Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 24/02/2023

15:7, Thứ Sáu, 24-2-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.        Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật thảo luận nhiều nội dung quan trọng

2.        Nghị quyết về thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 10 tỉnh

3.        Đề nghị sớm cải cách tiền lương, bảo đảm thu nhập cán bộ, công chức, viên chức

CHÍNH SÁCH MỚI

4.        Từ 01/8/2024, chỉ tuyển công chức đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào

5.        Từ 1/7, phí đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng theo mức lương cơ sở

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

6.        Thiết kế các công cụ để giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản

7.        Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

QUẢN LÝ

8.        Cục Đăng kiểm: 66 người bị khởi tố, thiếu hụt hơn 100 nhân sự

9.        Tách 2 “siêu sở” thành 4 sở ở Bạc Liêu: Đang chờ thủ tục từ Trung ương

10.     Cổng 1022 - Cầu nối người dân với chính quyền TP Hồ Chí Minh

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

11.     Điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

12.     Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật

13.     Kỷ luật khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 – 2026

14.     Chủ tịch phường ở Đà Lạt bị phê bình vì chậm xử lý phản ánh của người dân

15.     Thái Bình: Bắt tạm giam 4 cán bộ Chi cục Đăng kiểm số 11 về tội “Nhận hối lộ”

16.     Quảng Bình: Khởi tố 2 cán bộ phường "cắt xén" tiền hỗ trợ lũ lụt của người dân

THẾ GIỚI

17.     Saudi Arabia tham vọng biến thủ đô thành nơi đáng sống nhất

18.     Nước Anh kết thúc thử nghiệm "tuần làm việc 4 ngày"

 

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Ngày 23/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023. Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật thứ 2 trong năm 2023. 

Cùng tham dự phiên họp có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. 

Theo chương trình, phiên họp cho ý kiến đối với 7 nội dung, gồm 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). 

Đây là những nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng. Để chuẩn bị cho phiên họp này, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 3 cuộc họp để cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, các dự án luật. 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế. 

Năm 2022, Chính phủ đã họp 9 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và Thường trực Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới thể chế, cơ chế, chính sách. 

Theo quy định của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua các đồng chí đã rất tích cực, nhiều đồng chí đã chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định. 

Tuy nhiên, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, tình hình thực tế biến động rất nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp, nhiều yếu tố mới mà quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết được, nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ách tắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần giải quyết. Thủ tướng lấy ví dụ lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia đánh giá, khoảng 70% vướng mắc trong lĩnh vực này là liên quan tới pháp lý. 

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi phải quan tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa. 

Năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và cả giai đoạn, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế. 

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm là phải bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, việc xây dựng các dự thảo luật phải bảo đảm cả tiến độ và chất lượng, với tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, chiến lược. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang

Nghị quyết về thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 10 tỉnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành các nghị quyết về việc thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh gồm An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc. 

Theo Nghị quyết số 721/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị xã Tịnh Biên và các phường thuộc thị xã Tịnh Biên; thành lập thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. 

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 156 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 110 xã, 28 phường và 18 thị trấn. 

Theo Nghị quyết số 723/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị xã Thuận Thành và các phường thuộc thị xã Thuận Thành; thành lập thị xã Quế Võ và các phường thuộc thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. 

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, tỉnh Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 126 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 70 xã, 52 phường và 4 thị trấn. 

Theo Nghị quyết số 722/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Vân Tùng thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. 

Sau khi thành lập, huyện Ngân Sơn có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 xã và 2 thị trấn. Tỉnh Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 1 thành phố; 108 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 6 phường và 7 thị trấn. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. 

Theo Nghị quyết số 724/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. 

Sau khi thành lập, huyện Châu Thành có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 2 thị trấn; huyện Ba Tri có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 2 thị trấn; huyện Mỏ Cày Bắc có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 xã và 1 thị trấn. Tỉnh Bến Tre có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện và 1 thành phố; 157 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 139 xã, 8 phường và 10 thị trấn. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. 

Theo Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. 

Sau khi thành lập, thành phố Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và 2 xã: Bạch Đằng, Thạnh Hội. Tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 1 thị xã và 4 thành phố; 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã, 45 phường và 5 thị trấn. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. 

Theo Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Pơng Drang thuộc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. 

Sau khi thành lập, huyện Krông Búk có 7 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 1 thị trấn. Tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố; 184 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 151 xã, 20 phường và 13 thị trấn. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. 

Theo Nghị quyết số 727/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập các phường thuộc thị xã Điện Bàn và thị trấn Trung Phước thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. 

Sau khi thành lập, thị xã Điện Bàn có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường và 8 xã. Huyện Nông Sơn có 6 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 5 xã và 1 thị trấn. Tỉnh Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 15 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 241 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 197 xã, 30 phường và 14 thị trấn. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. 

Theo Nghị quyết số 729/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Hóa Thượng thuộc huyện Đồng Hỷ và nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. 

Sau khi thành lập, huyện Đồng Hỷ có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 xã và 3 thị trấn. Huyện Đại Từ có 29 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 27 xã và 2 thị trấn. Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện và 3 thành phố; 177 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 126 xã, 41 phường và 10 thị trấn. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. 

Theo Nghị quyết số 728/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị điều chỉnh 3,13 km2 diện tích tự nhiên và 490 người của ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh vào ấp Mé Láng thuộc xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023. 

Theo Nghị quyết số 730/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập thị trấn Kim Long thuộc huyện Tam Dương, thị trấn Tam Hồng thuộc huyện Yên Lạc và phường Định Trung thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Sau khi thành lập, huyện Tam Dương có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 xã và 2 thị trấn. Huyện Yên Lạc có 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 2 thị trấn. Thành phố Vĩnh Yên có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường và 1 xã. Tỉnh Vĩnh Phúc có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 2 thành phố; 136 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 102 xã, 16 phường và 18 thị trấn.  

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2023. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang

Đề nghị sớm cải cách tiền lương, bảo đảm thu nhập cán bộ, công chức, viên chức

Chiều 21/2, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có buổi khảo sát 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW tại TP Hồ Chí Minh. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ sớm xem xét xây dựng và ban hành chính sách cải cách tiền lương phù hợp với mức sống và điều kiện của đô thị đặc biệt. Đảm bảo mức lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức để tạo động lực giữ chân nhân tài. Từ đó giúp tạo đột phá trong thu hút đội ngũ trí thức nói riêng và nhân lực chất lượng cao nói chu đến công tác và cống hiến lâu dài cho hệ thống chính trị TP Hồ Chí Minh. 

Trước đó vào ngày 22/10/2022, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng bền vững, không bị tác động bởi cách yếu tố khách quan như năm 2020-2021, cũng như bối cảnh năm 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương. 

Cũng tại Kỳ họp thứ 4, trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước. Kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Trong khi đó, đề xuất với đoàn khảo sát, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Lâm Hùng Tấn cho rằng, cần có chính sách thu hút nhanh, gọn để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia cùng tham gia. Đặc biệt cần sớm ban hành nghị quyết mới đảm bảo thu nhập cho cán bộ và đội ngũ trí thức đang công tác tại các đơn vị nhà nước. 

"Các bộ, ngành cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện vị trí việc làm của cán bộ. Điều này tác động đến tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có cả đội ngũ trí thức", ông Hùng cho biết. 

Còn Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, để hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám", ngoài việc quan tâm đến chính sách tiền lương, chính sách đãi ngộ, sự trọng dụng, cần xem xét những khía cạnh khác. 

Trong đó, ông Khuê đồng tình với đề xuất cần có tổ chức quy tụ tập hợp, tạo ra động lực để đội ngũ trí thức luôn đứng bên cạnh Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh. 

Hiện nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu cần phải có cách tiếp cận Nghị quyết 27 bên cạnh gắn kết Nghị quyết 31, trong quá trình nền tảng công nghệ số, đòi hỏi hàm lượng tri thức, cần nhìn nhận xây dựng đội ngũ trí thức hết sức quan trọng và cấp thiết. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang

CHÍNH SÁCH MỚI

Từ 01/8/2024, chỉ tuyển công chức đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào

Từ ngày 01/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển công chức đối với người đạt kết quả kiểm định. 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. 

Theo đó, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển. 

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền. 

Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức. 

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm. 

Mời xem chi tiết tại link sau:

https://vtv.vn/xa-hoi/tu-01-8-2024-chi-tuyen-cong-chuc-dat-ket-qua-kiem-dinh-chat-luong-dau-vao-20230223190505959.htm

(VTV.vn 23/02)Về đầu trang

Từ 1/7, phí đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng theo mức lương cơ sở

Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành). Theo đó, phí đóng bảo hiểm y tế sẽ tăng khi lương cơ sở mới chính thức được áp dụng. Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế mỗi tháng của người dân có thể tăng từ 6.000 -14.000 đồng so với hiện tại. 

Theo Nghị định 146 của Chính phủ, mức đóng bảo hiểm y tế được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở hoặc lương hưu hay trợ cấp thất nghiệp. Nếu theo hộ gia đình, người thứ nhất đóng như mức trên, người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức phí của người thứ nhất. Người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.  

Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn được áp dụng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng/tháng. Trong trường hợp người dân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tham gia bảo hiểm y tế trước ngày 01/7/2023 sẽ được áp dụng mức đóng bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. Đồng nghĩa với việc người dân sẽ được giảm số tiền đóng bảo hiểm y tế (không phải đóng bù số tiền chênh lệch) cho thời gian tham gia bảo hiểm y tế từ tháng 7/2023 đến tháng cuối cùng của phương thức đóng).  

Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế gia đình theo tháng là: Người thứ nhất 67.050 đồng; người thứ 2 là 46.935 đồng; người thứ 3 là 40.230 đồng; người thứ 4 là 33.525 đồng, người thứ 5 là 26.820 đồng. Từ ngày 1/7, các mức đóng bảo hiểm y tế trên sẽ tăng tương ứng là 81.000 đồng, 56.700 đồng, 48.600 đồng, 40.500 đồng và 32.400 đồng. Như vậy, khi tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm khoảng 14.000 đồng một tháng, người thứ 5 trở đi tăng khoảng 6.000 đồng một tháng. 

Việc tham gia bảo hiểm y tế trước thời điểm tăng lương cơ sở (tháng 7/2023) theo phương thức đóng quy định cho những tháng tham gia bảo hiểm y tế (sau tháng 6/2023), người dân sẽ không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở. Đây cũng là một trong những ý nghĩa nhân văn của chính sách Bảo hiểm y tế; thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Thiết kế các công cụ để giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản

Ngày 23/2, kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề về pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, tình hình thực tế biến động rất nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp, nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ách tắc về thể chế, cơ chế, chính sách cần giải quyết. 

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi phải quan tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa. Với những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm. 

Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan tới sở hữu, sử dụng nhà chung cư và phát triển nhà ở xã hội. Theo các đại biểu, các quy định trong luật cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về nhà ở, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân. 

Có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là áp dụng linh hoạt cơ chế hợp tác công tư, phát triển dịch vụ hạ tầng để góp phần thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030. 

Cùng với đó, các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội cần bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, công khai, thống nhất với quy định của Luật Đất đai đang sửa đổi… 

Với dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý và phát triển thị trường bất động sản; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan. Những vấn đề nào thị trường làm tốt thì Nhà nước không cần can thiệp; cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững. 

Dự án luật cần thiết kế các công cụ như quy hoạch, hoạt động giám sát, kiểm tra…để tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế, giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản vừa qua như lệch pha cung cầu, giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập người dân… 

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm tra và phân bổ nguồn lực hợp lý trong quản lý, tổ chức đấu giá tài sản. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thúc đẩy công khai, minh bạch, huy động được nguồn lực xã hội nhưng có công cụ để ngăn chặn sai phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thất thoát tài sản. (Tienphong.vn 23/02, Văn Kiên) Về đầu trang

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp lấy ý kiến về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). 

Theo dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá điện tử và bổ sung đồ uống có đường. Đây là những mặt hàng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cần phải đánh thuế mức phù hợp để hạn chế sử dụng. 

Hiện nay, thuế rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán của WHO mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm 40 - 85% giá bán lẻ. 

Bộ Tài chính cho biết, dù mặt hàng rượu, bia đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2018. Tuy nhiên trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần năm 2015. 

Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự... Rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa. 

Với mặt hàng thuốc lá, WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm 66 - 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá. 

Theo đánh giá của WHO, WB, IMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá, giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%. Trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước là 50 - 80% như Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Pháp 80%... 

Bộ Tài chính cho rằng dù đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2019, nhưng tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Do vậy, việc sử dụng thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn và lộ trình tăng thuế này trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra. 

Bên cạnh đó, cơ quan này đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường với mức thuế suất phù hợp để góp phần định hướng tiêu dùng. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Cục Đăng kiểm: 66 người bị khởi tố, thiếu hụt hơn 100 nhân sự

Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, có 66 đăng kiểm viên bị khởi tố. Do đó, hệ thống của Cục Đăng kiểm đang thiếu hụt khoảng 110 đăng kiểm viên. 

Hiện các đơn vị đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam có 13 trung tâm với 53 dây chuyền kiểm định. Theo đó, số lượng đăng kiểm viên cần có là 212 người, trong đó cần khoảng 60 đăng kiểm viên bậc cao. 

Ngoài ra, Phòng Kiểm định xe cơ giới là phòng tham mưu, quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam cần 30 đăng kiểm viên (trong đó có 25 đăng kiểm viên bậc cao). 

Theo Cục Đăng kiểm, để duy trì hoạt động đúng, đủ chức năng, toàn bộ hệ thống của Cục Đăng kiểm Việt Nam (không tính các đơn vị đăng kiểm thuộc Sở GTVT địa phương và các đơn vị của tư nhân) cần khoảng 240-250 đăng kiểm viên (trong đó có 90 đăng kiểm viên bậc cao). 

Hiện nay, toàn bộ hệ thống này đang có 198 đăng kiểm viên (trong đó có 103 đăng kiểm viên bậc cao). Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 66 đăng kiểm viên bị khởi tố (54 người bị tạm giữ, 12 người được tại ngoại). Do đó, hệ thống đang thiếu hụt khoảng 110 đăng kiểm viên (tương đương khoảng 44%). 

Trước đó, Cục Đăng kiểm đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT đề nghị có ý kiến với Bộ Nội vụ cho phép được ký hợp đồng lao động cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định. 

Nhằm hỗ trợ Cục Đăng kiểm Việt Nam tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhân lực trong giai đoạn này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam tuyển đăng kiểm viên theo đề xuất. (Tienphong.vn 23/02, Ngọc Mai)Về đầu trang

Tách 2 “siêu sở” thành 4 sở ở Bạc Liêu: Đang chờ thủ tục từ Trung ương

Tại cuộc họp giao ban báo chí định kỳ tháng 2/2023, ông Tạ Trung Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bạc Liêu cho biết, các sở sau khi tái lập sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2023. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh còn đang chờ thủ tục từ Trung ương và Ban Thường vụ cũng chưa bàn nhân sự cụ thể của các sở. 

“Việc này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có các thủ tục, quy định và có sự đồng ý của Trung ương. Sau khi có sự thống nhất, tỉnh mới bắt đầu bàn về các nhân sự cụ thể”, ông Dũng nói. 

Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua nghị quyết tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu. 

Sau khi tái lập, Sở Giáo dục và Đào tạo có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc; 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương; 21 đơn vị sự nghiệp công lập. 

Sở Khoa học và Công nghệ có giám đốc và không quá 2 phó giám đốc; 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương; 2 đơn vị sự nghiệp công lập. 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giám đốc và không quá 3 phó giám đốc; 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương; 7 đơn vị sự nghiệp công lập. 

Sở Thông tin và Truyền thông có giám đốc và không quá 2 phó giám đốc (nếu có biệt phái thì không quá 3 phó giám đốc); 4 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương; 1 đơn vị sự nghiệp công lập. 

Dự kiến, các sở sau khi tái lập sẽ chính thức đi vào hoạt động trong quý I/2023. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoạt động ngay trụ sở hiện nay của 2 "siêu sở"; còn Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Thông tin và Truyền thông hoạt động tại trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu. (Tienphong.vn 23/02, Tấn Lộc)Về đầu trang

Cổng 1022 - Cầu nối người dân với chính quyền TP Hồ Chí Minh

Tổng đài 1022 đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa người dân và chính quyền TP Hồ Chí Minh. 

Được lập ra từ tháng 7/2021 trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, đến nay, tổng đài 1022 đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa người dân và chính quyền TP Hồ Chí Minh, đóng vai trò như một tổng đài chung cho tất cả các đường dây nóng của các sở ngành, quận huyện trước đây. Người dân TP Hồ Chí Minh có thể phản ánh mọi vấn đề qua đầu số 1022 như: bất cập giao thông, góp ý xây dựng thành phố, cây đổ, ngập nước, nắp cống hư hỏng, ô nhiễm tiếng ồn… 

Sau khi sự cố được báo lên hệ thống 1022, các đơn vị liên quan đã lập tức có mặt để xử lý. Chính quyền TP Hồ Chí Minh ra quy định các sự cố hạ tầng kiểu này bắt buộc phải xử lý trong tối đa 5 ngày làm việc. 

Trong thời dịch COVID-19, tổng đài 1022 từng nhận hàng trăm nghìn lượt tương tác của người dân mỗi ngày. Thời điểm đó có tới gần 1.300 tổng đài viên. Hiện nay, ngoài trung tâm tiếp nhận này của thành phố, các quận, huyện chỉ còn mỗi nơi 1 tổng đài viên, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 phản ánh. 

Ô nhiễm tiếng ồn, bực bội vì chó mèo phóng uế hay hàng xóm lấn chiếm lòng đường, nếu ngại va chạm thì phản ánh qua 1022 là hay nhất. Chính quyền nhiều địa phương cho biết, nhờ tổng đài 1022, nhiều tồn tại trong khu dân cư được giải quyết kịp thời, tránh thành mâu thuẫn lớn. 

Đương nhiên, ngoài những mặt được, chính quyền các địa phương và tổng đài 1022 cho biết cũng đang phải đối mặt với vấn nạn tin hoang báo, tin giả, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực. Nhưng trên tất cả, hệ thống này đang được chính quyền thành phố rất xem trọng và tìm các giải pháp để khắc phục, triển khai hiệu quả hơn. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 141/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/2/2023 điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động (chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể) chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng; tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng; đồng thời chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 59 dự án của Tổng cục Thuế, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024. 

Giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng; tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng; đồng thời chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 36 dự án của Tổng cục Hải quan, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024. 

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án được bổ sung vốn đầu tư phát triển nêu trên theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo; chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý, sử dụng kinh phí được phân bổ đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả đầu tư. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 năm 2023 việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 để thực hiện các dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo đúng quy định; tổng hợp báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội vào cuối kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 23/02)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật

Trong các ngày 20 và 21/2/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 26. 

Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả giải quyết tố cáo đồng chí Bùi Hồng Minh, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ông Bùi Hồng Minh trên các cương vị công tác của mình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ; có nguy cơ mất vốn đầu tư. 

Để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 và một số tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và ông Bùi Hồng Minh đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và ngành xi măng Việt Nam, đến mức phải xem xét kỷ luật. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang

Kỷ luật khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 – 2026

Tại kỳ họp thứ 26, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19: 

UBKT Trung ương ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch, kịp thời khống chế, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, từng bước phục hồi, ổn định và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong mua sắm, quản lý, sử dụng sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế; có nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, gây dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương. 

Trách nhiệm đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang, Đảng ủy Sở Y tế, Đảng ủy Sở Tài chính và các đồng chí: Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thế Tuấn, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Từ Quốc Hiệu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Đình Hiếu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính. Liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm nêu trên còn có trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số tổ chức đảng, đảng viên. 

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: 

- Khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng ủy Sở Tài chính nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các đồng chí: Lê Ánh Dương, Phan Thế Tuấn và Nguyễn Đình Hiếu. 

- Cảnh cáo Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đồng chí Từ Quốc Hiệu. 

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương. (VTV.vn 22/02)Về đầu trang

Chủ tịch phường ở Đà Lạt bị phê bình vì chậm xử lý phản ánh của người dân

Ngày 23/2, UBND TP Đà Lạt cho biết, ông Tôn Thiện San, Chủ tịch thành phố vừa ký văn bản phê bình Chủ tịch UBND phường 8 vì chậm trễ xử lý các phản ánh của tổ chức, cá nhân trên ứng dụng Đà Lạt trực tuyến.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay có hơn 680 phản ánh của tổ chức và người dân tại hiện trường liên quan đến phường 8 nhưng địa phương này chậm xử lý hàng trăm trường hợp. 

Theo lãnh đạo TP Đà Lạt, mặc dù ngày 18/1, thành phố đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị xử lý các phản ánh trễ hạn trên ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, thế nhưng tính đến ngày 20/2 trên địa bàn phường 8 vẫn còn 119 phản ánh của người dân và tổ chức chưa được xử lý. 

Trong số hàng trăm phản ánh chưa được xử lý, có nhiều vụ việc liên quan đến những vấn đề “nóng” như trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý bảo vệ rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm… 

Đồng thời với việc ký văn bản phê bình, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cũng yêu cầu Chủ tịch UBND phường 8 nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo, quán triệt đội ngũ cán bộ công chức thuộc quyền, Công an phường thực hiện nghiêm quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh của nhân dân, tổ chức qua ứng dụng Đà Lạt trực tuyến. 

UBND phường 8 phải xử lý và phối hợp xử lý dứt điểm các phản ánh trễ hạn, báo cáo về UBND TP Đà Lạt trước ngày 26/2. 

Trước đó, vào tháng 12/2022, UBND TP Đà Lạt cũng có văn bản phê bình UBND các phường 3, 6, 8, 9, 10 do chậm trễ xử lý phản ánh của nhân dân, tổ chức qua ứng dụng trên; và các vụ việc phát hiện từ hệ thống camera giám sát tầm cao trên địa bàn. 

Được biết, Trung tâm Điều hành thông minh TP Đà Lạt và ứng dụng Đà Lạt trực tuyến thường xuyên cung cấp các phản ánh của người dân và các tổ chức cho tất cả các phường, xã để xử lý. (Tienphong.vn 23/02, Kim Anh)Về đầu trang

Thái Bình: Bắt tạm giam 4 cán bộ Chi cục Đăng kiểm số 11 về tội “Nhận hối lộ”

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thi hành Lệnh khám xét nơi làm việc, bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. 

Các đối tượng vừa bị bắt tạm giam gồm: Nguyễn Trung Hải (sinh năm 1964, trú tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng), Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 11; Vũ Văn Hạnh (sinh năm 1979, trú tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình), Trần Văn Quyết (sinh năm 1987, trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình) và Trần Công Trịnh (sinh năm 1984, trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình), đều là đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 11. 

Chi cục Đăng kiểm số 11 trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định về đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải. Theo Cơ quan điều tra, với vai trò là Giám đốc Chi cục, Nguyễn Trung Hải thực hiện nhiệm vụ phân công đăng kiểm viên, thẩm định, duyệt ký hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa. Trong quá thực hiện nhiệm vụ, Nguyễn Trung Hải đã chỉ đạo cấp dưới là đăng kiểm viên thu tiền từ khách hàng ngoài khoản phí đăng kiểm để nộp vào quỹ riêng (không thuộc hệ thống sổ sách chính thống) không đúng quy định. 

Thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Trung Hải, ba đăng kiểm viên là Vũ Văn Hạnh, Trần Văn Quyết, Trần Công Trịnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa đã nhận trên 120 triệu đồng của các chủ phương tiện để bỏ qua các lỗi như không có đầy đủ thiết bị neo, trang bị chữa cháy, trang bị cứu sinh..., giúp các chủ phương tiện thủy nội địa hoàn thành việc đăng kiểm mà không phải khắc phục lỗi mắc phải của phương tiện, vi phạm quy định pháp luật của Nhà nước về hoạt động đăng kiểm. 

Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang

Quảng Bình: Khởi tố 2 cán bộ phường "cắt xén" tiền hỗ trợ lũ lụt của người dân

Một kế toán và một thủ quỹ phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) vừa bị khởi tố về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản vì "cắt xén" tiền hỗ trợ thiên tai. 

Theo điều tra ban đầu, vào tháng 6/2022 thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình tiến hành chi trả tiền hỗ trợ lũ lụt cho 37 hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ở phường Quảng Phúc với số tiền được chi trả là hơn 290 triệu đồng (người cao nhất hơn 19 triệu, người thấp nhất hơn 1 triệu đồng). 

Trong quá trình phát tiền cho các hộ dân khoảng cuối tháng 9/2022, ông Thủy đã yêu cầu bà Oanh trích lại gần 6% tổng số tiền mà người dân được nhận là 15.918.000 đồng/35 hộ. Ngoài ra, bà Oanh còn giữ lại toàn bộ số tiền hỗ trợ của 2 hộ dân khác với lý do 2 hộ này còn nợ tiền thuê đất nuôi tôm của phường. 

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Thủy và bà Oanh đã thừa nhận sai phạm. Các hộ thuộc diện nhận tiền cũng cho biết không đồng ý việc ông Thủy, bà Oanh trích lại tiền nhưng do nể nang nên trong quá trình nhận tiền không ai có ý kiến. 

Trước hành vi trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ba Đồn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng trên về tội "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"; 2 đối tượng bị khởi tố bị cấm đi khỏi nơi cư trú. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Saudi Arabia tham vọng biến thủ đô thành nơi đáng sống nhất

Saudi Arabia đang lên kế hoạch để biến thủ đô của mình trở thành một trong những thành phố "đáng sống nhất trên thế giới". 

CNN đưa tin, Quỹ Đầu tư Công cộng (PIF) cho hay Saudi Arabia đang xây dựng một trung tâm mới ở thủ đô Riyadh. 

Người đứng đầu dự án "New Murabba" (Quảng trường mới) là Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ông mong muốn mở rộng diện tích của thủ đô khoảng 19 kilomet vuông và có thể chứa tới hàng trăm nghìn cư dân. 

Theo Quỹ Đầu tư Công cộng, trọng tâm của dự án là tòa nhà "Mukaab", cao 400 mét, rộng 400 mét và dài 400 mét, tương đương sức chứa 20 tòa Empire State ở Mỹ. 

Du khách sẽ được trải nghiệm các cảnh quan thay đổi từ không gian bên ngoài sang không gian xanh. Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2030.  

Công nghệ ba chiều cung cấp “một thực tế mới” cho người tiêu dùng khi họ mua sắm và dùng bữa. Tòa nhà cũng bao gồm các cơ sở giải trí cũng như khách sạn và khu dân cư. 

Saudi Arabia bắt tay vào thực hiện dự án đầy tham vọng để đa dạng hóa nền kinh tế khỏi dầu khí và dập tắt những định kiến tiêu cực về đất nước. 

Ông Andreas Krieg, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trung Đông của Đại học King's College London cho biết, hiện tại Saudi Arabia đang cố gắng thúc đẩy để trở thành một quốc gia phát triển và một quốc gia có thể xây dựng các thành phố của tương lai. 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Saudi Arabia khó có thể thực hiện được mục tiêu nói trên, do Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thủ đô Doha của Qatar đều đang phấn đấu để trở thành trung tâm du lịch và đầu tư chính trong khu vực. (Laodong.vn 23/02, Khánh Minh)Về đầu trang

Nước Anh kết thúc thử nghiệm "tuần làm việc 4 ngày"

Nước Anh vừa kết thúc đợt thử nghiệm "tuần làm việc 4 ngày" với quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Kết quả được đánh giá rất tích cực. 

Hầu hết các công ty tham gia thử nghiệm không lựa chọn quay trở lại mô hình tuần làm việc 5 ngày thông thường, các nhân viên cảm thấy làm việc hiệu quả hơn và có thêm nhiều thời gian dành cho nghỉ ngơi và gia đình. 

61 công ty tại Anh đã tham gia cuộc thử nghiệm từ tháng 6 tới tháng 12/2022, họ cam kết giảm 20% giờ làm việc cho nhân viên và vẫn giữ nguyên lương. Đây là các công ty thuộc rất nhiều ngành nghề, từ lĩnh vực marketing, tài chính, bán lẻ trực tuyến, giáo dục, chăm sóc sức khỏe hay cửa hàng đồ ăn. 

Kết quả sau khi thử nghiệm, 56/61 công ty sẽ tiếp tục triển khai mô hình tuần làm việc 4 ngày, 18 công ty khẳng định đây sẽ trở thành chính sách lâu dài của họ, chỉ có 3 công ty tạm dừng mô hình này vào thời điểm hiện tại. 

Kết quả thử nghiệm cho thấy, tỷ lệ người lao động bị căng thẳng và ốm đau trong tổng số 2.900 người tham gia đã giảm đáng kể. Khoảng 39% nhân viên cho biết, họ bớt căng thẳng hơn và số ngày nghỉ ốm trong thời gian thử nghiệm giảm khoảng 2/3. Số lượng nhân viên nghỉ việc tại các công ty đã giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đợt thử nghiệm, doanh thu trung bình của các công ty tăng nhẹ 1,4% và tăng tới 35% so với 6 tháng cuối năm 2021. 

Một số nghiên cứu khác ở Anh và Mỹ thậm chí còn cho thấy mô hình làm việc 4 ngày 1 tuần giúp giảm lượng khí phát thải ra môi trường, vì mọi người sử dụng xe ít hơn và tham gia các hoạt động phát thải ít carbon như leo núi, tập thể dục trong nhà. 

Thực tế, mô hình làm việc 4 ngày 1 tuần cũng đã được thử nghiệm ở nhiều nước khác như Mỹ, Iceland, Tây Ban Nha, Nhật Bản hay New Zealand. Tuy nhiên, thử nghiệm ở Anh là ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo các nhà nghiên cứu, kết quả thu được cho thấy, mô hình này đã sẵn sàng cho bước tiếp theo, từ thử nghiệm chuyển sang áp dụng thực tiễn cho nhiều công ty. (VTV.vn 23/02)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

 

Các tin khác

04