Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 16/4/2024

Font size : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Ghép tên xã theo kiểu “công bằng máy móc” sẽ tạo ra những cái tên nực cười

2.        Sắp xếp đơn vị hành chính: Tránh tạo ra những cú sốc văn hóa

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

3.        Hậu Giang đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trở lên

QUYẾT SÁCH MỚI

4.        Bộ Nội vụ thống nhất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

5.        CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam, tăng khoản chi cho nhà cung cấp địa phương

6.        Bình Định “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư để hút dòng vốn lớn

7.        Vĩnh Phúc tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư từ Singapore

8.        Ninh Bình: Nhiều dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách bị chậm tiến độ

9.        Công ty FDI tố bị “ngâm hồ sơ" được Cục Thuế Đồng Nai giải quyết

QUẢN LÝ

10.     TP.HCM lập tổ đánh giá công tác phòng chống tham nhũng

11.     Bộ Tư pháp kiểm tra Quy chế tổ chức họp báo của Cần Thơ và Quảng Ngãi

12.     Quảng Nam: Xử nghiêm cán bộ, công chức chậm tiếp nhận xử lý thủ tục hành chính

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

13.     Phú Yên: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh bị phạt 3 năm tù treo

 

TIÊU ĐIỂM

Ghép tên xã theo kiểu “công bằng máy móc” sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Trong năm 2024 này, có đến 50 huyện và hơn 1.200 xã trên cả nước sẽ được sáp nhập nhằm tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công. Do đó, chuyện đặt tên gây tranh cãi như Đôi Hậu rất có thể sẽ xảy ra ở nhiều nơi khác nữa, nếu các địa phương ghép tên các địa danh cũ theo kiểu lắp ghép của ngành cơ khí.

Có lẽ các đơn vị liên quan ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) không thể  ngờ dư luận lại phản ứng mạnh đến như vậy với đề xuất của huyện về cái tên sẽ đặt cho xã mới sắp ra đời sau khi sáp nhập hai xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu. Họ không làm gì sai vì cái tên “Đôi Hậu” được đặt theo công thức truyền thống (lấy một chữ trong tên của hai xã rồi ghép với nhau), và áp dụng nguyên tắc công bằng, xã nào cũng không bị thiệt vì mất tên.

Thế nhưng công thức có vẻ đúng ấy lại cho ra kết quả mà rất nhiều người cho là… sai sai. Dân Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu khó mà tị nạnh khi “ai cũng sẽ phải đi sửa giấy tờ”, nhưng dân hàng huyện, hàng tỉnh lại đang cảm thấy bị thiệt, vì một địa danh gắn với những giá trị cao quý sắp biến mất, thay vào đó là cái tên khá vô nghĩa. Không rõ hai chữ “Quỳnh Đôi” có nghĩa là gì, nhưng ý nghĩa của địa danh này được tạo ra từ bề dày lịch sử, văn hóa của nó.

Trong tâm thức người Việt Nam, Quỳnh Đôi là chốn địa linh nhân kiệt, là đất học, đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài, đặc biệt là các danh nhân văn hóa. Vì thế, bất kể nghĩa gốc của từng chữ là gì, cái tên Quỳnh Đôi nghe thật đẹp và duyên dáng, là niềm tự hào của không chỉ người dân trong xã. Bởi thế mà khi bị đặt cạnh nó để so sánh, cái tên Đôi Hậu trở nên thô kệch, vô duyên và vô hồn.

Đương nhiên, những người làm công tác quản lý nhà nước gặp rất nhiều cái khó khi đưa ra những đề xuất, quyết định cần đảm bảo sự công bằng. Lãnh đạo và các cán bộ huyện Quỳnh Lưu cũng như nhiều huyện khác trên khắp đất nước khá đau đầu khi nghĩ phương án khiến người dân các xã sắp sáp nhập thấy công bằng, mà dư luận cũng chấp nhận. Nhưng nên nhớ rằng sự linh hoạt luôn cần thiết trong bất cứ loại công tác nào.

Dù là cách nào thì cũng nên ứng xử với địa danh dưới góc nhìn văn hóa để tránh tạo ra những cái tên ghép ngô nghê, buồn cười hoặc nhạt nhẽo, vô cảm. Nếu địa danh chỉ đơn thuần để quản lý hành chính, đáp ứng các nguyên tắc hành chính khô cứng, máy móc thì chỉ cần đánh số là xong, đâu cần đau đầu bàn bạc và tranh cãi về chuyện đặt tên. (VTCNews.vn 15/4, Hoàng Đức)Về đầu trang

Sắp xếp đơn vị hành chính: Tránh tạo ra những cú sốc văn hóa

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, điều quan trọng nhất khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính là “không tạo ra những cú sốc về văn hóa”.

Chúng ta đang thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025. Nhiều ý kiến băn khoăn với tên đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập. Ông Chức cho biết theo dõi trên báo chí, mạng xã hội, nhiều người rất bức xúc với việc sẽ bị mất tên xã, tên phường, mất đi một cái gì đã đi vào trái tim, tâm hồn của họ. Ông nhất trí với ý kiến bức xúc đó. Tên xã, tên phường nhiều khi không chỉ là tên gọi, nó đã thấm đẫm vào từng người dân, là tình yêu, tình cảm đặc biệt của mỗi người với quê hương. Vì thế, khi đặt tên đơn vị hành chính mới cần hết sức cân nhắc.

Việc sáp nhập, không chỉ dựa theo luật, mà còn phải quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, người dân địa phương. Cũng phải tính đến sự khác biệt về văn hoá. Có khi chỉ cách nhau luỹ tre, con đường mà nhiều tập tục đã khác nhau. Làm sao khi sáp nhập phải tạo sự đoàn kết, hoà nhập.

Chúng ta đã có kinh nghiệm như khi sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây về Hà Nội. Ban đầu cũng nhiều khó khăn, nhưng rồi kết quả cho thấy không có cú sốc văn hoá nào.

Tiến sĩ Chức cho rằng, quan trọng nhất khi sáp nhập đơn vị hành chính là cố gắng không tạo ra những cú sốc về văn hoá. Như thế mới có kết quả tốt đẹp. Trong lịch sử đã có nhiều địa phương phải chia tách, sáp nhập. Có những nơi kỷ niệm tái lập như một ngày hội. Các cơ quan chức năng phải làm thế nào để việc sáp nhập cũng tưng bừng như thế, là một sự kiện vui vẻ; tránh để việc sáp nhập thành niềm vui của người này, nỗi buồn của người kia.

Cũng theo ông Chức, việc ghép tên đơn vị hành chính mới từ tên đơn vị hành chính cũ đã có nhiều, như Hà Sơn Bình, Hà Tuyên, Phú Khánh, Bình Trị Thiên… Câu chuyện đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, như tôi nói, là rất khó.

Nếu không ghép tên thì thực hiện như thế nào. Lấy tên của một xã, phường rồi bỏ tên một xã, phường cũng rất khó khăn. Ông Chức cho rằng, việc đặt tên đơn vị hành chính mới cần dựa trên quan điểm, tên xã, phường không chỉ là tên gọi mà nhiều khi là tình cảm, tình yêu, là văn hoá, là ý chí, niềm tự hào của người dân để cân nhắc.

Để làm hài lòng tất cả mọi người khi đặt tên đơn vị hành chính mới là điều không đơn giản. Phải chia sẻ khó khăn này với các cơ quan, đơn vị thực hiện. Ví dụ, nhập xã An Bình với Quyết Thắng thì lấy tên gì? Ghép mỗi xã một chữ liệu có ổn không? Hay đặt tên mới là An Bình Quyết Thắng? Người dân có đồng ý hay không?

Theo ông Chức, khi đặt tên đơn vị hành chính mới, cần một cách làm bài bản, từ tốn, thuyết phục và có sự nhường nhịn lẫn nhau. Phải có sự chuẩn bị, tuyên truyền, bàn bạc để mọi người cùng thống nhất. Cán bộ địa phương cũng cần làm việc có tâm, không mang tính cục bộ, địa phương, cá nhân chủ nghĩa. Cách ứng xử cần có văn hoá, nhìn trước nhìn sau, vì lợi ích chung mà có thể hy sinh điều này, điều khác…

Đây là một cuộc cách mạng chứ không hề đơn giản, sẽ động chạm đến tất cả các vấn đề từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, an ninh, quốc phòng, đời sống của nhân dân. Chủ trương thì đúng rồi, nhưng phải làm thận trọng, bài bản, từng bước; không được làm theo phong trào, làm cho xong.

Ngoài việc đặt tên, cần chú trọng đến công tác cán bộ, quan tâm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân nơi phải sáp nhập…

Rõ ràng, việc sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có việc đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là một câu chuyện dài, có nhiều ý kiến khác nhau. Không dễ để có phương án hài lòng với tất cả mọi người. Kiểu ghép tên, ghép chữ, bỏ tên này, giữ tên kia đều từng làm rồi. Nếu không cẩn thận sẽ nảy sinh chuyện này, chuyện kia.

Việc cần làm là bình tĩnh, chia sẻ, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống người dân, nâng cao hoạt động của bộ máy chính quyền sau sáp nhập. Trong công cuộc đổi mới nào mà không có sự nhường nhịn, nếu không nói là phải có sự hy sinh, mất mát để được cái lớn hơn. (Tienphong.vn 15/4, Trương Phong)Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Hậu Giang đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trở lên

Để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đạt từ 95% trở lên.

Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư phải hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn kéo trước ngày 1/10. Đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, đến ngày 31/12 giải ngân tối thiểu đạt 93%; đến khi kết thúc niên độ ngân sách vào 31/1/2025, giải ngân phải đạt từ 95% trở lên.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm; kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân có liên quan. Các ngành, địa phương và chủ đầu tư tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc từng dự án, góp phần phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tạo động lực lan tỏa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Định kỳ hàng quý, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chủ trì làm việc với các ngành, địa phương, chủ đầu tư về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đây, giải quyết nhanh các tồn tại, vướng mắc trong giải ngân vốn; xác định và xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các dự án giải ngân chậm tiến độ.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo đối với các dự án hoàn thành trong năm 2024, các chủ đầu tư tập trung hoàn thành các hạng mục công trình, nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; khẩn trương lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đảm bảo theo đúng thời gian quy định.

Đối với dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2024, tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo chất lượng công trình, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về nguyên, vật liệu trong quá trình thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để đủ điều kiện thanh toán cho nhà thầu. Đối với các dự án khởi công trong năm 2024, chủ đầu tư khẩn trương lập hồ sơ thiết kế và dự toán, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu triển khai thi công.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các chủ đầu tư rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án không có khả năng giải ngân hết vốn sang các dự án có khả năng giải ngân cao, dự án có nhu cầu bổ sung vốn.

Kho bạc Nhà nước Hậu Giang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện thanh toán vốn, thanh toán ngay cho các dự án có đủ điều kiện giải ngân. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của tỉnh.

Đến 31/3, tổng số Kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Hậu Giang phân bổ trên 6.800 tỷ đồng. Tỉnh đã giải ngân trên 1.300 tỷ đồng, đạt khoảng 20% kế hoạch. (TTXVN 15/4, Nguyễn Hằng) Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Bộ Nội vụ thống nhất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024

Bộ Nội vụ đã thống nhất với Bộ LĐTB&XH thời điểm tăng lương tối thiểu năm 2024 vào ngày 1/7, trùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước. Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH rà soát việc điều chỉnh lương tối thiểu phải bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019.

Cụ thể là mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trước đó, cuối tháng 3/2024, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo Nghị định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Bộ LĐTB&XH đề xuất mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng. Cụ thể, Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I là: 4.960.000 đồng/tháng; Vùng II là: 4.410.000 đồng/tháng; Vùng III là: 3.860.000 đồng/tháng; Vùng IV là: 3.450.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 đồng – 280.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024 để cải thiện cho người lao động; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.

Mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và DN, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của DN.

Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ cũng được điều chỉnh tăng theo 4 vùng là: Vùng I là: 23.800 đồng/giờ; Vùng II là: 21.200 đồng/giờ; Vùng III là: 18.600 đồng/giờ; Vùng IV là: 16.600 đồng/giờ.

100% thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất và khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu tháng và lương tối thiểu giờ như trên.

“Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu tháng và bổ sung mức lương tối thiểu giờ sẽ góp phần hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu của Việt Nam, tăng tính tương thích với các điều ước quốc tế và Việt Nam đang đề xuất gia nhập” – Bộ LĐTB&XH cho hay. (Kinhtedothi.vn 15/4, Thủy Trúc)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam, tăng khoản chi cho nhà cung cấp địa phương

CEO Apple Tim Cook đã đến Việt Nam, nơi ông chia sẻ là một đất nước "sôi động, xinh đẹp". Apple dự kiến công bố tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam nhân dịp này.

Dự kiến, ông Tim Cook sẽ gặp một số nhà sáng tạo nội dung và lập trình viên Việt Nam. Ông chia sẻ sự "hào hứng khi được tới đây kết nối với các sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng, hiểu hơn về sự đa dạng trong cách họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi để làm nên những điều phi thường".

Theo thông báo từ Apple, ngày 15/4, Tập đoàn này sẽ công bố việc tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam, cùng các tiến triển mới trong sáng kiến hỗ trợ nước sạch cho các trường học địa phương.

Cũng theo thông báo, trong năm 2024 này, Tập đoàn sẽ mở rộng chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật để thúc đẩy sự hòa nhập, mang đến cơ hội lớn hơn cho họ trong chuỗi cung ứng.

Apple cũng sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình trong Quỹ phát triển nhân viên của nhà cung cấp trị giá 50 triệu USD, khi tập đoàn tăng cường khoản đầu tư cho các nhà cung cấp Việt Nam.

Nói thêm về chuyến đi đến Việt Nam, ông Tim Cook chia sẻ Apple luôn nỗ lực xây dựng những mối liên kết sâu sắc và mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dân ở nơi tập đoàn này hoạt động.

Trong đó có việc hợp tác với các nhà cung cấp địa phương, hỗ trợ các dự án cung cấp nước sạch và các cơ hội giáo dục khác. "Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tăng cường các kết nối tại Việt Nam", ông Tim Cook khẳng định. (Tuoitre.vn 15/4, Duy Linh)Về đầu trang

Bình Định “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư để hút dòng vốn lớn

Năm 2024, Bình Định sẽ dự kiến tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để hút vốn, qua đó tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn sắp tới.

Theo đó, năm 2024, UBND tỉnh Bình Định đã giao chỉ tiêu thu hút 100 dự án cho các sở, ban ngành. Trong đó, Sở KH&ĐT được giao thu hút mới 70 dự án (tăng 38 dự án), Ban Quản lý Khu kinh tế được giao thu hút 30 dự án (tăng 2 dự án) so với năm 2023. Đồng thời đảm bảo 1.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Định hướng thu hút đầu tư được tập trung vào 5 trụ cột chính, gồm: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Ngoài ra Bình Định cũng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.

Để thực hiện thu hút đầu tư, Sở KH&ĐT đã thường xuyên liên lạc và hỗ trợ các thông tin, thủ tục pháp lý của những dự án trọng điểm. Đồng thời phối hợp với Sở Công Thương chuẩn bị quỹ đất, hạ tầng kỹ thuật trong các cụm công nghiệp để sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngay đầu năm 2024, Sở KHĐT cũng đã phối hợp với Sở TN&MT tiếp tục triển khai kêu gọi đấu giá quyền sử dụng đất 10 dự án năm 2023 chưa thực hiện được. Bên cạnh đó thường xuyên đôn đốc các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp, ít nhất mỗi địa phương từ 20 - 30 ha/năm, nhằm đảm bảo diện tích đất "sạch" sẵn sàng thu hút đầu tư các dự án mới theo chủ trương của tỉnh.

Bình Định cũng chủ động thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư lớn có uy tín, đối tác là quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.... Chú trọng việc đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Trong năm 2024, Bình Định dự kiến sẽ tiếp tục mời các tổ chức uy tín về khảo sát thực tế tại tỉnh từ đó làm cầu nối đến các nhà đầu tư tiềm năng trên toàn thế giới. Đặc biệt tập trung vào các dự án lớn, trọng điểm có thể làm thay đổi căn bản kinh tế - xã hội của tỉnh. Đơn cử, các dự án điện gió, các dự án về hệ thống cảng hay những dự án sản xuất mới kể cả nhà máy thép

Bên cạnh thu hút các dự án mới, Bình Định cũng yêu cầu các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phải chủ động thu hút nhà đầu tư. Từ đó hấp dẫn và tăng lượng vốn FDI đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn tới. (Stockbiz.vn 15/4)Về đầu trang

Vĩnh Phúc tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư từ Singapore

Ngày 15/4, Đoàn công tác của Đại sứ Cộng hòa Singapore do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại sứ Jaya Ratnam cho biết, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp Singapore đang muốn tìm hiểu cơ hội hợp tác với tỉnh Vĩnh Phúc trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch. Singapore cam kết tăng cường hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong 5 năm tới, Singapore sẵn sàng hỗ trợ Vĩnh Phúc đào tạo, nâng cao trình độ cho khoảng 500 cán bộ, lao động tay nghề cao, nhất là lĩch vực logistics. Đại sứ Jaya Ratnam mong muốn, tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Singapore triển khai các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại tỉnh, đặc biệt là trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, du lịch…

Chào mừng Đoàn công tác của Đại sứ Cộng hòa Singapore tới thăm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An đánh giá cao những hoạt động hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Phúc và Singapore đã góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa 2 quốc gia, trong đó được cụ thể hóa bằng nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Vĩnh Phúc cũng như các tiềm năng, cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mong muốn trên cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Singapore tại Việt Nam, ngài Jaya Ratnam tiếp tục là cầu nối thúc đẩy mối quan hệ giữa Singapore với Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, kết nối doanh nghiệp Singapore đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư với Vĩnh Phúc trên các lĩnh vực thế mạnh mà tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư.

Ông Dương Văn An khẳng định, Vĩnh Phúc sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án triển khai đúng tiến độ. Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thảo luận để có hướng hợp tác chặt chẽ hơn với Singapore nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. (TTXVN 15/4, Nguyễn Thảo) Về đầu trang

Ninh Bình: Nhiều dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách bị chậm tiến độ

Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách bị chậm tiến độ.

Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Bình, đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngoài ngân sách có thời gian hoàn thành trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra hiện có 34 dự án đang bị chậm tiến độ. Trong đó có 23 dự án chậm tiến độ đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành các thủ tục pháp lý, đang triển khai thực hiện có 7 dự án chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan.

Đối với 16 dự án chậm tiến độ vì nguyên nhân chủ quan, UBND tỉnh Ninh Bình giao UBND cấp huyện chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền, Sở Kế hoạch và Đầu tư xử phạt vi phạm hành chính việc nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án chậm tiến độ, không đúng theo giấy chứng nhận đầu tư, trên cơ sở kết quả xử lý, xem xét nếu đủ điều kiện, thực hiện hướng dẫn nhà đầu tư điều chỉnh dự án theo quy định pháp luật.

10 dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng hoặc đã thỏa thuận giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành hồ sơ thuê đất. Nguyên nhân do một số nhà đầu tư không tích cực giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ để được cấp đất thực hiện dự án. UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xử phạt vi phạm hành chính việc nhà đầu tư thực hiện dự án chậm tiến độ, không theo đúng giấy chứng nhận đầu tư; giao UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền.

Đối với 7 dự án chậm tiến độ đã có kết luận chỉ đạo, một số dự án đã được UBND tỉnh cho phép điều chỉnh, đến nay các nhà đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ gia hạn tiến độ để thực hiện dự án. Việc này, UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xử phạt vi phạm hành chính việc nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án chậm tiến độ, không đúng theo quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, UBND cấp huyện xử lý vi phạm theo thẩm quyền, đồng thời đôn đốc, yêu cầu nhà đầu tư điều chỉnh và thực hiện dự án theo quy định. (Baoxaydung.com.vn 15/4, Anh Tú) Về đầu trang

Công ty FDI tố bị “ngâm hồ sơ" được Cục Thuế Đồng Nai giải quyết

Liên quan đến việc lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo “nóng” yêu cầu chấn chỉnh tình trạng “ngâm hồ sơ" của doanh nghiệp FDI, Cục Thuế Đồng Nai cho biết, vừa hoàn thành giải quyết hồ sơ, ban hành thông báo nộp tiền về lệ phí trước bạ nhà, đất đối với Công ty TNHH phát triển khu công nghiệp Long Bình.

Đây là doanh nghiệp đã lên tiếng khi hồ sơ bị chậm trễ tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Đồng Nai với 300 doanh nghiệp FDI cách đây 15 ngày.

Trả lời phóng viên, Phó Cục trưởng Cục thuế Đồng Nai Đậu Đức Anh cho biết, trên đây chỉ là một trong ba hồ sơ mà Công ty Long Bình nộp làm thủ tục tại các cơ quan chức năng. Ngoài giải quyết hồ sơ ra thông báo số 225 nộp tiền về lệ phí trước bạ nhà, đất, Cục Thuế Đồng Nai đang đốc thúc các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết hai hồ sơ còn lại của doanh nghiệp.

Do một số thông tin chưa chính xác nên cần thời gian để ngành chức năng xác minh. Cụ thể, sau khi nhận được đề nghị của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Sở Xây dựng Đồng Nai thông tin, đang tiếp tục xác định cấp nhà, cấp công trình và diện tích sàn xây dựng đối với các hạng mục công trình theo hồ sơ Công ty Long Bình để làm cơ sở cung cấp cho Cục Thuế Đồng Nai xác định nghĩa vụ tài chính.

"Chúng tôi cam kết hồ sơ của Công ty Long Bình hay bất cứ doanh nghiệp nào cũng được Cục Thuế Đồng Nai tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết trong thời gian theo quy định, thậm chí trước hạn. Tuy nhiên, quá trình xử lý phải đúng theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, nhiều hồ sơ thiếu thông tin về đất đai buộc Cục Thuế phải đề nghị làm rõ, vì chỉ cần xác định sai để tính thuế có thể ngân sách sẽ thất thoát lớn”, ông Đức Anh cho hay.

Trước đó tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Đồng Nai với hơn 300 doanh nghiệp FDI trên địa bàn vừa qua, đại diện Công ty Long Bình trực tiếp phản ánh hồ sơ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, thuế của đơn vị đã bị “ngâm” quá lâu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lúc này, lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân chậm giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp trên là do phía Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển thiếu thông tin sang cơ quan thuế. Hiện đơn vị đã chuyển hồ sơ ngược lại đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai bổ sung theo quy định.

Phản bác lại điều này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường viện dẫn, theo quy định sau 5 ngày chuyển hồ sơ, Cục Thuế phải có ý kiến trả lời, nhưng nhiều sự việc phải chờ hai đến ba tháng mới nhận được nội dung phản hồi.

Trước sự việc này, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu rà soát quy trình thủ tục một cửa, xem xét trách nhiệm chậm trễ thuộc về đơn vị nào để chấn chỉnh, giải quyết kịp thời. Tỉnh luôn xác định nhất quán phương châm “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, theo đó, yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch, nhanh chóng trên tinh thần thượng tôn pháp luật. (Nhandan.vn 15/4, Thiên Vương)Về đầu trang

QUẢN LÝ

TP.HCM lập tổ đánh giá công tác phòng chống tham nhũng

UBND TP.HCM vừa có quyết định về việc thành lập tổ công tác đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng năm 2023 trên địa bàn.

 

Thành viên tổ công tác do ông Đặng Minh Đạt, chánh Thanh tra TP, làm tổ trưởng, ông Trần Quốc Trung, phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy, làm tổ phó; 11 thành viên gồm nhân sự từ các đơn vị như Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Tòa án nhân dân TP, Viện kiểm sát nhân dân TP…

Tổ trưởng tổ công tác và các thành viên được quyền trưng dụng, phân công bố trí cán bộ công chức thuộc đơn vị giúp việc cho tổ công tác theo chế độ kiêm nhiệm.

Tổ công tác sẽ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc đánh giá, báo cáo của các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.

Tham mưu thực hiện việc đánh giá, xây dựng báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 trên địa bàn TP.HCM trình UBND TP báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định. Sau khi hoàn thành việc thực hiện đánh giá, tổ công tác tự giải thể.

Trước đó, tháng 3, Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023.

Theo yêu cầu của Tổng Thanh tra Chính phủ, việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng phải đảm bảo khách quan, khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, tổ chức rà soát, đánh giá báo cáo tự đánh giá công tác phòng chống năm 2023 của các địa phương từ tháng 6/2024. Sau đó tổng hợp, xây dựng và hoàn thiện báo cáo vào tháng 7, báo cáo Chính phủ về kết quả đánh giá trước 30/8. (Tuoitre.vn 15/4, Cẩm Nương – Tiến Long)Về đầu trang

Bộ Tư pháp kiểm tra Quy chế tổ chức họp báo của Cần Thơ và Quảng Ngãi

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vào cuộc kiểm tra Quy chế tổ chức họp báo do UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành đang gây xôn xao dư luận.

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết cơ quan này sẽ tổ chức cuộc họp với đại diện UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) và một số đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp, để thảo luận về Quy chế tổ chức họp báo do 2 địa phương này ban hành.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí về việc Cần Thơ, Quảng Ngãi ban hành văn bản quy định về họp báo "có một số vấn đề chưa phù hợp".

"Việc kiểm tra văn bản như thế này là hoạt động thường xuyên của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khi nhận được phản ánh. Khi có kết quả cuộc họp, chúng tôi sẽ thông tin tới báo chí", ông Huy nói và cho biết cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 17/4 tại trụ sở Bộ Tư pháp.

"Quy chế tổ chức họp báo của tỉnh Quảng Ngãi cũng có những vấn đề tương tự Cần Thơ nên chúng tôi tiến hành kiểm tra luôn", Cục trưởng Hồ Quang Huy thông tin.

Trước đó, UBND TP Cần Thơ ban hành Quy chế tổ chức họp báo (có hiệu lực từ tháng 4/2024) quy định tổ chức họp báo định kỳ mỗi quý một lần hoặc họp đột xuất khi có chuyên đề, sự việc quan trọng theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP.

Đáng chú ý, quy chế của Cần Thơ yêu cầu cơ quan, văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời; trang phục, tác phong lịch sự và gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày.

Phóng viên, nhà báo khi đặt câu hỏi bổ sung tại cuộc họp báo phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, đúng trọng tâm và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác. Việc này đang gây xôn xao dư luận khi nhiều ý kiến cho rằng chưa phù hợp với Luật Báo chí. (Dantri.com.vn 14/4, Phùng Minh)Về đầu trang

Quảng Nam: Xử nghiêm cán bộ, công chức chậm tiếp nhận xử lý thủ tục hành chính

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức chậm tiếp nhận, quá hạn trong xử lý hồ sơ thủ tục hành chính.

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo rà soát, xử lý dứt điểm các hồ sơ trực tuyến được nộp từ Cổng dịch vụ công quốc gia quá hạn đang xử lý tính đến ngày 31/3/2024;

Phân công công chức, viên chức đối chiếu, kiểm tra nguyên nhân từng hồ sơ quá hạn đang xử lý; lập, tổng hợp danh sách cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý để xảy ra tình trạng hồ sơ chậm tiếp nhận, quá hạn xử lý trong Quý I/2024, báo cáo về UBND tỉnh; tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thành chậm nhất là ngày 26/4/2024. (Baoquangnam.vn 15/4, Phương Thuận)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Phú Yên: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh bị phạt 3 năm tù treo

Sáng 15/4, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Đình Cự (SN 1956, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) và bị cáo Đỗ Duy Vinh (SN 1956, cựu Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. HĐXX đã tuyên phạt 2 bị cáo này 3 năm tù cho hưởng án treo.

Theo cáo trạng, từ tháng 11/2012 - 1/2013, các bị cáo Cự và Vinh biết thửa đất số 76 được UBND tỉnh Phú Yên giao đất cho Công ty Pymepharco nhưng công ty này không triển khai thực hiện dự án, thuộc trường hợp phải thu hồi đất.

Tuy nhiên, bị cáo Cự và Vinh vẫn làm các thủ tục cho Công ty Pymepharco chuyển nhượng quyền sử dụng đất của thửa đất này cho Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh Phú Yên để xây dựng trụ sở không đúng quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Tại phiên toà, các bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Bên cạnh đó, các bị cáo Cự và Vinh hiện nay đều đã lớn tuổi có nhiều bệnh tật cần có thời gian đi lại để chữa trị. Vì thế, HĐXX xem xét cho các bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng cũng đủ răn đe, giáo dục và ngăn ngừa tội phạm. (Tienphong.vn 15/4, Lữ Hồ) Về đầu trang./.

 

More

05