Bản tin Cải cách hành chính ngày 30/01/2024

14:5, Thứ Ba, 30-1-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

1.        Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính

2.        Đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

3.        Bà Rịa-Vũng Tàu: TX Phú Mỹ dành “quán quân” trong cải cách hành chính

4.        Sóc Trăng vận hành Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015

5.        Hà Giang: Sở TT&TT dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023

6.        Yên Bái: Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công

7.        Bắc Giang: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

8.        Thêm 4 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số Việt Nam

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

9.        Bộ Tài chính: Yêu cầu không tổ chức chúc Tết, tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

10.     Băn khoăn “giấy phép con”

 

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định ngày 28/1/2024 kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Các Ủy viên là lãnh đạo một số bộ, ngành.

Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Đồng thời cũng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Cũng theo Quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, sáng kiến và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và kế hoạch hoạt động hằng năm của Ban Chỉ đạo do Bộ Nội vụ trình Chính phủ. 

Giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hoà, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.

Giúp Thủ tướng đôn đốc, theo dõi, đánh giá việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách hành chính. Sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về cải cách hành chính, đề xuất phương hướng, giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Thủ tướng. (Vietnamfinance.vn 29/01, Tiểu An) Về đầu trang

Đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp

Thủ tướng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính không cần thiết, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Cùng đó là tháo gỡ mọi điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2024, ngày 29/1 đã thảo luận 5 nội dung. Trong đó có 3 dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi). 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật.

Đáng chú ý đối với đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện các chính sách để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường đầu tư, kinh doanh.

Các ý kiến cho rằng, việc xác định đối tượng áp dụng các chính sách thuế phải phù hợp với từng loại doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi, chế tài chống thất thu thuế; bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai. Bảo đảm phù hợp với chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển. Phải đổi mới tư duy, cách làm để tạo ra nguồn lực, động lực mới, truyền cảm hứng cho toàn xã hội, có huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể. Đầu tư nguồn nhân lực, nguồn lực cho xứng tầm là đột phá chiến lược.

Nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các ủy ban của Quốc hội; lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tiếp thu ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Cần tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính không cần thiết, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ mọi điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Cùng với đó là tạo môi trường phát triển lành mạnh, điều tiết theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tránh "xin – cho", phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.

Đối với một số luật vừa được ban hành như Luật Đất đai (sửa đổi), các luật liên quan đến bất động sản, nhà ở, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để sớm đưa luật vào cuộc sống, khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển. (Doanhnghiepvn.vn 29/01, Hà Anh)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Bà Rịa-Vũng Tàu: TX Phú Mỹ dành “quán quân” trong cải cách hành chính

3 năm liên tiếp thị xã Phú Mỹ dành vị trí “quán quân” trong toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về xếp hạng Chỉ số cải cách hàng chính. Với những nỗ lực ấy, thời gian qua thị xã Phú Mỹ đã làm thay đổi hình ảnh của cơ quan quản lý Nhà nước, tạo nhiều thiện cảm trong giải quyết công việc đối với người dân, doanh nghiệp.

Vị trí “quán quân” này được Phú Mỹ thể hiện qua các con số như cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính chỉ còn 40-45%; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền hàng năm trên 31,2 nghìn hồ sơ, trong đó, giải quyết sớm và đúng hạn bình quân trên 99% (năm 2021 là 99,5%, năm 2022 là 99,2%, năm 2023 là 98,74;%); kết quả khảo sát, đánh giá sự mức độ hài lòng của người dân về cải cách thủ tục hành chính hàng năm đạt trên 98%; giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 98,3%.

Đặc biệt, thị xã Phú Mỹ đã duy trì thực hiện tốt mô hình “Ngày thứ Bảy hàng tháng lắng nghe dân nói”, từ đó đã tổ chức 38 hội nghị, tại 42 lượt thôn, ấp, khu phố, với 1.376 lượt người dân tham dự và 337 ý kiến. Đây là phương án hữu hiệu giúp công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các công trình, dự án trọng điểm nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ đó, góp phần vào thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, cụ thể, ngân sách tỉnh đạt tỷ lệ 99,99%; ngân sách thị xã đạt tỷ lệ 98,2%.

Chỉ số cải cách hành chính (chỉ số PAR INDEX) của Phú Mỹ trong 03 năm liền (2021, 2022, 2023) luôn ở vị trí 1/8 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã tiếp tục là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn, thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm trong xây dựng nền hành chính kỷ cương, dân chủ, “vì nhân dân phục vụ”, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Về cải cách hành chính thì thị xã Phú Mỹ đã có "thương hiệu" từ nhiều năm nay. 3 năm liền đứng ở vị trí thứ nhất trong toàn tỉnh nhưng câu chuyện không phải là đứng thứ mấy, mà là tạo ra nền tảng vững chắc để các chỉ số được đảm bảo lâu dài thì cần rất nhiều yếu tố như con người, hạ tầng và cách đầu tư trọng điểm, đồng bộ để phát huy hiệu quả thiết thực. Tất cả những yếu tố này đã được Phú Mỹ thực hiện quyết liệt. (Baoxaydung.com.vn 30/01, Xuân Mai)Về đầu trang

Sóc Trăng vận hành Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015

Ngày 29.1, Sở KH-CN Sóc Trăng đã tổ chức công bố vận hành Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2015 bản điện tử tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở KH-CN Sóc Trăng cho biết: "Năm 2023, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành kế hoạch về việc triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 bản điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh năm 2023".

Số đơn vị triển khai là 39, bao gồm các sở, ban ngành; các chi cục trực thuộc sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian thực hiện từ ngày 13.10.2023 đến ngày 31.12.2023 với tổng kinh phí trên 3,1 tỉ đồng.

Đến cuối năm 2023 đã cài đặt, cấu hình phần mềm ISO điện tử trên hệ thống máy chủ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Người dùng truy cập và vận hành phần mềm dựa trên phân quyền đã định ra qua hệ thống Internet hoặc mạng WAN tỉnh bằng các trình duyệt web thông dụng.

Tất cả 39 đơn vị đã được UBND tỉnh chấp thuận cấp tên miền với tên miền chung cho hệ thống https://iso.soctrang.gov.vn, từng đơn vị sẽ đăng nhập với tài khoản mail công vụ. Thực hiện tạo tài khoản, cấp quyền đầy đủ cho các phòng, ban tại 39 đơn vị triển khai. Tổ chức tập huấn quản trị phần mềm ISO điện tử cho cán bộ quản trị và lớp tập huấn hướng dẫn vận hành cho lãnh đạo, thư ký ISO, các công chức, viên chức. Hướng dẫn các đơn vị cập nhật hệ thống tài liệu theo TCVN ISO 9001:2015...

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 42 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 bản điện tử vào hoạt động (3 đơn vị hoàn thành năm trước là Sở KH-CN, Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.). (1thegioi.vn 29/01, Lương Xuân Cao)Về đầu trang

Hà Giang: Sở TT&TT dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính năm 2023

UBND tỉnh Hà Giang vừa công bố kết quả cải cách hành chính năm 2023 của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Theo đó, ở nhóm các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đạt 90,22/100 điểm, xếp loại Xuất sắc và đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính.

Cụ thể, trong bảng tổng hợp điểm từng lĩnh vực cải cách hành chính năm 2023 của các sở, ban, ngành, Sở Thông tin và Truyền thông có 05/07 lĩnh vực đạt điểm cao, với tỷ lệ từ 90 - 100% trong tổng số điểm thành phần gồm các lĩnh vực: Chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (91,13%); cải cách thể chế (100%); cải cách chế độ công vụ (96,19%); cải cách cơ chế quản lý tài chính công (95.50%); xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số (98,31%).

Trước đó, thứ hạng cải cách hành chính của Sở Thông tin và Truyền thông năm 2021, 2022 lần lượt là 09/20, xếp loại khá và 02/20, xếp loại tốt trong các sở, ban, ngành. Kết quả này cho thấy những quyết tâm, nỗ lực, bứt phá, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện cải cách hành chính của cơ quan.

Từ năm 2019, tỉnh Hà Giang đã tổ chức đánh giá chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Qua đó giúp các sở, ban, ngành, địa phương nắm bắt, tự đánh giá, phát huy những ưu điểm và khắc phục những tồn tại, hạn chế cụ thể để quá trình thực thi công vụ ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng và hoàn thiện nền hành chính của tỉnh ngày một chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. (Dangcongsan.vn 30/01, PV)Về đầu trang

Yên Bái: Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công

Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có những bước đi vững chắc cho công tác chuyển đổi số. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, mang đến sự hài lòng cho người dân.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, thời gian qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động giải quyết hồ sơ, TTHC. Việc ứng dụng CNTT giúp việc giải quyết TTHC thuận lợi, nhanh chóng, hồ sơ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể, tất cả các hồ sơ TTHC được nhận tại bộ phận "một cửa” của các đơn vị sẽ được số hóa lên phần mềm "một cửa” điện tử của tỉnh. Các TTHC khi được công bố sẽ kèm theo quy trình điện tử (từ khi nhận hồ sơ cho đến khi trả kết quả đều được tích hợp trên phần mềm "một cửa” điện tử).

Do đó, người dân có thể biết được hồ sơ mình đang ở giai đoạn nào; bộ phận kiểm soát, giám sát TTHC tại Trung tâm cũng có thể kiểm soát được hồ sơ đang ở giai đoạn nào; nếu hồ sơ trễ hẹn hoặc trễ hẹn do nguyên nhân nào đều có thể giám sát được. Hiện nay, Cổng Dịch vụ công tỉnh Yên Bái đã hợp nhất với hệ thống thông tin "một cửa” điện tử thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Yên Bái.

Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-UBND phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đối với hệ thống Cổng Dịch vụ công tỉnh Yên Bái, trong đó cấp độ được phê duyệt là cấp độ 3. Hoàn thành triển khai cung cấp, công khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo chỉ đạo của Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, trong đó, 10 dịch vụ công được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, 13 dịch vụ công được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công của các bộ, ngành, 2 dịch vụ công được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Yên Bái là một trong hai tỉnh, thành phố có số lượng yêu cầu xác thực cao nhất: trong năm 2023, đã thực hiện 293.561 lượt xác thực điện tử; tính đến ngày 14/12/2023, tỉnh Yên Bái xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Số lượng tài khoản được tạo mới cho công dân từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/12/2023 là 30.377 tài khoản.

Ông Trần Trí Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Đến nay, Cổng Dịch vụ công tỉnh Yên Bái đã và đang kết nối với 25 hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã sẵn sàng chia sẻ, kết nối và khai thác thông tin, trong đó 24 hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã kết nối và đưa vào khai thác, sử dụng; 1 hệ thống đang trong quá trình hoàn thiện là hệ thống dịch vụ, tiện ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đặc biệt, đến nay đã tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên hệ thống Cổng Dịch vụ công tỉnh để người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đăng nhập và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và là một trong hai tỉnh/thành đầu tiên kết nối thành công, triển khai đưa vào thực hiện trên môi trường chính thức. Từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 14/12/2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận và xử lý các hồ sơ trực tuyến được gửi từ Cổng Dịch vụ công quốc gia là 100.089 hồ sơ.

Trong đó, 8.203 hồ sơ của thủ tục tuyển sinh trung học cơ sở; 7.983 hồ sơ của thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 6.573 hồ sơ của thủ tục hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo; 5.449 hồ sơ của thủ tục đăng ký khai sinh; 5.291 hồ sơ của thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch; 3.003 hồ sơ của thủ tục xét, duyệt chính sách hỗ trợ đối với học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, trung học cở sở ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; 2.674 hồ sơ của thủ tục đăng ký kết hôn; 2.615 hồ sơ của thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam; 2.162 hồ sơ của thủ tục đăng ký lại khai sinh; 1.983 hồ sơ của thủ tục đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí đối với người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học… (Baoyenbai.com.vn 30/01, Quang Thiều)Về đầu trang

Bắc Giang: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Kế hoạch nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của nền kinh tế hiện nay; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đưa tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, giữ vững vị thế, hình ảnh Bắc Giang, góp phần vào công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia năm 2024.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai các nhiệm vụ nhằm hoàn thành các mục tiêu năm 2024 được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Triển khai thực hiện Kế hoạch theo sự chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, toàn diện của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, của từng ngành, địa phương, đơn vị.

Trong tổ chức thực hiện phải chỉ đạo kiên quyết, bám sát nội dung của Kế hoạch và Nghị quyết, cụ thể, tránh hình thức; phải đặt ra yêu cầu có sự chuyên biệt từng khâu, bộ phận công việc, thủ tục; xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, có sự kết hợp nhịp nhàng đồng bộ, hiệu quả giữa các ngành, đơn vị đối với những công việc có liên quan. (Lucngan.bacgiang.gov.vn 30/01, Thảo My)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Thêm 4 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số Việt Nam

Vừa có 4 nền tảng được bổ sung, nâng tổng số danh mục nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số lên 38 nền tảng. 4 nền tảng được bổ sung gồm: Hóa đơn điện tử, Bảo hiểm xã hội số, Cảng biển số và Cửa khẩu số.

Được biết, trong danh sách này có 21 nền tảng do cơ quan Nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội. 17 nền tảng do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội.

Nền tảng thuế điện tử cung cấp công cụ quản lý thuế thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.

Nền tảng bảo hiểm xã hội số thiết lập kênh giao tiếp và tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, từng bước thực hiện việc thay thế sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế giấy.

Nền tảng cảng biển số chuyển đổi toàn bộ hoạt động của một cảng biển lên môi trường số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng biển. Trên nền tảng này, quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp cảng, hãng tàu, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu… được tự động hóa. Nền tảng đảm bảo tính công khai, minh bạch, cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu tốt hơn, từ đó góp phần phát triển kinh tế số cảng biển.

Nền tảng cửa khẩu số là nền tảng cung cấp công cụ quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu, cho phép tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bến bãi tại cửa khẩu… Nền tảng cũng đảm bảo tính công khai, minh bạch, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, góp phần phát triển kinh tế số cửa khẩu. (VTV.vn 30/01)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Bộ Tài chính: Yêu cầu không tổ chức chúc Tết, tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông báo số 203 gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ về tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị không tổ chức chúc Tết, tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội trong giờ hành chính nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi... Cán bộ, đảng viên đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị phải thật sự nêu gương trong việc thực hiện vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết, xử lý kịp thời các công việc, tình huống phát sinh, không ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp... (Thoibaotaichinhvietnam.vn 29/01, Đức Minh)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Băn khoăn “giấy phép con”

Đề xuất Giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian hoạt động giảng dạy đang nhận được nhiều ý kiến. Cho dù đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra giải thích, nhưng nhiều người vẫn cho rằng việc này giống như thêm một “giấy phép con”, không cần thiết.

Theo quy định dự kiến, Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo (từ đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo. Giấy chứng nhận thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Giấy chứng nhận có giá trị sử dụng trong toàn quốc.

Tuy nhiên, tại Hội thảo tham vấn chuyên đề về việc xây dựng Luật Nhà giáo tổ chức ở TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng điều đó phải được đặc biệt cân nhắc vì tác động rất lớn. Cả nước hiện có hơn 1,5 triệu giáo viên, để có đủ thời gian kiểm tra, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận (hoặc không cấp) là chuyện không hề đơn giản. Cả triệu con người đang giảng dạy lại bỗng chốc phải ngóng chờ Giấy chứng nhận nghề nghiệp để đủ tiêu chuẩn hành nghề, liệu có cần thiết? Đặc biệt với những người đã có thâm niên dạy học hàng chục năm trở lên thì ứng xử ra sao?

Xu hướng chung, và cũng là chỉ đạo của Chính phủ nhiều năm qua là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết. Nạn “giấy phép con” từng bị xã hội lên án gay gắt. Với ngành Giáo dục cũng không ngoại lệ. Việc có quá nhiều giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ... đã là nỗi khổ của không biết bao người. Chính vì thế, khi cơ quan quản lý bớt một loại giấy tờ, thủ tục phiền toái nào đó, người ta như trút được gánh nặng.

Việc Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc là vấn đề lớn. Liệu trường dân lập có dễ dàng chấp nhận ai đó có Giấy chứng nhận khi mà trước nay họ có tiêu chí tuyển chọn riêng? Kể cả việc mời giáo viên thỉnh giảng thì các trường cũng nhắm đến tiêu chí người dạy giỏi chứ không phải là người có “hồ sơ đẹp”. Họ chọn người thực tài, thực việc chứ không phải chọn người có đủ các loại giấy tờ. Ngay đến việc thuyên chuyển giáo viên giữa các địa phương, giữa trường này sang trường khác trong hệ thống trường công thì chắc gì chỉ cần có Giấy chứng nhận là đủ.

Năng lực chuyên môn của nhà giáo được hình thành trong quá trình thực tế giảng dạy. Tấm giấy “chứng nhận nghề nghiệp" mà một giáo viên có được không đủ làm nên nhà giáo. Nhà giáo không đơn thuần là một viên chức, một chức danh mà trên hết phải là danh dự của người làm nghề “trồng người”. Một người được gọi là thầy đúng nghĩa phụ thuộc vào trình độ, tâm huyết, sự tận tụy, đức hy sinh của chính họ.

Người Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, một chữ là thầy nửa chữ cũng là thầy. Truyền thống ấy được hun đúc qua suốt hàng ngàn năm lịch sử. Biết bao nhà giáo với những đóng góp lớn lao cho xã hội, cho đất nước mà tên tuổi trở nên lẫy lừng. Có người được nhân dân từ đời này sang đời khác tôn xưng là “Vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời, nào phải do họ có đầy đủ văn bằng, sắc chỉ.

Và tất nhiên là họ không có Giấy chứng nhận nghề nghiệp hoạt động dạy học. Cần rất thận trọng với chủ trương cấp Giấy chứng nhận cho nhà giáo, nhất là khi giấy chứng nhận đó để sử dụng suốt đời (trừ trường hợp vi phạm kỷ luật). Nếu coi đó là quy định bắt buộc để được dạy học thì sẽ khiến nhiều người phải "chạy" bằng mọi cách để có nó. Tiêu cực sẽ từ đó mà ra.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là điều cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang tiến như vũ bão nhờ vào sự thúc đẩy của công nghệ. Vì thế, điều quan trọng trước mắt cũng như lâu dài là phải nâng chất các trường sư phạm đào tạo giáo viên. Phải chuẩn hóa ngay từ trong môi trường đại học, không đợi sau khi họ ra trường, đi dạy mới “chuẩn hóa”, mới cấp giấy phép.

Việc bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy là công việc thường xuyên, thường trực và bền bỉ của từng giáo viên. Dù cho có “giấy phép” hành nghề đi chăng nữa nhưng thiếu trui rèn trong thực tế giảng dạy thì điều đó cũng sẽ trở nên vô nghĩa. (Daidoanket.vn 30/01, Hà Trọng Nghĩa)Về đầu trang./.

 

Các tin khác

07