Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 22/5/2024

9:15, Thứ Tư, 22-5-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI 2

  1. Quốc hội chuẩn bị miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Công an đối với đại tướng Tô Lâm.. 2
  2. Cân nhắc việc bổ sung thu phí vào nội đô. 2

QUYẾT SÁCH MỚI 3

  1. Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác an toàn lao động. 3

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG.. 4

  1. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài mới đạt 8,6% kế hoạch. 4
  2. Cà Mau: Chủ tịch tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.. 4
  3. Quảng Ninh: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. 5
  4. Sơn La: Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 19% kế hoạch. 6

XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI 7

  1. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn giải ngân “ì ạch”. 7
  2. Bạc Liêu mổ xẻ nguyên nhân cả tỉnh chưa có căn nhà ở xã hội nào. 8
  3. Có chính sách tốt, không thiếu tiền mà vẫn thiếu nhà ở xã hội thì xem lại trách nhiệm địa phương. 9
  4. Thời của nhà ở xã hội, được chứ! 10

QUẢN LÝ.. 11

  1. 36 địa phương nguy cơ ùn tắc đăng kiểm, gỡ cách nào?. 11
  2. Hà Nội yêu cầu khắc phục tình trạng làm việc cầm chừng, bàn lùi 14
  3. Quảng Trị bị doanh nghiệp đòi tiền bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2024. 15

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.. 16

  1. Bình Thuận đề ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân. 16

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH.. 17

  1. Bắc Giang: Thanh tra kiến nghị phê bình Chủ tịch huyện. 17

TIN QUỐC HỘI

Quốc hội chuẩn bị miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Công an đối với đại tướng Tô Lâm

Chiều 21/5, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV để thêm nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm, người được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Ông Cường cho biết căn cứ ý kiến cấp có thẩm quyền, căn cứ quy định pháp luật, xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình các đại biểu xem xét thông qua điều chỉnh chương trình kỳ họp, bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an.

Nội dung này sẽ tiến hành cùng với nội dung nhân sự bầu Chủ tịch nước trong phiên họp chiều 21/5 và sáng 22/5.

Ngay sau đó, Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, với 468/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. (Tuoitre.vn 21/5, Tiến Long)Về đầu trang

Cân nhắc việc bổ sung thu phí vào nội đô

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

Góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị cân nhắc bổ sung thu phí vào nội đô áp dụng với ôtô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị, trong những khung thời gian nhất định.

“Một mặt để hạn chế sử dụng quá mức phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị, đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị nghiên cứu bổ sung cấm hành vi lập chốt thu phí trái pháp luật vì trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Đại biểu cho biết, tại Điểm a Khoản 1, Điều 14 Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã có quy định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng, tự ý lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cho phép. Do đó, việc bổ sung hành vi này trong dự thảo luật là phù hợp.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu ý kiến về việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật và tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc do chưa có quy định xử lý liên quan đến thực trạng tại các trạm thu phí đã ngừng hoạt động mà không chịu tháo dỡ để trả lại mặt đường, gây bất tiện trong lưu thông, làm cản trở giao thông cho những người qua lại tại khu vực này. (Laodong.vn 21/5, Phạm Đông – Cao Nguyên)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh công tác an toàn lao động

Ngày 215, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 51 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH thường xuyên kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt tại các công trình, dự án trọng điểm, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, tại các doanh nghiệp quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý rà soát kỹ các quy định, quy chuẩn, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh con người; khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, công tác diễn tập để giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các địa phương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả và xử lý nghiêm các vi phạm. (Anninhthudo.vn 21/5, An Nhiên) Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài mới đạt 8,6% kế hoạch

Ngày 21/5, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng đầu năm 2024 để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy giải ngân.

Theo báo cáo của các bộ, ngành và số liệu từ hệ thống TABMIS, tính đến hết ngày 15/5, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt gần 8,6% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tỷ lệ giải ngân trên 10%. Đặc biệt có tám bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.

Theo đại diện Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng Sáu, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành có thể đạt khoảng 15-17%, đây là mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2023.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã cùng thảo luận và xác định nguyên nhân giải ngân chậm. Cụ thể, một số nguyên nhân chính là chậm về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thiết kế kỹ thuật. Bên cạnh đó, một số dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay. Nguyên nhân khác là chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ đối với các hồ sơ… Thêm vào đó, trong các tháng đầu năm, một số bộ, ngành vẫn tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2023 kéo dài.

Để tháo gỡ tình trạng trên, các đại biểu đã thống nhất một số giải pháp về giám sát chặt chẽ tiến độ, tập trung triển khai thực hiện các dự án đã xong công tác chuẩn bị đầu tư. Các cấp quản lý tiếp tục rà soát để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hoặc cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp thời hạn. Đặc biệt, những vướng mắc giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác trong phạm vi thẩm quyền cần phải khẩn trương xử lý.

Đại diện Bộ Tài chính lưu ý các kiến nghị giải pháp vượt quá thẩm quyền xử lý, các bộ, ngành cần nhanh chóng tổng hợp, báo cáo lên cấp trên xem xét giải quyết. (TTXVN 21/5)Về đầu trang

Cà Mau: Chủ tịch tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện tổ chức hoạt động có hiệu quả Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Chủ động nghiên cứu, thực hiện hoặc tham mưu ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để góp phần khôi phục và tăng trưởng kinh tế địa phương.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội. Tập trung xử lý, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, về công tác giải phóng mặt bằng, tính đến ngày 8/5, có 6/7 dự án đã bàn giao mặt bằng trên 90% diện tích. Trong đó, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội đã đạt gần 70%.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Cà Mau, thời gian qua, nguồn cung cấp các loại cát, đá đã và đang ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư, tiến độ thi công các dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Do đó, nhằm tạo điều kiện để triển khai hoàn thành các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh đúng theo kế hoạch, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản mong UBND tỉnh An Giang quan tâm ưu tiên cân đối, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nguồn cung cấp vật liệu, chủ yếu là cát và đá cho tỉnh này.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 8/5, các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư đã giải ngân vốn đầu tư công đạt 1.052/5.228 tỷ đồng (đạt hơn 20% kế hoạch). Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 giải ngân 21,5%, kế hoạch vốn năm 2023 chuyển sang năm 2024 giải ngân đạt 6%. (Baogiaothong.vn 21/5, Gia Minh)Về đầu trang

Quảng Ninh: Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

4 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt trên 1.600 tỷ đồng, bằng 10,9% kế hoạch năm, 11,2% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (12,1%). Để đảm bảo đến ngày 31/12 hoàn thành 100% kế hoạch đỏi hỏi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ đầu tư các dự án phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, đến hết tháng 4/2024 toàn tỉnh có 12/23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân toàn tỉnh (10,9%). 11 chủ đầu tư còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh; một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn 0%; địa phương có nguồn vốn đầu tư lớn lại đạt tỷ lệ giải ngân thấp.

Nguyên nhân được chỉ ra là do công tác giải phóng mặt bằng và công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm; số dư tạm ứng chuyển sang năm 2024 tương đối lớn (cả về tỷ trọng và giá trị tuyệt đối); thiếu nguồn vật liệu san lấp.

Đặc biệt, công tác tổ chức triển khai, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cả lãnh đạo quản lý trong quá trình thực thi nhiệm vụ; chất lượng cán bộ, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư, vai trò người đứng đầu tại một số đơn vị còn hạn chế...

Trước mục tiêu đề ra trong năm 2024 và kỳ vọng nguồn vốn đầu tư công có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh, chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và quy định của Đảng về quản lý đầu tư công, quản lý chất lượng công trình, quản lý chi phí đầu tư đảm bảo hiệu quả đầu tư, đúng mục tiêu, đúng tiến độ thực hiện dự án.

Cùng với đó, phát huy trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu địa phương, đơn vị chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị nhà thầu xây dựng kế hoạch, phương án thi công và kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng dự án, công trình; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án cụ thể theo kế hoạch đã đề ra; đôn đốc, chủ động tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.

Đặc biệt, các chủ đầu tư, địa phương rà soát tất cả các gói thầu, nhà thầu để kiểm soát chặt chẽ đối với việc tạm ứng vốn, thanh toán giai đoạn, hoàn ứng; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn ngân sách nhà nước, tạm ứng quá hạn hợp đồng, vi phạm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn theo thiết kế công trình, trong nghiệm thu khối lượng, vi phạm trong quá trình tổ chức thi công và thời hạn quyết toán công trình..., gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước, lãng phí, tiêu cực trong đầu tư. (Baoquangninh.vn 21/5, Mạnh Trường)Về đầu trang

Sơn La: Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 19% kế hoạch

Tổng các nguồn vốn đầu tư công thực hiện trong năm 2024 của tỉnh Sơn La gần 4.236 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm trước được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 trên 396,6 tỷ đồng; kế hoạch vốn năm 2024 trên 3.839 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh giải ngân được trên 804,7 tỷ đồng, bằng 19% tổng kế hoạch vốn năm.

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Sơn La, hiện trên địa bàn tỉnh có 17 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình chung toàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn 9 đơn vị chưa giải ngân.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh Sơn La đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư tập trung thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao vai trò của người đứng đầu các địa phương.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư phải nâng cao trách nhiệm trong quản lý và chủ động đề xuất các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để giải quyết các khó khăn vướng mắc; yêu cầu nhà thầu thi công ký cam kết về tiến độ thực hiện theo từng tháng, quý và phải đảm bảo nguồn nhân lực để tổ chức thi công, nhất là đối với các công trình có ý nghĩa kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiến độ, chất lượng yêu cầu; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Sơn La cũng yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường công tác nghiệm thu từng giai đoạn dự án để giải ngân vốn kịp thời khi có khối lượng hoàn thành, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục ngay để thanh toán với Kho bạc Nhà nước để đưa các công trình vào sử dụng theo đúng thời gian quy định. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 21/5, Vân Hà)Về đầu trang

XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn giải ngân “ì ạch”

Có nghịch lý tồn tại suốt thời gian qua là khi cả doanh nghiệp và người dân xây dựng và mua nhà ở xã hội đều gặp khó khăn về tài chính nhưng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội giải ngân rất chậm do lãi suất cho vay cao, thời gian ưu đãi ngắn, điều kiện để vay nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được...

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, chưa đến 1%. Cụ thể, ngân hàng BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền 95,7 tỷ đồng; Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền l.128,6 tỷ đồng; Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền l.415,7 tỷ đồng.

Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), có thêm TPbank tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 33 với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, việc triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên, việc giải ngân còn chậm. Việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Đến nay đã có 129 dự án nhà ở xã hội với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.

Ngoài ra, giải ngân chậm do một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng, không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…

Dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng lãi suất cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên “chưa thực sự thu hút người vay”.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, chúng ta chỉ sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất chứ không sử dụng nguồn này cho vay. Chúng ta nên tránh áp đặt vào các quy định hành chính vì có thể nảy sinh những rủi ro. Với nguồn tín dụng này, nên xem xét trên cả yếu tố liên quan đến quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cấp tín dụng cũng như hỗ trợ lãi suất.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây chỉ là một gói tín dụng mang tính tự nguyện nên tính pháp lý không cao. Mức giảm lãi suất công bố 1,5% với chủ đầu tư và 2% với người mua nhà nhưng trên thực tế lãi cho vay vẫn còn khá cao, chưa đủ để hấp dẫn. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.

“Với các cá nhân được hưởng ưu đãi của gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội, cần quy định rõ bao nhiêu điều kiện, những điều kiện đó là gì, thời hạn vay ra sao, mức độ vay thế nào? Nếu thời hạn vay kéo dài từ 20 đến 25 năm được giảm lãi suất là một khoản lớn, nhưng chỉ áp dụng 3- 5 năm thì không được bao nhiêu”, ông Thịnh nói. (Tienphong.vn 21/5, Ngọc Mai)Về đầu trang

Bạc Liêu mổ xẻ nguyên nhân cả tỉnh chưa có căn nhà ở xã hội nào

Ngày 21/5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị chuyên đề giải pháp tháo gỡ khó khăn thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đề án trên, tỉnh Bạc Liêu triển khai kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Hiện trên địa bàn có 5 địa phương có danh mục dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, chưa có dự án nhà ở xã hội nào được lập đề xuất chủ trương đầu tư làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư.

Nguyên nhân một số danh mục phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn các huyện nằm xa trung tâm tỉnh, điều kiện kết nối hạ tầng chưa đồng bộ và thông thoáng, kinh tế khó khăn nên chưa thu hút được các nhà đầu tư đến với địa bàn các huyện. Cùng với đó, các địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội như: lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, đề xuất chủ trương đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất ...

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho rằng, hiện nay đất sạch dành cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa có. Các dự án nằm trong quy hoạch có nhiều dự án chưa giải phóng xong mặt bằng; chưa có đất sạch.

Trước những khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Hữu Trí chỉ đạo các sở, ngành liên quan kịp thời, phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp thực hiện nhiệm vụ về phát triển nhà ở xã hội. Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội. Dành nguồn ngân sách để hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng; đầu tư đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh; rà soát những vướng mắc trong thực tiễn kịp thời tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. (Laodong.vn 21/5, Nhật Hồ)Về đầu trang

Có chính sách tốt, không thiếu tiền mà vẫn thiếu nhà ở xã hội thì xem lại trách nhiệm địa phương

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại thông thường... hôm 17/5.

Yêu cầu này được Thủ tướng đưa ra tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó, hoàn thành 75 dự án với 39.884 căn. 128 dự án khác với 115.379 căn đã khởi công.

Nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỉ đồng nhưng đến nay, các ngân hàng thương mại mới giải ngân với hơn 1.100 tỉ đồng. Nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An có tỉ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu.

Không phải đến bây giờ Chính phủ mới "sốt ruột", có chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Từ hơn 5 năm trước, hàng loạt chính sách ưu đãi về đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp cho công nhân, lao động đô thị đã được triển khai rầm rộ. Các bộ ngành, chính quyền các địa phương đều vào cuộc đồng bộ, tuy nhiên tiền không giải ngân được, dự án triển khai chậm.

Hầu hết ở các địa phương, doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội đều kêu khó khăn tiếp cận đất đai. Nhưng cũng chính các nhà đầu tư bất động sản, khi xây dựng các khu đô thị mới, các dự án bất động sản lại không trích quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội theo quy định.

Với nhiều ưu đãi về chính sách đất đai, vốn vay... giá bán lẽ ra phải rẻ, người tiếp cận phải là công nhân lao động, người thu nhập thấp. Nhưng thực tế thì ngược lại. Như dự án nhà ở xã hội tại Chung cư An Trung 2, Thanh tra TP.Đà Nẵng từng phát hiện 80/324 trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phụ trách, thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán. Khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng.

Điều này tạo thêm điều kiện cho cả doanh nghiệp lẫn người mua. Tuy vậy, vai trò giám sát của chính quyền hết sức quan trọng. Phải kiên quyết buộc các chủ doanh nghiệp thực hiện triệt để việc trích 20% quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án bất động sản, khu đô thị mới. Thậm chí, rà soát, truy thu, quy đổi... để có đất ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội.

Kéo dài thời gian vay (lên 10-15 năm), giảm lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại, tạo điều kiện cho vay vốn đơn giản, thuận lợi hơn... cho doanh nghiệp và người dân là cần thiết, nhưng quan trọng là chính quyền các địa phương phải kiểm soát xét duyệt hồ sơ, đảm bảo đúng đối tượng được mua, thì nhà ở xã hội mới có giá rẻ, người lao động nghèo, công nhân mới tiếp cận được.

Khi nào các doanh nghiệp không xem nhà ở xã hội là sản phẩm bất động sản kiếm lời thì mới thúc đẩy nhanh các dự án mang nặng tính an sinh xã hội này được. (Laodong.vn 21/5, Thanh Hải)Về đầu trang

Thời của nhà ở xã hội, được chứ!

Có gì chưa ổn, còn vênh lớn giữa mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội và các chính sách đang triển khai. Thử nhìn qua các con số: chưa đến 1% (640 tỉ đồng) được giải ngân từ gói 120.000 tỉ đồng sau hơn một năm triển khai.

Tại TP.HCM, từ 2021 đến quý 1-2024 chỉ có ba dự án với 865 căn xây xong, còn sáu dự án đang triển khai. Ngược lại, trong danh sách chờ gỡ vướng pháp lý có đến 37 dự án với số lượng căn lên đến 35.000...

Mới nhất, về chính sách, sẽ bổ sung thêm hình thức cho thuê nhà ở xã hội, có thêm lựa chọn cho người lao động, thay vì chỉ bán, sở hữu. Nhưng xây và cho thuê mới chỉ là bàn, bởi còn phải kèm theo nhiều hỗ trợ từ Nhà nước, như tư nhân đang tự xoay, chẳng ai có thể vay ngân hàng để xây và cho thuê nhà ở xã hội - như ý kiến của doanh nghiệp nêu tại tọa đàm mới đây do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Thế mới biết, đâu phải cứ ra chủ trương, thậm chí có tiền, là có ngay nhà ở xã hội phục vụ cho dân.

Nếu nói phát triển nhà ở xã hội là ưu tiên thì chí ít thủ tục dù chặt chẽ nhưng cũng phải dễ thực hiện, tinh gọn hơn so với nhà ở thương mại. Nhưng điều mà mọi doanh nghiệp đều ngán ngại, kể cả làm nhà ở xã hội, vẫn là hai chữ "thủ tục". Mà không xong thủ tục, dự án chưa đủ pháp lý, làm sao ngân hàng có thể giải ngân.

Với doanh nghiệp bất động sản, thời gian là tiền bạc. Vậy mà mỗi lần có vướng mắc, một văn bản gửi đi mất cả tháng mới được hồi âm, thậm chí chẳng được hồi đáp.

Như chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM cho biết dù có đất nhưng mất đến 5 năm nhưng vẫn chưa xong thủ tục để xây dựng. Lãi suất cho vay thương mại bình quân khoảng 13%/năm, phải chờ 5 năm, lãi phát sinh chóng mặt, sao có thể giảm được giá thành cho người mua nhà ở xã hội.

Đành rằng nhà ở xã hội được ưu đãi vì thế phải chặt chẽ để không bị trục lợi. Nhưng quy trình hậu kiểm nghiêm ngặt cũng khiến đơn vị thực hiện "ngại ra mặt" và cảm thấy thông cảm, thậm chí "đáng thương" cho cán bộ các sở ngành đã ký duyệt dự án.

Thậm chí ngay UBND phường xác nhận đối tượng mua nhà cũng mất ăn mất ngủ khi có kiểm tra. Áp lực đó là có thật, và để giảm bớt áp lực, mọi thứ lại đổ ngược lại cho chủ dự án, cho người mua nhà ở xã hội, không chuẩn thì khó qua...

Nhìn chung, dù được hàng triệu người kỳ vọng và là chương trình lớn của quốc gia, được ưu tiên thực hiện, nhưng nếu kể khó về quá trình xây dựng và mua nhà ở xã hội, câu chuyện sẽ còn dài, rất dài, thậm chí có cả chua xót lẫn bất bình.

Vì vậy, lúc này mọi người đang hy vọng "trời sẽ sáng" cho những doanh nghiệp xây dựng và người có nhu cầu nhà ở xã hội khi Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ 1-7. Trong đó sẽ quy định rõ ràng hơn về quỹ đất, cho vay ưu đãi, điều kiện để nhận ưu đãi...

Một hành lang pháp lý mới sẽ định hình lại thị trường phát triển nhà ở xã hội. Nhưng điều quan trọng là các quy định mới đó phải được triển khai trong tâm thế mới, phải đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng người lao động muốn an cư. Nếu không, sẽ còn chật vật để thực hiện mục tiêu 1 triệu nhà ở xã hội. Hãy làm tất cả để hình thành "thời của nhà ở xã hội", đó là món quà lớn nhất dành cho hàng triệu người có thu nhập thấp. (Tuoitre.vn 21/5, Ngọc Hiển)Về đầu trang

QUẢN LÝ

36 địa phương nguy cơ ùn tắc đăng kiểm, gỡ cách nào?

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nếu các vụ án sai phạm đăng kiểm đồng loạt xét xử trong tháng 7/2024 dự báo có đến 84 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa trong thời gian 3 tháng. Nguy cơ ùn tắc, quá tải đăng kiểm chắc chắn xảy ra và đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai.

Công suất kiểm định tối thiểu một tháng 642.240 phương tiện, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024 bởi nhu cầu kiểm định cả nước tháng cao nhất chỉ hơn 500.000 xe.

Tuy nhiên, do việc phân bố các trung tâm đăng kiểm không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa cộng với các phương tiện được tự động gia hạn đăng kiểm theo quy định tại Thông tư 08/2023 và số phương tiện tạm dừng hoạt động trước đây nay thực hiện kiểm định trở lại, dẫn đến tình trạng ùn tắc kiểm định có nguy cơ tái diễn vào các tháng giữa và cuối năm 2024 tại 11 địa phương.

Các địa phương này gồm: Bình thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, TP.HCM và Trà Vinh. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP.HCM đã xuất hiện tình trạng ùn ứ phương tiện cục bộ tại một số thời điểm trong thời gian vừa qua.

Trong các tháng tới đây, khi các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm tại các địa phương được đưa ra xét xử sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định. Theo số liệu thống kê, đã có 42 địa phương với 112 trung tâm đăng kiểm có các đăng kiểm viên bị khởi tố.

"Với lượng phương tiện đến kiểm định gia tăng và việc các cơ quan tố tụng đưa vụ việc ra xét xử trong thời gian tới đây như đã phân tích ở trên thì cả nước có tới 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định.

Bao gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, TP.HCM, Trà Vinh và Tuyên Quang.

Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như: Bắc Kạn và Thái Bình. Việc này sẽ ảnh hưởng và thậm chí dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện từ 36 địa phương trên.

Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái thời gian trước là một ví dụ điển hình khi dù năng lực kiểm định xe tại địa phương dư thừa song vẫn xảy ra ùn tắc vì xe từ các tỉnh khác di chuyển về kiểm định", Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh.

Về tình hình nhân lực, theo thống kê, cả nước có 2.474 đăng kiểm viên nhưng hơn 900 người đã bị khởi tố. Trong số 1.818 đăng kiểm viên thực tế đang tham gia hoạt động kiểm định hiện nay, có 291 người bị khởi tố.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trường hợp các vụ án đăng kiểm đồng loạt xét xử trong tháng 7/2024, dự báo sẽ có 91 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa trong thời gian 3 tháng, tức là đến hết tháng 9/2024 mới có thể mở cửa hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, 100% các trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam tại Hà Nội và TP.HCM sẽ phải đóng cửa. Nguy cơ ùn tắc tại các địa phương là chắc chắn sẽ xảy ra và đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai.

Lấy ví dụ tại Hà Nội, hiện có 28/31 trung tâm đăng kiểm với 50/63 dây chuyền đang hoạt động (3 trung tâm chưa thể hoạt động do không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực). Tổng số đăng kiểm viên ở 28 trung tâm này là 204 người, trong đó có tới 113 đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng vẫn đang làm việc.

Khi tòa án xét xử đồng thời các vụ án tại các trung tâm đăng kiểm (dự kiến diễn ra trong tháng 7 và kéo dài khoảng 1 tháng) sẽ chỉ còn 91 đăng kiểm viên của 28 trung tâm thực hiện kiểm định do các đăng kiểm viên phải dự phiên xét xử.

Đồng nghĩa với việc có 9 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động do không đủ đăng kiểm viên, 19 trung tâm hoạt động trong đó 4 đơn vị hoạt động với công suất tối thiểu do chỉ còn 2 đăng kiểm viên. Tổng công suất đạt được trong tháng khoảng 35.880 phương tiện trong khi lượng phương tiện có nhu cầu kiểm định lên đến 90.552 phương tiện (chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của người dân).

Lo ngại hơn, trường hợp các đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án có hiệu lực, dự báo sẽ có 26/28 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động do có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên.

Lấy ví dụ tại Hà Nội, hiện có 28/31 trung tâm đăng kiểm với 50/63 dây chuyền đang hoạt động (3 trung tâm chưa thể hoạt động do không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực). Tổng số đăng kiểm viên ở 28 trung tâm này là 204 người, trong đó có tới 113 đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng vẫn đang làm việc.

Khi tòa án xét xử đồng thời các vụ án tại các trung tâm đăng kiểm (dự kiến diễn ra trong tháng 7 và kéo dài khoảng 1 tháng) sẽ chỉ còn 91 đăng kiểm viên của 28 trung tâm thực hiện kiểm định do các đăng kiểm viên phải dự phiên xét xử.

Đồng nghĩa với việc có 9 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động do không đủ đăng kiểm viên, 19 trung tâm hoạt động trong đó 4 đơn vị hoạt động với công suất tối thiểu do chỉ còn 2 đăng kiểm viên. Tổng công suất đạt được trong tháng khoảng 35.880 phương tiện trong khi lượng phương tiện có nhu cầu kiểm định lên đến 90.552 phương tiện (chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của người dân).

Lo ngại hơn, trường hợp các đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án có hiệu lực, dự báo sẽ có 26/28 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động do có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên.

Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới khi các vụ án được đưa ra xét xử và các đăng kiểm viên bị kết tội, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đã báo cáo Bộ GTVT về tình hình kiểm định xe cơ giới trong thời gian tới.

Từ đó, đề xuất sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó, loại trừ trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm để tránh tình trạng các đơn vị đăng kiểm bị thiếu đăng kiểm viên và bị dừng hoạt động, gây thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, Cục này kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng không thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên đối với các trường hợp bị toà án kết tội, cho hưởng án treo, không cấm hành nghề hoặc cho cải tạo không giam giữ.

Đồng thời, kiến nghị không đóng cửa các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên đối với các vụ án đăng kiểm bị khởi tố trước thời điểm ban hành Nghị định 30/2023 (tức trước ngày 8/6/2023).

Cùng đó, đề xuất Bộ GTVT có văn bản đề nghị thành uỷ, tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương chuẩn bị các kịch bản, kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra trong hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Mặt khác, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT các địa phương và các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp chủ động thực hiện đăng kiểm sớm hoặc di chuyển tới các địa phương khác có nhiều trung tâm đăng kiểm đang hoạt động để kiểm định. (Baogiaothong.vn 21/5, Yến Chi)Về đầu trang

Hà Nội yêu cầu khắc phục tình trạng làm việc cầm chừng, bàn lùi

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến vừa ký ban hành Kết luận số 155 thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 31/5/2021 của Thành ủy Hà Nội về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Theo Kết luận, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04; tiếp tục rà soát, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết đảm bảo tiến độ, chất lượng; tập trung khắc phục ngay các nội dung tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn gắn với công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo...

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong công tác cán bộ theo Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy.

Tiếp tục làm tốt hơn nữa các khâu của công tác cán bộ, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác… để lựa chọn, bố trí đúng người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, trách nhiệm với công việc và sự phát triển của Thủ đô…

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả việc thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp phòng trong các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội…; rà soát, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khắc phục bằng được tình trạng làm việc cầm chừng, tâm lý e dè, "ngại" tham mưu, buông lỏng, né tránh, đùn đẩy công việc được giao, biểu hiện tâm lý "bàn lùi", sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. (Tienphong.vn 21/5, Trường Phong)Về đầu trang

Quảng Trị bị doanh nghiệp đòi tiền bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2024

Ngày 21/5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cho hay, Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) vừa có văn bản gửi Bộ chỉ huy Quân sự và UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị thanh toán kinh phí bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2024.

Theo đó, vào đầu năm 2024, tỉnh Quảng Trị giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh này tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp vào Tết Dương lịch (chương trình Countdown Camel Quảng Trị 2024), với kinh phí hơn 222 triệu đồng và Tết Nguyên đán với kinh phí 329 triệu đồng.

Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Trị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuy nhiên chỉ mới thanh toán tiền pháo hoa dịp Tết Dương lịch, chưa thanh toán 329 triệu đồng dịp Tết Nguyên đán.

Vừa qua, Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 đã có văn bản, đồng thời cử người trực tiếp làm việc với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị để thu hồi công nợ. Do đó, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị bố trí kinh phí, thanh toán công nợ trước ngày 31/5.

Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, kinh phí tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ nguồn xã hội hóa. UBND tỉnh này cũng đã nhận được văn bản trên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và sẽ sắp xếp, thanh toán kịp thời. (Dantri.com.vn 21/5, Nhật Anh)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Bình Thuận đề ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân

Chiều 20/5, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức hội nghị trực tuyến báo cáo phân tích các chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Xanh (PGI) năm 2023 của tỉnh; giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, phân tích kết quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI, PGI năm 2023 của tỉnh Bình Thuận. Theo đó, chỉ số PCI năm 2023, trong bảng xếp hạng Bình Thuận đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc; đạt 68,06 điểm, tăng 3,67% điểm so với năm 2022. Bình Thuận đứng trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.

Trong đó có 2 tiêu chí có trọng số lớn vừa tăng điểm, tăng bậc rất nhiều, đó là tính năng động của chính quyền tỉnh tăng 45 bậc và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng 36 bậc. Việc này, đã tác động rất lớn đến sự tăng hạng PCI Bình Thuận trong năm 2023. PCI năm 2023 của Bình Thuận là năm đạt được thứ hạng cao nhất trong gần 15 năm qua.

Về chỉ số PAR INDEX  năm 2023 của tỉnh xếp thứ 61/63 tỉnh, thành, tăng 2,42% và giảm 1 bậc so năm 2022. Trong khi đó, chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh đạt 79,4%, xếp thứ 56/63 tỉnh, thành, tăng 6,5% và tăng 7 bậc so năm 2022. Có 3/9 nội dung tăng thứ bậc so với năm 2022, gồm: Cải cách thể chế (tăng 4 bậc); Cải cách thủ tục hành chính (tăng 7 bậc) và chỉ số SIPAS (tăng 7 bậc).

Đối với chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh Bình Thuận đạt 42,47/80 điểm - xếp thứ 29/63 tỉnh, thành (giảm 2,07 điểm và giảm 22 bậc so với năm 2022), thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao.

Kết quả chỉ số xanh PGI nhằm hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong bảng xếp hạng PGI năm 2023, Bình Thuận đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 33 bậc, đạt 22,06 điểm, tăng 9,31 điểm.

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp để cải thiện các chỉ số, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng… (Nguoiduatin.vn 21/5, Nguyễn Đắc Phú)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bắc Giang: Thanh tra kiến nghị phê bình Chủ tịch huyện

Thanh tra tỉnh Bắc Giang vừa có kết luận thanh tra toàn diện dự án chăn nuôi của Công ty TNHH Anh An Phú Việt Nam tại xã Tiên Nha, huyện Lục Nam. Theo đó, đã kiến nghị UBND tỉnh phê bình Chủ tịch huyện Lục Nam vì không kịp thời phát hiện, chỉ đạo và có biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm đất đai tại dự án chăn nuôi ở xã Tiên Nha.

Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm tại dự án này. Cụ thể, theo Thanh tra tỉnh Bắc Giang, toàn bộ vị trí và diện tích đất Công ty TNHH Anh An Phú Việt Nam thực hiện dự án nằm trong khu vực quy hoạch cho mục đích quốc phòng.

Dự án chưa được khoanh định trên bản đồ quy hoạch tỉnh Bắc Giang, tại khu vực trên vẫn thể hiện là đất rừng trồng sản xuất, công ty chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất đã tự ý xây dưng trên đất. Công ty thực hiện dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật.

UBND huyện Lục Nam, các cơ quan chuyên môn của huyện gồm các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế và Hạ tầng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn buông lỏng công tác quản lý, không thường xuyên, kịp thời kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm.

Kết luận thanh tra nêu rõ, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam xem xét, kiểm điểm trách nhiệm Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và công chức có liên quan (giai đoạn 2021- 2023) trong việc chưa kịp thời phát hiện, thiếu kiên quyết, quyết liệt trong chỉ đạo và tham mưu xử lý vi phạm.

Chủ tịch UBND xã Tiên Nha kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Tiên Nha (giai đoạn 2021-2023) do để xảy ra các tồn tại, vi phạm nêu trên.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang kiến nghị Huyện ủy Lục Nam chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân cấp huyện, cấp xã có liên quan trong việc để xảy ra các tồn tại, thiếu sót nêu trên.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản phê bình Chủ tịch UBND huyện Lục Nam trong việc không kịp thời phát hiện, chỉ đạo và có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm đất đai tại dự án. (Tienphong.vn 21/5, Nguyễn Thắng)Về đầu trang./.

Các tin khác

09