Bản tin cải cách hành chính ngày 17/3/2023

Font size : A- A A+

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

1.        Cân nhắc bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

2.        Bắc Giang: Hơn 90 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

3.        Bộ Công an đề xuất quản lý biển số ô tô, xe máy theo mã định danh

4.        Doanh nghiệp tố cảng cá “vẽ” quy định như... đánh đố

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

5.        Dự kiến chế độ với người về hưu trước tuổi khi thực hiện tinh giản biên chế

6.        Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai: Cần chuẩn bị lớp cán bộ trẻ 30 - 40 tuổi

7.        Hà Nội: 47 vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng đã được xử lý

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

8.        Một ô tô ở Việt Nam sau 20 năm sử dụng, số lần đăng kiểm gấp 4 lần nhiều nước

9.        Công khai xử lý từ việc nhỏ

THẾ GIỚI

10.     Pháp dậy sóng vì chính phủ duyệt cải cách hưu trí không qua bỏ phiếu ở quốc hội

 

 

CHỦ TRƯƠNG CẢI CÁCH

Cân nhắc bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi

Ngày 17/3, tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5. Việc sửa đổi bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với các nhóm chính sách như: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp… 

Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban và các cơ quan tán thành việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân. 

Tuy nhiên, đề nghị quy định chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong thẻ Căn cước công dân phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm bí mật đối với những thông tin không trực tiếp liên quan. 

Mặt khác, do thông tin được đề xuất tích hợp, bổ sung đều là thông tin cá nhân, gắn với quyền con người, quyền công dân, nên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, thống nhất với các Bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực để đưa ra giải pháp phù hợp, có tính khả thi. 

Thường trực Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan nhận thấy, việc mở rộng, bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cần thiết, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. 

Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, xác định rõ những loại thông tin cá nhân và phạm vi thông tin chuyên ngành nào cần được bổ sung; cần duy trì, không tiếp tục duy trì cơ sở dữ liệu chuyên ngành nào để tránh trùng lặp, chồng chéo. 

Cũng có ý kiến cho rằng việc bổ sung thông tin lưu trữ như đề xuất là không thực sự cần thiết, vì về mặt kỹ thuật chỉ cần kết nối và cấp quyền khai thác thông tin giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là có thể truy cập được thông tin từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành. 

Đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Quốc phòng an ninh đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi. Bởi dưới 14 tuổi, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhân dạng khó chính xác; Phần lớn trẻ em dưới 14 tuổi không tự mình (hoặc không được phép) thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự. 

Một số ý kiến cho rằng chính sách cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất của Chính phủ là phù hợp, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay. 

Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhân dạng của trẻ em để ghi nhận trong thẻ Căn cước, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi. 

Về đề nghị thay thế Giấy chứng minh nhân dân vẫn còn thời hạn để chuyển sang hoàn toàn sử dụng bằng thẻ Căn cước công dân, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành đề xuất này của Chính phủ. 

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bỏ Sổ hộ khẩu giấy, đề nghị đánh giá tác động kỹ để từ đó xác định lộ trình thay thế phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tránh gây xáo trộn, bức xúc cho công dân. (Tienphong.vn 17/3, Luân Dũng) Về đầu trang

CẢI CÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Bắc Giang: Hơn 90 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay có 224 nghìn lượt người truy cập và hơn 90 nghìn hồ sơ nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.  

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, số dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 2 nghìn hồ sơ, còn lại là hồ sơ sử dụng dịch vụ. Các cơ quan, đơn vị phát sinh nhiều hồ sơ là: Sở Công Thương (hơn 5,8 nghìn  hồ sơ), Sở Tài nguyên - Môi trường (hơn 9 nghìn hồ sơ), huyện Hiệp Hoà (12,4 nghìn hồ sơ), huyện Lục Nam (hơn 7,7 nghìn hồ sơ).  

Để tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh trên Cổng dịch vụ công tỉnh, thời điểm này, các cơ quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng; thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Xây dựng video hướng dẫn đối với dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết đã được công bố, đăng tải trên cổng thông tin điện tử.  

Theo công bố, hiện tỉnh Bắc Giang có 801 dịch vụ trực tuyến toàn trình và 842 dịch vụ trực tuyến một phần được cung cấp trên Cổng dịch vụ công. (Baobacgiang.com.vn 16/3, Khôi Nguyên)Về đầu trang

LĨNH VỰC CẢI CÁCH

Bộ Công an đề xuất quản lý biển số ô tô, xe máy theo mã định danh

Bộ Công an đề xuất sẽ quản lý biển số ô tô, xe máy theo mã định danh cá nhân tại Dự thảo Thông tư mới về cấp, thu hồi, đăng ký biển số xe cơ giới. 

Theo dự thảo Thông tư quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới thay thế Thông tư số 58/2020/TT-BCA., chủ xe là tổ chức, cá nhân có trụ sở, nơi cư trú ở đâu thì đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó. 

Với chủ xe là người Việt Nam, biển số xe được quản lý theo mã định danh cá nhân; đối với người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo mã định danh của người nước ngoài; đối với tổ chức thì biển số xe được quản lý theo mã định danh của tổ chức hoặc mã số thuế. 

Mọi thủ tục đăng ký xe đều phải được kê khai trên cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi kê khai thành công, cổng dịch vụ công gửi tin nhắn thông báo mã hồ sơ để chủ xe làm thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe có thẩm quyền. 

Trường hợp không thực hiện được trên cổng dịch vụ công quốc gia do không có dữ liệu điện tử hoặc lỗi kỹ thuật, thì chủ xe kê khai làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan đăng ký xe. 

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định rõ về về thủ tục đăng ký xe. Chủ xe sẽ thực hiện theo các bước sau: 

Đăng nhập cổng dịch vụ công, kê khai, ký số giấy khai đăng ký xe và nhận mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến, lịch hẹn giải quyết hồ sơ qua địa chỉ thư điện tử hoặc qua tin nhắn điện thoại để làm thủ tục đăng ký xe. 

Đưa xe đến cơ quan đăng ký xe; cung cấp mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến; ký giấy khai đăng ký xe (trường hợp chủ xe không sử dụng chữ ký số) và nộp các giấy tờ liên quan. 

Sau khi cán bộ đăng ký xe kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế xe bảo đảm hợp lệ thì được cấp biển số theo nguyên tắc: Cấp biển số mới đối với trường hợp chủ xe chưa được cấp biển số định danh hoặc đã có biển số định danh đang đăng ký cho xe khác; cấp lại theo số biển số định danh đối với trường hợp biển số định danh đó đã được thu hồi. 

Trường hợp xe, hồ sơ xe không bảo đảm đúng quy định thì bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo phiếu hướng dẫn. Việc trả kết quả đăng ký xe có thể được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. 

Về các trường hợp phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe bao gồm: Xe hỏng không sử dụng được, xe bị phá hủy do nguyên nhân khách quan; Xe hết niên hạn sử dụng hoặc không được phép lưu hành theo quy định của pháp luật; 

Xe bị mất cắp, chiếm đoạt không tìm được, chủ xe đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe; Xe miễn thuế nhập khẩu hoặc xe tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tái xuất. 

Xe đăng ký tại các khu kinh tế - thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ khi tái xuất hoặc chuyển nhượng vào Việt Nam; 

Xe đăng ký sang tên, di chuyển đi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác; Xe tháo khung để đăng ký cho xe khác; Xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc xe có kết luận của cơ quan có thẩm quyền số máy, số khung bị cắt hàn, đục lại, tẩy xóa hoặc cấp biển số không đúng quy định. (VTV.vn 16/3)Về đầu trang

Doanh nghiệp tố cảng cá “vẽ” quy định như... đánh đố

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa kiến nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản - Bộ NN&PTNT xem xét một số bất cập trong thực hiện việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu và giấy chứng thư an toàn thực phẩm thủy hải sản phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu sang châu Âu. 

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, trong 2 tuần thực hiện Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), một số cảng cá đang có những hiểu nhầm về quy định gây bất cập cho hoạt động của doanh nghiệp. 

Cụ thể, hiện các doanh nghiệp mua cá ngừ vây vàng không xin được giấy xác nhận nguyên liệu. Nguyên nhân do ban quản lý cảng cá cho rằng, cá kích cỡ nhỏ mới đúng là cá ngừ vây vàng, trong khi đó cá có kích thước lớn không phải nên cảng cá không cấp. Hiện nay, Việt Nam không có quy định nào quy định việc phân biệt cá ngừ vây vàng theo kích cỡ. 

Ngoài ra, ban quản lý cảng cá không cấp giấy xác nhận nguyên liệu theo số lượng khai thác thực tế mà chỉ cấp theo số lượng ít hơn khiến một lượng cá rơi vào tình trạng “không rõ nguồn gốc”. 

Đặc biệt, nếu tàu cá với nghề “câu cá ngừ” trong lúc hoạt động đánh bắt được các loại cá khác như: Cá cờ kiếm, cá dũa, cá thu…; ban quản lý cảng cá sẽ không cấp giấy xác nhận nguyên liệu cho những lô cá này. Một số cảng cá còn ngưng cấp giấy xác nhận nguyên liệu cho các lô nguyên liệu của tàu khai thác trên 1 tháng. 

Đại diện VASEP cho biết, nguyên nhân bất cập này xuất phát từ Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 4 (NAFIQAD 4) ngày 16/2 có công văn gửi Tổng cục Thủy sản về việc xác thực tính phù hợp nội dung của giấy xác nhận khai thác và nhật ký khai thác thủy sản. Trong thời gian chờ đợi các đơn vị hướng dẫn, ban quản lý cảng cá ngưng cấp giấy xác nhận nguyên liệu 

Ngoài ra, NAFIQAD 4 còn lo ngại thời gian từ lúc bắt đầu khai thác đến bốc dỡ nguyên liệu (khi tàu cá cập cảng) kéo dài từ 3 - 5 tháng không đảm bảo an toàn thực phẩm nên không cấp giấy chứng thư (cho những lô hàng có thời gian đánh bắt trong khoảng này).

Theo ông Hòe, quy định này chưa hợp lý bởi đặc thù của nghề khai thác tàu có kích thước lớn đi biển thường trên 1 tháng (có khi từ 2-5 tháng). 

Khi tàu ra đến vùng khai thác mà chưa có luồng cá sẽ dành thời gian thăm dò mà chưa quăng lưới. Đặc biệt, có trường hợp các tàu đi khai thác theo nhóm. Lúc đó, 1 tàu sẽ được giao đi biển trước để thăm dò để báo các tàu khác ra sau (nên các tàu trong đội đã khai thác xong, tàu đó mới bắt đầu quăng lưới khai thác). 

"Điều này khiến thời gian dù đi biển dài nhưng cá khai thác ở giai đoạn sau vẫn đảm bảo được trên tàu. Đặc biệt, Việt Nam chưa có quy định về thời gian khai thác biển như thế nào mới được xuất khẩu", ông Hòe nói. (Tienphong.vn 16/3, Dương Hưng)Về đầu trang

QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Dự kiến chế độ với người về hưu trước tuổi khi thực hiện tinh giản biên chế

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có tờ trình về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31.8.2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10.12.2020 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. 

Chính sách về hưu trước tuổi là một trong những nội dung được nhiều quan tâm. Tờ trình nêu rõ, kế thừa quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chính sách về hưu trước tuổi và các chế độ về hưu trước tuổi, dự thảo nghị định này chỉ sửa đổi về tuổi hưởng chính sách về hưu trước tuổi để bảo đảm phù hợp với các quy định. 

Đồng thời, dự thảo nghị định bổ sung chính sách về hưu trước tuổi đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã có từ đủ 15 năm và dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi đời hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP. 

Cụ thể, dự thảo Nghị định Quy định về tinh giản biên chế nêu rõ, đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. 

Trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ: 

Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP.  

Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ là 1/2 năm thì được trợ cấp là 1/4 tháng tiền lương.  

Các đối tượng tinh giản biên chế tại dự thảo nghị định (trừ nữ cán bộ, công chức cấp xã) có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ như trên. 

Tương tự, đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ như: 

Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP; Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho thời gian công tác có đóng từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.  

Với đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên (riêng cán bộ, công chức cấp xã là nữ thì có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội), thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. (Laodong.vn 17/3, Vương Trần)Về đầu trang

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai: Cần chuẩn bị lớp cán bộ trẻ 30 - 40 tuổi

“Cần chuẩn bị lớp cán bộ trẻ từ 30 đến 40 tuổi, nếu không nhanh già lắm. Tôi thấy ở nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng có người xuất sắc, chỉ có được quan tâm phát hiện đào tạo hay không, chứ không thể nói là không có”.  

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết như vậy tại Tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới”, ngày 16/3. 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ được quan tâm thực hiện từ Trung ương tới địa phương, từng bước chuẩn hóa, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn cán bộ trẻ cho Đảng và hệ thống chính trị. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ Đoàn nói riêng và cán bộ trẻ nói chung vẫn còn những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới. Tỉ lệ cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn ít; năng lực cán bộ trẻ chưa đồng đều; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện… Một số khâu trong công tác cán bộ đối với cán bộ trẻ chưa được quan tâm chú trọng dẫn đến kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra. 

Trao đổi tại tọa đàm, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá, cán bộ Đoàn, thanh niên luôn là những lớp người giàu hoài bão, ước mơ, tinh thần trong sáng, tâm huyết, nỗ lực tất cả vì dân tộc, đất nước. 

“Lớp trẻ hôm nay hãy cố gắng nuôi dưỡng tinh thần trong sáng đó, đừng nghĩ nhiều quá về lợi ích, vị trí. Cán bộ trẻ mà nghĩ nhiều về lợi ích, vị trí quá thì sự trong sáng lành mạnh không còn. Đây là chia sẻ rất riêng của tôi - một người từng có 28 năm trong Đoàn Thanh niên, trong đó, 10 năm làm việc ở Trung ương Đoàn. Tôi rất mong các bạn thanh niên giữ gìn sự trong sáng lành mạnh đó”, bà Trương Thị Mai nói. 

Bà cho rằng, Đoàn Thanh niên phải luôn cổ vũ, động viên thanh niên Việt Nam tinh thần lý tưởng cách mạng, hoài bão, mơ ước cống hiến không ngừng cho đất nước, dân tộc; Công tác cán bộ trẻ thời gian qua chưa được đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, nhiệm kỳ; chưa tạo sự vững chắc đảm bảo lớp sau tốt hơn trước, sau trẻ hơn trước. Theo bà Trương Thị Mai, hiện 20/22 bộ, cơ quan ngang bộ (91%) không có lãnh đạo chủ chốt dưới 45 tuổi; 63/63 tỉnh, thành phố không có bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND dưới 40 tuổi. 

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh 6 nội dung cần quan tâm trong thời gian tới đối với công tác cán bộ trẻ. Đó là cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ. Đổi mới công tác quy hoạch, tạo đột phá trong công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ; gắn với trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ. 

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ theo hướng chuẩn hóa gắn với quy hoạch; xây dựng một số chính sách đặc thù cho cán bộ trẻ; cần hoàn thiện cơ chế, thu hút, tạo nguồn, tuyển dụng, trọng dụng cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng; giao nhiệm vụ thử thách, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Cấp ủy cũng cần động viên cán bộ trẻ tự giác, tích cực, chủ động phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Trung ương Đảng hoàn thiện tiêu chuẩn; có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đối với Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng theo hướng chỉ lựa chọn cán bộ trẻ, thật sự ưu tú và có cơ cấu hợp lý giữa Trung ương với địa phương, giữa các ngành nghề, lĩnh vực trong hệ thống chính trị. (Tienphong.vn 17/3, Lưu Trinh – Xuân Tùng)Về đầu trang

Hà Nội: 47 vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng đã được xử lý

Ngày 16/3, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức cuộc họp thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo kết quả chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc từ sau Phiên họp thứ hai (tháng 12/2022) đến nay. 

Kể từ tháng 12 đến nay, Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 

47 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp đã được tập trung chỉ đạo xử lý. Thống nhất các kiến nghị, đề xuất về chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc trong thời gian tới; thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ của Ban Chỉ đạo. 

Yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng thành phố tăng cường phối hợp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. 

Cơ quan Kiểm tra, Thanh tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra tập trung những lĩnh vực chuyên môn sâu, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. (VTV.vn 17/3)Về đầu trang

PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Một ô tô ở Việt Nam sau 20 năm sử dụng, số lần đăng kiểm gấp 4 lần nhiều nước

Với 20 năm sử dụng, một chiếc xe ô tô ở Việt Nam đang phải “chịu” kiểm định tới 36 lần. Trong khi đó ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay EU chỉ phải đăng kiểm 9 lần. 

Tin rất mừng và rất đáng hoan nghênh là Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ loạt giải pháp có lợi nhất cho dân là đề xuất miễn kiểm định lần đầun có điều kiện đối với xe mới. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đang yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam lấy ý kiến về việc đăng kiểm ô tô theo thời gian hay theo số km thực tế sử dụng. 

Đúng là một chiếc xe ở Việt Nam như đang phải chịu “kiếp nạn” vậy. Bởi dù mới tinh, chưa hề lăn bánh, đảm bảo các tiêu chuẩn Mỹ, EU... nhưng vẫn buộc phải kiểm định trước khi được phép lăn bánh. Chỉ 30 tháng sau, sẽ tới hạn kiểm định, với chu kỳ chỉ còn 18 tháng. Từ năm thứ 7, chu kỳ kiểm định rút xuống còn 12 tháng, rồi 6 tháng kể từ năm thứ 12. Và đến năm thứ 15, cứ mỗi 3 tháng là xe buộc phải kiểm định. Một chu kỳ cực ngắn, một mật độ có lẽ là dày nhất thế giới. 

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đặt ra vấn đề phải thay đổi chu kỳ kiểm định ở Việt Nam ở cả 3 khía cạnh: Ý thức của dân hiện đã rất “quan tâm điều kiện an toàn của xe”; Chất lượng mặt bằng chung của các phương tiện đều tốt lên. Và việc thay đổi chu kỳ kiểm định theo hướng kéo dài là còn để “giống nhiều nước trên thế giới”.

Chẳng hạn trong khi một chiếc xe 20 năm sử dụng ở Việt Nam phải đăng kiểm tới 36 lần thì ở Singapore chỉ phải kiểm định 15 lần, trong khi ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay EU chỉ phải đăng kiểm 9 lần. 

Xe ở Nhật, Hàn Quốc hay EU phải đăng kiểm ít lần hơn, không phải do chất lượng xe tốt hơn, bảo hành bảo dưỡng tốt hơn, mà là do chính sách đăng kiểm. Chẳng hạn một chiếc xe chỉ phải kiểm định lần đầu sau tới 4 năm kể từ khi mua mới, sau đó kiểm định theo chu kỳ mỗi 2 năm/lần. 

Kiểm định quá nhiều, quá dày đang gây ra những phí tổn xã hội, cả về thời gian, tiền bạc và chi phí cơ hội rất không cần thiết. 

Thật ra, đã từng nhiều đề xuất về việc nên đăng kiểm ô tô theo quãng đường. Nhưng đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng từng lo ngại “có thể can thiệp được vào đồng hồ công tơ mét”. 

Có lẽ, chúng ta phải đặt niềm tin vào người dân và cũng có đầy đủ phương tiện kỹ thuật, đủ chế tài pháp luật để “kiểm định” niềm tin ấy. Chứ không thể vì một nguy cơ “ăn gian” hoặc có, hoặc không thể xảy ra mà để tình trạng đăng kiểm quá dày, quá bất hợp lý như thế tồn tại mãi. (Laodong.vn 16/3, Anh Đào)Về đầu trang

Công khai xử lý từ việc nhỏ

Chị B.T.T.H. vừa chia sẻ ý định đi đăng ký thường trú sau thời gian tạm trú đủ theo quy định, hàng xóm đã rỉ tai cách để không bị “làm khó dễ”. Theo họ hướng dẫn, chỉ cần kẹp vào trong hồ sơ vài trăm ngàn đồng ngay lần đầu gửi hồ sơ cho cán bộ là được hướng dẫn nhiệt tình, hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, còn không thì…phải đi lại dài dài. 

Chị H. không làm theo, bởi chị đã nghiên cứu đầy đủ các thủ tục và tiến hành đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin dịch vụ quốc gia. Dù vậy, rõ ràng sự hướng dẫn kia cho thấy suy nghĩ phải có “phí bôi trơn”, “phí lót tay” đã ăn sâu vào tâm trí của người dân mỗi khi phải gặp cán bộ. Hay chúng ta cũng thường nghe câu nói đại khái “cán bộ không sống bằng lương…”, nghe rất xót xa nhưng thực tế không phải không có. 

Những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, người dân thường được biết gián tiếp qua báo đài, truyền thông, còn tham nhũng vặt họ mắt thấy, tai nghe. Điều đó trực tiếp làm xói mòn lòng tin của người dân vào một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Và khi cán bộ quen được “lót tay” thì sẽ coi đó là nghĩa vụ của người dân, cấp nhỏ nhận “phí lót tay” vụn vặt, cấp lớn hơn thì phí này phải khác đi. Dần dà hình thành tâm lý ở đâu cũng phải được “bôi trơn” thì việc mới chạy. Nếu không ngăn chặn, tư tưởng này sẽ làm thoái hóa đội ngũ cán bộ, công chức. 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp, ban hành nhiều quy định để phòng chống tham nhũng, trong đó có tham nhũng vặt. Mỗi địa phương cũng đưa ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Tại TPHCM, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để hạn chế người dân phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà. Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, nhất là những bộ phận, vị trí dễ phát sinh tiêu cực. TPHCM cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, tự kiểm tra giám sát ở các cơ quan, đơn vị nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn từ xa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.  

Khi người dân tin rằng những hành vi tham nhũng vặt sẽ bị trừng trị, cán bộ làm việc trên tinh thần phục vụ, bình đẳng đối với mọi người thì nhũng nhiễu, tiêu cực sẽ không còn đất sống. (Sggp.org.vn 17/3, Thu Hường)Về đầu trang

THẾ GIỚI

Pháp dậy sóng vì chính phủ duyệt cải cách hưu trí không qua bỏ phiếu ở quốc hội

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã dùng một thủ tục đặc biệt để dự luật hưu trí gây tranh cãi được thông qua tại Quốc hội mà không cần bỏ phiếu, dẫn đến cảnh hỗn loạn hiếm gặp ở cơ quan lập pháp. 

Động thái trên sẽ đảm bảo dự luật tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, lên 64 tuổi được phê duyệt sau nhiều tuần vấp phải sự phản đối và tranh luận gay gắt. Giới quan sát nhận định, diễn biến cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ của ông không giành được đa số ủng hộ trong Quốc hội. 

Theo Reuters, Thủ tướng Borne đã đối mặt với những tiếng la ó phản đối khi bước vào phòng họp của Hạ viện hôm 16/3 và thông báo rằng bà sẽ viện dẫn điều 49.3 trong Hiến pháp để bỏ qua việc bỏ phiếu phê duyệt các biện pháp cải cách. 

Phiên họp phải tạm dừng trong 2 phút sau khi các nhà lập pháp cánh tả hát quốc ca để ngăn cản bà Borne phát biểu. Một số chính khách cầm biểu ngữ ghi "Không chấp nhận 64 tuổi". Khi phiên họp nối lại, nữ Thủ tướng tiếp tục phát biểu nhưng phần lớn bài diễn văn bị những tiếng hô hào, la ó át đi. 

Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu tuyên bố động thái vào phút cuối này là “một dấu hiệu bất thường của sự yếu đuối”, đồng thời yêu cầu bà Borne phải từ chức. Song, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1, khi được hỏi về khả năng ra đi, bà Borne nói bà còn nhiều việc phải làm phía trước. 

Các cuộc thăm dò dư luận phản ánh, đại đa số cử tri cũng như các công đoàn không tán thành cải cách hưu trí. Họ lập luận rằng, vẫn có nhiều cách khác để cân bằng ngân sách, bao gồm cả việc đánh thuế nhiều hơn đối với người giàu. 

Một số cuộc biểu tình tự phát của khoảng 7.000 người đã kéo dài qua đêm tại quảng trường Concorde, đối diện tòa nhà quốc hội ở bên kia sông Seine tại thủ đô Paris. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay nhằm giải tán đám đông khi một số người biểu tình ném đá. Ở một số thành phố khác của Pháp cũng xuất hiện những cuộc biểu tình tự phát chống lại cải cách. (Vietnamnet.vn 17/3, Tuấn Anh)Về đầu trang./.

Trung tâm Tin học - Công báo

More

05