Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 16/01/2024

9:54, Thứ Ba, 16-1-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội

2.        Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sớm áp thuế cao với người có nhiều nhà, đất

3.        Thủ tướng có thể quyết định khoản vay đặc biệt lãi suất 0%

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

4.        Kịch bản lạc quan nhất cho tăng trưởng kinh tế năm nay

5.        Hải Dương: Về đích giải ngân vốn đầu tư công nhờ tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng

6.        Thái Nguyên kỳ vọng “hút” nhà đầu tư bán dẫn từ Mỹ

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN7.        Lãnh đạo bỏ nhiệm sở đi chơi golf và kỷ luật nêu gương

QUẢN LÝ

8.        Cần Thơ: Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

9.        TP.HCM: Thủ tục đăng ký khám, nhà vệ sinh bệnh viện bị chê nhiều nhất

10.     Nghệ An chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính

11.     Hải Dương: 100% xã, phường đưa thủ tục hành chính thực hiện tại bộ phận “một cửa”

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

12.     Lai Châu kỷ luật 3 người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng

13.     Khánh Hòa: Kiểm điểm loạt cán bộ liên quan sai phạm điện mặt trời

14.     Gia Lai: Kỷ luật chủ tịch xã cho thuê đất nông nghiệp làm cơ sở đào tạo lái xe 

TIN QUỐC HỘI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội, 8h sáng 15/1.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa 15 để xem xét, quyết định bốn nội dung quan trọng. Đó là dự án Luật Đất đai sửa đổi; dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi; một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia; cho ý kiến, quyết định một số nội dung cấp thiết về tài chính, ngân sách.

Theo ông Huệ, dự Luật Đất đai sửa đổi sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Dự thảo Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18 năm 2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp này.

Ông đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng theo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo chất lượng cao nhất để xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp này.

Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa 15 sẽ kéo dài ba ngày, 15-16/1 và 18/1; nghỉ ngày 17/1 để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. (Vnexpress.net 15/01, Sơn Hà - Viết Tuân)Về đầu trang

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sớm áp thuế cao với người có nhiều nhà, đất

Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến về dự án Luật Đất đai sáng 15/1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết cần sớm áp mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất nhằm điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của nhà nước.

Chủ trương áp thuế cao với những trường hợp trên cũng được Trung ương nêu trong Nghị quyết 18 giữa năm 2022. Tuy nhiên, đến nay chủ trương này vẫn chưa được thể chế hóa thành các điều luật cụ thể. 

Hiện nay, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2%. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, quyền thuê đất, thuê mặt nước và các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.

Thời gian qua, nhiều cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thường kê khai mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế dẫn đến ngân sách nhà nước thất thu. Vì thế, một số ý kiến cho rằng nên đánh thuế cao hơn khi chuyển nhượng với trường hợp đầu cơ sở hữu 3, 4 bất động sản trong thời gian ngắn. (Vnexpress.net 15/01, Viết Tuân)Về đầu trang

Thủ tướng có thể quyết định khoản vay đặc biệt lãi suất 0%

Quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ đề xuất giao Thống đốc quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0% với ngân hàng đang theo phương án cơ cấu lại.

Tuy nhiên tại dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường ngày 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0% một năm, khoản vay không tài sản đảm bảo thuộc về Thủ tướng.

Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt với khoản vay có lãi suất và tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản cho vay đặc biệt này.

Giải trình quy định trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trường hợp đề nghị vay đặc biệt lãi suất 0% một năm, không có tài sản đảm bảo là các trường hợp quan trọng, cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan, như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Mặt khác quy định như vậy cũng phù hợp với luật hiện hành, là Thủ tướng quyết định cho vay đặc biệt với nhà băng bị kiểm soát đặc biệt, với lãi suất ưu đãi đến 0%.

"Ngân hàng Nhà nước vừa có vai trò của ngân hàng trung ương, vừa là thành viên Chính phủ, nên trong những trường hợp đặc biệt, cơ quan này đề xuất Thủ tướng quyết định cho vay không tài sản đảm bảo, vay với lãi suất 0% một năm là cần thiết, hợp lý", báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu. (Vnexpress.net 15/01, Anh Minh)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Kịch bản lạc quan nhất cho tăng trưởng kinh tế năm nay

Trong Báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, công bố sáng 15/1, CIEM đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Kịch bản 1, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP thế giới tăng 2,9% Với kịch bản này, CIEM dự báo GDP Việt Nam trong năm 2024 có thể tăng 6,13%, lạm phát bình quân là 3,94%, tăng trưởng xuất khẩu 4,02%.

Kịch bản 2, giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh GDP của thế giới tăng 3,2% và một số chỉ tiêu tín dụng. Theo đó, GDP Việt Nam có thể tăng 6,48%, lạm phát bình quân 3,72%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,19%.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - đánh giá, năm 2024 còn nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, nếu duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới. (Tienphong.vn 15/01, Việt Linh)Về đầu trang

Hải Dương: Về đích giải ngân vốn đầu tư công nhờ tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng

Nhờ tháo gỡ được điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, nên cho đến đầu tháng 1/2024 vừa qua, tỉnh Hải Dương đã “về đích” ngoạn mục trong giải ngân vốn đầu tư khi đạt trên 109% kế hoạch Thủ tướng giao.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Hải Dương là 7.742 tỷ đồng, tăng 1.937 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để giải ngân nguồn vốn được giao, ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm, tỉnh Hải Dương đã quyết liệt triển khai các giải pháp đề ra. Đồng thời, toàn tỉnh đã tập trung các sở, ngành, địa phương đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư, cơ chế triển khai dự án.

Năm 2023 cũng là năm Hải Dương thực hiện khối lượng giải phóng mặt bằng lớn với hàng nghìn ha, trong khi công tác giải phóng mặt bằng luôn là nút thắt làm giảm tiến độ giải ngân vốn. Theo đó, các cấp lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở từng địa phương và có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Nhờ vậy mà chủ đầu tư sớm được bàn giao mặt bằng triển khai dự án.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo sát tình hình triển khai các dự án đầu tư công từ bước chuẩn bị đầu tư tới thi công thực địa để đề xuất phương án xử lý khi có vướng mắc phát sinh.

Đồng thời, các sở, ngành, địa phương đã luôn theo sát, rà soát, đánh giá tiến độ đầu tư, khả năng giải ngân vốn ở mức cao nhất, từ đó có cơ sở lập phương án điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời. Đặc biệt là giảm kế hoạch vốn của dự án dư vốn, không có khả năng giải ngân hết trong năm 2023 để bổ sung cho các dự án chưa bố trí đủ vốn theo tiến độ.

Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt nối quốc lộ 37 (Chí Linh), kết thúc năm 2023 đã triển khai vượt kế hoạch đề ra. Điều đáng nói, dự án này từng gặp nhiều khó khăn vì vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhưng khi nút thắt được tháo gỡ, công trình nhanh chóng được triển khai. Dự kiến, đường dẫn cầu Đồng Việt sẽ hoàn thành sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu đề ra…

Hết tháng 1/2024 mới hết thời hạn giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên tính đến đầu tháng 1/2024, tỉnh Hải Dương đã giải ngân được khoảng 6.730 tỷ đồng, đạt 109,7% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này đã khẳng định, tỉnh Hải Dương đã về đích trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 15/01, Vân Hà)Về đầu trang

Thái Nguyên kỳ vọng “hút” nhà đầu tư bán dẫn từ Mỹ

Thái Nguyên đặc biệt muốn thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nhất là các nhà đầu tư từ Mỹ. Bởi đây là lĩnh vực tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 41 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký trên 253,3 triệu USD; 17 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn đăng ký trên 136,2 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 211 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động, với tổng mức đầu tư 10,72 tỷ USD.

Để thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, như: Cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường liên kết, kết nối vùng và các tỉnh, thành phố; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Với định hướng trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha (trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung) và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha.

Cùng với đó, các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng và phương châm luôn đồng hành với doanh nghiệp sẽ tạo sự hấp dẫn, giúp tỉnh tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án đầu tư vào địa bàn trong thời gian tới.

Đáng chú ý, tỉnh muốn thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt là các nhà đầu tư từ Mỹ. Bởi đây là lĩnh vực tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Theo Công ty Kiểm toán Deloitte, hơn 80% hoạt động sản xuất bán dẫn đang diễn ra ở châu Á, và tỷ lệ này có thể giảm xuống còn 50% vào năm 2030, trong bối cảnh Mỹ và EU đang dự định đầu tư tổng cộng 100 tỷ USD cho ngành bán dẫn để có thể tự chủ hơn trong nguồn cung sản phẩm quan trọng này.

Tháng 11/2023, Trong khuôn khổ chương trình công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và hợp tác quốc tế tại Mỹ, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp kết nối hợp tác đầu tư với Chủ tịch, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, ông John Neuffer.

Tỉnh kỳ vọng Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ là cầu nối kết nối các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến đầu tư tại Thái Nguyên. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn đến triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội coi đây là cơ hội tốt để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội đặc biệt quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên.

Ông John Neuffer cho rằng, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, do vậy phía Thái Nguyên nên chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, xác định lộ trình thu hút các nhà đầu tư Mỹ theo từng bước để cùng chinh phục lĩnh vực này. (Baodautu.vn 15/01, Anh Hoa)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Lãnh đạo bỏ nhiệm sở đi chơi golf và kỷ luật nêu gương

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã thi hành kỷ luật khiển trách và cho thôi chức vụ Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với ông Đặng Trần Trung và thực hiện quy trình cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đây là kỷ luận rất nghiêm và nặng đối với ông Trung, người bị phát hiện chơi golf trong giờ hành chính, gây dư luận xấu trong xã hội.

Ông Trung và một số vị lãnh đạo sở, huyện ở Bắc Ninh vừa thể hiện “tinh thần thể thao” đáng khâm phục: trong một tuần ba lần các vị bỏ nhiệm sở đi chơi golf và giao lưu với các golfer khác ở ngoài tỉnh. Vị giám đốc sở đã tham gia nhiệt thành nhất khi tham gia cả ba cuộc chơi bị báo chí điều tra.

Đơn cử như cuộc chơi golf tại sân Đồi Rồng của nhóm cán bộ này diễn ra từ 12h và kết thúc vào lúc 17h ngày 27/10. Sau đó, các “golfer lãnh đạo” di chuyển sang khách sạn Dream Dragon Resort thuộc Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, ăn tiệc và nghỉ ngơi. Chi phí cho buổi giao lưu tại khách sạn này hết hơn 90 triệu đồng, trong đó gần 60 triệu đồng chi cho việc ngủ nghỉ, còn bữa tối cho hơn 40 người trong đoàn hết hơn 33 triệu đồng. Người đứng ra thanh toán toàn bộ các hoá đơn này là một cán bộ Sở NN&PTNT Bắc Ninh.

Chưa bàn chuyện kinh phí, thì việc bỏ bê chức trách nhiệm sở của mình trong giờ làm việc, bất chấp kỷ cương phép nước, để thỏa mãn thú vui cá nhân là điều không thể chấp nhận được. Huống chi các vị là công bộc dân, là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, lẽ ra phải thấu điều ông cha dạy về đạo làm quan: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).

Hành vi của các vị vi phạm điều Điều 9 Luật cán bộ, công chức 2008 về ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Điều 18 về những hành vi cán bộ không được làm là trốn việc hoặc làm việc cá nhân trong giờ hành chính.

Các vị cũng vi phạm chỉ thị 05/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định “Cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn, về sớm...”.

Đặc biệt, là đảng viên, lãnh đạo chủ chốt của đơn vị nhưng các vị lại phớt lờ các quy định số 101-QĐ/TW 2012 của Ban Bí thư; số 55-QĐ/TW 2016 của Bộ Chính trị, Số 08-QĐ/TW 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Trong vòng một tuần mà cả dàn lãnh đạo Sở NN&PTNT ba lần bỏ nhiệm sở đi chơi golf ở tỉnh khác trong giờ làm việc, điều đó chứng tỏ hoặc là vị trí công tác mà các vị đang đảm nhiệm rất nhàn nhã, thừa thãi; hoặc là năng lực lãnh đạo có vấn đề nên việc các vị có mặt hay vắng mặt ở nhiệm sở chẳng ảnh hưởng gì đến hoạt động của cơ quan.

Thử hỏi là cán bộ lãnh đạo mà “nêu gương” như thế, các vị có còn xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước, với lương bổng được hưởng từ tiền thuế của nhân dân?

Trường hợp của vị Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Ninh thêm một lần nữa về tình trạng lẫn lộn giữa công và tư trong không ít cơ quan. Có tình trạng cán bộ nhập nhèm giữa công và tư, từ lấy thời gian làm việc hành chính để đi giao lưu, giải trí đánh golf, đến các quyết định công được thiết kế có lợi cho cá nhân mình.

Phản ứng của Bắc Ninh với trường hợp ông Giám đốc Sở là rất nhanh, kiên quyết để vừa làm bài học cho các cán bộ, công chức, vừa đáp ứng sự đòi hỏi của người dân đối với cán bộ. (Vietnamnet.vn 15/01, Nguyễn Duy Xuân) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Cần Thơ: Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp

Ngày 15/1, UBND TP Cần Thơ ban hành kế hoạch tiếp tục triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Theo đó, UBND TP Cần Thơ yêu cầu người đứng đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc.

Thực hiện nghiêm quy định về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ theo đúng quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ…

Để tổ chức thực hiện, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành TP và chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018…

Chánh Thanh tra TP sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra đảm bảo theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất biện pháp khắc phục ngay tình trạng chồng chéo, gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tại địa phương (nếu có).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ để thực hiện những hành vi sai trái, vụ lợi… (Thanhtra.com.vn 15/01, Nhật Minh) Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TP.HCM: Thủ tục đăng ký khám, nhà vệ sinh bệnh viện bị chê nhiều nhất

Sở Y tế TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát không hài lòng người bệnh tại các khoa khám bệnh thuộc bệnh viện công lập trên địa bàn TP năm 2023 vừa qua.

Năm 2023, số lượt không hài lòng của người bệnh là 12.522 lượt, tăng 18,46% so với năm 2022 (10.571 lượt) và giảm 31,91% so với năm 2020 (18.395 lượt).

Số lượt không hài lòng của người dân khi đến khám tại các bệnh viện công lập năm 2023 tăng so với năm 2022 và chủ yếu tăng ở 6 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, các nội dung “khâu làm thủ tục đăng ký khám” (2.125 lượt không hài lòng) tăng 33,56%; “khâu làm thủ tục khám bảo hiểm y tế” (1.179 lượt) tăng 27,46%; “nhà vệ sinh phục vụ người bệnh của bệnh viện” (631 lượt) tăng 30,27%;

"Thông tin hướng dẫn cho người bệnh” (số không hài lòng là 657 lượt) tăng 23,44%; “Chỗ ngồi chờ khám, chờ xét nghiệm” (641 lượt) tăng 20,12%.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, số lượt không hài lòng của người dân khi khám tại các bệnh viện công lập giảm 2,17% so với cùng kỳ 2022.

Bên cạnh đó, năm 2023 có một số nội dung nổi bật cần được các bệnh viện xem là những vấn đề ưu tiên có giải pháp cải tiến hiệu quả hơn để giảm tình trạng không hài lòng của người dân, gồm:

(1) Khâu làm thủ tục đăng ký khám, (2) Khâu làm thủ tục khám bảo hiểm y tế, (3) Cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ, (4) Thái độ ứng xử, giao tiếp của nhân viên bệnh viện, (5) Thời gian chờ xét nghiệm, siêu âm, chụp phim.

Trước kết quả khảo sát này, Sở Y tế TP đề nghị các bệnh viện tiếp tục phát huy, duy trì khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh tại các khoa khám bệnh.

"Đây là một trong những hoạt động nhằm cải tiến chất lượng, nâng cao hài lòng người bệnh, và là căn cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bệnh viện hằng năm", sở này nhấn mạnh. (Tuoitre.vn 15/01, Xuân Mai)Về đầu trang

Nghệ An chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính tỉnh Nghệ An năm 2023.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong năm 2023, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng tham mưu ban hành các đề án, nghị quyết, quyết định thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm của UBND tỉnh bị chậm về thời gian theo chương trình, kế hoạch đề ra; việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn gặp khó khăn, tỷ lệ chứng thực văn bản điện tử của người dân còn hạn chế, một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc tiếp nhận bản sao điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; ở một số đơn vị cấp xã, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Bộ phận Một cửa chưa đáp ứng yêu cầu, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp;

Một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh, tình trạng gửi văn bản vượt cấp còn nhiều; tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công một số đơn vị vẫn còn chậm hoặc dưới mức bình quân chung của cả tỉnh; Một số Sở, ngành, địa phương nhận thức về chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính chưa rõ ràng, chưa định hình được nội dung triển khai chuyển đổi số.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách hành chính năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương trong công tác cải cách hành chính. Quan tâm bố trí thời gian, nhân lực, tài chính và các nguồn lực cần thiết để tập trung hoàn thành các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ còn lại theo Kế hoạch năm 2023 đề ra. Lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiệu lực, hiệu quả điều hành của các cơ quan làm thước đo đánh giá xếp loại; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

2. Tập trung hoàn thiện thể chế, thường xuyên, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để xử lý các vấn đề bất cập trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ đột xuất mới phát sinh trong công tác cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo về thời gian, chất lượng đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn của địa phương.

3. Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lưu ý các nhiệm vụ cần khẩn trương triển khai, hoàn thành: Tiếp tục rà soát, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp pháp, không hợp lý; cập nhật, công khai đầy đủ, chính xác, kịp thời các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương, tại nơi giao dịch và các hình thức khác theo quy định...

4. Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra sau phân cấp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời phát hiện những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực để uốn nắn điều chỉnh tránh vi phạm.

5. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công theo quy định của Chính phủ. Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học công nghệ công lập theo các quy định của Chính phủ, quan tâm việc sắp xếp tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

6. Tiếp tục triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành và thực thi công vụ, nhiệm vụ đảm bảo tính đồng bộ ở các cấp trong năm 2024. Tập trung chỉ đạo nâng cao tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ; chứng thực bản sao điện tử, phát triển các hệ thống cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

7. Huy động mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ công tác cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào công tác cải cách hành chính; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân, doanh nghiệp về cải cách hành chính. Bố trí đủ nguồn lực về tài chính để thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. (Baonghean.vn 15/01, Đức Dũng) Về đầu trang

Hải Dương: 100% xã, phường đưa thủ tục hành chính thực hiện tại bộ phận “một cửa”

Theo báo cáo kết quả thực hiện cải cách hành chính nhà nước của UBND tỉnh Hải Dương năm 2023, hiện 100% số phường, xã, thị trấn trong tỉnh đều đưa các thủ tục hành chính thuộc ngành dọc thực hiện tại bộ phận “một cửa”.

Đến cuối tháng 12/2023, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã đưa các thủ tục hành chính thuộc ngành dọc (công an, quân sự, văn hóa - xã hội) thực hiện tại bộ phận "một cửa". Các địa phương đều bố trí công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và trả kết quả theo Quyết định 1291/QĐ-TTg ngày 7/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục thủ tục hành chính .

Hiện hầu hết bộ phận “một cửa” của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh được xây dựng, sửa chữa khang trang, trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Tiêu biểu như huyện Gia Lộc, Thanh Miện, Cẩm Giàng, TP Chí Linh... Riêng huyện Gia Lộc, 100% bộ phận “một cửa” cấp xã được xây dựng riêng biệt với khu làm việc của HĐND, UBND xã.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 1 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn trên 99%. Tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ đạt 99,7%, số hóa kết quả hồ sơ đạt 99%. (Baohaiduong.vn 15/01, PV)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Lai Châu kỷ luật 3 người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng

Năm 2023, tỉnh Lai Châu đã xử lý 3 trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng với hình thức cảnh cáo và buộc thôi việc.

Trong công tác thanh tra, toàn ngành Thanh tra triển khai 167 cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm hơn 28 tỷ đồng trên một số lĩnh vực và đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục, chấn chỉnh trong công tác quản lý. Qua công tác thanh tra chưa phát hiện hành vi tham nhũng, vụ việc tham nhũng.

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn tỉnh tiếp nhận 1.137 đơn tăng, 66 đơn so với cùng kỳ năm 2022. Số đơn, số vụ việc đủ điều kiện xử lý: 1.094 đơn bằng 1.091 vụ việc. Qua xem xét, giải quyết đơn có 2 đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trong đó: 1 đơn người tố cáo xin rút toàn bộ nội dung đơn; 1 đơn tố cáo, kết quả giải quyết đúng 1 phần, đã kiến nghị UBND thành phố Lai Châu kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân có liên quan.

Trong năm, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố 7 vụ án liên quan đến tham nhũng, trong đó: 2 vụ án/3 bị can năm trước chuyển sang; khởi tố, điều tra mới 5 vụ án/21 bị can; kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 5 vụ án/22 bị can; tiếp tục điều tra 2 vụ án/2 bị can (vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Giống vật tư Lai Châu và vụ án tham ô tài sản xảy ra tại UBND xã Ta Gia, huyện Than Uyên). Đã đưa ra xét xử 4 vụ án/6 bị can.

Đối với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, trong năm, trên địa bàn tỉnh tiến hành xử lý 3 trường hợp  người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng với hình thức cảnh cáo và buộc thôi việc. (Thanhtra.com.vn 15/01, Bùi Bình) Về đầu trang

Khánh Hòa: Kiểm điểm loạt cán bộ liên quan sai phạm điện mặt trời

Liên quan đến các dự án điện mặt trời có sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận, đến nay tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức kiểm điểm cựu lãnh đạo, cán bộ đương chức.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì cuộc họp và kết luận theo hướng “đề nghị các cá nhân có liên quan, gồm ông Trần Sơn Hải (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh); bà Lê Thu Hải (Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Công Thương); ông Nguyễn Ngọc Minh (nguyên Giám đốc Sở Công Thương); ông Nguyễn Bé (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính); ông Ngô Xuân Quản (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh) làm báo cáo giải trình, bản tự kiểm điểm.

Đến nay, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất với nội dung báo cáo giải trình và tự kiểm điểm của 5 trường hợp trên. Sở Nội vụ đã có Công văn trình Ban Cán sự đảng UBND tỉnh dự thảo báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiểm điểm đối với 5 trường hợp trên.

Cũng trong năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo và cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến 9 dự án điện mặt trời nối lưới trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an.

Liên quan đến các sai phạm điện mặt trời, đến nay các sở, ban ngành tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức kiểm điểm những cá nhân liên quan.

Trong đó, Sở Công Thương đã tổ chức họp kiểm điểm tập thể phòng Quản lý Năng lượng và 2 cá nhân là ông Trương Tam - Trưởng phòng Quản lý Năng lượng và bà Võ Nguyễn Phương Mai - Phó Trưởng phòng Quản lý Năng lượng vào ngày 15.6.2023 và ngày 27.7.2023.

Các cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm điểm, rút kinh nghiệm gồm ông Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân, Lê Tiến Hùng - Chuyên viên, bà Nguyễn Thị Lan Phương - Chuyên viên phòng Tổng hợp, Quy hoạch, Nguyễn Nam Khánh - Thanh tra viên Thanh tra Sở... (Laodong.vn 15/01, Hữu Long)Về đầu trang

Gia Lai: Kỷ luật chủ tịch xã cho thuê đất nông nghiệp làm cơ sở đào tạo lái xe

Ngày 14/1, Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Mang Yang cho biết, đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Hà (Chủ tịch UBND xã Đăk Yă) do thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất đai, cho doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp để làm sân bãi tập lái xe không đúng mục đích sử dụng đất.

Cụ thể, ông Hà đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vi phạm pháp luật về đất đai tại địa phương, để xảy ra vụ việc xây dựng các hạng mục (nhà chờ, nhà để xe, sân tập lái) không phép trên đất nông nghiệp nhưng không có biện pháp ngăn chặn, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý. Đặc biệt, khu đất được sử dụng làm trung tâm đào tạo lái xe ô tô hạng B1 và B2 thuộc sở hữu của ông Hà, mục đích sử dụng trồng cây lâu năm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Hà đã cho ông Phan Đức Trường (ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế) thuê lại đất của mình. Sau đó, ông Trường cho Công ty TNHH Phát triển giáo dục và Dạy nghề 3T (chủ quản Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai) thuê lại làm cơ sở đào tạo lái xe do ông Hồ Đình Thái Hòa làm giám đốc, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cấp giấy phép hoạt động từ tháng 1/2022.

Ngày 15/11/2022, Sở GTVT tỉnh Gia Lai cấp phép đào tạo lái ô tô cho doanh nghiệp trên tại địa chỉ thôn Châu Sơn (xã Đăk Yă) các hạng B1 số tự động, B1, B2; lưu lượng đào tạo đến 500 học viên.

Tuy nhiên vừa qua, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã ra quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai do đã đào tạo lái xe không đúng nội dung, chương trình theo quy định. Ngoài ra, Thanh tra cũng quyết định đình chỉ tuyển sinh 3 tháng đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 3T Gia Lai (từ ngày 26/12/2023 đến 24/3/2024). (Tienphong.vn 14/01, Tiền Lê)Về đầu trang./.

Các tin khác

09