Bản tin cải cách hành chính ngày 24/02/2023

15:9, Thứ Sáu, 24-2-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

1.        Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

2.        Quận 12 - TP HCM: Tỉ lệ hài lòng của người dân đạt 99.57%

3.        Tiện ích của ứng dụng về quy hoạch xây dựng tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai

4.        Hải Phòng: Yêu cầu xử nghiêm nếu có vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính

5.        Hà Giang: Lấy kết quả phòng, chống tham nhũng làm thước đo đánh giá năng lực người đứng đầu

6.        Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh giải pháp thanh toán không sử dụng tiền mặt

7.        Thanh Hóa: Tập trung triển khai đánh giá DDCI năm 2022

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

8.        Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền: Minh bạch, tiết kiệm thời gian

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

9.        Hà Nội siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

THẾ GIỚI

10.     Miễn thuế cho các ngân hàng đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia 

 

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo. 

Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đề án "phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) là đề án quan trọng, đột phá để thực hiện chiến lược này, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. 

Qua một năm thực hiện, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu, làm tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương tinh thần tích cực vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án 06 thời gian qua, tiêu biểu là: Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Nam,... trong đó vai trò của đồng chí Phó Thủ tướng được phân công phụ trách, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác và Bộ phận thường trực Tổ công tác đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt công tác tham mưu, đôn đốc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. 

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ triển khai Đề án, như: 

Nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa đáp ứng an toàn thông tin, an ninh mạng nên chưa thể thực hiện việc số hóa, kết nối, chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến… 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. 

Cụ thể, từng đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án tại cơ quan, địa phương mình; báo cáo Cấp ủy Đảng đề xuất ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị chỉ đạo triển khai Đề án 06 để tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện, hoàn thành trong tháng 3 năm 2023. 

Các bộ, ngành, địa phương xác định triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Việc triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, làm từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí. (VTV.vn 24/02)Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Quận 12 - TP HCM: Tỉ lệ hài lòng của người dân đạt 99.57%

Quận 12 được đánh giá cao về hiệu quả cải cách hành chính, với tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99.9%, tỉ lệ hài lòng của người dân đạt 99.57%... 

Kết quả trên được UBND quận 12 - TP HCM thông tin tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2022 và phát động phong trào thi đua năm 2023, tổ chức vào ngày 23-2. 

Theo đó, công tác cải cách hành chính không ngừng được quận quan tâm đầu tư, đổi mới, chất lượng ngày một nâng cao với việc triển khai giải quyết hồ sơ hành chính công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 24 thủ tục. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99.9%, tỉ lệ hài lòng của người dân đạt 99.57%. 

Cùng với cải cách hành chính, báo cáo hội nghị cho biết thêm trong năm 2022, quận 12 đã đạt được những thành quả trên các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Điển hình như: tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (GO) tăng 15,11% so với cùng kỳ năm 2021; thu ngân sách nhà nước được hơn 3.000 tỉ đồng, đạt 129.4% so với dự toán; thành lập mới 3.830 doanh nghiệp tăng 1.377 doanh nghiệp so với cùng kỳ. 

Với những thành tích đạt được trong năm 2022, UBND quận 12 được UBND TP HCM tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ phát triển, chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thương mại - dịch vụ - công nghiệp - nông thôn đô thị. (Nld.com.vn 23/02, T.Thái)Về đầu trang

Tiện ích của ứng dụng về quy hoạch xây dựng tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai

Chỉ cần tải ứng dụng cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng QHXD.BH vào điện thoại là người dân có thể xem toàn bộ thông tin quy hoạch xây dựng về thửa đất bất kỳ trên địa bàn TP.Biên Hòa một cách nhanh chóng. 

Ứng dụng QHXD.BH được xem là một sản phẩm hữu ích phục vụ công tác cải cách hành chính do Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp xây dựng phục vụ miễn phí cho người dân. 

Trước đây, muốn tìm hiểu thông tin về quy hoạch xây dựng đối với thửa đất đang sử dụng, người dân TP.Biên Hòa phải đến Trung tâm Hành chính TP.Biên Hòa hoặc UBND phường, xã nơi có thửa đất đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch và phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Ngoài ra, người dân cũng chưa có công cụ để giám sát việc thực hiện các đồ án quy hoạch... 

Hiện nay, chỉ cần cài đặt ứng dựng cung cấp thông tin quy hoạch QHXD.BH, người dùng có thể ngồi nhà lướt smart phone là có đầy đủ thông tin cần biết về quy hoạch xây dựng thửa đất của mình đang sử dụng hoặc dự tính đầu tư tại TP.Biên Hòa. 

Nói về hiệu quả của ứng dụng QHXD.BH mang lại, anh Nguyễn Văn Lộc (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, anh dự định mua một thửa đất ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) để xây nhà. Được người quen giới thiệu về phần mềm xem quy hoạch xây dựng QHXD.BH nên anh đã tải ngay về sử dụng và không cần phải đến cơ quan chức năng xem thông tin quy hoạch. Thông tin ứng dụng cung cấp rất nhanh chóng và tiện lợi. 

“Khi đăng nhập phần mềm, tôi chỉ cần nhập số tờ, số thửa đất vào mục tìm kiếm là biết ngay thông tin quy hoạch đô thị đã được công bố của thửa đất. Đồng thời, có thể kiểm tra điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, việc xây dựng nhà ở cũng như hiện trạng sử dụng đất có phù hợp với quy hoạch xây dựng hay không” - anh Lộc chia sẻ. 

Nhận xét về ứng dụng nêu trên, Chủ tịch UBND P.Trung Dũng Phạm Thị Nguyệt Thu cho rằng, ứng dụng QHXD.BH cũng là công cụ hữu ích đối với cơ quan quản lý. Với địa bàn rộng như TP.Biên Hòa (gồm 30 đơn vị hành chính), việc xử lý hồ sơ liên quan đến thông tin quy hoạch xây dựng kịp thời tốn nhiều thời gian hơn vì phải dùng phần mềm chuyên ngành (AutoCad). Ngoài ra, việc chồng xếp bản đồ địa chính để lấy thông tin đến từng thửa đất nhưng đặc thù bản đồ địa chính thường xuyên thay đổi nên phải khai thác lại bản đồ cập nhật mới nhất dẫn đến khả năng xử lý thông tin chậm hơn, việc bố trí nhân sự và phương tiện để xử lý hồ sơ cũng gặp nhiều khó khăn… Do vậy, việc ứng dụng QHXD.BH không chỉ thuận lợi cho người dân mà còn phục vụ công tác quản lý xây dựng trên địa bàn đạt hiệu quả hơn. 

Ứng dụng cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng QHXD.BH được Sở KH-CN công nhận là sáng kiến khoa học cấp tỉnh. Chia sẻ về ý tưởng xây dựng ứng dụng QHXD.BH, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp cho biết: “Ứng dụng được xây dựng bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của người dân cũng như tạo thêm thuận lợi cho công tác quản lý quy hoạch” .  

Theo ông Trương Vĩnh Hiệp, hiện tại chưa có một nguồn thông tin quy hoạch đô thị đáng tin cậy ngoài thông tin được cung cấp trực tiếp từ cơ quan chức năng. Khi sử dụng ứng dụng QHXD.BH, nhu cầu cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân được đáp ứng ngay, thay vì phải đến cơ quan chức năng. Ứng dụng QHXD.BH cung cấp các tiện ích: tra cứu thông tin quy hoạch đô thị; theo dõi, giám sát việc thực hiện đồ án quy hoạch ngoài thực địa; xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, việc xây dựng nhà ở, hiện trạng sử dụng đất...  

Thông qua việc tải và cài đặt ứng dụng cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng trên các kho ứng dụng App Store và Google Play, cán bộ quản lý và người dân có thể dễ dàng tiếp cận cơ sở dữ liệu quy hoạch xây dựng trên địa bàn TP.Biên Hòa. Qua đó, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, giúp lãnh đạo tra cứu thông tin đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trên thiết bị di động. Cán bộ xử lý hồ sơ quản lý thông tin quy hoạch đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính được cập nhật thường xuyên. Sử dụng chức năng định vị để xác định vị trí cần kiểm tra quy hoạch đô thị đã được phê duyệt… (Baodongnai.com.vn 24/02, Kim Liễu)Về đầu trang

Hải Phòng: Yêu cầu xử nghiêm nếu có vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành, các quận, huyện nghiêm túc xác định việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo trọng tâm trong công tác cải cách hành chính năm, đảm bảo mục tiêu hạn chế tối đa nhiệm vụ hoàn thành quá hạn. 

Theo đó, khẩn trương thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo Kế hoạch 242 của UBND thành phố. Báo cáo việc số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của thành phố, đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống Công Dịch vụ công và Một cửa điện tử thành phố và thiết lập Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trong Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố. 

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các Sở, ban, ngành chủ động rà soát các Quyết định công bố thủ tục hành chính của các Bộ, ngành Trung ương và phối hợp với Văn phòng UBND thành phố kịp thời tham mưu trình Chủ tịch thành phố công bố danh mục thủ tục hành chính đảm bảo theo đúng quy định. Theo đó, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố,  nếu để xảy ra tình trạng công bố không đầy đủ, quá hạn trong việc công bố các Quyết định thủ tục hành chính, danh mục thủ tục hành chính theo quy định. 

Bên cạnh đó, lấy kết quả thực hiện các chỉ tiêu tại Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử làm tiêu chí đánh giá phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ thủ tục hành chính của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, các quận, huyện. Khuyến khích thưởng điểm đối với các cơ quan, đơn vị có kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt trên 40%; Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt trên 30%; Tỷ lệ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt trên 60%; Trừ điểm đối với các đơn vị không đạt chỉ tiêu đối với các tiêu chỉ nêu trên. 

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa, chú trọng đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hoặc thông qua hoạt động bưu chính công ích theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, chậm trễ trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính đối với tổ chức, người dân và xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu để công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm quy định. (Baovephapluat.vn 23/02, Khánh Quyên) Về đầu trang

Hà Giang: Lấy kết quả phòng, chống tham nhũng làm thước đo đánh giá năng lực người đứng đầu

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang vừa yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Lấy kết quả công tác PCTN làm thước đo đánh giá năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn vụ của người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho rằng, thực hiện kế hoạch công tác PCTN, tiêu cực năm 2023 nhằm mục đích nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong công tác PCTN, tiêu cực. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò của xã hội trong công tác PCTN, tiêu cực. 

Nội dung kế hoạch PCTN bao gồm: Tập trung tuyên truyền Luật PCTN năm 2018, các quy định của Chính phủ về PCTN, kiểm soát tài sản, thu nhập. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân. 

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải luôn nêu cao tính tiên phong gương mẫu để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCTN, tiêu cực; chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định của pháp luật. 

Thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tăng cường bám nắm cơ sở, địa bàn, lắng nghe dư luận để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai tài nguyên môi trường, tài chính ngân sách, tổ chức cán bộ, xây dựng cơ bản. 

Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của Luật PCTN và các luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, giảm sát việc chấp hành pháp luật về PCTN của cả thành viên, hội viên, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách pháp luật. 

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập, kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao nhận thức giảm sát của toàn xã hội về công tác minh bạch tài sản, thu nhập. Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tin báo tố giác tội phạm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…. (Thanhtra.com.vn 24/02, Bùi Bình)Về đầu trang

Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh giải pháp thanh toán không sử dụng tiền mặt

Ngày 23/2, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ ra mắt thanh toán hóa đơn tiền nước và tiền dịch vụ vệ sinh môi trường qua ứng dụng Hue-S (nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế). 

Ngay sau khi tích hợp thành công và ra mắt ví điện tử trên Hue-S, Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty cổ phần FPT Telecom phối hợp với Công ty cổ phần Cấp nước tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế nghiên cứu tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền nước, tiền dịch vụ vệ sinh môi trường qua ứng dụng Hue-S. 

Với một chiếc điện thoại có ứng dụng Hue-S và liên kết tài khoản ví điện tử, người dân có thể thanh toán hóa đơn tiền nước, tiền dịch vụ vệ sinh môi trường định kỳ một cách nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi. Ngoài giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại, người dùng còn nhận được khuyến mãi từ nhà cung cấp dịch vụ hay ngân hàng. Bên cạnh đó, giúp hạn chế lượng tiền mặt lưu thông, giảm thiểu lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế cũng như kiểm soát chi tiêu tốt hơn. Người sử dụng dịch vụ này sẽ được đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cá nhân.  

Đây là bước khởi đầu trong giao dịch thanh toán hóa đơn, hạn chế sử dụng tiền mặt, ứng dụng công nghệ số, từng bước thay đổi thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Hue-S là nền tảng đặc thù thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh. Ngoài tích hợp đa dạng các dịch vụ đô thị thông minh, Hue-S còn triển khai thêm giải pháp thanh toán số qua ví điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong thanh toán không sử dụng tiền mặt. Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh giải pháp thanh toán không sử dụng tiền mặt, đề nghị các đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, sử dụng nền tảng Hue-S và ví điện tử; tăng cường giải pháp kỹ thuật để Hue-S trở thành “siêu ứng dụng” thuận lợi, hữu ích, an toàn, nhanh chóng với mọi người dân nhằm hướng đến thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. (TTXVN 23/02, Tường Vi)Về đầu trang

Thanh Hóa: Tập trung triển khai đánh giá DDCI năm 2022

Tháng 5-2022, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa công bố kết quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2021. Kết quả DDCI đã phản ánh trung thực những cảm nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư trong quá trình tương tác với các đơn vị để thực hiện thủ tục đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, đơn vị chủ trì thực hiện đề án - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hoá) đang khẩn trương triển khai các bước khảo sát DDCI năm 2022. 

Theo kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 15-11-2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án đánh giá DDCI tỉnh Thanh Hóa năm 2022, mục đích thực hiện đề án nhằm phát huy kết quả khảo sát năm 2021 và tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số để cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả nhằm giám sát và chỉ đạo nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. 

Đồng thời tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, DN; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực…, từ đó góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trong năm 2023 và các năm tiếp theo. 

Theo VCCI Thanh Hóa, trong năm thứ 2 triển khai khảo sát, đánh giá về chỉ số này, đơn vị thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên hơn 4.000 DN, HTX, hộ cá thể để phát ra hơn 12.000 phiếu khảo sát với 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hoá, cho biết: “Bộ chỉ số DDCI Thanh Hoá năm 2022 vẫn giữ nguyên 8 thành phần. Tuy nhiên, về cách thức khảo sát được chúng tôi triển khai linh hoạt hơn nhằm bảo đảm hiệu quả và thời gian. Đặc biệt, quy trình và phương pháp khảo sát luôn bảo đảm khách quan, bảo mật và công tâm. Kết quả đánh giá các đơn vị được khảo sát hoàn toàn là cảm nhận khách quan của DN thông qua các phiếu điều tra xã hội học và sẽ được mã hoá bằng phần mềm, không có bất kỳ sự can thiệp của con người cũng như bảo mật hoàn toàn danh tính của cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia”. 

Hiện nay, các cán bộ VCCI đang bước vào những ngày cuối cùng của công đoạn lấy phiếu khảo sát. Dự kiến, công đoạn này sẽ kết thúc vào ngày 5-3. Sau đó, VCCI sẽ chuyển sang công đoạn thu hồi, nhập kết quả khảo sát, mã hoá hồ sơ, hoàn thiện báo cáo và dự kiến kết quả DDCI năm 2022 sẽ được công bố vào đầu tháng 4-2023. 

Bộ chỉ số DDCI được xây dựng gồm 8 thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.  

Theo đánh giá của cộng đồng DN, việc triển khai đánh giá DDCI chứng tỏ chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh. Mặc dù môi trường đầu tư kinh doanh đã được nỗ lực cải cách trong nhiều năm trở lại đây nhưng thực tế vẫn còn nhiều điểm nghẽn chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN. Với việc cung cấp bộ công cụ DDCI sẽ giúp các DN yên tâm và kỳ vọng nhiều hơn vào những cải thiện về cơ chế, chính sách sau này. Đồng thời, sẽ tạo nên khí thế, phong trào thi đua sôi nổi và những bước ngoặt mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó không ngừng nâng cao chất lượng điều hành kinh tế một cách toàn diện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của DN, nhà đầu tư trong tương lai gần. 

Theo kết quả DDCI năm 2021, trong nhóm sở, ban, ngành cấp tỉnh, có 5 đơn vị được đánh giá có chất lượng điều hành tốt, 13 đơn vị có chất lượng điều hành khá, 4 đơn vị có chất lượng điều hành chưa tốt; nhóm UBND cấp huyện, có 7 đơn vị được đánh giá có chất lượng điều hành tốt, 17 đơn vị có chất lượng điều hành khá, 3 đơn vị có chất lượng điều hành chưa tốt. (Baothanhhoa.vn 23/02, Minh Hằng) Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền: Minh bạch, tiết kiệm thời gian

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, vừa tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp và người nộp thuế. 

Hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là giải pháp cung cấp hóa đơn có kết nối với cơ quan thuế, để quản lý được doanh thu thực của người bán. Thực hiện chỉ đạo, ngành thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống này từ ngày 15/12/2022. Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh. 

Theo đó, người bán có thể xuất hoá đơn điện tử ngay khi bán hàng hóa, dịch vụ, giúp tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, việc xuất hóa đơn được thực hiện bất cứ thời gian nào, do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế là hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định. 

“Với việc thực hiện hóa đơn người nộp thuế sẽ chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do hoá đơn điện tử  khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày, không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường” , Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ. 

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cũng cho rằng, người dân với tư cách là người mua hàng, khi người bán áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thì giao dịch mua bán được minh bạch. Người mua hàng nhận hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có căn cứ pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của người bán về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa, dịch vụ. 

Hiện nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành, UBND các tỉnh lựa chọn một số địa phương gồm TP. Hà Nội, thành phố Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai trong giai đoạn 1 áp dụng 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn hoạt động trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến giao dịch với người tiêu dùng thì sử dụng hoá đơn điện tử  từ máy tính tiền; trọng tâm là nhà hàng, khách sạn, siêu thị, kinh doanh vàng bạc… Trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 1, sẽ triển khai giai đoạn 2 áp dụng diện rộng trên toàn quốc. 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, mặc dù việc áp dụng hoá đơn điện tử  khởi tạo từ máy tính tiền rất tiện lợi và minh bạch, nhưng đến nay số cơ sở kinh doanh đã đăng ký thành công hoá đơn điện tử kết nối với máy tính tiền với cơ quan thuế mới chỉ đạt 805 cơ sở kinh doanh, đạt khoảng 20% kế hoạch giai đoạn 1 mà ngành thuế đề ra, trong khi đó đến hết tháng 3 năm nay sẽ kết thúc giai đoạn 1. 

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ cơ sở kinh doanh sử dụng toàn bộ hoá đơn điện tử  từ máy tính tiền không cao, Tổng cục Thuế cho biết là do quy định hiện hành vẫn cho phép 1 cơ sở kinh doanh được đồng thời được sử dụng nhiều hình thức hóa đơn điện tử.  

Cùng với đó, là do các cơ sở kinh doanh cần có thời gian để nâng cấp, chuyển đổi phần mềm ứng dụng của các máy tính tiền tại từng điểm bán hàng để đồng nhất việc xuất hóa đơn từ máy tính tiền trên toàn hệ thống, đặc biệt là mô hình chuỗi, siêu thị. 

Bà Vũ Thị Thu Thủy, chủ cơ sở kinh doanh trên đường Minh Khai (Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại việc áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ làm tăng chi phí của cửa hàng do phải đầu tư thêm máy móc.  

Nhưng Tổng cục Thuế  cho biết, gọi là hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhưng các cơ sở không phải mua mới máy tính, mà vẫn sử dụng máy tính có sẵn đang dùng hiện nay, chỉ cần tích hợp thêm phần mềm hóa đơn theo yêu cầu của cơ quan thuế. Chi phí cho hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thậm chí còn rẻ hơn so với các loại hoá đơn điện tử  khác. 

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, việc triển khai hoá đơn điện tử  khởi tạo từ máy tính tiền không tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, mà ngược lại còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nhân lực hơn so với các loại hoá đơn điện tử  khác, do cuối ngày doanh nghiệp mới cần gửi dữ liệu 1 lần đến cơ quan thuế. Vì vậy, trong thời gian tới ngành thuế sẽ tham mưu đề xuất để áp dụng bắt buộc với giải pháp này. (TTXVN/Baotintuc.vn 23/02, Thùy Dương)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Hà Nội siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công

Xác định tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm chính trị hàng đầu trong năm 2023, nên ngay từ tháng đầu năm, TP. Hà Nội đã kịp thời phân bổ nguồn vốn đầu tư công; đồng thời đặt ra một số chỉ tiêu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này. 

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công trung ương giao cho thành phố Hà Nội là 46.956 tỷ đồng. Đến nay, Hà Nội đã phân bổ toàn bộ kế hoạch vốn trung ương giao và phân luôn trách nhiệm chính. Trong đó, ngân sách cấp thành phố hơn 26.000 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện gần 20.000 tỷ đồng; chi đầu tư trở lại cho các quận, huyện, thị xã từ tiền thuê đất trả tiền một lần là 900 tỷ đồng. 

Ngay từ đầu năm, thành phố cũng thanh tra công vụ về đầu tư công, thanh tra kết quả năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023. Tính đến cuối tháng 2/2023, Hà Nội đã giải ngân được hơn 3.600 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch năm 2023. 

Những tháng đầu năm 2023, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai nhiều dự án quan trọng, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. 

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể và chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về kết quả giải ngân của đơn vị. Hàng quý tổ chức giao ban xây dựng cơ bản toàn thành phố, giao ban hàng tháng với từng ngành, lĩnh vực theo chuyên đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Hà Nội cũng sẽ kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm thủ tục đầu tư, chậm triển khai giải ngân sang các dự án có khả năng thực hiện, hấp thụ vốn tốt hơn… 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã đề xuất sớm có Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp phân quyền cho địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. 

Bên cạnh việc đề ra các giải pháp đẩy nhanh triển khai giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, TP. Hà Nội tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công thông qua đề ra một số mục tiêu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Theo đó, tại Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 của TP.Hà Nội vừa ban hành, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện của dự án... (Thoibaotaichinhvietnam.vn 24/02, Khánh Linh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Miễn thuế cho các ngân hàng đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia

Chính phủ Indonesia vừa công bố một loạt ưu đãi, miễn giảm thuế nhằm thu hút các công ty và người dân chuyển đến khu vực thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan thuộc đảo Borneo. 

Theo Bộ Đầu tư Indonesia, các ngân hàng và công ty bảo hiểm hoạt động tại Nusantara sẽ không phải trả thuế thu nhập trong tối đa 25 năm nếu họ đầu tư trước năm 2035, và được giảm thuế tới 20 năm nếu đầu tư trước năm 2045. 

Đây chỉ là một trong nhiều ưu đãi được chính phủ đưa ra để kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ kế hoạch di dời thủ đô trị giá 600.000 tỷ rupiah (39,5 tỷ USD) của Tổng thống Joko Widodo. 

Trả lời phỏng vấn ngày 21/2, Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia bày tỏ: “Tôi chắc chắn rằng với quy định mà chúng tôi đã xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi hơn và tạo động lực cho thủ đô mới... các khoản đầu tư sẽ đổ vào đây”. 

Các ưu đãi sẽ chỉ được cung cấp cho đến năm 2045, khi Nusantara được hoàn tất theo kế hoạch. Ông Bahlil nói: “Nếu tiếp tục cắt giảm thuế, chúng tôi lấy tiền đâu để xây dựng cơ sở hạ tầng ở đó? Điều này là công bằng thôi”. 

Indonesia đang tìm cách lôi kéo các nhà đầu tư để giúp hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng thống Widodo về việc xây dựng một thành phố thủ đô hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là chỉ với 20% chi phí do ngân sách nhà nước chi trả. 

Tính đến nay, 20 nhà đầu tư trong và ngoài đã bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào thủ đô mới Nusantara, trong đó một số công ty đã ký kết thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Bahlil từ chối tiết lộ danh tính của các nhà đầu tư này. 

Chính phủ Indonesia đã bắt đầu xây dựng các cơ sở hạ tầng cơ bản ở thủ đô mới, bao gồm một hồ chứa nước, đường giao thông, dinh tổng thống và phó tổng thống. Mục tiêu đặt ra là bắt đầu chuyển các cơ quan nhà nước tới Nusantara vào năm 2024. Để thúc đẩy kế hoạch này, chính phủ cũng miễn thuế thu nhập cho người dân chuyển đến sống tại Nusantara đến cuối năm 2035. 

Bên cạnh đó, chính phủ sẽ miễn giảm thuế sẽ được dành cho các khoản đầu tư lớn hơn 10 tỷ rupiah vào các lĩnh vực xây dựng đường cao tốc, năng lượng, nhà ở, trung tâm mua sắm, cơ sở y tế và khách sạn. 

Các công ty chuyển trụ sở chính hoặc văn phòng đến Nusantara sẽ được miễn thuế lên tới 100% trong vòng 10 năm. Chính sách “Siêu khấu trừ thuế” sẽ được dành cho các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và phi lợi nhuận. Các công ty mở rộng sản xuất tại Nusantara sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể miễn thuế hàng xa xỉ, thuế đất và thuế nhà. (TTXVN/Bnews.vn 24/02, Hữu Chiến)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04