Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh

14:21, Thứ Tư, 19-11-2014

Xem với cỡ chữ : A- A A+
Ngày 07/02/2013, Văn phòng UBND tỉnh có Kế hoạch số 280/KH-VPUBND Về việc Tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng UBND tỉnh. Theo đó, Kế hoạch có những nội dung chính sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Yêu cầu

- Quán triệt sâu rộng về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo Nghị quyết số 38/2013/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội và Công văn số 323-CV/TU ngày 08/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản khác có liên quan.

- Việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải được tiến hành nghiêm túc, chất lượng, đảm bảo dân chủ, khoa học, công khai, thiết thực và tiết kiệm; ý kiến đóng góp phải được tập hợp, tổng hợp có hệ thống, chính xác, báo cáo đúng tiến độ thời gian và chất lượng theo Kế hoạch này.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 22- CT/TW ngày 02 tháng 01 năm 2013 của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết số 38/2013/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội, Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 11/01/2013 của Thủ trướng Chính phủ; Công văn số 323-CV/TU ngày 08/01/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Kế hoạch số 10/KH-BCĐ ngày 18 tháng 01 năm 2013 của Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh Quảng Bình cho toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan.

2. Nội dung, hình thức, đối tượng

a. Nội dung lấy ý kiến

 Lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đối với toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp; đánh giá chung về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Ngoài ý kiến tham gia chung vào toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các Phòng, Trung tâm, cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách tập trung nghiên cứu và góp ý kiến chuyên sâu đối với các nội dung phù hợp. Cụ thể:

- Phòng Kinh tế Tổng hợp, Phòng Kinh tế ngành, Phòng Xây dựng cơ bản và TNMT và Phòng Văn xã: Tham gia các nội dung về Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (Chương III); Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước (Chương X).

- Phòng Nội chính: Bảo vệ Tổ quốc (Chương IV); Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân (Chương VIII).

- Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính: Chính quyền địa phương (Chương IX); Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp (Chương XI).

- Phòng Tiếp Công dân: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân (Chương II).

- Trung tâm Công báo, Trung tâm Tin học: Chế độ chính trị (Chương I); Quốc hội (Chương V); Chủ tịch nước (Chương VI), Chính phủ (Chương VII).

b) Hình thức lấy ý kiến

- Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản;

- Các Phòng, Trung tâm lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Phòng, Trung tâm mình;

- Tổ chức hội nghị lấy ý kiến toàn cơ quan.

c) Đối tượng lấy ý kiến

Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Văn phòng UBND tỉnh. Riêng Lãnh đạo Văn phòng, Chuyên viên khối nghiên cứu, Giám đốc, Phó Giám đốc và Chuyên viên Trung tâm tin học, Trung tâm Công báo  đảm bảo mỗi người phải có ít nhất một ý kiến tham gia góp ý chuyên sâu theo phân công tại mục a nêu trên (bằng văn bản hoặc trực tiếp tham gia tại hội nghị).

3. Tài liệu phục vụ lấy ý kiến:

- Nghị quyết số 38/2013/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến  nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;

- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

- Bản so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với dự thảo sửa đổi Hiến pháp;

- Báo cáo thuyết minh về nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Lưu ý: tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến được đăng tải trên Trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn hoặc trên Trang thông tin điện tử: http://hdnd.quangbinh.gov.vn

 4. Nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia:

Nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải tập hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

- Hình thức lấy ý kiến, tổng số người tham gia.

- Đánh giá chung về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

- Ý kiến về từng nội dung trong Dự thảo (theo bố cục từng chương), trong đó nêu rõ những nội dung tán thành hoặc không tán thành; lý do tán thành hoặc không tán thành; những nội dung cần sửa đổi, hướng sửa đổi và lý do của việc sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

- Về bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp.

- Các vấn đề khác.

5. Tổ chức thực hiện

- Thành lập Tổ Giúp việc để giúp Lãnh đạo Văn phòng triển khai thực hiện Kế hoạch này. Tổ Giúp việc có trách nhiệm phối hợp với Phòng Tổ chức Hành chính trực tiếp giúp Lãnh đạo Văn phòng tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo Kế hoạch này; tổng hợp ý kiến tham gia và hoàn thiện báo cáo trình Lãnh đạo Văn phòng đảm bảo chất lượng và tiến độ.

 - Các Phòng, Trung tâm:

+ Tổ chức quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về lấy ý kiến tham gia về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

+ Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Phòng, Trung tâm mình bằng những hình thức phù hợp (bằng văn bản hoặc họp tham gia ý kiến).

Thời gian thực hiện: Lấy ý kiến từ ngày ban hành kế hoạch đến ngày 21 tháng 2 năm 2013 và tổng hợp ý kiến gửi Phòng Tổ chức hành chính trước ngày 23/02/2013

- Phòng Tổ chức hành chính:

+ Tham mưu cho Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Quyết định thành lập Tổ giúp việc.

+ Tham mưu cho Lãnh đạo Văn phòng tổ chức hội nghị lấy ý kiến trong toàn cơ quan; dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 21/02 đến ngày 25/02/2013.

+ Chủ trì, phối hợp với Tổ Giúp việc tiếp nhận ý kiến của các cá nhân tại hội nghị và báo cáo tổng hợp của các Phòng, Trung tâm đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tổng hợp báo cáo chung của Văn phòng về các ý kiến tham gia, trình lãnh đạo Văn phòng ký gửi trước ngày 01/3/2013.

6. Kinh phí thực hiện

Kinh phí tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thực hiện theo Công văn số 152/BTC-HCSN ngày 05/01/2013 của Bộ Tài chính về việc xây dựng dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 Phòng Tổ chức Hành chính chủ trì, phối hợp với Phòng Quản trị Tài vụ lập dự toán kinh phí để triển khai thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch này.

 Yêu cầu các Phòng, Trung tâm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiêm túc thực hiện. Giao Phòng Tổ chức hành chính theo dõi, đôn đốc các Phòng, Trung tâm thực hiện, báo cáo kết quả cho Lãnh đạo Văn phòng.

(Nguồn: Kế hoạch số 280/KH-VPUBND ngày 07/02/2013)

Các tin khác

05