Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 16/02/2023

14:59, Thứ Năm, 16-2-2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

1.        7 năm nữa, GDP (PPP) Việt Nam được dự báo tiến vào top 10 lớn nhất thế giới, vượt 2.000 tỷ USD

2.        Chỉ trả cho công nhân Việt Nam lương trung bình dưới 7 triệu đồng/tháng, vì sao các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn quan ngại chuyện tăng lương?

3.        Xuất khẩu Việt Nam năm 2022 xếp thứ 2 khối ASEAN-6, cao hơn Thái Lan và Philippines cộng lại

4.        Du khách Hàn, Nhật, Đài Loan... thiếu thông tin về Việt Nam

5.        61.8% người lao động tin rằng tìm việc năm 2023 sẽ khó khăn hơn

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

6.        Không thể chậm trễ!

QUẢN LÝ

7.        Sớm công bố mức sống tối thiểu hàng năm làm căn cứ tính lương tối thiếu

8.        Đề xuất người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi ký hợp đồng lao động

9.        Quận 1, TPHCM: Rà soát dự án mua sắm thiết bị trường học liên quan AIC

10.     TP Đồng Hới: Sẽ xử lý vi phạm giao thông qua camera giám sát từ 15/2

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

11.     Lâm Đồng bắt đầu áp dụng đăng ký kiểm định xe cơ giới trực tuyến

12.     Dân bức xúc vì phải dậy sớm xếp hàng nộp hồ sơ, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng nói gì?

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

13.     Bình Phước: Các văn phòng đăng ký đất đai sai phạm thu chi hơn 10 tỉ đồng

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Bắt nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến

15.     Nguyên chủ tịch Hội chữ thập đỏ 1 xã ở Đắk Lắk tham ô hơn 100 triệu đồng

THẾ GIỚI

16.     Thái Lan công bố chiến lược mới thu hút đầu tư nước ngoài

17.     Bộ tài chính Mỹ cảnh báo nguy cơ vỡ nợ nếu không nâng trần nợ công

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

7 năm nữa, GDP (PPP) Việt Nam được dự báo tiến vào top 10 lớn nhất thế giới, vượt 2.000 tỷ USD

Dựa trên kết quả tình hình kinh tế trong năm 2022, Viện nghiên cứu kinh tế Lowy (Úc) đã đưa ra dự báo quy mô GDP (PPP) cho Việt Nam và các nước trên thế giới. Vậy dự báo mới nhất, quy mô GDP (PPP) Việt Nam vượt mốc 2.000 tỷ USD sau 7 năm nữa. 

Trên thực tế, để phản ánh chính xác hơn sự phát triển của một quốc gia, các tổ chức quốc tế sẽ điều chỉnh GDP theo sức mua tương đương (PPP) để đánh giá. GDP (PPP) sẽ phản ánh một phần nào đó chất lượng đời sống của người dân trong một khu vực. Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế luôn thống kê GDP (PPP) bên cạnh GDP danh nghĩa để đưa ra đánh giá chính xác hơn cho các quốc gia trên thế giới. 

Theo dữ liệu dự báo mới nhất của Viện nghiên cứu kinh tế Lowy (Úc), GDP (PPP) Việt Nam được dự báo vượt mốc 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Cụ thể, GDP (PPP) của Việt Nam đạt khoảng 2.045 tỷ USD, xếp thứ 9 thế giới vào năm 2030. 

Cùng với đó, Trung Quốc là quốc gia có dự báo quy mô GDP (PPP) lớn nhất thế giới, đạt khoảng 43.879 tỷ USD vào năm 2030. Xếp sau Trung Quốc là Hoa Kỳ, GDP (PPP) có dự báo đạt khoảng 28.708 tỷ USD vào năm 2030. 

Ấn Độ xếp ở vị trí thứ 3 với quy mô GDP (PPP) dự báo đạt khoảng 17.948 tỷ USD vào năm 2030. Nhật Bản xếp ở vị trí thứ 4 với quy mô GDP (PPP) dự báo đạt khoảng 6.337 tỷ USD vào năm 2030. Indonesia xếp ở vị trí thứ 4 với quy mô GDP (PPP) dự báo đạt khoảng 5.951 tỷ USD vào năm 2030. 

5 quốc gia còn lại lọt top 10 quốc gia có dự báo quy mô GDP (PPP) lớn nhất thế giới vào năm 2030 gồm có: Nga (4.973 tỷ USD), Hàn Quốc (3.282 tỷ USD), Pakistan (2.159 tỷ USD), Việt Nam (2.045 tỷ USD) và Bangladesh (1.954 tỷ USD). 

Trong các quốc gia thuộc khối ASEAN, chỉ có Indonesia và Việt Nam lọt top 10 quốc gia có GDP (PPP) lớn nhất thế giới vào năm 2030 theo dự báo của Lowy Institute. 

Ngoài ra, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2027, quy mô GDP (PPP) của Việt Nam vượt mốc 2.000 tỷ USD. Cụ thể, GDP (PPP) Việt Nam đạt khoảng 2.001 tỷ USD, xếp thứ 2 trong khối ASEAN-6 và thứ 22 thế giới theo dự báo của IMF. 

Cùng với đó, quy mô GDP (PPP) Indonesia vẫn dần đầu khối ASEAN-6, đạt khoảng 5.800 tỷ USD năm 2027, xếp thứ 6 trên thế giới. Thái Lan xếp ở vị trí thứ 3 trong khối ASEAN-6 với quy mô GDP (PPP) được dự báo đạt khoảng 1.953 tỷ USD, đứng thứ 25 thế giới. 

Philippines, Malaysia và Singapore có quy mô GDP (PPP) được dự báo đạt lần lượt là 1.712 tỷ USD; 1.523 tỷ USD và 886,15 tỷ USD vào năm 2027. Cùng với đó, thứ hạng quy mô GDP (PPP) của Philippines, Malaysia và Singapore được IMF dự báo xếp thứ 26, 28 và 35 trên thế giới. 

Xét riêng trong khối ASEAN theo dự báo của Lowy Institute, Indonesia là quốc gia có dự báo quy mô GDP (PPP) lớn nhất vào năm 2023. Xếp sau Indonesia là Việt Nam. Thái Lan đứng ở vị trí thứ 3 với dự báo quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.837 tỷ USD vào năm 2030. 

Philippines đứng ở vị trí thứ 4 với dự báo quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.746 tỷ USD vào năm 2030. Malaysia đứng ở vị trí thứ 5 với dự báo quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.549 tỷ USD vào năm 2030 theo Lowy Institute. 

Singapore đứng ở vị trí thứ 6 với dự báo quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 853 tỷ USD vào năm 2030. Myanmar đứng ở vị trí thứ 7 với dự báo quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 364 tỷ USD vào năm 2030. Campuchia đứng ở vị trí thứ 8 với dự báo quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 145 tỷ USD vào năm 2030. 

Lào đứng ở vị trí thứ 9 với dự báo quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 94,8 tỷ USD vào năm 2030. Cuối cùng là Brunei đứng ở vị trí thứ 10 với dự báo quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 38,7 tỷ USD vào năm 2030 theo Lowy Institute. 

Xét thứ hạng trên thế giới, Thái Lan Philippines, Malaysia, Singapore, Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei có thứ hạng lần lượt như sau 13, 14, 15, 16, 18, 21, 22 và 26 trên thế giới vào năm 2030. (Toquoc.vn 15/02)Về đầu trang

Chỉ trả cho công nhân Việt Nam lương trung bình dưới 7 triệu đồng/tháng, vì sao các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn quan ngại chuyện tăng lương?

Trong khảo sát vừa công bố của JETRO, thì “Tăng lương cho nhân viên” và “Mức độ nghỉ việc” là 2 trong những rủi ro lớn nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường Việt Nam. Trong khi, thực tế là tiền lương cơ bản trung bình mà họ trả cho công nhân Việt năm 2022 dưới 7 triệu/tháng (Singapore là 1.905 USD) và tỷ lệ tăng lương chỉ là 5,5%. Vì sao lại thế? 

JETRO (Tổ chức xúc tiến Thương mại nhật Bản) vừa công bố báo cáo Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022. Báo cáo thường niên này được JETRO thực hiện vào 22/8 - 21/9/2022, nên họ cũng quy đổi từ VND sang USD dựa theo tỷ giá bình quân tháng 9/2022. 

Tại Việt Nam, chỉ có 603/1.818 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh trả lời hợp lệ, trong đó có 309 công ty chế tạo – sản xuất và 294 phi chế tạo (bán lẻ/công nghệ/bất động sản…).

Theo đó, trong năm tài chính 2022, mức lương cơ bản trung bình 1 tháng mà các DN Nhật trong ngành chế tạo trả cho công nhân Việt là 277 USD, kỹ sư là 540 USD, quản lý là 1.114 USD; ở ngành phi chế tạo, nhân viên được trả 729 USD, quản lý là 1.529 USD. 

Theo đó, tiền lương cơ bản của công nhân Việt Nam khá thấp nếu so với các thị trường khác – kể cả khu vực Đông Nam Á. Ví dụ: các DN Nhật Bản trả cho công nhân Úc 4.122 USD, HongKong 2.422 USD, Singapore 1.905 USD, Trung Quốc 607 USD, Malaysia 430 USD và Thái Lan là 385 USD. 

Lương của các vị trí còn lại tại Việt Nam đều thấp hơn Singapore, Thái Lan và Malaysia. Lương căn bản trung bình tháng mà các DN Nhật Bản trả cho lao động Singapore đều cao hơn gấp 4 lần so với Việt Nam. 

Có thể vì mức lương quá thấp và vật giá lại tăng cao, khiến tỷ lệ tăng lương so với năm trước nói chung mà người lao động Việt Nam muốn cao thứ nhì Đông Nam Á, chỉ sau Lào: năm 2022 là 5,8 % so với 5,4% năm 2021, tỷ lệ tăng lương năm 2023 dự đoán có thể không đổi – khoảng 5,9%. 

Trong năm 2021, các DN Nhật Bản đã tăng trung bình 5,5% lương cho nhân sự ngành chế tạo và 6,1% cho lao động trong ngành phi chế tạo; năm 2023, dự đoán số liệu tương ứng sẽ là 5,5 và 6,3%. 

Với mức lương cơ bản thấp của lao động Việt Nam, nếu ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, 7 triệu đồng chỉ đủ chi tiêu cho 1 người (không có nhà), còn nếu phải nuôi gia đình, nhiều khả năng sẽ không đủ. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của JETRO, thì các doanh nghiệp Nhật Bản khá quan ngại về tỷ lệ tăng lương cao nhì khu vực Đông Nam Á này của Việt Nam. 

Tại đề mục “Hấp dẫn và thách thức trong môi trường kinh doanh – So sánh rủi ro kinh doanh” giữa các nước Đông Nam Á, trong hạng mục “Vấn đề quản lý” , thì “Tăng lương nhân viên” đứng đầu lựa chọn của các DN Nhật, còn tại Thái Lan nó đứng thứ 2 và Indonesia đứng thứ nhất. Trong năm 2022, tỷ lệ tăng lương so với năm trước ở Indonesia là 3,9% và 2023 dự đoán là 4,5%. 

Ngoài ra, trong nhiều năm trước, tỷ lệ tăng lương hàng năm của Việt Nam thường ngang bằng hoặc thua Indonesia, chỉ từ năm 2020 – khi Covid-19 bùng nổ, mới bắt đầu vọt lên và vượt qua nước láng giềng. 

Một vấn đề liên quan đến nhân sự nữa khiến các DN Nhật rất quan ngại ở thị trường Việt Nam là “Mức độ nghỉ việc” – nó thậm chí còn nằm cao hơn “Mức tiền công” trong Top 10 “Rủi ro kinh doanh”. Cụ thể hơn: số 1 là “Tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính”, thứ tư là “Mức độ nghỉ việc” và thứ 6 là “Mức tiền công”. 

“So với các nước khác, tại Việt Nam, chi phí nhân công thấp là một lợi thế, tuy nhiên, tiền lương tăng nhanh gây ảnh hưởng tới vấn đề tuyển dụng. Cũng khó đảm bảo nguồn nhân lực có kiến thức về tài chính và giỏi tiếng Anh ”, các DN Nhật cho hay. 

Tóm lại, trong mắt các DN Nhật hoạt động ở Việt Nam, thì “họ có thể dễ dàng tuyển dụng nhân lực đáp ứng nhiều vị trí khác nhau (tuy nhiên người giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ không nhiều), giá nhân công vẫn còn khá rẻ so với mặt bằng chung, song nhân sự lại có xu hướng đòi tăng lương nhanh hàng năm và rất dễ nghỉ việc”. (Toquoc.vn 14/02)Về đầu trang

Xuất khẩu Việt Nam năm 2022 xếp thứ 2 khối ASEAN-6, cao hơn Thái Lan và Philippines cộng lại

Trong năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam xếp thứ 2 trong khối ASEAN-6. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. 

Trong các nước thuộc khối ASEAN-6, Singapore là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất trong năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore đạt khoảng 1.028 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 533 tỷ USD còn kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 495 tỷ USD. 

Theo Cục Hải quan Malaysia, tổng giá trị xuất, nhập khẩu của Malaysia đạt khoảng 647,28 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 353 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 294,28 tỷ USD, tăng 31,3% so với năm 2021. Theo đó, Malaysia xuất siêu 58,72 tỷ USD trong năm 2022. 

Cục Hải quan Indonesia cho biết, tổng giá trị xuất, nhập khẩu của Malaysia đạt khoảng 529,5 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 291,98 tỷ USD, tăng 26,07% so với năm trước và kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 237,52 tỷ USD, tăng 21,07% so với năm 2021. Theo đó, Malaysia xuất siêu 54,46 tỷ USD trong năm 2022, tăng 53,76% so với năm 2021. 

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thái Lan đạt 590,26 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 287,07 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu đạt 303,19 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Thái Lan nhập siêu 16,12 tỷ USD trong năm 2022. 

Về tình hình xuất, nhập khẩu năm 2022 của Philippines, theo Cục Thống kê Philippines, giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa của Philippines đạt khoảng 215,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 78,84 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 137,16 tỷ USD. Theo đó, Philippines nhập siêu 58,42 tỷ USD trong năm 2022. 

Xét riêng về tình hình xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang xếp thứ 2 trong khối ASEAN-6, xếp trên Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Indonesia và Philippines trong năm 2022. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (371,5 tỷ USD) cao hơn cả Thái Lan (287,07 tỷ USD) và Phillipines (78,84 tỷ USD) cộng lại. 

Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang gấp Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines lần lượt là 1,05 lần; 1,27 lần; 1,33 lần và 4,71 lần. 

Xét riêng Việt Nam, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%. 

Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%). 

Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%. 

Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%). (Toquoc.vn 15/02, Minh Tiến)Về đầu trang

Du khách Hàn, Nhật, Đài Loan... thiếu thông tin về Việt Nam

Việt Nam luôn nằm trong danh sách ưa thích của du khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, tuy nhiên, mức độ nhận biết của họ về hình ảnh điểm đến Việt Nam còn khá thấp. 

Từ năm 2015 đến 2019, số lượt khách ở ba thị trường này đến Việt Nam đều tăng liên tục và trở thành những thị trường cung cấp khách quan trọng. Chỉ tính riêng Hàn Quốc vào năm 2019 có hơn 28,7 triệu người Hàn Quốc đã đi du lịch quốc tế, thì có đến 4,3 triệu khách chọn Việt Nam làm điểm đến tham quan. 

Tuy nhiên, trong báo cáo tìm hiểu chân dung các nhóm khách này của công ty nghiên cứu thị trường du lịch The Outbox Company vừa được phát hành lại cho thấy các du khách từ 3 thị trường trên "vẫn chưa thực sự hiểu hay có ấn tượng" dù đây là điểm đến ưa thích của họ. 

Theo nhóm khảo sát, khi tìm hiểu về mong muốn của các du khách này, kết quả cho thấy mức độ nhận biết của khách còn khá thấp về hình ảnh điểm đến Việt Nam. Điều đó có nghĩa là họ chưa thực sự hiểu rõ và ấn tượng mạnh mẽ về Việt Nam. 

Đây là điều đáng tiếc và cũng phản ánh du lịch Việt Nam đang thiếu những chiến dịch quảng bá, truyền thông đến đúng đối tượng khách tiềm năng. 

Theo các số liệu thống kê, cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều thuộc top các quốc gia, vùng lãnh thổ có lượng khách đi du lịch nước ngoài cao hàng đầu thế giới. Trong đó, Hàn Quốc có lượng khách xuất ngoại nhiều nhất, theo sau lần lượt là Nhật Bản và Đài Loan. 

Các địa điểm ở châu Á bao gồm Việt Nam luôn nằm trong danh sách ưa thích của du khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Đặc biệt, trước dịch, năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ hai trong top các điểm đến hàng đầu với khách Hàn Quốc, chỉ đứng sau Nhật Bản. 

Một đặc điểm chung khác của ba thị trường trên là mức chi tiêu cho du lịch nước ngoài cao và tăng khá đều, trung bình khoảng 7%/năm. Và có đến hơn 40% du khách Hàn Quốc và Nhật Bản sẵn sàng nâng ngân sách cho các chuyến du lịch nước ngoài trong thời gian tới. 

Khi đi du lịch quốc tế, hơn 40% du khách ở cả ba quốc gia đều lựa chọn khách sạn tiêu chuẩn (2-3 sao). Họ tìm kiếm thông tin du lịch tại các trang web/blog du lịch hoặc tìm kiếm trực tuyến. Sự an toàn chính là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định đi nước ngoài của những vị khách này. 

Xét riêng từng thị trường, du khách Hàn Quốc rất chú trọng tới việc lưu trú, khách Nhật Bản mong muốn có được những khoảnh khắc và trải nghiệm xứng đáng với số tiền họ bỏ ra, trong khi khách Đài Loan đặc biệt quan tâm tới phương tiện di chuyển. 

So với Nhật Bản và Hàn Quốc, du khách Đài Loan vẫn còn e ngại đi du lịch nước ngoài. Đại dịch và các hạn chế phòng chống dịch nghiêm ngặt trong thời gian dài đã phần nào tác động tới tâm lý của họ. Khoảng 36,4% du khách Đài Loan sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các chuyến đi, nhưng cũng có đến 40,7% dự định cắt giảm chi tiêu cho du lịch để dành ngân sách cho việc chăm lo sức khỏe. (Tuoitre.vn 15/02, N.Bình)Về đầu trang

61.8% người lao động tin rằng tìm việc năm 2023 sẽ khó khăn hơn

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thị trường lao động năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều biến động. Mặc dù đã bước vào thời điểm "vàng" để tìm việc, song những tín hiệu đưa ra đều không mấy khả quan dành cho người lao động. 

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề, lĩnh vực giai đoạn đầu năm 2023 tiếp tục chững lại do ảnh hưởng từ nền kinh tế chung. Dự báo thực trạng này có thể sẽ kéo dài đến hết quý I/2023, gây ra những tác động tiêu cực đối với thị trường lao động Việt Nam. 

Ông Phạm Thanh Hải - CEO JobsGO (đơn vị hỗ trợ tuyển dụng và tìm việc uy tín tại Việt Nam) nhận định: "Nửa đầu năm 2023, tình hình tuyển dụng nhân sự tại các doanh nghiệp có thể sẽ diễn ra khá chậm do ảnh hưởng chung của nền kinh tế. Các công ty sẽ phải phân chia thành nhiều cấp độ để đối phó, từ dừng tuyển mới đến dừng tuyển thay thế hay thậm chí là cắt giảm". 

Điều này tạo ra nhiều khó khăn đối với người lao động trong quá trình tìm việc làm, đặc biệt là những đối tượng chưa qua đào tạo hoặc ít kinh nghiệm làm việc. 

Trước làn sóng cắt giảm nhân sự mạnh mẽ cuối năm 2022 và hàng loạt thông tin tình hình kinh tế biến động giai đoạn đầu năm 2023, nhiều người lao động tỏ ra lo ngại về vấn đề tìm kiếm việc làm. 

Theo khảo sát của JobsGO với hơn 3000 người lao động trên cả nước, phần lớn người tin rằng tìm việc làm năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn (61.8%), trong đó, tỷ lệ nữ giới cao hơn nam giới (nữ 65.9% và nam 59.2%). 27.9% người nhận thấy không có quá nhiều khác biệt so với năm 2022. Chỉ có khoảng 10.3% người lao động nghĩ tìm việc năm 2023 sẽ dễ dàng hơn. Tuy dự kiến không mấy khả quan, nhưng vẫn có tới 38.9% người lao động đang sẵn sàng tìm việc mới trong năm 2023. 

Đặc biệt, ứng viên càng trẻ và ít kinh nghiệm lại càng có suy nghĩ tích cực về vấn đề việc làm. Dựa vào kết quả khảo sát, có 54.6% ứng viên dưới 22 tuổi và 55.2% ứng viên là thực tập sinh cho rằng tìm kiếm việc làm năm 2023 sẽ vẫn diễn ra bình thường, thậm chí là dễ hơn năm 2022. Hơn 60% ứng viên trên 27 tuổi với vị trí, chức vụ cao (từ chuyên viên trở lên) lại lo lắng, tỏ ra quan ngại khi tìm việc. 

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có lẽ xuất phát từ tư tưởng, quan điểm tìm việc của từng đối tượng người lao động. Với những người trẻ, họ có khả năng thích nghi nhanh hơn với những xu hướng, biến đổi của xã hội, đặc biệt là công nghệ. Vì vậy mà họ không ngần ngại với những thách thức, cho bản thân nhiều cơ hội học tập, phát triển, thử sức với nhiều công việc, vị trí hay môi trường khác nhau. 

Ngược lại, càng những người lớn tuổi, đã có vị trí, chức vụ nhất định, họ sẽ có tâm lý ổn định, ngại thay đổi hơn. Bởi thế mà khi thị trường có nhiều biến động, họ sẽ rơi vào tình trạng lo ngại, gặp khó khăn khi tìm việc làm mới. 

Mặc dù dự báo kinh tế khó khăn, song vẫn có những tín hiệu tích cực dành cho người lao động trong năm 2023. 

Theo khảo sát của JobsGO với gần 1000 nhà tuyển dụng phân bổ đồng đều ở các quy mô (dưới 50; 50 - 200 và trên 200 nhân viên), có tới hơn 80% bày tỏ sẽ vẫn bổ sung nhân viên cho các vị trí vào năm 2023. Trong đó, 16.1% nhà tuyển dụng dự định tuyển thêm trên 30% nhân sự; 40.4% tuyển thêm từ 10 - 30% nhân sự; 23.6% tuyển thêm dưới 10% nhân sự. Như vậy, cơ hội dành cho người lao động trong vấn đề tìm kiếm việc làm năm 2023 vẫn rất lớn. (Toquoc.vn 15/02) Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Không thể chậm trễ!

Phát biểu tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất trong năm 2023 là sửa Luật Đất đai. 

Vậy nhưng, đến thời điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sốt ruột vì việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật vẫn "im lìm", trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải chủ động kéo dài thời gian đến 15.3, còn đề nghị của Chính phủ chỉ đến hết tháng 2.2023. Sửa Luật Đất đai mà cũng vận hành như Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì vất vả lắm vì luật này khó hơn nhiều - vậy nút thắt thể chế là gì, chính sách hiện nay sơ hở cái gì? - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi. 

Sự sốt ruột của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có nguyên nhân từ thực tế, là tính đến ngày 7.2, mới chỉ có 3 bộ và 25 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - thống kê của Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai lấy ý kiến nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương cũng còn rất chậm. 

Cũng bởi vậy mà mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã phải ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật này. Theo đó, để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo luật của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của bộ, ngành mình. 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền. Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Việc tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường phải theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ. 

Còn tại cuộc làm việc của lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 1; soát xét các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 cũng như cả năm 2023 của Quốc hội diễn ra hồi đầu tháng này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã đề nghị các cơ quan bám sát tinh thần Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên tinh thần cố gắng ở mức độ cao nhất, hoàn thành và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể làm việc vào ngày nghỉ, giờ nghỉ để xem xét nội dung rất quan trọng này cho kịp tiến độ công việc. 

Lấy ý kiến nhân dân là việc làm cần thiết nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Từ đó tạo sự thống nhất và đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Vậy nên không thể chậm trễ bởi bất cứ lý do nào. (Daibieunhandan.vn 15/02, Ninh Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Sớm công bố mức sống tối thiểu hàng năm làm căn cứ tính lương tối thiếu

Tổng Liên đoàn lao động đề xuất bộ ngành chức năng sớm công bố mức sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ tính lương tối thiểu vùng. 

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã xác định: “Cơ quan thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương”. 

Hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cung cấp một số số liệu theo yêu cầu của Hội đồng Tiền lương quốc gia, nhưng theo tinh thần Nghị quyết 27 đề cập trên và Tổng Liên đoàn cũng đã nhiều lần đề nghị, song đến nay mức sống tối thiểu của người lao động vẫn chưa được cơ quan thống kê của Nhà nước công bố. 

Do đó, Tổng Liên đoàn lao động đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để thu thập đầy đủ hơn thông tin tính toán mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động, làm cơ sở Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm. 

Thực tế qua hơn 10 năm thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, các cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia, việc xác định mức sống tối thiểu trên cơ sở tiêu chí về giá cá tiêu dùng, sinh hoạt… của người lao động các bên đưa ra khác nhau. Điều này dẫn đến những tranh cãi, bất đồng khi đưa ra mức lương tối thiểu vùng và Hội đồng tiền lương thường phải bỏ phiếu lấy theo đa số. (TTXVN/Baotintuc.vn 15/02, XM)Về đầu trang

Đề xuất người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi ký hợp đồng lao động

Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, điểm đáng chú ý là đề xuất điều chỉnh một số chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). 

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN theo hướng bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (quy định hiện hành là đủ 3 tháng); bổ sung người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia BHTN. 

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư quỹ trước các “cú sốc” như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. 

Với các quy định trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng sẽ tăng nguồn thu cho quỹ BHTN thông qua việc mở rộng đối tượng bắt buộc đóng BHTN. 

Đối với người lao động, khi tham gia BHTN được hỗ trợ trong trường hợp gặp các "cú sốc" như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Song song đó, người lao động được hưởng trợ cấp và tìm kiếm việc làm khi mất việc. 

Về mức thu quỹ BHTN, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi theo hướng luật chỉ quy định mức trần và giao Chính phủ quy định mức đóng từng giai đoạn. Bởi thực tế có thời điểm quỹ kết dư lớn, nếu muốn giảm mức đóng từ 1% xuống 0,5% phải xin ý kiến Quốc hội. 

Theo đó, mức đóng vào quỹ sẽ được quy định như sau: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động, người sử dụng lao động để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách của Chính phủ. (Plo.vn 14/02, Viết Long)Về đầu trang

Quận 1, TPHCM: Rà soát dự án mua sắm thiết bị trường học liên quan AIC

UBND quận 1, TPHCM vừa có kết luận kiểm tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị thuộc các dự án liên quan Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC). 

Trên địa bàn quận có 2 gói thầu mua sắm thiết bị liên quan đến AIC với tổng trị giá hơn 12,6 tỷ đồng (50% vốn ngân sách và 50% vốn xã hội hóa). Trong đó, gói thầu 1 dành cho các trường mầm non, tiểu học thực hiện Đề án “Phổ cập, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố” và Đề án “Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”. Gói thầu 2 dành cho các trường THCS, THPT mua sắm thiết bị thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố”.  

Qua rà soát, cả 2 gói thầu đều không thực hiện thông báo kết quả mua sắm, riêng gói thầu 2 không có hồ sơ đề xuất của nhà thầu, một số nội dung chưa đảm bảo quy định về đấu thầu. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra phát hiện ngẫu nhiên một số sai sót trong việc mua sắm thiết bị tại các trường học. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra có tình trạng đơn vị sử dụng thiết bị không đúng model hoặc thiếu thiết bị so với danh mục sản phẩm đăng ký trong gói thầu. 

Từ kết quả rà soát, UBND quận 1 yêu cầu Phòng GD-ĐT tổ chức đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các đề án để báo cáo UBND TPHCM, đồng thời chỉ đạo rà soát, xác định trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân có liên quan. (Sggp.org.vn 15/02, Thu Tâm)Về đầu trang

TP Đồng Hới: Sẽ xử lý vi phạm giao thông qua camera giám sát từ 15/2

Chủ tịch UBND TP Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan vừa cho biết, TP Đồng Hới sẽ áp dụng xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh của camera kể từ ngày 15/2. 

Đến nay, TP Đồng Hới đã lắp đặt thêm 20 camera giám sát giao thông. Trong đó, có 19 camera giám sát và xử lý vi phạm giao thông, 1 camera giám sát lưu lượng phương tiện. Dữ liệu, hình ảnh thu được từ hệ thống camera sẽ tích hợp trên hệ thống của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh TP Đồng Hới. 

Được biết, tất cả vị trí camera giao thông, các trường hợp vi phạm đều được cập nhật liên tục trên ứng dụng Dong Hoi SmartCity. Các tổ chức, cá nhân có thể tra cứu vi phạm tại ứng dụng Dong Hoi SmartCity. 

Chủ tịch UBND TP Đồng Hới cho biết: “Việc xử phạt vi phạm giao thông đường bộ qua hệ thống camera giám sát sẽ nâng cao ý thức hơn cho người dân khi tham gia giao thông; đồng thời làm giảm tai nạn giao thông. Giúp các cơ quan chức năng nâng cao hơn nữa công tác quản lý đô thị, góp phần xây dựng TP Đồng Hới ngày càng văn minh, hiện đại”. (Kinhtedothi.vn 15/02, Bùi Biền)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Lâm Đồng bắt đầu áp dụng đăng ký kiểm định xe cơ giới trực tuyến

Ngày 15/2, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng cho biết đã bắt đầu áp dụng đăng ký kiểm định xe trực tuyến tại website của đơn vị và ứng dụng Zalo tại tất cả 3 trạm đăng kiểm trên địa bàn. 

Cụ thể, để đăng ký kiểm định trực tuyến, người dân có thể truy cập vào website dangkiemlamdong.org.vn thực hiện lần lượt các thao tác như chọn nơi đăng kiểm, chọn thời gian, điền các thông tin liên quan và đặt lịch hẹn. 

Việc đăng ký này nhằm phục vụ cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân lấy số thứ tự để thực hiện kiểm định phương tiện, giảm thời gian, chi phí đi lại, có thể tùy ý lựa chọn nơi đăng kiểm phù hợp (so với trước đây, phải đưa phương tiện đến lấy số trực tiếp, xếp hàng chờ đợi). Đây cũng là giải pháp hạn chế việc ùn ứ phương tiện khi dừng, chờ lượt kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm như một số địa phương khác. (TTXVN/Baotintuc.vn 15/02, Nguyễn Dũng)Về đầu trang

Dân bức xúc vì phải dậy sớm xếp hàng nộp hồ sơ, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng nói gì?

Ngày 15/2, một số người dân phản ánh việc phải xếp hàng dài từ sáng sớm để chờ bấm số khi đến nộp hồ sơ ở phòng một cửa của Sở Tư pháp TP Đà Nẵng khiến họ mệt mỏi, bức xúc vì tốn thời gian và công sức. 

Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, bà Võ Thị Như Hoa (Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng) cho biết: Hiện nay, nhiều lĩnh vực, công việc yêu cầu phải có lý lịch tư pháp nên người dân làm hồ sơ xác minh rất đông. Hồ sơ tăng đột biến, trong khi Sở Tư pháp biên chế chỉ có 28 người; cán bộ, công chức của Sở phải làm việc ngoài giờ để nhận hồ sơ trực tuyến, nhưng người dân nộp hồ sơ đông, trong khi nhiều người không có mã số định danh cá nhân, chưa biết thao tác này nên không nộp hồ sơ trực tuyến được, phải chờ nộp hồ sơ trực tiếp. 

Những ngày qua, Sở đã phải bố trí, tăng cường thêm người xuống phòng một cửa để hỗ trợ việc tiếp nhận hồ sơ trực tiếp và trực tuyến của công dân. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ xác minh lý lịch tư pháp tăng đột biến, nên anh em làm không xuể, buộc lòng sở phải hạn chế nhận 50–60 hồ sơ/ngày để kịp xử lý. 

“TP yêu cầu nhận hồ sơ trực tuyến nhưng nhiều người không có mã định danh cá nhân. Sở đang áp dụng cả 2 phương pháp nhận hồ sơ trực tuyến và trực tiếp. Anh em phải làm ngày làm đêm để giải quyết hồ sơ của người dân nhưng nhiều cái bất khả kháng”, bà Hoa cho biết hồ sơ tư pháp trước đây chỉ 3.000–4.000 hồ sơ/năm nhưng nay tăng lên 15.000–16.000 hồ sơ/năm. 

“Có công ty một lúc đưa đến cả mấy trăm hồ sơ tuyển dụng để làm hồ sơ lý lịch tư pháp. Anh em Sở Tư pháp phải làm việc cật lực, không có thời gian để thở”, bà Hoa nói. 

Ngoài ra, theo giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, hồ sơ tăng đột biến, trong khi phần mềm của TP có thời điểm người dân truy cập vào không được. Sở đã huy động anh em làm ngoài giờ nhưng theo quy định buổi tối, thứ Bảy, Chủ nhật không cho tiếp nhận hồ sơ trực tuyến ngoài giờ. Đây cũng là nguyên nhân gây quá tải tại phòng một cửa. 

Sở Tư pháp cũng đã thành lập một tổ hỗ trợ xử lý các hồ sơ trực tuyến, lẫn trực tiếp. Thậm chí phải huy động cả thủ quỹ, lái xe xuống để trả hồ sơ cho người dân để cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý hồ sơ nhưng vẫn không kịp vì hồ sơ quá nhiều. Những trường hợp đặc biệt như người đau yếu, già cả sở cử người trực tiếp xuống giúp tạo mã số định danh công dân để tiếp nhận, xử lý hồ sơ thuận lợi. 

“Sở chỉ có 28 biên chế, người thực tế làm việc tại sở là hơn 10 người. Trong khi sở còn được thành phố giao rất nhiều việc, nhất là thành phố đang bộn bề trong các vướng mắc pháp lý các dự án, sở phải tham gia đồng hành. Sở đã kiến nghị nhưng biên chế không được phép tăng, nên áp lực, khối lượng công việc rất lớn”, bà Hoa cho biết.

 Để việc tiếp nhận hồ sơ lý lịch tư pháp thuận lợi, bà Hoa đề nghị người dân cần chủ động tạo mã định danh cá nhân trước để việc giao dịch, xử lý, xác minh hồ sơ lý lịch tư pháp trực tuyến được thuận lợi, nhanh chóng. (Tienphong.vn 15/02, Nguyễn Thành)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Bình Phước: Các văn phòng đăng ký đất đai sai phạm thu chi hơn 10 tỉ đồng

Ngày 15-2, Thanh tra tỉnh Bình Phước có văn bản kết luận sai phạm của Văn phòng Đăng ký đất đai và chín Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại tỉnh Bình Phước. 

Theo thông báo kết luận, đợt thanh tra Văn phòng Đăng ký đất đai và chín Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại tỉnh Bình Phước diễn ra trong hai năm 2020 và 2021. 

Qua thanh tra, ngoài những ưu điểm làm được của các đơn vị thì còn tồn tại một số khuyết điểm, thiếu sót. Trong đó, hầu hết đều là những sai phạm trong việc thu chi tiền. 

Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh Bình Phước chỉ rõ trách nhiệm của những sai phạm này thuộc về giám đốc và kế toán của các đơn vị nêu trên. Cụ thể, tại Văn phòng Đăng ký đất đai đã chi nhiều khoản tiền không đúng quy định lên đến gần 1 tỉ đồng. 

Còn tại chín Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thu, chi không đúng quy định với số tiền hơn 9 tỉ đồng. 

Ngoài ra, tại các đơn vị này vẫn còn tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) chậm trễ. Một số hồ sơ giao đất thiếu biên bản bàn giao đất ngoài thực địa… 

Thanh tra tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến các sai phạm. Nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh số tiền hơn 10 tỉ đồng. (Plo.vn 15/02, Lê Ánh)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Bắt nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến

Căn cứ tài liệu thu thập, ngày 15/2, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Trương Minh Hiến (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam) và ông Vũ Hữu Song (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hà Nam. Cơ quan Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam thu thập tài liệu chứng cứ, đấu tranh mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại núi Hang Diêm, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam từ năm 2017 đến năm 2021. 

Căn cứ tài liệu thu thập, ngày 15/2/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Trương Minh Hiến (sinh năm 1960, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam) và ông Vũ Hữu Song (sinh năm 1959, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). 

Các quyết định tố tụng, lệnh nêu trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam phê chuẩn. Cùng ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã thi hành các quyết định và lệnh trên. (TTXVN/Baotintuc.vn 15/02, Mạnh Khánh)Về đầu trang

Nguyên chủ tịch Hội chữ thập đỏ 1 xã ở Đắk Lắk tham ô hơn 100 triệu đồng

Ngày 15-2, VKSND huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét khẩn cấp và lệnh bắt đối với bị can H'Phia Je (32 tuổi, ngụ buôn Yang Lah 2, xã Đắk Liêng), nguyên Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Đắk Liêng để điều tra về hành vi tham ô tài sản. 

Quá trình khám xét tại nơi ở và nơi làm việc của H'Phia Je, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lắk đã phát hiện, thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan để phục vụ điều tra. 

Theo thông tin ban đầu, tháng 10-2015, H'Phia Je được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Đắk Liêng và được giao quản lý kinh phí của Hội. Trong thời gian này, H'Phia Je đã chiếm đoạt hơn 46 triệu đồng tiền quỹ của Hội để chi tiêu cá nhân. 

Từ cuối năm 2019 đến tháng 8-2021, H'Phia Je còn nhiều lần chiếm đoạt tiền quỹ của Hội chữ thập đỏ xã Đắk Liêng với khoảng 54 triệu đồng tiền mặt. Đây là tiền của các hộ dân xã Đắk Liêng đóng góp vào quỹ của Hội. 

Kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định, H'Phia Je đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 100 triệu đồng tiền quỹ của Hội chữ thập đỏ xã Đắk Liêng để chi tiêu cá nhân. (Plo.vn 15/02, Vũ Long)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thái Lan công bố chiến lược mới thu hút đầu tư nước ngoài

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BoI) ngày 14/2 đã công bố các chiến lược mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong 3-5 năm tới. 

Ông Narit Therdsteerasukdi, Tổng Thư ký BoI cho biết các chiến lược mới này phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội dài hạn của đất nước, đồng thời nhằm hỗ trợ lĩnh vực kinh doanh để các công ty trong nước và quốc tế có thể xây dựng nền tảng cho sự phát triển ở Thái Lan. Trong nội dung các chiến lược mới, BoI có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn – xanh (BCG), xe điện cũng như các doanh nghiệp số và sáng tạo. Thủ đô Bangkok sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và các công ty toàn cầu thành lập các trung tâm khu vực, nhờ lợi thế có hệ thống tàu điện kết nối tất cả các khu vực của thành phố và vùng lân cận, bao gồm cả sân bay và bến cảng. 

Theo ông Narit, các quốc gia và doanh nghiệp muốn thu hút đầu tư hiện nay đều đang đứng trước những thách thức như lượng khí thải CO2, xung đột địa chính trị, thiếu nguyên liệu thô, gián đoạn công nghệ, dịch bệnh và xã hội già hóa. Tuy vậy, Thái Lan có lợi thế về địa lý nằm ở trung tâm Đông Nam Á, ít bị ảnh hưởng lớn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sở hữu chuỗi cung ứng linh hoạt. Ông Narit cũng cho rằng Thái Lan đã chứng tỏ khả năng xử lý các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 và có khả năng cung cấp năng lượng tái tạo. 

Ông Narit khuyến nghị các doanh nghiệp và nhà đầu tư nên theo đuổi các xu hướng đầu tư mới như đa dạng hóa, đầu tư xanh và sản xuất thông minh. Theo ông, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng xem xét các yếu tố như: cơ sở hạ tầng và hậu cần hiện có, nguồn nhân lực có trình độ, các quy định thuận lợi cho khu vực kinh doanh, cơ sở công nghiệp hỗ trợ, chi phí hợp lý và lợi ích của chính phủ.  

Bên cạnh đó, ông cho rằng khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ nên đưa ra các biện pháp như đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, nâng cao trình độ của ngành công nghiệp Thái Lan lên một nền tảng thông minh và bền vững, củng cố và tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và công ty khởi nghiệp. Tổng thư ký BoI cũng khuyến khích các công ty lớn đóng vai trò lớn hơn trong 3 lĩnh vực là phát triển con người, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển cộng đồng. (TTXVN 15/02, Đỗ Sinh)Về đầu trang

Bộ tài chính Mỹ cảnh báo nguy cơ vỡ nợ nếu không nâng trần nợ công

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, nếu không đạt được mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong tháng này, Mỹ có thể sẽ không tránh được nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 6 tới. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen ngày 14/2 đã lên tiếng cảnh báo về khả năng mất thanh toán các khoản trợ cấp của Chính phủ Liên bang, nếu Quốc hội không nhanh chóng đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công. 

Các Nghị sỹ Đảng Cộng hòa và Tổng thống Joe Biden đang bất đồng về lộ trình nâng trần nợ công. Tổng thống Biden cho biết, sẽ không thương lượng về vấn đề nâng trần nợ, trong khi các Nghị sỹ đảng Cộng hòa cũng không nhất trí nâng trần nợ, nếu không có những nhượng bộ trong vấn đề chi tiêu của các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế quốc gia. 

Bà Yellen cho biết, nếu không đạt được mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong tháng này, Mỹ có thể sẽ không tránh được nguy cơ vỡ nợ vào đầu tháng 6 tới. Nếu vỡ nợ, các khoản vay thanh toán có thế chấp của các hộ gia đình sẽ tăng lên và thị trường tín dụng sẽ xấu đi, người dân sẽ mất việc làm. 

Cùng với đó, chính phủ sẽ không thể thanh toán được các khoản trợ cấp liên bang cho hàng triệu người Mỹ gồm các gia đình quân nhân, người cao tuổi sống dựa vào an sinh xã hội. Bà Yellen cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ nên ngay lập tức tăng, hoặc đình chỉ giới hạn nợ không kèm những điều kiện để ngăn chặn thảm họa kinh tế. (VOV.vn 15/02, Châu Anh)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

Các tin khác

04