Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 22/02/2023

Font size : A- A A+

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

1.        Trong 20 năm, GDP Việt Nam tăng gấp 10 lần, nhảy bao nhiêu bậc trên thế giới?

2.        The Economist: Không quốc gia đơn lẻ nào thay thế được Trung Quốc, nhưng một nhóm nền kinh tế bao gồm Việt Nam có thể

3.        1/4 các công ty châu Âu đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam

4.        Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giữ Quỹ bình ổn xăng dầu

5.        Việt Nam là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư từ Singapore

QUẢN LÝ

6.        Luật Đất đai (sửa đổi): Người dân đặc biệt quan tâm quy định thu hồi đất, bồi thường

7.        Bộ Nội vụ đề xuất 9 nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023

8.        Nhân sự đăng kiểm thiếu hụt, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung

9.        Đường sắt xin kéo dài “tuổi thọ” với đầu máy, toa xe hết niên hạn

10.     Đồng Tháp: Gắn chuyển đổi số với trách nhiệm người đứng đầu

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

11.     Thủ tướng phê bình các bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp

12.     Có tiền không tiêu được, Bộ trưởng Tài chính nói thẳng: “Chúng ta tự đem đá buộc chân mình”

13.     Cần Thơ: Báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công trước 16h30 hằng ngày

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Kỷ luật nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên

15.     Ninh Bình: Bắt giam Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D

THẾ GIỚI

16.     Ấn Độ: "Giờ làm việc của bạn đã hết, vui lòng về nhà!"

17.     Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng giảm tốc độ cho vay trong tháng Hai

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Trong 20 năm, GDP Việt Nam tăng gấp 10 lần, nhảy bao nhiêu bậc trên thế giới?

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 44,56 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khối ASEAN và thứ 60 trên thế giới năm 2002. Đến năm 2021, quy mô GDP của Việt Nam đã tăng lên đạt khoảng 368 tỷ USD, xếp thứ 41 trên thế giới. Như vậy, so với năm 2002, quy mô GDP Việt Nam đã tăng gấp hơn 8 lần, nhảy 19 bậc trên thế giới. 

Theo dự báo mới nhất của IMF, năm 2022, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 413,81 tỷ USD, xếp thứ 37 trên thế giới. Theo đó, quy mô GDP Việt Nam năm 2022 đã tăng gấp hơn 9 lần, nhảy 23 bậc trên thế giới so với năm 2002. 

Năm 2023, quy mô GDP được IMF dự báo đạt khoảng 469,62 tỷ USD, xếp thứ 35 trên thế giới. Với mức dự báo này, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 tăng gấp 10 lần, nhảy 25 bậc trên thế giới so với năm 2002. 

Xét trong toàn bộ các nước thuộc khối ASEAN, quy mô GDP của Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt trong giai đoạn 2002-2023. 

Năm 2002, quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN, cao hơn Myanmar, Brunei, Campuchia và Lào. Trong khi đó, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP cao nhất trong khối ASEAN, đạt khoảng 212,81 tỷ USD. 

Thái Lan xếp thứ 2, đạt khoảng 134,18 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 3 với quy mô GDP đạt khoảng 109,83 tỷ USD. Singapopre và Philippines xếp thứ 4 và thứ 5 với quy mô GDP đạt lần lượt là 92,54 tỷ USD và 84,31 tỷ USD vào năm 2002. 

Từ năm 2002-2021, quy mô GDP Việt Nam vẫn xếp thứ 6/10 trong khối ASEAN. Năm 2021, Indoneisa là quốc gia có quy mô GDP cao nhất trong khối ASEAN, đạt khoảng 1.187 tỷ USD. Thái Lan xếp thứ 2, quy mô GDP đạt khoảng 505,9 tỷ USD vào năm 2021. 

Singapore xếp thứ 3 với quy mô GDP đạt khoảng 370 tỷ USD. Philippines và Malaysia xếp thứ 4 và thứ 5 với quy mô GDP đạt lần lượt là 394,09 tỷ USD và 373,03 tỷ USD vào năm 2021. 

Cùng với đó, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 368 tỷ USD, xếp trên Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei. Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei có quy mô GDP đạt lần lượt là 65,16 tỷ USD; 26,31 tỷ USD; 18,55 tỷ USD và 14,01 tỷ USD vào năm 2021. 

Năm 2022, IMF dự báo GDP Việt Nam xếp thứ 5 trong khối ASEAN. Cụ thể, Indoneisa là quốc gia có quy mô GDP được dự báo cao nhất trong khối ASEAN, đạt khoảng 1.289 tỷ USD. Thái Lan xếp thứ 2, quy mô GDP được dự báo đạt khoảng 534,76 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 3 với quy mô GDP được dự báo đạt khoảng 434,06 tỷ USD. Singapore xếp thứ 4 với quy mô GDP được dự báo đạt 423,63 tỷ USD. 

Việt Nam được dự báo quy mô GDP đạt khoảng 413,81 tỷ USD, xếp thứ 5 và vượt qua Philippines (401,66 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khối ASEAN) vào năm 2022. 

Như vậy, quy mô GDP Việt Nam xếp trên Philippines, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào. Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào có quy mô GDP đạt lần lượt là 59,53 tỷ USD; 28,33 tỷ USD; 18,46 tỷ USD và 16,25 tỷ USD. 

Năm 2023, IMF dự báo GDP Việt Nam xếp thứ 3 trong khối ASEAN. Cụ thể, Indoneisa là quốc gia có quy mô GDP được dự báo cao nhất trong khối ASEAN, đạt khoảng 1.389 tỷ USD. Thái Lan xếp thứ 2, quy mô GDP được dự báo đạt khoảng 580,69 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 3 với quy mô GDP được dự báo đạt khoảng 469,62 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 4 với quy mô GDP được dự báo đạt 467,46 tỷ USD. 

Singapore và Philippines được dự báo xếp thứ 5, 6 trong khối ASEAN với quy mô GDP đạt khoảng 447,16 tỷ USD và 425,66 tỷ USD. 

Như vậy, quy mô GDP Việt Nam xếp trên Singapore, Philippines, Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào. Myanmar, Campuchia, Brunei và Lào có quy mô GDP đạt lần lượt là 63,56 tỷ USD; 30,71 tỷ USD; 17,94 tỷ USD và 15,04 tỷ USD vào năm 2023. 

Trong giai đoạn 2002-2023, Việt Nam là nước có mức tăng GDP nhiều nhất, tăng gấp hơn 10 lần. Các quốc gia còn lại đều có sự cải thiện nhưng chậm hơn: Myanmar tăng hơn 9 lần, Lào tăng hơn 8 lần, Campuchia tăng hơn 7 lần, Indonesia tăng hơn 6 lần, Philippines tăng hơn 5 lần, Singapore tăng gấp 4,83 lần, Thái Lan tăng gấp 4,33 lần, Malaysia tăng gấp 4,25 lần và Brunei tăng gấp 2,77 lần. (Toquoc.vn 21/02, Minh Tiến)Về đầu trang

The Economist: Không quốc gia đơn lẻ nào thay thế được Trung Quốc, nhưng một nhóm nền kinh tế bao gồm Việt Nam có thể

Theo The Economist, nhóm các nền kinh tế Altasia gồm Hokkaido (Nhật Bản), qua Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Bangladesh và Gujarat (Ấn Độ) sẽ trở thành một lựa chọn "đáng gờm" cho các công ty nước ngoài muốn đa dạng hóa sản xuất. 

Vào năm 1987, Công ty sản xuất hàng điện tử hàng đầu Nhật Bản - Panasonic đã mạo hiểm đầu tư vào Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Nhật Bản, là một cường quốc sản xuất toàn cầu trong khi nền kinh tế Trung Quốc không lớn hơn Canada. Vì vậy, khi Panasonic liên doanh với một công ty Trung Quốc để sản xuất ở Bắc Kinh, nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ. 

Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, Trung Quốc giờ được biết đến là trụ cột của ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng trị giá hàng nghìn tỷ USD. Vào năm 2021, xuất khẩu hàng hóa và linh kiện điện tử của quốc gia này lên tới 1 nghìn tỷ USD trên tổng số 3,3 nghìn tỷ USD toàn cầu. 

Tuy nhiên, giữa áp lực thương mại, ngày càng nhiều các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn phải xem xét lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc nếu muốn phát triển. Chi phí cho lao động Trung Quốc không còn rẻ, từ năm 2013 đến năm 2022, tiền lương trong lĩnh vực sản xuất đã tăng gấp đôi, lên mức trung bình 8,27 USD/giờ. 

Theo Teikoku Databank - một công ty nghiên cứu của Nhật Bản, từ năm 2020 đến năm 2022, số lượng công ty Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc đã giảm từ khoảng 13.600 xuống còn 12.700. Vào ngày 29/1, có thông tin cho rằng Sony có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất máy ảnh từ Trung Quốc sang Thái Lan. Tương tự, Samsung đã cắt giảm hơn 2/3 lực lượng lao động Trung Quốc kể từ mức cao nhất vào năm 2013. Bên cạnh đó, nhà sản xuất máy tính của Mỹ - Dell đang đặt mục tiêu ngừng sử dụng chip do Trung Quốc sản xuất vào năm 2024. 

Câu hỏi dành cho Dell, Samsung, Sony là công ty sẽ lựa chọn khu vực sản xuất thay thế ở đâu? Bởi lẽ, không một quốc gia đơn lẻ nào cung cấp cơ sở sản xuất rộng lớn như Trung Quốc. Tuy nhiên, khi một loạt các nền kinh tế trên khắp châu Á kết hợp với nhau thì sẽ trở thành một giải pháp thay thế đáng gờm. Nhóm các nền kinh tế Altasia này trải dài từ Hokkaido (Nhật Bản), qua Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam Campuchia và Bangladesh, đến tận Gujarat (Ấn Độ). Mỗi nền kinh tế sẽ có những thế mạnh khác biệt. Trên lý thuyết, đây là cơ hội cho sự phân công lao động hữu ích, trong đó một số quốc gia sản xuất các bộ phận phức tạp trong khi những quốc gia khác lắp ráp chúng thành các thiết bị hoàn chỉnh. 

The Economist đánh giá, nếu xét theo một số khía cạnh, các nền kinh tế Altasia có vẻ tương đương, thậm chí nhỉnh hơn Trung Quốc. Ví dụ, Altasia là nơi sinh sống của 154 triệu người trong độ tuổi từ 25 đến 54 có trình độ học vấn đại học, trong khi đó con số này ở Trung Quốc là 145 triệu người. 

Bên cạnh đó, tiền lương tại một số nơi ở Altasia thấp hơn đáng kể so với ở Trung Quốc. Cụ thể, tiền công sản xuất theo giờ ở Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dưới 3 USD, bằng khoảng 1/3 mức lương mà công nhân Trung Quốc hiện nay, và khu vực này đã trở thành cường quốc xuất khẩu. Theo đó, tính đến tháng 9/2022 , giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của nhóm các quốc gia này đạt 634 tỷ USD, vượt xa con số 614 tỷ USD của Trung Quốc. 

Không chỉ vậy, Altasia ngày càng trở nên hội nhập kinh tế hơn. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP, bao gồm cả Trung Quốc) đã nới lỏng các rào cản pháp lý đối với chuỗi cung ứng phức tạp chạy qua nhiều quốc gia, tạo ra một thị trường cho các sản phẩm trung gian. Hầu hết các nước Altasian đều là thành viên của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Việt Nam còn là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ), bao gồm cả Canada, Mexico và một số quốc gia Nam Mỹ. 

Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc nhóm Altasia, Nhật Bản được xem là một mô hình phát triển cho các nền kinh tế còn lại. Gần đây, Hàn Quốc cũng đang dần trở thành một hình mẫu phát triển khác bên cạnh Nhật Bản. Vào năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp của các công ty Hàn Quốc vào Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Bangladesh đạt 96 tỷ USD. Trong đó, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm ngoái, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc - Hyundai đã mở nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên tại Indonesia 

Không chỉ Hàn Quốc và Nhật Bản, giờ đây, nhiều công ty khác cũng đang để mắt đến khu vực này. Ví dụ, những công ty lắp ráp thiết bị cho Apple như Foxconn, Pegatron và Wistron của Đài Loan (Trung Quốc) cùng những công ty khác đang đầu tư mạnh vào các nhà máy ở Ấn Độ. Dự kiến, tỷ lệ iPhone sản xuất tại Ấn Độ ​​sẽ tăng từ khoảng 1/20 vào năm 2022 lên 1/4 vào năm 2025. Ngoài ra, Google đang chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh Pixel mới nhất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam. 

Không chỉ vậy, Qualcomm, nhà sản xuất chip đến từ Mỹ đã mở trung tâm nghiên cứu và phát triển đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2020. Doanh thu của Qualcomm từ các nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2020 - 2022. 

Theo The Economist, Trung Quốc có lợi thế là một thị trường chung rộng lớn, với cơ sở hạ tầng tốt, lượng công nhân và vốn lớn. Do đó, để Altasia thực sự có thể cạnh tranh với Trung Quốc, chuỗi cung ứng của Altasia sẽ cần phải trở nên tích hợp và hiệu quả hơn rất nhiều. 

"Altasia chắc chắn sẽ không thay thế Trung Quốc trong một sớm một chiều. Nhưng theo thời gian, Trung Quốc có thể sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất nước ngoài và với tư cách là một giải pháp thay thế cho Trung Quốc, Altasia 'không có đối thủ ngang bằng'", The Economist cho hay. (Toquoc.vn 21/02)Về đầu trang

1/4 các công ty châu Âu đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam

Đây là nội dung vừa được công bố mới đây trong Sách trắng 2022 các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị 2023 của Phòng Thương mại và Công Nghiệp châu Âu (EuroCham) Việt Nam. 

Cụ thể, nội dung Sách Trắng EuroCham 2022-2023 trích dẫn kết quả của khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI): 1/4 các công ty nước ngoài (châu Âu) đã chuyển hoạt động của doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó có 2% đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của họ vào trong nước. Hơn nữa, 42% công ty nước ngoài sẵn sàng chuyển ít nhất một lượng vốn FDI nhỏ vào Việt Nam vào cuối năm 2022. 

"Các công ty nước ngoài xác định việc cắt giảm bộ máy hành chính và phát triển cơ sở hạ tầng nhiều hơn là đòn bẩy chính để Việt Nam thu hút thêm vốn FDI", EuroCham nhận định. 

Theo EuroCham, m ôi trường kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam, cùng với lạm phát vẫn ở mức một con số, đã tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường thương mại và đầu tư của đất nước. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã liên tục cải cách quy định pháp luật trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt doanh nghiệp nước ngoài và các nhà đầu tư quốc tế. 

Báo cáo cho hay, chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường thuận lợi cho kinh doanh đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Không chỉ vậy, Việt Nam có một số lợi thế bao gồm chi phí sản xuất cạnh tranh, vị trí tốt ở Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ và tiêu thụ nội địa tăng nhanh. Kết quả, Việt Nam đứng thứ 70 trong số 190 quốc gia trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Mức độ Dễ dàng Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2020, giảm một bậc so với năm 2019 nhưng vẫn là một sự cải thiện đáng kể so với vị trí 82 vào năm 2016.

Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng FDI đáng kể từ khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa thông qua Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), chỉ trong hơn ba thập kỷ, FDI đã đạt mức 31,15 tỷ USD vào năm 2021, tăng 9,2% so với mức cao kỷ lục của năm 2020. Vốn giải ngân cũng đạt 19,74 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 10 tháng đầu năm 2022, con số đó là 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Hơn 1,570 dự án đã được chấp thuận vào năm 2022, với gần một nửa số vốn FDI chảy vào lĩnh vực chế biến. Giữ vị trí thứ hai là bất động sản, tiếp đến sản xuất và phân phối điện. 

Như đã đề cập trong Sách Trắng EuroCham 2021, để thu hút thêm FDI của EU vào Việt Nam, cứ ba lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu thì có hai người cho rằng điều quan trọng là phải lồng ghép trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào các hoạt động kinh doanh của họ như được nêu chi tiết trong Chương 13 của EVFTA. Hiệp định Thương mại Tự do này quy định Việt Nam cần nỗ lực khuyến khích và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực môi trường, lao động và đưa các tiêu chuẩn tối thiểu về thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào pháp luật trong nước cũng như thực thi hiệu quả các yêu cầu này. 

Vì vậy, EuroCham rất hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025,  trong đó giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án ban hành" Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023. 

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cho biết, họ cũng sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành nghề, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và để cải thiện năng suất lao động. 

"Chúng tôi mong muốn được kết nối doanh nghiệp châu Âu với doanh nghiệp Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; cũng như để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, pháp lý và bảo hiểm", Eurocham cho biết. (Toquoc.vn 21/02)Về đầu trang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giữ Quỹ bình ổn xăng dầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, sửa đổi công thức giá cơ sở xăng dầu, tính đúng, đủ chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp, không nên có mức chiết khấu xăng dầu tối thiểu. Nhà nước chỉ can thiệp điều hành giá khi giá xăng dầu có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. 

Đây là một trong những nội dung góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới Bộ Công Thương về dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Nhiều ý kiến của cơ quan này ủng hộ cho phương án 1 trong dự thảo tờ trình của Bộ Công Thương. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, vừa qua, những biến động trên thị trường xăng dầu do nguồn cung có bất ổn cục bộ. Một trong những nguyên nhân là chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, đủ trong cơ cấu giá cơ sở, dẫn tới doanh nghiệp thua lỗ, không có động lực duy trì kinh doanh. Việc điều hành giá xăng dầu cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo động lực, điều kiện để phát triển kinh tế. 

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong quá trình kinh doanh; rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định các chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất không quy định mức chiết khấu tối thiểu để đảm bảo quyền tự quyết, điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Về việc cho phép đại lý bán lẻ lấy từ nhiều nguồn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn, đựng chung trong cùng một bồn, bể chứa sẽ dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, giá bán xăng dầu. Đặc biệt là việc xác định trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố cháy nổ, gian lận thương mại... 

Việc quy định đại lý xăng dầu chỉ lấy hàng từ một nguồn cũng có thể dẫn đến những khó khăn cho đại lý trong việc đảm bảo có đủ hàng để bán ra thị trường trong trường hợp nguồn cung xăng dầu khan hiếm như thời gian vừa qua. 

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép/không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc… của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt. 

Về quy định thương nhân phân phối chỉ được lấy tối đa từ 3 thương nhân đầu mối, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng điều này chưa phù hợp với các quy định tại Luật Doanh nghiệp và đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thương nhân phân phối . 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành với doanh nghiệp đầu mối, nhưng cần bổ sung cơ chế sử dụng xăng dầu dự trữ lưu thông bắt buộc của doanh nghiệp. 

Với việc vận hành sử dụng quỹ bình ổn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý với phương án tiếp tục giữ nguyên công cụ này, nhưng sẽ sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng trên cơ sở đánh giá và làm rõ căn cứ đề xuất. Cụ thể, cơ quan nhà nước chỉ can thiệp điều hành giá khi giá xăng dầu có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. (Tienphong.vn 21/02, Việt Linh)Về đầu trang

Việt Nam là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư từ Singapore

Singapore - một quốc gia chỉ có 6 triệu dân nhưng đã 3 năm liên tiếp trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. 

Một tín hiệu khả quan là các nhà đầu tư vừa và nhỏ Singapore cũng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, không chỉ các "ông lớn" trong các ngành bất động sản, tài chính hay năng lượng. 

Theo báo chí quốc tế, Việt Nam vẫn là "thỏi nam châm" thu hút đầu tư từ Singapore do tương đồng về độ mở thị trường, cùng chí hướng phát triển bền vững. 

Reuters cũng cập nhật thoả thuận mới nhất phát triển chung về hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam giữa Tập đoàn Sembcorp và Petro Việt Nam. Đáng lưu ý, trong tháng đầu năm 2023, trong khi vốn FDI vào Việt Nam giảm gần 20%, các nhà đầu tư Singapore cũng kịp đổ vào Việt Nam 767,6 triệu USD, chiếm gần 64% tổng vốn đăng ký cấp mới. 

Ông Leif Schneider - Phó Chủ tịch Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết: "Singapore có vị trí địa lý rất gần Việt Nam, hai nước là đối tác có cùng chí hướng trong các hiệp định thương mại tự do như RCEP, CPTPP, cùng có hiệp định thương mại tự do với EU". 

Vậy điều gì ở thị trường Việt Nam hấp dẫn các đầu tư quốc tế thông qua Singapore như vậy?  

"Nét tương đồng trong hội nhập giúp hai nước tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chính sách thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh song phương có hiệu quả.  Người Việt có tinh thần khởi nghiệp rất cao, khi các nhà đầu tư vừa và nhỏ Singapore vào Việt Nam, họ chính là những hòn đá nhỏ, lấp đầy những khoảng trống mà các hòn đá to là những công ty lớn, đa quốc gia đã vào Việt Nam. Từ đó làm tiền đề để Việt Nam có những doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh và trở thành những tập đoàn đa quốc gia tương lai", anh Joe Tan - Phó Chủ tịch điều hành, Sing-Viet Impact Ventures đánh giá. 

Dù đầu tư từ chính doanh nghiệp Singapore, hay là công ty đa quốc gia thông qua Singapore để vào Việt Nam thì Việt Nam chắc chắn sẽ có cơ hội nâng cao trình độ đội ngũ lao động. (VTV.vn 21/02)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Luật Đất đai (sửa đổi): Người dân đặc biệt quan tâm quy định thu hồi đất, bồi thường

Nhiều ý kiến đồng thuận với nguyên tắc bồi thường bảo đảm "người có đất bị thu hồi có chỗ ở, và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" tại Điều 90 của dự thảo luật. 

Chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ hết thời hạn lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Hiện đang là giai đoạn cao điểm triển khai chủ trương này. 

Ghi nhận tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương cho thấy đóng góp cho 9 nhóm nội dung trọng tâm, nhân dân nhiều nơi đặc biệt quan tâm tới các qui định về thu hồi đất, và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư,... cũng như phương pháp định giá đất, bảng giá đất được qui định trong dự thảo luật. 

Các ý kiến tâm huyết đang được tiếp thu và sẽ được tổng hợp để cơ quan soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý tốt nhất dự án Luật đất đai sửa đổi, đảm bảo hài hòa các lợi ích của các chủ thể liên quan, phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. 

Tại Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức, các quy định đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước với quyền lợi của người dân là vấn đề giành được sự quan tâm của nhiều đại biểu. 

Nhiều ý kiến cho rằng từ thực tiễn 10 năm thực thi Luật Đất đai 2013 cho thấy, đã có những bất cập, không những làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, mà còn làm lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai, cản trở sự phát triển của đất nước. 

Minh định trong các khái niệm, lượng hóa thay vì định tính trong các quy định cũng là vấn đề nhận được nhiều đề xuất khi đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Còn tại các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Luật đất đai (sửa đổi) diễn ra ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng tiếp tục đóng góp ý kiến cho các qui định về thu hồi đất. Nhiều ý kiến cho rằng nhà nước sẽ chỉ chịu trách nhiệm thu hồi đất và bồi thường đối với số lượng hạn chế các dự án thực sự quan trọng và vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng thuận với nguyên tắc "bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" được đề cập tại Điều 90 của dự thảo luật. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị nguyên tắc này cần được qui định cụ thể và đo lường được. 

Các chuyên gia và đại biểu Quốc hội cũng đều đánh giá việc soạn thảo theo tinh thần nếu bố trí tái định cư thì nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, cần phải quy định chi tiết nội dung này hơn. 

Khi nhà nước thu hồi đất thì mức giá đền bù sẽ như thế nào? Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường. Nhiều ý kiến đánh giá cao chủ trương này và cho rằng tinh thần đổi mới công tác quản lý chính sách đất đai của Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo cần có qui định cụ thể hơn về cách thức xác định giá để đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan. 

Với việc bổ sung 153 điều, bổ sung mới 36 điều, bãi bỏ 8 điều, giữ nguyên 48 điều, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến góp ý của nhân dân, được đánh giá là đã cập nhật khá sát với thực tiễn. Tuy nhiên, cũng còn 1 số vấn đề nhận được những ý kiến trái chiều. Ví dụ như qui định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp có liên quan đến đất đai, Dự thảo lần này giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho tòa án bất luận có hay không có giấy tờ. 

Bên cạnh các hội nghị trực tiếp, việc tiếp nhận trực tuyến ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua nền tảng công nghệ cũng đang được phát huy. Ở Thành phố Hồ Chí Minh sau gần 2 tuần tổ chức, đã có hơn 600 ý kiến được tiếp nhận qua kênh này. Điều này cho thấy, sự quan tâm và chung tay của nhân dân với một vấn đề lớn của đất nước. 

Công tác tổ chức triển khai lấy ý kiến nhân dân sẽ kết thúc vào ngày 15/3 tới đây. Không còn nhiều thời gian, nhưng nếu biết kết hợp nhiều cách thức thì công tác lấy ý kiến cho một dự án luật quan trọng này sẽ còn phát huy hiệu quả hơn. (VTV.vn 21/02)Về đầu trang

Bộ Nội vụ đề xuất 9 nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023

Chiều 20/2, Bộ Nội vụ cho biết, đang lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng. 

Cụ thể, mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng được giữ nguyên từ ngày 1/7/2019 đến nay; nếu so với mức lương vùng của người lao động khu vực doanh nghiệp thì mức lương 1.490.000 đồng/tháng (áp dụng đối với đối tượng hưởng lương ngân sách) mới đạt 37,89% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2022 (3.932.500 đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn. 

Từ những căn cứ nêu trên, việc xây dựng nghị định của Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%, thực hiện từ ngày 1/7/2023) là cần thiết nhằm góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Theo Dự thảo Nghị định, 9 nhóm đối tượng áp dụng gồm: 

Thứ nhất, cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019). 

Thứ hai, cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019). 

Thứ ba, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019). 

Thứ tư, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu) theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập đang được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Thứ năm, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. 

Thứ sáu, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Thứ bảy, sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an thuộc Công an nhân dân. 

Thứ tám, người làm việc trong tổ chức cơ yếu. 

Thứ chín, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố. 

Dự thảo Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023 và thay thế Nghị định số 38/2019/NĐ-CP. (Thanhtra.com.vn 20/02, Phương Anh)Về đầu trang

Nhân sự đăng kiểm thiếu hụt, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung

Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được tuyển đủ nhân sự, viên chức theo quy định. 

Việc bổ sung nhanh chóng đội ngũ đăng kiểm viên "nhằm đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện, giải quyết tình trạng ùn tắc, quá tải, giải tỏa sự bức xúc của người dân và doanh nghiệp vì không được kiểm định đúng hạn". 

Theo quy định, việc tuyển dụng viên chức, làm việc tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm phải qua 2 vòng thi, tính cả thời gian chấm bài mất khoảng 60 ngày. Trong khi đó, nhu cầu bổ sung nhân sự đăng kiểm hiện nay đang cấp bách. 

Vì thế, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động, cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định. Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên tại 7 trung tâm và 2 chi cục đăng kiểm trực thuộc bị khởi tố, bắt tạm giam, khiến nhân sự chuyên môn tại Cục Đăng kiểm Việt Nam bị thiếu hụt. Một số đơn vị đã phải dừng toàn bộ dây chuyền đăng kiểm, ảnh hưởng đến việc kiểm định phương tiện trên nhiều địa bàn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. (VTV.vn 21/02)Về đầu trang

Đường sắt xin kéo dài “tuổi thọ” với đầu máy, toa xe hết niên hạn

Ngành đường sắt vẫn đang “đau đầu” với bài toán lấy đâu dòng tiền khổng lồ để thay thế các đầu máy, toa xe hết niên hạn nếu chiểu theo quy định. 

Thực hiện quy định về niên hạn đầu máy, toa xe theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP cho phép kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe) đến năm 2025, theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tính đến đầu năm 2022, toàn ngành đường sắt đang khai thác tổng cộng 258 đầu máy, 980 toa xe khách và 4.318 toa xe hàng. Đến 1/1/2024, ngành đường sắt còn lại 202 đầu máy, 856 toa xe khách và 3.927 toa xe hàng hoạt động. Đến 1/1/2025 có 18 đầu máy, 50 toa xe khách; đến 1/1/2026 có 58 đầu máy, 44 toa xe khách và 1.081 toa xe hàng hết niên hạn. 

Nếu tính đến 1/1/2025, số lượng đầu máy còn niên hạn là 202 chiếc thì ngay trong đầu năm 2025 toàn ngành đường sắt thiếu 38 đầu máy, các năm tiếp theo sẽ thiếu nhiều hơn. Từ năm 2024, ngành đường sắt bắt đầu thiếu toa xe phục vụ vận tải và sẽ thiếu trầm trọng trong các năm tiếp theo. 

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho biết thực hiện các quy định này, đến năm 2025 đường sắt sẽ thiếu khoảng 60 đầu máy, hơn 500 toa xe. Để đầu tư thay thế, Tổng công ty tính toán sơ bộ cần khoảng 8.000 tỷ đồng và đó mới chỉ là thay thế đầu máy, toa xe sử dụng dầu diesel. 

Khẳng định việc huy động số vốn rất lớn để đầu tư đóng mới thay thế số phương tiện hết niên hạn là không khả thi trong tình hình sản xuất kinh doanh nhiều khó khăn hiện nay, ông Mạnh thừa nhận việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi cho các dự án đóng mới phương tiện vận tải cũng chưa thực hiện. 

Theo vị Tổng giám đốc VNR, hiện không có căn cứ khoa học nào khẳng định đầu máy, toa xe sử dụng 40-45 năm là mất an toàn bởi hầu hết các nước cũng không có quy định về niên hạn đầu máy, toa xe. 

Ông Mạnh cũng cho biết quy trình sửa chữa phương tiện đường sắt được quy định chặt chẽ và theo cấp sửa chữa. Cụ thể, đầu máy, toa xe đang chạy tốt nhưng đến thời gian vào cấp sửa chữa, buộc phải vào xưởng theo đúng quy trình, tháo từng bộ phận, tiến hành đo kiểm để xác định trạng thái, chất lượng của các thiết bị. Bộ phận, thiết bị nào còn hạn độ thì tiếp tục sử dụng, nếu không sẽ phải sửa chữa, thay mới. Đặc biệt, quy trình thực hiện này được cơ quan đăng kiểm giám sát. 

“Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và cam kết đến năm 2050 chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe phát điện đường sắt sang loại sử dụng nhiên liệu sạch (không phát thải khí nhà kính). Theo quy định về chuyển đổi phương tiện xanh, nếu ngành đường sắt đầu tư ngay các đầu máy diesel, toa xe mới thay thế các đầu máy toa xe hết niên hạn từ năm 2022 để sử dụng đến năm 2050 thì chỉ sử dụng được 28 năm rồi bỏ, sẽ rất lãng phí,” ông Mạnh phân tích. 

Mặc khác, trong trường hợp chuyển đổi đầu máy diesel hiện nay sang loại đầu máy chạy điện để không phát thải carbon từ bây giờ cũng không khả thi vì công nghệ đường sắt tại Việt Nam hiện là công nghệ chạy tàu diesel, khổ đường đơn 1.000mm, chưa được điện khí hóa. Còn với đầu máy sử dụng nhiên liệu xanh khác, Việt Nam lại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định bảo dưỡng, bảo trì... để vận dụng, khai thác. 

Trên cơ sở này, VNR kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa Luật Đường sắt 2017 theo hướng bỏ quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt. Trong thời chờ sửa luật, đề nghị Chính phủ cho phép tạm dừng việc thực hiện niên hạn đối với phương tiện giao thông đường sắt do chưa thể đầu tư đầu máy, toa xe mới thay thế đầu máy diesel. 

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, theo ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, nếu cho phép kéo dài thời gian thực hiện niên hạn thì phải có giải pháp về an toàn, như rút ngắn kỳ hạn đăng kiểm, đảm bảo kỹ thuật. 

“Dự kiến sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định niên hạn trong Nghị định 65, còn cụ thể sửa đổi thế nào đang trong quá trình lấy ý kiến. Trong khi chờ sửa Luật Đường sắt 2017, sẽ đề xuất hướng giải quyết trước mắt là tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện niên hạn,” ông Hồng Anh cho biết. (TTXVN/VietnamPlus.vn 21/02, Việt Hùng)Về đầu trang

Đồng Tháp: Gắn chuyển đổi số với trách nhiệm người đứng đầu

Người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành chuyển đổi số tại đơn vị theo cam kết. Đây là yêu cầu của tỉnh Đồng Tháp đối với các sở, ngành và địa phương. 

Chỉ cần truy cập vào trang thông tin của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, gần như tất cả thông tin từ khu văn hóa, di tích, điểm du lịch, dịch vụ du lịch đều được hiển thị. Liên kết giữa du khách và các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã được hình thành. 

Tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và triển khai chuyển đổi số cấp tỉnh đến năm 2025, theo đó sẽ tập trung vào 24 chỉ tiêu xây dựng chính quyền số, 14 chỉ tiêu kinh tế số và 10 chỉ tiêu xã hội số với tổng kinh phí hơn 3.081 tỷ đồng.

 Ngoài ra, hàng năm, tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị phải đăng ký ít nhất 2 mô hình chuyển đổi số. Đến năm 2030 sẽ nằm trong nhóm 20 địa phương có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất cả nước

Chuyển đổi số đã và đang giúp người dân, doanh nghiệp và chính quyền gần nhau hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, với đà tăng trưởng 2 con số như hiện nay, đến năm 2025, quy mô thị trường công nghệ số được dự báo lên tới 49 tỷ USD. 

Đặc biệt, trong năm 2023 Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Và khi, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ sẽ là cơ sở cho tăng trưởng kinh tế số. (VTV.vn 21/02)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

Thủ tướng phê bình các bộ, địa phương có tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp

Ngày 21.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. 

Lưu ý một số tồn tại, hạn chế cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2022 đạt 93,42% kế hoạch, cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11% kế hoạch). Trong đó, 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch. Còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số tiền trên 28,6 nghìn tỉ đồng. 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng phê bình các bộ, cơ quan, địa phương này, yêu cầu nghiêm túc phân tích nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công. 

Cùng với đó, một số vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn; chuyển đổi số trong đầu tư công còn hạn chế. Một số dự án có giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh và nhiều nơi còn thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu; tăng chi phí doanh nghiệp; chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. 

Công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải. "Một số vùng sâu, vùng xa thiếu nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất là thiếu điện và sóng viễn thông, thì nên tập trung cho lĩnh vực này", Thủ tướng lấy ví dụ. 

Theo Thủ tướng, tại một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, cụ thể, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án; năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao. 

Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả… Một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt với công việc, thậm chí sợ trách nhiệm. 

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: "Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý". 

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp. Trong đó, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động lớn. (Laodong.vn 21/02, Phạm Đông)Về đầu trang

Có tiền không tiêu được, Bộ trưởng Tài chính nói thẳng: “Chúng ta tự đem đá buộc chân mình”

Trước thực trạng "có tiền mà mà không tiêu được" trong giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói thẳng “do chúng ta tự gây ra, tự đem đá buộc chân mình”. 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sáng 21/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, cuộc họp nhằm giải quyết vấn đề khó khăn nhưng thực ra đang giải quyết "vấn đề thuận lợi". Bởi vấn đề khó khăn nhất là "đầu tiên là tiền đâu", mà bây giờ có tiền rồi nhưng không làm được (!?) 

Nói thẳng những vướng mắc hiện tại là "do chúng ta là tự mình gây ra, tự mình đem đá buộc chân mình", ông Phước cho biết, có hai vướng mắc lớn là trong công tác chuẩn bị đầu tư và vấn đề thứ hai là trong việc thực hiện đầu tư. 

Ông lấy ví dụ, trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là: Khi có tiền thì mới được lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, nếu bố trí được tiền rồi mới lập dự án thì "2 năm sau mới giải ngân được". Để gỡ nút thắt này, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án. Khi được bố trí vốn thì lúc đó sẽ triển khai công tác thực hiện đầu tư. “Chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết”, ông Phớc nói. 

Do vậy, Bộ trưởng Tài chính cho rằng các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững. 

Về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, cấp tỉnh phê duyệt đơn giá. Tỉnh phải phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các Hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. “Việc này tôi thấy không có vấn đề gì khó khăn hết”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

 Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng khẳng định, công tác kế hoạch đầu tư đã được đổi mới, cải tiến nhiều. Nếu như giai đoạn 2016-2020 và trước nữa, quy trình kế hoạch là “2 lên 3 xuống, 5 quy trình” đến nay rút gọn chỉ còn “1 lên 2 xuống”, rút đi rất nhiều nên “không thể nói quy trình kế hoạch vất vả nữa”. (Tienphong.vn 21/02, Văn Kiên)Về đầu trang

Cần Thơ: Báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công trước 16h30 hằng ngày

Ngày 20/2, Văn phòng UBND TP Cần Thơ có công văn gửi Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP về việc theo dõi, báo cáo kết quả giải ngân hằng ngày. 

Theo đó, để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn TP Cần Thơ, Chủ tịch UBND thành phố giao Kho bạc Nhà nước Cần Thơ chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, quận/huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ số liệu giải ngân, báo cáo trực tiếp lãnh đạo và các chủ đầu tư (qua nhóm Zalo “ĐẦU TƯ CÔNG TPCT”) trước 16 giờ 30 hằng ngày. 

Nội dung báo cáo gồm: Tình hình thanh toán/giải ngân theo chủ đầu tư (thành phố và quận/huyện); tình hình giải ngân theo từng dự án (thành phố và quận/huyện); tình hình giải ngân phân chia theo từng nguồn vốn (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA…). Việc báo cáo nhằm để xem xét, chỉ đạo kịp thời (nếu có) và thông tin trên cổng Trung tâm điều hành thông minh TP Cần Thơ. 

Theo UBND TP Cần Thơ, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố được giao hơn 8.335 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến ngày 31/1/2023 đạt hơn 6.255 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó ngân sách trung ương giải ngân 1.939/3.023 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 64%. (Tienphong.vn 21/02, Cảnh Kỳ)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Kỷ luật nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Khắc Lâm - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thái Nguyên. 

Theo đó, trong thời gian giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Nguyễn Khắc Lâm đã ký ban hành các văn bản của Thường trực HĐND tỉnh vi phạm quy định pháp luật về đất đai và ngân sách Nhà nước; ký văn bản cho chủ trương quy hoạch dự án đầu tư trái thẩm quyền vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Ông Lâm đã bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật về Đảng. 

Trước đó, tại kỳ họp thứ 24 (12.2022), Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016 - 2021. 

Nội dung kết luận cho thấy Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Thái Nguyên đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh, một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã, Ban Quản lý các khu công nghiệp và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý... 

Những vi phạm trên gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, một số nội dung khó khắc phục; gây bức xúc trong dư luận; làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương. 

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Thái Nguyên, các nhiệm kỳ 2011 - 2016; 2016 - 2021. Ông Nguyễn Khắc Lâm - nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. 

Trước đó, báo chí đã thông tin về việc nhiều cán bộ của UBND tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo các địa phương, sở, ngành bị kỷ luật. Trong đó có 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên là ông Dương Ngọc Long và ông Vũ Hồng Bắc bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. (Laodong.vn 21/02, Nguyễn Hoàn)Về đầu trang

Ninh Bình: Bắt giam Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D

Ngày 20.2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra đối với ông Nguyễn Sinh Phú (sinh năm 1986, trú tại phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình) về tội “Nhận hối lộ”. 

Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã xác định: Từ năm 2021 đến nay, lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Đăng kiểm viên, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 3502D - Ninh Bình (địa chỉ ở phố Bắc Sơn, phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình), Nguyễn Sinh Phú đã nhận tiền của nhiều chủ xe ôtô để cung cấp hồ sơ cải tạo xe cơ giới giả và Giấy chứng nhận kiểm định trái quy định để thu lợi bất chính số tiền gần 400 triệu đồng. 

Hành vi của Nguyễn Sinh Phú có dấu hiệu “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”… Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ án theo quy định của pháp luật. (Laodong.vn 21/02, Diệu Anh)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ấn Độ: "Giờ làm việc của bạn đã hết, vui lòng về nhà!"

Đó là lời kêu gọi của một công ty công nghệ thông tin Ấn Độ với các nhân viên của mình để họ có tinh thần làm việc tốt hơn cho ngày hôm sau. 

Mỗi ngày khi hết giờ làm, màn hình máy tính sẽ hiện cảnh báo "Giờ làm việc của bạn đã hết. Hệ thống văn phòng sẽ ngừng hoạt động sau 10 phút nữa. Vui lòng về nhà!". 

Đây cũng là chính sách của công ty để nhân viên có được sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống, tạo điều kiện cho nhân viên có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và từ đó có động lực làm việc hơn vào ngày hôm sau. 

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, làm việc quá nhiều giờ là nguyên nhân gây đột quỵ và các bệnh liên quan đến tim của hàng trăm nghìn người mỗi năm. (VTV.vn 21/02)Về đầu trang

Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng giảm tốc độ cho vay trong tháng Hai

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã yêu cầu một số ngân hàng giảm tốc độ cho vay để hạn chế rủi ro sau khi các khoản cho vay mới tăng vọt lên mức kỷ lục trong tháng Một. 

Các chủ ngân hàng cho biết PBoC đã gửi hướng dẫn không chính thức vào đầu tháng này tới một số tổ chức cho vay và yêu cầu họ cấp các khoản vay “với tốc độ tăng trưởng phù hợp.” 

Theo nguồn tin trên, các ngân hàng còn được yêu cầu kiểm soát quy mô các khoản vay mới trong tháng Hai để tránh cấp khoản vay mới với tốc độ quá nhanh. 

Các ngân hàng Trung Quốc đang chịu sức ép phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc, sau khi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản khiến tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 của Trung Quốc xuống mức tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ. 

Thống kê cho thấy, giá trị khoản vay mới tại các ngân hàng Trung Quốc đã tăng mạnh hơn dự kiến lên mức kỷ lục 4.900 tỷ NDT (713,51 tỷ USD) trong tháng Một. Tuy nhiên, tăng trưởng cho vay chủ yếu đến từ các dự án cơ sở hạ tầng do nhà nước hỗ trợ, trong khi nhu cầu kinh doanh thực tế vẫn yếu. 

Một trong những chủ ngân hàng cho biết nếu các ngân hàng “mù quáng” theo đuổi việc tăng quy mô cho vay, điều này có thể không bền vững. Ngoài ra, sức ép đối với các ngân hàng trong việc gia hạn thêm các khoản vay để thúc đẩy tiêu dùng đã dẫn đến việc sử dụng sai mục đích các khoản tiền này. Ví dụ, một số người mua nhà đã vay các khoản vay tiêu dùng rẻ hơn để trả các khoản thế chấp của họ. Đây hành vi các cơ quan quản lý nghiêm cấm. 

Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc cuối tuần trước đã áp phạt đối với năm tổ chức tài chính vì những sai phạm, bao gồm cho vay bất động sản bất hợp pháp và lạm dụng các khoản vay tiêu dùng. Hiện PBoC vẫn chưa đưa ra bình luận về những thông tin trên. (TTXVN 21/02, Trà My)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05