Báo cáo tình hình công tác tuần từ ngày 18/6/2022 đến ngày 24/6/2022

Font size : A- A A+

1. Về công tác phòng chống dịch Covid-19:

Trong tuần vừa qua, số ca mắc mới tiếp tục giảm, ghi nhận 100 ca mắc mới, trung bình 14 ca/ngày (tuần trước trung bình 15 ca/ngày). Tổng số ca mắc từ đầu dịch đến 6h00 giờ ngày 26/6/2022là: 127.569 ca.

Tổng số ca nhập viện điều trị trong tuần là 12 (tăng 3 ca so với tuần trước). Trong tuần không có ca chuyển nặng, tổng số ca nặng từ đầu dịch đến nay là 299 ca.

Tổng số ca kết thúc điều trị trong tuần là 1.116, nâng tổng số bệnh nhân kết thúc điều trị đến thời điểm hiện tại: 127.370

Trong tuần không ghi nhận thêm ca tử vong. Tổng số ca tử vong từ trước đến nay là 82 ca. Như vậy, tỷ lệ người mắc Covid-19 nhập viện và điều trị là 5,01%. Tỷ lệ điều trị tại nhà: 94,93%. Tỷ lệ tử vong 0,06%. Tỷ lệ BN điều trị khỏi 99,84%.

Về công tác tiêm phòng Covid-19, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tỉnh Quảng Bình năm 2022, Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 đã có công văn hướng dẫn việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong đó hướng dẫn cụ thể việc tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại lần 1, lần 2 và tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Kết quả đến 6h ngày 26/6/2022, tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 đã được cấp: 1.789.908 liều, trong đó đã sử dụng: 1.700.300 (đạt 94,99%), còn tồn 89.608 liều. Tổng số liều tiêm được trong tuần: 22.938.

2. Về kinh tế - xã hội:

* Công tác giải ngân vốn đầu tư công: UBND tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công như: Ban hành văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến đô thực hiện các dự án được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2022;

* Nông nghiệp: Hiện nay, diện tích lúa Hè Thu đã gieo là 14.252 ha/14.600 ha, đạt 97,6% KH huyện đăng ký, bằng 94% cùng kỳ[1]. Lúa trà đầu, trà chính vụ giai đoạn đẻ nhánh, trà muộn 2-3 lá. Thực tế hiện nay, mặc dù nguồn nước đáp ứng nhu cầu sản xuất vụ Hè Thu 2022, đồng thời ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo và trực tiếp phối hợp với địa phương trong việc hướng dẫn người dân giảm chi phí sản xuất, vận động tích cực gieo trồng vụ Hè Thu, nhưng do giá vật tư nông nghiệp, dịch vụ đầu vào (xăng dầu) tăng cao nên diện tích ruộng bỏ hoang nhiều hơn so với cùng kỳ. Hiện đang theo dõi các địa phương để thống kê diện tích bỏ hoang.

Thời tiết thuận lợi nên sâu bệnh phát triển tương đối mạnh[2], các đơn vị thường xuyên phối hợp với địa phương hướng dẫn phòng trừ sâu hại, hiện đang triển khai thu thập rầy lưng trắng di trú trên lúa Hè Thu gửi mẫu phân tích bệnh lùn sọc đen.

Cây Ngô: Diện tích đã gieo 270ha, tổng diện tích gieo trồng đến nay là 4.512/4.800ha, đạt 94%KH, giảm 4% cùng kỳ; Lạc: Diện tích đã gieo 36 ha (Tuyên Hóa), tổng diện tích từ đầu năm đến nay là 3.496/4.900ha, đạt 72%KH, giảm 6% cùng kỳ; các loại cây trồng khác: Đậu các loại 450 ha, tăng 5,6% cùng kỳ; Rau: 816 ha, gấp 4 lần cùng kỳ; Khoai lang: 225 ha, tăng 4% cùng kỳ; Vừng: 136 ha; Dưa hấu 40 ha (Bố Trạch).

-  Chăn nuôi - Thú y: Dịch tả lợn Châu Phi có xu hướng tăng, nguy cơ tiếp tục tái dịch tại các địa phương trong tỉnh là rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên khó khăn trong việc kiểm soát, khống chế dập dịch tuyệt đối. Cùng với đó, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn dịch bệnh và việc tuân các quy định, hướng dẫn trong quá trình chăn nuôi của các hộ dân còn chưa cao; các tác động bất lợi của thời tiết làm giảm khả năng đề kháng bệnh của vật nuôi, các mầm bệnh còn tồn dư trong môi trường dễ phát tán, gây bệnh. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ nhân lực còn mỏng và thiếu, nguồn kinh phí hạn hẹp cũng khiến công tác phòng, chống dịch gặp không ít khó khăn. Trong tuần phát sinh 71 con lợn/10 hộ/4 xã/3 huyện (Thạch Hóa, Cao Quảng-Tuyên Hóa; Phù Hóa-Quảng Trạch và Hóa Thanh - Minh Hóa) với trọng lượng tiêu hủy là 5.151 kg, tăng 42 con so với tuần trước, trong đó xã Phù Hóa tái dịch và xã Hóa Thanh là xã có dịch mới. Như vậy, hiện còn 5 xã/3 huyện chưa qua 21 ngày (Cao Quảng, Thạch Hóa - Tuyên Hóa; Phù Hóa - Quảng Trạch; Hóa Sơn, Hóa Thanh - Minh Hóa).

Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo cán bộ địa bàn bám sát cơ sở, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo các địa phương về vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi để các địa phương chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh; tiếp tục kêu gọi, khuyến khích người dân hợp tác liên kết với các công ty chăn nuôi để nuôi gia công, góp phần ổn định chăn nuôi và an toàn dịch bệnh; đồng thời tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai tiêm phòng bổ sung đợt 1/2022 theo Kế hoạch[3].

- Lâm nghiệp: Thống kê sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trong tuần khai thác được 177ha, sản lượng 9.842m3, từ đầu năm đến nay khai thác 3310 ha, sản lượng 275.304m3, tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 55%KH. Trong tuần triển khai trồng rừng được 9ha, lũy kế đến nay trồng được 2.839ha, tăng 4,2% cùng kỳ.

Về công tác phòng chống cháy rừng: Hiện tại thời tiết đang trong đợt nắng nóng cao điểm, trong tuần xảy ra 01 vụ cháy rừng trồng tại huyện Lệ Thủy với diện tích 2,31ha, trong đó diện tích rừng bị thiệt hại 1,66 ha (0,25 ha rừng sản xuất và 1,41 ha rừng ngoài quy hoạch).

Ngày 21/6/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công điện chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động phòng cháy chữa cháy rừng trong đợt nóng cao điểm. Ngành Nông nghiệp hiện đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng (chủ động bố trí quân số, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện phát hiện điểm phát lửa để dập tắt kịp thời, hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra).

* Công tác quy hoạch: Ngày 23/6/2022, UBND tỉnh tổ chức hội nghị để nghe báo cáo Đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2045. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện đồ án quy hoạch với yêu cầu xác định mục tiêu xây dựng thành phố Đồng Hới là đô thị du lịch, đô thị văn minh, đô thị hoa hồng nhằm làm rõ hơn các luận chứng, bổ sung, điều chỉnh tiêu chí cần đạt được.

* Ngoại vụ: Ngày 19/6/2022, đoàn đại biểu cấp cao hai tỉnh Quảng Bình và Sạ-vẳn-na-khệt (Lào) đã tiến hành hội đàm, ký kết Biên bản hợp tác. Đây là hoạt động diễn ra 02 năm một lần giữa hai tỉnh, tuy nhiên thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hoạt động này đã tạm hoãn đến thời điểm hiện tại.

Ngày 22/6/2022, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với ngài Tabuchi Yuichiro, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi một số vấn đề về việc xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử tại Quảng Bình.

Trong tuần, Sở Ngoại vụ tiếp tục tham mưu, chuẩn bị cho chuyến công tác của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình tham gia đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu thăm chính thức Hung-ga-ry, Vương Quốc Anh và Cộng hòa Bun-ga-ri từ ngày 25/6 đến 07/7/2022.

* Nội vụ: Trong tuần, UBND tỉnh đã tổ chức làm việc với Thường trực Huyện ủy Bố Trạch, Minh Hóa để giải quyết các tuyến địa giới hành chính chưa thống nhất.

* Lao động – Thương binh và Xã hội: Trong tuần, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và Kế hoạch tổ chức Lễ khánh thành Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tại trọng điểm ATP - Đường 20 Quyết Thắng.

* Du lịch: Ngành Du lịch đang triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức Diễn đàn hợp tác phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội với các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng với chủ đề “Hội tụ tinh hoa nâng tầm điểm đến” tại Nghệ An; chuẩn bị nội dung Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch và ký kết hợp tác phát triển du lịch tại TP.Hà Nội. Phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch các tỉnh Quảng Trị, Sơn La liên kết trao đổi hình ảnh điểm đến giữa các địa phương; phối hợp với Hiệp hội Du lịch đăng ký các doanh nghiệp tham gia Lễ hội ẩm thực Huế.

* Giáo dục và Đào tạo: Trong tuần, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chấm phúc khảo Kì thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 và duyệt tuyển sinh lớp 10 trường Trung học phổ thông Chuyên Võ Nguyên Giáp.

* Huyện Quảng Trạch: Ngày 24/6/2022, Công ty Cổ phần đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) tổ chức lễ khánh thành và chính thức đưa vào vận hành công trình Nhà máy nước sạch Quảng Châu. Dự án Nhà máy nước sạch Quảng Châu được khởi công vào tháng 9/2021 với tổng mức đầu tư hơn 193 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng DNP Quảng Bình - một đơn vị thành viên của DNP Water làm chủ đầu tư. Sau hơn 10 tháng thi công, Dự án đã hoàn thành kịp tiến độ bàn giao và chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 24/6/2022, mang đến nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn Quốc gia, bảo đảm cung cấp, an toàn cho hơn 90 nghìn người dân tại huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.

3. Về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:

Tiếp tục được giữ vững, ổn định. Nổi bật, trong tuần lực lượng công an đã phá chuyên án “622Đ”, triệt phá 03 đường dây đánh bạc bằng hình thức mua bán số lô, số đề liên quan 43 đối tượng với tổng số tiền giao dịch trong ngày  khoảng 1,5 tỷ đồng; Phòng PC02 phối hợp với phòng PA06, CA Đồng Hới bắt quả tang 01 vụ môi giới mại dâm, liên quan 06 đối tượng.

Trong tuần, xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông đường bộ, chết 02 người, bị thương 02 người (tăng 01 vụ, 02 người chết so với tuần trước), thiệt hại tài sản khoảng 45,5 triệu đồng).

4. Báo cáo tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, nhiệm vụ trọng tâm

* Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình:

- Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB):

+ Đoạn Nam Ròon - Quảng Phúc: Công tác cắm mốc GPMB cơ bản đã thực hiện xong; riêng đoạn qua thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch dài khoảng 500m chưa hoàn thành. Công tác lập bản đồ trích đo, chỉnh lý địa chính đã hoàn thành công tác đo đạc trên hiện trường và đã ký xác nhận được với 202/214 hộ dân bị ảnh hưởng.

+ Đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú: Công tác cắm mốc GPMB, lập bản đồ trích đo, chỉnh lý địa chính: đã hoàn thành 06/06 xã trên đoạn tuyến. Công tác kiểm đếm tài sản, áp giá, công khai phương án bồi thường: đã hoàn thành 05/06 xã (các xã: Đại Trạch, Trung Trạch, Đồng Trạch, Lý Trạch của huyện Bố Trạch và xã Quang Phú của thành phố Đồng Hới), còn 01 xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch chưa hoàn thành.

+ Đoạn Hà Trung - Mạch Nước: Công tác cắm mốc GPMB đã hoàn thành. Công tác lập bản đồ trích đo, chỉnh lý địa chính: đã hoàn thành 04/04 xã, gồm: xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Ngư Thủy Bắc và xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy). Công tác kiểm đếm tài sản, áp giá, công khai phương án bồi thường: đã hoàn thành 03/04 xã (xã Bảo Ninh của thành phố Đồng Hới, xã Hải Ninh của huyện Quảng Ninh và xã Ngư Thủy Bắc của huyện Lệ Thủy). Công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB đã hoàn thành 56.598m2/2,61km thuộc địa bàn xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.

- Công tác thi công xây lắp: Đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú (gói thầu Xây lắp 04) tại cầu Sông Dinh đã thi công hoàn thành mố M1, trụ T1, 05/05 cọc khoan nhồi trụ T2, 05/05 cọc khoan nhồi trụ T3, 03/05 cọc khoan nhồi trụ T4, 01/05 cọc khoan nhồi trụ T5, 03/05 cọc khoan nhồi trụ T6 và 12/35 phiến dầm I33m (tăng 01 trụ, 02 cọc và 02 dầm so với tuần trước); triển khai thi công cấu kiện đúc sẵn, đắp nền đường 1,2km. Đoạn Hà Trung - Hải Ninh (gói thầu Xây lắp 05) đang triển khai thi công phần đường đoạn 1,9km và thi cong xong bãi đúc dầm các cầu tại Km3+390 và Km5+100 (tăng 02 bãi đúc dầm so với tuần trước). Đoạn Hải Ninh - Mạch Nước (gói thầu Xây lắp 06): tại cầu Km30+576 đã thi công xong 05/05 cọc khoan nhồi mố M1, 03/03 cọc khoan nhồi trụ T1, 01/05 cọc khoan nhồi mố M2 và 05 phiến dầm; tại cầu Km28+671 đã thi công xong 05/05 cọc khoan nhồi mố M1 và 03/03 cọc khoan nhồi trụ T1 và 01/05 cọc khoan nhồi mố M2.

- Về tình hình giải ngân: Năm 2022, Dự án được bố trí kế hoạch vốn 964,547 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân được 230,225 tỷ đồng (tăng 355 triệu đồng so với tuần trước). Sở GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA khẩn trương hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán các hạng mục công việc đã thực hiện hoàn thành.

* Công tác phối hợp triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình:

- Về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng GPMB các địa phương và kế hoạch thực hiện: UBND các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và Hội đồng GPMB để triển khai thực hiện.

- Công tác bàn giao mốc GPMB: Đến nay, mốc GPMB đã được bàn giao với chiều dài L= 125,37km/125,86km (đạt 99,61%).

- Về bàn giao tim tuyến: Đã bàn giao tim tuyến toàn tuyến với tổng chiều dài L= 125,86km.

- Công tác trích đo, kiểm đếm tại thực địa đối với các đoạn đã bàn giao mốc GPMB: Đã thực hiện trích đo hoàn thành 108,2km/125,37km các đoạn đã được bàn giao mốc GPMB (đạt 85,98%) (tăng 11,75km so với tuần trước).

- Đối với các công trình xây dựng, cơi nới trong phạm vi dự án: Trong phạm vi dự án hiện còn 64 hộ có công trình xây dựng cơi nới; trong đó, Đoạn Vũng Áng - Bùng còn 50 hộ, Đoạn Bùng - Vạn Ninh còn 01 hộ và Đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ còn 14 hộ.

* Tình hình triển khai 09 dự án trọng điểm khởi công mới năm 2021: Trong tuần, có 01 dự án có tiến độ thực hiện, cụ thể:

(1) Dự án Đường Hồng Hóa - Yên Hóa - Quy Đạt, huyện Minh Hóa (giai đoạn 1): Hiện tại dự án đã ký hợp đồng giao thầu.

+ Công tác GPMB: đã hoàn thành công tác trích đo địa chính, thông báo thu hồi đất, định giá đất cụ thể, công khai giá đất cụ thể tại cơ sở phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cụ thể phục phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hiện tại đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cần thiết để phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng.

* Tình hình triển khai 15 dự án trọng điểm khởi công mới trong năm 2022: Trong tuần, có 04 dự án có tiến độ thực hiện, cụ thể:

(1) Dự án thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu:

+ Công tác lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi Đầu tư xây dựng: Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông - Bộ GTVT đang hoàn thiện ban hành văn bản thông báo Kết quả thẩm định dự án.

+ Thỏa thuận tĩnh không cầu với Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng: đã có văn bản lấy ý kiến, hiện đang chờ Cục Tác chiến xử lý.

- Về công tác GPMB:

+ Đang trình chỉ định thầu thực hiện công tác trích đo địa chính.

+ Đang hoàn thiện các thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

+ Họp lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án cầu Nhật lệ 3 và đường 2 đầu cầu: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì họp và đã có Báo cáo số 355/BC-MTTQ-BTT ngày 27/5/2022 tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư khu vực dự án.

+ Tổ chức bàn giao các mốc GPMB công trình Cầu Nhật Lệ 3 cho các cơ quan, đơn vị liên quan,

(2) Tuyến đường kết nối từ đường ven biển đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, huyện Bố Trạch: Đang chấm thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp

Công tác GPMB: đang tiến hành trích đo địa chính  phục vụ công tác thu hồi đất, GPMB dự án

(3) Sửa chữa nâng cấp các hồ đập xung yếu tỉnh Quảng Bình

- Dự án thành phần 1: Sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn đập Khe Dỗi, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa: Hiện chủ đầu tư đang tổ chức thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán theo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt.

+ Công tác GPMB: Đã trình UBND tỉnh thẩm định để có cơ sở trình Chính phủ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNTtham mưu và đang lấy ý kiến các Sở, ngành.

- Dự án thành phần 5: Sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Cửa Nghè, huyện Bố Trạch: Đang trình thẩm định hồ sơ Thiết kế bản vẽ thi công – dự toán.

- Công tác GPMB: Dự án không có đền bù giải phóng mặt bằng do nằm trong hành lang của công trình thủy lợi.

- Dự án thành phần 6: Sửa chữa, nâng cấp hồ Điều Gà và hồ Long Đại (hồ Trởm), huyện Quảng Ninh: Hiện đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện xây lắp.  Dự án không giải phóng mặt bằng

(4) Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình (CDC): Đang thực hiện các thủ tục để trình điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi. Về công tác GPMB: Đơn vị tư vấn đã thực hiện xong công tác trích đo và kiểm đếm. Đang thực hiện các thủ tục để chuyển mục đích sử dụng rừng.

[1] (Quảng Trạch 3.201/3.280ha, Quảng Ninh 3.060/3.300ha, Bố Trạch 2.194/2.300ha, Ba Đồn 2.186/2.100ha, Lệ Thủy 1.177/1.199ha, Tuyên Hóa 1.167/1.150ha, Đồng Hới 756/804ha, Minh Hoá 511/476ha)

[2] trong đó Chuột 82,5 ha (tuần trước 53,5 ha), tỷ lệ 2 - 3%; Rầy lưng trắng 70 ha (tuần trước 35 ha), mật độ rầy phổ biến 50 -100 con/m2.

[3] Tính đến ngày 14/6/2022, toàn tỉnh đã tiêm được 4.720/105.000 liều VDNC, đạt 4,5%KH; 35.627/105.000 liều LMLM, đạt 39,87%KH; 41.860/105.000 liều THT, đạt 39,87%KH; 22.210/130.000 liều DTL, đạt 17,08% KH; 712.100/2.250.000 liều CGC, đạt 31,65%KH; 15.491/65.000 liều Dại, đạt 23,83% KH.

Nguồn: Báo cáo số: 163/BC-UBND ngày 28/06/2022

More

05