Bản tin phục vụ lãnh đạo ngày 03/02/2023

Font size : A- A A+

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

1.        Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải quyết ách tắc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

2.        Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 3,2%

3.        Tháng 1/2023: Singapore là quốc gia đổ nhiều vốn vào Việt Nam nhất

4.        Loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “kêu cứu”

5.        Tiêu thụ vàng của Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á

QUẢN LÝ

6.        Ông Võ Văn Thưởng: Tập trung giải quyết dứt điểm một số đề án khó, phức tạp, nhạy cảm

7.        Đề nghị báo cáo Bộ Chính trị hơn 200.000 người bị nợ bảo hiểm

8.        Đà Nẵng: Cán bộ không được đi chúc Tết, dự lễ hội nếu không được phân công

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

9.        Bắc Giang: Công chức "4 xin, 4 luôn, 5 không" và mô hình sáng tạo "Ngày thứ 6 nhanh"

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

10.     19 bộ, cơ quan chưa báo cáo phân bổ vốn đầu tư công

11.     Yêu cầu lập kế hoạch giải ngân vốn ngành giao thông chi tiết từng tháng

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

12.     5 cựu tướng quân đội bị cáo buộc tham ô 50 tỉ tiền ngân sách

13.     Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị truy tố vì giao 3 lô đất giá rẻ cho doanh nghiệp

14.     Thủ tướng kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên

15.     Kỷ luật nguyên lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam

16.     Thực hư thông tin cán bộ hải quan gây áp lực, yêu cầu khách “xuống máy bay xóa bài Facebook”

THẾ GIỚI

17.     Ấn Độ tăng ngân sách quốc phòng, để mắt tới Trung Quốc

18.     Indonesia: Xây dựng hệ sinh thái hậu cần

 

KINH TẾ - ĐẦU TƯ  - HỘI NHẬP

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải quyết ách tắc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Sáng 2/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2023. 

Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ. 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, tình hình thế giới tháng 1 tiếp tục phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội, như khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. 

Nêu rõ, nhiệm vụ của tháng 2 là rất lớn, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình, nhất là những vấn đề mới nổi lên, các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình thực tế, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cao để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đạt kết quả tốt nhất. Đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ bên ngoài, phát huy tối đa mặt mạnh, khắc phục khó khăn, thách thức. 

Trên cơ sở đó thúc đẩy, cổ vũ toàn hệ thống các cơ quan hành pháp và cả hệ thống chính trị tập trung phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần phục hồi nhanh, phát triển bền vững ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; giải quyết những vấn đề ách tắc, vướng mắc, tháo gỡ những vấn đề mà doanh nghiệp, nhân dân đang gặp khó khăn. 

Báo cáo tại phiên họp cho biết, trong tháng 1, các bộ, ngành, quyết liệt, tập trung triển khai các nhiệm vụ năm 2023 ngay từ những ngày đầu năm. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng 12/2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước. 

Thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực, đến ngày 17/1 tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp Tết Nguyên đán. Thu ngân sách tháng 1 đạt 11,3% dự toán. Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. (Tienphong.vn 02/02, Văn Kiên)Về đầu trang

Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 3,2%

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2023 của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2023 ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, bằng 4% kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm. 

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, bằng 3,1% kế hoạch năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch năm và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, bằng 3,9% kế hoạch năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% và giảm 6,5%. 

Về thu, chi ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 1/2023 ước đạt 42,7 nghìn tỷ đồng, bằng 2,6% dự toán năm. Cụ thể, thu nội địa đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, bằng 2,3% dự toán năm; thu từ dầu thô đạt 1.787 tỷ đồng, bằng 4,3% dự toán năm; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, bằng 4,5% dự toán năm. 

Tổng chi ngân sách nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 1/2023 ước đạt 56,7 nghìn tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 43,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7%; chi đầu tư phát triển 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 0,5%; chi trả nợ lãi 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 9,4%. (Haiquanonline.com.vn 02/02)Về đầu trang

Tháng 1/2023: Singapore là quốc gia đổ nhiều vốn vào Việt Nam nhất

Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 20/1, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong tháng 1/2023, có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 767,6 triệu USD, chiếm 63,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; Trung Quốc xếp thứ 2 với 198,2 triệu USD, chiếm 16,4%. 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 1,35 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,05 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện. 

Đáng chú ý, tuy tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2023 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên trong tháng 1 Việt Nam đã cấp mới cho 153 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. 

Cụ thể, trong tháng 1/2022, Việt Nam thu hút được 103 dự án FDI được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 388 triệu (USD), tăng 119,1% về số dự án và giảm 70,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. 

Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có tỷ lệ vốn đăng ký lớn nhất, đạt 651,9 triệu USD, chiếm 54,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 351,2 triệu USD, chiếm 29,1%; các ngành còn lại đạt 201,9 triệu USD, chiếm 16,8%. 

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2023 có 3 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 126,6 triệu USD, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước; đồng thời, có 1 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh thêm 140,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt 126,7 triệu USD, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.  

Trong tháng 1/2023, có 3 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam; trong đó, Hàn Quốc là nước dẫn đầu với 125,1 triệu USD; chiếm 98,7% tổng vốn đầu tư, Thái Lan 1,5 triệu USD; chiếm 1,2%; Lào 140,4 nghìn USD; chiếm 0,1%. (Haiquanonline.com.vn 02/02)Về đầu trang

Loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “kêu cứu”

Đại diện hàng nghìn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở các địa phương vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi các bộ, ngành góp ý việc sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như vận hành của chuỗi cung ứng xăng dầu. 

Trong đơn gửi Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Công Thương, Tư pháp và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Nam kiến nghị nhiều giải pháp để bình ổn thị trường. 

Nhóm doanh nghiệp bán lẻ cho biết, Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu hiện có nhiều do nhiều quy định chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, kéo theo sự đứt ngãy chuỗi cung ứng , thị trường bất ổn… 

Theo các doanh nghiệp, trong khi thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, nhà cung cấp tự kê phí vận chuyển lên quá cao so thực tế nên các doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng vẫn buộc phải bán hàng. 

Cùng với đó, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. 

“Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu . Bởi nhà phân phối biết rằng nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng thì cũng không thể lấy của nhà phân phối khác. Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu”, các doanh nghiệp kiến nghị. 

Một điểm bất hợp lý, đó là thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng của chính họ. Các thương nhân phân phối được tính định mức lợi nhuận và được lấy hàng ở nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường. 

“Khi giá tăng, doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng để giữ lại hưởng chênh lệch giá . Kiến nghị nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”, các doanh nghiệp kiến nghị. 

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 12 Điều 1 Nghị định số 95. Theo đó, doanh nghiệp bán lẻ được mua xăng dầu từ 3 doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối. Cùng đó là sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu và một số quy định về cấp phép, thông báo cho cơ quan quản lý. (Tienphong.vn 02/02)Về đầu trang

Tiêu thụ vàng của Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á

Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa công bố cho biết, tiêu thụ vàng của Việt Nam trong quý IV/2022 đạt 13,5 tấn, tăng 58% so với cùng kỳ 2021. Sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu tiêu thụ được thúc đẩy bởi nhu cầu vàng thỏi và xu vàng, cũng như nhu cầu trang sức. 

Cụ thể, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu đạt 9 tấn, tăng 48% so với 6,1 tấn của cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, nhu cầu trang sức tăng hơn 80%, từ 2,5 tấn lên 4.5 tấn. Tính chung cả năm ngoái, Việt Nam tiêu thụ 59,1 tấn vàng, tăng 37% so với mức 43 tấn của năm 2021. 

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), cho biết với kết quả này, Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng nhu cầu vàng trong Đông Nam Á năm qua. Đồng thời, Việt Nam cũng dẫn đầu về nhu cầu trang sức trong năm 2022, với mức tăng 51% so với năm 2021, đạt 18 tấn - cao nhất trong 14 năm qua. 

"Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự tăng trưởng mạnh mẽ này, bao gồm sự giảm nhẹ của giá vàng địa phương trong quý IV; mức thu nhập ở một số ngành nghề tăng trở lại như trước, và niềm tin được củng cố của người tiêu dùng về sự tăng trưởng của GDP", ông Andrew Naylor giải thích. 

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành cũng phản ánh xu hướng do WGC ghi nhận. Năm 2022, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) có doanh thu thuần hơn 33.876 tỷ đồng và lãi ròng gần 1.807 tỷ đồng, tăng lần lượt 73% và 76% so với năm 2021, vượt 31% và 37% các chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022. 

Riêng quý IV, doanh thu bán lẻ của PNJ tăng 24%, với lý do được nêu là nền kinh tế phục hồi mạnh và vĩ mô ổn định. Doanh thu vàng 24K quý trước của công ty cũng tăng 15% nhờ sự phục hồi của thị trường và thay đổi trong xu hướng đầu tư. 

WGC cho biết nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu trong năm 2022 tăng gần 18% so với năm 2021, đạt 4.741 tấn - mức cao nhất kể từ năm 2011. Theo bà Louise Street, Chuyên gia Nghiên cứu Thị trường Cấp cao tại WGC, tiêu thụ lập kỷ lục do nhu cầu lớn của ngân hàng trung ương đối với tài sản trú ẩn an toàn. 

"Trong bối cảnh lạm phát tăng cao thúc đẩy sự đầu tư vào vàng thỏi và vàng xu, cộng hưởng với các yếu tố thúc đẩy nhu cầu khác đã cân bằng lại lượng vàng bán đi khỏi các quỹ ETF, vốn là sự phản ứng tức thời mang tính chiến thuật trước việc lãi suất tăng. Cuối cùng, nhu cầu đầu tư nhìn chung vẫn tăng 10% so với năm trước", vị chuyên gia cho biết. 

Dự đoán cho năm 2023, WGC đánh giá suy thoái của nền kinh tế toàn cầu có thể đảo ngược xu hướng đầu tư vàng. Nếu lạm phát giảm, đây có thể là rào cản cho việc đầu tư vàng thỏi và vàng xu. Ngược lại, nếu USD tiếp tục suy yếu và lãi suất tăng vừa phải thì có thể mang lại tác động tích cực cho nhu cầu đầu tư vào những quỹ đảm bảo bằng vàng như ETF. 

Có một số kỳ vọng nhất định vào sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức, trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp nhu cầu sẽ suy giảm khi người tiêu dùng siết chặt chi tiêu để thích nghi với tình hình suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn. (Vnexpress.net 02/02, Dỹ Tùng)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Ông Võ Văn Thưởng: Tập trung giải quyết dứt điểm một số đề án khó, phức tạp, nhạy cảm

Ngày 1/2, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội nghị với các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương về tình hình thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021, năm 2022 và việc xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023. 

Tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá rất cao các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương trong năm 2021 và năm 2022 đã tích cực, chủ động chuẩn bị các đề án, báo cáo được phân công trong Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chất lượng nội dung các đề án, báo cáo cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ý kiến thẩm định của các cơ quan và ý kiến tham mưu của Văn phòng Trung ương Đảng bảo đảm chất lượng, khách quan, trung thực, trong đó có nhiều ý kiến được đánh giá cao, góp phần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặt ra. 

Trong năm 2023, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan liên quan cần phối hợp tốt hơn nữa trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các đề án của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Các cơ quan được giao nhiệm vụ cần tập trung, chủ động xây dựng các đề án, báo cáo được phân công; một số đề án khó, phức tạp, nhạy cảm đã tồn đọng từ các năm trước cần tập trung giải quyết dứt điểm theo chương trình đã đề ra. Ưu tiên các việc trong Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, các Hội nghị Trung ương trong năm 2023 và các công việc quan trọng, cấp bách cần thực hiện trong năm. (Tienphong.vn 01/02, Văn Kiên)Về đầu trang

Đề nghị báo cáo Bộ Chính trị hơn 200.000 người bị nợ bảo hiểm

Tại phiên làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 1/2, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đưa ra đề nghị trên. Ông cho biết, hiện hơn 200.000 lao động đang bị nợ, trốn đóng BHXH. Nếu không sớm có biện pháp xử lý, những người này không được hưởng chế độ, kể cả lương hưu. 

Giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm, theo thống kê của công đoàn. Các tổng công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đóng BHXH; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đóng BHXH. 

Ngoài ra, ông Khang cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo địa phương, bộ ngành có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, an sinh với lao động bị ảnh hưởng mà chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đến ngày 24/1, cả nước ghi nhận 528 doanh nghiệp (chiếm 0,06%) bị cắt giảm đơn hàng, khiến 637.000 lao động bị giảm giờ làm chính thức, không còn tăng ca hoặc mất việc. 

Về việc này, Thủ tướng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm rà soát báo cáo lại; Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng tháo gỡ vướng mắc để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ lương, BHXH của người lao động. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, các cơ quan chuyên môn cần bổ sung chế tài xử lý hành vi này. 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng nhiều lần phản ánh tình trạng doanh nghiệp chậm đóng BHXH, né tránh cán bộ bảo hiểm nhưng mang tiền nộp ngay khi có công an cùng thanh kiểm tra. Doanh nghiệp phân bua "chưa kịp đóng chứ không phải cố tình trốn". Việc chậm đóng xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do cố tình chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH. 

Giai đoạn 2018-2022, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng BHXH nhưng chưa vụ nào bị xử lý, 186 vụ trong đó bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hơn 3.200 tỷ đồng nợ BHXH kéo dài nhiều năm khiến hơn 206.000 lao động ảnh hưởng quyền lợi, song cơ quan quản lý kêu khó thu hồi. (Vnexpress.net 02/02, Hồng Chiêu) Về đầu trang

Đà Nẵng: Cán bộ không được đi chúc Tết, dự lễ hội nếu không được phân công

UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 

Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, giám đốc các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết, những công việc và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và Nhân dân. 

Các đơn vị, địa phương không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

 Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, giám đốc các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện chủ động, tích cực nắm tình hình, kịp thời tham mưu các biện pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả theo tinh thần chủ đề năm 2023 "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" của Chính phủ và chủ đề "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội" của thành phố; phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện, đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023. (Laodong.vn 02/02, Thùy Trang)Về đầu trang

TƯ DUY MỚI – CÁCH LÀM HAY

Bắc Giang: Công chức "4 xin, 4 luôn, 5 không" và mô hình sáng tạo "Ngày thứ 6 nhanh"

Nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của cán bộ, công chức, hướng đến sự hài lòng của người dân, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo và xác định nhiệm vụ xây dựng chính quyền thân thiện là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.  

Giai đoạn 2021-2022, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy đã triển khai mô hình chính quyền thân thiện ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Với tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, các xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mô hình theo trình tự các bước, đảm bảo nội dung và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương. 

Theo đó, chính quyền cơ sở đã chú trọng hơn đến môi trường làm việc thân thiện, hướng tới cảnh quan, môi trường công sở nơi tiếp đón người dân văn minh, lịch sự; bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân khi đến làm việc với chính quyền, như có cây xanh, chỗ để xe, ghế ngồi chờ, bình nước nóng, lạnh ở bộ phận một cửa; được sử dụng wifi, máy tính miễn phí để truy cập thông tin về thủ tục hành chính, máy photocopy, máy in để phục vụ người dân khi cần thiết... Bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả khoa học, gọn gàng, bảo đảm tổ chức và công dân đến giao dịch thuận tiện, đáp ứng 4 tiêu chí “nhanh hơn, tiết kiệm hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn”; có sự gần gũi, thân thiện hơn giữa cán bộ, công chức khi làm việc với nhân dân.  

Chỉ sau thời gian ngắn triển khai thực hiện, mô hình đã tác động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, phục vụ nhân dân. Ở hầu hết các đơn vị người dân ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền cơ sở.  

Từ những kết quả bước đầu đã đạt được và tính thiết thực của mô hình, ban chỉ đạo xây dựng chính quyền thân thiện các huyện, thành ủy đã chủ động lựa chọn các xã, phường, thị trấn để tập trung chỉ đạo xây dựng, đề nghị công nhận đơn vị đạt chuẩn chính quyền thân thiện năm 2023. Nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai đồng bộ và có nhiều cách làm hay, sáng tạo.  

Với việc cam kết thực hiện tốt nội dung khẩu hiệu “4 xin”, “4 luôn”, “5 không”, đại đa số cán bộ, công chức, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tại tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt việc giao tiếp, ứng xử với người dân, có thái độ lịch sự, thân thiện, cởi mở, gần gũi khi tiếp xúc với nhân dân; xử lý công việc thành thạo, chuyên nghiệp; tận tình, chu đáo hướng dẫn người dân, tổ chức đến làm thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, sớm nhất có thể; không gây phiền hà, sách nhiễu. 

Khẩu hiệu “4 xin”, “4 luôn”, “5 không” cụ thể là: “4 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. “5 không”: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; Không quan liêu vô cảm, vô trách nhiệm; Không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; Không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ. 

Để đáp ứng yêu cầu của người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, UBND phương Lê Lợi, thành phố Bắc Giang đã có sáng kiến thực hiện mô hình "Ngày thứ 6 nhanh"; phân công cán bộ, công chức hỗ trợ, hướng dẫn người dân điền thông tin vào tờ khai và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để giải quyết nhanh chóng công việc.  

Công an phường và cán bộ tổ dân phố phối hợp xác minh hộ tịch những trường hợp thuộc phạm vi quản lý. Trong ngày này, công chức tại bộ phận một cửa sẽ được sắp xếp không thực hiện các nhiệm vụ khác để ưu tiên giải quyết hồ sơ cho công dân bảo đảm nhanh gọn.  

Theo quy định, hồ sơ thuộc lĩnh vực này giải quyết và trả kết quả trong 1 đến 3 ngày làm việc sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, không kể thời gian xác minh. Từ khi thực hiện mô hình, ngày thứ 6 hằng tuần, các thủ tục hành chính được cán bộ tiếp nhận giải quyết và trả kết quả dứt điểm trong ngày; công dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của phường được cán bộ công chức hỗ trợ, hướng dẫn chu đáo, thực hiện nhanh chóng.  

Trong 10 tháng thực hiện mô hình (từ tháng 04/2022 đến nay) đã thực hiện thủ tục "ngày thứ 6 nhanh" cho 200 công dân, giúp người dân giảm bớt thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí và tin tưởng hơn, thiện cảm hơn với cán bộ, công chức và hoạt động của chính quyền, thể hiện trong hàng trăm phiếu đánh giá sự hài lòng của công dân với cán bộ công chức vừa qua, 100% phiếu được hỏi trả lời mức độ hài lòng và rất hài lòng, không có phiếu không hài lòng.  

Cùng với mô hình sáng tạo trên, các địa phương, đơn vị còn có một số cách làm mang lại hiệu quả thiết thực như: Xây dựng hòm thư điện tử, địa chỉ zalo, facebook … để tiếp nhận ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân; lắp đặt thiết bị điện tử tại bộ phận một cửa để người dân đánh giá trực tiếp hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết các thủ tục hành chính; in mẫu thư chúc mừng, cảm ơn, xin lỗi, chia buồn; đồng thời tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, phúng viếng hoặc gửi thư chia buồn đến gia đình công dân có người thân qua đời kèm theo quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang; gửi thư xin lỗi với nhân dân, tổ chức, cá nhân về giải quyết công việc còn chậm, không đúng hẹn... 

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết: Quá trình vận hành “chính quyền thân thiện”, cùng với sự nỗ lực chỉ đạo của tỉnh, các địa phương, đơn vị, nhất là UBND các xã, phường, thị trấn đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đào tạo đội ngũ cán bộ công chức “Chuyên nghiệp hơn - Thân thiện hơn - Hiệu quả hơn” trong thực thi nhiệm vụ.  

Nhiều đơn vị xây dựng các mô hình sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Ngay trong những ngày đầu năm mới, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm những mô hình, cách làm hay để triển khai nhân rộng trong giai đoạn 2023-2025, để tiếp tục duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả xây dựng nền hành chính vì nhân dân phục vụ. (Daibieunhandan.vn 02/02, Anh Thế - Huy Hà)Về đầu trang

QUẢN LÝ NGÂN SÁCH

19 bộ, cơ quan chưa báo cáo phân bổ vốn đầu tư công

Hết tháng 1, hơn 638,6 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 đã được phân bổ, đạt trên 90% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính chưa nhận được dữ liệu của 19 bộ, cơ quan trung ương. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31.1.2023, tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đã phân bổ là trên 638.613 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044 tỷ đồng). 

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 104.611 tỷ đồng, chiếm 14,8% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, số vốn chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương là 22.751 tỷ đồng, chiếm 11,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ tại các địa phương là 81.860 tỷ đồng, chiếm 15,96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Đến thời điểm báo cáo, Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố và 33/52 bộ, cơ quan trung ương. 

19 bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023 gồm: Văn phòng Chính phủ; Bộ Công an; Bộ Công thương; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; Bộ Thông tin và Truyền Thông; Ủy ban dân tộc; Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tập đoàn Điện lực. 

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương (không bao gồm vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia), trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 14/33 bộ, cơ quan trung ương và 40/63 tỉnh, thành phố chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao. 

Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Hải Phòng (100%), Ninh Bình (100%), Văn phòng Trung ương Đảng (80,2%). 

Nguyên nhân vốn trong nước chưa phân bổ chủ yếu là do các dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết kế hoạch vốn (trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội). Vốn nước ngoài chưa phân bổ do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ hoặc đang lấy ý kiến nhà tài trợ để hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư. (Tienphong.vn 01/02, H. Lan)Về đầu trang

Yêu cầu lập kế hoạch giải ngân vốn ngành giao thông chi tiết từng tháng

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa có chỉ đạo yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần có tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Theo đó, trong năm 2023, ngành giao thông vận tải triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng quốc gia với quy mô lớn. Kế hoạch vốn đầu tư công được giao lớn nhất từ trước tới nay lên đến 94.161 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm 2021 và 1,7 lần năm 2022. 

Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu liên quan cần có tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án đồng thời chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng các dự án ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023.  Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương triển khai phân khai dự toán chi theo kế hoạch được giao cho các dự án; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo bộ trong tháng 1.2023 làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị. 

Ngoài ra, các đơn vị trên đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu. 

Chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện giải ngân của từng dự án/gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý; thực hiện công tác báo cáo giải ngân đúng thời hạn, số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực; làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng... (Daibieunhandan.vn 02/02, Nguyễn Ngân)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

5 cựu tướng quân đội bị cáo buộc tham ô 50 tỉ tiền ngân sách

Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương vừa hoàn tất cáo trạng truy tố cựu trung tướng, cựu tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn về tội tham ô tài sản. 

6 người bị truy tố cùng tội danh gồm: Hoàng Văn Đồng (63 tuổi), cựu trung tướng, cựu chính ủy; Doãn Bảo Quyết (61 tuổi), cựu thiếu tướng, cựu phó chính ủy; Phạm Kim Hậu (59 tuổi), cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh, cựu tham mưu trưởng; Bùi Trung Dũng (63 tuổi), cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh; Nguyễn Văn Hưng (57 tuổi), cựu đại tá, cựu cục trưởng Kỹ thuật và Bùi Văn Hòe (54 tuổi), cựu thượng tá, cựu phó phòng Tài chính. 

Cáo trạng xác định, vụ án bắt đầu từ tháng 2-2019, khi Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách nhà nước chi quản lý hành chính năm 2019, tổng 450 tỉ đồng. 

Trong số tiền này, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phân bổ 150 tỉ đồng cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị. Ông Sơn, khi đó là tư lệnh Cảnh sát biển, đã gặp ông Hưng - cục trưởng Kỹ thuật, đưa ra yêu cầu "khi mua sắm vật tư, thiết bị, phải rút ra 50 tỉ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng". 

Ông Hưng cho hay, Cục Kỹ thuật chưa bao giờ thực hiện việc này, rút ra 50 tỉ đồng là rất lớn, khó thực hiện, việc này phải thống nhất trong Thủ trưởng Bộ Tư lệnh thì cục mới thực hiện. 

Cơ quan điều tra cho rằng, nhằm tạo điều kiện cho ông Hưng dễ thực hiện rút ruột 50 tỉ đồng, ông Sơn chỉ đạo phó phòng Tài chính Hòe cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát biển để phân bổ thêm 29 tỉ đồng cho Cục Kỹ thuật. Do đó, nguồn ngân sách cho Cục Kỹ thuật được tăng lên 179 tỉ đồng.

 Đầu tháng 4-2019, tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Sơn trao đổi với 4 cấp dưới: Trung tướng Đồng cùng 3 thiếu tướng Quyết, Hậu, Dũng về kế hoạch "rút ruột" 50 tỉ đồng, tức 28% ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ thuật, để ăn chia. Tất cả đồng ý và không có ý kiến gì khác, cáo trạng nêu. 

Ngày 4-5-2019, sau khi ký quyết định giao dự toán ngân sách cho Cục Kỹ thuật 179 tỉ đồng, ông Sơn tiếp tục yêu cầu ông Hưng rút lại 50 tỉ đồng để chuyển về Bộ Tư lệnh. 

Chấp hành chỉ đạo, ông Hưng trao đổi và yêu cầu 6 trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật, khi thực hiện chi tiêu nguồn ngân sách, phải rút lại tổng số tiền 50 tỉ đồng để Hưng chuyển lại cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh sử dụng vào việc chung.

 Các trưởng phòng đều báo cáo với ông Hưng là khó thực hiện. Ông Hưng tiếp tục yêu cầu 6 trưởng phòng này "phải xác định việc rút lại 50 tỉ đồng là nhiệm vụ Thủ trưởng giao và phải hoàn thành". 

Ông Hưng sau giao "định mức" cụ thể cho 6 người. Theo đó, mỗi trưởng phòng phải rút ruột từ 50 triệu đồng đến 25 tỉ đồng để đủ mức 50 tỉ đồng ông Sơn yêu cầu. 

Thực hiện kế hoạch của ông Hưng, 6 trưởng phòng phân chia nguồn ngân sách được giao thành 29 gói thầu, trong đó có 9 gói giá trị dưới 10 tỉ đồng để Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng. 

Họ cũng chủ động đặt vấn đề với các nhà thầu để nâng giá nhằm hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi. Để được tham gia dự thầu và trúng thầu, các doanh nghiệp đồng ý nâng giá vật tư, thiết bị hoặc trích lại lợi nhuận. 

Sau đó, ông Hưng, Hòe tham mưu, đề xuất Tư lệnh Sơn ký hợp đồng với các doanh nghiệp, trong đó 24 hợp đồng do 16 doanh nghiệp thực hiện có liên quan việc rút lại 50 tỉ đồng. 

Các doanh nghiệp cùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nghiệm thu và bàn giao vật tư, thiết bị về Kho tổng hợp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và chuyển tiền thanh toán dứt điểm cho các nhà thầu. 

Từ đầu tháng 12-2019 đến đầu tháng 1-2020, theo đúng thỏa thuận, các nhà thầu đã chuyển lại trực tiếp bằng tiền mặt cho 6 trưởng phòng của Cục Kỹ thuật. 6 người này sau đó nộp lại toàn bộ tiền cho ông Hưng để chuyển cho tướng Sơn. 

Việc giao nhận tiền đều được thực hiện tại phòng làm việc của ông Hưng và ông Sơn. Sau khi nhận 50 tỉ đồng, tướng Sơn chia cho mình và 4 ông Đồng, Hậu, Quyết và Dũng. 

Đến ngày 19-6-2020, ông Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo 2 file ghi âm phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của bản thân và các đồng phạm. 

Sự việc sau đó được Đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra. Tháng 9-2021, 5 người hưởng lợi tự nguyện nộp lại mỗi người 10 tỉ đồng để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Trong vụ án, ông Sơn bị xác định có vai trò "chủ mưu, khởi xướng", do đó phải chịu trách nhiệm chính. 

Với 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật, nhà chức trách nhận định, hành vi của họ có dấu hiệu đồng phạm tội "Tham ô tài sản". Song các cán bộ này "có mối quan hệ lệ thuộc", thực hiện mệnh lệnh cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỉ đồng sau đó bị chia cá nhân. Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương do đó không xem xét xử lý hình sự với 6 người này. (Plo.vn 02/02, Hoàng Việt)Về đầu trang

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị truy tố vì giao 3 lô đất giá rẻ cho doanh nghiệp

Ngày 2/2, Viện KSND Tối cao vừa hoàn thành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Ngọc Hai (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và Lương Văn Hải (cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". 

Cùng tội danh trên, Viện kiểm sát còn truy tố các bị can: Hồ Lâm (nguyên Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận); Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT); Ngô Hiếu Toàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận); Đặng Hoài Nhân (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh); Nguyễn Thị Thu Phong (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh); Nguyễn Thanh Cho; Lê Nam Hưng; Phạm Duy Cường; Lê Anh Huy, đều là lãnh đạo, cán bộ Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận. 

Riêng bị can Nguyễn Văn Phong (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh) bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". 

Theo cáo trạng, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương bán đấu giá 3 lô đất 18, 19 và 20, có tổng diện tích hơn 9ha (nằm ở hai bên đường ĐT 706B, phường Phú Bài, TP Phan Thiết) với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (tương đương 1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên sau thông báo 6 lần vẫn không có đơn vị, cá nhân nào tham gia mua đấu giá. 

Đầu năm 2016, giá đất ở Bình Thuận trong đó có 3 lô đất liên tục biến động tăng. Ngày 26/7/2016, ông Nguyễn Ngọc Hai ký ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của Bình Thuận, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến năm 2017, 3 lô đất này được giao cho Công ty Tân Việt Phát song vẫn áp dụng giá được phê duyệt từ năm 2013. 

Viện kiểm sát cho rằng, bị can Nguyễn Ngọc Hai biết rõ quy định pháp luật về căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng vẫn ban hành chủ trương giao 3 lô đất với giá từ năm 2013. Do đó, hành vi của bị can đã vi phạm khoản 3 Điều 108, điểm b, c khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 45 tỷ đồng; cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 

Trong vụ án, bị can Hai là người có trách nhiệm vai trò chính. Những người còn lại bị truy tố cùng tội danh giữ vai trò đồng phạm. 

Đối với cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong, cơ quan truy tố cáo buộc thời điểm phạm tội, bị can là Giám đốc Sở Tài chính, có vai trò là người đứng đầu sở, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của sở, trong đó có quản lý tài chính về đất đai và xác định giá đất cụ thể. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Phong đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát, đối chiếu lại các quy định của Luật đất đai, Luật giá về việc xác định giá đất cụ thể. 

Những sai phạm của ông Phong dẫn đến UBND tỉnh Bình Thuận không có biện pháp thu hồi kịp thời, để cho các sở ngành liên quan và Công ty Tân Việt Phát thực hiện việc giao đất, thuê đất. (Tienphong.vn 02/02, Hoàng An)Về đầu trang

Thủ tướng kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký thay Thủ tướng quyết định kỷ luật ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Dương Ngọc Long, Vũ Hồng Bắc đều là nguyên Chủ tịch của tỉnh này. 

Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng. 

Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày 23.12.2022 theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với các ông: Dương Ngọc Long và Vũ Hồng Bắc, đều là nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 và 2015-2020. 

Ngoài ra các ông: Nhữ Văn Tâm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đoàn Văn Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng bị kỷ luật cảnh cáo. 

Trước đó, tại kỳ họp 24 vào ngày 20 - 21.12.2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật khiển trách ông Lê Quang Tiến và cảnh cáo các ông: Dương Ngọc Long, Vũ Hồng Bắc, Nhữ Văn Tâm, Đoàn Văn Tuấn. 

Theo Ủy ban Kiểm tra  Trung ương, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thái Nguyên đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh, một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công, quản lý khu công nghiệp, các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; một số cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam.  

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, một số nội dung khó khắc phục gây bức xúc trong dư luận làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. (Laodong.vn 02/02, PV)Về đầu trang

Kỷ luật nguyên lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam

Ngày 2/2, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Đà Nẵng thông tin về kết quả kỳ họp thứ 17.  

Kỳ họp đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh Đạo, đảng viên Chi bộ Dược - Điều dưỡng, Đảng ủy bộ phận Trường Y Dược, Đảng bộ Trường Đại học Duy Tân thuộc Đảng bộ quận Hải Châu. 

Ông Đinh Đạo nguyên là Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam. 

Với vai trò Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, ông Đinh Đạo chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những hạn chế, khuyết điểm trong việc xây dựng, thực hiện quy chế làm việc của Đảng ủy, để một số cán bộ, đảng viên của Bệnh viện vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm y tế, phải xử lý hình sự. 

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh Đạo bằng hình thức Khiển trách. (Dantri.com.vn 02/02, Hoài Sơn)Về đầu trang

Thực hư thông tin cán bộ hải quan gây áp lực, yêu cầu khách “xuống máy bay xóa bài Facebook”

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài - Cục Hải quan TP Hà Nội - cho biết đã yêu cầu cán bộ hải quan viết tường trình vụ “lời qua tiếng lại" với nữ hành khách, để làm rõ thông tin bị tố lên máy bay lúc sắp cất cánh yêu cầu hành khách xóa bài đăng trên Facebook. 

Theo phản ánh của chị N.T.T., vào lúc 0h sáng ngày 29/1, gia đình chị đang làm thủ tục ở sân bay Nội Bài để chuẩn bị sang Nhật. Trong lúc xếp hàng làm thủ tục, 2 con nhỏ của chị T. đi vệ sinh (do bà ngoại dẫn) rồi sau đó trở lại chỗ chị làm thủ tục.

Lúc này, 3 bà cháu bắt gặp ông Nguyễn Phúc Hải được cho là đang làm thủ tục check-in cho người quen. Vị này quát lớn 3 bà cháu và đuổi ra khỏi khu vực. Thấy cách hành xử thiếu chuẩn mực, chị T. trao đổi lại và nhận phản hồi từ vị này rằng “không phải nhân viên nên không cần lịch sự”. Bức xúc trước hành xử của cán bộ hải quan, chị T. đăng vụ việc lên một group lớn trên Facebook. 

Điều đáng nói, sau khi lên máy bay và ổn định chỗ ngồi, chị T. liên tục nhận được yêu cầu từ một nhân viên đề nghị 3 mẹ con phải xuống máy bay kèm theo hành lý xách tay để kiểm tra lại. Tuy nhiên, vì máy bay sắp cất cánh và nếu xuống sẽ khiến cả chuyến bay delay (trễ) nên sau đó tiếp viên hàng không không cho nhân viên này đưa 3 mẹ con chị T. xuống. 

Người nhân viên 3 lần đưa ra yêu cầu bất thường nói trên. Chị T. cho biết, sau khi thấy chị không xuống được, vị cán bộ hải quan đã từ bên ngoài bước hẳn vào trong máy bay và lấy giấy bút yêu cầu chị T. viết cam kết xóa bài đăng và không được sử dụng hình ảnh. 

“Tôi rất bức xúc vì việc này mà cán bộ hải quan đã nói dối, yêu cầu 3 mẹ con phải vác theo hành lý đi từ cuối máy bay đến cửa ra. Từ lúc xảy ra sự việc, phía hải quan cũng chưa có thông tin phản hồi hay xin lỗi gì. Mọi yêu cầu và việc lên máy bay lúc cất cánh của cán bộ hải quan đều có căn cứ và có mọi người làm chứng", chị T. chia sẻ với Tiền Phong. 

Trao đổi với Tiền Phong ngày 1/2, ông Đỗ Mạnh Hùng - Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài - cho biết, cán bộ hải quan phải giải trình là ông Nguyễn Phúc Hải - Đội phó Đội thủ tục hành lý xuất khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. 

Theo ông Hùng: “Trong tường trình, anh Hải giải thích, trong lúc làm thủ tục check-in có thấy hai cháu nhỏ đi từ nhà vệ sinh chạy thẳng vào khu vực làm thủ tục. Thấy vậy, anh đã yêu cầu quay lại khu vực đầu để xếp hàng. Lúc đó, mẹ của 2 cháu có ra trao đổi rồi hai bên có lời qua tiếng lại. 

Hiện đơn vị đã yêu cầu ông Hải chấn chỉnh tác phong giao tiếp. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ cần đúng lễ tiết của ngành, đồng thời rút kinh nghiệm từ việc này". 

Về phản ánh việc Đội phó Đội thủ tục hành lý xuất khẩu lên tận máy bay khi sắp cất cánh để yêu cầu hành khách xóa bài đăng trên Facebook, ông Hùng nói: “Theo video anh Hải quay gửi tường trình cho thấy bản thân anh chỉ đứng ở khu vực ống lồng rồi nhờ bộ phận tiếp viên nói với hành khách xóa bài đăng chứ không lên máy bay. Từ trước đến nay, chưa có trường hợp hải quan lên máy bay kiểm tra hành lý hành khách bao giờ, bởi hành lý xuất nhập cảnh đã được kiểm tra tại mặt đất”. 

"Việc này chúng tôi cũng đã nhắc nhở. Tuy nhiên, đây là vụ việc cá nhân giữa hai người, chứ không nằm trong thủ tục hải quan của chi cục. Sau khi lùm xùm xảy ra, chúng tôi cũng chưa liên hệ được với nữ hành khách do người này ở bên Nhật. Hiện, Chi cục đã có văn bản báo cáo Cục Hải quan TP Hà Nội để báo cáo Tổng cục Hải quan”, ông Hùng thông tin. 

Được biết, sau khi nghe lời giải thích từ phía hải quan, nữ hành khách T. tỏ ra chưa đồng tình. (Tienphong.vn 02/02, Dương Hưng)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Ấn Độ tăng ngân sách quốc phòng, để mắt tới Trung Quốc

Ngày 1-2, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã công bố báo cáo ngân sách năm 2023, trong đó tăng 13% ngân sách quốc phòng của nước này, lên gần 5.940 tỉ rupee (gần 73 tỉ USD). 

Theo hãng tin Reuters, động thái này của New Delhi nhằm bổ sung thêm máy bay chiến đấu và xây đường dọc theo các tuyến biên giới đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc. 

Bà Sitharaman cho biết đã phân bổ 1.630 tỉ rupee (gần 20 tỉ USD) đầu tư cho quốc phòng, gồm trang bị vũ khí mới, máy bay, tàu chiến và các thiết bị quân sự khác. Bà cho biết 2.770 tỉ rupee sẽ được dành để trả lương và phúc lợi cho quân nhân tại ngũ, và 1.380 tỉ rupee cho lương hưu và số còn lại dành cho các khoản chi khác. 

Mối quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới đang căng thẳng vì tranh chấp biên giới, thương mại và công nghệ. Ấn Độ cũng đang nỗ lực tách khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh và New Delhi xảy ra đụng độ quân sự biên giới ở vùng Ladakh vào năm 2020. 

Trong vài năm qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tăng cường chi tiêu để hiện đại hóa quân đội, đồng thời nhấn mạnh cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước để cung cấp cho các lực lượng được triển khai dọc theo khu vực biên giới đang tranh chấp. 

Ông Laxman Behera - chuyên gia quốc phòng tại ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) - nhận định việc tăng ngân sách quốc phòng là "hợp lý nhưng chưa đủ", và cần xét đến các yêu cầu hiện đại hóa quân đội. (Plo.vn 02/02, Dương Khang)Về đầu trang

Indonesia: Xây dựng hệ sinh thái hậu cần

Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch xây dựng Hệ sinh thái hậu cần quốc gia (NLE) với 14 cảng biển và cảng hàng không trên khắp cả nước nhằm hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp hậu cần và phân phối trong nước. 

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết, NLE cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin liên quan đến các quy định, quy trình và yêu cầu. Việc thiết lập NLE nhằm đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh ở Indonesia, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn. 

Trước đó, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto khẳng định, NLE được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả hậu cần quốc gia bằng cách tích hợp quy định của chính phủ với các nền tảng hậu cần đang hoạt động. Theo ông Airlangga, tính đến tháng 12-2022, NLE với tổng cộng 42 kế hoạch hành động đã đạt 90,5% công việc. (Sggp.org.vn 02/02, Văn Đỗ)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

06