Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 23/4/2024

10:38, Thứ Ba, 23-4-2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

TIN QUỐC HỘI

1.        Kỳ họp Quốc hội thứ 7 sẽ khai mạc ngày 20/5, họp 2 đợt

2.        Tổng thư ký Quốc hội: Có văn bản ban hành chậm hơn 35 tháng

3.        Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không nên quy định cứng nhắc về chiều cao công trình

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

4.        Bắc Giang: Thu hút 3 "đại bàng" bán dẫn doanh thu 18.000 tỷ đồng, sử dụng hơn 8.000 lao động

5.        Vĩnh Phúc: Tỉnh duy nhất có 2 hãng xe ngoại đặt nhà máy, chiếm nửa ngân sách mỗi năm

QUẢN LÝ

6.        Đề nghị không thu tiền đầu tư hạ tầng với người bị thu hồi đất

7.        Thí điểm chi trả lương hưu qua tài khoản tại 5 tỉnh thành

8.        TP.HCM yêu cầu kiểm điểm nghiêm cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

9.        Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

10.     Bắc Giang: Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số dẫn đầu cả nước 4 năm liên tiếp

11.     Khánh Hòa: Xây dựng Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành

12.     Long An: Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo công tác dân vận

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

13.     Vụ án Thuận An: Bắt giam Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà

14.     Thái Bình: Phó Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai bị bắt vì nhận hối lộ

15.     Gia Lai: Cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lĩnh án treo

THẾ GIỚI

16.     Thái Lan thúc đẩy quyền lực mềm để tạo thêm việc làm

 

TIN QUỐC HỘI

Kỳ họp Quốc hội thứ 7 sẽ khai mạc ngày 20/5, họp 2 đợt

Quốc hội sẽ họp tập trung và tiến hành theo hai đợt. Đợt 1 từ ngày 20/5 đến sáng 8/6. Đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến chương trình kỳ họp.

Cụ thể, điều chỉnh từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 với dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 với các dự Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp với dự Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Cùng với đó, bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo trình tự, thủ tục rút gọn với các dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh thành trực thuộc trung ương tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 10/5 để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

 

Gửi phiếu chất vấn đến tổng thư ký Quốc hội để chuyển đến người có trách nhiệm trả lời và tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Tuoitre.vn 22/4, Thành Chung)Về đầu trang

Tổng thư ký Quốc hội: Có văn bản ban hành chậm hơn 35 tháng

Chiều 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin về kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát trong các báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022.

Về cơ bản, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện những kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội tại kỳ giám sát năm 2022.

Theo đó, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành đã ban hành thêm được 15 văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng từ năm trước, sửa đổi, bổ sung 6 văn bản để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên vẫn còn 33 nội dung phải quy định chi tiết thi hành của 9 luật, 1 pháp lệnh chưa được ban hành và 5 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung. Chưa bãi bỏ hoặc ban hành văn bản thay thế 11 văn bản đã hết hiệu lực.

Về kết quả giám sát năm 2023, ông Cường thông tin về cơ bản nội dung của các văn bản được ban hành đều bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó các cơ quan của Quốc hội phát hiện 6 văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và 7 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hoặc còn những vướng mắc, bất cập, có thể tạo ra kẽ hở trong công tác quản lý cần được rà soát, hoàn thiện.

Có văn bản còn nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa có sự thống nhất giữa các văn bản luật gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản, ông Cường nêu theo báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Trong số 325 văn bản được giám sát, có 32 văn bản ban hành chậm hơn thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Trong đó văn bản chậm ít nhất là 14 ngày, văn bản chậm nhiều nhất là 35 tháng 24 ngày, một số văn bản chậm từ 22 đến 25 tháng.

Ngoài ra có 83 điều, khoản thuộc 24 luật, 1 pháp lệnh, 5 nghị quyết giao quy định chi tiết nhưng chưa ban hành văn bản, cụ thể, Chính phủ 24 điều, khoản của 10 luật, Thủ tướng Chính phủ 2 điều, khoản của 2 luật.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 12 điều, khoản của 2 luật, Tòa án nhân dân tối cao 10 điều, khoản của 3 luật, pháp lệnh, Bộ Y tế 12 điều, khoản của 4 luật, Bộ Xây dựng 9 điều, khoản của 2 luật, Thanh tra Chính phủ 8 điều, khoản của 1 luật.

Ủy ban Dân tộc 8 điều, khoản của 1 luật, Văn phòng Chính phủ 8 điều, khoản của 1 luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 7 điều, khoản của 3 luật, Bộ Ngoại giao 7 điều, khoản của 2 luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông 4 điều, khoản của 4 luật; Bộ Công Thương 2 điều, khoản của 2 luật… (Tuoitre.vn 22/4, Thành Chung)Về đầu trang

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không nên quy định cứng nhắc về chiều cao công trình

Sáng 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng các tiêu chuẩn, tiêu chí về mật độ dân số, chiều cao công trình... nên để tư vấn quy hoạch đề xuất chứ không nên quy định cứng nhắc.

Phát biểu góp ý về dự luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục rà soát, cụ thể hóa hơn các quan điểm, nguyên tắc trong các văn kiện của Đảng đã nêu như mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.

Ông nhắc lại trong thực tế một số huyện khi chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì quy hoạch lên quận dễ hơn huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Bởi các huyện đã hoàn thành, tiêu chí nông thôn mới đã bó cứng vào.

Do đó ông đề nghị nếu xã nào đó sẽ lên phường, huyện nào đó khả năng lên quận thì nguyên tắc, tiêu chí định hướng quy hoạch thế nào cần rà soát trong luật để có một vài điểm làm nguyên tắc cho triển khai sau này.

Thêm vào đó, làm rõ mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị. Nếu chỉ nói đến đô thị mà không nói đến kinh tế đô thị sẽ rất khó cho quản lý, phát triển đô thị bền vững. Vì vậy phần nào nằm trong luật và phần nào nằm trong Luật Quản lý phát triển đô thị, ông Huệ đề nghị rà soát, làm rõ.

Một nội dung nữa là quy hoạch phải thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Huệ cho hay đây là vấn đề hết sức quan trọng kể cả với quy hoạch đô thị, phát triển nông thôn ở nước ta là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, cần rà soát xem thực hiện thế nào.

Ông nêu ra một vấn đề thực tế đòi hỏi nhưng cũng bất cập là tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng để tính toán cân bằng giữa phát triển đô thị theo chiều rộng, vấn đề phát triển đô thị theo chiều nén của mô hình TOD.

"Liên quan chiều cao công trình tranh luận với nhau rất nhiều lần, không rõ. Khi chúng tôi làm việc với Bộ Xây dựng nhiệm kỳ trước mới ngộ ra chiều cao của công trình do vấn đề phễu bay, an ninh, an toàn bay.

Chứ không ai cấm xây dựng nhà cao tầng trong nội đô. Vấn đề quan trọng là xử lý các mối quan hệ giữa kết cấu hạ tầng với chiều cao công trình này như thế nào. Trong thực tế, Bộ Xây dựng không quy định vấn đề chiều cao nhưng cũng rất khó khi cải tạo các khu chung cư cũ", ông Huệ nói. (Tuoitre.vn 22/4, Thành Chung)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Bắc Giang: Thu hút 3 "đại bàng" bán dẫn doanh thu 18.000 tỷ đồng, sử dụng hơn 8.000 lao động

Thông tin trên được UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tại Hội thảo “Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

Xác định rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn nên tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung chỉ đạo đảm bảo các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thuộc ngành công nghiệp bán dẫn đến tỉnh Bắc Giang thực hiện đầu tư.

Đến nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn gồm: Công ty TNHH Hana Micron Vina vốn đầu tư của Hàn Quốc; Công ty TNHH Si Flex Việt Nam vốn đầu tư của Hàn Quốc; Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam vốn đầu tư của Pháp. Doanh thu của 3 doanh nghiệp này khoảng 18.000 tỷ đồng.

Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay là 8.074 lao động; trong đó 175 chuyên gia là người lao động nước ngoài, số lao động có trình độ đại học 707 lao động, trình độ cao đẳng là 775 lao động, trình độ trung cấp, sơ cấp là 74 lao động và 6.343 lao động phổ thông.

Lao động được tuyển vào của doanh nghiệp đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật chủ yếu tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp các chuyên ngành về lĩnh vực tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa.

Dự báo thời gian tới doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục đầu tư và phát triển tại các khu công nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lao động thêm năm 2024 là 1.866 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 281 lao động, lao động phổ thông là 1.585 lao động; giai đoạn 2025-2030 khoảng 6.300 lao động, trong đó lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 1.200 lao động, lao động phổ thông là 5.100 lao động. (Antt.nguoiduatin.vn 22/4, Nhã Mi)Về đầu trang

Vĩnh Phúc: Tỉnh duy nhất có 2 hãng xe ngoại đặt nhà máy, chiếm nửa ngân sách mỗi năm

Honda và Toyota là hai hãng xe có mức đóng góp lớn nhất cho ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiều năm. Honda chiếm tỷ trọng khoảng 30% và Toyota chiếm tỷ trọng 25%.

Trong năm 2022, Honda Việt Nam nộp 11.680 tỷ đồng, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam nộp 10.803 tỷ đồng vào ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong khi đó, năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước (không tính hoàn thuế) của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 40.353 tỷ đồng.

7 tháng đầu năm 2023, Công ty Honda Việt Nam nộp ngân sách nhà nước ước đạt 5.209 tỷ đồng (bằng 85% so với cùng kỳ; tương ứng giảm 951 tỷ đồng); Công ty ô tô Toyota Việt Nam có tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.681 tỷ đồng. Tính đến tháng 7/2023, tổng thu ngân sách nhà nước Vĩnh Phúc đạt 15.411 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc là tỉnh có kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997 – 2021 tăng 13,42%/năm; chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động).

Quy mô GRDP tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 158,01 nghìn tỷ đồng, tăng 4,94 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 3,23% so với năm 2022. Đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 130,5 triệu đồng/người, tăng 2,63 triệu đồng/người, tương đương tăng 2,052% so với năm 2022.

Tính đến năm 2023, địa bàn tỉnh đã có 359 dự án FDI còn hiệu lực đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 6,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 99 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 17.425 nghìn tỷ đồng. (Doisongphapluat.nguoiduatin.vn 22/4, Minh Anh)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Đề nghị không thu tiền đầu tư hạ tầng với người bị thu hồi đất

Nhiều địa phương thu vài trăm triệu đồng tiền đầu tư hạ tầng với người tái định cư theo phương án bồi thường, theo HoREA, chưa đảm bảo công bằng.

Theo Luật Đất đai 2024, có hai nhóm đối tượng chính được hỗ trợ tái định cư. Một là nhóm bị Nhà nước thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế, xã hội hoặc quốc phòng, an ninh. Hai là nhóm tái định cư tại chỗ, thuộc dự án chung cư phải cải tạo, xây dựng lại.

Với nhóm tái định cư do nhà đất bị thu hồi để làm dự án, thời gian qua một số địa phương thu thêm tiền đầu tư hạ tầng. Ví dụ, một thành phố đảo đã thu khoảng 3 triệu đồng mỗi m2. Nếu được bồi thường nền nhà 100 m2, người dân phải đóng thêm 300 triệu đồng. Thậm chí có địa phương thu đến 7 triệu đồng mỗi m2, tức số tiền người dân phải nộp thêm có thể lên đến 700 triệu đồng nếu muốn hoán đổi nhà.

Góp ý dự thảo nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nêu bất cập này và cho rằng những người tái định cư vì bị Nhà nước thu hồi đất đang thiệt thòi hơn nhóm có chung cư phải cải tạo.

Bởi cùng là đối tượng tái định cư, người dân thuộc dự án xây dựng lại nhà chung cư được bố trí nhà mới tại chỗ hoặc nơi khác ở gần đó. Về cơ bản môi trường sống và sinh kế gần như không bị xáo trộn lớn. Căn hộ mới của nhóm này thường có diện tích lớn hơn, chất lượng tốt hơn và được miễn tiền sử dụng đất, không phải nộp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, nhóm tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đang phải chịu thiệt hơn khi phải đóng thêm một khoản tiền lớn, lên đến vài trăm triệu đồng để được hoán đổi nhà. Điều này chưa hợp tình hợp lý và đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng.

Do đó, Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định không thu tiền đầu tư cơ sở hạ tầng với người tái định cư theo phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Dự thảo cũng quy định người có đất bị thu hồi nếu không được bồi thường số tiền bằng với giá trị một suất tái định cư tối thiểu sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên dự thảo chưa giải thích "suất tái định cư tối thiểu" cụ thể là gì. HoREA đề nghị cắt nghĩa suất tái định cư tối thiểu là một nền nhà đã có hạ tầng trong khu tái định cư hoặc một căn hộ theo quy định của UBND cấp tỉnh. (Vnexpress.net 22/4, Ngọc Diễm)Về đầu trang

Thí điểm chi trả lương hưu qua tài khoản tại 5 tỉnh thành

Cuối tháng 3/2024, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy trình phối hợp thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Dự kiến trong tháng 5 tới, sẽ triển khai thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Nam Định, Điện Biên, Đà Nẵng, Sóc Trăng, trước khi nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Theo Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu hết năm 2025, khoảng 60% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Với hình thức này, cán bộ hưu trí có thể lĩnh lương hưu mọi lúc, mọi nơi, hoặc nhờ người thân lĩnh giúp mà không cần ủy quyền, đảm bảo an toàn. Việc trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ATM bảo đảm người tham gia được nhận chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định. (Vietnamnet.vn 22/4, Vũ Điệp)Về đầu trang

TP.HCM yêu cầu kiểm điểm nghiêm cán bộ, công chức vi phạm nồng độ cồn

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa đề nghị cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện chủ đề năm An toàn giao thông 2024 là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, gắn với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Từ đó, ông đề nghị sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, đánh giá việc gương mẫu tuân thủ và chấp hành nghiêm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với quy định không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia, không vi phạm liên quan đến chất kích thích. Đồng thời, không can thiệp vào các vụ việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng.

Công an TP được giao chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Ghi nhận và thông báo định kỳ hàng quý cho các cơ quan liên quan những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông hoặc can thiệp, tác động đến công tác xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Thủ trưởng các cơ quan quản lý phải tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm điểm, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với các trường hợp vi phạm và báo cáo số liệu, kết quả xử lý định kỳ hàng quý về Sở Nội vụ, Ban An toàn giao thông TP để tổng hợp báo cáo UBND TP. (Plo.vn 21/4, Lê Thoa)Về đầu trang

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023), tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo kết quả đánh giá, tỉnh Hòa Bình xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố về chỉ số CCHC. Trong đó, điểm thẩm định đạt 57,04/61,50 điểm, chỉ số SIPAS (thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua việc cung cấp dịch vụ công) đạt 8,19/10 điểm; điểm đánh giá tác động lãnh đạo, quản lý đạt 18,34/22 điểm; điểm đánh giá tác động đến phát triển KT-XH đạt 4,32/6,50 điểm. Tổng điểm chỉ số CCHC tỉnh Hòa Bình đạt được là 86,89/100 điểm. Đây cũng là chỉ số tổng hợp PAR INDEX năm 2023 của tỉnh.

Đáng nói, qua đánh giá 8 chỉ số thành phần gồm: "Chỉ đạo điều hành CCHC", "Cải cách thủ tục hành chính", "Cải cách thể chế", "Cải cách tổ chức bộ máy", "Cải cách tài chính công", "Cải cách chế độ công vụ", "Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số", "Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH tại địa phương", tỉnh Hòa Bình có 2/8 chỉ số thành phần dẫn đầu cả nước là chỉ số thành phần "Chỉ đạo điều hành CCHC" đạt điểm tối đa (100 điểm) và chỉ số "Cải cách thủ tục hành chính" tỉnh ta đạt tỷ lệ 99,93%.

Những kết quả trên cho thấy việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều chuyển biến với điểm sáng là thành tựu đạt được trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được xây dựng, vận hành ngày càng hiệu quả; khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện một bước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đi vào thực chất hơn, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều hơn... (Baohoabinh.com.vn 22/4, M.H) Về đầu trang

Bắc Giang: Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số dẫn đầu cả nước 4 năm liên tiếp

Theo kết quả công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023), Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2023), Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong Chỉ số CCHC năm 2023.

Theo kết quả xếp hạng, năm 2023, tỉnh Bắc Giang đạt 91,99%, cao hơn 2,10% so với năm 2022 về chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”. Nhờ đó, tỉnh Bắc Giang dẫn đầu cả nước về chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”. Đây là lần thứ 4 liên tiếp tỉnh Bắc Giang dẫn đầu cả nước về chỉ số này.

Cũng theo kết quả công bố tại Hội nghị, Bắc Giang đạt 91,43%, tiếp tục xếp thứ 4 cả nước về chỉ số CCHC. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC với kết quả đạt 92,18%. Xếp vị trí thứ 2 là thành phố Hải Phòng, đạt 91,87%, thành phố Hà Nội đạt 91,43%, xếp thứ 3.

Về Chỉ số hài lòng, Bắc Giang xếp thứ 38 cả nước với 81,62 điểm, tăng 6 bậc so với năm 2022. Chỉ số hài lòng được đánh giá qua 5 yếu tố cơ bản là: Tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức, kết quả dịch vụ và việc tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị.

Những kết quả về Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng tỉnh Bắc Giang năm nay có sự tăng trưởng tích cực cho thấy những nỗ lực, quyết tâm đẩy mạnh CCHC của chính quyền các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngày càng được người dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. (Baoxaydung.com.vn 22/4, Chương Huyền)Về đầu trang

Khánh Hòa: Xây dựng Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành

Sở TT-TT Khánh Hòa vừa hoàn thành xong Trung tâm Thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và có buổi giới thiệu ra mắt để lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành góp ý hoàn thiện. Trung tâm là nơi tích hợp các thông tin, dữ liệu trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm cung cấp cho lãnh đạo tỉnh các số liệu cụ thể để đưa ra những quyết định chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, khoa học.

Sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay, trung tâm đã cơ bản hoàn thành và hoạt động thí điểm. Trung tâm được thiết kế nhằm xử lý dữ liệu cung cấp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một cách trực quan dưới dạng bản đồ theo địa phương và lĩnh vực, kết hợp với màu sắc cấp độ cảnh báo “chỉ số giảm”, “chỉ số ổn định”, “chỉ số tăng”. Bên cạnh đó, cung cấp số liệu chi tiết ở các lĩnh vực, kết hợp hiển thị biểu đồ so sánh theo các tiêu chí về thời gian, đơn vị, lĩnh vực.

Trung tâm còn có chức năng tích hợp từ các hệ thống khác như: Camera giám sát, camera tầm cao để có thể theo dõi, giám sát; hệ thống thông tin địa lý (GIS); công nghệ trí tuệ nhân tạo phân tích cung cấp thông tin tình hình giao thông, cảnh báo kẹt xe, hành vi vi phạm giao thông, cảnh báo cháy rừng… Hiện tại, trung tâm được kết nối, xử lý và cung cấp 25 nhóm thông tin, dữ liệu.

Trong đó, có 22 nhóm chỉ tiêu thông tin chỉ đạo điều hành (thu ngân sách, đầu tư công, Đề án 06, đầu tư phát triển xã hội, thuế, GRDP, an toàn giao thông, lao động việc làm - an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hành chính công, báo chí, phản ánh kiến nghị...); 1 dịch vụ camera giám sát thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo; 1 dịch vụ tra cứu thông tin quy hoạch tỉnh và 1 dịch vụ điểm tin báo chí.

Tuy mới được triển khai nhưng trung tâm cũng sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ các thông tin, dịch vụ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với nhóm mô hình phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp thông qua việc phân tích thông số về: Tình hình dân cư, lao động, du lịch thông qua lưu trú, trật tự an toàn xã hội theo địa bàn... (Baokhanhhoa.vn 21/4, Giang Đình)Về đầu trang

Long An: Lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo công tác dân vận

Xác định “Ở đâu có dân chủ, ở đó có lòng dân và sức dân”, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Long An tiếp tục phát huy những cách làm hay, nhất là đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Qua đó, không chỉ nâng cao sự hài lòng của Nhân dân mà còn góp phần củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 

Năm 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh, chỉ đạo hệ thống chính trị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác dân vận. Chủ đề đặt ra là “Công tác dân vận trong tạo sự đồng thuận, nâng cao chỉ số hài lòng của nhân dân trên địa bàn tỉnh”.

 

Thực hiện chủ đề này, ngay từ đầu năm 2024, các cấp ủy Đảng thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các văn bản lãnh, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận, nhất là quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

 

Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân tiếp tục được tăng cường lãnh đạo thực hiện nhằm kịp thời lắng nghe và giải quyết các phản ánh, kiến nghị chính đáng, các vấn đề phát sinh, bức xúc của Nhân dân từ cơ sở. Công tác chăm lo cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được chú trọng. Qua đó, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện các phong trào do địa phương phát động.

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân vận Huyện ủy Cần Đước - Đào Ngọc Tuyến cho biết: “Năm 2024, Ban Dân vận tham mưu Huyện ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân bám sát địa bàn để thực hiện công tác vận động quần chúng; thường xuyên quan tâm công tác dân vận của các cơ quan nhà nước gắn với thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở và phát huy vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đức Hòa - Phạm Văn Đồng cho biết: “Năm 2023, huyện tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền cấp huyện, cấp xã và cải thiện môi trường đầu tư. Từ đó, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể.

Nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao chỉ số hài lòng của Nhân dân, thời gian tới, Ban đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách sâu, rộng, kịp thời đến Nhân dân. Tích cực hướng dẫn và hỗ trợ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính; kiến nghị chính quyền xử lý kịp thời, hiệu quả các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân”. (Baolongan.vn 22/4, Ngọc Mận)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Vụ án Thuận An: Bắt giam Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà

Ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam với cáo buộc liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Thuận An.

Ngày 22/4, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an - cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Trước đó, ngày 21/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét với ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Hiện Cơ quan Cánh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An... để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Ông Phạm Thái Hà (quê Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có học vị tiến sĩ kinh tế; là kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Ông Hà từng trải qua các vị trí: Thư ký Tổng Kiểm toán Nhà nước; Thư ký Bộ trưởng Bộ Tài chính; hàm vụ trưởng, thư ký của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ; Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội... (Laodong.vn 22/4, Việt Dũng)Về đầu trang

Thái Bình: Phó Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai bị bắt vì nhận hối lộ

Công an huyện Vũ Thư vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng Thế Việt (SN 1979, trú tại huyện Tiền Hải) - - Phó Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Tiền Hải, nguyên Giám đốc chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Vũ Thư - để điều tra về tội "Nhận hối lộ".

Cụ thể, trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Vũ Thư, ông Việt đã có hành vi nhận hối lộ vào các ngày 13/9/2022 và 15/6/2023 tại huyện Vũ Thư.

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Việt có đơn xin nghỉ để đi điều trị bệnh đau lưng kèm đau dây thần kinh tọa 10 ngày tại Bệnh viện Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Laodong.vn 22/4, Trung Du) Về đầu trang

Gia Lai: Cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lĩnh án treo

Ngày 22/4, ông Sơn (63 tuổi) - cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai - bị TAND tỉnh Gia Lai xét xử tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trương Quý Sửu (52 tuổi, cựu Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch) bị xét xử tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo bản án, từ năm 2018 đến 2020, ông Sơn là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, làm chủ đầu tư 13 dự án phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin (tổng kinh phí 33 tỷ đồng). Ông Sơn giao ông Sửu lập dự toán dự án.

Tuy nhiên, bị cáo Sửu không yêu cầu phòng quản lý chất lượng và giáo dục chuyên nghiệp cung cấp tài liệu chỉnh lý, không phối hợp với cán bộ trực tiếp quản lý văn bằng chứng chỉ để kiểm tra đo thực tế cần chỉnh lý... làm căn cứ lập dự toán.

Khi tiến hành nghiệm thu, bị cáo Sửu và nhà thầu không kiểm tra, xác định thực tế đã được chỉnh lý. Do đó, kết quả nghiệm thu không đúng thực tế, vượt khối lượng, gây thất thoát số tiền hơn 400 triệu đồng.

Tại tòa, hai bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và không ý kiến gì thêm. Riêng, bị cáo Sơn, cho rằng mình phạm tội là do tin tưởng cấp dưới nên ký vào các biên bản nghiệm thu.

HĐXX nhận định, hai bị cáo đã thành khẩn nhận tội và tích cực khắc phục hậu quả nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Ông Sơn bị tuyên 12 tháng tù treo; ông Sửu lĩnh 15 tháng tù. (Vnexpress.net 22/4, Trần Hóa)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Thái Lan thúc đẩy quyền lực mềm để tạo thêm việc làm

Chính phủ Thái Lan sẽ khởi động dự án "Một gia đình - Một quyền lực mềm" vào tháng 6 tới. Mục tiêu là tạo ra 20 triệu việc làm có mức lương tối thiểu hàng năm 200.000 Baht (tương đương 138 triệu đồng).

Bà Paetongtarn Shinawatra - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Phát triển quyền lực mềm Thái Lan - cho biết dự án này sẽ cung cấp miễn phí cho người dân các khóa học nâng cao và tái đào tạo kỹ năng. Mọi công dân có thể bắt đầu đăng ký vào đầu tháng 6 thông qua kênh trực tuyến trên ứng dụng di động, trang web hoặc thông qua Văn phòng Quỹ Làng quốc gia và Văn phòng Cộng đồng đô thị tại các địa phương.

Các khóa học dự kiến sẽ có 266.400 người tham gia trực tuyến và 30.210 người tham gia tại chỗ. Những kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo thuộc các ngành như thực phẩm, phim ảnh và kịch, âm nhạc, thể thao, thời trang, lễ hội, sách, trò chơi điện tử, du lịch và nghệ thuật.

Bà Paetongtarn nhấn mạnh một trong những khóa học ẩm thực thuộc dự án mang tên "Một Làng Một đầu bếp ẩm thực Thái Lan" đã thành hiện thực. Dự án này được ông Chumpol Jangprai - một đầu bếp nổi tiếng - khởi xướng. Ông cũng là Chủ tịch Ban chỉ đạo công nghiệp thực phẩm thuộc Ủy ban quốc gia về Phát triển quyền lực mềm.

Bà Paetongtarn cho biết đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) cầm quyền coi quyền lực mềm là cơ hội để tăng thu nhập của người dân, đồng thời đưa Thái Lan từ nước có thu nhập trung bình trở thành nước có thu nhập cao. Những nghề tạo ra quyền lực mềm như đầu bếp, võ sĩ Muay Thai, giáo viên Muay Thai và thợ may sẽ mang lại thu nhập ít nhất 200.000 Baht/năm cho người dân Thái Lan.

Bà Paetongtarn lưu ý thêm dự án "Một gia đình - Một quyền lực mềm" dự kiến sẽ tạo ra 20 triệu việc làm cho người dân. (VTV.vn 22/4)Về đầu trang./.

Các tin khác

05