Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 07/11/2022

Font size : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Thủ tướng trả lời chất vấn về tình trạng né tránh tiếp công dân, "trên nóng dưới lạnh"

2.        Còn tình trạng cán bộ thanh tra vòi vĩnh, ăn uống với đối tượng thanh tra

3.        Kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện

4.        Tổng Thanh tra Chính phủ: Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp

5.        ĐBQH: Vì sao trước đây lương công chức cũng thấp nhưng không nghỉ việc nhiều?

6.        Đại biểu Quốc hội: Bộ trưởng Công Thương trả lời đúng về xăng dầu nhưng sao không thực hành đúng? 

7.        Chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và những phát ngôn ấn tượng

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

8.        Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

9.        Báo Mỹ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á

10.     Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng vượt bậc

11.     Động thái bất ngờ của Bộ trưởng Công Thương về kinh doanh xăng dầu

12.     60% doanh nghiệp hài lòng với cơ chế 1 cửa quốc gia

QUẢN LÝ

13.     Thủ tướng: Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, ai không dám làm thì đứng sang một bên

14.     Ban hành Nghị quyết gỡ khó việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

15.     Đồng bằng sông Cửu Long: Hàng nghìn nhân viên y tế xin nghỉ việc

16.     Bình Dương muốn bắn pháo hoa Tết Dương lịch và Tết Quý Mão 2023 sau hai năm tạm ngưng

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

17.     Top 5 tỉnh thành thu ngân sách lớn nhất 10 tháng đầu năm

18.     Bình Dương tìm cách “tiêu gấp” hàng nghìn tỷ đồng trong 2 tháng

19.     Điều tra vụ chi hàng tỷ đồng tiếp khách của Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai

THẾ GIỚI

20.     Châu Âu ngày càng lún sâu vào suy thoái

 

TIN QUỐC HỘI

Thủ tướng trả lời chất vấn về tình trạng né tránh tiếp công dân, "trên nóng dưới lạnh"

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp của Quốc hội chiều 5/11, đại biểu Hoàng Anh Công (tỉnh Thái Nguyên) nêu lên việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu các cơ quan hành chính một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. 

Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong việc giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành những vụ việc tồn đọng kéo dài. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục việc chưa thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân của người đứng đầu. 

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng khiếu kiện kéo dài, việc cần làm là rà soát việc quy định liên quan đến quy chế, pháp luật còn phù hợp với thực tiễn hay không mà lại để xảy ra tình trạng này. Thứ 2 phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tiếp công dân trong giải trình, thể hiện trách nhiệm của mình trước công dân. 

"Né tránh là không được. Chúng ta đã có nhiều văn bản, quy định về tiếp công dân. Đề nghị các địa phương nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hành động, nhất là người đứng đầu. Đề nghị các đại biểu Quốc hội. Hội đồng nhân dân… tăng cường giám sát việc này" – Thủ tướng nêu rõ. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, đáng trân trọng, nhiều cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", tư tưởng làm ít sai ít. Đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về những vấn đề này cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới. 

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, thành tích phát triển đất nước thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình vận hành, trưởng thành lớn lên cùng đất nước, chúng ta phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài, cơ chế khuyến khích…

Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải rà soát, tổng kết một số nghị quyết của Đảng. Tinh thần chung là chỉ ra kết quả, bất cập để xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, tận tụy phục vụ Nhân dân, lấy xây là chiến lược về cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên. 

Về vấn đề còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", Thủ tướng đánh giá tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng phải tiếp tục kiên trì giải quyết bằng các biện pháp như động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác0020cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch… (VTV.vn 05/11) Về đầu trang

Còn tình trạng cán bộ thanh tra vòi vĩnh, ăn uống với đối tượng thanh tra

Nhìn nhận còn tình trạng cán bộ thanh tra gây phiền hà, nhũng nhiễu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết sẽ tiếp thu ý kiến để sửa đổi quy định chặt chẽ hơn. 

Chất vấn về lĩnh vực thanh tra sáng 5/11, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân. 

Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý. Đại biểu đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới? 

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đồng ý với đại biểu về việc còn tồn tại tình trạng công chức, viên chức giải quyết công vụ, trong đó có cán bộ thanh tra gây phiền hà, cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân hoặc trả lời chung chung, chưa sát với công việc, nhiệm vụ được giao để người dân phải đi lại nhiều lần. "Thậm chí nhiều người còn vòi vĩnh bằng nhiều hình thức khác nhau để vụ lợi cá nhân" – ông Phong cho biết. 

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính còn chậm, chưa đạt yêu cầu, có thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, một số ngành vẫn còn hiện tượng giấy phép con. 

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu ra tình trạng vi phạm đạo đức công vụ và đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá về đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra và giải pháp trong thời gian tới. 

Ông Phong nhận định cán bộ thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra nói chung đã cơ bản thực hiện quy định về đạo đức công vụ của Đảng, Nhà nước. 

Tuy nhiên, cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ lấy ví dụ vụ thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc và một số vụ nhiều năm trước. Dư luận cũng đánh giá cán bộ thanh tra nói chung và thanh tra Chính phủ nói riêng còn gây phiền hà, nhũng nhiễu, chưa đúng theo quy định để vụ lợi cá nhân. 

Ông Phong nêu lại ý kiến của Chủ tịch nước cho biết về việc còn xảy ra việc cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra. Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến đánh giá để sửa đổi quy định chặt chẽ hơn. 

Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, Đại biểu Dương Khắc Mai (tỉnh Đắk Nông) cho biết, trong thời gian qua, còn xảy ra tình trạng cùng một đơn vị, địa phương nhưng trong một thời gian ngắn phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành kiểm tra, kiểm toán. Nội dung có thể khác nhau nhưng làm việc liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị. 

ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Tổng thanh tra cho biết giải pháp trong phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp này trong thời gian sắp tới? 

Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phối hợp với nhau để mà từng bước khắc phục, xử lý chồng chéo. Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra sự chồng chéo, 2 cơ quan có sự bàn bạc. Trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý. 

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. 

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra con số: Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn Ngành thanh tra đã tổ chức 6.301 cuộc thanh tra chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Như vậy bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra. 

Theo đại biểu Yến, hiện nay không những các địa phương, các cơ quan cũng rất bức xúc vì thanh tra, kiểm tra rất nhiều, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của thanh tra, của ngành thanh tra. Đại biểu đề nghị Tống Thanh tra Chính phủ có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra. 

Về vấn đề xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu một số giải pháp như khi tham mưu thủ trưởng quyết định định hướng chương trình thanh tra hàng năm, cần lưu ý hạn chế số lượng thanh tra để đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó có các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, "không vì số lượng mà vì chất lượng". 

"Thanh tra Chính phủ tiến hành 15, 16 cuộc thanh tra mỗi năm cũng không phải là nhiều. Quan trọng nhất là thanh tra bộ ngành xuống các địa phương và thanh tra địa phương. Rất mong thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra lưu ý việc này" - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết. 

Bên cạnh đó, tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện định hướng thanh tra, phối hợp chặt chẽ hơn với Kiểm toán nhà nước để xử lý triệt để trong việc lên kế hoạch, phối hợp giữa bộ ngành, địa phương, hạn chế số lượng thanh tra nhiều như hiện nay. (VTV.vn 05/11, Tạ Hiển) Về đầu trang

Kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện

Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030. 

Tại phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực nội vụ, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 là chủ trương lớn, có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế xã hội, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân các địa phương. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện trong thời gian rất ngắn, chưa đánh giá tác động đầy đủ, chưa lường hết các tình huống phức tạp phát sinh, một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Cho đến nay còn rất nhiều khó khăn, bất cập, chưa được giải quyết. 

Đại biểu đặt câu hỏi tới Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh: Phải chăng chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho công việc hệ trọng và phức tạp này. Việc tổ chức thực hiện trong thời điểm, thời gian và cách làm như vậy có vội vàng, chủ quan không? 

Điều hành phiên chất vấn sáng 5/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, vấn đề này đã có chủ trương từ Bộ Chính trị, Quốc hội đã có Nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo chặt chẽ với phương châm "2 xuống 1 lên" đạt kết quả ban đầu rất là quan trọng, trong thời gian ngắn đã sắp xếp một khối lượng rất lớn. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chuyên đề giám sát và ban hành Nghị quyết 595 và đã sửa đổi Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211 năm 2016. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm, đồng thời đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ thêm. 

Phát biểu về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ đây là chủ trương lớn, quan trọng. 

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo lộ trình và yêu cầu đặt ra. Kết quả, việc thực hiện về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và các đơn vị trong giai đoạn 2019-2021 bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước. 

Ông Phạm Bình Minh cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến cấp thẩm quyền về đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với các đơn vị hành chính, cán bộ, công chức, viên chức ở nơi sắp xếp, nhất là đối với cán bộ dôi dư, cũng như chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. 

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực cũng báo cáo thêm về sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành. Theo đó, Chính phủ cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai với quyết tâm cao, tinh thần quyết liệt và bám sát chủ trương, quy định của Đảng và của Quốc hội. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và chỉ đạo các bộ tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp để kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo bộ máy tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng. 

Kiên quyết sắp xếp lại các tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí và giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, cũng như giảm các đơn vị sự nghiệp công trong các bộ, ngành Trung ương.  

Chính phủ cũng đã quán triệt tất cả các bộ, tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm định, cơ quan có liên quan và tạo được sự đồng thuận để đưa ra nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy của các Bộ. 

Đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành 15 nghị định liên quan đến các bộ, còn lại 11 bộ, ngành sẽ được tiếp tục ra các nghị định về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ trong thời gian tới, theo đó dự kiến sẽ giảm 17 tổng cục, 8 cục và 145 vụ. 

Về vấn đề tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định đây là chủ trương lớn của Đảng. Việc này nhằm góp phần đổi mới chế độ công vụ và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương. 

Trước những vấn đề mà các đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn liên quan đến tinh giản biên chế và tình trạng cán bộ, công chức thôi việc, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế theo đúng lộ trình mục tiêu đặt ra tại các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. 

Đến năm 2021, đã giảm được hơn 27.000 biên chế công chức, hơn 236.000 biên chế viên chức. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc tinh giản biên chế còn mang tính chất cơ học, cào bằng và chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. 

"Chính phủ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, sắp xếp các đơn vị hành chính, hoàn thiện vị trí việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cải cách hành chính. Đổi mới công tác đánh giá bảo đảm thực chất quan tâm đến việc bố trí công tác giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Về vấn đề biên chế giáo dục và y tế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và cũng là bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp", "có bệnh nhân phải có cán bộ y tế". (VTV.vn 05/11)Về đầu trang

Tổng Thanh tra Chính phủ: Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp

Việc xử lý thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đây là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế. 

Sáng 5/11, trong phiên chất vấn về lĩnh vực Thanh tra, đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) cho biết qua hoạt động thanh tra ngành thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Từ đó, đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng và những tồn tại, hạn chế nguyên nhân? 

Trả lời vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, các cơ quan đã xử lý hành chính 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân. Trong đó, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng. 

Tuy nhiên, việc xử lý sau thanh tra còn hạn chế. Về nguyên nhân, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, cơ quan thanh tra không có quyền xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức. Cơ quan thanh tra chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức tiến hành xử lý. 

Bên cạnh đó, ông Phong chỉ ra là quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng về hành chính còn chưa đồng nhất. Nhiều trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét kỷ luật hành chính đã hết thời hiệu. Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi bổ sung nội dung này. 

Về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành là đôn đốc, thanh tra 5586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021. 

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng. 

Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng. 

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu trong hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan từ năm 2011 đến nay, số cuộc thanh tra chỉ chiếm 10%, 90% là kiểm tra. Nếu tiếp tục hoàn thiện Luật Thanh tra cũng chỉ điều chỉnh được 10% trong số này. 

Ông đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động kiểm tra, trong khi hiện giờ mới có Luật Thanh tra và đề nghị có giải pháp ngăn tình trạng cơ quan chức năng lạm dụng hoạt động kiểm tra làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người dân. 

Trả lời đại biểu Nghĩa, ông Đoàn Hồng Phong cho biết dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tách bạch hoạt động kiểm tra và thanh tra. Dự thảo sẽ có một điều khoản quy định rõ về quy trình, trình tự thủ tục của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Còn riêng về quy trình kiểm tra, đây là hoạt động thường xuyên theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước. Thủ tục kiểm tra đơn giản hơn, không theo trình tự thủ tục thanh tra mà theo đặc thù từng ngành, lĩnh vực. 

Ông Phong cho biết đã hướng dẫn về thực hiện quy trình, thủ tục hoạt động kiểm tra. Tới đây khi sửa đổi Luật Thanh tra, việc chồng chéo hoạt động thanh tra, kiểm toán sẽ được giải quyết tốt hơn. Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo cụ thể khắc phục liên quan đến hoạt động kiểm tra. (VTV.vn 05/11, Thùy An)Về đầu trang

ĐBQH: Vì sao trước đây lương công chức cũng thấp nhưng không nghỉ việc nhiều?

Sáng 5/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề về nội vụ. Trao đổi bên hành lang Quốc hội về phần chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trong chiều 4/11, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) đánh giá cao các đại biểu Quốc hội đã đi vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm đang được đông đảo công chức, viên chức quan tâm. 

Bên cạnh đó, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho thấy tư lệnh ngành nắm chắc các vấn đề đang gặp phải hiện nay và đã có kế hoạch chủ động khắc phục những bất cập. Đơn cử như tiền trợ cấp cho đối tượng công chức cơ sở chuyên trách và không chuyên trách còn nhiều điểm chưa hợp lý được quy định trong Nghị định 34 được nhiều đại biểu nêu, hiện Bộ Nội vụ đã xây dựng được kế hoạch để lấy ý kiến 63 tỉnh, thành phố, sửa đổi quy định này. 

“Số lượng công chức cơ sở không chuyên trách, bán chuyên giảm đi, số lượng công việc tăng lên, trọng trách của những cán bộ này không khác gì cán bộ chuyên trách, nhưng tiền lương hỗ trợ thì lại quá thấp. Tôi hy vọng rằng những gì Bộ trưởng đã hứa sẽ sớm làm được để đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước", đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh. 

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, về giải pháp giữ chân công chức, viên chức ở lại hệ thống công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều giải pháp như cải cách tiền lương, song cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường làm việc, làm sao để công chức có điều kiện phát huy hết được năng lực, trình độ, sự sáng tạo của mình. 

“Chúng ta cần giải pháp đồng bộ, trong đó có cải thiện môi trường làm việc, cải tiến cách thức tuyển dụng, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ, đánh giá thi đua khen thưởng cho đến cải cách tiền lương, làm sao để công chức làm việc trong môi trường công cảm thấy xứng đáng với những gì mà họ cống hiến. Phải tạo ra được môi trường làm việc thực sự dân chủ, thân thiện để công chức dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những việc mới, việc khó, đáp ứng kỳ vọng của người dân cả nước. Nếu thực hiện được đồng bộ những giải pháp này sẽ giải quyết được căn cơ nhất hiện tượng cán bộ công chức nghỉ việc, thôi việc”, đại biểu nói. 

Còn theo đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang), một trong những vấn đề lớn đang rất được cử tri cả nước quan tâm là biên chế và tinh giản biên chế. “Đại biểu muốn nghe những giải pháp cụ thể từ Bộ Nội vụ về vấn đề này, không phải những giải pháp chung chung. Trong phiên chất vấn chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã nêu ra các giải pháp khá cụ thể, mong rằng trong thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ kịp thời sửa quy định bất cập về chế độ lương phụ cấp với đối tượng công chức chuyên trách và không chuyên trách cơ sở, nhất là đội ngũ cấp xã để họ yên tâm công tác. 

Phải nói thẳng rằng, có thực mới vực được đạo, nhưng cũng cần lật lại vấn đề, trước đây lương công chức cũng thấp nhưng tình trạng nghỉ việc không nhiều hơn hiện nay, vậy còn nhiều nguyên nhân khác ngoài lương, trong đó có môi trường làm việc không tạo ra cơ hội để họ phát huy năng lực, khối lượng công việc nhiều, áp lực…”. 

Đại biểu kỳ vọng sau buổi chất vấn, ngành Nội vụ sẽ có giải pháp kịp thời giải quyết các vấn đề “nóng” hiện nay. Trong khi luật chưa sửa đổi, các nghị quyết chưa được ban hành, thì Chính phủ cũng cần có những giải pháp tạm thời để giải quyết sớm nhất các vướng mắc này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Thuế) nhận định, ngay trong phần giải trình ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thể hiện được trách nhiệm, tinh thần cầu thị và sự thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm trong công tác của ngành hiện nay. 

Với những vấn đề mà ngành Nội vụ đang gặp phải, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần giải quyết kịp thời không chỉ bằng Luật mà cần những văn bản dưới luật cụ thể, đi vào thực tiễn để giải quyết căn cơ các vấn đề con người, cán bộ - gốc rễ của mọi công việc. Trong đó phải tháo gỡ những băn khoăn về mặt tinh thần, tâm lý làm việc cho cán bộ cũng như giải quyết về tiền lương, thưởng, những nền tảng cơ bản để tạo dựng cuộc sống và nâng cao cuộc sống công chức, viên chức. (VOV.vn 05/11, Nguyễn Trang)Về đầu trang

Đại biểu Quốc hội: Bộ trưởng Công Thương trả lời đúng về xăng dầu nhưng sao không thực hành đúng?

Chiều 5-11, trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay ông chưa hài lòng về vấn đề xăng dầu được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình trong phiên chất vấn tổng Thanh tra Chính phủ. 

Theo ông Trí, thực tế vấn đề xăng dầu đã được đề cập ở các kỳ họp trước nhưng đến nay diễn biến phức tạp hơn nhiều, nhất là sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine và chính Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói xăng dầu thế giới biến động từng giờ. 

Song ông Trí cho rằng vấn đề giá xăng dầu của chúng ta vẫn điều hành theo nghị định 95, tức muốn thiết lập giá ngày hôm nay bán phải lấy giá 10 ngày trước xong cộng lại đưa ra giá trung bình… Điều này khiến các nhà kinh doanh xăng dầu nói thường bị chậm tới 20 ngày. 

"Giá xăng dầu biến động từng giờ mà giờ chậm 10 - 20 ngày thì làm sao theo kịp được?". "Rõ ràng nghị định 95 là do Bộ Công Thương soạn sau đó trình lên Chính phủ, vậy tại sao khi thấy đây là điểm nghẽn mà không chịu tháo gỡ?", ông Trí nói và cho hay trong phần trả lời được bộ trưởng nêu ra thì Thủ tướng đã chỉ đạo phải sửa rồi thì tại sao không làm sớm, làm ngay? 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất có thể sửa đổi theo hướng giá thay đổi hằng ngày, không có con số cố định mà do Bộ Công Thương quyết định, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để các nơi dùng. "Việc này cần thực hiện sớm", ông Trí nói thêm. 

Một vấn đề khác được ông Trí chỉ ra đó là hiện nay vấn đề xăng dầu cho quá nhiều đầu mối tham gia, với 36 thương nhân đầu mối, hơn 300 thương nhân phân phối, bán lẻ dẫn đến rối loạn, không quản lý được. 

Trong trả lời Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói nhiều tầng nấc làm tăng chi phí và không ký thêm mà chỉ gia hạn cho các thương nhân này. Song rõ ràng nếu đã thấy bất hợp lý thì phải tổ chức phân phối xăng dầu cho phù hợp hoàn cảnh. 

"Cơ quan quản lý nhà nước có đủ thẩm quyền để làm việc đó. Xăng dầu trong nền kinh tế giống như máu trong cơ thể, nếu xăng dầu không đủ thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Vấn đề xăng dầu phải giải quyết ngay trong 1-2 ngày chứ hiện nay rõ ràng đã để lâu rồi", ông Trí nêu thêm. 

Ông nhấn mạnh: "Cá nhân tôi và có lẽ nhiều người cũng thấy rằng bộ trưởng Bộ Công Thương đã giải trình, trả lời rất đúng. Nhưng có điều thắc mắc là bộ trưởng nghĩ đúng, trả lời đúng nhưng tại sao không thực hành đúng như vậy?". 

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cũng nêu rõ trong báo cáo trước khi trả lời chất vấn Thủ tướng cũng đã chỉ rõ vấn đề tồn tại liên quan xăng dầu. 

Ông cho rằng diễn biến xăng dầu trên thế giới cực kỳ nhanh cho nên việc điều chỉnh không có tiền lệ nên còn có những lúng túng. Nhưng điều quan trọng là khi đã nhận ra tồn tại, thừa nhận nó thì cần đưa ra các giải pháp để gỡ. (Tuoitre.vn 05/11, Thành Chung)Về đầu trang

Chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và những phát ngôn ấn tượng

Phiên chất vấn 4 thành viên Chính phủ kéo dài 2,5 ngày, kết thúc chiều 5/11 với nhiều phát ngôn ấn tượng. 

Không ít nơi quy hoạch “treo bền vững”: Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, ngày 3/11, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn Đắk Nông nói: “Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhà nước về phát triển đô thị đã đạt được những bước tiến mới quan trọng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, chất lượng quy hoạch không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng quy hoạch nhiều năm không thực hiện hay còn gọi là quy hoạch treo và không ít nơi treo bền vững, gây lãng phí các nguồn lực của xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước, gây bức xúc trong dư luận và người dân...”.

“Ngập úng đô thị ở khắp nơi, cứ mưa là lụt, không mưa cũng ngập”: Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Bắc Giang nhấn mạnh điều này khi chất vấn Bộ trưởng Xây dựng. Theo ông, hiện nay thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi, từ núi cao như Lào Cai, Đà Lạt tới ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay ở giữa như Hà Nội, mưa là lụt và không mưa cũng ngập. 

“Dân sửa nhà trong ngõ sâu mà thanh tra vẫn biết, cao ốc vi phạm sao không phát hiện”: Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn Bắc Kạn chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Cử tri phản ánh có tình trạng người dân sửa chữa nhà cửa tận trong ngõ sâu nhưng thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí là các cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng các cơ quan chức năng lại không phát hiện ra. Cử tri băn khoăn liệu có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này hay không?”. 

“Xử lý thông tin xấu độc không cẩn thận thành ra PR cho người muốn đốt đền”: Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn Phú Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông: “Ngăn chặn tác hại của thông tin xấu, độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng. Xử lý một trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn và nếu xử lý không cẩn thận thì có thể lại dẫn đến tình trạng PR cho người muốn đốt đền, muốn nổi tiếng...”. 

“Căn cứ nào hỗ trợ Smart phone trong khi người dân cần cây, con giống”: Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn Quảng Trị chất vấn Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông: Bộ trưởng nói sẽ hỗ trợ cho mỗi người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số một máy Smart phone (điện thoại thông minh). Bao nhiêu người dân được hỗ trợ này và dự kiến số tiền bao nhiêu? Căn cứ vào chính sách nào để hỗ trợ máy Smart phone, trong khi người dân đang cần cây, con giống, hạ tầng phục vụ cho sản xuất và nhiều điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống? 

“Không khí bẩn đầu độc phổi, thông tin xấu đầu độc não”: Trao đổi với đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên về việc phải có “đề kháng” với thông tin xấu độc, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng thể hiện sự nhất trí với đại biểu và cho rằng, tất cả các thứ đều cần sức đề kháng. Trên không gian mạng thì tin giống như không khí, tin xấu mà nhiều tức là không khí bị vấy bẩn. Chúng ta sáng nào cũng đọc thông tin trên mạng, nó đầu độc chúng ta, không khí thì đầu độc phổi, thông tin thì đầu độc não…”. 

"Phải giữ lực lượng tinh hoa trong bộ máy Nhà nước”- Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phản hồi với quan điểm cho rằng, phục vụ công cũng như phục vụ tư, miễn là đóng góp, cống hiến cho xã hội. Ông nói: “Theo nhận thức của tôi và tôi đã tìm hiểu, thì các nước xung quanh chúng ta như Singapore, việc trả lương cho công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, bởi vì sẽ giữ được những người giỏi để kiến tạo chính sách, hoạch định chiến lược và để quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển". 

"Tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên là việc cấp bách": "Chia lửa" với Bộ trưởng Nội vụ, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về định mức biên chế ngành giáo dục, thiếu nguồn tuyển giáo viên ở địa phương, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, Bộ sẽ đề xuất tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nghề giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học. "Đây là vấn đề cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần có thực thì đạo mới vực được", Bộ trưởng Sơn nói. 

“Kiểm soát tài sản của đối tượng tham nhũng vẫn còn khoảng trống”: Đại biểu Phạm Nam Tiến – Đoàn Đắk Nông chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ: “Hiện còn đến 40-50% số tài sản chưa được thu hồi lại trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi, chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của đối tượng tham nhũng đang đứng tên, chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát…”. 

“Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường”: Báo cáo giải trình tại phiên chất vấn, khi đề cập công tác điều hành giá và nguồn cung xăng dầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước. Thủ tướng nhấn mạnh: “Các quy định thiết lập trong tình hình bình thường nhưng đến khi tình hình không bình thường thì chúng ta phản ứng chính sách chưa kịp thời. Tình hình không bình thường đáng lẽ phải có biện pháp khác thường. Chính phủ sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”. (VOV.vn 06/11, Thanh Hà)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Tuần qua, nhiều tờ báo đã dành không ít tin bài để phản ánh tình hình kinh tế những tháng cuối năm. 

Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 7,5 - 8,2%: Nổi bật trên trang nhất của tờ Lao động là hàng tít đáng chú ý: "Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 7,5 - 8,2%". Theo bài báo, trong 10 tháng đầu năm nay, nền kinh tế tăng trưởng lạc quan dù ngoại cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là động lực để thúc đẩy tăng trưởng quý 4 và cả năm 2022 bật tăng mạnh mẽ, đưa GDP cả năm ước đạt từ 7,5 - 8,2%. Những điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng là xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, sản xuất công nghiệp, sản xuất dịch vụ… Trong đó, đáng chú ý là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 10 tháng đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. 

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ: Với hàng tít "Kinh tế phục hồi mạnh mẽ", báo Người Lao động nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 10 và 10 tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi, nổi bật là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Đáng chú ý, mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu Fitch Ratings vừa xếp hạng kinh tế Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB. 

Theo Fitch Ratings, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh trong trung hạn, nợ Chính phủ thấp hơn so với các quốc gia tương ứng, giúp đảm bảo vị thế tài khóa ổn định. Hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng đánh giá Việt Nam có sức tăng trưởng kinh tế dẫn đầu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. 

Với những con số thuyết phục trên, rõ ràng gam màu sáng đang là chủ đạo trong bức tranh kinh tế nước ta. Tuy nhiên bên cạnh sự lạc quan, không ít tờ Báo đã nhấn mạnh đến thông điệp "phải tăng tốc để về đích" khi chỉ còn gần 2 tháng nữa, năm 2022 sẽ khép lại. Phía trước vẫn còn không ít thách thức để nền kinh tế có thể "về đích" và đạt được các chỉ tiêu đã đề ra theo kế hoạch. 

Những thách thức đó đã được chỉ rõ, có thể kể đến như: sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine cũng như xu hướng thắt chặt tài khóa, tiền tệ gia tăng trước bối cảnh lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nước; việc giá cả nhiều mặt hàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng gây nhiều áp lực lên giá cả đầu vào sản xuất tại Việt Nam… chắc chắn là không thể chủ quan trước các thách thức lớn này. 

Kinh tế 2022: Chặng đua nước rút: Báo Đầu tư còn nhấn mạnh, phải thẳng thắn nhìn vào thực tế là tính bền vững của tăng trưởng kinh tế chưa cao, sức chống chịu của nền kinh tế cũng còn yếu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, quan trọng là làm sao giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế và không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt từ đầu năm đến nay, do đó cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. 

Kinh tế Việt Nam tăng tốc nhưng chịu không ít áp lực: Tập trung vào các áp lực mà nền kinh tế đang phải đối mặt, tờ Pháp luật TPHCM đưa ý kiến các chuyên gia cho rằng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 200% GDP, thuộc nhóm cao trên thế giới. Do độ mở kinh tế Việt Nam rất cao nên nước ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức trước biến động kinh tế toàn cầu. Áp lực lạm phát khiến nhiều nước trên thế giới đang tăng lãi suất cơ bản và đẩy hàng loạt đồng tiền mất giá so với đồng USD. 

Chính phủ chỉ đạo một loạt giải pháp gỡ khó cho xăng dầu: Tuần qua, những giải pháp cấp bách để gỡ khó cho thị trường xăng dầu cũng là một đề tài được quan tâm, bởi ai cũng biết xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân. Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên. Báo Pháp luật TPHCM nhấn mạnh, trong hoàn cảnh đó Chính phủ đã chỉ đạo một loạt giải pháp gỡ khó cho xăng dầu... (VTV.vn 06/11)Về đầu trang

Báo Mỹ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á

Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế thần tốc, dự trữ ngoại hối (đồng USD) và chính sách tiền tệ linh hoạt. Đây là nhận định trong bài viết mới đăng trên báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 1/11. 

Theo tác giả Megha Mandavia, giai đoạn “tăng trưởng vàng” - khi mọi thứ đều cân bằng đến hoàn hảo và những ngày suôn sẻ thuận lợi hậu đại dịch COVID-19 của Việt Nam dường như đã qua. Tuy nhiên, những gì mà Việt Nam làm được đang là điều mà nhiều quốc gia khác mong muốn mà chưa làm được trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, giá cả tăng cao, nhiều biến động thay đổi. 

Bài viết trên WSJ nhấn mạnh Việt Nam có thể sẽ nằm trong số những nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm tới dù đồng tiền nội tệ (VND) yếu hơn và dự trữ ngoại hối đang giảm đi. Dù vậy, trên thực tế, Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế, dự trữ ngoại hối và chính sách tiền tệ linh hoạt. 

Theo tác giả Megha Mandavia, tình hình có thể trở nên phức tạp hơn đối với Việt Nam nếu thế giới rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại mạnh mẽ, tích cực và mức lương nhân công tương đối rẻ, động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Đồng thời, Việt Nam cũng có lợi thế xuất phát từ vị thế tăng trưởng đáng ngưỡng mộ với GDP quý III/2022 tăng vọt 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh. 

Ngoài ra, bài viết của WSJ nhận định rằng Việt Nam cũng được "cách ly" một phần khỏi đà gia tăng giá lương thực toàn cầu và gần như không chịu ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cao trên toàn cầu vì nước này là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nói cách khác, Việt Nam là một cường quốc về lương thực, do đó nỗi ám ảnh tăng giá toàn cầu đối với mặt hàng này không đe dọa quốc gia gần 100 triệu dân. (Baotintuc.vn 05/11, Thọ Anh)Về đầu trang

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng vượt bậc

Tuần qua, báo chí quốc tế đánh giá kinh tế số của Việt Nam ghi nhận những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước những năm tới. 

Theo số liệu từ báo cáo mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, kinh tế số Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, cán mốc 23 tỷ USD. 

Nhờ những thành tựu và triển vọng tăng trưởng, Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings tiếp tục duy trì xếp hạng ở mức BB với triển vọng Tích cực. Fitch kỳ vọng tăng trưởng Việt Nam ở mức 7,4% trong năm nay. 

"Trên thế giới, Việt Nam được xem là một trong những đất nước ổn định và an toàn nhất, hơn nữa cũng có nguồn nhân lực dồi dào, tôi cho rằng đây là những điểm mạnh của kinh tế Việt Nam so với các nước khác. Để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đổi mới và sáng tạo", ông Moribe Hiroyuki, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản, đánh giá. 

Tờ The Wall Street Journal nhận định, Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế ở mức cao, dự trữ ngoại hối và chính sách tiền tệ linh hoạt. 

Việt Nam cũng là một trong các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong cả ngắn hạn và trung hạn trong đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu quý 4/2022 của trang Euromonitor. 

"Động lực chính đằng sau sự tăng trưởng này đến từ các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, thương mại điện tử... Ngoài ra, điều này còn được hỗ trợ từ việc Việt Nam có đông người tiêu dùng kỹ thuật số, lực lượng lao động công nghệ chất lượng cao và sự thâm nhập cao của Internet và di động. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tham vọng là kinh tế số chiếm 20%GDP vào năm 2025. Tôi cho rằng, với quyết tâm của Chính phủ cùng sự phối hợp của các bên, điều này là có thể đạt được", ông Sylvester Kinuthia, Giám đốc khối Ngân hàng giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhận định. 

"Nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh hoặc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh số là rất lớn. Hạ tầng kỹ thuật Internet ở Việt Nam, trong đó bao gồm công nghệ Internet không dây 4G, 5G cũng thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng, làm cho cái nền kinh tế số ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, tôi cho rằng triển vọng kinh tế số ở Việt Nam là rất lớn trong những năm tới", ông Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Thương mại và Đầu tư bang News South Wales (Australia) tại Việt Nam, cho biết. 

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á - số liệu từ báo cáo mới nhất do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố. Theo đó, kinh tế số Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, cán mốc 23 tỷ USD. Thương mại điện tử cũng có tốc độ tăng cao nhất khu vực. 

Trong khi đó, theo trang Diễn đàn Đông Á, Việt Nam đã khẳng định vị thế trong mạng lưới điện tử toàn cầu với mức tăng trưởng trung bình 28,6% về xuất khẩu hàng điện tử, máy tính, linh kiện điện tử trong 10 năm qua. (VTV.vn 06/11)Về đầu trang

Động thái bất ngờ của Bộ trưởng Công Thương về kinh doanh xăng dầu

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa ký Chỉ thị 09 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước giám sát tất cả các cây xăng, kiểm tra làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm theo quy định. 

Chỉ thị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn gây nhiều ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu trên thị trường trong nước khiến cho có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán hàng với số lượng hạn chế, tạo ra ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp. 

Người đứng đầu ngành công thương cho biết đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. 

Song song đó, cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình; yêu cầu các đơn vị hoạt động theo đúng nội dung giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. 

Lực lượng quản lý thị trường cũng cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác. 

Việc kiểm tra loại trừ với các thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang, thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật đã được UBND tỉnh, thành phố cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó. 

Riêng đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định. “Kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào”, chỉ thị nêu rõ.  

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm. 

Trước đó, ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1039 về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong đó có chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia… 

Tại cuộc họp cùng ngày với các doanh nghiệp đầu mối, ông Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các doanh nghiệp dù khó khăn đến đâu cũng không được phép để đứt gãy nguồn cung. Ông Diên cũng cho biết, thời gian qua xuất hiện một số doanh nghiệp đã thoái thác trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tổng giao xăng dầu mà Bộ đã giao cho. 

“Hiện trong 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu của cả nước, mới chỉ có 22 doanh nghiệp thực hiện đạt và vượt kế hoạch được phân giao, kế hoạch bổ sung. Đến thời điểm cho phép, sẽ đề xuất xử lý các doanh nghiệp không thực hiện theo kế hoạch đề ra” - Bộ trưởng Công Thương khẳng định. (Tienphong.vn 05/11, Phạm Tuyên)Về đầu trang

60% doanh nghiệp hài lòng với cơ chế 1 cửa quốc gia

Khoảng 60% doanh nghiệp hài lòng việc thực hiện thủ tục hành chính qua 1 cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Đây là kết quả khảo sát của Tổng cục Hải quan với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).  

Tại Hội nghị công bố kết quả khảo sát được tổ chức vào 3/11, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng các thủ tục hành chính đã có nhiều cải cách đáng kể, nhưng vẫn cần phải tiếp tục thông thoáng hơn nữa. 

Tiết kiệm thời gian từ 26 - 54%, tiết kiệm chi phí từ 18 - 82%, việc bảo mật tốt, đây là đánh giá của hơn 3.000 doanh nghiệp được tham gia khảo sát về cơ chế 1 cửa quốc gia. 

Bên cạnh những mặt tích cực, 64% doanh nghiệp cho biết họ vẫn gặp sự cố trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính và có 59% doanh nghiệp cho biết họ gặp ít nhất một khó khăn nào đó trong quá trình kiểm tra chuyên ngành. 

Cuộc khảo sát được thực hiện trong một năm với 12 thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành. Nhiều chuyên gia cũng nhận định thực hiện thủ tục trên cổng thông tin 1 cửa quốc gia đã giúp các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí, nhưng 60% doanh nghiệp hài lòng vẫn chưa cao, vẫn còn nhiều dư địa để các bộ ngành tiếp tục cải cách hơn. 

"Các con số đạt ở mức trung bình từ 40 - 60%, rất ít đạt 70%. Nhiều cải cách và nỗ lực của chúng ta đáng được ghi nhận, nhưng vẫn đang ở mức trung bình", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đánh giá. 

"Đối với ngành thực phẩm, chỉ Cục An toàn thực phẩm và 2 đơn vị là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện được dịch vụ công cấp độ 4. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay, sau 4 năm, vẫn không có gì thay đổi, vẫn chỉ nguyên 3 đơn vị đó trên toàn quốc, còn tất cả đơn vị khác của an toàn thực phẩm vẫn làm hồ sơ giấy", ông Nguyễn Hoàng Huy, Đại diện Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng của EuroCham, cho biết. 

Hiệp hội Logistics Việt Nam tính toán, trong thời gian tới, chỉ cần chuyển đổi thủ tục thanh lý tờ khai tại cảng từ thủ công sang điện tử là các doanh nghiệp logistics đã có thể tiết kiệm được 500 triệu USD 1 năm. 

"Cỡ 500 triệu USD 1 năm. Đấy chính là chi phí giao dịch mà các doanh nghiệp phải bỏ ra, nếu như vẫn tiếp tục thực hiện thủ tục thanh lý tờ khai tại cảng bằng thủ công", ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, cho hay. 

Tính đến ngày 17/10 năm nay, cơ chế 1 cửa quốc gia đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp. (VTV.vn 06/11, Khánh Huyền)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng: Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, ai không dám làm thì đứng sang một bên

Sáng 6/11, kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Trong khi đó, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, đồng thời một số dịch bệnh vẫn đang lưu hành, xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp. 

Nhấn mạnh tinh thần không để dịch chồng dịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin theo các mục tiêu đã đề ra, có phương án bảo đảm, phân bổ kịp thời vắc xin đáp ứng yêu cầu của các địa phương. “Không có vắc xin thì dễ nhiễm COVID-19, dễ chuyển nặng và nguy cơ tử vong rất cao. Vắc xin vẫn là vũ khí chiến lược trong phòng, chống dịch”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được. 

Thủ tướng cho rằng, các quy định không thể bao phủ hết góc cạnh cuộc sống, trong khi thực tế có những diễn biến nhanh, khó lường, chưa có tiền lệ, nên các bộ, ngành, địa phương phải bám sát thực tiễn, cập nhật tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tránh tình trạng phản ứng không kịp làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội. 

“Phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo, sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập, khó khăn, thử thách có thể gặp phải trong tình hình hiện nay. Việc thuộc thẩm quyền cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Thủ tướng lưu ý. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đề xuất điều chỉnh và có cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. 

Bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm công tác tiêm chủng vắc xin mở rộng; tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ...; thúc đẩy sản xuất vắc xin, phát triển ngành công nghiệp dược trong nước; chú ý việc kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, sửa đổi, đề xuất hoàn thiện các quy định về đấu thầu, đấu giá. Bộ Ngoại giao tiếp tục thúc đẩy ngoại giao vắc xin và chuẩn bị tổ chức hội nghị tổng kết công tác này. (Tienphong.vn 06/11, Văn Kiên)Về đầu trang

Ban hành Nghị quyết gỡ khó việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Nghị quyết 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. 

Theo đó, Nghị quyết cho phép quyết toán, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021 bằng chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 46/2014/QH13. 

Cụ thể, tiền khám bệnh, tiền giường và tiền dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, máu, chế phẩm máu đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế thì việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá theo quy định hiện hành. 

Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc sử dụng trong các kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế thì việc quyết toán, thanh toán thực hiện theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu. 

Nghị quyết cũng cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày 5/11/2022. Thời hạn thực hiện theo thời gian thực hiện hợp đồng đã ký trước ngày 5/11/2022 hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày 5/11/2022. 

Các cơ quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có trách nhiệm đánh giá, kết luận theo quy định pháp luật và Nghị quyết này, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị, địa phương, bảo vệ các tổ chức, cá nhân thực hiện công khai, minh bạch, không tiêu cực trong mua sắm, đấu thầu. 

Bộ Y tế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết tại các bộ, ngành, địa phương. (Tienphong.vn 06/11, Văn Kiên) Về đầu trang

Đồng bằng sông Cửu Long: Hàng nghìn nhân viên y tế xin nghỉ việc

Từ đầu năm tới nay, có gần 1.000 cán bộ, nhân viên y tế công lập tại đồng bằng sông Cửu Long nghỉ việc. Cần Thơ là địa phương có số nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nhất với hơn 200 người, kế đến là An Giang. 

Có nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì áp lực công việc ngày càng cao, trong khi thu nhập thấp thì chưa tương xứng. Nhiều nhân viên y tế đã chọn các bệnh viện tư nhân để làm việc. Tình trạng này gây xáo trộn và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nhiều cơ sở y tế công lập. 

Sau hơn 2 năm căng mình chống dịch COVID-19, đội ngũ nhân viên y tế cơ sở đã rất vất vả, thậm chí kiệt sức. Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân sau dịch tăng cao kéo theo áp lực công việc ngày càng lớn. 

Bất cập trong phân bổ biên chế cũng là nguyên nhân khiến nhiều y bác sĩ không mặn mà với hệ thống y tế công lập. Cụ thể, tại nhiều bệnh viện công lập dù được giao tự chủ tài chính nhưng không có quyền tự quyết về biên chế. Do đó, nhiều đơn vị chỉ có thể ký hợp đồng lao động dạng thuê khoán hoặc ngắn hạn dẫn tới không thể giữ chân được nhân viên y tế. 

Gần 1.000 nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc là con số rất đáng báo động. Do đó, rất cần sự quan tâm kịp thời bằng những chính sách thiết thực từ Chính phủ để các nhân viên y tế công lập yên tâm công tác và làm tốt hơn sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, 18 tháng qua, đã có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bên cạnh đó, các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp tăng nguồn nhân lực y tế cũng đang được bộ quyết liệt triển khai. (VTV.vn 06/11, Huỳnh Tâm)Về đầu trang

Bình Dương muốn bắn pháo hoa Tết Dương lịch và Tết Quý Mão 2023 sau hai năm tạm ngưng

Trong kế hoạch được Sở VHTT-DL tỉnh Bình Dương trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về việc tổ chức các hoạt động chào mừng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 có đề xuất tổ chức bắn pháo hoa, đây là hoạt động được người dân chờ đợi nhất mỗi dịp Tết đến. 

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, sau hai năm liên tục, tỉnh Bình Dương đã dừng nhiều hoạt động văn hóa dịp Tết, trong đó không tổ chức bắn pháo hoa. Ngày 6/11, thông tin từ đại diện Sở VHTT-DL tỉnh Bình Dương, đơn vị này đã xây dựng Kế hoạch tổ chức các ngày lễ lớn và các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 

Theo đó, các hoạt động chào mừng năm mới Dương lịch, Tết cổ truyền dân tộc và mừng Đảng, mừng Xuân 2023 gồm: Trang trí đường phố; Chợ hoa xuân; Đường hoa; Hội hoa xuân, Hội báo xuân, Du xuân; họp mặt ngoại giao đoàn, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc, báo chí, văn nghệ sĩ... 

Đặc biệt, năm nay Sở VHTT-DL tỉnh Bình Dương đề xuất bắn pháo hoa chào mừng Tết Dương lịch năm 2023; Chào mừng kỷ niệm Bình Dương 26 năm phát triển và đêm giao thừa Tết Nguyên đán tại khu vực Trung tâm Hành chính của tỉnh. (Tienphong.vn 06/11, Hương Chi)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Top 5 tỉnh thành thu ngân sách lớn nhất 10 tháng đầu năm

TPHCM, Hà Nội Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình Dương đều là các địa phương có số thu ngân sách trên 50.000 tỷ đồng. 

TP. HCM: Theo Cục Thống kê TP. HCM, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lũy kế 10 tháng năm 2022 ước thực hiện 392.791 tỷ đồng. Với kết quả này, thu ngân sách nhà nước của TP. HCM đã về đích sớm, vượt 1,6% dự toán và tăng 22,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 254.059 tỷ đồng, đạt 97,9% dự toán, chiếm 64,7% tổng thu cân đối và tăng 19,3% so với cùng kỳ. 

Thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 27.039 tỷ đồng, vượt 3% dự toán, chiếm 6,9% tổng thu và tăng 18,9%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 68.915 tỷ đồng, vượt 2,4% dự toán, chiếm 17,5% tổng thu và tăng 10,3%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 60.062 tỷ đồng, vượt 2,4% dự toán, chiếm 15,3% tổng thu và tăng 10,6%. 

Thu từ dầu thô ước thực hiện 23.956 tỷ đồng, vượt 128,2% dự toán, chiếm 6,1% tổng thu cân đối và tăng 100,7%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 114.766 tỷ đồng, đạt 98,5% dự toán, chiếm 29,2% tổng thu cân đối và tăng 19,3%. Thu cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện khoảng 94.912 tỷ đồng, đạt 56,3% dự toán, chiếm 24,2% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và tăng 21,7% so với cùng kỳ. 

Hà Nội: Theo Cục thống kê Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2022 ước thực hiện 294.800 tỷ đồng , đạt 94,6% dự toán pháp lệnh năm và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Thu nội địa 271.900 tỷ đồng, đạt 94,2% dự toán và tăng 11,7%; thu từ dầu thô 2.200 tỷ đồng, đạt 203,6% và tăng 59,3%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 20.700 tỷ đồng, đạt 94,4% và tăng 11,9%. 

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong 10 tháng năm 2022: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 51.800 tỷ đồng, đạt 89,4% dự toán và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 19.800 tỷ đồng, đạt 86,4% và giảm 4%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước 62.100 tỷ đồng, đạt 113,6% và tăng 23%; thuế thu nhập cá nhân 32.700 tỷ đồng, đạt 113,5% và tăng 22,1%; thu tiền sử dụng đất 10.200 tỷ đồng, đạt 51,2% và giảm 10,3%; thu lệ phí trước bạ 6.900 tỷ đồng, đạt 105,7% và tăng 16,4%; thu phí và lệ phí 14.800 tỷ đồng, đạt 87,1% và tăng 16,8%. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 10 tháng/2022 ước đạt trên 94.000 tỷ đồng. Như vậy, số thu ngân sách đã đạt 131,4% dự toán cả năm, tăng 31,72% so với cùng kỳ, trong đó thu ngân sách nội địa đạt 109,71% dự toán cả năm, tăng 17,62% so với cùng kỳ. 

Hải Phòng: Theo Cục Thống kê Hải Phòng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 10 tháng/2022 ước đạt 86.685,3 tỷ đồng , đạt 82,1% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 115,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa đạt 29.865,2 tỷ đồng, đạt 72,8% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 113% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 55.426,3 tỷ đồng, đạt 92,4% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 117,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Ước tính 10 tháng/2022, trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 2.417,7 tỷ đồng, đạt 81,4% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 100,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.855,7 tỷ đồng, đạt 106,7% và bằng 128,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 6.618,3 tỷ đồng, đạt 60,6% và bằng 85%; thuế thu nhập cá nhân đạt 3.191,3 tỷ đồng, đạt 96,1% và bằng 114,6%; phí, lệ phí đạt 1.653,2 tỷ đồng, đạt 82,7% và bằng 105%... 

Bình Dương: Trong tháng 10 năm 2022, ước thu mới ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 6.900 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng thu đạt 55.200 tỷ đồng , bằng 99% so với cùng kỳ, đạt 92% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh. (Cafef.vn 06/11, Thái Quỳnh)Về đầu trang

Bình Dương tìm cách “tiêu gấp” hàng nghìn tỷ đồng trong 2 tháng

Trong 10 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh Bình Dương vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công ở địa phương này rất chậm, rơi vào tình cảnh “có tiền không thể dùng”, trong khi thời gian còn lại của năm còn hai tháng. 

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, 10 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư công của địa phương này mới giải ngân được 3.692 tỷ đồng (đạt 41,4% kế hoạch năm 2022). Chỉ còn 2 tháng của năm nhưng việc giải ngân chậm như hiện nay khiến tỉnh Bình Dương rất khó để đạt được kế hoạch đề ra. 

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, địa phương ưu tiên các dự án lớn, có sức ảnh hưởng , tạo đà phát triển và có khả năng giải ngân cao với số vốn lớn. 

Để thực hiện có hiệu quả trong công tác giải ngân đầu tư công trong hai tháng còn lại của năm 2022, Bình Dương tập trung thực hiện 4 giải pháp: 

Thứ nhất, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. 

Thứ hai, chỉ đạo các sở, ngành, theo chức năng nhiệm vụ của mình ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, thời gian xử lý hồ sơ; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, đảm bảo thời gian báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhằm phục vụ công tác tham mưu điều hành kế hoạch đầu tư công; 

Thứ tư, tổ chức họp giao ban định kỳ giữa các chủ đầu tư để tiếp tục rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn. Đặc biệt, tỉnh sẽ thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. 

Được biết, năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Dương đã giao là 8.909 tỷ đồng , phân bổ cho 316 dự án, tăng 130 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. 

Hiện các dự án mà tỉnh Bình Dương đang đặc biệt quan tâm, gồm: Dự án mở rộng, nâng cấp đường Quốc lộ 13 (đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến hết địa phận thành phố Thuận An (Bình Dương); Dự án cầu đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh; Dự án cầu đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai. (Tienphong.vn 06/11, Hương Chi)Về đầu trang

Điều tra vụ chi hàng tỷ đồng tiếp khách của Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đang điều tra về việc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh dùng nhiều tỷ đồng ngân sách để tiếp khách ngoài tỉnh không đúng quy định. 

“Ngoài việc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chi trùng 7 biên chế (số tiền 2,3 tỷ đồng), hồ sơ được chuyển sang Viện kiểm sát tỉnh và toà án, riêng việc tiếp khách ngoài tỉnh với số tiền nhiều tỷ đồng, Công an đang cho kiểm tra vấn đề này”, một lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai cho biết. 

Theo hồ sơ tài liệu, từ năm 2013-2016, 3 cán bộ gồm bà Nguyễn Thị Lựu, ông Nguyễn Thế Quang và ông Vũ Tiến Anh - hiện là Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Gia Lai có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tiếp khách không đúng tiêu chuẩn, đối tượng, nguồn kinh phí; hợp thức hóa việc mua quà tết trái quy định; sử dụng bừa bãi kinh phí phục vụ hoạt động đối ngoại v.v… với tổng số tiền sai phạm hơn 11,2 tỷ đồng. Trong đó, phần sai phạm của ông Quang và bà Lựu lên tới 10,7 tỷ đồng. 

Sau đó, ông Quang, bà Lựu nộp lại 8 tỷ đồng (mỗi người 4 tỷ đồng), ông Vũ Tiến Anh nộp lại 400 triệu đồng để khắc phục. 

Quá trình điều tra sai phạm tại cơ quan này, Cơ quan Cảnh sát điều tra phải kiểm tra hơn 1.000 bộ hóa đơn; cử điều tra viên đến 61 tỉnh thành trong cả nước để xác minh hóa đơn chi tiêu tiếp khách từ năm 2013-2016. Theo nguồn tin của Tiền Phong , số tiền mà các cán bộ Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp khách ngoài tỉnh không đúng quy định hơn 3 tỷ đồng. 

Một cán bộ Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: “Những nội dung có sai phạm mà hết thời hạn điều tra thì phải dừng, sau đó khôi phục điều tra lại. Trong vụ án có nhiều nội dung, nội dung nào đã rõ thì đưa ra xét xử; nội dung nào chưa rõ thì vẫn tiếp tục làm, điều tra”. (Tienphong.vn 06/11, Đình Văn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Châu Âu ngày càng lún sâu vào suy thoái

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro zone) đang ngày càng lún sâu vào suy thoái do lạm phát cao và lo ngại khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ảnh hưởng nhu cầu. 

Một cuộc khảo sát mới đây của Reuters cho thấy, hoạt động kinh doanh của khu vực Euro đang giảm nhanh nhất kể từ cuối năm 2020. Các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức cũng sụt giảm nhiều hơn so với dự đoán trong tháng 9 do nhu cầu ở nước ngoài suy yếu, đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái. 

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global tổng hợp cho khu vực đồng Euro trong tháng 10 đã giảm xuống 47,3 - mức thấp nhất trong 23 tháng và thấp hơn so với mức 48,1 trong tháng 9, song vẫn cao hơn so với ước tính sơ bộ 47,1. Chỉ số PMI về dưới 50 chứng tỏ nền kinh tế đang suy giảm. 

Ông Jack Allen-Reynolds tại Capital Economics cho rằng chỉ số PMI khu vực đồng Euro tháng 10 đã khắc họa rõ ràng hoạt động kinh tế đang lao dốc trong khi lạm phát cao ngất ngưởng. 

"Mặc dù chúng tôi ước tính quý IV chỉ giảm 0,5% so với quý trước, nhưng các đơn đặt hàng mới và chỉ số PMI thời gian tới cho thấy điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra", ông nói. 

Khi được hỏi châu Âu sẽ trải qua kiểu suy thoái nào, 22 trong số 46 người được hỏi trong cuộc thăm dò trong tháng 10 của Reuters cho rằng, suy thoái sẽ "ngắn và nông". Trong khi đó, 15 người cho rằng châu lục này sẽ đối diện với một cuộc suy thoái "dài và nông". 8 người khác lại cho rằng cuộc suy thoái sẽ "ngắn nhưng sâu". Một người nhận định cuộc suy thoái sẽ "kéo dài và ở mức độ sâu". 

Tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng Euro, các số liệu trước đó cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này đã giảm trong tháng 9 dù chỉ số PMI cho thấy ngành dịch vụ trong tháng 10 tăng chậm ít hơn so với dự báo ban đầu. 

Hoạt động của lĩnh vực dịch vụ ở Tây Ban Nha trong tháng 10 cũng giảm tháng thứ 2 liên tiếp, do áp lực từ lạm phát. 

Lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu trong tháng trước đã tăng nhanh hơn dự báo, đạt mức 10,7% và cao hơn 5 lần mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Do đó, ECB có thể sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn, làm tăng gánh nặng nợ cho người tiêu dùng đang mắc nợ. 

"Châu Âu có thể sẽ phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt với hoạt động kinh doanh suy yếu và lạm phát mạnh", Allen-Reynolds nhận định. (VTV.vn 06/11)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05