Bản tin Cải cách hành chính ngày 01/02/2024

14:25, Thứ Sáu, 2-2-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Bình Thuận: Xây dựng đô thị thông minh để phát triển bền vững

2.        Cà Mau: Ðiển hình số hoá trong cải cách hành chính

3.        Yên Bái đẩy mạnh số hóa hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công

4.        Sơn La: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

5.        Bình Dương: Số hóa nhiều lĩnh vực trong cải cách hành chính

6.        Đồng Tháp: Tăng cường thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính

7.        Thái Nguyên: Công bố chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng năm 2023

8.        Bà Rịa-Vũng Tàu: Cắt giảm tối thiểu 20% thủ tục và chi phí giải quyết thủ tục hành chính

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

9.        Từ 1/7, hàng triệu người có thể được hưởng lợi khi đăng ký căn cước điện tử

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

10.     Bắc Giang: Kiểm tra công vụ đột xuất tại một số cơ quan, địa phương

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Bình Thuận: Xây dựng đô thị thông minh để phát triển bền vững

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được một nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh (ĐTTM) Bình Thuận. Từ đó, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Qua nghiên cứu, phân tích của các cơ quan chức năng cho thấy, với thực trạng ứng dụng CNTT hiện tại, Bình Thuận đang có nhiều thuận lợi và có điều kiện để có thể xây dựng ĐTTM trong giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030. Cụ thể, đối với hạ tầng viễn thông, thời điểm này hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động 3G, 4G và cố định đã phủ đến 100% cấp xã với tốc độ truy nhập trung bình 80Mb/s cao hơn so với tốc độ trung bình của cả nước.

Tỉnh đã phát triển dữ liệu dùng chung, chuyên ngành gắn với kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, một số cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh đã được xây dựng, sử dụng như: CSDL thủ tục hành chính; CSDL cán bộ, công chức, viên chức; CSDL hộ tịch; CSDL đất đai; CSDL quy hoạch chuyên ngành. Hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành tiếp tục được xây dựng, phát triển hoàn thiện và khai thác, sử dụng hiệu quả góp phần quan trọng nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, đổi mới phương thức làm việc. Song song đó, tỉnh đã triển khai phát triển dữ liệu công dân số, đến nay đạt được một số kết quả quan trọng tạo tiền đề phát triển xã hội số. Công tác quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng được triển khai kịp thời, hiệu quả.

Hiện nay tỉnh đang tập trung chỉ đạo, xây dựng, triển khai mô hình thành phố thông minh, do đó việc Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định ban hành Khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) mới đây nhằm thống nhất kiến trúc chung cho cả tỉnh trong việc xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, việc xây dựng ĐTTM phải đảm bảo xác định rõ các thành phần, hệ thống CNTT, thứ tự ưu tiên đầu tư, trách nhiệm của các đơn vị khi triển khai các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh. Khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu, cơ sở dữ liệu với hệ thống chính quyền điện tử tỉnh...

Theo nhận định của ngành chức năng, việc xây dựng ĐTTM là việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp CNTT trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, lợi ích thiết thực nhất phải kể đến là nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh; các dịch vụ công, thông tin chính sách của chính quyền đều được cung cấp qua môi trường mạng và được tự động hóa khi xử lý, giúp xử lý hiệu quả và nhanh chóng những yêu cầu, thắc mắc của người dân và doanh nghiệp.

Không dừng lại, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ thông qua môi trường mạng; doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trực tuyến, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành và có đầy đủ cơ hội, thông tin để quyết định các phương án kinh doanh, phương án phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, ĐTTM còn giúp xã hội phát triển bền vững, giúp cho người dân có được môi trường sống thuận tiện, trong sạch, khỏe mạnh và an toàn; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh, khuyến khích sự sáng tạo và tham gia một cách tích cực của người dân vào công tác quản lý xã hội; phát huy vai trò làm chủ của người dân, sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế. (Baobinhthuan.com.vn 01/0, Thu Hà)Về đầu trang

Cà Mau: Ðiển hình số hoá trong cải cách hành chính

Là một trong những đơn vị được đánh giá cao trong nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), thời gian qua, UBND xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo thuận lợi, hài lòng người dân và doanh nghiệp.

Bà Cao Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, chia sẻ: “Thời gian qua, UBND xã luôn bám sát chỉ đạo triển khai thực hiện CCHC gắn với nhiệm vụ chuyển đổi số. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia; thanh toán không dùng tiền mặt đối với các thủ tục hành chính (TTHC) có phát sinh lệ phí, sử dụng hoá đơn điện tử khi công dân nộp lệ phí và hướng dẫn thực hiện số hoá hồ sơ”.

Song song đó, công chức xã còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn công dân, doanh nghiệp thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến thông qua nhiều hình thức, như trực tiếp đến nhà người dân và tại Bộ phận Một cửa khi người dân đến giao dịch. Trong đó, gửi video hướng dẫn qua Zalo để hướng dẫn, thường xuyên theo dõi, đôn đốc công chức trực tại Bộ phận Một cửa giải quyết TTHC và xử lý hoặc xin ý kiến xử lý kịp thời các nội dung khó khăn, vướng mắc.

Với sự quyết tâm, đồng hành của tập thể, cá nhân từng công chức phụ trách, nhiệm vụ CCHC của xã chuyển biến tích cực và đạt kết quả đáng khích lệ. Trong đó, nổi bật là thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC cho công dân, tổ chức tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử đảm bảo đúng quy định về trình tự, quy trình xử lý hồ sơ.

Tính riêng trong năm 2023, toàn xã đã tiếp nhận gần 1.600 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,96%; tỷ lệ số hoá kết quả hồ sơ trên địa xã là 99,96%. Cùng với đó, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên địa bàn xã đạt 99,96%, số hoá hồ sơ 99,96%, thanh toán trực tuyến đạt 86%.

Ông Lê Xuân Nghị, công chức Văn hoá - Xã hội, bộc bạch: “Khi người dân đến đây làm thủ tục, chúng tôi hướng dẫn đầy đủ quy trình. Ðồng thời, mở tài khoản cho người dân để nộp hồ sơ trực tuyến. Hiện tại, đa phần người dân đến đây đều có tài khoản dịch vụ công, trừ những người cao tuổi. Riêng dịp Tết này, khá nhiều người dân đến giải quyết chế độ cho đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo... Các trường hợp đều được giải quyết nhanh gọn”.

Ðơn vị công khai 100% thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã; kết quả giải quyết; công khai xin lỗi người dân đối với những trường hợp trễ hạn hồ sơ của công dân; công khai tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu việc thực hiện và giám sát cán bộ, công chức trong việc giải quyết TTHC. (Baocamau.vn 01/02, Hồng Nhung)Về đầu trang

Yên Bái đẩy mạnh số hóa hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công

Thời gian qua, Trung tâm Hành chính công (HCC) tỉnh đã tập trung hướng dẫn, yêu cầu công chức, viên chức các ban, sở, ngành làm việc tại Trung tâm thực hiện đầy đủ quy trình số hóa hồ sơ, kết quả trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Ông Trần Trí Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm HCC tỉnh chia sẻ: Để đẩy nhanh tiến độ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ, Trung tâm đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 347/UBND-HCC, ngày 13/2/2023 về việc cập nhật đầy đủ, kịp thời hồ sơ TTHC trên Cổng Dịch vụ công (DVC) tỉnh. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả việc khai thác sử dụng chữ ký số, chứng thư số trong giải quyết TTHC, đối với những TTHC có kết quả là phôi, thẻ, bìa… thì thực hiện scan và sao y điện tử kết quả chuyển cho công chức tại Bộ phận "một cửa” đính kèm lên hệ thống.

Trung tâm còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND, ngày 24/5/2023 về triển khai thực hiện Thông tư số 01/2023/TT-VPCP, ngày 5/4/2023 của Văn phòng Chính phủ quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và Văn bản số 1584/UBND-HCC, ngày 30/5/2023 việc hướng dẫn quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP.

Trong năm 2023, Trung tâm đã tổ chức các buổi tập huấn cho các cơ quan, đơn vị và một số địa phương, hướng dẫn một số bước trong quy trình thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản đã thực hiện tốt việc ký số thành phần hồ sơ phải số hoá và trả kết quả bản điện tử.

Tỷ lệ hồ sơ TTHC số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 63,65%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 71,2%. Trung tâm còn phối hợp với VNPT thực hiện nâng cấp Cổng DVC tỉnh để đưa kho lưu trữ dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân vào khai thác, sử dụng, theo đó các chức năng, tính năng đã đáp ứng cho các việc triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Đến nay, các tính năng của Cổng DVC cơ bản đã đáp ứng 4 bước quy trình số hóa: sao chụp giấy tờ, chuyển sang bản điện tử; bóc tách dữ liệu; cấp mã kết quả số hóa; lưu kết quả số hóa. Riêng quy trình bóc tách dữ liệu hiện nay chưa sử dụng được công nghệ nhận dạng ký tự quang học, vì vậy cán bộ, công chức thực hiện tự nhập dữ liệu, bảo đảm tính chính xác so với bản giấy; việc bóc tách này vẫn đảm bảo các thông tin của giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu quản lý và khai thác, sử dụng.

Theo kế hoạch, trong quý I/2024, Trung tâm tổ chức tập huấn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ các bước trong quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đảm bảo đầy đủ, đúng quy định, phục vụ cho việc tái sử dụng giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân không phải cung cấp các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó) mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ. Hồ sơ giải quyết TTHC được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, 100% kết quả giải quyết TTHC bắt buộc phải số hóa đều được cung cấp bản điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy nhằm phục vụ cho người dân có thể khai thác sử dụng khi thực hiện giải quyết các TTHC khác có liên quan. Trung tâm còn phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tích hợp tính năng tự động xác thực các tệp tin kết quả giải quyết TTHC đảm bảo đúng quy định của pháp luật, theo đó trường hợp tệp tin kết quả không đáp ứng sẽ không được lưu trữ trên hệ thống Cổng DVC của tỉnh. (Baoyenbai.com.vn 01/02, Quang Thiều) Về đầu trang

Sơn La: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Với mục tiêu đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu; bảo đảm về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 4.000 doanh nghiệp; trong đó, bình quân mỗi năm thành lập mới khoảng 320 doanh nghiệp tư nhân. Khoảng 30% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Trước yêu cầu mới, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, tập trung khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương; giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường, phân định trách nhiệm rõ ràng, minh bạch. Chủ động hỗ trợ, giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư đang thực hiện trên địa bàn, nhất là đối với các dự án ngoài ngân sách nhà nước. Nâng cao trách nhiệm phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là công tác phối hợp giải quyết thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất.

Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu; tiếp tục tham mưu với các cấp quản lý theo hướng đầu tư tập trung, không dàn trải, gây lãng phí trong đầu tư công. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ kế hoạch ngay từ đầu năm. Các sở, ngành, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư đảm bảo triển khai ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng chậm giải ngân, hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn giao.

Tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công dự án. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Xây dựng, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp, người dân; đối tác gắn bó dài hạn; đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tìm hiểu, thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tổ chức đối thoại trực tiếp với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh theo lĩnh vực ngành phụ trách.

Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tạo môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát các vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.. (Baosonla.org.vn 01/02, Ngọc Thuấn)Về đầu trang

Bình Dương: Số hóa nhiều lĩnh vực trong cải cách hành chính

Chiều 31/1, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Đề án 06 và công tác chuyển đổi số.

Trong hai năm qua, Bình Dương đã phát huy hiệu quả việc thực hiện Đề án 06 và nhiệm vụ chuyển đổi số. Từ đó nâng cao nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, ngành, nhân dân đối với chuyển đổi số nói chung.

Cụ thể, việc thực hiện Đề án 06 có những chuyển biến tích cực, giúp các cấp chính quyền, ngành hiểu rõ hơn tình hình hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh và an toàn cũng như nhận thức yêu cầu cần thiết để cải thiện cuộc sống hàng ngày.

Đáng chú ý, đến ngày 22/5/2023, tỉnh hoàn thành việc cấp Căn cước công dân cho 100% người dân đủ điều kiện, trở thành một trong 19 địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành mục tiêu này. Hiện có 2.056.198 người được cấp Căn cước công dân.

Ngoài ra, ngày 16/8/2023, việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử theo chỉ tiêu của Chính phủ cũng được hoàn thành vượt chỉ tiêu, với 1.624.565 tài khoản kích hoạt, đạt 132,58% so với chỉ tiêu, đứng thứ 5 trên cả nước. Tỉnh cấp 43.550 chữ ký số. Trong lĩnh vực phục vụ phát triển công dân số, hơn 250.000 hồ sơ sức khỏe được tạo lập, đạt khoảng 53% tổng dân số tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh ghi nhận sự đóng góp của các tập thể và cá nhân trong thực hiện hiệu quả Đề án 06 và chuyển đổi số năm qua. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tập trung nguồn lực triển khai các dự án, đặc biệt là dự án thiết yếu, cùng với đề xuất chính sách miễn giảm phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai "16 mô hình điểm" đã được ký kết và đề xuất triển khai thêm "19 mô hình" để đảm bảo hiệu quả, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục tăng cường số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa trong các thủ tục hành chính, đặc biệt là tại bộ phận một cửa các cấp. Bình Dương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số mạnh mẽ như ngân hàng, tài chính, viễn thông và nước...

Tỉnh tổ chức rà soát thủ tục hành chính và tăng cường thanh toán trực tuyến, với mục tiêu đạt tối thiểu 50% thủ tục có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời thúc đẩy thực hiện chứng thực bản sao điện tử nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính khá rườm rà như hiện nay… (TTXVN 31/01, Dương Chí Tưởng)Về đầu trang

Đồng Tháp: Tăng cường thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa có chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố triển khai Quyết định ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của Bộ Nội vụ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện CCHC trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC của ngành, địa phương.

Trong đó, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ có liên quan tại Quyết định số 35 ngày 22/1/2024 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền CCHC năm 2024; Quyết định số 1600 ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030”; đồng thời thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đã được xác định cụ thể tại Kế hoạch số 389 ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh về CCHC năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi tình hình, kết quả thực hiện tại các ngành, các cấp để tham mưu UBND tỉnh những giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC trên địa bàn tỉnh. (Baodongthap.vn 31/01, T.T)Về đầu trang

Thái Nguyên: Công bố chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng năm 2023

Ngày 31/1, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ Cải cách hành chính năm 2024 và công bố Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của các sở, ban ngành, địa phương năm 2023.

Năm 2023 công tác cải cách hành chính của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện một cách đồng bộ hiệu quả. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của người dân, tổ chức; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn. Việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số đã tạo bước đột phá, giảm phiền hà nâng cao chất lượng phục vụ của người dân và doanh nghiệp…

Tuy nhiên công tác Cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế cần khắp phục trong năm 2024. Trong đó các cấp các ngành, các địa phương phải tiếp tục coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm tạo bước đột phá, đẩy mạnh việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của nền hành chính…

Cũng tại hội nghị này, UBND tỉnh đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính các sở ngành, địa phương. Theo đó Sở Công thương, Sở NN&PTNT đạt điểm xuất sắc; thành phố Thái Nguyên dẫn đầu khối các huyện, thành phố. Đối với chỉ số hài lòng của tổ chức cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Định Hóa dẫn đầu.

Với những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh đã quyết định tặng Bằng khen cho 18 tập thể và 15 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Cải cách hành chính năm 2023. (Thainguyentv.vn 31/01, Xuân Tú, Thế Toàn)Về đầu trang

Bà Rịa-Vũng Tàu: Cắt giảm tối thiểu 20% thủ tục và chi phí giải quyết thủ tục hành chính

BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 4515/KH-BHXH về cải cách hành chính năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.

BHXH Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở. 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH trong đó mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 88%. (Baobariavungtau.com.vn 31/01, Quang Lê)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Từ 1/7, hàng triệu người có thể được hưởng lợi khi đăng ký căn cước điện tử

Theo dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, hàng triệu người sẽ chỉ cần đến công an cấp xã, phường để đăng ký căn cước điện tử.

Theo dự thảo, nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người dân sẽ được hưởng lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến định danh điện tử.

Theo đó, thay vì phải tới các cơ quan công an cấp cao hơn thì từ 1/7 tới, người dân có thể chỉ cần qua công an xã, phường, thị trấn để đăng ký căn cước điện tử. Nội dung này được quy định chi tiết trong Chương III về Tài khoản định danh điện tử và xác thực điện tử.

Cụ thể, mục 2 về đăng ký căn cước điện tử đối với công dân đã được cấp thẻ căn cước quy định:

1. Đối với đăng ký căn cước điện tử đối với công dân đã được cấp thẻ căn cước:

- Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp căn cước điện tử. Công dân xuất trình thẻ căn cước, cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao hoặc địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử;

- Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục (áp dụng đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên) để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước. Công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập căn cước điện tử;

- Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký cấp căn cước điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử;

- Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan Công an và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.

2. Đối với đăng ký căn cước điện tử đối với công dân chưa được cấp thẻ căn cước:

- Công dân đến cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước; cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao, địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử;

- Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử. Công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử;

- Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử;

- Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện. (Giadinh.suckhoedoisong.vn 31/01, Minh Anh)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Bắc Giang: Kiểm tra công vụ đột xuất tại một số cơ quan, địa phương

Ngày 31/1, Tổ kiểm tra công vụ do UBND tỉnh Bắc Giang thành lập kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại xã Thái Đào (Lạng Giang); thị trấn Phương Sơn (Lục Nam); Sở NN&PTNT.

Tổ tập trung kiểm tra việc chấp hành quy định về giờ làm việc, thực hiện văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tại thời điểm kiểm tra, cơ bản cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan có mặt đầy đủ. Một số nơi vắng cán bộ đều có lý do.

Tuy nhiên, việc đeo thẻ của cán bộ các xã, thị trấn, sở chưa được chấp hành nghiêm; hồ sơ tại các phòng làm việc chưa ngăn nắp, gọn gàng. Bộ phận một cửa xã Thái Đào chưa niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh kiến nghị của chủ tịch UBND cấp xã và Tổ trưởng Tổ kiểm tra công vụ do UBND tỉnh thành lập theo hướng dẫn.

Qua kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc đề nghị các đơn vị trên khắc phục ngay những hạn chế do các thành viên trong tổ chỉ ra. Cùng đó, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương công vụ. Tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung trong Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 2/6/2023 của BTV Tỉnh ủy về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. (Baobacgiang.com.vn 31/01, Khôi Nguyên)Về đầu trang./.

 

Các tin khác

07