Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 23/02/2023

Font size : A- A A+

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

1.        Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I/2023 cao thứ mấy trong khu vực ASEAN-6 theo cập nhật mới nhất?

2.        Báo Thụy Sĩ: Việt Nam trở thành điểm đến mới của các công ty nước ngoài

3.        10 địa phương đề xuất bổ sung sân bay, Bộ Giao thông Vận tải nói gì?

4.        Chính phủ đề xuất Quốc hội về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

5.        Lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh không vay được vốn ngân hàng

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

6.        Phiếu tín nhiệm và quá trình đánh giá cán bộ thực chất

7.        Triệt tiêu chuyện “lỗ giả, lãi thật”

QUẢN LÝ

8.        Thủ tướng: “Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên”

9.        Rà soát, chuẩn bị phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng

10.     Xác định rõ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến sổ hộ khẩu

11.     Cử tri nhiều tỉnh thành kiến nghị bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy

12.     Cục Cảnh sát giao thông thông tin về quy trình nhận diện người có nồng độ cồn

13.     Xử lý nghiêm cán bộ thuế gây nhũng nhiễu, phiền hà cho dân

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

14.     Người dân Hà Nội hào hứng khi lần đầu gửi phản ánh qua Zalo

15.     TPHCM: Có hồ sơ ngâm hết tháng này qua tháng kia không chịu giải quyết cho dân

THẾ GIỚI

16.     Nhiều tỉnh ở Trung Quốc cho nghỉ cưới tới 30 ngày

17.     Ấn Độ triển khai hệ thống thanh toán nhanh cho du khách

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I/2023 cao thứ mấy trong khu vực ASEAN-6 theo cập nhật mới nhất?

IMF đánh giá, kinh tế Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều đang quay trở lại mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch. 

Theo HSBC, tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN-6 trong năm 2023 dự kiến đạt 4,2%. Trong đó, kinh tế Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng đứng đầu khu vực, với GDP tăng 5,8% so với cùng kỳ. Đứng thứ hai là Philippines với tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo ở mức 4,8%. Với tăng trưởng GDP dự báo ở mức 4,3%, Indonesia là nền kinh tế có dự báo tăng trưởng kinh tế đứng thứ ba trong khu vực ASEAN-6 căn cứ theo số liệu của HSBC. Theo sau là Thái Lan, Malaysia và Singapore với dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 lần lượt ở mức 4,1%; 4% và 2,1%. 

Tính riêng quý I/2023, HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN-6 trong năm 2023 dự kiến đạt 4%. Trong đó, GDP Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng cao nhất ASEAN-6, với tăng trưởng GDP ước đạt 5,3%. Đứng thứ hai là Việt Nam, với GDP quý I/2023 tăng 5% so với cùng kỳ. Với tăng trưởng GDP dự báo ở mức 4,9%, Malaysia là nền kinh tế có dự báo tăng trưởng kinh tế đứng thứ ba trong khu vực ASEAN-6 căn cứ theo số liệu của HSBC. Theo sau là Indonesia, Thái Lan và Singapore với dự báo tăng trưởng GDP trong quý I/2023 lần lượt ở mức 4,1%; 3,6% và 1,7%. 

Báo cáo cập nhật dự báo kinh tế mới nhất của IMF cho biết, những cơn gió ngược mà kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt vào năm 2022 đã bắt đầu giảm bớt. Theo đó, các điều kiện tài chính toàn cầu đã dịu bớt, giá lương thực và dầu giảm, đồng thời nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi. 

Theo IMF, điều này đang giúp cải thiện triển vọng trên toàn khu vực, với tốc độ tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng lên 4,7% trong năm 2023 từ mức 3,8% vào năm 2022. 

"Châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới và là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại", IMF đánh giá. 

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ thúc đẩy sự năng động của khu vực, với tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 5,3% trong năm 2023. Trong đó, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều đang quay trở lại mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch. 

Cụ thể, trong năm 2023, IMF dự báo kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN-6, với GDP tăng 5,8% so với cùng kỳ. Đứng thứ hai là Philippines với tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo ở mức 5%. Với tăng trưởng GDP dự báo ở mức 4,8%, Indonesia là nền kinh tế có dự báo tăng trưởng kinh tế đứng thứ ba trong khu vực ASEAN-6. Theo sau là Malaysia, Thái Lan và Singapore với dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 lần lượt ở mức 4,4%; 3,7% và 1,5%. (Toquoc.vn 22/02)Về đầu trang

Báo Thụy Sĩ: Việt Nam trở thành điểm đến mới của các công ty nước ngoài

Nhật báo Tribune de Gèneve của Thụy Sĩ vừa đăng bài viết về việc Việt Nam trở thành điểm đến mới của các công ty nước ngoài. 

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, bài viết nhấn mạnh Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế mạnh nhất châu Á trong năm 2022 sau thời gian đóng cửa vì đại dịch COVID-19. Thụy Sĩ có điều kiện thuận lợi để khai thác những ưu thế mà nền kinh tế Việt Nam mang lại. Trong năm 2020, trao đổi thương mại giữa Thụy Sĩ và Việt Nam đạt hơn 3 tỷ franc (khoảng 3,2 tỷ USD), tạo ra 20.000 việc làm. Hàng trăm công ty Thụy Sĩ đã có mặt và nằm trong số những nhà đầu tư châu Âu quan trọng nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, lĩnh vực thiết bị công nghiệp của Thụy Sĩ nên tận dụng tối đa xu hướng hàng “Made in Vietnam” đang phát triển mạnh. 

Bài viết nhấn mạnh thêm rằng sự bùng nổ công nghiệp ở Việt Nam có thể cảm nhận được rõ ngay khi bước vào khu công nghiệp Vân Trung, cách Hà Nội một giờ lái xe về phía Bắc. Ngay từ sáng sớm, nhiều người đã đến xếp hàng trước văn phòng tuyển dụng của Foxconn, nhà thầu phụ nổi tiếng nhất của Apple. Trước mặt tiền của một ký túc xá lớn dành cho công nhân còn có một tấm áp phích lớn kèm thông báo Foxconn tuyển 10.000 nhân viên với điều kiện làm việc thuận lợi. 

Foxcom không phải là nhà máy duy nhất tuyển dụng lao động số lượng lớn. Cách đó không xa, đối thủ cạnh tranh là LuxShare đang thông báo tuyển 13.000 nhân viên mới. Một nhà cung cấp ô tô khác đang tuyển dụng 700 vị trí đủ điều kiện, trong khi nhà sản xuất pin Mặt Trời đang thông báo tuyển dụng 6.000 vị trí. 

Cũng theo bài viết, các khu công nghiệp lớn đang được xây dựng và được các nhà sản xuất thiết bị điện tử tiên tiến tiếp quản. 

Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc đã khánh thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển hoàn toàn mới ở Hà Nội vào tháng 12/2022, có kế hoạch đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD để sản xuất chất bán dẫn tại một tỉnh lân cận. Công ty thiết bị bán dẫn lớn Amkor Technology của Mỹ sẽ sớm mở một nhà máy cách sân bay không xa. Và hãng Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc), công ty sản xuất linh kiện cho hãng xe điện Tesla và lắp ráp iPhone, vừa đi vào hoạt động gần Vịnh Hạ Long. 

Việt Nam có được sức hút trên nhờ nhiều yếu tố khác nhau như môi trường đầu tư ổn định; 15 hiệp định thương mại tự do, bao gồm một hiệp định được ký kết vào năm 2020 với Liên minh châu Âu (EU), giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp với giá thành phải chăng... 

Bài báo kết luận Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá ở vị trí ưu tiên đầu tư hàng đầu, do đó trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến các siêu nhà máy mọc lên. (Baotintuc.vn 22/02, Văn Tuấn) Về đầu trang

10 địa phương đề xuất bổ sung sân bay, Bộ Giao thông Vận tải nói gì?

Theo Bộ Giao thông Vận tải, các vị trí đề xuất xây dựng cảng hàng không, sân bay cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện địa hình, tổ chức vùng trời. 

Liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải cho biết vừa có báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác về nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự; nghiên cứu đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). 

Theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua, Bộ đã nhận được đề xuất của 10 địa phương kiến nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không gồm: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh. 

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức làm việc với các địa phương có kiến nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không; đánh giá sơ bộ khả năng hình thành cảng hàng không tại các địa phương. 

Qua rà soát, trong số 10 vị trí được các địa phương đề xuất, có 2/10 vị trí cảng hàng không tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang không khả thi khi bố trí đường cất hạ cánh, thiết kế phương thức bay do địa hình hiểm trở, tuy nhiên các đơn vị đề xuất địa phương có thể nghiên cứu ở vị trí khác khả thi hơn. 

Có 8/10 vị trí có khả năng bố trí đường cất hạ cánh, thiết kế phương thức bay, tuy nhiên phần lớn có sự xung đột và chồng lấn về vùng trời, một số vị trí cần có số liệu khảo sát, đánh giá cụ thể về tĩnh không đầu, tĩnh không sườn để đánh giá khối lượng san, gạt và số liệu liên quan khác. 

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng về cơ bản, các vị trí đề xuất cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng cả về điều kiện địa hình và tổ chức vùng trời. 

Trên cơ sở kết quả làm việc, đến nay Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được ý kiến của 9/10 địa phương gồm: Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Khánh Hòa, Tây Ninh đối với nội dung bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới. 

Trong đó, UBND tỉnh Sơn La đề nghị tiếp tục tập trung quy hoạch Cảng hàng không Nà Sản trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không, đề xuất quy hoạch sân bay Mộc Châu theo hướng là sân bay chuyên dùng, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. 

"Các địa phương còn lại đều đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới và kiến nghị giao địa phương xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển cảng hàng không dân dụng đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư bảo đảm tính khả thi, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm. 

Căn cứ kết quả nghiên cứu, ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải nhận định nhu cầu quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông nhằm phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là chính đáng bởi đây đều là các tỉnh có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không. 

Để bảo đảm tính khả thi về quy hoạch cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể các yếu tố về kinh tế, kỹ thuật, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần có đơn vị tư vấn thực hiện để bảo đảm đầy đủ số liệu. 

Cùng với đó, để phát huy tính chủ động và phù hợp với đề xuất của các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức tổ chức lập đề án đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không bao gồm tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác công tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng cảng hàng không.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận), Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); nghiên cứu đầu tư PPP khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (TP Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu. (VTV.vn 21/02)Về đầu trang

Chính phủ đề xuất Quốc hội về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội

Theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để phục vụ các dự án nhà ở xã hội. 

Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững nêu: Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022 - 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây). 

Trong đó, đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi. 

Dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. 

Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường; tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu... khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường. 

Đồng thời, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân. Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và các thủ tục về đất đai, xây dựng các dự án bất động sản để tăng nguồn cung thị trường. 

Thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án, ưu tiên các doanh nghiệp có phương án vay vốn khả thi, các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp... 

Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2023 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội. 

Chính phủ nhận định, thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Trong thời gian qua và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động... (VTC.vn 22/02, Ngọc Vy)Về đầu trang

Lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh không vay được vốn ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. 

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn trong tháng 2/2023 theo hình thức phù hợp để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ. 

NHNN chi nhánh chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan tại địa phương rà soát tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp; nắm rõ thông tin về các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào (doanh nghiệp không đủ điều kiện hay ngân hàng không cho vay) và nguyên nhân không tiếp cận được. 

Các nội dung này phải được thông tin công khai và làm rõ tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của địa phương (được tổ chức thường niên nhiều năm nay). 

NHNN chi nhánh cũng phải lập đường dây nóng (điện thoại, email) để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn có trách nhiệm xử lý, trả lời người dân, doanh nghiệp và báo cáo kết quả xử lý về NHNN. Đồng thời, báo cáo kết quả triển khai các nội dung trên về NHNN trước ngày 28/2/2023 để tổng hợp, báo cáo Thống đốc NHNN. 

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. 

Các chi nhánh của tổ chức tín dụng chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. 

Tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, công bố công khai trên trang tin điện tử các thông tin về quy trình, thủ tục hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; tuyên truyền và hướng dẫn khách hàng vay để khách hàng hiểu và nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản vay. (Tienphong.vn 22/02, Ngọc Mai)Về đầu trang

PHÂN TÍCH - BÌNH LUẬN

Phiếu tín nhiệm và quá trình đánh giá cán bộ thực chất

Ban Tổ chức Trung ương mới đây tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để chuẩn bị cho kỳ lấy phiếu tín nhiệm tới. 

Có thể nói thực hiện Quy định số 96 là bước đột phá mới trong việc lấy phiếu tín nhiệm mà Đảng đã tiến hành trong những nhiệm kỳ vừa qua. 

Đột phá vì từ nay việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng trong việc đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ. Nếu như trước đây, Quy định số 262 chỉ nêu phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng thì nay đã có một bước tiến mới, là cơ sở để bố trí sắp xếp cán bộ. 

Bước chuyển này là bước nhảy vọt về chất của việc lấy phiếu tín nhiệm. Điều này thống nhất với các quy định mới của Đảng như Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Thông báo số 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. 

Chính những quy định mới của Đảng vừa qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó như những “điều luật” cụ thể rõ ràng, tạo nên những hành lang pháp lý giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Một số cá nhân có sai phạm đã phải tự nguyện xin nghỉ, tự nguyện từ chức cũng là căn cứ vào những quy định ấy.

Chỉ trong thời gian ngắn, một số Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị đã tự nguyện viết đơn xin nghỉ cho thấy những “điều luật” trên có ý nghĩa thực tiễn sâu rộng trong Đảng. 

Đánh giá cao việc lấy phiếu tín nhiệm, tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai -Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, vẫn còn những hạn chế như một bộ phận người đứng đầu cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm, vẫn còn nể nang, dĩ hòa vi quý, tinh thần phê bình, tự phê bình chưa cao, có biểu hiện lợi ích nhóm. Đáng chú ý, còn một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. 

“Trong quá trình thực hiện Quy định số 96 cần khắc phục triệt để vấn đề này. Nếu thực hiện không nghiêm thì chứng tỏ nghị quyết, quy định của Đảng chưa đi vào cuộc sống”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh. 

Trước đó, trong Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng: “Cần đánh giá đúng thực chất vì có thể những người ít va chạm, chịu khó quan hệ thì lại được ‘tín nhiệm’ cao hơn”. 

Trước kia chỉ là “kênh tham khảo” mà còn có những hạn chế như vậy, thì lần này, với vai trò và ý nghĩa quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm nếu làm không nghiêm sẽ khó đánh giá đúng. Việc đánh giá không đúng dẫn đến bố trí sai sẽ là nguy cơ cho dân, cho nước. Bởi những người được đánh giá là những người đứng đầu có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tổ chức mọi thắng lợi của một ngành, một địa phương…

 Vì vậy, nói như bà Trương Thị Mai, phải nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp uỷ, mặt trận và các tổ chức xã hội, cần tham gia giám sát, vì “đây là căn cứ quan trọng để Đảng quy hoạch, bố trí, sử dụng những người có phiếu tín nhiệm cao, đồng thời có phương án bố trí, sắp xếp đối với người đạt tín nhiệm thấp”. 

Việc Đảng cũng là việc dân. Đảng ta là Đảng cầm quyền, mọi thắng lợi của Đảng cũng là thắng lợi của dân tộc, thắng lợi của người dân. Việc hoàn thiện từng bước những quy định như trên sẽ có vai trò to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước, từng bước giám sát, loại trừ những kẻ cơ hội, biến chất cũng như phát hiện, cổ vũ nhân tài. 

Trách nhiệm của những lá phiếu tín nhiệm trong Đảng và tới đây trong Quốc hội đều có vai trò to lớn. Ai vì dân, vì nước sẽ thể hiện ở sự tín nhiệm này. Và vì vậy đánh giá đúng cũng là thúc đẩy sự phát triển của đất nước. (Vietnamnet.vn 22/02, Tấn Đăng)Về đầu trang

Triệt tiêu chuyện “lỗ giả, lãi thật”

Năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - đó là nhận định từ lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT). 

Dự báo luôn có độ vênh nhất định so với con số thực, song nhiều cơ quan phân tích kinh tế và truyền thông quốc tế chung nhận định xu hướng gia tăng bền vững dòng vốn FDI vào Việt Nam trong vài năm tới nhờ lợi thế về vị trí chiến lược và vận chuyển, chi phí sản xuất thấp, nguồn nhân lực dồi dào, năng động, chính sách đầu tư cởi mở… Thế nhưng, lợi ích thực tế mà Việt Nam nhận được có tỷ lệ thuận với số vốn FDI hay không vẫn còn những đánh giá rất khác nhau. 

Năm 2020, Bộ Tài chính có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của hơn 22.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, có tới gần 55% doanh nghiệp báo lỗ hơn 131.000 tỷ đồng, nhưng doanh thu vẫn đạt khoảng 846.800 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018. Hơn 2 năm sau (2021), trong báo cáo tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính cũng của Bộ Tài chính cho thấy: tổng tài sản của hơn 26.000 doanh nghiệp FDI đạt 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020; vốn chủ sở hữu là 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% nhưng nợ phải trả lên tới 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,7%. Nói cách khác, quy mô tài sản tăng, nhưng tốc độ tăng của số nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, nghĩa là tài sản tăng thêm phần lớn là do… vay nợ. Chỉ tiêu sinh lời của một số lĩnh vực còn âm, chưa được cải thiện. 

Thêm vào đó, số doanh nghiệp báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị bị lỗ. Năm 2021, cả nước có hơn 14.200 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020; tổng giá trị lỗ là hơn 168.000 tỷ đồng; số doanh nghiệp lỗ lũy kế là hơn 16.200, chiếm 62% tổng số doanh nghiệp, tăng 8% so với năm trước; có hơn 4.400 doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15% so với năm 2020... 

Lỗ nhưng vẫn tồn tại, vẫn mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh không hoàn toàn là nghịch lý, nếu nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp khi bắt đầu khởi sự kinh doanh ở một thị trường mới và chỉ trong một vài năm đầu tiên. Nhưng sẽ bất thường, nếu tình trạng này kéo dài, thậm chí triền miên hàng chục năm liền, như Coca-Cola, bất chấp doanh số tăng theo chiều thẳng đứng. 

Không thể phủ nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19 như hiện nay, nhưng vẫn cần làm rõ việc: có hay không hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế. Trên thực tế, sau khi bị cơ quan thanh tra thuế chỉ rõ sai phạm, một số doanh nghiệp FDI đã phải chấp nhận truy nộp hàng trăm tỷ đồng. Khi một bộ phận doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế trót lọt thì không chỉ ngân sách Nhà nước bị thất thoát mà với lợi thế về tài chính có được một cách bất hợp pháp, doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn so với doanh nghiệp nội địa, tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường. 

Việc rà soát hoàn thiện các chính sách thuế tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài. Còn nhớ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi còn là Phó Thủ tướng, trong cuộc làm việc với Bộ Tài chính, đã nhấn mạnh yêu cầu có cơ chế kiểm soát doanh nghiệp FDI, nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn đầu tư. Thực tế hiện nay đặt ra đòi hỏi cấp bách tăng cường năng lực thanh tra giám sát, nghiên cứu xây dựng bộ phận “đặc nhiệm” về chống chuyển giá, nhằm kiểm soát tình trạng “lỗ giả, lãi thật”. Bên cạnh đó, cần giảm dần các chính sách thu hút đầu tư thông qua ưu đãi thuế, thay vào đó là cơ chế ưu đãi linh hoạt, khác biệt, chẳng hạn như chính sách về sử dụng đất trong và ngoài các khu công nghiệp, tính toán ưu đãi dựa vào hiệu suất trên diện tích đất sử dụng… (Sggp.org.vn 22/02, Anh Thư)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Thủ tướng: “Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên”

Chiều 21/2, phát biểu kết luận phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, với 21 dự án lớn, cộng với việc tới đây sẽ bổ sung thêm một số dự án cao tốc vào danh mục nên khối lượng công việc rất lớn. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là Ban Chỉ đạo quốc gia phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; làm việc nào dứt việc đó. "Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác làm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm" - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Về tiến độ thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế như công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn chậm, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn có khó khăn, chưa đồng bộ, hỗ trợ người dân có chỗ chưa thỏa đáng. 

Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng còn tình trạng chia nhỏ gói thầu. “Có đoạn đường chỉ 50 km nhưng có tới hàng chục nhà thầu, 2-3 km một gói thầu, nên phát sinh nhiều thủ tục và kết nối các nhà thầu rất khó. Cần chấm dứt chia nhỏ gói thầu, thông thầu, bán thầu”, Thủ tướng lấy ví dụ và yêu cầu các bộ ngành, địa phương, ban quản lý phải rà soát lại, nhanh chóng điều chỉnh các vấn đề nói trên. 

Một vấn đề nổi lên tại cuộc họp là nguyên vật liệu cho các dự án, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo các chỉ đạo, nghị quyết của Chính phủ. Theo Thủ tướng, tinh thần là giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại.

Đối với các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TPHCM còn vướng mắc, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phải chủ động phối hợp giải quyết ngay. Trường hợp vẫn còn vướng mắc thì Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà triệu tập cuộc họp để xử lý, tránh “văn bản lòng vòng”, cải tiến cách làm nhanh chóng, hiệu quả. 

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng lưu ý nhiều yêu cầu về tiến độ chưa đạt được. Các cơ quan liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ và các công việc được phân công, đồng thời chịu trách nhiệm tập trung khắc phục, bù đắp lại thời gian đã trôi qua và tiến độ bị chậm. 

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tư vấn thiết kế rà soát lại, bảo đảm các dự án cao tốc, tốc độ tối thiểu 80 km/giờ, ít nhất có 4 làn xe, “không làm nửa vời”, gây lãng phí và nguy hiểm các đối tượng tham gia giao thông. (Tienphong.vn 22/02, Văn Kiên)Về đầu trang

Rà soát, chuẩn bị phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn văn bản gửi các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2022 tới nay.  

Trong đó, các địa phương cần đánh giá việc thực hiện lương tại doanh nghiệp, thoả ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động; thỏa thuận về trả lương cho người lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiếu. 

Các địa phương đánh giá việc triển khai áp dụng lương tối thiểu theo giờ; khảo sát, thống kê các nhóm vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực/ngành nghề thực hiện trả lương theo giờ, mức lương theo giờ phố biến tại đại phương; đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện… 

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương cập nhật tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các doanh nghiệp, dự báo nhu cầu lao động và việc làm thời gian tới đề đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương tối thiếu vùng áp dụng cho năm 2024. 

Trên cơ sở thực tế tại các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tham mưu Chính phủ ban hành quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024. 

Lương tối thiểu vùng được sử dụng làm căn cứ để doanh nghiệp trả lương cho người lao động, đây là mức lương thấp nhất được phân theo từng khu vực (hiện được phân thành 4 vùng, theo điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau). 

Hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH - cơ quan thường trực Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ đánh giá mức lương thực tế, đề xuất phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng để hội đồng đánh giá, đưa ra phương án khuyến nghị Chính phủ ban hành. 

Trước đó, từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh tăng bình quân thêm 6% so với mức lương áp dụng trước đó, mức lương này được áp dụng tới hết năm 2023. 

Cụ thể, mức lương tối thiểu Vùng I tăng từ 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng; Vùng II tăng từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng; Vùng III tăng từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng; Vùng IV tăng từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng. (Tienphong.vn 22/02, Lê Hữu Việt)Về đầu trang

Xác định rõ các vướng mắc, khó khăn liên quan đến sổ hộ khẩu

Chiều 21/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Theo báo cáo tại buổi làm việc, ngay sau khi Quyết định số 06/QĐ-TTg được ban hành, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng và ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác của Bộ, đồng thời ban hành Kế hoạch hành động của Bộ để triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg; ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành Tư pháp được giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg. Tổ công tác của Bộ đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp, làm việc với các đơn vị chuyên môn để triển khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng lộ trình được giao tại Đề án, trong đó ngày 8/12/2022 Tổ công tác đã họp tổng kết triển khai Đề án năm 2021. 

Ngày 9/02/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ Tư pháp năm 2023. 

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ tại Đề án 06 trong năm 2022, 7/7 nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách trong năm 2022 theo Đề án 06 đã hoàn thành; tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. 

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã chỉ ra hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 thời gian qua: còn hạn chế về nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và Đề án 06 nói riêng dẫn tới nhiều khi hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ và trên toàn quốc chưa kịp thời, triển khai một số hạng mục công việc chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Phát biểu tại buổi làm việc, các Thứ trưởng đồng tình đây là Đề án tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, tác động đến toàn bộ hệ thống chính trị. Đề án 06 rất quy mô với 05 nhóm tiện ích toàn diện, gắn với dữ liệu dân cư và các nhiệm vụ trọng tâm ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của Bộ, Ngành Tư pháp. Do đó, các đơn vị có liên quan cần chủ động hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; rà soát hệ thống hoá văn bản, hoàn thiện thể chế để thực hiện Đề án 06; lưu ý góp ý Luật Căn cước công dân; đảm bảo thông tin kết nối hộ tịch; hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai số hoá, cấp giấy tờ hộ tịch điện tử… 

Nêu rõ 02 nhóm công việc song song, đó là cải cách và liên thông các thủ tục hành chính, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đơn vị có liên quan lưu ý, nhận thức rõ khi thực hiện. Đây là trách nhiệm chung của Bộ, Ngành Tư pháp, mỗi đơn vị phải cho ý kiến, thống nhất về các mảng công việc liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của mình. 

Đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phải báo cáo lãnh đạo Bộ theo phân công, phân cấp quản lý đầu tư. Về rà soát pháp luật, Bộ trưởng đề nghị: Vụ Pháp luật Hình sự hành chính đánh giá các giao dịch liên quan đến nước ngoài; các đơn vị phối hợp thẩm định kỹ Luật Căn cước công dân. 

Về kế hoạch nhiệm vụ, công tác năm 2023, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đơn vị có liên quan chủ động, bám sát các nhiệm vụ đã đặt ra; trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vướng mắc, bất cập thì phải báo cáo ngay cho lãnh đạo phụ trách và đề xuất biện pháp khắc phục. 

Về các vấn đề liên quan đến sổ hộ khẩu, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị có liên quan khẩn trương tập hợp các vướng mắc phát sinh, xác định rõ tình hình thực tế cũng như mức độ, nguyên nhân phát sinh các vướng mắc, khó khăn đó để kịp thời có biện pháp giải quyết hiệu quả. (Pháp luật Việt Nam 22/02, Thanh Trà)Về đầu trang

Cử tri nhiều tỉnh thành kiến nghị bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy

Cử tri nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm đối với xe gắn máy, việc mua bảo hiểm nên chuyển sang hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm về việc cần thiết có bảo hiểm bắt buộc với xe gắn máy. 

Cử tri nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu cùng chung kiến nghị Bộ Tài chính bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm xe máy.  

Bên cạnh đó, cử tri của TP HCM, Ninh Thuận, Tiền Giang cũng đặt câu hỏi về giải pháp giúp chi trả bồi thường đơn giản, nhanh chóng. 

Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm về việc cần thiết có bảo hiểm bắt buộc với xe gắn máy. 

Theo Bộ Tài chính, nhiều nước vẫn áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ ôtô, môtô, xe máy. Tiêu biểu như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore quy định tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần. 

Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đang xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc, căn cứ tình hình thực tiễn, ý kiến đề xuất của các bên liên quan. 

Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như: bổ sung quy định giảm phí bảo hiểm; tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%; thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm; bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm… 

Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Bến Tre, Long An, Bình Thuận và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy. 

Phía VCCI cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, ở mức gần 6% năm 2019 (tương đương 45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác. 

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy. Việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên. (Tienphong.vn 22/02, Quỳnh Nga)Về đầu trang

Cục Cảnh sát giao thông thông tin về quy trình nhận diện người có nồng độ cồn

Sáng 22-2, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) tổ chức hội nghị thông tin công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đầu năm 2023. Tại đây, đại diện C08 đã giải thích, trao đổi, thông tin thêm về quá trình triển khai kế hoạch xử lý vi phạm về nồng độ cồn thời gian qua. 

Liên quan đến những băn khoăn của người dân trước một số thông tin trên mạng xã hội về việc trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp hoặc nói uống sirô, ngậm thuốc sâu răng..., Trung tá Dương Thị Thu Trang, Phó phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (C08) cho biết, khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng như các nghị định liên quan tới xử phạt, các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã nghiên cứu rất kỹ và xác định ngưỡng vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. 

“Ngưỡng nồng độ cồn được quy định trong Nghị định 100 hiện nay đã được xác định chính xác. Bởi ngưỡng này đã qua nhiều lần hội thảo và Cục Cảnh sát giao thông đã nhiều lần làm việc với cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế”, Trung tá Trang khẳng định. 

Trao đổi thêm với báo chí, Thiếu tướng Lê Xuân Đức (Phó Cục trưởng C08), cho rằng, các chuyên đề về nồng độ cồn trước tới nay có 2 thời điểm; thời điểm khi có Nghị định 100, lực lượng cảnh sát giao thông làm quyết liệt, sau đó một thời gian, do dịch Covid-19, tới nay lãnh đạo Bộ Công an thấy rằng cần phải “lập lại trật tự”, chọn ra chuyên đề là nguyên nhân gây ra trực tiếp tai nạn giao thông. Qua 1 tháng cao điểm triển khai chuyên đề nồng độ cồn, tai nạn giao thông giảm sâu cả ba tiêu chí. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán không có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rượu bia. 

“Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ ra, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là liên quan tới rượu bia, tốc độ cũng liên quan tới rượu bia, đánh lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ, dừng đỗ không đúng quy định, tất cả liên quan tới rượu bia. Từ rượu bia, liên quan tới nhiều hành vi vi phạm khác”, Thiếu tướng Đức chia sẻ. 

Hiện nay, theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện chuyên đề đo nồng độ cồn trên các tuyến theo kinh nghiệm quốc tế. Trước khi thực hiện các kế hoạch, lực lượng cảnh sát giao thông phải làm tốt công tác điều tra, từ từng tuyến đường, từng nhà hàng, từng đối tượng; sau đó mới bố trí lực lượng ở những điểm đó và thường xuyên thay đổi liên tục. Do đó, nhiều “thủ đoạn” của những người né tránh chốt, chống đối đã hạn chế ở mức thấp nhất. 

Thông tin thêm về quá trình triển khai đo nồng độ cồn, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, hiện nay đo nồng độ cồn được thực hiện với hai chế độ. Trước hết, đo định tính, đó là khi cảnh sát giao thông xác định được người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có cồn, lúc đó mới tiến hành đo nồng độ theo chỉ số, hàm lượng (định lượng). 

Do đó, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số trường hợp người dân ăn hoa quả, ngậm thuốc sâu răng cũng có cồn, thì đã được lực lượng “đo” bằng định tính, nếu thấy có cồn sẽ đo bằng “định lượng”. “Lực lượng cảnh sát giao thông không thể xử lý sai trường hợp không dùng rượu bia mà lại có nồng độ cồn. Lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo không xử lý sai theo quy định”, lãnh đạo C08 khẳng định. 

Lực lượng cảnh sát giao thông đang thực hiện quy chế dân chủ trong tuần tra, kiểm soát và đã được quy định những trường hợp nào được giám sát. “Chúng tôi luôn luôn mong muốn, sự phản ánh của người dân, sự giám sát của người dân đối với công chức, viên chức, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông, đấy là việc làm bình thường. Những hình ảnh đẹp của cảnh sát giao thông được người dân ghi lại luôn là động lực để chúng tôi làm việc tốt hơn; những góp ý của người dân đối với lực lượng luôn là bài học để chúng tôi rút kinh nghiệm để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết. (Sggp.org.vn 22/02, Đỗ Trung)Về đầu trang

Xử lý nghiêm cán bộ thuế gây nhũng nhiễu, phiền hà cho dân

Những công chức vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng; cố tình gây khó khăn phiền hà cho người nộp thuế, nếu chưa đến mức xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị không được bố trí ở các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế trong thời hạn tối thiểu là 5 năm. 

Đây là một trong những yêu cầu của Tổng cục Thuế trong Công văn số 429/TCT-TCCB gửi các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Cục, Vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc về việc chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức, viên chức thuế trong thực thi công vụ. 

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc bên cạnh việc nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong việc xây dựng các kế hoạch, giải pháp, biện pháp, lộ trình phù hợp và hiệu quả để tổ chức triển khai công việc, thì việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức, viên chức thuế trong thực thi công vụ. 

Tổng cục Thuế lưu ý việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định để hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra. 

"Đối với những công chức vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng; cố tình gây khó khăn phiền hà cho người nộp thuế, nếu chưa đến mức xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị không được bố trí ở các bộ phận: tổ chức cán bộ, kiểm tra nội bộ, tài vụ quản trị, bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế trong thời hạn tối thiểu là 5 năm", Tổng cục Thuế chỉ đạo. 

Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị coi trọng, đẩy mạnh việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức; đồng thời, chú trọng, tập trung công tác kiểm tra, giám sát công chức, viên chức trong thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của ngành. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cũng như kiểm tra, giám sát đối công chức làm việc tại các chức năng quản lý thuế cơ bản và bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế. 

Cùng với đó, phát động phong trào thi đua, phấn đấu rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính sáng tạo, sáng kiến, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ cương, kỷ luật, thái độ ứng xử, phong cách làm việc trong quá trình thực thi công vụ và tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. (VOV.vn 22/02, Cẩm Tú)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Người dân Hà Nội hào hứng khi lần đầu gửi phản ánh qua Zalo

Bằng cách thực hiện qua Zalo, người dân có thể tự do, khách quan nêu lên những quan điểm cá nhân trực tiếp tới UBND TP Hà Nội mà không có bất kì cản trở gì.   

Từ giữa tháng 2, nhiều người dân Hà Nội đi từ ngạc nhiên đến phấn khởi, vì từ nay khi gặp bất cứ vướng mắc nào khi về thủ tục tục hành chính, họ có thể ngay lập tức phản ánh các vấn đề này đến chính quyền Hà Nội qua trang Zalo "Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội". 

Được biết, các cấp xã, huyện, quận thuộc Hà Nội đều được phân quyền xử lý trên Zalo "Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội". Khi nhận kiến nghị từ người dân, văn phòng UBND TP Hà Nội sẽ xử lý trên hệ thống hoặc chuyển về địa phương để phân loại và xử lý theo thẩm quyền chuyên môn của từng phòng ban, xã phường, thị trấn. 

Vừa được giới thiệu về kênh Zalo tiếp nhận phản ánh kiến nghị của TP Hà Nội, chị Bùi Phương Thảo (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau khi tìm hiểu chị được biết đây là nơi tiếp nhận ý kiến của người dân về thủ tục hành chính ở cấp cơ sở. 

“Cá nhân tôi cảm thấy đây là một động thái tích cực của UBND TP Hà Nội, khi sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người dân và thực hiện qua một kênh thông tin rất phổ biến là Zalo. Với kênh này, chúng tôi có thể phản ánh ý kiến một cách khách quan, trung thực và tiện lợi hơn”, chị Thảo nói. 

Tương tự chị Thảo, do tính chất công việc thường phải đến các cơ quan nhà nước để làm việc, theo quan sát của anh Lê Văn Viết Niệm (Nam Từ Liêm, Hà Nội), những năm qua Hà Nội đã liên tục thực hiện nhiều cải cách, đổi mới và đẩy nhanh về chính quyền điện tử, số hoá thủ tục hành chính. Cho nên, khi biết đến trang Zalo "Phản ánh kiến nghị thành phố Hà Nội" anh đã nhanh chóng trải nghiệm.

Anh Niệm cho biết thêm, trước đây anh từng nhiều lần có ý định đi kiến nghị về thủ tục hành chính tại cơ sở nhưng sau đó lại suy nghĩ rồi quyết định đi về, vì nhiều khi đi làm thủ tục gặp không ít vướng mắc cần hỗ trợ, anh không biết cách kiến nghị thế nào cho trực tiếp đến bộ phận chuyên trách và hiệu quả. 

“Việc có thêm kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân qua Zalo cho thấy Hà Nội luôn sẵn sàng đổi mới, lắng nghe người dân nhiều hơn. Tạo sự thuận tiện cho người dân khi làm thủ tục hành chính và bày tỏ ý kiến đúng theo tôn chỉ ‘dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra’”, anh Niệm bày tỏ. 

Không chỉ mang đến sự thuận lợi cho người dân nội thành, với những đơn vị quận huyện xa, việc triển khai kênh Zalo này giúp người dân giảm thiểu đi sự bất tiện, không cần phải đi xa và lo lắng về việc các ý kiến, phản ánh của mình có được tiếp nhận không, mất bao lâu để xử lý. 

Cũng vì lý do này, ngay khi được con trai hướng dẫn, cô Đào Thị Quang (Đại Thịnh, Mê Linh, Hà Nội) khá hài lòng: “Khi làm thủ tục hành chính tại cơ sở nhiều khi phải chờ đợi lâu, phản ánh kiến nghị cũng mất thời gian và phải tự đi”. 

“Người lớn tuổi như chúng tôi giờ đây cũng dùng Zalo, ngồi tại nhà cũng có thể gửi phản ánh, kiến nghị thật nhanh và tiện, không lo việc các kiến nghị không được tiếp nhận hay xử lý tốn kém thời gian”, cô Quang nói thêm. 

Ngoài việc phân quyền xử lý đến tận quận, huyện, xã để kiến nghị đến đúng nơi, đúng chỗ. Thông qua hệ thống này, tiến độ xử lý đều được cập nhật rõ ràng trên hệ thống của thành phố. Những trường hợp đặc thù sẽ trả lời bằng văn bản, nếu địa phương, Sở, ngành trả lời chậm, muộn UBND TP Hà Nội sẽ có biện pháp đôn đốc nhắc nhở để kịp thời trả lời phản ánh kiến nghị của công dân. Và tương tự thay cho việc năm lần bảy lượt lên Phòng địa chính để hỏi thủ tục, giấy tờ làm chuyển nhượng sử dụng đất, giờ đây cô Quang chỉ cần ngồi ở nhà truy cập vào trang Zalo. (VOV.vn 22/02, Hà Thành)Về đầu trang

TPHCM: Có hồ sơ ngâm hết tháng này qua tháng kia không chịu giải quyết cho dân

Ngày 22-2, tại trụ sở UBND TPHCM, Khối thi đua I tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2023, gắn với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. 

Tại hội nghị, các thành viên trong khối thi đua tập trung thảo luận các chuyên đề học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuyên đề nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công vụ, chuyên đề công tác an sinh xã hội… 

Nhiều đại biểu quan tâm đặt ra vấn đề nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công vụ, thông qua công tác kiểm tra công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. 

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ, kiêm Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TPHCM Ngô Thị Hoàng Các, qua kiểm tra công vụ phát hiện một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn tình trạng nhũng nhiễu, tác phong làm việc, giờ giấc tiếp dân chưa đúng. 

Đồng tình với ý kiến trên, Chánh Thanh tra TPHCM Đặng Minh Đạt nêu dẫn chứng một số vụ việc nhũng nhiễu xảy ra trong thời gian vừa qua tại thành phố. Trong đó, Thanh tra TPHCM tiếp nhận nhiều vụ việc phản ánh tình trạng nhũng nhiễu, nhất là ở các bộ phận thường xuyên tiếp xúc, giải quyết vấn đề liên quan đến người dân. 

Có trường hợp hồ sơ người dân đã đầy đủ hết mà không chịu giải quyết. Có hồ sơ đột nhiên ưu tiên giải quyết nhanh quá, đưa vô giải quyết liền. Có hồ sơ ngâm hết tháng này qua tháng kia không chịu giải quyết cho người dân”, ông Đặng Minh Đạt dẫn chứng. 

Thời gian tới, Chánh Thanh tra TPHCM đề nghị ngay tại cơ quan đơn vị chủ động, tăng cường công tác kiểm tra công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là các cơ quan đơn vị trong Khối thi đua I. Các cơ quan chức năng cấp Thành phố cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra đột xuất. 

Ông Đặng Quốc Toàn thống nhất nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công vụ, thông qua công tác kiểm tra công vụ. Trước hết, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong Khối thi đua I thực hiện tốt các quy định, chấp hành đúng nội quy, quy chế trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. 

Ông Đặng Quốc Toàn cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong khối thi đua đăng ký các công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đăng ký đầu việc thực hiện theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. (Sggp.org.vn 22/02, Văn Minh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Nhiều tỉnh ở Trung Quốc cho nghỉ cưới tới 30 ngày

Một số tỉnh của Trung Quốc cho các cặp vợ chồng trẻ mới cưới nghỉ phép có lương 30 ngày với hy vọng khuyến khích kết hôn và thúc đẩy tỉ lệ sinh tăng cao. 

Nhân dân Nhật báo đưa tin ngày 21.2, thời gian nghỉ kết hôn được trả lương tối thiểu của Trung Quốc là 3 ngày, nhưng một số tỉnh ở Trung Quốc đã có các khoản trợ cấp hào phóng hơn kể từ tháng 2 năm nay.  

Tỉnh Cam Túc ở phía tây bắc và tỉnh sản xuất than Sơn Tây hiện cho các cặp đôi nghỉ phép để kết hôn trong 30 ngày, trong khi Thượng Hải có 10 ngày.  

Chuyên gia Yang Haiyang của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam chia sẻ: “Kéo dài thời gian nghỉ kết hôn là một trong những cách hiệu quả để tăng tỉ lệ sinh". 

Ông nói thêm, việc kéo dài thời gian nghỉ kết hôn diễn ra chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế tương đối chậm. Ông cho rằng, nhu cầu cấp thiết là vừa mở rộng lực lượng lao động, vừa kích thích tiêu dùng. 

Ông Yang nhận định, vẫn cần có loạt chính sách hỗ trợ khác, bao gồm trợ cấp nhà ở và nghỉ phép có lương dành cho nam giới khi vợ sinh con. 

Theo số liệu chính thức, lần đầu tiên trong gần 6 thập kỷ, dân số Trung Quốc giảm trong năm 2022 - dấu mốc được cho là đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ suy giảm kéo dài. 

Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận tỉ lệ sinh thấp nhất từ trước đến nay, 6,77 ca sinh trên 1.000 người. 

Phần lớn tình trạng này là kết quả của chính sách “một con” được áp đặt từ năm 1980 đến năm 2015 ở Trung Quốc cùng với đó là chi phí giáo dục tăng khiến nhiều người Trung Quốc không muốn có nhiều hơn 1 con và thậm chí là không sinh con. (Laodong.vn 22/02, Thanh Hà)Về đầu trang

Ấn Độ triển khai hệ thống thanh toán nhanh cho du khách

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), vừa công bố một công cụ thanh toán cho khách du lịch nước ngoài. 

Theo đó, từ ngày 21/1, du khách đến Ấn Độ có thể sử dụng hệ thống thanh toán nhanh trên thiết bị di động mang tên "Giao diện thanh toán hợp nhất" (UPI). 

Hai ngân hàng lớn và 2 công ty phát hành công cụ thanh toán trả trước phi ngân hàng đã tham gia chương trình triển khai các ví điện tử liên kết UPI cho khách nước ngoài đến Ấn Độ. 

Chương trình cho phép du khách có thể trải nghiệm các giao dịch thanh toán tiện lợi tại hơn 50 triệu cửa hàng bán lẻ chấp nhận thanh toán UPI dựa vào mã QR trên khắp quốc gia Nam Á này. 

Trước mắt, công cụ thanh toán nhanh nói trên sẽ được triển khai cho những hành khách từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đến các sân bay quốc tế Bangalore, Mumbai và New Delhi. (VTV.vn 22/02)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05