là dự án Luật Đất đai.

“Theo dõi tôi thấy mừng lắm, có những tiktoker, blogger chỉ phân tích khoản 4 của Luật Đất đai, định nghĩa thế nào là người Việt Nam ở nước ngoài, người gốc nước ngoài…chỉ buổi lên sóng như vậy thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia, phân tích các điểm mới của dự án luật với từng đối tượng. Tôi cho đây là một điểm rất mới, vai trò của mạng xã hội tham gia vào rất nhiều”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, mạng xã hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng. "Không có hiệu ứng của truyền thông xã hội, chưa chắc nhiều người đã biết đến phim “Đào, phở và piano"", Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một kinh nghiệm và cần phải nghiên cứu.

Các kết quả triển khai thi hành Luật là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo ông, đây mới chỉ là bước đầu, khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn. Đặc biệt, nhiều luật có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ, vừa quy định nhiều chính sách mới, đặc thù, các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan.

“Với nhiều thử thách như vậy, việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Trên tinh thần đó, lãnh đạo Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, các cơ quan của Quốc hội cần chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết thông qua, được nêu cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sớm ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành.

Đồng thời, cần tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết; bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ…

“Không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, chú ý các chính sách, quy định mới, có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. (Tienphong.vn 07/3, Luân Dũng)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TPHCM: “Có tình trạng người dân làm trực tuyến nhưng phải nộp cả hồ sơ giấy”

Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết có tình trạng trên tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, tổ chức ngày 07/3.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, ghi nhận việc đẩy mạnh phân cấp của TP.HCM cho các sở ngành, địa phương, giúp tiết kiệm nhiều công sức, thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng, Nghị định 61/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu các địa phương thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh. “Mục đích là giúp lãnh đạo tỉnh, thành kiểm soát được quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhưng TP.HCM không tổ chức được vì địa bàn rộng” – ông Hoàng nêu.

Dù vậy, theo ông Hoàng, TP đã nỗ lực hình thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống này vừa giúp lãnh đạo TP theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục, vừa bảo vệ được cán bộ, công chức. “Trước đây thủ tục chậm, đa phần là công chức phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên với hệ thống thông tin này, quy trình điện tử đã có hết thì sẽ quy trách nhiệm được cho người nào làm chậm” – ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng bày tỏ ấn tượng với việc TP.HCM tái cấu trúc quy trình nội bộ, cắt giảm được gần 3.500 giờ làm việc; cắt giảm thủ tục được 1-2 bước với 694 quy trình nội bộ. “Việc này nghe đơn giản nhưng đã tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp rất nhiều và giúp giảm thiểu chính khối lượng công việc mà cán bộ, công chức thực hiện” – ông Hoàng nhìn nhận.

Ông Hoàng cũng nói có ý kiến cho rằng dịch vụ công trực tuyến hình như tạo gánh nặng cho cả công chức, chứ không riêng gì người dân. Theo ông, Chính phủ mong muốn dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm khối lượng công việc cho công chức. Tuy nhiên hiện có tình trạng chạy theo chỉ tiêu, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác.

“Người dân, doanh nghiệp đến thì công chức làm hộ, mất thêm thời gian. Tại các hội nghị, tôi hỏi các dịch vụ công trực tuyến có thu hồi hồ sơ giấy không thì bảo thu lại. Vậy thì làm dịch vụ công trực tuyến làm gì. Bởi như vậy thì vẫn phải chuẩn bị hai bộ hồ sơ dán tem” – ông Hoàng nêu.

Ông cũng dẫn chứng thêm việc có tình trạng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến nhưng khi nhận kết quả về thì cán bộ yêu cầu người dân cho thêm bộ hồ sơ giấy để lưu. Bởi giá trị pháp lý của file điện tử không có, toàn scan, chụp. Từ đó, ông đề nghị rà lại quy trình làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo thiết thực. (Plo.vn 07/3, Lê Thoa)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kiên Giang: Bắt nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Công an tỉnh Kiên Giang vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án và thực hiện lệnh bắt bị can đối với ông Phạm Quốc Dân (SN 1977; nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam còn có Bùi Ngọc Hà (SN 1976, ngụ tỉnh Ninh Bình) - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Xây lắp 579 Hà Nội) và Nguyễn Viết Thành (SN 1984, ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) - nguyên nhân viên Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư xây dựng Triệu Xuân Thịnh; do có hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cơ quan Công an, trong quá trình thi công gói thầu xây dựng số 05 - công trình nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng (đoạn từ khu căn cứ Tỉnh ủy đến Kênh 10 của Dự án Bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia U Minh Thượng đến năm 2020 tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng), cả 3 bị can trên đã có hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; gây thiệt hại cho gói thầu với số tiền trên 8,7 tỷ đồng. (Tienphong.vn 07/3, Nhật Huy)Về đầu trang./.

 

Các tin khác

04