Bản tin phục vụ Lãnh đạo ngày 03/4/2024

Font size : A- A A+

TIÊU ĐIỂM

1.        Công bố Chỉ số PAPI 2023: Bạc Liêu đứng đầu, Hải Phòng tụt hạng

2.        PAPI 2023: Vẫn còn tình trạng phải “lót tay” để xin việc

3.        Báo cáo PAPI năm 2023: Hiệu quả thực hiện quản trị điện tử khả quan hơn

4.        Chỉ số PAPI 2023: “Mỏ vàng” dữ liệu định lượng, công cụ đo lường đáng tin cậy

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

5.        Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công trung hạn

6.        Giao bổ sung gần 6.500 tỷ đồng làm 3 dự án đường cao tốc

QUYẾT SÁCH MỚI

7.        Nắng nóng gia tăng gay gắt, Thủ tướng yêu cầu ứng phó khẩn

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

8.        Hà Nội thu ngân sách cao nhất nhóm thành phố trực thuộc Trung ương

9.        Hải quan Lào Cai được “khoán” thu hồi nợ thuế cao nhất nước

10.     Lộ diện 5 địa phương tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước quý 1/2024

11.     Chủ tịch TPHCM: Phấn khởi quý I nhưng nhiệm vụ các quý sau rất nặng nề

QUẢN LÝ

12.     Bạc Liêu xác minh tài sản, thu nhập của 29 cán bộ

13.     Quảng Ngãi: Cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

14.     Quảng Trị: Khởi tố Giám đốc và Phó Giám đốc trung tâm đăng kiểm

15.     Đồng Nai: Bắt Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán

 

TIÊU ĐIỂM

Công bố Chỉ số PAPI 2023: Bạc Liêu đứng đầu, Hải Phòng tụt hạng

Sáng 2/4, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023). Kết quả, Bạc Liêu vươn lên đứng đầu cả nước, Hải Phòng cùng Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế sụt giảm.

Kết quả cho thấy năm 2023, 49 tỉnh thành không thay đổi chỉ số thủ tục hành chính công, 10 tỉnh tăng và 4 địa phương suy giảm trên 5% số điểm so với năm 2022. Đứng đầu là Bạc Liệu tăng 7 bậc, đạt 7,63 trên thang điểm 10 (năm 2022 là 7,47; 2021 là 7,4), soán ngôi của Quảng Ninh. Năm nay, Quảng Ninh không được đo lường do khuyết dữ liệu.

Đứng sau Bạc Liêu lần lượt là các tỉnh Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Hưng Yên cùng được 7,55 điểm và Lào Cai 7,46 điểm.

Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, cao nhất là Đà Nẵng 7,23 điểm, Hà Nội 7,16, TP HCM và Cần Thơ nhỉnh hơn 7 điểm. Hải Phòng hai năm liên tiếp ghi nhận sụt giảm từ 7,46 năm 2021 xuống 7,11 năm 2022 và 6,93 điểm năm 2023.

Cùng ghi nhận sự sụt giảm còn có Hải Dương, Vĩnh Phúc (từng đứng đầu năm 2021) và Thừa Thiên Huế. Nếu xét theo chỉ số tổng hợp PAPI năm 2023 gồm 8 chỉ số thành phần, Thừa Thiên Huế đứng đầu cả nước.

Phú Yên đạt điểm chỉ số thủ tục hành chính công thấp nhất (6,67), năm trước đó là 7,01 điểm. Tỉnh Tây Ninh năm 2022 đứng cuối cả nước thì năm 2023 đã vươn lên nhóm có chỉ số trung bình thấp với 7,19 điểm.

Xét về chỉ số thành phần thủ tục hành chính ở cấp xã phường, ba tỉnh Hà Giang, Hà Tĩnh và Bạc Liêu đạt điểm cao nhất 2,6. Vị trí này năm 2022 thuộc về Bắc Ninh, Kiên Giang và Sóc Trăng. Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, Hà Nội và Đà Nẵng cùng 2,41 điểm.

Ở chỉ số thành phần dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Ninh Thuận đã soán ngôi đầu bảng của Ninh Bình. Tỉnh đạt dưới 2 điểm là Quảng Nam.

TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, đánh giá dịch vụ hành chính công liên quan đến cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiêu khê hơn so với chứng thực, xác nhận và thủ tục hành chính do cấp xã thực hiện.

"Thiếu niêm yết công khai phí và lệ phí thủ tục hành chính ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là vấn đề phổ biến ở cấp xã của tất cả tỉnh, thành phố", ông Giang nói. (Vnexpress.net 02/4, Gia Chính)Về đầu trang

PAPI 2023: Vẫn còn tình trạng phải “lót tay” để xin việc

Sáng 2-4, tại buổi công bố báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần thứ 15, đại diện nhóm nghiên cứu PAPI cho biết nhiều người dân đánh giá công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện.

Theo đó, người dân có cảm nhận hiện trạng tham nhũng có xu hướng giảm ở 5/8 hoạt động. Đó là cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng; người dân phải đưa "lót tay" để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính quyền địa phương nhận chung chi để doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường; phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên để con em được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập; người dân phải đưa “lót tay” để được quan tâm hơn khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công.

PAPI 2023 cho thấy còn một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân. Ví như, trong năm 2023, tỉ lệ người dân cho rằng cần phải đưa "lót tay" để xin việc làm trong khu vực Nhà nước cao hơn so với năm 2021, mặc dù tỉ lệ này đã giảm kể từ năm 2016.

Trên phạm vi toàn quốc, có từ 56% đến 62% số người được hỏi cho biết vẫn tồn tại hiện trạng "vị thân" này. Cũng cần nhấn mạnh rằng "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" là chỉ số có mối tương quan mạnh nhất với sự hài lòng chung của người dân đối với công tác quản trị và hành chính công ở địa phương.

Ngoài ra, một bức tranh có màu sắc xám hơn về hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương trong năm 2023. Theo đó, có tới 23 tỉnh, TP có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021, đặc biệt là trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã.

Nếu như từ năm 2018 đến năm 2022, có khoảng 43% đến 46% số người được hỏi trên toàn quốc xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai thì đến năm 2023, tỉ lệ này giảm xuống còn 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019. (Plo.vn 02/4, Minh Trúc)Về đầu trang

Báo cáo PAPI năm 2023: Hiệu quả thực hiện quản trị điện tử khả quan hơn

Một trọng tâm quan trọng khác của Báo cáo PAPI năm 2023 là kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện quản trị điện tử trong thời gian qua.

Kết quả khảo sát PAPI cho thấy những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020.

Mặc dù có tới gần 80% người dân tham gia khảo sát cho biết họ đã dùng internet tại nhà, song “khoảng cách số” trong tiếp cận internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu vẫn là vấn đề đáng quan tâm.

Đáng chú ý là tỉ lệ nam giới có điều kiện sử dụng internet cao hơn 5%-10% so với nữ giới và người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có mức độ tiếp cận internet thấp hơn 10%-20% so với người Kinh qua các năm từ 2016 đến 2023.

Bên cạnh đó, kết quả PAPI năm 2023 cũng cho thấy đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc.

1/3 số người đã dùng cho biết lý do khiến người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến là do lo ngại về quyền riêng tư.

"Một biện pháp thiết thực là thiết kế cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập và sử dụng mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại thông minh. Đặc biệt là người dùng internet ở vùng dân tộc thiểu số và nông thôn" - thành viên nhóm nghiên cứu PAPI - ông Edmund J. Malesky kiến nghị.

Theo ông Edmund, ở nhiều nơi việc triển khai quản trị điện tử vẫn còn cục bộ, buộc người dân phải hoàn thiện và thanh toán các thủ tục, hồ sơ tại cơ quan Nhà nước.

"Những cải cách chưa hoàn chỉnh này đã làm suy yếu nhiều lợi ích của quản trị điện tử như giảm thời gian và tổng chi phí" - ông Edmund nhấn mạnh. (Plo.vn 02/4, Minh Trúc)Về đầu trang

Chỉ số PAPI 2023: “Mỏ vàng” dữ liệu định lượng, công cụ đo lường đáng tin cậy

Sau 15 năm, chỉ số PAPI đã trở thành công cụ đo lường “của dân, do dân và vì dân”, góp phần xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, chính sách thiết thực.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, bà Ramla Khalidi cho biết: "Chỉ số PAPI đóng góp vào việc phát triển bao trùm ở Việt Nam, cung cấp nhiều dữ liệu về nhu cầu cũng như ưu tiên của người dân để đem lại thông tin hữu ích cho việc thiết kế, thực thi các quy định, chính sách pháp luật cấp quốc gia. Từ đó phục vụ người dân tốt hơn, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững".

Đặc biệt, bà Ramla Khalidi cũng như tổ chức UNDP cảm thấy rất vui vì 3 phát hiện quan trọng thông qua chỉ số PAPI, gồm: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thúc đẩy tiềm năng quản trị điện tử, những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020.

Từ năm 2009, Chỉ số PAPI đã lắng nghe 197.779 lượt người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu học phản ánh về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

Với “mỏ vàng” dữ liệu định lượng, Chỉ số PAPI ngày một trở thành một công cụ đo lường “của dân, do dân và vì dân” đáng tin cậy, cung cấp thông tin thực chứng cho quá trình xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan tới người dân, cũng như cho quá trình xây dựng kế hoạch hành động nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân phản ánh qua Chỉ số PAPI của tất cả 63 chính quyền cấp tỉnh.

Trong khuôn khổ Hội nghị, PGS. TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA) đánh giá cao những kết quả đã đạt được của HCMA và UNDP trong hành trình hình thành và phát triển của Bộ chỉ số PAPI.

PGS, TS. Dương Trung Ý chia sẻ: “Nhìn lại những thành tựu hợp tác giữa HCMA và UNDP trong 15 năm qua, có thể thấy chúng ta đang đi đúng hướng, kết quả nghiên cứu đã có tác động tích cực, trực tiếp đến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thực tiễn quản trị công ở các địa phương của Việt Nam,” .

“Các bộ chỉ báo khách quan như PAPI, PCI, hay chỉ số Cải cách hành chính công (PAR Index), một mặt được coi là một căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành địa phương. Mặt khác, cung cấp những gợi ý quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, ông Dương Trung Ý nhấn mạnh. (Congthuong.vn 02/4, Thanh Thúy)Về đầu trang

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công trung hạn

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Công điện nêu rõ, đến nay vẫn còn 6 bộ, cơ quan trung ương, 12 địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để trình cấp có thẩm quyền giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và giao vốn kế hoạch năm 2024 để thực hiện nhiệm vụ, dự án.

Để bảo đảm kịp thời phân bổ vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, sớm đưa vốn vào nền kinh tế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ.

Đối với những dự án đã được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa hoàn thiện thủ tục cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, bảo đảm điều kiện bố trí kế hoạch vốn hàng năm theo quy định, đề xuất bổ sung kế hoạch vốn năm 2024, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/4 để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đối với những dự án dự kiến sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 nhưng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, một số bộ, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục, mức vốn tại các văn bản đã ban hành theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội, gửi danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10 tháng 4 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giao bổ sung.

Sau thời hạn này, trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc điều chỉnh cho các bộ, cơ quan, địa phương, các dự án có đủ điều kiện theo quy định.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, Chính phủ trước ngày 20/4 để trình cấp có thẩm quyền xem xét. (VTV.vn 01/4)Về đầu trang

Giao bổ sung gần 6.500 tỷ đồng làm 3 dự án đường cao tốc

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 258 về việc giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương để thực hiện 3 dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 58/2022/QH15, Nghị quyết số 59/2022/QH15 và Nghị quyết số 60/2022/QH15.

Cụ thể, giao bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải 2.571 tỷ đồng và UBND 8 tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang , Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng với tổng vốn là 3.887 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND 8 tỉnh, thành phố trên căn cứ dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 được giao quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, đúng mục đích, hiệu quả.

Thời gian thực hiện giải ngân số vốn được giao bổ sung thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công.

Bộ Giao thông vận tải và 8 địa phương trên chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này. (Tiền phong 02/4, Văn Kiên)Về đầu trang

QUYẾT SÁCH MỚI

Nắng nóng gia tăng gay gắt, Thủ tướng yêu cầu ứng phó khẩn

Ngày 1/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Chỉ thị số 11 yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Dẫn dự báo của cơ quan chuyên môn về nguy cơ nắng nóng nhiều đợt và gay gắt tại nhiều vùng trên cả nước trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, lên kế hoạch ứng phó phù hợp với các kịch bản nguồn nước của địa phương.

Đồng thời, địa phương cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.

Trường hợp xảy ra thiếu nước, không bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng, đơn vị liên quan phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thiết yếu khác.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu vận hành hiệu quả hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Đối với khu vực như Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo địa phương không để người dân thiếu nước sinh hoạt; huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân khi cần thiết.

Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương chủ động nạo vét kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo địa phương bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước. (Dantri.com.vn 02/4, Hà Mỹ)Về đầu trang

KINH TẾ - ĐẦU TƯ – HỘI NHẬP

Hà Nội thu ngân sách cao nhất nhóm thành phố trực thuộc Trung ương

Trong quý đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội là 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ và cao nhất cả nước. Tiếp theo là TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Hà Nội: Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong quý đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 140.700 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán và tăng 4,6%; thu từ dầu thô 1.200 tỷ đồng, đạt 38,9% và bằng 99,1%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 18,6% và bằng 89%. Trong khi đó, chi ngân sách địa phương thực hiện 3 tháng đầu năm là 31.595 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán.

TP.HCM: Theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng thu ngân sách nhà nước trên toàn địa bàn quý 1/2024 ước thực hiện được 138.546 tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023. Số thu từ khối các doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 10.864 tỷ đồng, đạt 36,3% dự toán, chiếm 7,8% tổng thu và tăng 20,2%; thu từ khu vực ngoài nhà nước ước thực hiện 37.063 tỷ đồng, đạt 40,4% dự toán, chiếm 26,8% tổng thu và tăng 22,1%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 24.936 tỷ đồng, đạt 40,4% dự toán, chiếm 18,0% tổng thu và tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Hải Phòng: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng quý 1/2024 đạt 26.472,2 tỷ đồng, đạt 24,8% Dự toán Hội đồng nhân nhân thành phố giao và bằng 110,1% so với cùng kỳ năm trước. Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 664,7 tỷ đồng, bằng 90,46% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.947,7 tỷ đồng, bằng 162,64%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 2.319,3 tỷ đồng, bằng 99,39%; các khoản thu về nhà, đất đạt 4.963,3 tỷ đồng, bằng 414,33%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 12.356 tỷ đồng, bằng 128,86%;...

Đà Nẵng: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Đà Nẵng sơ bộ đến 20/3/2024 đạt 5.687 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2023.  Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 1.329 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 4.358 tỷ đồng. Với tỷ trọng chiếm gần 86% trong tổng thu ngân sách trên địa bàn, hoạt động thu nội địa gần như giữ vai trò quyết định, đạt 4.887 tỷ đồng, tăng 19,0% so với cùng 19 kỳ năm trước.

Cần Thơ: Theo Báo cáo của Cục Thuế TP Cần Thơ, lũy kế thu ngân sách quý 1/2024 của Cần Thơ là 3.258 tỷ đồng, đạt 27% dự toán, bằng 112,6% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 120,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trừ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, lợi nhuận và cổ tức, ước thực hiện lũy kế 3 tháng năm 2024 là 2.428 tỷ đồng, đạt 30% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 112,3% so với cùng kỳ năm 2023. (Antt.nguoiduatin.vn 01/4, Nhã Mi)Về đầu trang

Hải quan Lào Cai được “khoán” thu hồi nợ thuế cao nhất nước

Tổng cục Hải quan vừa có quyết định giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế quá hạn tối thiếu năm 2024 cho 27 đơn vị thuộc và trực thuộc.

Theo đó, Cục Hải quan Lào Cai được giao chỉ tiêu với mức cao nhất gần 418 tỷ đồng. Tiếp đến là Cục Hải quan TPHCM được giao gần 235 tỷ đồng; Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 129 tỷ đồng; Cục Hải quan Hà Nội trên 71 tỷ đồng; Cục Hải quan Lạng Sơn trên 31 tỷ đồng; Cục Hải quan Quảng Ninh trên 24 tỷ đồng...

Tổng cục Hải quan yêu cầu đối với các đơn vị không giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Các đơn vị cần theo dõi, quản lý và đề xuất xử lý đối với các khoản nợ khó thu và rà soát để phân loại nợ.

Tổng cục Hải quan giao Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm đảm bảo không để phát sinh các khoản nợ thuế mới trong năm 2024. Trường hợp phát sinh nợ mới thì phải triển khai ngay các giải pháp thu hồi nợ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định. (Tiền phong 02/4, Dương Hưng)Về đầu trang

Lộ diện 5 địa phương tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước quý 1/2024

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội, GRDP tại 57 tỉnh, thành ghi nhận tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2024, trong khi đó có 6 địa phương ghi nhận GRDP giảm.

Trong số 57 tỉnh, thành có GRDP tăng trong quý 1/2024, có đến 5 địa phương có GRDP tăng trưởng trên 10%. Cụ thể, với tăng trưởng GRDP trong quý 1/2024 ước đạt 14,18%, Bắc Giang là hiện là địa phương có tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước trong 3 tháng đầu năm 2024. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,83%, công nghiệp - xây dựng tăng 17,78% (công nghiệp tăng 18,69%, xây dựng tăng 7,0%), dịch vụ tăng 6,55%, thuế sản phẩm tăng 3,4%.

Sau Bắc Giang, Trà Vinh là địa phương có tăng trưởng GRDP cao thứ hai cả nước trong quý 1/2024, với GRDP tăng 13,93%. Theo sau là Thanh Hóa, Khánh Hòa và Hà Nam, với tăng trưởng GRDP lần lượt ở mức 13,15%, 12,4% và 10,98%.

Ở chiều ngược lại, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong số 63 tỉnh, thành phố, có đến 6 địa phương ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm. Trong đó, Lai Châu là địa phương có GRD giảm sâu nhất cả nước, ở mức 5,62%.

Theo sau là Bắc Ninh, với GRDP giảm 3,83%. Cục Thống kê Bắc Ninh cho biết, đây là mức giảm ít hơn các quý trước đó (Quý 1/2023: -11,38%; Quý 2/2023: -13,01%; Quý 3/2023: -5,89%; Quý 4/2023: -7,56%) và cơ bản đúng theo diễn biến Kịch bản tăng trưởng quý 1/2024 của tỉnh.

Bên cạnh hai địa phương kể trên, Quảng Nam, Sơn La, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Nẵng cũng là những địa phương ghi nhận tăng trưởng GRDP giảm trong qusy 1/2024, với mức giảm lần lượt là 3,06%; 2,68%; 1,68% và 0,83%. (Antt.nguoiduatin.vn 01/4, Hoàng Nguyễn)Về đầu trang

Chủ tịch TPHCM: Phấn khởi quý I nhưng nhiệm vụ các quý sau rất nặng nề

Chiều 2/4, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2024. Sau quý đầu tiên của năm, TPHCM đã đạt được nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bên cạnh đó là những khó khăn, thách thức phải đối mặt và giải quyết.

"Nhìn chung, kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I của chúng ta tương đối khá. Tuy nhiên, chúng ta vui mừng, phấn khởi nhưng phải thấy tác động khó khăn từ bên ngoài. Bên trong, nhiều tồn tại đến giờ chưa giải quyết dứt điểm và phát sinh những tồn tại mới", Chủ tịch UBND TPHCM định hướng.

Người đứng đầu chính quyền thành phố phân tích, tăng trưởng tín dụng quý I chưa cao, dư địa lãi suất tác động đến phục hồi, tăng trưởng còn thấp, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn so với cùng kỳ. Ông Phan Văn Mãi cũng đánh giá, thị trường bất động sản phục hồi chưa tốt.

Người đứng đầu chính quyền thành phố nhìn nhận, qua các dấu hiệu trên, nền kinh tế Việt Nam và TPHCM chưa phục hồi mạnh mẽ. Do đó, địa phương cần nỗ lực cao trong quý II và thời gian còn lại của năm 2024 mới đạt được mục tiêu của cả năm.

"Chúng ta đạt kết quả phấn khởi quý I, nhưng nhiệm vụ quý II và các quý sau rất nặng nề. Cộng với sức khỏe của nền kinh tế, tình hình bên ngoài, thành phố cần làm rõ cần tập trung gì cho quý II và các quý còn lại của năm 2024", Chủ tịch TPHCM quán triệt.

Ông Phan Văn Mãi cũng thông tin, vừa qua, nhiều chuyên gia đánh giá, nếu thành phố giữ được đà tăng trưởng của quý I trong các quý còn lại thì mới có khả năng đạt chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2024. Câu hỏi được đặt ra là làm sao để chúng ta giữ được đà này.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2024 của TPHCM ước đạt 406.345 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 7,34%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,92%;

Tất cả các ngành dịch vụ của TPHCM đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với mức tăng 16,24%, kế đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%.

Theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước thành phố, đến ngày 31/3, TPHCM giải ngân được khoảng 6,8% tổng vốn đầu tư công được giao.

Trong quý I, thành phố có tăng trưởng tín dụng yếu, thu hút đầu tư nước ngoài giảm về quy mô vốn so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng hơn 20%. Địa phương cũng chưa khắc phục được điểm nghẽn về cải cách thủ tục hành chính, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, đề án lớn, dự án mới còn chậm. (Dantri.com.vn 02/4, Q.Huy)Về đầu trang

QUẢN LÝ

Bạc Liêu xác minh tài sản, thu nhập của 29 cán bộ

Ngày 2/4, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo định hướng của Thanh tra Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh, năm 2024 tỉnh này xác minh tài sản, thu nhập của 29 cán bộ thuộc 11 sở, ngành, địa phương.

Cụ thể, Văn Phòng UBND tỉnh (1 người), UBND huyện Đông Hải (3 người), Trung tâm phát triển nhà và đất tỉnh (1 người), Sở Nội vụ (2 người), Sở Tài chính (1 người), Sở Xây dựng (2 người), Sở Kế hoạch và Đầu tư (2 người), Sở Tài nguyên và Môi trường (3 người), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (8 người), Sở Giao thông vận tải (4 người), Sở Công thương (2 người).

Những người được xác minh tài sản được bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên. Hầu hết những người này là phó, trưởng phòng thuộc các sở, ngành, địa phương.

Thanh tra dự kiến có kết quả xác minh trước tháng 11. (Dantri.com.vn 02/4, Huỳnh Hải)Về đầu trang

Quảng Ngãi: Cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương

Triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024, công tác kiểm tra, giám sát tại Quảng Ngãi sẽ được tăng cường, nhất là việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trương Thị Mỹ Trang cho biết, năm 2024, Tỉnh ủy chọn chủ đề là "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính nhà nước, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh".

Để chuyên đề học Bác năm 2024 thật sự có hiệu quả và lan tỏa rộng rãi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, các đơn vị, địa phương thực hiện tốt một số giải pháp, nhiệm vụ quan trọng. Đó là cần tổ chức quán triệt, học tập rộng rãi chuyên đề năm 2024 đến tất cả cán bộ, đảng viên một cách nghiêm túc. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức những giá trị cốt lõi của chuyên đề năm 2024.

Sau khi học tập, quán triệt chuyên đề, các cấp ủy phải chỉ đạo cho cán bộ, đảng viên viết bản cam kết thực hiện và cam kết này phải gắn với chức trách, nhiệm vụ cụ thể của từng cán bộ, đảng viên ở từng vị trí việc làm của mình. (Dantri.com.vn 02/4, Thanh Thuận)Về đầu trang

SAI PHẠM ĐIỂN HÌNH

Quảng Trị: Khởi tố Giám đốc và Phó Giám đốc trung tâm đăng kiểm

Công an tỉnh Quảng Trị vừa khởi tố ông Nguyễn Xuân Hà (SN 1964, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy bộ Quảng Trị) và ông Trần Việt Hùng (SN 1983, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy bộ Quảng Trị) về tội Nhận hối lộ.

Sau khi khởi tố, Công an tỉnh Quảng Trị đã có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Hà và ông Hùng. (Laodong.vn 02/4, Hưng Thơ)Về đầu trang

Đồng Nai: Bắt Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán

Ngày 1/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Khuê - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán.

Cùng bị khởi tố, bắt giam còn có ông Lê Ngọc Muôn, thủ quỹ của trung tâm để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của hai bị can, thu giữ các tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Liên quan đến vụ việc này, tháng 12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam Bùi Thị Ngọc Yến, Kế toán trưởng của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Định Quán để điều tra về hành vi tham ô tài sản.

Kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan công an xác định, bà Yến đã lập khống hồ sơ rồi sử dụng chữ ký của giám đốc trung tâm để chuyển tiền cho nhiều người không thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ đối với một số dự án trên địa bàn huyện. Với thủ đoạn này, bà Yến đã chiếm đoạt số tiền 27 tỷ đồng. (Tienphong.vn 02/4, Mạnh Thắng)Về đầu trang./.

More

05