Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 03/11/2022

Font size : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận về sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội

2.        Kỳ hợp thứ Tư, Quốc hội khóa XV: Nhiều ý kiến khác nhau về dự luật Hợp tác xã (sửa đổi)

3.        Trình Quốc hội bổ sung sách giáo khoa là hàng hóa do nhà nước định giá

4.        Quảng cáo trên mạng toàn những lời có cánh, đi kiểm tra “rất cực”

5.        Đề xuất xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

6.        PMI Việt Nam tháng 10/2022 đạt 50,6 điểm

7.        Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

8.        Thanh tra Chính phủ sắp thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp

9.        Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với Việt Nam

10.     Điều chỉnh tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập: Động lực mới cho doanh nghiệp từ Nghị định 91

11.     Shopee, Lazada, Tiki... không phải nộp thuế thay người bán

12.     Bộ Công an đề nghị Cục Thuế TP.HCM cung cấp thông tin hơn 700 DN để phục vụ điều tra

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

13.     Cần chấm dứt cảnh “cha chung không ai khóc”

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

14.     “Hiến kế” để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

15.     Đắk Nông: Chậm ban hành kết luận thanh tra, 1 Chủ tịch huyện bị phê bình

16.     Thanh Hóa: Cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với Chủ tịch UBND xã Phú Lâm

THẾ GIỚI

17.     Thủ tướng Hàn Quốc xin lỗi vì cười đùa trong họp báo thảm kịch giẫm đạp

18.     Ông Putin không ký sắc lệnh kết thúc đợt động viên quân

 

TIN QUỐC HỘI

Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận về sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tư, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). 

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi). 

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào chiều 20/10, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015 nội quy hóa những vấn đề cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, tạo thuận lợi cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội, bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội. 

Trên cơ sở thực tiễn và quán triệt quan điểm, mục đích sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hình thức văn bản là Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), gồm 3 chương với 57 điều (tăng 1 điều so với Nội quy hiện hành), trong đó, bổ sung 9 điều, sửa đổi 43 điều, kế thừa nguyên văn 5 điều. 

Dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 1 điều quy định dẫn chiếu các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung của kỳ họp Quốc hội tại các luật, nghị quyết, bao gồm việc: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân. 

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc nghiên cứu sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, Ủy ban tán thành với việc bổ sung quy định về kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Bên cạnh đó, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nội quy kỳ họp để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc để quy định phù hợp hơn đối với trường hợp một số đại biểu bắt buộc phải vắng mặt tại một số phiên họp toàn thể, họp Tổ... để tham gia các cuộc làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan về tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ thuật các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thì không coi là vắng họp. 

Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với quy định về chất vấn, tranh luận của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn theo quy định tại Điều 19 của dự thảo Nội quy kỳ họp. Tuy nhiên, về khoản 3 Điều 19, Ủy ban Pháp luật đề nghị: Ngoài việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn, cần bổ sung quy định về kéo dài thời gian phiên chất vấn; xác định rõ thời gian kéo dài tối đa trong từng trường hợp. Bổ sung điều kiện kéo dài thời gian phiên chất vấn cần xin ý kiến và được sự đồng ý của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất với quy định về phiên họp toàn thể của Quốc hội… (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

Kỳ hợp thứ Tư, Quốc hội khóa XV: Nhiều ý kiến khác nhau về dự luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 1/11 về dự thảo luật này, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc giữ tên gọi cũ là Luật Hợp tác xã hay đổi thành tên Luật các tổ chức kinh tế hợp tác. 

Bà Nguyễn Thị Lan - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thiên về hướng giữ nguyên tên gọi cũ vì theo bà, khái niệm hợp tác xã đã được sử dụng xuyên suốt trong lịch sử phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam và sử dụng thường xuyên trong công tác truyền thông, tuyên truyền và trong tiềm thức của người dân Việt Nam. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Khang Thị Mào lại cho rằng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương xác định "kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao". Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và đổi tên Luật thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác thể hiện tư duy "đổi mới" toàn diện, tạo sự thống nhất, gắn kết cùng phát triển giữa các tổ chức kinh tế hợp tác với nhau. 

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau là việc thành lập Liên đoàn hợp tác xã, một mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. 

Bà Vương Thị Hương - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang dẫn giải: "Việc thành lập mô hình liên đoàn hợp tác xã trên cơ sở các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự nguyện thành lập, Nhà nước không mất kinh phí trong việc thành lập; tạo hành lang pháp lý rõ ràng định hướng cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển. Quy định mô hình mới sẽ bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn". 

Ông Mai Văn Hải - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa có ý kiến: "Liên đoàn hợp tác xã trên thực tế chúng ta chưa thành lập và chỉ trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế thôi. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cho làm thí điểm sau đó đánh giá tổng kết thực tiễn nếu phù hợp thì bổ sung sau". 

Ngày 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). 

Vào buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giá (sửa đổi). Quốc hội cũng sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

Trình Quốc hội bổ sung sách giáo khoa là hàng hóa do nhà nước định giá

Chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). 

Đáng chú ý, trong chính sách về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng gồm: Sách giáo khoa và Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. 

Theo Tờ trình của Chính phủ, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. 

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể. 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh vào Danh mục vì thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật thương mại và Nghị định 94/2017/NĐ-CP, phù hợp với các tiêu chí tại Luật. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng thì việc bổ sung là rất cần thiết để triển khai nhiệm vụ trong thực tiễn. 

Đối với dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kĩ để có Đề án riêng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện. Do đó, trước mắt chưa đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; trường hợp cơ chế giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư được Quốc hội thông qua sẽ được cập nhật vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. 

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nêu đề xuất đưa ra khỏi Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường. 

Như vậy, tổng thể qua rà soát đối với 52 nhóm hàng hóa, dịch vụ, đã đưa ra khỏi danh mục 14 nhóm hàng hóa, dịch vụ và bổ sung thêm 2 hàng hóa, dịch vụ vào danh mục sẽ gồm 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ.  

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. 

"Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo" – ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ. (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

Quảng cáo trên mạng toàn những lời có cánh, đi kiểm tra “rất cực”

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nêu khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm trên nền tảng giao dịch điện tử và bán hàng online, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, đây là một trong hai khó khăn khi quản lý lĩnh vực này. 

“Cửa hàng ảo trên mạng có thể thay đổi, người mua hàng trên mạng cũng không biết tiền mình đi về đâu. Nếu có vấn đề gì thì không biết kêu, bắt đền từ ai”, bà Lan cho hay. 

Bên cạnh đó, nữ ĐB cũng phản ánh thực trạng quảng cáo trên mạng toàn những “lời có cánh”, nhưng chất lượng thì chưa kiểm soát hết được. Theo bà, để kiểm soát các mặt hàng trên mạng, phải “tung quân”, đổ sức gấp nhiều lần so với quản lý ngoài đời thực, trong khi biên chế, sức lực, tài lực còn có hạn. Đó là chưa kể hiện nay đang thiếu hành lang pháp lý trong kiểm soát các hoạt động giao dịch điện tử. 

“Những đơn vị chuyên ngành chỉ có quyền kiểm tra những nơi đã cấp phép và cũng chỉ được kiểm tra trong diện tích, thể tích, khoảng không đã cấp phép, trường hợp giấu trên lầu, giấu trong phòng ngủ thì thua. Muốn vào đó chỉ có công an, huống chi ở trên mạng. Cho nên đi kiểm tra, theo dõi rất cực”, ĐB kỳ vọng luật này được thông qua sẽ giải quyết được những khó khăn trên. 

Trong khi đó, ĐB Đỗ Đức Duy (Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về chính sách phát triển giao dịch điện tử. Theo ông, cần bổ sung nội dung nhà nước có biện pháp để bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các giao dịch điện tử. Đặc biệt là các giao dịch điện tử có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người dân, hoặc doanh nghiệp tham gia giao dịch như giao dịch qua ngân hàng, mua bán online xuyên biên giới… 

“Các dịch vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép thì rất cần vai trò của nhà nước trong việc bảo đảm an ninh, an toàn. Từ việc an ninh, an toàn về thông tin của người tiêu dùng, cho đến bảo đảm an ninh, an toàn liên quan đến tài sản, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp tham gia giao dịch điện tử”, ông Đỗ Đức Duy lưu ý. 

ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đề nghị bổ sung thêm “chữ ký điện tử ở nước ngoài”, vì từ đại dịch COVID-19 trong các hợp đồng giao dịch mà không thể thực hiện trực tiếp, qua một số chứng thư thì có thể thực hiện chữ ký điện tử với một bên cung cấp và một bên tiếp cận. Về bảo mật thông tin, ĐB Châu lưu ý, thông tin cả người cung cấp và trong giao dịch điện tử phải tuân thủ các quy định pháp luật dân sự. (Tienphong.vn 02/11)Về đầu trang

Đề xuất xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Góp ý về dự án Luật, theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Đình), hàng giả có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán.  

Đại biểu đoàn Bình Định cho biết với người bán hàng giả khi bị phát hiện hiện đã có luật để xử lý. Tuy nhiên còn với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm hay không? Theo nữ đại biểu, dự Luật lần này chưa nêu trường hợp nói trên. 

"Thực tế có nhiều thương hiệu nổi tiếng được bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư, trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua", bà Hạnh nhấn mạnh 

Đại biểu đoàn Bình Định cho rằng nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả. 

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đóng góp vào Điều 15 về "Quyền lợi của người tiêu dùng". 

Theo đại biểu, chúng ta cần phải bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng và giá cả. Bởi, chúng ta phải mua phải giá cả "trên trời", khi nhà cung cấp đưa ra một sản phẩm nhưng không biết giá cả thực tế là bao nhiêu nên người tiêu dùng rất dễ bị lừa. 

Tại Điều 14, phần thứ 4 có nêu "Người tiêu dùng được góp ý kiến đối với tổ chức kinh doanh về giá cả", theo đại biểu việc đóng góp ý kiến là rất khó và nên thay bằng cụm từ "cung cấp giá trị của sản phẩm" sẽ phù hợp. 

Đại biểu Đỗ Huy Khánh cũng đóng góp ý kiến tại Điều 18 về "xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Ông Khánh cho rằng, ý này rất chung chung và nên chăng chúng ta có cần làm rõ hay không? Bởi thực tế khi người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng thì cần có chế tài mạnh. 

Đặc biệt, ông nhấn mạnh: "Vừa rồi có rất nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chữa được bách bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra". 

Từ đó, Đại biểu đoàn Đồng Nai đặt ra băn khoăn, việc xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn nữa. Đồng thời cũng cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đó. "Điều 18 về xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng có 3 tiêu chí nhưng rất chung chung nên cần phải bổ sung thế nào, ra sao để làm rõ hơn", đại biểu Đỗ Huy Khánh kiến nghị. (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

PMI Việt Nam tháng 10/2022 đạt 50,6 điểm

Mặc dù các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục cải thiện vào đầu quý 4, nhưng đã có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh tăng trưởng đơn hàng mới yếu hơn. Báo cáo cho biết, trên thực tế, hoạt động kinh doanh mới tăng ở mức độ ít nhất trong hơn một năm. Trong khi đó, áp lực chi phí vẫn giảm, và các công ty cũng chỉ tăng nhẹ giá bán hàng. 

Kết quả, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,5 điểm trong tháng 9 xuống còn 50,6 điểm trong tháng 10. Báo cáo nhận định, mặc dù chỉ số vẫn nằm trên ngưỡng 50 cho thấy các điều kiện hoạt động trong tháng về tổng thể vẫn cải thiện, song kết quả PMI tháng 10 ghi nhận mức thấp nhất trong 13 tháng gần đây. Nguyên nhân bởi tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới có dấu hiệu chững lại. 

Cụ thể, tổng số lượng đơn đặt hàng mới chỉ tăng nhẹ. Khi các đơn đặt hàng mới tăng lên, điều này có liên quan đến nhu cầu mạnh hơn, giá cả cạnh tranh và việc đảm bảo khách hàng mới. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm dần, bao gồm cả xuất khẩu cũng tăng với tốc độ chậm hơn. 

Sang đến quý 4, các nhà sản xuất tiếp tục gia tăng sản xuất để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng. Điều này phù hợp với kinh doanh mới và trong bối cảnh nhu cầu có dấu hiệu giảm, tốc độ mở rộng đã giảm bớt và ở mức thấp nhất trong ba tháng. Sản lượng tăng được ghi nhận ở tất cả các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản. 

Bên cạnh đó, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn được phản ánh vào tình trạng tăng yếu hơn của hoạt động mua hàng và việc làm trong tháng 10. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng ít nhất trong 7 tháng trở lại đây, trong khi tốc độ tạo việc làm thấp nhất kể từ tháng 7. 

Tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm trong tháng 10, đảo ngược mức tăng đã thấy trong kỳ khảo sát trước đó. Sự sụt giảm lượng hàng tồn kho trước khi sản xuất trên thực tế là đáng kể trong 16 tháng giữa bối cảnh lượng đơn đặt hàng và mua mới tăng trưởng chậm hơn, trong khi kho thành phẩm thường giảm do tốc độ mở rộng sản xuất chậm hơn. 

Tốc độ tăng chi phí đầu vào nhanh hơn nhưng vẫn tương đối thấp và chậm hơn nhiều so với thời gian trước đó trong năm. Báo cáo cho biết, nguyên nhân bởi giá đầu vào tăng do chi phí dầu, khí đốt, nguyên liệu thô và vận tải tăng cao. Mức tăng giá đầu ra cũng không thay đổi và thực sự giảm nhẹ từ tháng 9. 

Theo S&P Global, tháng 10 là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận thời gian giao hàng của các nhà cung cấp được rút ngắn, cho thấy chuỗi cung ứng tiếp tục ổn định sau một thời gian gián đoạn liên tục. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng trưởng nhanh hơn đã làm giảm áp lực lên các nhà cung cấp, mặc dù vẫn có một số sự cố chậm trễ do thiếu nguyên liệu và các khó khăn trong khâu vận chuyển. 

Mặc dù các đơn đặt hàng mới dự kiến sẽ được cải thiện và dịch Covid-19 không còn gây gián đoạn sản xuất, giúp các nhà sản xuất lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, song niềm tin đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng với một số lo ngại về dấu hiệu nhu cầu suy yếu. 

Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhấn mạnh, dữ liệu PMI tháng 10 cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự suy yếu trong nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của các nhà sản xuất Việt Nam, với cả đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng ở mức thấp nhất trong 13 tháng. Những lo lắng xung quanh điều kiện nhu cầu cũng ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh. 

Tuy nhiên, với việc tiếp tục mở rộng sản lượng và việc làm cùng với áp lực giá và nguồn cung giảm có thể giúp ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời điểm cuối năm. 

Nhận định về kết quả PMI tháng 10 của Việt Nam, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết, dữ liệu PMI tháng 10 cho thấy tình trạng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của các nhà sản xuất Việt Nam, khi cả số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng với tốc độ yếu nhất trong 13 tháng. 

"Những lo ngại về tình trạng nhu cầu cũng ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng sản lượng và việc làm tiếp tục tăng cùng với áp lực với giá cả và nguồn cung đã giảm có thể giúp ngành sản xuất tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian cuối năm". (Nhipsongkinhte.toquoc.vn 02/11)Về đầu trang

Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. 

Theo báo cáo mới của Google, Temasek và Bain & Company, các nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và sẽ đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) lên tới 200 tỷ USD trong năm nay. Con số này tăng 20% so với quy mô 161 tỷ USD của năm ngoái. 

Sáu nền kinh tế lớn được đề cập trong báo cáo là: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD năm 2022, nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái. (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

Thanh tra Chính phủ sắp thanh tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Thanh tra Chính phủ cho biết đang thanh tra quản lý nhà nước về xăng dầu và chuẩn bị thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Thông tin trên được nêu trong báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ký gửi tới Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, mà ông Phong cùng bộ trưởng các bộ Xây dựng, Thông tin - Truyền thông và Nội vụ sẽ được chất vấn. 

Việc Thanh tra Chính phủ chuẩn bị thanh tra hoạt động phát hành và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh vừa qua đã xảy ra một số vi phạm liên quan đến hoạt động này tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, cũng như những vụ việc khác liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, gây ra nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, xã hội và mất niềm tin của người dân, nhà đầu tư. 

Tại báo cáo, Thanh tra Chính phủ cho biết đã tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. 

Cũng như kết thúc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. 

Hiện ngành đang triển khai thanh tra quản lý nhà nước về xăng dầu và chuẩn bị triển khai thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng... 

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023 của Chính phủ gửi Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có giai đoạn tăng nóng, cơ cấu thị trường trái phiếu thiếu cân đối. Việc dùng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch. 

Nói về các vụ việc xảy ra tại một số tập đoàn, công ty, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, và đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn. (Tuoitre.vn 02/11)Về đầu trang

Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với Việt Nam

Trao đổi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với Việt Nam. 

Hôm 31-10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc đón tiếp và trao đổi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. 

Sự kiện này nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trung Quốc. Ông là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau Đại hội 20, một chi tiết được phía Trung Quốc mô tả đã nêu bật tầm quan trọng trong mối quan hệ hai bên.

Chuyến đi của Tổng bí thư tới Trung Quốc thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước khác tập trung nhiều vào việc phối hợp cho các mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

Theo tường thuật của Đài CCTV (Trung Quốc), tại cuộc trao đổi ngày 31-10, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với Việt Nam. 

Cũng theo CCTV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam xem việc phát triển mối quan hệ hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Tổng bí thư cũng bày tỏ mong muốn phối hợp với Trung Quốc trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển và đất liền. 

Tờ South China Morning Post nhận xét mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì sự ổn định, và hiện nay Việt Nam cũng được xem là một lựa chọn thay thế cho một số lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Trong cuộc hội đàm ngày 31-10, Tổng bí thư Tập Cận Bình nói với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng Trung Quốc ủng hộ việc các công ty công nghệ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, phát triển xanh, kinh tế số, và trong việc xử lý vấn đề biến đổi khí hậu. 

"Trung Quốc sẵn sàng tăng cường liên kết chiến lược phát triển với phía Việt Nam, tăng cường kết nối giữa hai nước, và cùng xây dựng một hệ thống chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu bền vững", CCTV dẫn lời ông Tập. (Tuoitre.vn 01/11)Về đầu trang

Điều chỉnh tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập: Động lực mới cho doanh nghiệp từ Nghị định 91

Nghị định 91 mới ban hành cho phép doanh nghiệp đến 30/1 năm sau mới phải tạm nộp 80% tiền thuế của 4 quý. 

10 tháng năm nay, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1 triệu 464 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán. Kết quả khả quan này có được nhờ vào các quyết sách kịp thời của Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là nền tảng góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế cũng như mục tiêu thu ngân sách của cả năm. 

Dù thu ngân sách 10 tháng đã vượt dự toán, song số thu nội địa bình quân những tháng gần đây đều thấp so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, thu nội địa bình quân 5 tháng đầu năm đạt 130.800 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay thu bình quân chỉ đạt gần 100.000 tỷ đồng, trong đó thu tháng 9 chỉ còn 71.200 tỷ đồng, tháng 10 chỉ đạt khoảng 70.000 tỷ đồng. 

Điều này cho thấy việc thu ngân sách càng gần về cuối năm thì càng khó khăn. Nguyên nhân được đánh giá là do chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao, lãi suất, tỷ giá tăng, và ảnh hưởng nhất định từ việc suy giảm kinh tế trên toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.  

Vì vậy, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu, ngoài việc miễn, giảm, hoãn nộp thuế, thì mới đây Chính phủ đã vừa ban hành Nghị định 91, thay đổi tỷ lệ và thời gian tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Cụ thể, theo quy định cũ tại Nghị định 126 thì đến ngày 30/10 doanh nghiệp đã phải tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý không thấp hơn 75% theo quyết toán năm. Nếu nộp thiếu sẽ phải tính tiền chậm nộp. Nhưng tại Nghị định 91 mới đây đã cho phép doanh nghiệp đến 30/1 năm sau mới phải tạm nộp 80% tiền thuế của 4 quý. 

Như vậy thay vì phải đóng thuế vào 30/10 thì giờ đây 30/1 năm sau các doanh nghiệp mới phải tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng sẽ có thêm 3 tháng để cân đối dòng tiền, phục vụ việc sản xuất kinh doanh trước khi đóng thuế.  

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vinapro chuyên xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Châu Âu, trước sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này do lạm phát, doanh nghiệp cần thêm khá nhiều nguồn vốn để cạnh tranh với các đối tác khác. Nghị định 91 ra đời đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp được sử dụng thêm hàng tỷ đồng từ dòng tiền chưa phải đóng thuế ngay để cho sản xuất kinh doanh. 

"Ngày 31/10, chúng tôi đã dự kiến đi nộp thuế nhưng sau khi có Nghị định 91 thì chúng tôi hoãn không đi đóng. Nghị định của Chính phủ đã động viên kịp thời cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện tại", ông Tạ Ngọc Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vinapro cho biết. 

Nghị định 91 cũng tháo gỡ lo lắng của nhiều doanh nghiệp về việc sẽ bị tính tiền chậm nộp nếu nộp thiếu sau ngày 30/10 theo quy định cũ. 

"Với sự thay đổi của chính sách mới Nghị định 91 thì cuối quý 4 chúng tôi đã có kết quả kinh doanh chính xác và sẽ đã chủ động được cái số thuế phải nộp. Lúc đó thì chúng tôi không phải lo tính toán việc chậm nộp thuế nữa, nộp bao nhiêu nữa mà chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh hiệu quả", bà Nguyễn Bích Phương - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản và thương mại VQB cho biết. 

Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức đánh giá Nghị định 91 là động thái hợp lý để cho doanh nghiệp không lo lắng quá vì dòng tiền, nộp thiếu thì phạt, nộp thừa thì là bất lợi.  

Tổng cục Thuế cũng vừa có công điện khẩn yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế kịp thời thực hiện Nghị định số 91 của Chính phủ. 

Ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, để việc đảm bảo thu ngân sách bền vững, Tổng cục Thuế cũng đã liên tục triển khai nhiều giải pháp khác nhau, một trong những giải pháp chính là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. 9 tháng đầu năm nay, toàn ngành thuế đã thực hiện hơn 49.000 cuộc thanh, kiểm tra và phát hiện không ít trường hợp doanh nghiệp vi phạm về hoàn thuế giá trị gia tăng, để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. 

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra hơn 515.000 hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, mua của các doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi... Qua đó đã kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra hơn 44.800 tỷ đồng, tăng trên 31% so với cùng kỳ. Trong đó truy thu hơn 10.300 tỷ đồng, giảm lỗ gần 33.00 tỷ đồng, xử lý truy hoàn và tiền phạt vi phạm gian lận hoàn thuế là 414 tỷ đồng. (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

Shopee, Lazada, Tiki... không phải nộp thuế thay người bán

Theo Nghị định 91 mới ban hành, các sàn thương mại điện tử chỉ có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng. 

Nội dung trên được đưa ra tại Nghị định 91/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định 91 có hiệu lực từ ngày 30/10. 

Nghị định quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử. 

Nhóm thông tin này bao gồm tên người bán hàng; mã số thuế/số định danh cá nhân/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua các chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. 

Hoạt động cung cấp các thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Các sàn thương mại điện tử sẽ cung cấp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do cơ quan này công bố. 

Như vậy, các sàn thương mại điện tử không phải nộp thuế thay người bán, mà chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. 

Năm ngoái, Bộ Tài chính nêu phương án tất cả sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán để tránh thất thu thuế, nhưng nhận được nhiều ý kiến phản biện từ giới trong ngành. 

Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) từng phản biện đề xuất này do lo ngại chủ sở hữu sàn thương mại điện tử không đủ năng lực để khai và nộp thuế thay cho người bán. Ngoài ra, việc này cũng sẽ làm tăng chi phí cho các sàn khi phải thực hiện theo yêu cầu của cơ quan thuế. 

Tiếp thu một số ý kiến từ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chia các sàn thương mại điện tử thành 2 loại, hoặc là sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến hoặc không. Trong đó, những sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki... vẫn được bộ đề xuất phải kê khai và nộp thuế thay cho người bán trên sàn. 

Thời gian vừa qua, sàn thương mại điện tử phát triển mạnh với khoảng 100 sàn đang hoạt động, số cá nhân kinh doanh trên sàn lên tới hàng trăm nghìn người. Tổng cục Thuế kiểm tra thực tế tại 3 sàn thương mại điện tử lớn cho thấy, năm 2020, Shopee có khoảng 210.000 cá nhân kinh doanh, Tiki có hơn 8.800 cá nhân kinh doanh, Voso có hơn 3.210 người... 

Trong báo cáo Bộ Tài chính gửi Quốc hội báo cáo thực hiện Nghị quyết 62 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp 3, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết từ năm 2018 đến nay, hoạt động thu thuế với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, thu từ thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay lên tới 5.588 tỷ đồng. (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

Bộ Công an đề nghị Cục Thuế TP.HCM cung cấp thông tin hơn 700 DN để phục vụ điều tra

Trong danh sách hơn 700 doanh nghiệp mà Bộ Công an đề nghị Cục Thuế TP.HCM cung cấp thông tin có các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, một số công ty xây dựng và nhiều công ty cổ phần. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều nay, 2-11, ông Lê Duy Minh, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, xác nhận thông tin trên. 

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã gửi công văn kèm danh sách hơn 700 doanh nghiệp đến Cục Thuế TP.HCM đề nghị cơ quan này cung cấp các thông tin liên quan đến việc cấp mã số thuế, báo cáo tài chính, báo cáo thuế và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp này.

Đồng thời, Bộ Công an cũng đề nghị Cục Thuế cung cấp thông tin về việc kê khai và chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp nói trên. 

Ông Lê Duy Minh cho biết do số lượng doanh nghiệp mà Cơ quan điều tra Bộ Công an yêu cầu cung cấp rất lớn, do vậy Cục Thuế TP.HCM phải lọc trong danh sách này xem bao nhiêu doanh nghiệp đã tạm ngưng kinh doanh. 

Nếu doanh nghiệp nào đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh thì cơ quan thuế thông báo cho cơ quan công an. Với những doanh nghiệp còn hoạt động, Cục Thuế TP.HCM phân về các chi cục để rà soát, sau đó tổng hợp để cung cấp cho cơ quan điều tra. 

Ông Minh cho biết các doanh nghiệp mà cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thông tin hầu như rải đều các quận, huyện. Hiện vẫn chưa hết thời gian mà cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp thông tin. 

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tất cả nội dung đề nghị cung cấp thông tin trên để Bộ Công an phục vụ công tác điều tra đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức có liên quan. 

Trong danh sách hơn 700 doanh nghiệp mà Bộ Công an đề nghị Cục Thuế TP.HCM cung cấp thông tin có các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, một số công ty xây dựng và nhiều công ty cổ phần. 

Trước đó, hôm 7-10, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. 

Đồng thời, C03 ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan. Bà Lan là người sáng lập và hiện đang giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 

Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam các bị can: Trương Huệ Vân - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng - trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt, nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 

Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng của người dân trong thời gian 2018 - 2019. (Tuoitre.vn 02/11, Hoàng Điệp – Ánh Hồng)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Cần chấm dứt cảnh “cha chung không ai khóc”

Dù các bộ ngành đã mổ xẻ nguyên nhân, bất cập để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng, nhưng chuyện ứng xử trong quản lý mặt hàng này cho thấy đã đến lúc cần có một cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện an ninh năng lượng. 

Đã có hàng loạt câu hỏi, đề nghị được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội suốt hai tuần qua liên quan trách nhiệm quản lý, điều hành xăng dầu. Băn khoăn của các đại biểu Quốc hội cũng là mong mỏi của người dân, làm sao để các bộ ngành cùng ngồi lại với nhau tìm giải pháp khả thi nhất, chấm dứt tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung xăng dầu diễn ra dai dẳng tại các tỉnh phía Nam suốt từ đầu năm đến nay. 

Sự sốt ruột đó càng thấy rõ khi đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề trách nhiệm và thẳng thắn chỉ ra "đang có sự lúng túng trong điều hành, xử lý của các bộ ngành", trong khi đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thì đề nghị các bộ ngành cần "rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý điều hành". 

Thế nhưng, câu trả lời cho vấn đề trách nhiệm và giải pháp mà bộ ngành đưa ra có vẻ vẫn chưa thể được sáng tỏ và thuyết phục. Từ phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 23-10 cho đến phiên giải trình trước Quốc hội ngày 28-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên luôn khẳng định xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên quản lý xăng dầu không chỉ là Bộ Công Thương mà còn có sáu bộ ngành và các địa phương. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lại chứng minh rằng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu do các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đã không đáp ứng đủ nguồn cung theo kế hoạch được giao. Thậm chí, ông Phớc còn đề nghị sửa đổi quy định để giao hoàn toàn quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương làm một đầu mối. Còn tư lệnh ngành ngân hàng thì phân trần rằng đã cấp tín dụng, cung ứng ngoại tệ cho doanh nghiệp xăng dầu nhưng doanh nghiệp mới chỉ sử dụng khoảng 50% mức tín dụng đã cấp... 

Mỗi bộ đều có quan điểm riêng, nhưng người dân cần hơn hết là trách nhiệm và tiếng nói chung để đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Đúng như lời của đại biểu Tạ Thị Yên - phó Ban Công tác đại biểu - khi nói rằng cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu lúc này không chỉ là chính sách tài khóa thông qua thuế phí, mà cần phải "làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan". 

Xăng dầu là mặt hàng an ninh chiến lược, có liên quan đời sống người dân và cả nền kinh tế. Đây cũng là mặt hàng chịu tác động lớn từ biến động giá, cung cầu của thế giới, khi Việt Nam phải nhập khẩu dầu thô và xăng dầu từ thế giới một lượng lớn.  

Do đó trong bối cảnh quản lý xăng dầu vừa đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước thì không thể để một mặt hàng an ninh chiến lược ở trong tình cảnh "cha chung không ai khóc", cần thiết phải có một bộ ngành chịu trách nhiệm chính trong quản lý, để thống nhất về giải pháp điều hành. 

Và khi đã ý thức được rõ trách nhiệm của một bộ ngành làm đầu mối quản lý, chắc hẳn lúc đó việc quản lý thị trường xăng dầu mới đảm bảo tính thống nhất từ cung cầu, giá cả cho đến vận hành thị trường. Điều này cũng để tránh tình trạng khi xảy ra đứt gãy, biến động mà vẫn không rõ trách nhiệm, không thể "bắt bệnh" để trị bệnh, cứ vòng vo loanh quanh thì tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ sẽ vẫn còn kéo dài dai dẳng như vừa qua mà không thể "trị" tận gốc. (Tuoitre.vn 02/11, Ngọc An)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

“Hiến kế” để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Mặc dù các chuyên gia kinh tế đều kỳ vọng: Nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,058% nhưng theo thông tin mới nhất của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng năm 2022 vẫn “ì ạch”. 

Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/10/2022 là trên 297.774 tỷ đồng, đạt 46,44% kế hoạch vốn và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này đang đạt thấp so với kế hoạch vốn giao năm 2022 và giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt trên 48% kế hoạch và đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 

Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết: “Giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công sẽ tăng sức cầu, tăng thêm nguồn lực từ nguồn vốn của ngân sách vào trong nguồn nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn. Tác động của đầu tư công sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và lan tỏa các khu vực khác. Chúng ta có dư địa về mặt tài khóa, có tỷ lệ nợ công khá thấp nên hoàn toàn có nguồn lực để thực hiện đầu tư công”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết. 

ĐBQH Hoàng Văn Cường chia sẻ, thật  đáng tiếc vì nhiều vướng mắc đã cản trở tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Hầu hết các dự án chậm đều do công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt chính sách đền bù chưa thỏa đáng. Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có nội dung về phải giải quyết đền bù thỏa đáng. “Trong khi chờ Luật mới được thi hành, Quốc hội cần phải có những Nghị quyết mới ở giai đoạn chờ đó để giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng”, ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất. 

Một số ĐBQH băn khoăn: Có những tỉnh giải ngân vốn đầu tư công nhanh, nhưng cũng có địa phương triển khai rất “ì ạch”. Việc này có liên quan tới trách nhiệm của người đứng đầu của những đơn vị được giao vốn. Do vậy, phải quy  trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt không chỉ dưới góc độ quản lý nhà nước. “Nếu địa phương nào triển khai đầu tư công chậm, cần nghe tiếng nói của Hội đồng nhân dân, của người dân địa phương đó để đánh giá người có trách nhiệm xem đã hoàn thành trách nhiệm của mình chưa?”, ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu. 

Còn Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định, hai vấn đề thách thức lớn nhất trong thời gian tới là lạm phát và giải ngân vốn đầu tư công. “Năng lực giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua còn hạn chế, trong khi năm 2023 số vốn đầu tư công cần giải ngân rất lớn. Bài toán đặt ra là cần có giải pháp để tiến độ giải ngân đạt hiệu quả, bởi điều này có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra năng lực phát triển và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo”, ĐBQH Trần Văn Lâm cho biết. 

Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh, chỉ ra kế hoạch triển khai gói đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2022 - 2025) là 2.870 nghìn tỷ đồng, cộng thêm gói tài khóa tiền tệ hơn 140 nghìn tỷ đồng vừa được thông qua (theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội), như vậy khối lượng giải ngân nguồn vốn đầu tư công mỗi năm khoảng 600 nghìn tỷ đồng. “Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn này còn rất chậm, do đó cần phải tập trung triển khai trong thời gian tới", ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết. 

Mặc dù có rất nhiều giải pháp được đưa ra để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. “Vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân muôn thuở gây ra việc chậm trễ trong giải ngân. Nhiều giải pháp cho vấn đề này đã được đưa ra, nhưng chẳng đi đến đâu. TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên đưa ra giải pháp mang tính đột phá cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bằng việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức cao, nhất là gấp 15 lần đối với đất ở và cao nhất gấp 35 lần đối với đất nông nghiệp so với bảng giá đất do Nhà nước ban hành. Giải pháp này được cho là rất thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên lại chưa được các địa phương khác làm theo”, TS, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh trăn trở.  

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thời gian thực hiện giải ngân không còn nhiều, nên không đề thêm các giải pháp nữa. “Việc quan trọng lúc này phải thực thi nghiêm túc và quyết liệt các giải pháp đã đề ra chứ không phải đề ra rồi để đấy hoặc làm nửa vời; đồng thời bổ sung thêm việc thúc đẩy thực hiện các giải pháp đã đặt ra bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư”, TS Vũ Đình Ánh cho biết. 

Để tạo sức bật cho công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nay tới cuối năm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Chính phủ nên tiếp tục đưa ra một công lệnh cho tất cả các bộ, ngành, địa phương rà soát lại, chắt lọc lại dự án nào có tiến độ tốt để điều chỉnh vốn và hoàn thành dứt điểm. Đối với các dự án đang gặp vướng do thể chế hoặc không thể giải quyết vướng mắc trong ngày một ngày hai do các yếu tố khách quan có thể bóc tách ra và đưa vào kế hoạch dài hạn. “Công tác thanh tra, kiểm tra trong việc sắp xếp, xếp hạng các dự án đầu tư cũng phải được đẩy mạnh và bắt lỗi luôn người đứng đầu đơn vị đó khi sắp xếp sai các dự án để mưu cầu lợi ích nhóm”, TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết. (TTXVN/Baotintuc.vn 02/11, Minh Phương)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Đắk Nông: Chậm ban hành kết luận thanh tra, 1 Chủ tịch huyện bị phê bình

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa phê bình Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil vì chậm ban hành kết luận thanh tra. 

Theo đó, ngày 21-10-2020, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil ban hành quyết định thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư Dự án xây dựng Quảng trường huyện Đắk Mil. 

Theo đó, Thanh tra huyện Đắk Mil sẽ thanh tra, kiểm tra việc đo đạc, kiểm đếm, xác định đối tượng, áp giá, xây dựng phương án bồi thường; việc công khai, niêm yết phương án bồi thường và bố trí tái định cư tại dự án trên. 

Cơ quan chức năng sẽ thanh tra việc thẩm định phương án bồi thường đất đai, tài sản, vật kiến trúc trên đất, bố trí tái định cư thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án; Kiểm tra xác minh tham mưu cho UBND huyện xem xét giải quyết các kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến công tác thu hồi, bồi thường… 

Trên cơ sở đó, thanh tra sẽ xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan tại Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện, Phòng TN&MT huyện. 

UBND huyện Đắk Mil cũng thành lập Đoàn thanh tra số 907 gồm bốn người, thời hạn thanh tra trong 30 ngày. Tuy nhiên, đã qua hơn hai năm nhưng UBND huyện Đắk Mil không ký ban hành kết luận. 

Ngoài việc phê bình, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông còn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil khẩn trương ban hành kết luận trên theo đúng quy định của pháp luật; giải trình về nguyên nhân chậm ban hành kết luận thanh tra; giao Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. 

Theo tìm hiểu của PV, Đoàn thanh tra số 907 đã xác định có sai phạm liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư Dự án xây dựng Quảng trường huyện Đắk Mil; xác định các đơn vị liên quan có sai sót, vi phạm, trong đó, có nhiều gói thầu. 

Năm 2009, UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi gần 12 ha đất của Công ty cà phê Đức Lập giao cho UBND huyện Đắk Mil quản lý, sử dụng. Tháng 4-2016, Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư tại Công ty cà phê Đức Lập. Mục đích là để làm Dự án Quảng trường huyện Đắk Mil. 

Theo đó, tổng diện tích bị thu hồi là hơn 3,7 ha (lớn hơn 3.169 m2 đất so với diện tích đã được UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi trước đó). (Plo.vn 02/11, Vũ Long)Về đầu trang

Thanh Hóa: Cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với Chủ tịch UBND xã Phú Lâm

Ngày 2/11, Ban Thường vụ Thị ủy Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Khắc Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Ban Thường vụ Thị ủy Nghi Sơn cũng khiển trách Đảng ủy xã Phú Lâm, nhiệm kỳ 2020 - 2025; cảnh cáo ông Lê Văn Năm, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời, kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Duy Bình, Thị ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lâm nhiệm kỳ 2020-2025. 

Theo Ban Thường vụ Thị ủy Nghi Sơn, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, Đảng ủy xã Phú Lâm và những cá nhân trên đã thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất nông nghiệp, vi phạm Luật Đất đai. Đảng ủy xã Phú Lâm cũng không ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, để vi phạm kéo dài, làm cho tình hình phức tạp, tạo dư luận không tốt trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân các lãnh đạo của xã. 

Đặc biệt, cá nhân ông Nguyễn Khắc Anh còn vi phạm quy định về đạo đức, nếp sống văn minh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bản thân và tổ chức Đảng, gây dư luận xấu trong xã hội. Cụ thể, tháng 4/2019, thời điểm đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, ông Nguyễn Khắc Anh đã có hành vi cố ý gây thương tích cho ông Nguyễn Văn Hoan ở thôn Thế Vinh, xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn. 

Đến tháng 5/2022, với cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, ông Nguyễn Khắc Anh tiếp tục xô xát với bà Lê Thị Cảnh (thôn Thế Vinh, xã Tùng Lâm) làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Cảnh. Mặc dù xảy ra 2 sự việc trên nhưng ông Nguyễn Khắc Anh không báo cáo với cấp ủy, tổ chức Đảng quản lý, đã vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. 

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, áp dụng Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thị ủy Nghi Sơn quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Khắc Anh và các tập thể, cá nhân kể trên. (VTV.vn 02/11)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thủ tướng Hàn Quốc xin lỗi vì cười đùa trong họp báo thảm kịch giẫm đạp

Thủ tướng Hàn Quốc Han Duk-soo xin lỗi vì cười và nói đùa liên quan sự cố âm thanh trong cuộc họp báo về thảm kịch giẫm đạp Itaewon. "Bất kể tình huống đó là thế nào, tôi xin lỗi vì đã khiến người dân khó chịu", Thủ tướng Hàn Quốc hôm nay cho biết trong thông điệp gửi tới báo chí. 

Trong cuộc họp báo với truyền thông nước ngoài hôm 1/11 tại Seoul, phóng viên đặt câu hỏi với ông Han rằng "trách nhiệm của chính phủ Hàn Quốc từ đầu đến cuối sự việc là gì", liên quan thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon. Ông Han ban đầu không thể tiếp nhận câu hỏi do sự cố âm thanh. Phóng viên sau đó hỏi câu tương tự bằng tiếng Hàn. 

Sau câu trả lời của ông Han và lời xin lỗi từ Văn phòng Thủ tướng vì sự cố âm thanh, ông nhìn quanh, mỉm cười và nói đùa: "Trách nhiệm từ đầu đến cuối của người khiến tôi không thể nghe thấy câu hỏi là gì". Câu nói này của Thủ tướng Hàn Quốc làm dấy lên sự phẫn nộ trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng việc quan chức cấp cao của chính phủ nói đùa và cười khi đang xảy ra khủng hoảng quốc gia là không phù hợp. 

"Ông ấy đang đùa cợt với câu hỏi của phóng viên à? Tôi nhìn thấy rõ ràng đấy nhưng vẫn thật khó mà tin được", người dùng Twitter eeooswerve bình luận. "Thủ tướng đang chơi chữ và cười trong cuộc họp báo về thảm kịch, không thể chấp nhận được", người dùng Twitter helpnews1004 bình luận. 

Một số người suy đoán rằng câu nói đùa của ông Han mang ẩn ý rằng thảm kịch Itaewon không phải do Chính phủ thiếu quản lý an toàn, mà đơn thuần là thảm kịch tự nhiên. Một số khác cho rằng biểu hiện của ông cho thấy "thái độ hờ hững". 

Ít nhất 156 người, chủ yếu là thanh niên, đã thiệt mạng khi đám đông tham dự sự kiện Halloween đổ vào con hẻm nhỏ ở phố Itaewon tối 29/10. Nhân chứng cho biết một số người vấp ngã trên đường dốc, gây ra ùn tắc, trong khi đám đông tiếp tục chen về phía trước, ngã chồng lên nhau. Nhiều người bị chèn ép không thể nhúc nhích và ngạt thở. 

Cảnh sát Hàn Quốc cho biết trước khi thảm họa giẫm đạp xảy ra, giới chức nhận được nhiều báo cáo về tình trạng nguy hiểm tại phố Itaewon, nhưng xử lý chưa thích hợp. (Vnexpress.net 02/11, Huyền Lê)Về đầu trang

Ông Putin không ký sắc lệnh kết thúc đợt động viên quân

Điện Kremlin nói rằng lệnh động viên quân một phần của Nga đã hoàn thành và Tổng thống Putin "không cần" ký sắc lệnh kết thúc. 

Bộ Quốc phòng Nga cuối tuần trước thông báo hoàn thành lệnh động viên quân một phần do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hồi giữa tháng 9. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý và truyền thông Nga lưu ý rằng chỉ có ông Putin mới có thẩm quyền kết thúc đợt động viên. 

Tổng thống Nga hôm 31/10 cho biết ông "chưa nghĩ đến" việc ký sắc lệnh kết thúc đợt động viên và sẽ thảo luận với đội ngũ pháp lý. Điện Kremlin hôm 1/11 ra thông báo rằng ông Putin sẽ không ký sắc lệnh về vấn đề này. 

"Chúng tôi xin thông báo rằng: sắc lệnh là không cần thiết. Chúng tôi đã có kết luận từ bộ phận pháp lý nhà nước của Văn phòng Tổng thống về vấn đề này", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, thêm rằng đợt động viên quân một phần "đã hoàn thành".

Guardian nhận định tuyên bố của Điện Kremlin dường như mở đường cho các đợt động viên trong tương lai. Những người đã được huy động sẽ phục vụ cho đến khi Điện Kremlin kết thúc chiến sự Ukraine hoặc một quyết định riêng được đưa ra để giải ngũ họ. Động thái này cũng sẽ khiến Tổng thống Nga không cần ký sắc lệnh mới trong trường hợp cần huy động thêm quân. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu ngày 1/11 tuyên bố nước này sẽ triển khai đợt gọi nhập ngũ mùa thu thường niên, triệu tập thêm 120.000 quân để "thực hiện các nhiệm vụ phù hợp" và không cử họ tới tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tại Nga, nam công dân 18-27 tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự 12 tháng. (Vnexpress.net 02/11, Ngọc Ánh)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05