Bản tin cải cách hành chính ngày 10/02/2023

16:51, Thứ Sáu, 10-2-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

1.        Hà Nội: Khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung

2.        Thái Nguyên: Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính

3.        TPHCM: Nâng cao trách nhiệm công vụ

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

4.        Dự án VILG: Góp phần cải cách hành chính lĩnh vực quản lý đất đai

5.        Bộ Tư pháp: Cởi mở, gắn bó và quyết liệt

6.        Không gây phiền hà, sách nhiễu với khách hàng giao dịch thanh toán tại Kho bạc Nhà nước

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

7.        Xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính của 10 tỉnh

8.        Giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách

9.        Bắc Giang nâng cao chất lượng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

PHÂN TÍCH – NHẬN ĐỊNH

10.     Phải chấm dứt "hành" dân

11.     Trần ai "hậu xóa sổ hộ khẩu"

THẾ GIỚI

12.     Algeria: Năm 2022, hơn 15.000 người bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng

 

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Hà Nội: Khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung

Ngày 9/2, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lễ khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung thành phố. 

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng với quyết tâm cao, cùng với sự đồng hành, hợp tác của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, thành phố Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành khai thác sử dụng 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, cốt lõi. 

Cụ thể, 4 hệ thống thông tin, ứng dụng gồm hệ thống thông tin báo cáo thành phố; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; ứng dụng quản lý cuộc họp tại Ủy ban Nhân dân thành phố. Đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố. 

Hệ thống thông tin dùng chung thành phố hướng tới mục tiêu là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền thành phố được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt; đảm bảo công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số; đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đơn vị trong nội bộ thành phố cũng như việc kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành trung ương. 

Đặc biệt, hệ thống thông tin dùng chung thành phố là nền tảng cốt lõi để xây dựng nền hành chính Thủ đô hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm phục vụ; gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, chuyển đổi số; đồng thời góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung thành phố, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; khắc phục tình trạng mỗi cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng một hệ thống riêng, thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu; gây lãng phí thời gian, chi phí đầu tư và vận hành hệ thống. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh với quyết tâm sớm đưa vào vận hành các Hệ thống thông tin dùng chung đã thể hiện rõ quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ; đồng thời tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, đảm bảo hoạt động của chính quyền thành phố công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và doanh nghiệp. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái tin tưởng rằng việc triển khai thành công dự án sẽ là chìa khóa để Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống cơ quan quản lý của thành phố, giúp cho việc quản lý điều hành của chính quyền trên môi trường điện tử theo hướng hiện đại, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng chính quyền số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. (TTXVN 09/02, Nguyễn Thắng)Về đầu trang

Thái Nguyên: Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính

Thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, ngành tập trung vào 6 nội dung: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng; phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. 

Riêng với nội dung cải cách thủ tục hành chính, tỉnh phấn đấu đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của tỉnh; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc cơ quan liên thông qua phương thức điện tử; tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó... 

Năm 2023, đối với cải cách thể chế, Thái Nguyên tập trung triển khai Đề án tăng cường công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2023 - 2025 và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh thực hiện công bố đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính, danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn. Tỉnh rà soát, tích hợp toàn bộ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên, bộ phận một cửa các cấp... 

Ở lĩnh vực cải cách tài chính công, năm nay, Thái Nguyên tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, rà soát, đảm bảo 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thảnh việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đặc biệt, đối với việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, năm 2023, Thái Nguyên chuẩn hóa, cập nhật thủ tục hành chính lên cổng dịch vụ công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên địa bàn, nhân rộng mô hình chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt... 

Theo đánh giá mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên, năm 2022, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông cơ bản đáp ứng yêu cầu; việc áp dụng một cửa điện tử trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đạt hiệu quả; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn cao. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động quản lý nhà nước làm thay đổi diện mạo nền hành chính và phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức...Tuy vậy, quá trình thực hiện cải cách hành chính của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến còn thấp, vẫn còn tình trạng hồ sơ tồn đọng, trả quá hạn; tỉnh chưa thực hiện được việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị; nhiều hồ sơ chưa được đồng bộ số liệu với cổng dịch vụ công quốc gia. (TTXVN 10/02, Hoàng Thảo Nguyên)Về đầu trang

TPHCM: Nâng cao trách nhiệm công vụ

UBND huyện Hóc Môn (TPHCM) đang hoàn tất các thủ tục để khởi công, đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thể dục thể thao và trường học… phục vụ người dân trên địa bàn, với nguồn kinh phí thực hiện khoảng 200 tỷ đồng từ việc vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. 

Nghị quyết 54 có hiệu lực từ ngày 15-1-2018, quy định HĐND TPHCM được quyết định: “Cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội”. Song, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, huyện Hóc Môn là địa phương hiếm hoi ở TPHCM chủ động đề xuất, áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để tranh thủ nguồn vốn đầu tư hạ tầng, thúc đẩy tiến trình thay đổi diện mạo của địa phương và nâng cao chất lượng sống của người dân. 

Thực tế trên càng đặt ra yêu cầu về ý thức, trách nhiệm công vụ của cán bộ, trong bối cảnh cả nước đang ra sức kêu gọi, khuyến khích cán bộ “năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” như Kết luận 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đặt ra, nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế và vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. 

Với chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”, như vậy “trách nhiệm công vụ” đã được TPHCM lựa chọn làm một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để khắc phục các tồn tại, hạn chế của thành phố trong thời gian qua, nhất là cải thiện các chỉ số về cải cách hành chính và nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công; đồng thời vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu của năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết XI của Đảng bộ TPHCM.  

Nhiệm vụ nâng cao trách nhiệm công vụ mà TPHCM xác định hay khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo như Kết luận 14-KL/TW đặt ra, cũng đều hướng đến mục đích để cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, phục vụ người dân tốt hơn. Cho nên, nhiệm vụ trước tiên của đội ngũ cán bộ của TPHCM là phải “thuộc bài, đúng vai” và hơn thế là phải nỗ lực hơn trong đổi mới, sáng tạo để đảm bảo thực hiện được mục tiêu tăng trưởng bình quân của TPHCM là 8%-8,5%, như Nghị quyết 31 đặt ra. 

Yêu cầu về tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ đảng viên trong toàn hệ thống chính trị ở TPHCM tiếp tục được đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tại hội thảo “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, do Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 9-2. Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, tinh thần năng động, sáng tạo chỉ có thể phát huy một cách tối đa khi mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức trách nhiệm về đạo làm người, ý thức sâu sắc về nhân cách, lẽ sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và có lòng trắc ẩn, sự thấu cảm trước những bức xúc của người dân. 

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên còn nhấn mạnh đến yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, uốn nắn, ngăn chặn các sai sót, gắn với thực hiện chương trình hành động cá nhân, tự phê bình và phê bình; đồng thời đánh giá xác đáng, khen thưởng kịp thời và xử lý kỷ luật phải nghiêm minh. Qua đó thúc đẩy cán bộ thực hiện đầy đủ trách nhiệm, góp phần tích cực trong thực hiện hiệu quả các quyết sách, đường hướng phát triển TPHCM, đất nước và đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân. (Sggp.org.vn 10/02, Kiều Phong)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Dự án VILG: Góp phần cải cách hành chính lĩnh vực quản lý đất đai

Ngày 9/2, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” – (Dự án VILG). 

Theo Bộ TN&MT, ngày 30/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai”, vay vốn Ngân hàng thế giới với thời gian thực hiện từ năm 2017 đến hết năm 2021. Do yêu cầu mới của công tác xây dựng hệ thống thông tin và trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia dự án, ngày 20/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Dự án VILG, gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2023. 

Thời gian qua, Dự án đã có những đóng góp đáng kể vào công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực đối với các hoạt động tại Trung ương và địa phương (công tác giải ngân, đấu thầu, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số …). 

Bước đầu, dự án đã tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh lên cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia và vận hành theo mô hình tập trung, thống nhất; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ quan thuế và hệ thống một cửa hành chính công góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của địa phương, từng bước chuyển đổi dịch vụ công đất đai từ trực tiếp sang trực tuyến, giúp cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết.

Theo ông Chu An Trường, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương, Ban Quản lý đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh việc vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tại địa chỉ https://nlis.vilg.gov.vn/. 

Đến nay đã hoàn thành kết nối vận hành 210/237 huyện thuộc 29/30 tỉnh, thành phố tham gia dự án. Trong đó, có 19 tỉnh đã hoàn thành kết nối toàn bộ các huyện tham gia dự án và có 40 quận huyện, thành phố thuộc 06 tỉnh, thành phố không tham gia dự án kết nối. 

Bên cạnh đó, ngày 29/12/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an đã thực hiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ người dân. Trong 305 huyện đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư có 281 huyện của dự án VILG. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm của dự án VILG ở Trung ương cũng như ở địa phương trong năm 2023 là phải tập trung nỗ lực để hoàn thành dự án theo đúng cam kết, đạt được các mục tiêu đã đề ra, góp phần vào công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. 

Thứ trưởng đề nghị UBND các địa phương tham gia dự án tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở TN&MT, Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh lên kế hoạch triển khai Dự án từ nay đến khi kết thúc dự án giám sát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo dự án hoàn thành đầy đủ các nội dung cần thực hiện, kết thúc đúng thời gian yêu cầu và đạt được mục tiêu của dự án mà Chính phủ đã phê duyệt và tuân thủ theo Hiệp định tài trợ đã ký kết. 

Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án cấp tỉnh quyết liệt chỉ đạo, giám sát các nhà thầu trong việc triển khai để đảm bảo đúng tiến độ. “Phải đảm bảo cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng đúng quy định pháp luật và cập nhật, được chỉnh lý thường xuyên”, Thứ trưởng lưu ý. 

Thứ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Dự án cấp Trung ương hướng dẫn địa phương trong việc giải ngân và kết thúc dự án. Đồng thời, hỗ trợ các chuyên gia để triển khai các hoạt động nghiên cứu hỗ trợ chuyên sâu hỗ trợ về chính sách đất đai và Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. 

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho 30 tỉnh tham gia dự án cho rằng, Dự án có đóng góp không nhỏ vào công tác quản lý nhà nước về đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đồng thời cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục của Dự án. (Dangcongsan.vn 09/02, BL)Về đầu trang

Bộ Tư pháp: Cởi mở, gắn bó và quyết liệt

Ngày 8/2 vừa qua, khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, ông cảm nhận được không khí rất cởi mở và gắn bó trong một tập thể chuyên nghiệp, đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau, qua đó giúp Bộ thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về nhiều lĩnh vực. 

Có thể kể đến, xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, bồi thường Nhà nước, công tác pháp chế; quản lý Nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước với 38 nhóm nhiệm vụ. 

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ nặng nề, chỉ có thể thực hiện được nếu có sự chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm, chứ không thể đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng đòi hỏi có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng quy định pháp luật. 

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai và sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, gồm các đột phá về thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó có công tác cải cách hành chính (CCHC). 

Mới đây, khi phát biểu tại Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh những ý nghĩa của công tác CCHC trong việc tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa..., từ đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch. 

Tất cả những nhiệm vụ đó đang được Bộ Tư pháp triển khai với tinh thần “cởi mở và gắn bó”. Mặc dù cải cách thể chế, CCHC... là những vấn đề lớn, nhạy cảm không thể nóng vội nhưng cũng không thể chần chừ. Người dân và doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm, không có sự lựa chọn nào khác. 

CCHC đang là một “sứ mệnh”. Tất cả các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh/thành phố đều xây dựng nhiệm vụ CCHC năm 2023. Điều đó cho thấy, nhận thức đã được nâng lên, cả hệ thống chính trị đều đã vào cuộc.  

Cải cách có nghĩa là sửa đổi những gì cũ kỹ, lạc hậu... đáp ứng yêu cầu của cuộc sống; hay nói cách khác là sự sửa đổi căn bản hoặc từng phần, từng mặt theo hướng tiến bộ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển đất nước. (Baophapluat.vn 10/02, Ngô Đức Hành)Về đầu trang

Không gây phiền hà, sách nhiễu với khách hàng giao dịch thanh toán tại Kho bạc Nhà nước

Tại Chỉ thị số 589/CT-KBNN ngày 7/2/2023 về tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN vừa ban hành, Tổng Giám đốc KBNN yêu cầu xử lý, kỷ luật nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật đối với đơn vị có thái độ ứng xử không phù hợp và có biểu hiện gây sách nhiễu, phiền hà đối với khách hàng giao dịch. 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán, thực hiện tốt công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, tại Chỉ thị số 589/CT-KBNN, Tổng Giám đốc KBNN yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan KBNN, Giám đốc KBNN cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trong tâm. 

Cụ thể, lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo công chức thường xuyên theo dõi, cập nhật các chủ trương, chính sách, các văn bản mới liên quan đến thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2023 nói chung; các văn bản liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN nói riêng để triển khai thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN đảm bảo thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch và đúng quy định của pháp luật hiện hành. 

Chỉ thị số 589/CT-KBNN quy định rõ, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN và quy định về giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của KBNN đối với tất cả các nguồn vốn được giao quản lý đảm bảo đúng với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN. 

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc KBNN yêu cầu toàn hệ thống nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tuyệt đối không được gây phiền hà, sách nhiễu cho khách hàng giao dịch khi làm thủ tục thanh toán tại KBNN; tiếp nhận đúng thành phần, số lượng hồ sơ quy định; chấp hành quy định về phương thức gửi, thời gian xử lý hồ sơ, không được yêu cầu khách hàng giao dịch bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quá 01 lần; không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không có lý do. 

Đặc biệt, nghiêm cấm công chức kiểm soát chi yêu cầu khách hàng giao dịch phải gửi thêm hồ sơ, chứng từ ngoài hồ sơ quy định phải gửi KBNN và không được yêu cầu gửi hồ sơ giấy trước khi chuyển hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến (đối với trường hợp thực hiện giao dịch qua hệ thống dịch vụ công theo quy định). 

Tại Chỉ thị, KBNN yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất giám sát từ xa việc thực hiện thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi. Trường hợp phát hiện các cá nhân, đơn vị KBNN thực hiện không đúng quy định, có thái độ ứng xử không phù hợp và có biểu hiện sách nhiễu, phiền hà với khách hàng giao dịch thì xử lý, kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. 

KBNN sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác luân chuyển, luân phiên đối với công chức lãnh đạo và chuyên viên làm công tác kiểm soát chi theo quy định. 

Tổng Giám đốc KBNN giao Văn phòng KBNN phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện đo lường sự hài lòng của khách hàng 02 lần trong 01 năm, thời gian thực hiện vào cuối Quý I và Quý III hàng năm. Kết quả đo lường này sẽ được sử dụng làm căn cứ đề xuất xử lý các đơn vị yếu kém và đánh giá, xếp loại công chức, người đứng đầu đơn vị. (Tapchitaichinh.vn 10/02, Gia Hân)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính của 10 tỉnh

Theo dự kiến chương trình, tại phiên họp thứ 20 diễn ra từ ngày 13-15/2 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc. 

Theo đó, dự kiến, tại phiên họp thứ 20, UBTVQH sẽ tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, QH khóa XV; cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

 Cùng với đó, UBTVQH cũng sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Ban Thư ký; cho ý kiến về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu QH, các cơ quan của QH, các cơ quan thuộc UBTVQH và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH; xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2). 

Cũng tại phiên họp này, UBTVQH dự kiến sẽ xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp QH; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc. 

Ngoài ra, UBTVQH sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của QH tháng 12/2022 và tháng 1/2023. (Chinhphu.vn 10/02, Hoàng Nam)Về đầu trang

Giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách

Ngày 3-2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 10 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 trực tuyến với địa phương. 

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. 

Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực tham mưu triển khai kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, đến hết năm 2030; phối hợp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế; sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm yêu cầu, mục tiêu theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. 

Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương về việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó cần chủ động dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tập trung cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Hoàn thiện phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. 

Bên cạnh việc chủ động tạo nguồn cải cách tiền lương, Chính phủ còn yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2023. 

Đáng chú ý, cần tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù, nhất là dịch vụ ăn uống, trên cơ sở ứng dụng công nghệ số và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như đi công tác, khánh tiết, hội thảo, hội nghị... 

Ngoài ra, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10-2; khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư... (Plo.vn 09/02, Q.Linh)Về đầu trang

Bắc Giang nâng cao chất lượng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang, thời gian tới, tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ nguồn cấp ủy, cán bộ chủ chốt cấp ủy, HĐND, UBND các cấp, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Bắc Giang xác định nhiệm vụ sau quy hoạch cán bộ là phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phân công, giao nhiệm vụ để thử thách, rèn luyện, qua đó tạo cơ hội cho cán bộ phát huy năng lực, sở trường để phát triển, trưởng thành. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì nhiệm vụ chung; tạo cơ hội cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho những người thực sự có năng lực, phẩm chất, uy tín và tạo động lực để cán bộ nỗ lực, phấn đấu hết mình, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng. 

Thời gian tới, Bắc Giang tập trung thực hiện tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm; tiến hành đánh giá cán bộ, rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn uy tín, năng lực, không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; kịp thời bổ sung quy hoạch cấp ủy những cán bộ trẻ, có năng lực vượt trội, phẩm chất ưu tú, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có khả năng đảm đương được nhiệm vụ của chức danh quy hoạch. 

Tỉnh cũng quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ; rà soát, chủ động kế hoạch và thực hiện việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm chức danh quy hoạch. Trong đó, Bắc Giang quan tâm thực hiện hiệu quả 2 nội dung chính là đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thực tiễn thông qua công tác luân chuyển. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã phê duyệt quy hoạch các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đối với 460 đồng chí; các chức danh chủ chốt cấp huyện đối với 237 đồng chí. Theo phân cấp quản lý cán bộ, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch lãnh đạo cấp phòng và tương đương đối với 2.107 đồng chí; cấp ủy cấp huyện phê duyệt quy hoạch lãnh đạo cấp phòng ở huyện đối với 1.978 đồng chí. 

Bắc Giang thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền quy hoạch cấp ủy và các chức danh chủ chốt tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030. Cán bộ được đưa vào quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh là những đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có đức, có tài, có triển vọng phát triển và tính khả thi cao. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã phê duyệt 67 đồng chí quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 20 đồng chí quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy (trong đó 14 nữ, 12 người từ 40 tuổi trở xuống); quy hoạch các chức danh lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhiệm kỳ 2026-2031 đối với 31 đồng chí… (TTXVN 10/02, Việt Hùng) Về đầu trang

PHÂN TÍCH – NHẬN ĐỊNH

Phải chấm dứt "hành" dân

Những ngày qua đã có không ít phàn nàn về sự phiền toái, rắc rối khi người dân giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thông tin cư trú, trong khi trước đây, với những thủ tục hành chính này, họ chỉ trình ra cuốn sổ hộ khẩu là xong. Bỏ sổ hộ khẩu hóa ra có việc lại phiền toái hơn. 

Có từ thời bao cấp, sổ hộ khẩu được xem như một "giấy thông hành" đặc biệt quan trọng với các gia đình. Cuốn sổ hộ khẩu được các gia đình gìn giữ như là thứ quý giá nhất trong nhà bởi mọi thủ tục hành chính liên quan tới nhân thân đều liên quan tới sổ hộ khẩu, tới đâu cũng phải "trình" ra. Thế nhưng, sổ hộ khẩu ngày càng bộc lộ những bất cập, nhất là cản trở quyền của người dân đã được quy định trong Hiến pháp như quyền tự do đi lại, cư trú, làm việc, quyền có nhà ở… 

Theo quy định tại điều 38 của Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu hết giá trị sử dụng. Khi sổ hộ khẩu đã "hoàn thành sứ mạng", các cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip. 

Cũng từ luật này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022, trong đó bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi… Khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ, trong số này có căn cước công dân. 

Ai ai cũng thở phào cho rằng trút được nỗi e ngại về một thủ tục hành chính khi cuốn sổ hộ khẩu bị "khai tử", song thực tế đang diễn ra không phải như vậy. 

UBND TP Hà Nội trước phản ánh của dư luận đã có văn bản chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra công vụ để chấn chỉnh. Đây là việc làm cần thiết, song thiết nghĩ còn chưa đủ. Để thủ tục hành chính thực sự không còn "hành" dân, cần chỉ rõ và chế tài những cá nhân, đơn vị, cơ quan còn tiếp tục có những yêu cầu không đúng quy định pháp luật, gây khó cho dân. (Nld.com.vn 10/02, Phạm Dương)Về đầu trang

Trần ai "hậu xóa sổ hộ khẩu"

Tưởng bỏ sổ hộ khẩu thì thủ tục nhanh gọn hơn, ai ngờ ngược lại là cảm giác chung của nhiều người khi tới cơ quan hành chính với sự tự tin có căn cước công dân gắn chip… 

Sáng 9-2, phóng viên đến trụ sở một UBND phường ở quận Tân Bình, TP HCM, để xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tại đây hỏi "hộ khẩu ở đâu?". Khi biết phóng viên có hộ khẩu ở quê thì người này nói phải về nơi đăng ký thường trú mới có thể xác nhận. 

"Tạm trú thì ở đây không làm được hả chị?". Trước câu hỏi này, nữ công chức trả lời với thái độ khó chịu: "Tình trạng hôn nhân phải về nơi thường trú em mới làm được, hiểu chưa?". Tiếp tục bày tỏ thắc mắc vì sao nhà nước đã bỏ sổ hộ khẩu và bản thân có căn cước công dân (CCCD) gắn chip nhưng vẫn không làm được, phóng viên lập tức nhận lại âm thanh lớn gần như quát: "Trời ơi! Chị trả lời thêm một lần nữa là nơi tạm trú em không làm được cho dù em có bất kỳ giấy tờ gì".

 Chia sẻ câu chuyện "đã có CCCD gắn chip còn nộp thêm giấy tờ" với một công chức tư pháp - hộ tịch đang làm việc tại UBND cấp xã của TP HCM, phóng viên được vị này thừa nhận mặc dù đã xóa sổ hộ khẩu nhưng trong một số thủ tục hành chính thì người dân vẫn cần xin giấy xác nhận nơi cư trú. Nguyên nhân là trong quá trình làm thủ tục, việc quét CCCD gắn chip của người dân không hiển thị đầy đủ dữ liệu cần thiết. Vì vậy, người dân buộc phải xin giấy xác nhận nơi cư trú thì mới có thể làm được.

"Khi quét nhưng dữ liệu không đầy đủ thì chúng tôi không thể giải quyết hồ sơ cho người dân, nếu làm là sai so với quy định…, vì vậy mà buộc người dân phải xin giấy xác nhận nơi cư trú" - vị này giải thích. Ông cũng cho biết tại trụ sở mình đang làm việc, mỗi ngày khoảng 50% số hồ sơ không thể giải quyết ngay vì cần giấy xác nhận nơi cư trú. Người dân nộp giấy này thì mới có thể làm những bước tiếp theo. 

Tình cảnh "trớ trêu" tương tự diễn ra tại UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Chiều 8-2, vợ chồng anh Nguyễn Đình Hồ (23 tuổi; thường trú ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) và chị Trần Mỹ Quỳnh Nga (22 tuổi; quê tỉnh Bến Tre; cùng tạm trú phường Linh Trung) tới để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tại đây, vợ chồng anh Hồ được cán bộ phường hướng dẫn về nơi đăng ký thường trú để xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân), đồng thời đến công an phường Linh Trung để xác nhận nơi đang tạm trú. Sau đó, trở lại UBND phường Linh Trung để hoàn thành thủ tục. 

"Tôi nghĩ thông tin đã được tích hợp đầy đủ trên CCCD gắn chip, không ngờ để làm được giấy đăng ký kết hôn ở đây, chúng tôi phải mất nhiều thời gian và công sức đến vậy" - anh Hồ nói. 

Cũng tại bộ phận một cửa ở phường Linh Trung, chị Nguyễn Sơn Tuyết Loan (49 tuổi) cầm chắc cuốn sổ hộ khẩu trên tay để chờ số thứ tự công chứng sổ hộ khẩu photo. Chị Loan kể khi làm thủ tục chuyển trường cho con trai học tiểu học, nhà trường yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu thì mới hoàn thành được thủ tục. Người phụ nữ giải thích dù sổ hộ khẩu đã bị khai tử nhưng đây lại là yêu cầu bắt buộc của nhà trường. Chị phải làm đủ loại giấy tờ nên vừa cập rập vừa tiếc thời gian. 

Còn ở Bình Dương, theo ghi nhận, hầu hết các phường cũng như phòng công chứng đều buộc người dân mang giấy xác nhận cư trú khi đi làm thủ tục hành chính mà trước đó phải có sổ hộ khẩu mới làm được. 

Có mặt tại UBND phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một trong vai người đi làm thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa, phóng viên tiếp cận cán bộ ở đây nêu mong muốn được làm một số giấy tờ liên quan tới nhà đất. Vị cán bộ nói hiện nay, những hồ sơ trước đó bắt buộc phải có sổ hộ khẩu thì bây giờ phải đến công an phường xin giấy xác nhận cư trú mới làm được. 

Trước lời phàn nàn tưởng bỏ sổ hộ khẩu thì thủ tục nhanh gọn hơn, ai ngờ ngược lại, vị cán bộ trần tình phường chưa được trang bị hệ thống đọc chip. Vì thế, bắt buộc phải có giấy xác nhận cư trú. 

Về những tình huống trớ trêu sau khi bỏ sổ hộ khẩu, đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) thừa nhận việc bức xúc của người dân là dễ hiểu. Trong trường hợp cán bộ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ở UBND các cấp hoặc cơ quan chức năng dù có đủ điều kiện nhưng không thực hiện các phương thức khác để xác nhận, chứng minh nơi cư trú, vẫn buộc công dân phải ra công an phường để xin giấy xác nhận cư trú là "hành dân", gây khó dễ, làm chậm, cản trở quá trình cải cách thủ tục hành chính. 

Nói rõ thêm, thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06), cho rằng trường hợp không có hệ thống đọc chip, cán bộ tiếp dân vẫn có thể quan sát và đọc thông tin trên mặt thẻ CCCD để khai thác thông tin của công dân. 

Đối với một số thủ tục bắt buộc phải có thông tin chính xác về nơi thường trú tính đến thời điểm hiện tại, cán bộ tiếp dân có thể sử dụng 1 trong 7 phương thức mà Bộ Công an đã hướng dẫn. "Trong số này, cán bộ có thể khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua tài khoản dịch vụ công của người dân hoặc tài khoản của chính cán bộ. Vì thế, không nhất thiết phải yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú" - thượng tá Vĩnh nói và khẳng định cổng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đơn vị thường xuyên theo dõi, về cơ bản cơ sở dữ liệu đang đáp ứng tốt, không có vấn đề gì. (Nld.com.vn 10/02, nhóm PV)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Algeria: Năm 2022, hơn 15.000 người bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng

Trong quá trình điều tra tội phạm có tổ chức vào năm 2022, Cảnh sát Algeria đã bắt giữ hơn 15.439 người với cáo buộc tham nhũng tài chính. 

Phó Giám đốc Cơ quan Cảnh sát Ahmed al-Hussein nói với Đài Phát thanh Algeria rằng, các đơn vị an ninh chuyên theo dõi tội phạm tài chính đã xử lý hơn 14.000 vụ vào năm ngoái, đưa 10.600 vụ ra tòa.

 Ông Ahmed al-Hussein bày tỏ sự lạc quan về tốc độ cũng như hiệu quả của việc xử lý các trường hợp và cho biết, giá trị của các tài sản bị tịch thu trong chiến dịch chống tội phạm có tổ chức và tội phạm tài chính lên tới 9 triệu euro. 

Theo lãnh đạo cơ quan an ninh, Algeria đã chứng kiến sự leo thang đáng lo ngại của tội phạm có tổ chức, thúc đẩy việc thành lập các đơn vị và tổ chức mới. Ông khẳng định, những nỗ lực của các đội an ninh mới đã bắt đầu mang lại kết quả. 

Algeria có hơn 200.000 cảnh sát, mà theo các quan chức Chính phủ, là không đủ so với dân số hơn 45 triệu người, dựa trên cuộc điều tra dân số vừa qua. 

Ông Ahmed al-Hussein cho biết, vấn nạn ma túy rất "nóng" ở Algeria, với hơn 7 triệu viên ma túy bị thu giữ trong năm 2022; đồng thời lưu ý, đây là mối nguy hiểm đối với giới trẻ và khẳng định các cơ quan chức năng đã làm hết sức để hạn chế tình hình. 

Cũng trong năm 2022, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 5 tạ cần sa, 25 kg cocain và 8 kg heroin, theo ông Hussein. 

Chính quyền Algeria đã bỏ tù hàng chục quan chức nhà nước, doanh nhân và viên chức vì tham nhũng, kể từ khi cố Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika bị lật đổ vào ngày 2/4/2019, dưới áp lực của quân đội và người biểu tình. (Thanhtra.com.vn 10/02, Đức Anh)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

05