Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 15/02/2023

Font size : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Kỳ họp Quốc hội bất thường chỉ xem xét những vấn đề quan trọng, cấp bách

2.        Thượng tướng Nguyễn Tân Cương lý giải việc nên có Quỹ phòng thủ dân sự

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

3.        Việt Nam thu hẹp khoảng cách năng suất lao động với Nhật Bản, Hàn Quốc

4.        Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh cao nhất khu vực ASEAN

5.        Việt Nam đang có bao nhiêu nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho Samsung?

6.        Chuyên gia kinh tế: Quỹ bình ổn xăng dầu đang gây… bất ổn?

QUẢN LÝ

7.        Bộ Xây dựng chỉ ra loạt nguyên nhân khiến nhiều nhà ở xã hội để không

8.        Chuyên gia đề nghị giao dịch nhà đất đều phải lên sàn

9.        Kho bạc Nhà nước cấm công chức yêu cầu khách hàng hoàn thiện hồ sơ quá một lần

10.     Hà Nội: Thông báo đến cơ quan nếu cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

11.     Có tiền thì phải tiêu được!

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

12.     Vì sao cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị bắt tạm giam?

13.     Bắt hai phó giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Hải Dương

14.     Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm ở Sơn La

15.     Khởi tố lãnh đạo và nhân viên Công ty Đăng kiểm Bắc Kạn về hành vi nhận hối lộ

16.     Sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm TT-Huế bị xác định có hệ thống

THẾ GIỚI

17.     Luật cấm người nước ngoài mua nhà ở Canada ảnh hưởng tới các giao dịch thương mại

 

TIN QUỐC HỘI

Kỳ họp Quốc hội bất thường chỉ xem xét những vấn đề quan trọng, cấp bách

Tiếp tục phiên họp thứ 20, sáng 14.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội. 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết là cấp bách và cần thiết, nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. 

Đồng thời hướng dẫn về hồ sơ người được giới thiệu, tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thể lệ bỏ phiếu, mẫu phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, biên bản niêm phong phiếu biểu quyết… 

Về kỳ họp bất thường, dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết khoản 3 Điều 1 của Nội quy về kỳ họp bất thường theo hướng quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường của các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường được thực hiện theo quy định về kỳ họp tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Dự thảo Nghị quyết (Điều 6) quy định, nguyên tắc tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến tại kỳ họp, trong đó quy định cụ thể hình thức họp trực tuyến được thực hiện qua hệ thống hội nghị truyền hình giữa điểm cầu chính tại Hà Nội và điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. 

Về hồ sơ nhân sự và thể lệ bỏ phiếu kín, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về hồ sơ nhân sự do cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, tài liệu khác trong hồ sơ trình Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội; miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn… 

Để đảm bảo đồng bộ, đề nghị quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.3.2023, cùng thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội. 

Đối với nội dung về kỳ họp bất thường, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần thiết phải có tiêu chí để xây dựng nội dung cho kỳ họp bất thường…  

Bà Lê Thị Nga cho rằng, việc quy định tiêu chí để xác định nội dung cuộc họp bất thường nhằm tránh trường hợp khi kỳ họp bình thường chúng ta làm không kịp thì chuyển qua kỳ họp bất thường. Do vậy, nội dung của kỳ họp bất thường cần phải có tiêu chí của nó, đó là những vấn đề quan trọng, cấp bách, không thể đợi đến kỳ họp bình thường chúng ta mới đưa vào. 

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc tổ chức kỳ họp bất thường do yêu cầu chung, do có chỉ đạo từ Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động đề xuất, cần cân nhắc quy định rõ về thời hạn gửi triệu tập trước khi kỳ họp bắt đầu sao cho hợp lý, sát với thực tiễn, đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi của Nghị quyết. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ, phân biệt rõ, quy định nhất quán đối với các trường hợp tham dự và dự thính. Bổ sung quy định về việc lựa chọn người tham dự, dự thính cần có sự phù hợp với nội dung phiên họp, đúng theo hướng dẫn của Tổng Thư ký Quốc hội. 

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. (Laodong.vn 14/02)Về đầu trang

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương lý giải việc nên có Quỹ phòng thủ dân sự

Chiều 14-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật phòng thủ dân sự. 

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay vấn đề về Quỹ phòng thủ dân sự có 2 loại ý kiến. 

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị có Quỹ phòng thủ dân sự như Chính phủ trình để chủ động trong nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh… 

Ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự bởi nhiệm vụ chi của quỹ này có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách; hiệu quả không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn. Vì thế nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng… 

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định Quỹ phòng thủ dân sự mà thiết kế phương án linh hoạt hơn về việc hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết. 

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh xây dựng 2 phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Trong đó, phương án 1 giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình. Phương án 2 sửa sửa điểm b khoản 2 điều 43 (tài chính, lực lượng, phương tiện, dự trữ cho phòng thủ dân sự) thành: 

“Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố”. 

Ông Tới nói việc chỉnh sửa này xuất phát từ kinh nghiệm của việc thành lập Quỹ vắc xin thời gian qua, thể hiện sự linh hoạt trong huy động kịp thời nguồn lực cho các tình huống đặc biệt cấp bách.

 Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành phương án 2. 

Theo ông, phương án như Chính phủ trình sẽ không phù hợp với Luật ngân sách, bởi hằng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi cho phòng chống thiên tai, dịch bệnh… 

Nhiệm vụ chi của Quỹ phòng thủ dân sự trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. “Hai quỹ không thể trùng một nội dung chi”, ông Tùng nhấn mạnh. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng lập Quỹ phòng thủ dân sự và nguồn vốn căn bản cho quỹ này cần ưu tiên trong 10% ngân sách dự phòng của các địa phương. Nếu được thì nên luật hóa quy định này trong dự thảo. (Tuoitre.vn 14/02, Thành Chung)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Việt Nam thu hẹp khoảng cách năng suất lao động với Nhật Bản, Hàn Quốc

Theo báo cáo mới nhất về năng suất lao động (NSLĐ) tại Việt Nam của Tổng cục Thống kê, NSLĐ năm 2020 của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động, gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động). 

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt trên 6%, trong đó năm 2019 đạt tốc độ tăng cao nhất (6,62%). Năm 2020, tốc độ tăng NSLĐ chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn đạt gần 5%.  

Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. 

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2017), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia (1,3%/năm); Hàn Quốc (1,5%/năm); Singapore (1,7%/năm); Thái Lan (2,2%/năm); Indonesia (2,6%/năm); Philippines (3,5%/năm). 

Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011 NSLĐ của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 12,4 lần; 4,3 lần; 2,1 lần; 1,7 lần và 1,3 lần thì đến năm 2020, khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 8,8 lần; 3 lần; 1,7 lần; 1,3 lần và 1,2 lần. 

Khoảng cách tương đối về NSLĐ của Việt Nam so với Hàn Quốc giảm từ 6,1 lần xuống 4,3 lần; Nhật Bản từ 6,8 lần xuống 4,1 lần. 

Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. 

Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18.400 USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% NSLĐ của Philippines. 

NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần). 

Báo cáo chỉ ra một số điểm mạnh của Việt Nam như tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020 được duy trì và cải thiện, lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động chuyển dịch khá mạnh mẽ, người lao động chịu khó, sáng tạo. 

Tuy nhiên, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp và đang trải qua thách thức vượt qua bẫy trung bình thấp. Nhưng phát triển kinh tế vẫn còn mang tính thuần nông, thị trường chưa phát triển bền vững. 

Số lượng doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng số doanh nghiệp (khoảng 97%). Chất lượng lao động còn thấp, nền sản xuất chưa lớn, khoa học công nghệ áp dụng hạn chế. (Zingnews.vn 14/02) Về đầu trang

Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng kinh doanh cao nhất khu vực ASEAN

60% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này không chỉ cao nhất trong ASEAN mà còn cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực là khoảng 47%. 

Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022, vừa được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố chiều 13/2. 

Lý do mở rộng kinh doanh đối với ngành chế tạo là tăng doanh thu do xuất khẩu tăng. Còn đối với ngành phi chế tạo, tính tăng trưởng của thị trường Việt Nam và tăng doanh thu trong nước là lý do hàng đầu. Triển vọng lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022 cũng cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. 

Ông Nakajma Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hanoi, cho biết: "Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam có lãi là 59,5%, tăng so với năm trước đó. Sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 là lý do hàng đầu. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ là 20,8%, giảm so với năm trước". 

Những lý do chủ yếu dẫn đến kinh doanh thua lỗ là khó khăn trong việc thu mua nguyên vật liệu, chi phí hậu cần, giá nhân công tăng và ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Theo đại diện của JETRO, chi phí sản xuất thấp không còn là lợi thế chính của các nước Đông Nam Á. Bởi vậy, giờ đây tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính như việc cấp phép sẽ là yếu tố quyết định mức độ thu hút dòng vốn ngoại FDI đầu tư tại ASEAN. (VTV.vn 14/02)Về đầu trang

Việt Nam đang có bao nhiêu nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho Samsung?

Năm 2014, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất và phải chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà. 

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó. 

Mới đây, chia sẻ tại Hội nghị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã đạt 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022, tăng gấp 10 lần so với 25 doanh nghiệp vào năm 2014. 

Đây là kết quả từ sự quyết tâm và nỗ lực của Samsung Việt Nam nhằm đưa ra các sáng kiến để tăng khả năng tiếp cận của các công ty Việt Nam với công nghệ mới và nâng cao năng lực quản trị tiên tiến. 

Từ năm 2015, các chuyên gia sản xuất từ Samsung Hàn Quốc đã làm việc với khoảng 400 công ty Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các công ty tham gia chương trình đã chứng kiến năng suất tăng 40%, lỗi sản phẩm giảm 50% chỉ sau khoảng 3 tháng được tư vấn và hỗ trợ. 

Những công ty tham gia cũng được ưu tiên khi họ được tham gia mạng lưới các nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam. Kể từ đó đến nay, đã có 33 doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp của Samsung tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, cùng với sự đồng hành của Tập đoàn Samsung, Samsung Việt Nam đã đào tạo hơn 400 chuyên gia tư vấn kinh doanh địa phương kể từ năm 2018. 

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp có giá trị cao của Việt Nam, Samsung Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ mới với Bộ Công Thương vào năm 2022 để triển khai chương trình nhà máy thông minh (Smart Factory). 

Hiện tại, Samsung đã hoàn thành các dự án nhà máy thông minh với 26 doanh nghiệp địa phương và sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng với các doanh nghiệp khác trong thời gian tới. (Toquoc.vn 14/02)Về đầu trang

Chuyên gia kinh tế: Quỹ bình ổn xăng dầu đang gây… bất ổn?

“Các quốc gia khác không can thiệp vào giá xăng dầu mà dùng quỹ xăng dầu dự trữ mua vào bán ra để ổn định giá. Quỹ Bình ổn xăng dầu của Việt Nam đang gây bất ổn chứ không phải bình ổn giá”,  TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế Quốc dân) - nói tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu ” sáng 14/2. 

Theo ông Phạm Thế Anh, quỹ bình ổn xăng dầu là một “sáng tạo” của Việt Nam. Quỹ này hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Cùng đó, Quỹ bình ổn xăng dầu có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và ngược lại. Ngoài ra, việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng khá phổ biến. Vì vậy, nguyên tắc này không đảm bảo "bình ổn" và Quỹ bình ổn xăng dầu chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá. 

Theo tính toán của ông Phạm Thế Anh, có thời điểm, cơ quan điều hành ngược khi trích lập vào quỹ khi giá xăng dầu thế giới tăng. Tiêu biểu như năm 2022, giá xăng gần 30.000 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng vào quỹ khiến giá xăng tiếp tục tăng. Hiện nay, giá xăng hơn 22.000 đồng/lít nhưng vẫn xả quỹ để bù vào giá xăng dầu. 

TS Phạm Thế Anh cũng chỉ ra một bất cập nữa của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là có tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng. Cụ thể, xăng E5 RON92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập. Các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi. Điều này khiến người sử dụng dầu đang phải “trợ giá’’ cho những người dùng xăng. 

“Việc trích quỹ của dầu ít lần hơn so với xăng nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5 chưa hợp lý. Nếu muốn khuyến khích người dân sử dụng xăng E5, cơ quan chức năng cần hạ thuế, tăng thuế bảo vệ môi trường chứ không phải dùng quỹ để điều tiết giá. Tôi khuyến nghị, nhà nước cần tái cấu trúc lại thị trường”, TS Phạm Thế Anh khuyến nghị. 

Quỹ bình ổn xăng dầu cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng. Quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo quy tắc nào. Quỹ bình ổn chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá, thể hiện qua mức độ biến động (đo bằng độ lệch chuẩn) của giá xăng dầu (từng ngày) sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn trong 3 năm gần đây (2020-2022). 

Ông Thế Anh khuyến nghị, quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn. 

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị bỏ quỹ bình ổn xăng dầu để hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi bỏ quỹ bình ổn xăng dầu, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối. 

Trước đó, tại thảo luận về Luật Giá, Luật Đấu thầu sửa đổi ở Kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2022, nhiều đại biểu lo ngại sự minh bạch của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), không nhất thiết phải tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi quỹ này thu của người tiêu dùng nhưng giao doanh nghiệp quản lý chứ không phải Nhà nước. Thực tế có những thời điểm quỹ không phát huy được, nhiều thời điểm bị âm quỹ. (Tienphong.vn 14/02, Phạm Tuyên - Quỳnh Nga)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bộ Xây dựng chỉ ra loạt nguyên nhân khiến nhiều nhà ở xã hội để không

Tại Báo cáo phục vụ Hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022 nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phần khúc nhà ở trung - cao cấp, nhừ ở xã hội (NƠXH), nhà cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm nhà ở bình dân giảm dần từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5%. 

Lý giải về thực trạng này, Bộ Xây dựng chỉ ra một số nguyên nhân: Chủ đầu tư dự án NƠXH để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài đến1 - 2 năm; 

Các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng NƠXH, dẫn đến, hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án NƠXH độc lập. Việc này còn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị...dẫn đến quỹ đất để phát triển NƠXH thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương; 

Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án NƠXH còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án còn phức tạp, mất nhiều dài thời gian thực hiện thủ tục và làm chậm tiến độ triển khai dự án. 

Đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho công nhân, người lao động, có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương, có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức này được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp; 

Đáng chú ý, việc các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng, trong khi trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí. 

Trong khi đó, các ưu đãi cho chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi... là không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NƠXH. Điều này dẫn đến chưa thu hút, khuyến khích được chủ đầu tư; 

Đối với giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NƠXH, chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp. Việc không quy định thời điểm xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và việc xác định giá phải được UBND cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí... (Tienphong.vn 14/02, Lộc Liên)Về đầu trang

Chuyên gia đề nghị giao dịch nhà đất đều phải lên sàn

Chiều 14-2, tại TP.HCM, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). 

Góp ý dự thảo luật, ông Lê Hồng Nguyên - trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP.HCM - cho rằng trước đây nhiều ý kiến mong muốn bỏ quy định về các giao dịch bất động sản (chuyển nhượng, mua bán, thuê nhà đất…) phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản để tạo thông thoáng cho thị trường. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, do không có quy định này nên không thể kiểm soát được việc mua bán, nhất là giá trị thật của các hợp đồng chuyển nhượng và để lại hệ lụy rất lớn cho thị trường. 

Dù cơ quan thuế đưa ra rất nhiều giải pháp để ngăn chặn việc "khai khống" giá mua bán, chống thất thu thuế từ việc giao dịch bất động sản (mua bán, chuyển nhượng, cho thuê…) nhưng sự minh bạch của thị trường vẫn chưa đảm bảo. 

"Nhiều người dân mua nhà 10 tỉ đồng nhưng chỉ kê khai 1 tỉ đồng dẫn đến bị các cơ quan thuế không cho đăng bộ, không cho nộp thuế. Nghị quyết 18 yêu cầu minh bạch thị trường, cho nên việc quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản là cần thiết", ông Nguyên nhấn mạnh. 

Dù vậy, ông Nguyên đề nghị quy định bắt buộc tất cả giao dịch bất động sản, trừ việc giao dịch giữa những người cùng huyết thống (cha mẹ, con cái, anh em…) phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản để ngăn chặn việc khai khống giá mua bán. 

Theo ông Nguyên, quy định như vậy sẽ ngăn chặn được việc các cá nhân lợi dụng kẽ hở để khai khống giá giao dịch, cũng như tạo tính minh bạch cho thị trường. Đề xuất của ông Nguyên mở rộng đối tượng giao dịch phải thông qua sàn hơn so với dự thảo luật. 

Theo đó, điều 57 của dự thảo luật quy định các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch môi giới bất động sản là chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản. 

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân mua, bán, cho thuê nhà ở, các công trình xây dựng không thuộc quy định tại khoản 1 điều này thực hiện giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản để bảo đảm công khai, minh bạch và quyền lợi của các bên. (Tuoitre.vn 14/02, Tiến Long)Về đầu trang

Kho bạc Nhà nước cấm công chức yêu cầu khách hàng hoàn thiện hồ sơ quá một lần

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước vừa ký ban hành Chỉ thị số 589/CT-KBNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Kho bạc Nhà nước, giám đốc các tỉnh thành phố chỉ đạo công chức thực hiện công tác kiểm soát chi thường xuyên phải theo dõi, cập nhật các chủ trương, chính sách, văn bản, chế độ mới liên quan đến thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 nói chung, các văn bản chính sách liên quan đến công tác kiểm soát chi ngân sách nói riêng để triển khai thực hiện công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước thông suốt, thuận lợi cho khách hàng và đúng quy định pháp luật. 

Cùng đó, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi và quy định về giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước đối với tất cả các nguồn vốn được giao quản lý đảm bảo đúng quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. 

Bên cạnh việc chấp hành đúng quy định về phương thức gửi, thời gian xử lý hồ sơ, Kho bạc Nhà nước yêu cầu: "Các công chức không được yêu cầu khách hàng giao dịch bổ sung, hoàn thiện hồ sơ quá 1 lần và không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại Kho bạc Nhà nước mà không rõ lý do". 

Kho bạc Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất giám sát từ xa việc thực hiện thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi. 

Trước đó, để đôn đốc phân bổ, nhập dự toán trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ Tài chính cũng yêu cầu Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh việc thanh toán theo hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến để chủ động, tiết kiệm thời gian và tài chính. 

Chỉ thị cũng nêu rõ, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Kho bạc Nhà nước, giám đốc các tỉnh thành phố chỉ đạo công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tuyệt đối không gây phiền hà, sách nhiễu cho khách hàng giao dịch khi làm thủ tục thanh toán; tiếp nhận đúng thành phần, số lượng hồ sơ được quy định. 

"Trường hợp phát hiện các cá nhân đơn vị thực hiện không đúng quy định, có thái độ ứng xử không phù hợp và có biểu hiện gây sách nhiễu, phiền hà với khách hàng giao dịch thì xử lý, kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật về cán bộ, công chức", Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước yêu cầu. 

Để tăng tốc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, ngoài nhiệm cụ của các đơn vị thuộc kho bạc, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động đăng ký tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án định kỳ hàng tháng, quý. 

Ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu hoặc có nhu cầu tạm ứng theo tiến độ hợp đồng, khẩn trương hoàn thiện thủ tục để gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát và giải ngân, không để dồn thanh toán vào cuối năm. (Vneconomy.vn 14/02, Trâm Anh)Về đầu trang

Hà Nội: Thông báo đến cơ quan nếu cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngày 13-2 ký ban hành văn bản số 348/UBND-ĐT về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Theo đó, Công an thành phố chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, UBND thành phố về tăng cường xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn". Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.  

Thông báo hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xư lý theo quy định. 

Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị của thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, địa phương mình quản lý tự giác chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông và tuyên truyền, vận động người thân cùng tuân thủ.  

Nghiêm cấm việc can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ. Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm. 

Sở Nội vụ phối hợp với Công an thành phố để tiếp nhận thông tin các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong cơ quan nhà nước; nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung này vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, đồng thời kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ vi phạm và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. (Hanoimoi.com.vn 14/02, Đình Hiệp)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Có tiền thì phải tiêu được!

Phát biểu tại Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đợt 2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, các dự án của chương trình phục hồi kinh tế triển khai rất chậm. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là bởi đề xuất của các bộ, ngành địa phương không sát thực tiễn, lúc đầu đề xuất nhưng sau lại thay đổi, phải làm đi làm lại, trong đó lĩnh vực y tế và giáo dục thay đổi nhiều lần nhất. Có những dự án thuộc lĩnh vực y tế thay đổi gần như toàn bộ hoặc chưa giao, thậm chí không thể giao được. 

Rằng Chính phủ có 17 nghị quyết, công điện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 23 văn bản nhắc nhở các bộ này nhưng vẫn không thể triển khai do có tâm lý e ngại khi thực hiện các dự án và do phải thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết 43 về chọn dự án, trình tự, thủ tục của Luật Đầu tư công... - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.  

Tại Kỳ họp bất thường vào tháng 1.2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng. Theo đó, số dự án thuộc chương trình phục hồi được sử dụng vốn đầu tư phát triển, tăng chi từ nguồn ngân sách tối đa 176.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023. 

Tuy nhiên, theo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, số vốn còn lại của chương trình chưa đủ thủ tục đầu tư là gần 14.152 tỷ đồng. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục theo quy định của Nghị quyết 43, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước ngày 31.3. Sau thời hạn trên, số vốn còn lại của chương trình sẽ không phân bổ tiếp... 

Cần nhắc lại rằng, hồi tháng 10.2022, Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 43/2022. Theo đó, Thủ tướng đã giao 147.138 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của chương trình phục hồi kinh tế cho 94 nhiệm vụ, dự án. Với các dự án còn lại, Thủ tướng giao các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn để báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền xem xét việc giao kế hoạch vốn tiếp theo... Đánh giá chung thì dù các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm nhưng cũng chỉ giải ngân được 61.000 tỷ đồng, tương đương 20,2% tổng nguồn lực - chưa đạt kỳ vọng. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gói phục hồi kinh tế giải ngân chậm, trong đó cốt lõi vẫn là những nguyên nhân chủ quan như đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai còn chậm. Các cấp, các ngành ở một số nơi chưa nhận thức đủ về tầm quan trọng của gói phục hồi nên chưa tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt còn có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện. 

Đến thời điểm này, số vốn cần giải ngân trong năm 2023 là rất lớn. Cho nên, ngoài việc phải thận trọng, kỹ càng, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nỗ lực hơn nữa, tránh tình trạng có tiền nhưng không tiêu được, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách. (Daibieunhandan.vn 14/02)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Vì sao cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị bắt tạm giam?

Ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam đã vi phạm chính sách pháp luật trong chỉ đạo tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới. 

Trả lời báo chí ngày 14/2, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ kết quả thanh kiểm tra, trên cơ sở Kết luận và Quyết định thi hành kỷ luật của Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương, cùng các kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngày 05/7/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Theo Quyết định thi hành kỷ luật, ông Nguyễn Đức Thái đã có những vi phạm như: Có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong Chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước. 

Những sai phạm của Ông Nguyễn Đức Thái diễn ra chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019. Ông Nguyễn Đức Thái đã nghỉ công tác từ tháng 12/2022. 

Trên tinh thần thực hiện kịp thời, nghiêm túc các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Bộ GD&ĐT đã và đang chủ động phối hợp với các đơn vị và Bộ Công an nhằm xử lý nghiêm minh sai phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan theo đúng quy định của pháp luật. 

Trước đó, ngày 13/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo"; khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can gồm:  

Nguyễn Đức Thái (61 tuổi) - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên; Nguyễn Thị Thanh Thủy (56 tuổi) - nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing của Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ";  

Đinh Quốc Khánh (53 tuổi) - nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing của Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam;  

Tô Mỹ Ngọc (43 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng, cùng bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". 

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra hoạt động Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện từ trước đây. 

Bộ GD&ĐT đang và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra một số nội dung khác có liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. 

Trước mắt, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam rà soát, khắc phục các hạn chế, tồn tại, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh giản, quản lý chặt chẽ, đúng luật, đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả. 

Yêu cầu đơn vị này nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức và tâm lý cán bộ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó, ưu tiên đảm bảo các hoạt động biên tập, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng, phục vụ yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. (Dantri.com.vn 14/02, Mỹ Hà)Về đầu trang

Bắt hai phó giám đốc trung tâm đăng kiểm ở Hải Dương

Ngày 14/2, Công an tỉnh Hải Dương thông tin, liên quan vụ án “Đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D, Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa bắt giữ ông Bùi Trọng Quyền Anh và Hà Văn Toàn đều là Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm này. 

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra cũng thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của Phạm Văn Năng (SN 1983, trú TP Hải Dương), Giám đốc Công ty TNHH Thiên An và Nguyễn Văn Phúc (SN 1990, trú tại xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Alpha (địa chỉ ở thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức Hà Nội). 

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hải Dương bước đầu xác định, ông Năng đã thông đồng với lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D (địa chỉ xã Liên hồng, TP Hải Dương) "nhận hối lộ" của các chủ phương tiện đến trung tâm thực hiện việc đăng kiểm. 

Còn Phúc bị bắt do thông đồng với lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nêu trên, lập khống hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cải tạo xe cơ giới. 

Trước đó, ngày 9/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hải Dương đã thực hiện việc khám xét Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D để phục vụ công tác điều tra. 

Công an tỉnh Hải Dương cũng phát thông báo đề nghị các tổ chức, cá nhân đã đăng ký cải tạo xe cơ giới nếu có thông tin liên quan đến hành vi “nhận hối lộ” của cán bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-05D chủ động liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hải Dương để phục vụ công tác điều tra. 

Công an tỉnh Hải Dương đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan vụ án. (Tienphong.vn 14/02, Nguyễn Hoàn)Về đầu trang

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm ở Sơn La

Ngày 13/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra Quyết định khởi tố 3 bị can về hành vi "Nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm 26.01D trên địa bàn tỉnh. 

Các bị can gồm: Trần Tiến Dũng (sinh năm 1967, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Kiểm định phương tiện vận tải Sơn La; Đinh Viết Cương (sinh năm 1984, trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), Trưởng Phòng Hồ sơ, đăng kiểm viên thuộc Công ty cổ phần Kiểm định phương tiện vận tải 26.01D Sơn La; Vi Thị Hằng (sinh năm 1977, trú tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La), cán bộ Phòng Hồ sơ Công ty cổ phần Kiểm định phương tiện vận tải 26.01D Sơn La. 

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã khám xét Trung tâm đăng kiểm 26.01D phục vụ công tác điều tra; phát hiện Trung tâm có nhiều sai phạm trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh. 

Trong thời gian từ năm 2019-2022, Trần Tiến Dũng và Đinh Viết Cương đã thông đồng với một số cán bộ thuộc Công ty cổ phần Kiểm định phương tiện vận tải Sơn La và đăng kiểm viên Phòng Kiểm định xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận tiền của các chủ phương tiện để lập hồ sơ cải tạo xe cơ giới không đúng quy định của pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

Trong khoảng thời gian từ 2021-2022, Vi Thị Hằng đã thông đồng với Trần Tiến Dũng và Đinh Viết Cương mở tài khoản nhận tiền hoán cải, cải tạo xe cơ giới của các chủ phương tiện nhưng không lập phiếu thu, chi, hạch toán trên sổ sách kế toán theo quy định mà sử dụng theo chỉ đạo của Dũng và Cương với số tiền gần 500 triệu đồng gây hậu quả rất nghiêm trọng. (VTV.vn 14/02)Về đầu trang

Khởi tố lãnh đạo và nhân viên Công ty Đăng kiểm Bắc Kạn về hành vi nhận hối lộ

Chiều tối 13/2, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bắc Kạn) tiến hành khám xét và tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 đối tượng của Công ty cổ phần Đăng kiểm Bắc Kạn-9701D về hành vi nhận hối lộ. 

Các đối tượng gồm: Trần Đức Dương, sinh năm 1970, Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm Bắc Kạn-9701D; Hoàng Huy Trường, sinh năm 1986, Phó Giám đốc; Phạm Hồng Chính, sinh năm 1963, đăng kiểm viên; Hoàng Văn Bường, sinh năm 1991, đăng kiểm viên; Hoàng Ngọc Hải, sinh năm 1985, nhân viên. 

Theo kết quả điều tra ban đầu, Trần Đức Dương với vai trò Giám đốc Công ty Cổ phần Đăng kiểm Bắc Kạn - 9701D, trong thời gian từ năm 2020 - 2022 đã chỉ đạo nhân viên Công ty nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi kỹ thuật của phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng khi thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. 

Cơ quan Công an đã bắt tạm giam 4 đối tượng gồm: Trần Đức Dương, Hoàng Huy Trường, Hoàng Văn Bường và Hoàng Ngọc Hải; đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phạm Hồng Chính. (VTV.vn 14/02, Quỳnh Ngân)Về đầu trang

Sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm TT-Huế bị xác định có hệ thống

Đến ngày 14/2, lực lượng chức năng tỉnh TT-Huế bước đầu hoàn thành công tác khám xét tại trụ sở 2 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 75.01S, 75.02S đóng tại đường Điện Biên Phủ (TP Huế) và phường Hương Văn (thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế). 

Được biết, việc khám xét nhằm thu thập hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác điều tra. Đến nay, cơ quan chức năng chưa có biện pháp tố tụng nào đối với vụ việc liên quan Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới TT-Huế.

 Quá trình làm việc, khám xét tại trụ sở các Trung tâm Đăng kiểm TT-Huế, lực lượng công an thu giữ, niêm phong nhiều thùng giấy tờ, tài liệu nghi liên quan đến vụ việc. 

Thời điểm khám xét, cơ quan điều tra đã trực tiếp làm việc, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ có liên quan với ông Đào Văn Long - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 75.01S và 75.02S của tỉnh TT-Huế. 

Theo nguồn tin của PV, trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh TT-Huế phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh phát hiện nhiều phương tiện đăng kiểm không đảm bảo an toàn nhưng vẫn được Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh TT-Huế cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. 

Bên cạnh đó, nhiều phương tiện tham gia giao thông nhưng không đúng các quy định về an toàn giao thông vẫn được 2 trung tâm này cho đăng kiểm. 

Bước đầu điều tra, cơ quan công an phát hiện những dấu hiệu sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh TT-Huế diễn ra có hệ thống, trong thời gian từ năm 2018 đến đầu năm 2023. (Tienphong.vn 14/02, Ngọc Văn)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Luật cấm người nước ngoài mua nhà ở Canada ảnh hưởng tới các giao dịch thương mại

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, luật có hiệu lực tháng 1-2023 cấm người nước ngoài mua bất động sản nhà ở trong 2 năm được đưa ra với mục đích giúp người Canada tăng khả năng mua/thuê nhà ở bằng cách ngăn chặn sự cạnh tranh từ các khách hàng nước ngoài.  

Tuy nhiên, các chuyên gia về bất động sản và pháp lý cho rằng luật này vô tình tác động tiêu cực đến các giao dịch bất động sản thương mại liên quan đến đất đai, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, tòa nhà văn phòng...  

Lý do, định nghĩa của luật về bất động sản nhà ở bao gồm đất được quy hoạch để sử dụng cho mục đích nhà ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp, bao gồm những khu đất thương mại rộng lớn trên khắp đất nước. 

Đồng thời, một thực thể được coi là nước ngoài nếu một người không phải là người Canada sở hữu tối thiểu 3% cổ phần của thực thể đó. 

Kevin Lee, người đứng đầu Hiệp hội Xây dựng nhà ở Canada (CHBA - đại diện cho khoảng 9.000 công ty xây dựng), ước tính hàng trăm giao dịch bất động sản thương mại đã bị hủy bỏ do các quy định của luật này.  

Dorsay Development Corp. - với 25 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chung cư và nhà liền kề ở khu vực Toronto - đã phải tạm dừng một phần hoạt động kinh doanh.  

Giống như các nhà thầu xây dựng khác, Dorsay Development Corp. mua đất để xây dựng các đơn vị nhà ở mới. Tuy nhiên, công ty có trụ sở tại Canada này lại thuộc sở hữu của một nhà đầu tư châu Âu.  

Leona Savoie, phó chủ tịch cấp cao của Dorsay, cho biết bà đã phải chuyển nhượng hàng chục bất động sản tiềm năng khi nhận thấy phần lớn các lô đất bà cân nhắc đầu tư được quy hoạch cho mục đích sử dụng hỗn hợp hoặc khu dân cư.  

Đạo luật cấm người nước ngoài mua bất động sản nhà ở của Canada được công bố trong ngân sách liên bang hồi tháng 4-2022 khi giá nhà tiệm cận mức cao kỷ lục.  

Từ thời điểm đó, Ngân hàng Trung ương Canada liên tục tăng chi phí đi vay. Khối lượng nhà bán ra đã giảm ít nhất 40% và giá nhà trên toàn quốc giảm 19%.  

Các chi tiết của luật trên được công bố vào cuối tháng 12-2022, chỉ vài ngày trước khi được thực thi vào ngày 1-1-2023. Chính phủ liên bang cho biết đang giám sát chặt chẽ việc thực thi và tác động của luật. (TTXVN 14/02)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

 

More

05